VẺ ĐẸP MÙA XUÂN TÂY BẮC QUA ĐOẠN TRÍCH
VỢ CHỒNG A PHỦ CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI
(Đọc Trích đoạn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, SGK Ngữ
văn 12,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008)
Được mệnh danh là người "thợ chữ" tài hoa với một
bút lực dồi dào hiếm có, trong khoảng sáu mươi năm cầm bút của đời mình, nhà văn
Tô Hoài đã để lại một di sản văn học vô cùng đồ sộ, có thể xem là "trước tác
đẳng thân" (sách viết ra xếp lại cao bằng người). Trong gần 200 tác phẩm đủ
mọi thể loại ấy, tập Truyện Tây Bắc được xem là đứa con tinh thần quý giá
của tác giả sau những tháng ngày đi thâm nhập thực tế miền Tây Bắc - vùng đất đã
trải qua mưa bom lửa đạn của cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng. Được trao tặng
giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955, Truyện Tây Bắc trở nên
nổi tiếng và được độc giả yêu quý từ đó đến giờ. Vợ chồng A Phủ là một
trong ba tác phẩm in trong tập truyện trên kể về cuộc đời người dân lao động vùng
cao Tây Bắc đã vùng lên phản kháng, chống lại bọn chúa đất áp bức, đọa đày để đi
tìm một cuộc sống tự do, hạnh phúc.
Am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán; thấu hiểu tâm hồn và
tính cách đồng bào vùng cao Tây Bắc; nhà văn Tô Hoài đã có những trang văn đặc
sắc đậm đà phong vị dân tộc với một văn phong giàu chất tạo hình và thấm đẫm chất
thơ. Vẻ đẹp của mùa xuân Tây Bắc là một trong những trang văn hay nhất, gợi cảm
nhất mà Tô Hoài đã thể hiện trong tác phẩm. Đặc biệt, thông qua không gian lễ hội
mùa xuân, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị được khơi dậy, bừng thức
như hòn than dưới lớp tro tàn, vẫn còn nóng hổi dù trải qua bao nhiêu lớp lớp dập
vùi. Nhờ đó, vẻ đẹp của mùa xuân Tây Bắc vừa làm nền đẫn dụ cho một tâm hồn bừng
thức đi tìm lẽ sống ở đời, một tính cách sống động với nhiều cảm xúc đan xen; vừa
trở thành một nhân vật có tính phụ họa cho khát vọng nhân văn, niềm yêu đời thiết
tha, hướng đến tự do và hạnh phúc của Mị.
Có lẽ kế thừa quá trình sáng tạo của nhiều nhà văn trên
thế giới, nhất là các tác giả Á Đông thường mượn thiên nhiên điểm tô cho cuộc sống
con người, trước khi để cho hình tượng nhân vật Mị với một sức sống tiềm tàng mãnh
liệt bừng thức trở dậy, thoát khỏi kiếp sống tù đày, dám "vượt ngục" để
là chính mình, Tô Hoài đã dựng lên cả một bức tranh mùa xuân Tây Bắc thật đẹp và
thơ mộng. Không thêu dệt bằng bút pháp lãng mạn thái quá, chính hiện thực sống động
và sự am hiểu tường tận cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc đã
giúp cho nhà văn có cái nhìn sắc sảo về thời gian và không gian của ngày Tết ở
Hồng Ngài, nơi Mị trở thành con dâu gạt nợ của gia đình thống lí Pá Tra. Không
có cảnh hoa đào khoe sắc, lộc non mơn mởn gọi mùa, đồng bào dân tộc Mèo đón xuân
khi thời tiết vẫn còn rét mướt và lạnh lẽo. Tất cả đều thuận theo tự nhiên, khi
mùa vụ đã xong, gặt hái đã hết, đấy là lúc bản làng bắt đầu vui xuân đón Tết. Vì
vậy, bức tranh thiên nhiên mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài được nhà văn miêu tả có
cảm tưởng như cái rét lạnh của buổi đông về: "Hồng Ngài năm ấy ăn Tết
giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội." Có điều,
ăn Tết như thế là đúng dịp "trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt
xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho". Nghĩa là đồng bào miền Tây
Bắc ăn Tết không nhất định theo ngày tháng cụ thể, "cứ ăn Tết khi gặt hái
vừa xong, không kể ngày tháng nào".
Bù lại cho cái rét lạnh của không gian ngày Tết, bức
tranh mùa xuân miền Tây Bắc vẫn trở nên sống động khác thường nhờ vào sinh hoạt
của con người. Nhà văn Tô Hoài, bằng sự quan sát tinh tế, cái nhìn tràn đầy yêu
mến với cảnh vật và con người nơi đây mới có những trang văn khá thi vị về những
nét sinh hoạt độc đáo. Hình ảnh "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên
mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ" là một tín hiệu đầu tiên về cảnh sắc
buổi xuân về. Thay thế cho muôn ngàn cánh hoa đào, hoa mơ rực rỡ, những chiếc váy
hoa của người con gái miền Tây Bắc đã mở ra một không gian thoáng đãng, một vẻ đẹp
nên thơ đầy màu sắc, nhờ đó gợi được không khí náo nức và tươi tắn của mùa xuân.
Hoạt động của con người dường như đánh thức mùa xuân dậy sớm để chiều theo lòng
mình, dù thiên nhiên vẫn chưa sẵn sàng đón nhận. Ngòi bút tác giả quay thật chậm
khung cảnh chuẩn bị đón Tết của đồng bào cũng đủ gợi ra cái không khí vui tươi
phấn khởi: "Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi
chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi
khèn và nhảy." Trẻ con vui đùa với trò chơi quay, cười ầm vang khắp sân
nhà thật náo động. Con trai, con gái thì "chơi đánh pao, đánh quay rồi đêm
đêm rủ nhau đi chơi". Đặc biệt, âm thanh tiếng sáo gọi bạn đầu làng bắt
đầu trỗi dậy báo hiệu một mùa Tết đến. Dưới ngòi bút Tô Hoài, bức tranh mùa xuân
miền Tây Bắc hiện lên đậm nét không biểu lộ nhiều qua cảnh sắc thiên nhiên mà tập
trung vào sinh hoạt của con người. Nhìn tổng thể, từ sắc màu rực rỡ đến âm
thanh vang ngân rừng núi, tất cả vẫn xuất phát chủ yếu từ hoạt động của con người.
Hương vị của mùa xuân Tây Bắc thấm đẫm một không khí tươi vui hiếm có, bởi do
con người kiến tạo mà nên.
Những câu chữ viết về mùa xuân Tây Bắc giàu chất thơ nhất
có lẽ là khi tác giả miêu tả những đêm tình mùa xuân của nam thanh nữ tú. Tiếng
sáo thổi dìu dặt gọi bạn tình đi chơi với âm thanh xao xuyến, khi gần khi xa làm
cho lòng người càng thêm bổi hổi. Tiếng sáo đó được cất lên thành lời khơi gợi
biết bao đắm say, mơ mộng: "Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/
Ta không có con trai con gái/ Ta đi tìm ngươi yêu". Những đêm tình nồng
nàn, mê đắm ấy chính là chất liệu làm nên những trang văn đầy chất thơ của Vợ
chồng A Phủ, khiến cho ngòi bút Tô Hoài có được sức hấp dẫn lâu bền trong lòng
người đọc. Ngoài ra, bằng sự am tường sâu sắc của một nhà văn giỏi quan sát, cảnh
vật và con người với những phong tục, tập quán của đồng bào Tây Bắc hiện lên
trong bức tranh mùa xuân thật đa dạng, từ khung cảnh cúng ma đến bữa rượu bên bếp
lửa hồng ấm áp: "Cả nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng
ma. Xung quanh, chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng vẫn còn nhảy lên xuống, run bần
bật. Vừa hết bữa cơm lại tiếp ngay bữa rượu bên bếp lửa."
Quả vậy, đọc Vợ chồng A Phủ, nhất là trích đoạn kể
lại cuộc đời Mị và A Phủ khi ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho bạn đọc
một thế giới Tây Bắc lung linh, kỳ ảo, nhất là bức tranh mùa xuân đầy mê đắm, nên
thơ, ẩn giấu trong ấy là hình tượng người thiếu phụ xinh đẹp, tài hoa u sầu cho
kiếp đời trâu ngựa của mình. Có lẽ tiếp nối triết lí "tài mệnh tương đố"
trong văn chương trung đại, Tô Hoài đã bổ sung thêm một hình mẫu về sự tài hoa
bạc phận của văn chương hiện đại chăng? Những trang văn giàu chất hiện thực nhưng
cũng thấm đẫm vẻ đẹp lãng mạn ấy xoay quanh thân phận của nhân vật Mị trước và
trong đêm mùa xuân về là một thử thách lớn đối với bút lực Tô Hoài. Nhưng không,
tác giả của Dế Mèn phiêu lưu ký đã thành công một cách ngoạn mục, giúp
người đọc cảm nhận được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của một kiếp đời tưởng chừng
như đã chết đi nay được hồi sinh, mang đầy vẻ xuân tình rạo rực với một khát vọng
sống chưa từng có của người phụ nữ nơi xứ sở xa xôi, tăm tối này.
Bức tranh mùa xuân Tây Bắc trong tác phẩm Vợ chồng A
Phủ hay đó là khung cảnh mùa xuân thanh tân mà tác giả dự báo cho cuộc đời
Mị sau này? Có lẽ hơn ai hết, nhà văn Tô Hoài đã rất dụng ý khi tô điểm vẻ đẹp
của tình xuân nồng nàn và mê đắm bằng ngòi bút tài hoa của mình để làm nền cho
sự bừng thức tâm hồn nhân vật Mị. Mùa xuân cuộc đời và mùa xuân của ước mơ ngập
tràn hạnh phúc sẽ mãi đồng hành cùng cuộc đời nhân vật Mị sau này khi đến Phiềng
Sa, được đứng trong hàng ngũ của cán bộ A Châu, đánh đuổi giặc Pháp và bọn chúa
đất. Nhờ đó, tác phẩm Vợ chống A Phủ không chỉ có giá trị ở nội dung tư
tưởng, mà lắng sâu hơn là những trang văn giàu chất thơ, nhất là khi viết về bức
tranh mùa xuân nơi miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI