Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT





TIẾNG VỌNG TRƯỜNG SA
Truyện ngắn



Đêm mưa lạnh, nỗi nhớ chồng ào về xoáy sâu vào mọi ngõ ngách trong tận cùng tâm khảm Thảo. Cô nhìn sang giường bên, bà Hòa cũng đang trằn trọc và liên hồi hắt ra những tiếng thở dài như tiếng sấm rền làm tim Thảo thêm nhói nhức. Rồi bà dậy, lom khom bước đến bàn thờ, bàn tay xương xẩu run run thắp nén hương trước di ảnh của chồng và con. Bao nỗi niềm thương nhớ giờ chỉ biết gửi vào khói hương, đôi vai gầy run lên bần bật, răng cắn chặt vào môi cố không để tiếng nấc cất lên thành tiếng vì sợ đánh thức con dâu mình. Thảo ôm lấy mẹ, thấy được nỗi đau đang rần rần chảy trong huyết quản của mẹ. Bà Hòa nhìn Thảo, lòng quặn lại vì thương cô thật nhiều, đứa con tuy bà không dứt ruột đẻ ra nhưng được bà đưa về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn, giờ đây đã trở thành dâu của bà đã sớm trở thành góa bụa. Giọng bà ngàn ngạt sau cái khăn mặt: “Mẹ con mình đã làm gì nên tội mà ông trời nỡ bắt hai mẹ con sống mà còn đau đớn hơn vạn lần cái chết”. Từng lời bà nói đốn tay chân Thảo rụng rời, chồng mất, tim cô như vỡ tan ra  hàng trăm mảnh nhưng cô không cho phép mình nhỏ những giọt nước mắt đau thương để đốt cháy thêm lòng mẹ. Cô phải để nỗi đau lặn vào nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn để làm chỗ dựa cho mẹ, một người đàn bà phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát trong cuộc đời.
Chồng của bà Hòa là một chiến sĩ hải quân, cả cuộc đời gắn bó với biển, chiến đấu với kẻ thù ông không hề chùn bước. Ông luôn phải xa gia đình. Tuổi xuân của bà là những ngày tháng phải chịu cảnh biền biệt nhớ nhung, vò võ nuôi con một mình. Ông hy sinh trong một trận chiến không cân sức với kẻ thù ở Gạc Ma. Bà gục ngã trong lễ truy điệu ông. Nhưng rồi nhìn con thơ đang sợ hãi khóc ngặt bên mẹ, bà đã gượng đứng dậy vượt qua những mất mát đau thương để nuôi con. Thời gian trôi qua, nhìn hai đứa trẻ không chung dòng máu, suốt ngày quấn quýt bên nhau, bà như được an ủi phần nào. Bà Hòa phập phồng lo sợ khi thấy trong những trò chơi của con, Đăng luôn đóng vai chiến sĩ hải quân và diễn lại cảnh chiến đấu của cha mình năm xưa, mỗi lần kết thúc trò chơi cậu lại ngã xuống như bị trúng thương và hô to: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Bà sợ con sau này sẽ nối nghiệp cha nên hướng cho con trò chơi bác sỹ hay thầy giáo hoặc bán hàng, cậu nằng nặc không chịu: “Mẹ ơi! Sau này con sẽ trở thành một chiến sĩ để bảo vệ biển”. Đăng luôn tự hào với bạn bè, cha mình là một trong những chiến sĩ tạo nên “Vòng tròn bất tử” để bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma năm 1988. Mỗi lần ngắm nhìn những kỷ vật mà cha để lại sau những lần về phép, đó là những con ốc biển, cậu lặng người vì  xúc động. Đối với cậu, những vỏ ốc ấy đã trở thành vật thiêng, cậu nói với mọi người, linh hồn của cha đang ở trong ấy nên cha đã cho cậu nghe mọi âm thanh của biển.
Tuổi thơ đi qua, Đăng và Thảo lớn lên, tình cảm dành cho nhau không đơn thuần là tình anh em mà là sự gắn bó của một tình yêu. Bà Hòa cũng vui mừng ngầm ủng hộ, khi con bé Thảo được bà nuôi lớn sắp trở thành dâu bà.
Bà Hòa run rẩy khi nghe Đăng nói rằng, con muốn trở thành cảnh sát biển. Bà đã khóc lóc, van nài dùng mọi lời để níu giữ bước chân con. Trước nỗi lòng của mẹ, Đăng băn khoăn lắm nhưng tình yêu biển đã ngấm sâu vào máu thịt của anh. Hơn nữa, máu của cha anh đã hòa vào biển nên Đăng với biển như có sợi dây vô hình ràng buộc. Thảo biết Đăng nặng tình với biển, cô đã thuyết phục mẹ đồng ý cho anh mãn nguyện với ước mơ của mình. Bà Hòa miễn cưỡng gật đầu trước sự quyết tâm của con. Sau đợt phép thứ hai, Đăng và Thảo thành vợ chồng trong sự vun vén của bà Hòa. Bà mừng vì đã có được người con dâu ngoan hiền như Thảo, bởi bà biết sự thiệt thòi của một người phụ nữ khi chồng luôn phải vắng nhà biền biệt, người phụ nữ ấy phải có sự chịu đựng, giàu lòng hy sinh và Thảo đã thừa hưởng những đức tính ấy từ bà.
Mỗi lần nghỉ phép được về bên mẹ và vợ, Đăng lại say sưa kể về cuộc sống của lính biển nơi đầu sóng ngọn gió và sự vi diệu của biển cứ thay đổi qua từng khắc từng giờ. Đăng cứ vô tư kể mà không biết được nỗi lo luôn đè nặng trong tâm can của mẹ. Bà Hòa sợ một ngày nào đó con trai cũng giống như chồng ra đi mãi không về. Sau mỗi lần tiễn chồng đi, Thảo cầu mong nơi phía bình minh đang lên, chồng cô luôn được chân cứng đá mềm.
Mấy hôm nay, bà Hòa và Thảo như ngồi trên đống lửa khi xem thời sự thấy tình hình bất ổn trên biển Đông. Bọn chúng đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai mẹ con luôn túc trực bên màn hình ti vi để theo dõi tin tức mà lòng ai cũng như bị lửa đốt, kiến bò. Ngày ngày, bà thắp hương khấn vái xin linh hồn chồng đem lại sự bình yên cho con trai.
Cái ngày định mệnh ấy cũng đến, đồng đội báo tin Đăng bị thương và rơi xuống biển rồi mất tích trong một lần tàu ta va chạm với tàu kẻ thù. Bà Hòa như điên dại trước tin Đăng đã hy sinh. Còn nỗi đau nào hơn khi bên ngôi mộ gió của chồng giờ lại đắp thêm ngôi mộ gió của con trai, bà như cùng kiệt trong nỗi đau khi nghĩ đến thân xác chồng và con đang nằm dưới lòng biển sâu. Ngày ngày, đứng trước hai ngôi mộ gió, bà lại khóc ngất, nước mắt xối xả lẫn vào mênh mông cát. Những buổi chiều, gió từ biển thổi phần phật vào những bẹ dừa khô, tay cầm tấm ảnh của chồng và con, bà nhìn về biển bằng ánh mắt vô hồn, sự bi thương cứ xô dạt trên gương mặt héo úa. Thấu được nỗi đau đang cắn xé lòng mẹ, Thảo dằn lòng để nỗi đau chạy ngược vào tim, cô luôn bên cạnh an ủi và chăm sóc mong ngăn bớt những dòng nước tràn ra từ hốc mắt thăm thẳm canh thâu của mẹ. Thảo biết mẹ như ngọn đèn leo lét trước gió, chỉ cần một ngọn gió nhỏ cũng sẽ làm cho ngọn đèn kia vụt tắt nên cô phải làm tấm bình phong thật kín để che chắn.
Hàng ngày dù mưa hay nắng, cứ chập choạng tối, Thảo lại ra biển nhìn về khơi xa thảng thốt ngóng trông chồng. Bởi trong tận cùng nỗi đau, cô vẫn cố bấu víu vào niềm tin có một phép màu sẽ đưa chồng mình quay về. Niềm tin đó giống như một thứ năng lượng hàng ngày cô nạp vào để có thể tiếp tục sống. Như con dã tràng dệt đầy hy vọng, cô luôn tin rằng khi nào biển còn là anh vẫn luôn bên cô. Cứ đêm rằm, mồng một, cô lại đem lễ vật ra bờ biển thành kính cầu nguyện xin hải thần che chở cho Đăng. Thảo thẩn thờ mỗi khi nhớ lại những giây phút hai vợ chồng bên nhau, nước mắt lại ướt đẫm. Người ta nói, xa mặt cách lòng nhưng lửa tình cứ ngùn ngụt trong lòng người vợ trẻ dù đã qua ba mùa tê tái.
***
Th..ảo…ơi! Tiếng Đăng trầm ấm như sóng vỗ trong buổi bình minh đang gọi cô. Tiếng gọi lúc gần, lúc xa nghe da diết quá. Đúng rồi là tiếng của Đăng, cô đi như gió cuốn mây bay về phía có tiếng gọi ấy. Trên cao, vầng trăng sũng ướt tình tứ nhìn người đàn bà đang cõng đêm đi tìm bóng chồng trong cõi huyễn hoặc. Ánh trăng không ngừng phả vào cô những dịu dàng, những khao khát. Cô chạy đến mỏi nhừ, mệt lả nhưng bóng Đăng cứ xa khuất, cô với theo trong hơi thở mệt nhọc: “Anh à, chờ em với. Đừng chơi trò trốn tìm với em nữa, em sẽ không đuổi kịp đâu”. Chồng của cô đang đứng ở đằng kia rồi, cô lao vào chồng như một cơn lốc: “Anh đây rồi, đừng bỏ em mà đi nữa”. Tiếng nói lạc đi, tiếng tủi hờn của bao thương nhớ. Thảo đằm mình trong vòng tay của chồng mà rên mà xiết, Đăng đưa cô chìm vào miên man cảm xúc… Tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại, người cô nóng ran như đang lên cơn sốt. Cơn mơ cứ tiếp diễn từng đêm đã vắt kiệt tinh thần và sức lực khiến cô ngày càng xanh xao, phờ phạc, đôi mắt thâm quầng.
Bà Hòa lo lắng khi nhìn thấy Thảo như cái cây không nước, cơ thể gầy quắt queo như con mực được nắng. Bà ngược xuôi tìm thầy chạy chữa đủ loại thuốc thang nhưng bệnh tình Thảo không giảm. Người làng nói, chắc Thảo bị phần âm làm tình làm tội. Bà lại tất tả mời thầy cúng, Thảo miễn cưỡng làm theo những lời bà dặn. Trước mâm lễ, thầy cúng lầm rầm khấn: “Lạy trời, lạy phật…Cầu mong ơn trên chứng giám cho lòng thành gia chủ”. Rồi thầy quay sang bà Hòa: “Để chứng tỏ lòng thành của mình, bà phải tự mình cầu nguyện trước các chư vị”. Sau ba lần vái, bà lại khấn: “Con xin bốn phương trời, mười phương phật phù hộ độ trì cho đứa con dâu bất hạnh sớm được khỏi bệnh, con nguyện lấy tuổi thọ của mình để đổi lấy sức khỏe cho con dâu”.  Nghe xong, Thảo òa lên nức nở: “Không, xin mẹ đừng làm thế”. Nói rồi, cô vụt đứng dậy, bà Hòa nói như van lơn: “Con vì mẹ mà làm cho xong buổi lễ”. Thảo ôm chầm lấy mẹ mà thổn thức: Bằng mọi giá con sẽ vì mẹ mà bình phục, mẹ đừng làm như vậy con đau lòng lắm, cuộc sống của con sẽ không có ý nghĩa nếu không còn mẹ trên đời”. Hai người đàn bà ghì chặt nhau, bà Hòa nghẹn ngào: “Mẹ con mình nương tựa nhau mà sống nha con”. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc, bóng in trên vách như hai hòn vọng phu đang lo lắng và xót thương cho số phận của nhau.
Một tháng sau, Thảo bình phục hẳn nhưng nỗi cô đơn cứ len lỏi trong đôi mắt nặng trĩu mây mù. Hai người đàn bà cứ vì nhau vượt qua những tháng ngày cô quạnh.
***
Cả làng đón Đăng như một vị anh hùng, ai cũng dành cho anh những tình cảm dào dạt. Sau những vòng tay ôm nhau thật chặt với những lời thăm hỏi dồn dập. Đăng kể lại quãng thời gian đã trải qua trước khi trở về từ cõi chết, anh được bọn cướp biển cứu khi tưởng chừng như không còn một chút sức lực để chống chọi với đại dương mênh mông sóng gió. Anh sống cùng chúng giữa đảo hoang, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát dưới họng súng của chúng. Đăng được thả ra sau hơn ba năm giam giữ, khi bọn chúng bị dịch sốt xuất huyết, anh đã dùng những bát nước nhọ nồi để chữa khỏi bệnh cho chúng. Bà Hòa và Thảo, khóc rồi cười, cười rồi lại khóc. Khóc trước hạnh phúc quá lớn, nước mắt, nụ cười cả ba người dành cho nhau trong ngày hội ngộ như một cuộc lên đồng của niềm vui và hạnh phúc. Bà Hòa như được hồi sinh khi cái tuổi xế chiều được gặp lại đứa con tưởng chừng mất đi mãi mãi.
Đêm đầu tiên đoàn viên giữa niềm vui đong đầy, trong đôi mắt Thảo lộ nỗi hoang mang. Đăng ôm vợ trong tay như ôm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, quá khứ lẫn hiện tại. Anh muốn ôm cô thật chặt như một sự gắn kết rằng từ nay sẽ luôn bên nhau trọn đời. Đăng muốn quện vào vợ đến tận cùng của đắm say nhưng mỗi lần anh muốn cùng cô tan vào nhau, Thảo lại co rúm người và nức nở khóc, tiếng khóc ẩn chìm bao day dứt làm Đăng ngơ ngác. Đăng đã nhiều lần hỏi Thảo nhưng sau mỗi câu hỏi là những dòng nước mắt không ngừng tuôn rơi. Đăng đành thả nỗi băn khoăn vào những làn khói thuốc mờ ảo. Đêm đêm, cô nằm bên chồng, nghe trái tim anh đập mạnh, vẫy vùng giữa những cồn cào của cơn khát đã chất lên tâm hồn cô những dày vò, cô nằm co quắp ngậm cơn đau mà thấy lòng bỏng giẫy. Ngày ngày, Thảo cúi mặt lảng tránh ánh mắt mòn mỏi của mẹ chồng nhìn vào bụng cô mong đợi. Thảo yêu chồng và thương mẹ nhưng cô làm được gì bản năng làm vợ, khả năng làm mẹ không còn? Tình yêu thương ấy không cho phép cô được ích kỷ, cô phải chọn cách ra đi để anh đừng vì cô mà khổ đau hay luyến tiếc. Rồi Đăng sẽ tìm được người thay thế và người ấy sẽ đem đến cho anh một hạnh phúc trọn vẹn. Thảo nhìn ra màn đêm đang giăng những nét trầm buồn mà lòng chênh vênh quá, cô sụt sùi nước mắt: “Lạy mẹ con đi. Em đi để anh không phải đau khổ vì có một người vợ không thể đem lại hạnh phúc cho anh”. Cô ngoái lại nhìn ngôi nhà thân thương lần cuối. Tiếng gà đã văng vẳng gáy sáng, cô tự nhủ, phải nhanh chân lên không được do dự, chỉ sợ chậm một giây là cô sẽ thay đổi ý định. Nhưng sao bước chân nặng quá,  mỗi bước đi cô thấy đất dưới chân mình như vụn vỡ, tim cô đang run rẩy và rỉ máu. Thảo biết, trái tim mong manh của mình sẽ tan ra khi phải xa người đàn ông mà cô yêu thương sâu đậm. Nhưng cô vì mẹ và phải nghĩ cho Đăng mà không được chùn bước. Cô lao nhanh về phía trước, sau lưng chỉ còn là một màn hư ảo, đầy đặc sương.
Đăng lặng người khi đọc lá thư của Thảo nói rằng, những ngày anh biền biệt không tin tức, cô đã nặng lòng yêu một người khác, cô và người ấy ra đi tìm hạnh phúc và mong anh sớm tìm cho mình một người như ý để đồng hành cùng anh trên con đường hạnh phúc, cô còn tỉ mỉ dặn Đăng những lối sinh hoạt và bệnh lý của mẹ, nhờ anh thay cô chăm sóc bà. Ở dưới lá thư là một tờ đơn ly hôn đã có chữ ký của cô. Đăng thấy nghi hoặc khi ánh mắt và những việc làm của cô hàng ngày vẫn dành cho anh một tình yêu đong đầy. Nhưng vì sao cô lại luôn lảng tránh vòng tay anh? Nếu không phải vì cô đã dành tình cảm với người khác thì vì lý do gì? Bao câu hỏi đặt ra nhưng anh không thể lý giải được. Rồi anh nghe người trong làng nói, cậu Hoành đầu xóm cũng đột nhiên bỏ đi cùng ngày với Thảo, có người còn thấy, cậu ta chở Thảo đi trong đêm ấy. Đăng ngờ vực, rồi cũng phải tạm tin như thế cho lòng mình bớt chênh chao. Lòng anh rối như tơ vò khi chiều chiều mẹ thơ thẩn ngoài ngõ ngóng chờ Thảo về, rồi bà lại quay vào nhà, lấy khăn chấm những giọt nước mắt cứ tới tấp tràn ra từ hốc mắt già nua. Ngày tháng chầm chậm trôi qua, Thảo đi đã để lại khoảng trống rỗng sâu thẳm trong lòng bà Hòa và Đăng.
Bà Hòa mất trong một cơn đột quỵ vì bà không chịu được nỗi đoạn trường cứ tới tấp giáng xuống đầu mình. Hôm này là bốn mươi chín ngày của mẹ, Đăng run run thắp nén hương và lòng thầm nghĩ, ở nơi xa ấy Thảo có biết mẹ mất mà không nhắm được mắt vì quá thương nhớ cô. Đăng thẫn thờ nhìn ra ngõ rồi nhìn lên bàn thờ cảm giác đau buồn trào lên. Bỗng có tiếng sang sảng như chuông vang lên ở sau: “Đây có phải nhà của cô Thảo không?”. Đăng quay lại thấy một ông già, dáng vẻ khoan thoai, râu và tóc của ông như chòm mây trắng đậu trên đầu. Nhìn qua, Đăng cũng biết ông là người của miền núi thẳm non cao. Đăng hồi hộp quá khi nghĩ chắc ông biết tin tức của Thảo. Sau một lúc hỏi han, Đăng kể lại nội dung bức thư của Thảo để lại trước lúc cô ra đi. Nghe xong, ông nhìn lên trời mà than rằng: “Ta đã hại con rồi”. Cái dáng dấp như gió dạt mây xô của Thảo trong ngày cô đến gặp ông hiện lên mồn một.
Cách đây mấy năm, khi cơ thể kiệt quệ không còn một chút sinh khí, Thảo đến tìm ông. Sau khi bắt mạch và nghe cô kể về giấc mơ của mình lặp lại từng đêm, ông liền nói: Bệnh từ tâm, tâm không ổn bởi từ chữ dục mà thành…”. Nghe xong, cô đã xin ông cho cô loại thuốc diệt dục vĩnh viễn. Ông từ chối mặc cho bao lời năn nỉ của cô. Ông nói, ông chỉ dùng thuốc chữa bệnh, không dùng thuốc để hủy diệt. Cô liền quỳ xuống cầu xin ông: “Xin thầy rủ lòng thương, con biết chồng con sẽ không bao giờ quay về nữa. Thầy ơi! Con vẫn luôn dối lòng mình rằng, anh ấy sẽ quay về, bởi như vậy con mới có thể tiếp tục sống để làm điểm tựa cho mẹ. Những giấc mơ ái ân làm cho con kiệt quệ, không đủ sức lo cho mẹ trong tuổi xế chiều”. Giọng của ông nhẹ và sâu như tiếng gió giữa đại ngàn: “Con có biết, sau khi uống đoạn dục thang, con sẽ không được làm một người phụ nữ thực thụ và vĩnh viễn không còn khả năng sinh nở”. Trước sự quyết tâm của Thảo, ông đành miễn cưỡng đưa thuốc cho cô. Cũng từ đó, lòng ông không yên, luôn có sự day dứt. Hôm nay, trong lòng ông như có ai lôi, ai kéo, cứ thúc dục bắt ông phải đi tìm Thảo. 
Choáng váng với chuyện vừa nghe, Đăng gục xuống bàn, nước mắt đầm đìa. Đăng ngước nhìn lên bàn thờ, đôi mắt mẹ đang nhìn như xuyên nỗi đau của anh. Hôm nay là bốn mươi chín ngày của mẹ, phải chăng mẹ muốn giải nỗi oan cho Thảo. Đăng nấc từng cơn: “Mẹ ơi! Con biết làm sao đây”. Trái tim anh như đang bị trăm mũi kim đâm, toàn thân lạnh buốt. Đăng tự trách mình sao không hiểu được bao điều chìm nổi trong lòng người vợ thủy chung son sắt. Thảo đã vì anh mà chịu thiệt thòi nhiều quá. Vậy mà lâu nay, Đăng tưởng cô đang hạnh phúc một nơi nào đó. Đăng như điên dại hét lên: “Biết tìm em nơi đâu, Thảo ơi!”. Thầy lang liền đưa ba đồng xu trong túi ra gieo quẻ: “Ta có lời xin với âm dương, người ta muốn tìm đang ở nơi đâu…?  Đăng như lọt thỏm giữa những vòng tròn linh thiêng của đồng xu. Sau những tiếng lèng xèng phát ra, thầy như đang lạc vào một cõi mơ thực, ông thấy bóng của ni cô đang tỉ mẫn chăm sóc những đứa trẻ mồ côi tại một ngôi chùa nhỏ ẩn khuất trên núi.
Ráng chiều nhuộm cả sườn núi cheo leo, ánh hồng tràn qua cây bồ đề sừng sững trước cổng chùa. Gió khẽ lay động, những bông sứ trắng lìa cành rơi bên cạnh, không gian tịch mịch cô liêu, mùi hương trầm từ chính điện theo gió lan ra. Đăng đang đứng trước cổng tam quan, một sư già ra gặp và nói với anh.
Mô phật! Thí chủ từ đâu đến?
Đăng liền kể hết cảnh đời đau thương để sư bà thấu hiểu. Nghe xong sự bà vào trong trai phòng, một lát sau quay ra và nói: “Thu đã qua, lá vàng rụng hết những úa tàn, hãy để mùa đông xóa hết những vấn vương của một thời đã cũ. Người thí chủ cần tìm đã cắt đứt với bụi trần, quên hết chuyện nhân gian, tìm lãng quên nơi cửa thiền, lấy việc chăm sóc trẻ côi cút làm niềm vui. Người ấy xin thí chủ đừng nhớ đến quá khứ vì cứ nhớ đến thì hiện tại sẽ không được an lạc. Hãy vững tâm bước vào cuộc đời mới phía trước mới có thể làm lành vết thương trong lòng, có làm được như vậy người ấy mãn nguyện lắm”.

Đăng rơi vào nỗi tuyệt vọng. Trong lúc này, anh không thể nghĩ được gì cả, dường như sự đau đớn cùng cực là tất cả đối với Đăng. Toàn thân Đăng tê cứng, máu ngừng chảy. Khi tâm trí như đang rơi vào mơ thực, Đăng thấy có một bàn tay rất ấm đến nắm lấy tay mình, anh ngước lên: “Là cha đó ư”. Người đàn ông mỉm cười: “Cha sẽ đưa con đến một nơi để con biết sau khi đến nơi đó mình cần phải làm gì”. Đăng thấy mình nhẹ bẫng khi đi theo cha, chợt ông dừng lại và chỉ xuống dưới, Đăng thấy mặt biển lấp loáng trong ánh hoàng hôn, những ngư dân áo đẫm mồ hôi đang buông lưới. Nhưng sao trong đôi mắt họ lại thấp thỏm sự lo âu mỗi khi nhìn xung quanh, Đăng chợt thấy có một cái lưỡi bò cứ lan ra như muốn nuốt chửng cả biển khơi. Đăng lo lắng nhìn cha thấy trong đôi mắt ông như muốn nói rằng: “Hãy ngăn chặn cái lưỡi bò ấy”, rồi ông hóa thành một chú hải âu trắng bay đi mất. Đang chìm trong mộng mị, bỗng tiếng chuông chùa thánh thót rót vào không gian từng âm thanh trầm lắng, Đăng thảng thốt trở về hiện tại. Nhìn vô ngôi chùa lần cuối, Đăng như đang thì thầm với Thảo: “anh sẽ sống xứng đáng với tấm lòng của em”. Đăng bước đi mà nghe tiếng sóng Trường Sa đang dào dạt vỗ.

"BÍ MẬT CỦA H'LOAN" Cuốn sách hé lộ những huyền bí của núi rừng Tây Nguyên

http://imgs.vietnamnet.vn/logo.gif

“Bí mật của H'Loan” có thể xem là một "cánh cửa nhỏ" mở ra thế giới Tây Nguyên, dành cho bạn đọc thiếu nhi.
Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với biết bao truyền thuyết huyền bí, bao phong tục tập quán thú vị, từ lâu đã là vùng đất màu mỡ cho văn học. Và “Bí mật của H'Loan” có thể xem là một "cánh cửa nhỏ" mở ra thế giới Tây Nguyên, dành cho bạn đọc thiếu nhi, trong bối cảnh với bao vận động, đổi thay, chuyển biến trong thời đại mới hôm nay.
Vùng đất Tây Nguyên dưới ngòi bút miêu tả chân thực của Nguyễn Hồng Chiến, hiện lên đầy sảng khoái và đậm chất phiêu lưu. Chắc chắn độc giả sẽ hào hứng với cách lấy mật ong rừng sao cho không bị chích, cách "ruốc" cá bằng vỏ cây rừng, hay bắt con dúi trong hang. Nghe chuyện con gấu say mật bị người kéo đi, hay biết cách đuổi con mang, con hoẵng phá hoại cây màu? “Bí mật của H'Loan” đầy ắp các chi tiết sinh hoạt thú vị của trẻ em Ê Đê, vốn sống gắn bó và hòa hợp, tôn trọng thiên nhiên - lối sống vẫn được gìn giữ bao đời nay.
Nhưng nhân vật của tập truyện không chỉ có trẻ em dân tộc. Đó còn là những cô bé, cậu bé miền xuôi lần đầu lên Tây Nguyên, bỡ ngỡ và tìm cách học hỏi cách sống giữa rừng giữa núi. Từ những đứa trẻ "thiếu nắng", chúng trở nên năng động, háo hức, khỏe mạnh khi được không khí vùng cao bồi bổ. Đó còn là những cô giáo, thầy giáo người Kinh, không ngại khó khăn đến với thiếu nhi dân tộc, và được đáp lại bằng tình cảm yêu thương trong sáng cùng những kỉ niệm khó quên.
Cuộc sống nơi núi rừng nắng gió không dễ dàng. “Bí mật của H'Loan” còn khắc họa chân thực những khó khăn, nhọc nhằn, của trẻ em dân tộc. Những đứa trẻ mặt sạm nâu vì nắng gió, thiếu cơm ăn áo mặc, vất vả tìm cách đến trường. Nhưng qua đó, ước mơ trong ngần, tình yêu thương, gắn bó, và sức sống mãnh liệt của các em hiện lên đẹp đẽ.
Phảng phất trong các truyện là không gian mờ sương của những truyền thuyết huyền bí. Những truyện ngắn Con khỉ trả ơn, Chúa rừng nổi giận, Truyền thuyết Chư Pal đã thể hiện được quan niệm của người dân tộc về lành dữ, thiện ác, nhân quả. Qua đó, người đọc hiểu thêm về đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
12 truyện ngắn trong “Bí mật của H'Loan” có thể xem là một đóng góp của nhà văn Hồng Chiến trong việc đưa núi rừng Tây Nguyên trở lại trong đời sống văn học nói riêng, và nhận thức cộng đồng nói chung. Với lối viết giản dị, đầy trải nghiệm, ý thức truyền tải văn hóa rõ nét, Nguyễn Hồng Chiến mang đến một tác phẩm thú vị với thiếu nhi, và giá trị với người lớn.
Tình Lê

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

THẦN BIỂN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN



Chiếc thuyền cao tốc rời đảo Bình Ba hướng mũi về phía tây lao vun vút, thỉnh thoảng con thuyền như bay khỏi mặt nước khi chạm vào một ngọn sóng. Mọi người nắm chặt thành ghế vì sợ bị bay xuống biển. Tóc tai ai cũng bay ngược lại phía sau. Trời ngả sang chiều, mưa lất phất bay, những hạt mưa đám mây thoáng qua làm mặt biển tối lại. Bỗng như có ai đang thúc cái gì đó vào tai tôi. Tôi quay lại thấy cu Pin một tay giữ thành ghế, một tay cố áp sát vỏ ốc vào tai tôi, nhưng vì thuyền chạy nhanh quá không làm sao đặt vào tai tôi được. Nhìn vẻ mặt của cu Pin tỏ ra hết sức nghiêm trọng, tôi đỡ con ốc đặt vào tai và nghe được âm thanh như một trận cuồng phong từ trong vỏ ốc phát ra.
          - Tiếng của biển cả đấy!
          Nghe tôi nói, mắt cu Pin sáng lên rồi vội vã lấy lại con ốc, nắm chặt trong tay như sợ nó bay đi mất. Mẹ cu Pin ngồi bên cạnh nhắc:
          -Bám chắc vào không bay xuống biển bây giờ.
          Mặt cu Pin thoáng một chút buồn nhưng rồi ngồi ngay ngắn lại, hơi quay đầu qua tôi, khẽ nháy mắt. Bỗng nhiên con thuyền chạy chậm dần, rồi tiếng máy nghe chỉ còn kêu nho nhỏ: lục bục, lục bục... Thuyền dừng lại. Phụ thuyền rồi lái thuyền chạy cả về phía sau để xem bộ phận chân vịt có vấn đề gì không. Được dịp, cu Pin quay qua tôi, nói nhỏ:
          - Bác ơi, sao con ốc của cháu lại có tiếng gió ầm ầm trong ấy?
          - À, tại con ốc sống dưới đáy đại dương ở biển xa tít mù ngoài khơi nên trong mình nó đựng được tất cả sóng biển và bão tố. Khi chết trôi giạt vào bờ vẫn mang theo âm thanh ấy đấy. Thôi trả nó lại biển đi.
          Ông họa sỹ làm thư ký tòa soạn ngồi hàng trước quay xuống góp chuyện, Cu Pin phụng phịu:
          - Cháu nhặt được mà!
          - Đấy, tại cái vỏ ốc của thần biển cháu mang về đất liền nên bây giờ thuyền của chúng ta mới chết máy đây. Không khéo tối nay ngủ trên biển, nhịn đói luôn.
          Ông họa sỹ buông lời đe dọa làm cu Pin tái mặt quay qua hỏi tôi:
          - Thật vậy không bác?
          - Ông ấy trêu cháu đấy, bao nhiêu người đi cùng có ai nhặt được vỏ ốc đâu, chỉ mình cháu có thôi. Kỷ niệm một lần đi biển, quý lắm đấy.
          - Kỷ niệm ạ, thế thì cháu được tặng quà rồi!
          - Đúng, đó là quà của thần biển, cháu giữ cẩn thận làm kỷ niệm nhé,
          - Dạ, quà của thần biển!
          Cu Pin reo lên rồi bỏ con ốc vào túi quần, hai tay nắm thành ghế, đôi mắt hướng ra biển như tư lự điều gì. Mấy bạn đi cùng với cu Pin tranh thủ lúc thuyền hỏng nô đùa ầm ĩ. Có bé còn reo lên: “Tàu ngầm kia kìa!” rồi cả bọn lại nhao nhao lên chỉ về phía bắc, nơi có những chiếc tàu chiến neo đậu xa xa.
*
**
Nhân dịp mùng một tháng sáu cu Pin được theo mẹ đi cùng các bạn đều là con của các cô chú công tác trong tòa soạn đi thám hiểm đảo Bình Ba. Chiều hôm qua trong lúc tắm biển, không biết may mắn thế nào cu Pin mò được vỏ ốc bên một tảng đá nửa nổi, nửa chìm dưới làn nước biển. Vỏ ốc chỉ lớn hơn ngón chân cái người lớn một chút, màu đất; nhưng trong miệng ốc có mấy cái vân rất đẹp. Cu Pin mừng húm như bắt được vàng vội chạy đi khoe với mọi người. Lũ bạn đi cùng cũng đua nhau đi mò nhưng không ai có may mắn ấy cả, vì thế cu Pin tự hào lắm. Giờ lại phát hiện điều kỳ lạ: khi đưa vỏ ốc lên tai nghe được cả tiếng gọi của đại dương, thật hãnh diện.
Nhìn gương mặt ngây thơ của cậu bé vừa học xong lớp ba được theo mẹ đi thăm đảo lần đầu, trở về như lớn lên mấy tuổi, thật mừng. Một chiếc thuyền cao tốc khác chạy đến trợ giúp, đón khách qua tiếp tục hành trình. Trước khi qua thuyền mới, cu Pin hỏi tôi:
-Bác ơi, có phải tại vỏ ốc của cháu mà tàu chết máy không?
- Không phải đâu, máy thuyền này chạy nhiều nên nó bị hỏng thôi. Ta qua thuyền kia nó vẫn chạy bình thường thôi cháu ạ.
*
**
Lên ô tô, mọi người đề nghị tắt điều hòa, mở cửa sổ để đón khí trời. Xe chạy một đoạn, cu Pin rút ốc ra áp vào tai, khuôn mặt tươi tỉnh hẳn lên, quay sang tôi khoe:
- Con ốc vẫn kêu bác ạ.
Tôi đón con ốc đặt vào tai một lúc rồi trả lại, bảo:
- Nó đang hát đấy, hát về cuộc sống bí hiểm của đại dương đang cần người khám phá.
- A, ốc hát hả bác? Đúng rồi, nó biết hát, tiếng hát của thần biển.
- Không những hát mà còn đang kể chuyện về bí mật của đại dương đấy, cháu nghe rõ không?
Ông họa sỹ ngồi phía sau lại nhô hẳn người lên ghế trước góp lời, cu Pin tỏ ra ngạc nhiên, hỏi lại:
- Sao cháu nghe mà không hiểu gì cả?
- Kém thì nghe sao được điều bí ẩn ấy, phải học giỏi ra ngoài đó khám phá mới hiểu được cái vỏ ốc này nói gì.
- Lớn lên cháu sẽ đi thám hiểm đại dương.
Cu Pin trả lời dứt khoát làm mọi người cùng cười, tôi bảo:
- Ý tưởng hay, nhưng muốn đi thám hiểm thì hơi khó khăn đấy, không biết cu Pin có làm được không?
- Chăm học và ngoan chứ gì, cháu làm được.
- Cháu trả lời hay quá, cháu nghĩ ra hay hay nghe ai dạy?
- Bố cháu đấy. Bố nói muốn làm được việc tốt phải chăm học và ngoan từ bây giờ, mai một lớn lên mới giúp ích cho xã hội.
- Ô, cháu lớn trước tuổi thật rồi.
*
**
Gần 23 giờ đêm, chuông điện thoại reo, nhấc máy nghe bố cu Pin nói:
-Em xin lỗi bác vì gọi vào lúc này, nhưng cu nhà em về nhà không chịu ngủ, nhất định xin được nói chuyện với bác. Em hỏi chuyện gì, cháu cũng không chịu nói. Bác giúp em với.
- Không có gì, đưa máy cho cháu.
Tiếng cu Pin hổn hển:
- Bác ơi, con ốc, c ...on ố ...c...! 
- Con ốc làm sao, cháu bình tỉnh nói rõ cho bác nghe nào.
- N... ó ch ...ết r ...ồi!
- Sao cháu biết nó chết?
- N ...ó kh ...ông k ...êu n...ữa!
- Cháu nhầm rồi, nó ngủ đấy.
- Thật hả bác, làm sao đánh thức nó dậy?
- Nhà có quạt không? Bật quạt lên cháu đứng trước quạt, đặt ốc lên tai thì nó sẽ thức dậy. Cháu thử xem nào!
- Dạ!
*
**
Một lúc sau, điện thoại reo, tiếng cu Pin ríu rít:
- Cháu cảm ơn bác, nó sống lại thật rồi, nhưng hình như nó muốn ngủ nên tiếng nhỏ lắm.
- Ừ, cũng như cháu khuya rồi phải ngủ, khi nào rỗi hãy nói chuyện với nó.
- A, cháu biết rồi, xa biển nên nó cần có gió mới thức dậy được.
- Đúng rồi, nhưng cháu còn nhớ mình đã hứa lớn lên sẽ làm gì không?
- Dạ, nhà thám hiểm đại dương.
- Đúng rồi, để làm được điều đó thì cháu phải làm gì?
- Dạ, cháu hiểu rồi ạ.
- Cháu hiểu điều gì?
- Chăm học và nghe lời người lớn ạ. Cháu chào bác cháu đi ngủ đây.
- Giỏi. Chúc cháu ngủ ngon!
Cu Pin lên giường, đặt vỏ ốc lên gối cạnh đầu rồi chìm dần vào giấc ngủ. Không biết cu cậu có mơ thấy gì không mà miệng nở nụ cười rất tươi. Ngoài sân, trời đầy sao, gió vi vu thổi như điệu sóng vỗ lên bãi cát, nhẹ dần, nhẹ dần…

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả HUỲNH THẠCH THẢO


MƯA ĐANG TRÔI QUA SÔNG
Truyện ngắn

Già Tư đang chập chờn trong giấc ngủ nhưng vẫn nghe tiếng gió thổi ràn rạt ngoài liếp cửa. Độ này gió chưa nhiều nhưng cũng đã gần hết mùa, cái gió luôn réo rắt bắt người ta cứ da diết một cái gì đấy, thường qua đi từ lâu rồi đột ngột nhớ lại. Ừ lạ, mỗi lần gió đổ trên sông là nỗi nhớ lại đong đầy và quặn thắt như bóp nghẹt trái tim ủ sau lồng ngực. Ngủ không được già Tư trở mình ngồi dậy, tiện tay đẩy liếp cửa sổ đan bằng lá dừa đều tăm tắp. Nó ấm sực vào mùa gió và mát rượu vào mùa hè chang chang nắng đổ nhưng khi lũ về thì tất thảy bị chìm ngập vào làn nước và ông lại cần mẫn, cặm cụi làm cái mới.
Chiều vàng hanh, nắng đổ vệt dài qua đám cỏ mật kề túp lều trước doi cát cong cong hình vành nón, nhánh phụ lưu vắt ngang cho một dòng chảy nhỏ lấp lánh quanh đám cỏ lau cùng những con chim mỏ nhác đang chấp chới đôi cánh mỏng. Đột ngột cả bầy đồng loạt lao vút khi có bóngc chiếc xuồng từ xa chếch mũi tấp vào chỗ già Tư cùng câu nói vọng đến:
-Chú Tư, cỏ tốt dữ, mới cắt đợt trước chưa quá hai tuần giờ xanh rì.
Già Tư nheo mắt nhìn ra bãi, tiếng Sáu cà lết vừa neo xuồng vừa gọi tới. Ông bước ra cửa nhìn vạt cỏ, nhìn dáng khập khiễng của Sáu đi vào và như mọi lần, ông nhìn ra sông, nắng đang trải dài.
-Đận nầy cắt sát gốc để dưỡng cỏ, tao nghi năm nay có lũ về sớm.
Sáu cà lết gật đầu khi nghe già Tư nói. Nước về là trắng bờ, cuồn cuộn chảy cả tháng trời. Những túp lều của người trồng cỏ cho dân nuôi bò đàn, bò cày và cả bò sữa tất tần tật tháo dỡ trở về đợi lũ qua, nước ròng cạn mới quay lại trồng mùa cỏ mới. Sáu cà lết đặt nhẹ túi ni lông lên chiếc chõng tre dưới giàn mướp trổ vài nụ vàng rồi cười bảo:
-Anh Bửu bảo cháu gửi biếu chú Tư, mua tận ngoài Hà Nội đấy!
-Lại bày vẽ, nói nó sang tao làm vài ly có hơn không.
Nói vậy, nhưng già Tư vẫn cười và vẫn nheo mắt nhìn sông. Xa mờ trên kia là dãy núi ông Tượng, nơi ấy trong những hốc đá rộng rãi ẩn dưới tán cây rừng cách đây hơn ba mươi năm là căn cứ huyện đội, nơi có trung đội đặc công của ông. Thằng Phong, thằng Bửu, thằng Hòa và cả thằng Sáu cà lết… cái thằng tật nguyền với chiếc xe đạp cà tàng bán cà rem, chiếc ná cao su móc trước ghi đông xe đi rong ruổi khắp xóm. Chẳng biết nó lang thang thế nào mà lọt vào khu đồi mọc đầy hoa mua kề đường lộ lúc bọn ông vừa đặt chân đến chờ đêm xuống áp vào lô cốt địch. Nó khóc lóc van vỉ, xin tha tội vì mải mê bắn chim gáy nên lọt vào. Không còn cách nào khác, ông bảo thằng Phong ở lại bên nó kẻo lộ rồi tính sau. Đêm ấy, thằng Chiến không có Phong hỗ trợ phía nam nên bị bọn Nam Hàn đốn ngã lúc vượt rào. Cũng không biết Phong nói sao mà Sáu cà lết vứt vội thùng kem chảy nước lẫn chiếc xe đạp tàng để xin theo. Lên cứ nó lại ti tỉ khóc vì nhớ mẹ, sợ ma mỗi khi rừng chiều đổ bóng. Lại thằng Phong phải nhát cọp cho nín. Sàu cà lết là đứa nhỏ nhất nhưng là đứa lanh lợi dù có đôi chân chấm phẩy.
*
- Mình ngồi ngoài này cho mát nghe chú?
Già Tư quay lại nhìn Sáu cà lết đang lui cui bày trên mặt chõng tre chai rượu thuốc, xâu nem lúc bầy chim mỏ nhác đã quay lại nghiêng cánh đậu trên doi cát. Ông bảo:
-Mày nhớ nhắn lũ thằng Tâm ra gom cỏ
Sáu rót rượu ra ly đưa sang ông rồi gật đầu:
-Tối nay con sẽ qua đó, sẵn tiện bảo bọn thằng Xu cho người gom sạn kẻo lũ về trôi sạch.
Ông nhấp rượu, cay cay thơm nồng đượm mùi cỏ gai, cỏ mật, lẫn trong cảm giác ngọt dịu của củ thiên môn, đăng đắng của dây hà thủ ô mọc nhiều ngoài doi cát. Túp lều trông cỏ nằm trên đoạn ễnh cong của dòng phụ lưu nên bao quát một vùng sông nước, mênh mông nắng gió lẫn sương khói. Bọn thằng Sơn, tốp đãi sạn mỗi chiều dong buồm trở về đổ sạn đều ghé lại ngồi trên chiếc chõng tre, xin ông ly rượu cho giãn gân cốt sau một ngày lặn mò phía thềm đá trải. Bọn nó không kêu ông là già Tư như Sáu cà lết mà gọi “ông già hoài niệm” vì những gì bọn chúng trông thấy, nghe kể đều mang một vẻ hoài niệm gì đấy. Từ căn lều lợp tranh, vách che lá dừa nằm trên doi cát đến vật dụng cần thiết, cả cách ăn mặc hay câu chuyện ông kể từ thời bọn nó nằm trong bụng mẹ. Nhưng đặc biệt hơn cả, ly rượu của ông luôn toát ra mùi hương hoa cỏ đất này. Mỗi sáng tinh mơ dong thuyền ngang qua túp lều, thằng Sơn tốp trưởng đều chụm tay gọi lớn “Ông ơi! Khi con xuôi dòng ông cho ly rượu hoài niệm nhé ông!” trong khói sương bảng lảng lành lạnh.
-Thằng Bửu ra Hà Nội họp gì lâu vậy Sáu?
-Dạ, nghe nói đợt này Quốc hội họp hơn tháng, sẵn tiện ảnh đưa vợ theo để khám bệnh. À, trong gói quà có hộp sâm để chú ngâm rượu.
-Nó gửi làm gì, bọn thằng Sơn cũng hết mùa lấy sạn, đâu ghé nữa- Già Tư ngước nhìn bầy cò đang chao cánh qua sông.
Cỏ cũng đã sang mùa, sạn cũng hết trôi sông, ông lại phải về làng. Nơi ấy, trong vòng cung lũy tre xanh có căn nhà ngói đỏ. Người vợ gá nghĩa vì sự trống vắng của cả hai tất tả giũ chiếu mền; mở vội cánh cửa sổ nhìn ra khoảng sân rộng, có bụi chuối cùng ang nước quen thuộc đặt dưới gốc khế cụt ngọn; thêm cái vẫy đuôi của con Vện là hết.
Chiều dần sẫm tối, già Tư nhìn mông lung ra xa. Thuyền vắng, mặt sông gờn gợn hơi nước, bóng chim phía xa cũng hối hả bay về chân núi. Tý nữa thôi, dưới xa kia nơi chiếc cầu bê tông nối hai bờ cong dài như vành mi thiếu nữ sẽ lấp lánh ánh điện.
- Thôi, con về chú nhé, sáng mai con qua sớm.
Sáu cà lết rót thêm rượu vào ly cho ông trước khi vào lều thắp ngọn đèn dầu. Già Tư bảo:
- Cơm buổi trưa hãy còn, đừng nấu. Mày đem gói quà về cho mấy đứa nhỏ, hộp sâm đưa qua cho bả chứ tao giữ làm gì.
Sáu cà lết im lặng nhưng lúc đặt chân lên bãi cát lại quay vào nói nhỏ:
- Quà ấy để dành ngày giỗ chị Quyên, còn hơn tuần nữa. Bữa ấy, mấy anh sẽ đến và đưa chú về nhà thăm thím.
Ly rượu trên tay già Tư sóng sánh, ông có cảm giác mát lạnh nơi kẽ ngón lẫn vế đùi trong không gian cô đặc màu chiều. Ông cúi đầu không dõi theo bóng Sáu cà lết tháo dây để quay mũi xuồng mà ông quay sang hướng núi xa mờ. Nhắc đến Quyên, hay nghe ai nói tên Quyên, ngực ông buốt nhói như có vật gì đè nặng. Nặng hơn nhiều khi nghe tin thằng Chiến ngã xuống bên rào thép gai Mỹ rồi thằng Hạ, thằng Hòa, thằng Dũng cũng hy sinh. Đau hơn nhiều khi nghe tin thằng Phong phải ra toà và vào vòng lao lý vì tội tham ô. Như có cảm giác vào buổi sáng ngày đầu giải phóng quê nhà, nhìn lại trung đội lúc mới thành lập đến giờ chỉ còn có sáu người khi áp sát vào cổng tòa hành chánh Ngụy. Bỏ lại phía sau niềm hân hoan tột cùng, cả bọn kéo nhau ra khúc sông mênh mông có đoạn ễnh cong này để ôm nhau khóc. Ba thằng trẻ buông súng nắm lấy sách vở đi học, một thằng sang làm chủ tịch xã, Sáu cà lết tìm về gia đình thì mẹ đã chết trong một trận càn nên theo ông về làng. Còn Quyên, cô gái ấy cũng vĩnh viễn nằm lại trên dòng sông Ba có nhiều phụ lưu mà đâu hề biết rằng, vào ngày cờ hoa rực đỏ có người đàn ông trong trang phục màu cỏ úa tất tả đi dọc các triền cát, soi xa, soi gần mà réo gọi tên cô trong gió lộng thổi tràn trề.
*
Bóng tối tràn đầy trên mặt sông sóng vỗ ì oạp mang theo cái lạnh cuối mùa gió. Già Tư đầu cúi gục trong suy tưởng: Hơn mười năm ở cứ, hơn ba mươi năm về lại quê nhà, từ một chàng trai vâm váp, nụ cười rộng mở nhưng không cản nổi dòng thời gian đã thành một kẻ già nua, cũ kỹ. Ông nhớ, cứ mỗi chiều từ cứ nhìn xuống đồng bằng, nơi có soi cát làng ông, những dải cát vàng óng vào mùa gió nam cồ hung hãn kéo cát bay phủ trên dải sông trong văn vắt. Những ngọn gió mát lạnh dịu ngọt thổi suốt qua thời tuổi thơ, thổi vào lòng ông một cô nhỏ tóc đuôi gà bên rào hàng xóm cùng những đêm trăng sáng và tất cả đảo lộn khi căn cứ pháo binh Mỹ đóng ở núi Sầm dội vào làng những vầng lửa đỏ. Những ngôi mộ lần lượt mọc lên, trong ấy, có cô nhỏ bên rào. Những mảng ruộng dần hoang hóa và thây người trôi trên sông. Ông đi, mang theo một ước mơ duy nhất là về lại chốn quê để được đặt chân lên con đường làng cũ, hòa vào ngọn gió mát lành của dòng sông, cánh đồng, soi xa, soi gần đầy dịu ngọt ấy.
Cái đận cả trung đội đặc công quần đùi, áo cánh thuộc lòng trên sa bàn cách đánh vào ngọn đồi nhỏ kề sông Bến Lội, nơi đặt giàn pháo ca nông 105 ly của Ngụy. Không phải đánh thẳng vào hướng chính canh gác cẩn mật mà phía có triền dốc thoai thoải cùng nhiều bụi gai sát ba lớp rào kẽm gai chăng đầy mìn. Người áp sát để điều nghiên cách mở rào thật nhanh cho đồng đội lao vào sẽ là ông, sẽ đối mặt với đèn pha quét sáng, các ánh mắt dõi qua ống nhòm của bọn lính canh trên các lô cốt sẵn sàng nhả đạn và cả đại đội Nam Hàn bao bọc vòng ngoài phía gành đá để bảo vệ. Nhưng ai sẽ đưa ông xuống tận nơi, nằm trong hầm bí mật vài ngày để tận mắt theo dõi các hoạt động? Huyện đội bảo đợi. Hai ngày, ba ngày rồi sang ngày kế tiếp; cả trung đội ngáp dài chờ gọi tên vào tốp đánh rủ nhau ra suối mò cá. Nghĩ chán, đợi mỏi ông cũng ra ngách gộp đá bao phủ dây rừng để nhìn về đồng bằng thì đụng phải Ba Hoàng, huyện đội phó, sau lưng Ba Hoàng thấp thoáng bóng cô gái trong bộ đồ nâu sẫm trời chiều.
Đó là Quyên.
*
“Anh xuống hầm để em đậy nắp”. Quyên cười khúc khích trong đêm khuya đầy ánh sao trời.
Căn hầm bí mật nằm cạnh bờ tre sát mé sông Bến Lội tiện cho việc quan sát. Đang vào hè, nhưng cả triền sông cỏ vẫn mọc xanh rì như tấm thảm đến tận miệng hầm dù chói chang nắng, dù lơ thơ giữa dòng từng vạt cỏ lau xác xơ đơm hoa trắng. Trước khi bóng tối tràn ngập chỉ còn kẽ hở, ông kịp nhìn Quyên, cô gái có đôi mắt to long lanh nhìn ông cùng hơi thở nhẹ.
“Tắm vừa thôi kẻo bệnh”, Quyên lại bảo khi trời đã khuya cô ra mở nắp hầm mang theo một mùi hương nhẹ thoảng. Cả ngày dù ông chú ý ghi nhớ cặn kẽ mọi hoạt động trong đồn nhưng ông vẫn ngửi được hơi cỏ, nhắm nháp vị đăng đắng từ các cọng rễ mọc lan theo vách đất; cảm nhận được từng ngọn gió mát của đồng bằng đầy trong trẻo, nghe được tiếng chim dồng dộc đầu đội chóp vàng đóng tổ tận đọt tre cao ríu ran sáng chiều. Hơi thở của đồng bằng thoáng đãng bao bọc lúc ông thả người trôi trên dòng nước đậm phù sa, ngửa mình nằm trên thảm cỏ để nhìn sao trời lấp lánh và cả bóng Quyên, đang ngồi im lặng trong màn sương phủ mờ.
Một ông sao sáng…Hai ông sáng sao… Ba ông sao sáng…Ông đếm như lúc nhỏ từng nằm trên chõng tre cạnh mẹ ngoài sân đêm hè. “Vào ăn cơm đi anh, người gì mà như con nít”, tiếng Quyên cười chao nhẹ trong gió.
“Giải phóng xong, anh Tư định làm gì?” Quyên hỏi rồi cúi đầu để tóc che lấp khuôn mặt.
“Bờ sông làng tôi rộng lắm, tôi sẽ trồng thật nhiều mướp soi để…” , ông im lặng nhìn Quyên.
“Để làm gì anh Tư?”
“Cho Quyên ra chợ…”. Đó là câu nói đầu tiên trong đời ông đùa với một người con gái.
“Không, em nghĩ khác là anh… phải trồng cỏ”
“Chi vây?”
“ Để anh làm nệm nằm đếm sao trời”
Ông bật cười.
“Gà gáy rồi, xuống hầm nghe anh , em phải vào lo việc ngày mai”
Cả hai đứng lên, dưới vòm sao có vầng trăng khuyết, ông thấy một thân hình thon thả và lại có một mùi hương trôi trong gió thoảng. Cú vấp nhẹ khi Quyên va phải gốc tre chìa ngang lối và bàn tay dịu mát vội nắm lấy tay ông.
“ Cẩn thận nghe anh Tư”
Ông gật và nhìn Quyên, ánh mắt nhìn thật dễ chịu, lại cảm nhận một mùi hương thật nhẹ trước khi rời khỏi bụi gai mắt mèo toài người lăn xuống khe suối cạn của đêm đầu tiên ấp vào hàng rào thép gai Mỹ. Sáng lắm, sáng cả khu vực bởi hai ngọn đèn pha quét chéo goc. Sau lô cốt số 1, số 2, số 3 để yểm trợ nếu bị tập kích là khoảng sân lô nhô thùng sắt Conex chắn đạn, sau đấy mới là nơi đặt các khẩu pháo. Cơ sở vẽ đúng và sa bàn thật chỉnh. Ông xoay người bám vào bụi cỏ Mỹ mọc sát mép rào để nhao xuống thì đạp phải viên đá nằm chìa sát mép suối khiến ông bật ngửa. Ba giây sau, tràng đại liên rít toang toác, lừ lừ đạn lửa tạt ngang, ông co người nằm lặng.
“Có sao không anh?”, tiếng nấc của Quyên.
“Còn nguyên chưa rách chỗ nào!”.
Đó là khi ông quay ra, lâu lắm vì sợ Nam Hàn phục phía ngoài. Lúc đến bụi gai mắt mèo, ông nghĩ Quyên đã rút. Nhưng có một mùi hương nhẹ thoảng, rất nhẹ mà ông cảm nhận được rồi bóng người nhao đến cuộn lấy ông.
“Mai kia hòa bình anh về làm gì?”, Quyên lại hỏi lần nữa.
“Sang sông rủ một người theo mình về trồng cỏ ngồi đợi trăng lên”.
“Nằm chứ, nằm thích hơn”.
“Ừ, thì nằm”.
Lại tiếng cười khẽ trong gió lúc hai người ra khỏi khu vực đồi pháo binh để về triền cỏ sát căn hầm bí mật, Quyên nép gần ông hơn.
“Còn Quyên, lúc ngừng tiếng súng có về…”.
“Em sẽ về với một người hơi ngớ ngẩn nhưng đáng yêu. Mỗi tuần nấu một lần canh mướp để khỏi quên ngày nào ở hầm!”.
“Thế cha mẹ Quyên?”.
“Em phải trả mẹ về bên cha chứ, gần mười lăm năm kẻ Nam người Bắc rồi”.
Ông chợt nhớ lời của Ba Hoàng: Cha Quyên đi tập kết, lần này khi nhổ xong đồn pháo binh phải đưa Quyên lên cứ tránh sự truy lùng của địch và nếu được, sẽ theo đường dây ra Bắc.
“Xong trận này, Quyên xin thoát ly thì nấu canh mướp dài dài”.
“Rồi nhé, không được Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ đấy!”.
Cái ngoéo tay và cơ thể con gái áp sát, mùi hương lần này gần hơn, đến thấm đượm môi ông ngọt dịu.
“Người Quyên có mùi thơm lạ”.
“Em gội đầu bằng lá dứa vì thích. Nó cũng là loài cỏ thôi mà”.
“Sao không gội bồ kết?”.
“Mùi thơm ấy sẽ đượm lâu, lan xa. Địch phục kích thì phát hiện liền”.
Đêm cuối cùng trước khi ông quay lên cứ. Cả hai ngồi trên vệ cỏ sát bờ sông, gió vẫn miên man thổi tóc Quyên vờn nhẹ qua người cùng mùi hương dìu dịu. Rất lâu, hai người vẫn lặng yên không nói.
“Anh sẽ đón em trên ấy chứ?”.
“Ừ đón”.
“Anh có bảo bọc em không?”.
“Cả trung đội chứ đâu riêng gì anh”.
“Nhưng anh là của em, em phải dạy anh thành người lớn, ông con nít ạ!”. 
Ông choàng tay ôm gọn người Quyên, Quyên nép sâu hơn và cả hai ngã người trên cỏ. Nụ hôn vội vàng, bàn tay ông vuốt nhẹ qua tóc, trườn qua vai, sâu xuống và xuống nữa để ông dần cảm nhận thì Quyên khẽ oằn người rời khỏi tay ông.
“Ta đi kẻo trễ, giờ đến ngã ba sông thì trời dần sáng. Em còn phải quay lại kẻo gặp lính đi phục về chặn đường”.
Trận đánh của đội đặc công diễn ra chớp nhoáng nhằm tránh pháo ca nông Núi Sầm yểm trợ và bọn lính đổ đến. Cái khó nhất là vào nhanh tránh thương vong khi đèn pha liên tục quét sáng. Lúc ở hầm ông nghĩ mãi và đêm cuối, người mở cách cho ông, lại là Quyên. Khi ôm túi mìn lao sát hàng rào kẽm gai, đợi hai luồng sáng va vào nhau thường là lúc địch ít dõi theo nhất vì chúng lo định hướng luồng sáng của mình. Ông đã thành công trong tiếng bùng vỡ, nháo nhào, sôi réo sùng sục. Con đường mòn lúc ông đi qua lần trước thì ngắn, giờ như dài hẳn ra khi tất cả tuôn về dưới pháo sáng treo lơ lửng cho kịp đến triền sông Bến Lội. Nơi sẽ có anh em trong trung đội đợi tiếp ứng. Vậy mà ông vẫn phải để Hiên nằm lại trên hàng kẽm gai với Giang gục cạnh lô cốt số 3. Vượt sông, đạp qua trảng tranh thì những vầng lửa đỏ của pháo nối đuôi nhau chặn đường. Từ gộp đá đầu tiên ngăn cách giữa rừng núi và đồng bằng, ông đưa mắt nhìn về sông Bến Lội, Quyên đang làm gi? Mùi hương nhẹ thoảng đã đón ông cùng mọi người lúc sẫm tối với bàn tay nắm lấy vội vã, nụ hôn trôi qua nhanh, lời thì thầm chen trong tiếng côn trùng và Quyên đi để ông vào trận khi màn mưa rây rây rắc hạt che phủ cả ngọn đồi.
*
Khuya lắm, sương rơi đậm hạt, bóng thuyền câu đỏ ngọn đèn dầu chập chờn trên sông đã tắt. Già Tư đưa mắt nhìn vào khoảng không xa mờ. Hình như vừa có lằn chớp rạch ngang trên rặng núi xa, rạch một nhát âm thầm không vụn vỡ nhưng nó để lại một vết sẹo khó phai mờ.
…Hai tháng sau đận tập kích. Sáu cà lết cùng Bửu đi mũi đưa tốp người bên huyện về đồng bằng để làm công tác binh vận, tiện thể đón Quyên lên. Cả tuần liền, ông nôn nóng ra vô gộp đá để nhìn xuống đồng bằng. Trời đang sa mưa, mù mù cả dải trắng như bức rèm che chắn tầm nhìn. Lúc này, địch tăng cường sục sạo trước mùa nước nổi như muốn bít lối tất cả. Mờ sáng hôm sau lúc khí đá còn bao bọc thì Sáu cà lết lao vào gặp ông bật khóc nức nở. Đêm qua khi tóp người vượt triền cát để bơi qua sông Ba đâu ngờ Nam Hàn phục chặn đầu. Chuỗi mìn định hướng claymo xáo tung và Quyên đã trôi theo dòng nước. Tiếng gầm của ông bật lên rồi ứ nghẹn, với tay chụp súng, ông xô bật Sáu cà lết để leo ra khỏi gộp đá nhào xuống cung đường an toàn khi gặp Bửu đợi sẵn, nó cũng khóc ôm chặt lấy ông không rời. Một ông sao sáng…Hai ông sáng sao…Ba ông sao sáng, một triền cỏ rộng với vòng tay ôm, một lời chờ đợi đã hết. Tiếng chim từ quy gọi bạn lảnh lói vang rộng trên đám cỏ tranh, vượt qua chuỗi dây leo trên gộp đá sặc sỡ sắc hoa rừng, vang mãi.
Nỗi nhớ về một triền sông có nhiều đám cỏ xanh mượt mà trong nắng sớm không còn là nỗi da diết vào mỗi buổi chiều nơi triền núi, giờ thì cả trong buổi sáng mịt mờ khói đá, buổi trưa ong ong nắng đổ. Và Quyên, cô ấy mang cả hơi hướng của gió mát, của hương cỏ non, hiển hiện dáng hình một dòng sông trước nhà ông có đoạn nhô cao, có đoạn thắt đáy, có doi cát cao vồng nhấp nhô, có lõm sâu hun hút, có lõm cạn chứa chan, có cát và cát cuồn cuộn quyện lấy nhau như độ gió nam non chuyển qua nam cồ lồng lộng và cả vẻ êm đềm ngọt dịu phù sa đượm nồng. Cỏ sang mùa vẫn xanh cho mùa réo gọi mùa “Chim Quyên ăn trái nhãn lồng…”.
Tiếng vạc ăn đêm trở về, qua sông da diết gọi đàn. Đêm đã dần trôi khi phía chân trời ánh sao Mai đã mọc trên vòng cung chiếc cầu bê tông nối hai bờ cong dài như vành mi thiếu nữ. Gió đã nhẹ êm đợi giờ trở lại, cỏ đã thôi phơ phất để chờ tia nắng ban mai. Sau lưng già Tư, Sáu cà lết quạt dầm rẽ nước hướng về doi cát có đoạn ễnh cong. Bất chợt, Sáu nhìn lên căn lều quen thuộc thấy bóng một người lặng yên dưới giàn hoa mướp liền quẳng dầm, nhảy vội khỏi xuồng lao đến.
Trời đất, chú Tư sao lại ngồi ở ngoài nay!
Sáu ôm choàng lấy ông, cảm nhận cái lạnh của sương gió tràn qua người mình. Sương đẫm trên người ông, trên vạt tre, trên chiếc ly trần đầy rượu hoa cỏ và nhạt nhòa bụi nước khắp một triền sông.
*
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở huyện T. anh Bửu đã nói với mọi người là cần quy hoạch cánh đồng cỏ dọc triền bờ nam sông Ba, nó sẽ cho hai việc cần thiết, đó là phát triển đàn bò thịt từ nguồn cỏ mật đồng thời góp phần chống xói mòn đất dọc theo triền sông. Vào giờ giải lao, tôi gặp riêng anh ngoài hội trường tỏ ý muốn tìm hiểu về vùng đất và những người trồng cỏ. Không đợi hết câu, anh nhìn đồng hồ rồi cười “Hay lắm, cậu lên ngay trên đó gặp chú Tư Rô, người lính chỉ huy một thời của tôi, người đầu tiên sau chiến tranh đã có ý tưởng và thực hiện việc trồng cỏ dọc triền sông. Ta trao đổi sau khi cậu gặp chú ấy”. Tôi ở với già Tư vẻn vẹn một đêm vào giữa mùa gió chướng, nghe nước dội bờ từng đợt hòa tiếng cỏ lay, nghe kể về một chuyện tình lúc tuổi tôi còn nhũng nhẳng níu áo mẹ ra chợ làng. Sáng hôm sau lại rong ruổi theo tốp đãi sạn đến hai ngày. Không giã từ già Tư lấy một tiếng, chưa kịp gặp anh Bửu để trao đổi thì phải lo việc khác. Tháng sau, tôi lên lại túp lều của người trồng cỏ thì chỉ gặp chú Sáu. Mới biết, già Tư đã ra đi đúng ngày giỗ của chị Quyên, đúng hơn là cô Quyên nếu người ấy còn sống.
Chú Sáu kể thêm câu chuyện già Tư khi cả hai ngồi trên chiếc chõng tre dưới giàn mướp vào chiều có gió đổi mùa, kéo theo cơn mưa dai dẳng buôn buốt da thịt, nước sông đã lên cao phủ dần doi cát có đoạn ễnh cong, cả những ngọn cỏ cũng vươn cao để sang mùa nước nổi của lũ đổ về. Chú Sáu còn đưa tôi xem các lá thư của chị Quyên gửi cho cha theo đường dây mật để ra Bắc. Ngày giải phóng, ông đã mang về và gặp già Tư. Ngoài những gì hai mẹ con chị Quyên sống chân đồn pháo binh kề sông Bến Lội, thì có đoạn viết về già Tư trong trang giấy ố vàng:
“Cha ạ, con theo chú Ba Hoàng lên cứ để đưa tổ đặc công về làng. Người đầu tiên con gặp và yêu liền cho dù người ấy chỉ thoáng nhìn con ra vẻ không cần vì con là phụ nữ. Khi con theo người ấy ra suối, nhìn dáng vẻ lóng ngóng nhưng lại luôn cố tỏ ra nghiêm nghị khiến con phải bật cười. Một khuôn mặt đẹp đầy kiêu hãnh nhưng nhìn vào đôi mắt lại luôn ẩn giấu sự cô đơn trống trải. Con nghĩ về cha qua lời mẹ kể và nhìn người ấy để thấy bóng hình cha, vì khi cha đi con mới vừa ra đời…”- “… Những ngày ở hầm bí mật sau vườn nhà, hình như con thấy cả tuổi thơ anh ấy hiện về và con cũng chắp nối tuổi thơ của mình. Con sinh ra lại nằm trong vòng tạm chiếm chỉ có lửa đạn và những lần theo mẹ tản cư, làm sao có nhiều niềm vui. Con còn mẹ và cả cha nữa dù phải cách xa ngàn dặm; còn anh ấy không có lấy một người thân sau những trận càn. Cha đừng cười con nhé, anh ấy bộn tuổi rồi và cha cũng đừng giận con nhé, từ lâu cha mong con ra Bắc để đi học; sau này trở về xây chiếc cầu nối hai bờ con sông Ba của quê mình; nhưng con cũng đang có một chiếc cầu nối liền đôi bờ hạnh phúc trong lòng…”
Tôi ngồi lặng nhìn chú Sáu thắp nhang và thu dọn đồ đạc. Trước khi rời khỏi doi cát có đoạn ễnh cong, chú đến sát mé nước lặng lẽ châm lửa vào xấp thư của chị Quyên. Trong làn khói tỏa lan, tôi thấy già Tư như hiền hiện trước mắt và khi cơn gió vừa chao đến cuốn tung tàn tro rơi dập dềnh trên sóng nước, hình ảnh chị Quyên lại hiện hiện về. Cả hai như quyện vào nhau với hoài niệm đã qua, cho dù thời gian đã xóa nhòa tất cả. Cỏ đã sang mùa nhưng trên triền sông khi vào vụ mới sẽ có nắng ngập tràn, có loài chim mỏ nhác lông trắng trở về ríu rít thì đã vắng một túp lều của người trồng cỏ sông Ba.
Mưa đang trôi qua sông, trôi mãi về phụ lưu có dòng Bến Lội xa mờ.











Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

MÂY VÀ GIÓ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NAM NUNG SỐ: 95 NĂM 2013



Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN


Một cô bướm vàng chao nghiêng đôi cành, nhẹ nhàng đặt chân lên cánh phượng hồng, giơ hai chân trước nhặt từng hạt phấn vàng nơi đầu nhụy hoa đưa vào miệng nhấm nháp có vẻ thích thú lắm. Hoa phượng lâu ngày mới gặp lại bạn cũ thì phải nên các cánh phượng cứ đỏ rực cả lên, như mời mọc cô Bướm.
Bỗng một cơn gió ào đến lắc lắc chùm hoa và lá phượng kéo ngược về hướng đông, vơ theo một nắm bụi nơi sân trường ném lên đôi cánh vàng của cô Bướm. Cô Bướm càu nhàu:
-                     Cái lão Mây tệ quá, đi đâu không chịu đi một mình lại còn lôi cô Gió cuống quýt chạy theo làm dơ hết cả áo của mình rồi.
-                     Bạn nói sai rồi, anh chàng Mây chạy theo cô Gió đấy chứ.
Anh Ve Sầu đang ôm cành phượng nỉ non khúc nhạc mùa hè, bất chợt lên tiếng. Cô Bướm ngạc nhiên hỏi lại:
-                     Làm gì có chuyện đó?
-                     Không tin bạn nhìn lên trời thì rõ; hễ cô Gió chạy theo hướng nào, anh chàng Mây lại lủi thủi chạy theo hướng đó.
-                     Anh nói thế không đúng đâu, tôi đi nhiều nên chiêm nghiệm ra một điều: hễ lão Mây đi về hướng nào, y như rằng, cô Gió lại vội vã chạy theo. Lão Mây đi chậm, cô Gió chạy chậm; còn khi mặt lão Mây đen sì, lao đi ầm ầm thì ôi thôi, cô Gió cuống cuồng chạy theo cuốn tung tất cả mọi thứ cản trở trên đường đi của mình, làm mọi người xung quanh cũng bị vạ lây đấy.
Cả hai không ai chịu ai, vẫn cố chứng minh phần thắng về mình; thấy vậy bác Phượng mới góp lời:
- Ai cũng có cái lý của mình để cho điều mình tin là đúng nhất, nhưng chúng ta phải quan sát kỹ một chút sẽ hiểu ngay thôi.
- Quan sát cái gì ạ!
Cả cô Bướm và anh Ve sầu đồng thanh hỏi lại.
- Các cháu đều cho mình quan sát bầu trời rất kỹ nhưng có để ý thấy: hôm nào không có gió, những đám mây trắng đứng im lìm suy tư vì không biết đi về đâu; nhưng cũng có những hôm bầu trời trong xanh, không một gợn mây, thế mà cô Gió vẫn thong thả dạo bước hôn nhẹ lên tất cả đấy thôi.
- A, cháu biết rồi, cô Gió chính là người kéo anh Mây chạy theo mình.
 Anh Ve Sầu vui sướng reo lên. Cô Bướm ngượng ngùng khẻ rung rung đôi râu nói:
-                     Hình như là thế thật, mọi việc thấy rồi phải suy nghĩ nữa mới phân biệt đúng sai, vội vàng nhận xét thường mắc sai lầm thì phải.
Nói xong, cô Bướm ngượng ngùng vẩy cánh bay theo đàn.


GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO

CHÂN DUNG NÀNG HỌA SĨ

Truyện ngắn

  
Nàng buông cọ, nhìn luống hoa hình vòng cung bên ngoài cánh cửa, một cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa đổi màu rơi xuống, nhàu nhĩ. Nàng nhìn lên bầu trời, âm âm u u, không mưa cũng không nắng, màu xam xám đến cả cỏ cây cũng xam xám theo. Bức tranh của nàng hôm nay, tự dưng cái ý nghĩ sẽ vẽ bằng những sắc màu tươi vui biến mất, nàng muốn tô cành hoa hồng màu xám. Có lẽ, lâu rồi, ông không tới?
Nàng độc thân, nàng sống cùng một cô con gái xinh như hoa, còn nàng thì gầy tong tong, hậu quả từ những ngày sống cùng người chồng thích bạo hành, nàng vào viện ra viện để chữa những vết thâm tím, cái phòng chụp X quang là nơi nàng đến nhiều nhất, đến nỗi vị bác sĩ đáng kính ở đó thốt lên, “thôi, ly hôn đi con!”. Thế là nàng ly hôn. Nàng tự hỏi mình, sức ở đâu mình có thể chịu đựng được từng ấy thời gian? Có thể, đó là sự chịu đựng khi không muốn nhìn thấy nước mắt của mẹ. Mà, khi nàng không còn đủ khả năng giữ tính mạng của mình, nàng ly hôn, mẹ không hỏi “con thấy ổn không?”, mà chỉ lo lắng “rồi người ta hỏi, tao nói sao?”.
Nàng dắt con ra khỏi làng, nàng làm nhà riêng, nàng trồng hoa, nàng thiết kế phòng vẽ, nàng thiết kế lại đời mình. Nàng trồng hoa hồng vàng, nàng vẽ hoa hồng vàng. Nàng cười nhiều hơn nàng nghĩ, nhận ra rằng, ly hôn chẳng có gì đáng ghê sợ, cái nỗi sợ hãi bạo hành khi cố gắng sống để khỏi buồn lòng cha mẹ, để vì con có được người cha mới thấy nó ghê sợ hơn nhiều.
Ông mê tranh nàng vẽ, ông yêu hoa hồng vàng, và ông yêu nàng. Nàng không biết điều đó, chính cả ông, ông cũng không biết mình yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên đó, ông chỉ biết nàng, ngôi nhà của nàng và những bức tranh của nàng như mê hoặc ông.
Ngày đầu tiên, ông hỏi nàng, “ta vẽ em, được không?”, nàng lừng khừng, nàng là gì, tay chân nàng lấm lem màu, màu dính cả trên áo, trên tóc và trên mặt, ông cần gì ở bức tranh của ông. Ông cười, “ta cần bức tranh khi em sáng tác, em cứ vẽ tranh của em, ta vẽ em!”. Vậy là nhà nàng có hai giá vẽ. Thỉnh thoảng, nàng nhoẻn miệng nhìn ông và cười. Họ không trò chuyện khi vẽ, họ chỉ trao nhau những nụ cười và thông cảm cho nhau những giọt mồ hôi khi làm việc.
Khi nàng ngưng vẽ, nàng đi nấu cơm, ông ra chăm sóc những luống hoa thay nàng. Không biết ông nói với hoa những gì, nhưng từ ngày có bàn tay của ông vun xới, hoa nở nhiều hơn và to hơn.
Sáng thức dậy, nàng chú ý đến bộ quần áo của mình, nàng soi gương chải tóc, nàng trang điểm nhẹ trước khi ra phòng vẽ. Nàng vui hơn, cười nhiều hơn, thỉnh thoảng, nàng cười nắc nẻ như trẻ con. Ông khựng lại, chăm chú nhìn vào mắt nàng “em cứ như cũ, được không?”. Nàng ngưng cười, mọi thứ trong lòng nàng đổ sụp. Nàng buông cọ, ra ngồi trước giàn hoa. Nàng vẫn không nhìn vào bức tranh của ông đang vẽ gì, nàng muốn nhìn cái hoàn chỉnh, vì những phác thảo ban đầu có thể thay đổi rất nhiều sau khi đã hoàn thành, mà nàng, nàng không muốn dự đoán tác phẩm nó sẽ là gì, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm tư tình cảm của tác giả.
Mẹ nàng gọi điện khóc, “mày ăn ở như vậy thì tao còn mặt mũi nhìn ai, hả con?”. Nàng không hiểu mình đã làm gì sai, cũng có thể, mỗi sáng ông đến nhà nàng, rồi hai người vào phòng vẽ, vẽ mãi cho tới chiều tối mịt. Những người ngoài kia đang nghĩ về nàng thế nào đó, nàng không rõ, và nó đến tai mẹ. Trái tim nàng như vỡ ra lần nữa. Nàng đổ bệnh. Nàng nằm luôn trong phòng. Ông nghĩ nàng giận, ông ngồi chơ vơ trước giá vẽ, lóng ngóng không rõ buồn hay lo.
Ngày thứ ba, ông đứng trước cửa phòng nàng, nói vọng vào, “hay... ta không đến nữa nhé, sẽ làm phiền em?”. Nàng quay lưng về phía ông, bật khóc. Khi nàng ngừng khóc thì bên ngoài đã vắng ngắt. Ông đi thật rồi.
Bức tranh hoa hồng vàng của nàng còn dang dở, luống hoa thiếu bàn tay ông cũng không còn hoa rực rỡ, nó héo rũ như mấy năm bị bỏ hoang. Nàng mệt mỏi soi gương, tóc nàng bết dính thành từng chùm, da nàng sạm lại, môi nhợt nhạt. Nàng bước ra ngoài, chạm vào giá vẽ của ông. Nàng sững sờ nhìn hình ảnh nàng đang ngồi vẽ, nàng vẽ luống hoa hồng vàng với gam màu buồn, gương mặt nàng có nỗi đau nào đó mà khi nhìn bức tranh này nàng mới nhìn thấy. Nàng hiểu vì sao khi nàng cười, ông không thích, bởi ông không phải mô tả niềm vui.
Nàng không thích bức tranh đó, nhưng tôn trọng ông, nàng chần chừ rồi nhắn “ông vẽ xong chưa?” Nàng đợi thêm một tuần liền, không thấy ông trả lời. Nàng ra cửa nhà mình, ngồi hỏi những cây hoa hồng “gai tụi mày đã từng đâm vào tay ông ấy, đau lắm phải không?”. Chúng không trả lời nàng được, bỗng nhiên nàng thấy hối hận khi buông câu hỏi đó, chúng có lỗi gì trong việc ông không đến nữa? Nhưng chúng không có lỗi, nàng không có lỗi, thì ai có lỗi?
Nàng lại tiếp tục mặc chiếc áo đẹp, nàng thoa son rồi ngồi vào ghế trước giá vẽ, dẫu thế nào, nàng vẫn không để gương mặt mình mang nỗi đau như cô họa sĩ trong tác phẩm đó, nàng mạnh mẽ lắm. Nàng vẽ lại bức tranh hoa hồng vàng dang dở từ nhiều ngày trước, nhưng rồi nàng thần người trước chính bức tranh của mình, sao màu sắc lẫn lộn buồn vui, giờ nàng biết vẽ nó bằng màu buồn hay vui? Nàng lại buông cọ. Nàng qua ngồi chiếc ghế ông đã ngồi, nàng ngắm lại chính mình qua con mắt của ông, nàng nghe tim mình đau nhói. Với ông, tác phẩm là thứ quan trọng nhất, còn nàng, hình như ông mới quan trọng với cuộc đời mình.
Nàng nhớ lời ta thán của mẹ, nàng nhớ ánh mắt dòm ngó tò mò của hàng xóm những ngày ông đến. Giờ ông không đến, người ta vẫn cứ tiếp tục dòm ngó, tò mò, kiểu như đó chính là đặc trưng chung của con người quanh nàng vậy. Rốt cuộc, hạnh phúc của nàng, thì ai đặt vào tay nàng đây? Đời nàng, rồi phải sống với những nỗi đau khổ khốn cùng để trải nghiệm hay sao? Điện thoại nàng có tin nhắn “mang bức tranh ra phòng tranh xyz dùm ta!”. Nàng không suy nghĩ gì hết, nàng vui mừng đến độ xem như đó là lời tỏ tình rằng sẽ yêu nàng đến hết cuộc đời. Nàng vui vẻ mang bức tranh đi, chỉ hi vọng sẽ lại nhìn thấy ông lần nữa.
Phòng tranh vắng teo, không có ông, chỉ có một cô gái nhỏ nhắn mặc áo dài thướt tha và một người đàn ông bệ vệ đang ngồi thảnh thơi uống trà. Người đàn ông nhìn bức tranh nàng mang tới, không nói gì cả, chỉ móc ví đưa cho nàng một số tiền, nàng ngỡ ngàng “không, tranh này không phải của tôi!”, người đàn ông nhỏ nhẹ “tác giả bức tranh bảo tôi cứ đưa cho cô, rồi ông ấy sẽ gặp cô sẽ lấy sau, cô giữ giúp tôi!”. Người đàn ông đó đưa bức tranh lên xe rồi đi khuất.
Nàng thấy hẫng, không hẳn là vì nàng không gặp được ông, mà cái hẫng của người nghệ sĩ, mang bức tranh tâm huyết đổi chác tiền bạc với người không thèm ngắm lấy bức tranh một lần. Nàng bỗng thấy tủi thân, nàng không biết nữa, ở giây phút đó, hình như nàng muốn khóc ghê gớm lắm. Nàng thất thểu ra về với số tiền trên tay, mà không biết tìm ông ở đâu để trả lại.
Điện thoại nàng lại có tin nhắn, “Chúc em hạnh phúc! Không biết chừng đó tiền, có đủ ta trả công làm mẫu cho em không?”. Giờ thì nàng khóc thật, khóc rất to. Nàng gọi đi gọi lại rất nhiều lần vào số vừa nhắn cho nàng, nhưng không ai nhấc máy.

Từ cửa sổ trên tầng áp mái của ngôi nhà triển lãm, ông ngồi nhìn theo bóng nàng, nước mắt rơi trên khóe mắt của ông, rơi ướt xuống tập hồ sơ bệnh án mà ông vừa được bệnh viện trả về nhà với căn bệnh không thể chữa khỏi. Với ông, cô là món quà cuối đời mà thượng đế mang đến, và đó cũng là bức tranh cuối cùng của cuộc đời họa sĩ của ông: Chân dung của một họa sĩ!