Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG

TRANG CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 42 NĂM THÀNH LẬP BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ĐẮK LẮK
(23/5/1975 - 23/5/2017)
 
CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU Ở ĐỒN BIÊN PHÒNG
CỬA KHẨU ĐẮK RUÊ
Bút ký

 
“Chiều biên giới anh thầm nhớ về,
Nơi em đó bộn bề,
Bao nỗi nhớ tha thiết,
Hỡi anh có biết những lời em thương…”
Đoàn chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê vào một buổi chiều tháng 3 Tây Nguyên. Tháng 3 của mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước… Tháng 3 Tây Nguyên luôn chan chứa đầy khát vọng, hứa hẹn và tình yêu… Tháng 3 trên Biên giới cũng vậy.
“Anh em ở trong đồn rất yêu văn nghệ, đặc biệt là những khúc hát dân ca và ca khúc cách mạng, trong đó thích nhất là được nghe những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, tha thiết, sâu lắng…”, Đại úy Trần Ngọc Kiên - Phó đồn trưởng vừa rót nước trà, vừa tươi cười giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao khi đoàn vừa đến đã được nghe những câu hát ngọt ngào, da diết của dân ca Quan họ Bắc Ninh qua bài “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”. Thiếu tá Lưu Minh Hưng - Chính trị viên phó giải thích thêm: “Tình yêu với những khúc hát dân ca và các ca khúc cách mạng khiến cán bộ và chiến sĩ trong đồn có tinh thần lạc quan, vui vẻ, khí thế hơn hẳn. Dù nhiệm vụ có lúc khó khăn, vất vả, dù phải chịu cái nắng, gió khắc nghiệt của biên giới trong những ngày mùa khô Tây Nguyên nhưng chỉ cần nghe những giai điệu quen thuộc cất lên mọi sự khó khăn, gian nan, vất vả đều tan biến. Thậm chí chỉ cần nghĩ và hát lẩm nhẩm vài câu ca quen thuộc cũng khiến tinh thần của chúng tôi phấn chấn… Đó là tình yêu của chúng tôi trên biên giới này đấy các anh chị ạ.” Anh Hưng kết thúc phần giải thích của mình bằng một câu hết sức lãng mạn nhưng dường như ở câu nói ấy lại chứa đựng sức mạnh của riêng mình và của tất cả các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê. Có lẽ là vậy. Ở đâu có tình yêu, ở đó sẽ có sức mạnh và sức mạnh đó chiến thắng tất cả.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với cán bộ và chiến sĩ trong đồn là luôn thấy nụ cười thường trực trên những khuôn mặt sạm đen, dù đó là đồng chí cán bộ chỉ huy đang ngồi mải mê với những kế hoạch, báo cáo hay là chiến sĩ đang vội vã lau những giọt mồ hôi trong cái nắng nóng hầm hập khi đang làm nhiệm vụ. Họ vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về công việc hàng ngày của mình. Nào là tuần tra, kiểm soát trên biên giới, có khi phải ăn, ở, ngủ với rừng cả đêm, bị muỗi rừng bủa vây khắp người… nhưng vậy thì đã sao khi tôi nhìn thấy sự lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống trong mỗi đôi mắt, nụ cười, trong mỗi câu chuyện kể gian khổ của họ.
Trao đổi với chúng tôi Thiếu tá Lưu Minh Hưng cho biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1975 với tên gọi tiền thân là Đồn Đá Bằng. Sở dĩ ban đầu Đồn được đặt tên là Đồn Đá Bằng là bởi vì tại đây có rất nhiều hòn đá xanh lớn; những viên đá này rất đẹp và bằng phẳng nên những cán bộ chiến sĩ đầu tiên của đơn vị đã đặt luôn tên là Đồn Đá Bằng.
Đến năm 2013, Đồn được đổi tên thành Đồn Đắk Ruê cho phù hợp với tên gọi của người dân địa phương. Khuôn viên của Đồn rộng hơn 6 ha, với cán bộ chiến sĩ đa số còn rất trẻ, làm nhiệm vụ bảo vệ 8,3 km chủ quyền Biên giới với 01 cột mốc chính mang số hiệu 42 giáp ranh với nước bạn Campuchia. Nhìn vẻ mặt hào hứng, phấn khởi của anh khi giới thiệu về Đồn của mình, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thật ấm áp, gần gũi… đúng như câu khẩu hiệu của các anh “Đồn là nhà, biên giới là quê hương…”.
Trở lại với tình yêu của cán bộ, chiến sĩ trong Đồn, anh Hưng cho biết: Anh em trong Đồn rất nhiệt tình, tích cực với các hoạt động phong trào, nhất là các hoạt động phong trào nhân ái trên địa bàn xã Ea Bung, nơi Đồn đóng quân. “Đó cũng là tình yêu lớn của anh em chúng tôi đấy các anh chị ạ” – anh Hưng bỗng nhiên đổi giọng kể hào hứng kèm theo nụ cười tươi rói và nhấn mạnh câu nói khiến chúng tôi cũng phải bất ngờ. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Đồn cũng xác định tuyên truyền, vận động anh em hăng hái tổ chức các hoạt động “tương thân tương ái”, nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình, những việc làm hay, gương chiến sĩ tốt coi như một cách thiết thực nhất thực hiện việc Học tập và làm theo gương Bác trong đơn vị. Cụ thể, từ tháng 3 năm 2016, Đồn đã vận động anh em cán bộ đóng góp để có số tiền năm trăm ngàn đồng mỗi tháng phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Liễu, 95 tuổi. Ngoài ra, hàng tháng Đồn đã cử quân y đến thăm khám sức khỏe cho mẹ, động viên mẹ mỗi lúc đau ốm, giúp đỡ gia đình mẹ khi có công việc cần.
Thấy hoàn cảnh đáng thương của bà Nguyễn Thị Sửu, thôn 4 xã Ea Bung, một mình phải nuôi hai cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ tháng 10.2015 cán bộ trong đơn vị đã quyết định xây dựng “Hũ gạo tình thương”, hàng ngày chiến sĩ xuất gạo bớt lại một phần để mỗi tháng được 15 kg gạo giúp đỡ bà nuôi cháu.
Tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình này, đơn vị đã thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” với mong muốn giúp đỡ các cháu học sinh nghèo học giỏi, Đồn đã nhận giúp đỡ, hỗ trợ hai cháu ở thôn 4 và thôn 7 học hết lớp 12, với số tiền năm trăm ngàn đồng mỗi tháng cho mỗi cháu, đó là cháu Nguyễn Tiến Đạt lớp 6a - cháu bà Sửu, Bùi Lan Anh lớp 8. Đây cũng là số tiền được trích từ đóng góp hàng tháng của cán bộ đơn vị.
Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến tấm gương của Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc là cán bộ Biên phòng tỉnh được tăng cường về công tác tại xã Ea Bung từ năm 2014. Trên cương vị là Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ thôn 9, xã Ea Bung, từ năm 2015 đến nay, anh đã tự vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hảo tâm trên địa bàn huyện hỗ trợ được bảy 77 chiếc xe đạp tặng cho 77 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xã nhằm giúp đường đến trường của các em ngắn hơn. Đáng kể hơn, trong số đó, có những chiếc xe đạp đã cũ, đã bị hư hỏng, anh Phúc tự mua đồ về sửa chữa, phục hồi lại cho nó thành chiếc xe đạp đẹp và tốt để tặng lại cho các cháu. Đây là việc làm hết sức nhân văn và ý nghĩa đối với các cháu học sinh vùng biên giới. Việc làm của anh đã được nhân dân ghi nhận, được đơn vị đề nghị các cấp khen thưởng, tuy nhiên anh đã khiêm tốn từ chối. Bởi đối với anh “Giấy khen trong lòng nhân dân mới là quan trọng”.
Quả đúng là như vậy. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, tình quân dân luôn được các anh quan tâm, chú trọng; giữa quân và dân có mối quan hệ gắn bó thân thiết; nhân dân được các anh coi như những người thân trong một nhà. Mặc dù từ đơn vị đến địa bàn xã cách khoảng 50 km nhưng những người được đơn vị phân công phụ trách địa bàn xã không quản ngại đường sá xa xôi, không ngại mưa nắng, bất cứ khi nào nhân dân cần sự giúp đỡ và được tổ chức phân công các anh đều sẵn sàng đến với nhân dân, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã đăng ký các công việc cụ thể giúp đỡ nhân dân, trong đó phải kể đến vai trò của Đội vận động quần chúng và cá nhân anh Vũ Văn Tín. Đội phó đội công tác. Trong 12 năm công tác tại Đồn, cùng với các thành viên trong đội phối hợp với chính quyền địa phương, anh đã luôn có mặt tại các thôn trên địa bàn xã Ea Bung để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Bên cạnh đó, các anh còn giúp đỡ nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như mô hình thử nghiệm “trồng thanh long ruột đỏ” của gia đình ông Đỗ Xuân Dương thôn 5, bước đầu đã cho thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao; mô hình “nuôi cá nước ngọt” của hộ ông Dương Văn Minh, thôn 7, xã Ea Bung chỉ với 0,3 ha diện tích mặt hồ đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng mỗi năm; mô hình “Nuôi chim bồ câu Pháp” của hộ ông Phan Thanh Phương, thôn 2, xã Ea Bung với 5 cặp chim giống ban đầu (trong đó có 2 cặp chim giống do anh em trong Đội hỗ trợ), đến nay ông đã xuất bán được số lượng lớn vừa chim giống, vừa chim thịt. Từ năm 2015 đến nay, ước tính số tiền thu về từ việc nuôi chim đã được vài chục triệu đồng. Sắp tới, anh Tín cùng với chính quyền địa phương xã Ea Bung sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình canh tác và chăn nuôi này đến các hộ dân trên địa bàn xã. Không chỉ vậy, anh còn tham mưu với cán bộ chỉ huy Đồn tổ chức xây dựng chương trình “Thắp sáng đường quê” trích 6 triệu đồng từ quỹ vốn của đơn vị để làm đường điện thắp sáng tại thôn 1 và thôn 2 xã Ea Bung khi anh biết đây là hai thôn cửa ngõ của huyện, có diễn biến phức tạp về tình hình an ninh. Nhờ đó, xã Ea Bung được huyện đánh giá là xã phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, ổn định về chính trị - an ninh - quốc phòng.
“Đó là tình quân dân, là tình cảm của cán bộ chiến sĩ với đồng bào của mình. Vậy còn quan hệ giữa đơn vị ta với đơn vị bạn, với Đồn biên phòng Ô Rô của nước bạn Campuchia thì sao”? Tôi hỏi anh Hưng.
Hàng tháng, hai đơn vị chúng tôi có tổ chức giao ban định kỳ để trao đổi tình hình có liên quân đến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; hàng quý thì tổ chức tuần tra, kiểm tra cột mốc đường biên giới. Hai đơn vị luôn giữ gìn và phát huy truyền thống gắn bó, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau từ trước tới nay. Những việc làm giúp đỡ giữa hai Đồn tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm, tình bạn láng giềng đoàn kết, gắn bó keo sơn, lâu bền của hai nước Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê và Đồn Ô Rô nói riêng. Vào dịp lễ tết, ngày truyền thống của Đồn, chúng tôi đều mời đơn vị bạn sang giao lưu văn hóa văn nghệ rất vui vẻ”. Anh Hưng cho biết.
“Tình yêu trên biên giới của chúng tôi chỉ đơn giản có vậy thôi”, Đại úy Trần Ngọc Kiên - Phó đồn trưởng kết thúc câu chuyện giữa chúng tôi bằng một câu nói thật ngắn gọn, nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu rằng ở đó chứa đựng biết bao là tình. Tình yêu của người lính là vậy đấy “đơn sơ mà ấm nồng” như trong câu hát. Và tình yêu của người lính trên biên giới này theo cảm nhận của riêng tôi còn có gì đó rất đặc biệt “Không chỉ đơn sơ, không chỉ ấm nồng mà nó còn trong sáng và mãnh liệt vô cùng” như nắng gió, như đất như rừng nơi đây, như những câu hát dân ca quan họ ngọt ngào, sâu lắng.
Đến với các anh vào một buổi chiều và giờ đây đoàn chúng tôi cũng chia tay các anh khi ánh hoàng hôn biên giới đã bắt đầu gọi. Một cảm giác thật kỳ lạ và khó tả khi ở đâu có vang lên câu hát “Chiều biên giới em ơi có nơi nào xanh hơn như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta…”.
Những tình yêu trên biên giới và trên Đồn Biên phòng Đắk Ruê thật đẹp!

    Tháng 3 năm 2017




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI