Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

BÌNH YÊN CHO THỊ XÃ CAO NGUYÊN ghi chép của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




 Nhà thơ Hữu Chỉnh

                   Nguồn cội từ đâu Sông Tóc ơi!
                   Từ trong huyền thoại chảy ra đời.
Câu thơ viết lâu lắm rồi khi chưa thành lập thị xã Buôn Hồ, huyện còn mang tên Krông Búk, dịch nghĩa tiếng Kinh là dòng Sông Tóc, muốn nói về truyền thống tốt đẹp nối dài của Công an Buôn Hồ từ Krông Búk chuyển qua.
Trước đây Đội Cảnh sát điều tra sáp nhập với Đội Cảnh sát hình sự, mang tên chung là Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Sau này công việc càng nhiều, càng phức tạp, đòi hỏi chuyên sâu nên ngày 12.2.2015, Công an thị xã Buôn Hồ công bố thành lập cơ quan Cảnh sát điều tra gồm 4 đội, trong đó có Đội Điều tra tổng hợp mà tôi được tiếp xúc.
Hiện tại, Đội Điều tra tổng hợp (ĐTTH) có 12 biên chế. 1 người là thạc sĩ, 7 người đại học, 4 người có trình độ trung cấp. Làm việc với tôi có đủ các đồng chí lãnh đạo Đội ĐTTH đương nhiệm. Đội trưởng là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn cùng hai Phó đội trưởng là Thiếu tá Nguyễn Thế Công và Đại uý Nguyễn Thái Bình. Thẳng thắn trao đổi, qua ánh mắt cương nghị và cử chỉ dứt khoát, các anh tạo cho tôi ấn tượng tốt đẹp về tính trung thực, kiên quyết, không ngại khó ngại khổ của người chiến sĩ công an.
Chưa quên đâu thuở hàn vi khi mới sơ khai còn ở Krông Búk. Lúc bấy giờ còn gọi là Đội Điều tra xét hỏi, biên chế 7 người, làm việc tại hai phòng bằng gỗ, lợp tôn sơ sài. Trang bị là súng AK47, đi lại bằng xe đạp, có khi cả tuần mới về cơ quan. Fulrô còn lẩn quất trong các buôn làng, đe doạ tính mạng mọi người. Thêm vào đó là bệnh sốt rét hoành hành. Vượt lên tất cả, các chiến sĩ vẫn bám sát địa bàn, gắn bó với đồng bào để kịp thời phát hiện tình huống, đề xuất với lãnh đạo xử lý kịp thời các vụ việc.
Mười năm nay, Buôn Hồ thành thị xã nhưng vẫn giữ truyền thống khi còn chung tên là Krông Búk.
Hiện thị xã Buôn Hồ có 22.670 hộ với trên 111.300 nhân khẩu, 20 dân tộc anh em chung sống ở 7 phường, 5 xã trên diện tích 28.205,89 ha. Đây là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự của tỉnh, tệ nạn xã hội diễn ra nhức nhối.

Khi mới thành lập thị xã, cơ quan Cảnh sát điều tra đã gặp ngay vụ án giết người man rợ, dã man làm chấn động các phương tiện thông tin truyền thông cả nước. Vụ án xảy ra vào ngày 11.5.2010. Kẻ sát nhân là Lê Văn Vui. Tên Vui sinh năm 1986, là kẻ thuê ki ốt bán rượu cạnh nhà anh Đỗ Thành Quang, tổ dân phố 5, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Vốn quen biết, hiểu được điều kiện kinh tế gia đình anh Quang nên tên Vui có mưu đồ thâm hiểm. Tên Vui rủ cháu Đỗ Quang Huy, con anh Quang mới 9 tuổi và cháu Nguyễn Hữu Duy Thức mới 8 tuổi là hàng xóm, ra khu B nghĩa trang liệt sỹ chơi trò bịt mắt bắt dê, trói hai cháu rồi dùng gạch đá sát hại cả hai. Sau đó Vui về mua một sim điện thoại rồi nhắn tin cho anh Quang mang 800 triệu đồng ở nhiều địa điểm khác nhau để chuộc con về. Đã giết người rồi vẫn đòi tiền chuộc quả là tàn độc. Nhưng dã man chưa dừng ở đó, tên Vui còn mang can xăng đốt xác hai cháu, lấy một cánh tay của một cháu để phía sau Điện lực Buôn Hồ, tiếp tục nhắn tin đòi tiền chuộc. Đến 10 giờ ngày 12.5.2010, chưa đến một ngày đêm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an thị xã Buôn Hồ phối hợp với PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp Lê Văn Vui. Hiện Vui đã bị tử hình. Nếu có thật 18 tầng địa ngục thì tên Vui phải ở tầng cuối cùng, không bao giờ được siêu thoát vì tội ác gây nên. Cha mẹ hắn đặt tên cho hắn là Vui nhưng kết quả lại buồn. Và tôi cũng mong sao, phường An Lạc không còn vụ án hình sự nào để mãi mãi bình yên, vui vẻ như tên phường: An Lạc là yên vui!

Mấy năm gần đây, có loại tội phạm tha hoá về đạo đức, lối sống. Ngày 14.3.2015, vừa ăn cơm tối xong, tên Lê Bảo Tân xin tiền và mượn xe mô tô của mẹ là Nguyễn Thị Ngợi ở thôn 8, xã Pơng Đrang, Krông Búk đi uống cà phê. Có ý định hiếp dâm nên cho xe đi vào đoạn đường vắng thuộc thôn Tân Lập, xã Ea Blang, Buôn Hồ. Phát hiện cháu N.T.D. sinh năm 2000 ở thôn Tân Hoà, xã Tân Lập, Krông Búk đi xe gắn máy cùng chiều, Tân cho xe vượt lên, ép đổ xe cháu D. và rút chìa khoá xe của cháu. Cháu D. bỏ chạy, kêu cứu. Tân đuổi theo, dùng tay kẹp cổ rồi lôi cháu vào bụi cây cỏ bên đường, dùng tay trái bịt miệng, tay phải cởi quần của cháu rồi của mình để thực hiện hành vi giao cấu. May cho cháu D. được ông Nguyễn Văn Đạo, bà Lê Thị Nga cùng mấy cháu ở thôn Tân Lập phát hiện xe máy của cháu D. nên kịp thời cứu giúp. Tên Tân lên xe chạy trốn còn đe doạ cháu D.: không được nói với ai!
Tuy vụ hiếp dâm không thành nhưng hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh những thanh niên sống buông thả, có thể phạm pháp bất cử lúc nào.
Sau gần 7 tháng vụ án hiếp dâm không thành, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Buôn Hồ lại tiếp nhận vụ án giết người cướp của. Thủ phạm là Cao Văn Chiến sinh năm 1995 ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết. Ngày 02.10.2015, sau khi đi ăn giỗ về, Chiến đi qua tiệm tạp hoá của bà Phùng Thị Bộ ở tổ dân phố 6, phường Thiện An, thấy vắng vẻ, chỉ có một mình bà Bộ nên muốn thực hiện hành vi tội ác.
Chiến cho xe rẽ vào đường hẻm, mở cốp xe lấy con dao Thái Lan giấu vào tay áo rồi điều khiển xe đến quán của bà Bộ. Chiến giả vờ hỏi mua chai nước Numberone. Khi bà Bộ quay lưng lấy chai nước thì Chiến đâm vào lưng bà. Chiến đâm tiếp nhát thứ hai vào vùng bụng bà. Bà chống cự và kêu cứu thì Chiến bịt miệng bà, tay phải đấm liên tiếp vào đầu và tiếp tục dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người bà Bộ. Bà Bộ chống cự quyết liệt, sợ bị phát hiện nên Chiến lên xe tẩu thoát còn bà Bộ được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Chiến bỏ trốn đến tỉnh Đắk Nông nhưng Đội ĐTTH đã xác định được đối tượng, tổ chức truy tìm, chốt chặn, động viên gia đình vận động Chiến đầu thú nên ngày 03.10.2015 Chiến đã đầu thú, khai nhận toàn bộ nội dung sự việc với mục đích giết người cướp của. Khi phạm tội, Chiến mới tròn 20 tuổi, mà đã sẵn âm mưu (chuẩn bị dao trong cốp xe) và hành động tàn bạo (đâm liên tiếp vào người, đấm liên tiếp vào đầu bà Bộ). Trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên là của toàn xã hội nhưng trước hết là gia đình và bản thân tự rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, không phạm pháp.
Năm 2016 có một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn. Ngày 04.4.2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Buôn Hồ nhận tin báo có xác chết tại cầu Tràn thôn 6B, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Công an Buôn Hồ phối hợp với PC45 Công an tỉnh xác lập chuyên án vì đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Trang sinh năm 2003 ở thôn Ea Cung, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc. Cháu đi học về bằng xe đạp, cách nhà khoảng 500m, đường vắng vẻ, cháu Trang gặp một xe mô tô đi ngược chiều của Nông Văn Thực, sinh năm 1995, ở thôn Đoàn Kết 2, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, chở Nông Văn Phóng, sinh năm 1998, ở thôn 6A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Thực và Phóng nảy sinh ý định hiếp dâm nên chặn cháu Trang lại, dùng gậy gỗ đánh vào đầu cho cháu ngất đi rồi bế cháu vào rẫy cà phê bên đường. Cháu Trang tỉnh dậy, chống cự nên bị đánh chết khi mới 13 tuổi. Vụ án phức tạp vì nạn nhân là người ở huyện Krông Pắc, xác bị để ở Buôn Hồ. Còn hai kẻ sát nhân thì một ở Ea Kar, một ở Buôn Hồ. Ngày 04.6.2016, sau hai tháng mới bắt giữ được hai đối tượng, ngoài Công an Buôn Hồ còn có sự phối hợp của PC45 và Công an huyện Krông Pắc. Vụ án khép lại nhưng điều nhức nhối thì còn đó. Cháu Trang chết vì hai tên côn đồ còn rất trẻ. Tên Thực mới 21 tuổi, còn Phóng mới 18 tuổi.
Trong chiến công chung của tập thể Đội ĐTTH, có sự đóng góp của nhiều người, không thể không nhắc đến một số điển hình tiêu biểu, trong số đó có Đội trưởng – Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn.
Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1979, quê ở Nghi Công, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1982 gia đình từ Buôn Triết chuyển về Buôn Hồ, học Trung cấp Cảnh sát, năm 2000 về Ea H’leo, năm 2003 học Đại học, năm 2012 học thạc sĩ. Là người giàu nghị lực, không ngừng vươn lên trong học tập và công tác. Vợ là Đoàn Thị Vân Anh làm ở Đội Quản lý hành chính Công an Buôn Hồ, có hai con trai đang học lớp 1 và lớp chồi. Vợ làm hành chính nên cũng thuận lợi giúp đỡ cho chồng yên tâm việc nhà, để chuyên lo công tác. Anh đã có 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 3 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 8 lần nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ, Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Bên cạnh Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tuấn là Phó đội trưởng – Thiếu tá Nguyễn Thế Công sinh năm 1978. Thân sinh của anh là người lính Cụ Hồ, đảm bảo cho lòng trung thành với lý tưởng cách mạng. Năm 2004 học xong Trung cấp Cảnh sát được phân công về Buôn Hồ. Năm 2009 học Đại học Cảnh sát tại chức. Vợ là cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Yến, dạy ở Trường Tiểu học Kim Đồng – Buôn Hồ, đã có hai con trai sinh năm 2009 và 2012.
Thành tích của Nguyễn Thế Công thật đáng nể: 12 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ tặng 5 Giấy khen, Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Một người Phó đội trưởng nữa là Đại uý Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1984 quê gốc ở An Quý, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Có lẽ khi đặt tên muốn mang truyền thống quê hương để xây dựng quê mới thêm giàu đẹp. Anh học Đại học Cảnh sát còn vợ học Đại học An ninh, cùng làm việc ở Công an Buôn Hồ. Họ tên đầy đủ của chị là Nguyễn Thị Tuấn Anh, sinh năm 1985. Anh chị có hai con. Cháu trai đang học lớp hai, cháu gái chưa đầy 3 tuổi.
Về công tác tại Buôn Hồ mới từ năm 2011 nhưng thành tích đã được ghi nhận: 5 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhận 2 Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ. Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba.
Đầu năm 2016, tình hình trộm cắp tài sản xảy ra thường xuyên, trước tình hình bất ổn, Công an Buôn Hồ xác lập chuyên án mang bí số TO516. Ban chỉ đạo gồm 7 người, gồm cả lãnh đạo Công an thị xã, Trưởng Công an là Đại tá Cao Văn Cảnh – Trưởng ban. Hai Phó ban là Phó trưởng Công an: Đại tá Bùi Đức Quang, Trung tá Trần Quang Vinh... làm rõ 24 vụ trộm cắp tài sản, khởi tố 13 đối tượng và xử lý hành chính 3 đối tượng còn nhỏ tuổi, thu hổi tài sản trị giá 145.000.000 đồng. Hai đối tượng điển hình là Nguyễn Tấn Cường và Lê Ngọc Huân đều ở phường Bình Tân, Buôn Hồ.
Thời gian gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn chuyển biến tốt đẹp, không có án hình sự, chỉ còn vài vụ trộm lặt vặt, gây gổ đánh nhau giảm dần. Đây là tín hiệu vui của Buôn Hồ mà công đầu thuộc về lực lượng Công an.
Một việc mà tôi quan tâm nên cuối buổi làm việc với Đội ĐTTH mới hỏi đến là tội phạm mua bán ma tuý. Các anh cho biết: Toàn thị xã còn 45 người nghiện, không hoặc chưa phát hiện tụ điểm mua bán. Nguồn ma tuý bán lẻ trên địa bàn là từ Buôn Ma Thuột, Krông Búk chuyển qua. Tôi thất vọng vì tưởng đi vào đề tài nóng, nguyên nhân của nhiều loại tội phạm sẽ có bài “hot”, ra tấm ra miếng. Thất vọng mà lại vui mở cờ ở trong lòng. Mừng cho Buôn Hồ, không có tụ điểm ma tuý lớn, giảm nhiều loại tội phạm ăn theo để cuộc sống bình yên.
Đợt đi thực tế sáng tác này, tôi càng trân trọng, yêu quý người chiến sĩ công an. Đại tá Cao Văn Cảnh – Trưởng Công an nghỉ phép nên tôi ít gặp. Thường xuyên sắp xếp, bố trí làm việc là Phó trưởng Công an thị xã – Trung tá Trần Quang Vinh, trực tiếp lãnh đạo khối điều tra. Anh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an. Vợ anh là Đại uý Phan Thị Thuý Hằng – Phó đội trưởng Đội Tổng hợp, cũng đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an. Cả anh chị đều là điển hình tiên tiến. Tôi biết nhưng không đi sâu để khỏi trùng lặp với những cây viết khác.
Rời Buôn Hồ lòng còn lưu luyến, cảm ơn Công an Buôn Hồ giúp tôi hiểu và thêm yêu những người chiến sĩ giữ bình yên cho mỗi buôn làng. Có một chi tiết ngoài lề là tôi ở cùng nhạc sĩ Sĩ Hùng phòng 306 khách sạn Buôn Hồ, ngã ba đi Krông Năng. Năm xưa nơi này là cái chợ bùn đất ẩm thấp thì nay nhà cửa, hàng quán nguy nga. Sĩ Hùng có người bạn tên là Út làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, đã bỏ nhiều công tìm hiểu lịch sử Buôn Hồ. Tôi có nói với anh Út mình từng là giáo viên Văn – Sử nên xin anh tập nghiên cứu đó.
Thức đêm đọc tài liệu, càng yêu truyền thống anh hùng của Buôn Hồ, ngày xa Buôn Hồ có bài thơ Buôn Hồ suy cảm, tôi đọc tặng ngay tại hội trường, có hồi nhớ lại mấy địa điểm anh hùng:
                   Yên bình thế mà xao động thế
                   Một buôn Tring đất nhuộm máu hồng
                   Một Hà Lan bạn còn nằm rải rác
                   H4 anh hùng thêm nhớ Tư Cung...
Buôn Hồ ơi, nhớ lắm! Cầu mong sự bình yên cho thị xã cao nguyên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI