TRANG CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 42 NĂM THÀNH LẬP BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ĐẮK LẮK
(23/5/1975 - 23/5/2017)
TÌNH QUÂN DÂN VÙNG BIÊN GIỚI IA
RVÊ
Ký của NGUYỄN HOÀNG THU
Từ Đồn Biên phòng Yok Đôn, lần lượt
qua các Đồn Biên phòng Bo Heng, Sê Rê Pôk, Yok M'Bre, Đăk Ruê, đến Đồn biên phòng
Ia Rvê, thuộc địa phận 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp của tỉnh miền núi Đắk Lắk, bốn
bề trải rộng sắc màu rừng cây đang mùa thay lá. Rừng khộp - loại rừng thay lá mùa
khô với muôn ngàn chiếc lá vàng rơi rụng đó đây cho màu xanh non lá mới nẩy nở đầy
đặn vào những tháng mùa xuân. Rừng bên này, rừng bên kia đường vành đai biên giới
từng năm tháng thay màu lá mới bên sông bên suối trong xanh yên lành bên cạnh sự
sống người dân vùng biên giới đổi mới dần theo tháng ngày. Cán bộ chiến sĩ các đồn
biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đêm ngày tuần tra bảo vệ an
toàn từng thước đất biên cương Tổ quốc, đồng thời luôn giữ mối quan hệ hữu nghị
hài hòa với các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia.
An ninh vùng biên giới đất nước yên ổn, đời sống
vật chất tinh thần không thiếu thốn, cán bộ chiến sĩ biên phòng luôn tâm niệm
"đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột
thịt" làm chỗ dựa tin yêu thân thiết để thực hiện lý tưởng sống ý nghĩa: vì
tổ quốc vì nhân dân; nghĩa vụ nào, trước sau cũng vì an toàn, an sinh cho sự phát
triển bền vững đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Đồn biên phòng Ia Rvê tọa
lạc bề thế thông thoáng bóng cây bên đường vành đai biên giới bên dòng suối Ia
Rvê thuộc xã Ia Rvê. Đồn biên phòng và xã biên giới cùng mang tên suối Ia Rvê,
lại thêm ý nghĩa tô đậm tình quân dân và trách nhiệm gắn bó với vùng đất rừng cây
có dòng nước suối chảy qua...
Đến với đồn biên phòng Ia Rvê cho
tôi thấy rõ hơn ý nghĩa tốt đẹp tình quân dân vùng biên giới xã Ia Rvê, vùng đất
rừng khộp rộng hơn 20.000 hecta có gần 7.000 dân với 22 dân tộc anh em từ các tỉnh
miền Bắc và miền Nam đến lập nghiệp. Xã mới thành lập năm 2006, hãy còn khó khăn,
từ ban đầu cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê đã quan tâm giúp đỡ dân. Trong
nắng mưa, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biên giới, những người chiến sĩ
biên phòng vẫn phân công nhau, không ngần ngại giúp dân làm đường giao thông liên
thôn, giúp dân làm nhà, thu hoạch nông sản. Những hộ dân nghèo khó khăn trong dịp
Tết, cán bộ chiến sĩ lại chia sẻ gạo, thực phẩm, cùng người dân tổ chức đêm văn
nghệ "Mừng Xuân Mới" với nhiều tiết mục, có cả giao lưu bóng chuyền
giữa quân và dân trong những ngày đầu năm. Nhiều năm qua, chương trình "nâng
bước em đến trường" của của cán bộ chiến sĩ biên phòng Đồn Ia Rvê đã tự
nguyện chung tay chung lòng đóng góp tiền hàng tháng đỡ đầu cho 10 em học sinh
nghèo và khuyết tật học giỏi có điều kiện đến trường. Cùng lúc các em học sinh
nghèo bậc tiểu học và trung học cơ sở yên tâm vui bước đến trường, mấy năm qua
lãnh đạo Đồn Biên phòng Ia Rvê đã cử trung úy Hoàng Văn Thọ đêm đêm tham gia xóa
mù chữ cho các học viên từ 15 đến 60 tuổi tại 6 thôn gần xa của xã Ia Rvê.
Góp phần giúp
cho dân việc học, Đồn Biên phòng Ia Rvê sau hơn 10 năm thành lập còn vận động các
doanh nghiệp đóng góp tiền xây Trạm quân dân y kết hợp tại thôn 5, tránh khó khăn
vất vả cho người dân xã Ia Rvê ở các thôn lân cận phải di chuyển xa xôi mấy mươi
kilômét đường lầy lội mùa mưa khi cần khám chữa bệnh như trước kia... Trường học
và trạm y tế khang trang được dựng lên đã kết nối tốt đẹp nghĩa tình quân dân nơi
vùng đất nghèo biên giới cách xa trung tâm phố huyện Ea Súp đến 50 kilômét đường
rừng.
*
Năm 2015, "mô hình hỗ trợ việc làm cho dân"
của Đồn biên phòng Ia Rvê đã thực hiện nuôi bò tại thôn 13 với phương thức hỗ
trợ 100% vốn giúp gia đình dân nghèo mua giống, làm chuồng và trồng vườn cỏ cho
các hộ dân. Buổi sáng đầu năm 2017, qua sự giới thiệu của Thượng tá Đồng Văn
Triệu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê, Đại úy Trương Văn Hoành, Chính trị viên
phó của Đồn còn đưa tôi đi thăm gia đình anh Hà Văn Quanh, người dân tộc Thái
di cư tụ do từ huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa đã cùng vợ và 3 người con đến vùng
biên giới xã Ia Rvê năm 2000. Quanh năm vợ chồng trồng lúa, bắp, đậu trên đất
khô cằn sống đắp đổi qua ngày, cho đến năm 2014, mô hình hỗ trợ việc làm cho dân
của Đồn Biên phòng Ia Rvê đã đến với gia đình anh Hà Văn Quanh. Với 8 con dê được
cán bộ chiến sĩ vùng biên giới hỗ trợ hoàn toàn vốn ban đầu cho vợ chồng anh
Quanh, đến đầu xuân 2017 này, đã nhân giống lên thành 50 con bằng công sức và
quyết tâm của người mong muốn thoát khỏi khổ nghèo, lại có thêm niềm vui góp phần
cung cấp sản phẩm cho đời. Những người con của vợ chồng anh Hà Văn Quanh giờ đã
lớn, đang cùng cha mẹ nuôi dê và sản xuất nông sản tại thôn 13 - xã Ia Rvê. Hàng
tháng, gia đình này đều có dê thịt và dê giống để bán, sau khi trừ chi phí ăn uống,
may mặc và mua sắm, mỗi năm còn lại 50 triệu đồng tiết kiệm. Tình quân dân qua
"mô hình hỗ trợ việc làm cho dân", cán bộ chiến sĩ biên phòng quan tâm
hỗ trợ vốn cho người dân ra sức gây dựng nên cuộc sống mới đã làm nên ý nghĩa sống
tốt đẹp hơn nơi vùng biên giới Ia Rvê. Tôi tiếp tục đến nhà và trang trại nuôi
vịt trời của anh Hồ Văn Điều, 60 tuổi, từ quê Bình Thuận đến thôn 3 xã Ia Rvê năm
2006. Một đàn vịt trời hơn 100 con, cả con giống và con thịt, luôn được nhân giống
thêm và lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp cho người mua; tất cả bắt đầu từ đàn
vịt trời 20 con do Đồn biên phòng Ia Rvê hỗ trợ vốn ban đầu theo mô hình giúp dân
việc làm phát triển kinh tế. Mô hình này, điều đáng nói, đậm tính nhân văn, đang
được Đồn Biên phòng Ia Rvê tiếp tục triển khai thêm trên địa bàn xã biên giới
Ia Rvê.
Trên đường trở về thành phố Buôn
Ma Thuột lòng tôi mang theo những cảm xúc tốt đẹp về tình người nơi biên giới.
Xa dần Đồn Biên phòng Ia Rvê, xa dần địa bàn biên giới, tất cả chưa đủ đầy, đó đây
còn khó khăn nhưng đã đằm thắm tình nghĩa quân dân. Sức mạnh lâu bền của cán bộ
chiến sĩ biên phòng không chỉ là trí tuệ bàn tay với vũ khí tuần tra biên giới đêm
ngày, mà ở đó còn có nhân dân vui sống yên lành gắn bó với đất đai, không quên
tình nghĩa quân dân, luôn trách nhiệm cùng người chiến sĩ đang bảo vệ an ninh
an toàn trên vùng đất biên giới của Tổ quốc thân yêu...
Buôn Ma Thuột, tháng 3-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI