TRANG CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 42 NĂM THÀNH LẬP BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ĐẮK LẮK
(23/5/1975 - 23/5/2017)
KẾT QUẢ TỪ CHUYẾN ĐI
THỰC TẾ SÁNG TÁC
TẠI BIÊN GIỚI
Ghi chép của Hồng Chiến
Chuẩn bị kỷ niệm 58
năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1955-3.3.2017) và 42 năm
Ngày truyền thống Biên phòng Đắk Lắk (23.5.1975-23.5.2017), Hội Văn học Nghệ
thuật Đắk Lắk phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức cho anh chị
em văn nghệ sỹ đi thực tế sáng tác trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh nhà.
7 giờ sáng ngày
22.2.2017, xe ô tô của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến trụ sở Hội đón đoàn.
Thượng tá Đỗ Quang Thấm – Phó chủ nhiệm Chính trị và thiếu tá Đỗ Văn Nhương, cán
bộ Ban Tuyên huấn trực tiếp dẫn đoàn ra biên giới. Đầu năm, công việc còn nhiều
nên Thường trực Hội mời 15 hội viên thuộc 3 chuyên ngành: Âm nhạc, Văn học và Sân
khấu - Điện ảnh tham gia chuyến đi. Trong số hội viên tham gia đi thực tế sáng
tác đợt này nhiều người cao tuổi như nhà thơ Hữu Chỉnh đã bảy sáu, nhà văn Nguyễn
Hoàng Thu, nhạc sỹ Sĩ Hùng cũng trên bảy mươi…; trẻ nhất là nữ nhà văn Nguyễn
Thị Thu Hồng mới ngoài ba mươi. Ai cũng tươi vui phấn khởi khi được ra biên giới
mùa xuân.
Với một đội quân “hùng
hậu” tham gia chuyến đi, trong đó có nhiều hội viên từng đến địa đầu Tổ quốc thăm
và làm việc với Đồn Biên phòng Lũng Cú, trên cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh
Hà Giang, hay đến tận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Sau mỗi chuyến đi,
nhiều tác phẩm đã hoàn thành và được công bố trên các phương tiện thông tin đại
chúng, điều đó khẳng định tính chuyên nghiệp của các hội viên. Chuyến đi thực tế
lần này “mở hàng” cho năm mới 2017 của Hội, vì vậy Thường trực Hội đặt ra chỉ
tiêu: Tất cả các nơi đoàn đến thực tế đều phải có tác phẩm. Đây là lần đầu tiên
văn nghệ sỹ đi thực tế được giao chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu mặc dù thời gian xâm
nhập thực tế, tìm nguồn cảm hứng, ghi chép, lấy tài liệu… chỉ có hai ngày và một
đêm cho cả chuyến đi. Trước đây các đoàn đi thực tế thời gian ít nhất cũng ba bốn
ngày, nhiều thì mười ngày hoặc hơn và không giao chỉ tiêu cụ thể mà tùy theo cảm
hứng, các tác giả sáng tác theo cảm hứng riêng của mình; còn chuyến đi này có yêu
cầu cụ thể: Phục vụ nhiệm vụ chính trị, sáng tác về Bộ đội Biên phòng tỉnh - lực
lượng vũ trang đã có truyền thống anh dũng, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ được giao, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, góp phần quan trọng ổn định và
nâng cao mức sống của người dân vùng biên. Những chiến công thầm lặng ấy thông
qua lăng kính của người văn nghệ sỹ phải được xây dựng thành tác phẩm văn học
nghệ thuật để mọi người dân ít nhất là trong tỉnh biết, qua đó mà cảm phục, tin
yêu và trân trọng.
*
Trên chuyến xe ra
biên giới, các văn nghệ sỹ tranh thủ hỏi chuyện Thượng tá Đỗ Quang Thấm về tình
hình an ninh biên giới, về công việc của người chiến sỹ biên phòng trong thời bình,
những khó khăn mà hàng ngày các anh phải đối mặt… Đồng chí Phó chủ nhiệm Chính
trị rất vui vẻ trả lời các câu hỏi của anh em trong đoàn, và thật bất ngờ, nhiều
câu trả lời tế nhị tránh vấn đề nhạy cảm kết thúc bằng một trận cười vui vẻ cho
cả xe làm quãng đường đất có nhiều dốc đá khó đi hình như cũng ngắn lại.
Để hoàn thành kế hoạch
đề ra, lãnh đạo đoàn bố trí các văn nghệ sỹ thành từng tổ hai hoặc ba người ở một
đồn. Mỗi tổ có một nhạc sỹ và một hoặc hai nhà văn. Ngay trong buổi sáng đoàn đến
Đồn Yok Đôn, đồn đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tính từ phía nam giáp tỉnh Đăk Nông để
đổ quân xuống và cứ lần lượt như thế tiến dần ra bắc theo Quốc lộ 14C, đến nửa
buổi chiều đoàn đến đồn Ia Rvê – nơi được chọn làm điểm cuối cùng và cũng là nơi
đóng “đại bản doanh chỉ huy”. Đồn Ia Rvê có “đại bản doanh” nên quân số cũng đông
nhất, ngoài một nhạc sỹ, hai nhà văn còn có hai nghệ sỹ điện ảnh hội viên của Hội
nhưng cũng là nhà báo đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Việc
rải quân đúng theo kế hoạch mà Chủ tịch Hội vạch ra từ nhà, riêng đồn Biên phòng
Ea H’Leo ở phía bắc tỉnh, tháng 12 năm 2016 các văn nghệ sỹ dự Trại sáng tác Văn
học Nghệ thuật huyện Ea Súp đã đến nên đợt này không bố trí người đến nữa.
Một đêm, hai ngày
trôi vụt qua thật nhanh, chiều ngày thứ hai xe xuất phát từ Đồn Ia Rvê quay về
và ghé các đồn đón văn nghệ sỹ, chứng kiến các nhà văn nữ như: Nguyễn Thị Bích
Thiêm, Nguyễn Thị Thu Hồng chia tay với cán bộ chiến sỹ thật xúc động, giống như
anh chị em trong một gia đình chia tay nhau để đi xa; trên khóe mắt ai cũng
long lanh. Không chỉ các nhà văn nữ xúc động mà ngay nhạc sỹ Trung tá Dương Tấn
Bình – Phó phòng PX15, Công an tỉnh cũng bịn rịn nắm tay các đồng chí đồng đội
không muốn buông ra, hình như các văn nghệ sỹ và chiến sỹ đã thành anh em một
nhà, khi chia tay sao mà quyến luyến đến vậy! Xe đến rồi từ từ chuyển bánh, cán
bộ chiến sỹ các đồn biên phòng đều chào đón niềm nở và những cái vẫy tay tạm biệt
cho đến khi xe khuất hẳn in đậm vào tâm trí của anh chị em văn nghệ sỹ.
Chiều muộn mới về tới
thành phố Buôn Ma Thuột, các anh chị em văn nghệ sỹ bịn rịn chia tay hai cán bộ
của Bộ chỉ huy Biên phòng dẫn đoàn đi và đều có một chút tiếc nuối, thời gian
quá ngắn, giá như được có thêm hai hoặc ba ngày nữa thì… Thôi đành hẹn dịp sau
sẽ có nhiều thời gian hơn. Thời gian đi thực tế ngắn nhưng ba nhạc sỹ đã kịp hoàn
thành ba ca khúc, anh em còn lại trong đoàn thống nhất về nhà sử dụng tư liệu đã
có tiếp tục sáng tác, hoàn thiện tác phẩm, sau ba chục ngày sẽ nộp tác phẩm để
kịp in vào số đặc biệt tháng năm.
*
Thật bất ngờ khi đến
ngày hẹn, số tác phẩm hoàn thành và đem nộp làm nhiều người ngạc nhiên. Nhà thơ
Hữu Chỉnh - “người lính già” nhất của đoàn trên mặt trận Văn học Nghệ thuật hoàn
thành một bài thơ, một bài ký; nhà văn Nguyễn Hoàng Thu một bài ký; nhà thơ Lê Đình
Liệu hai bài thơ; nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm một bài ký, một tản văn; nhà văn
Nguyễn Thị Thu Hồng một bài ký; nhà văn Trương Nhất Vương một bài thơ, một bài
ký; nhà văn Hồng Chiến một bài ghi chép. Về chuyên ngành Âm nhạc, số tác phẩm
hoàn thành vượt quá cả sự mong đợi: nhạc sỹ Sĩ Hùng, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh,
nhạc sỹ Dương Tấn Bình, nhạc sỹ Nguyễn Hưng hoàn thành một ca khúc; riêng nhạc
sỹ Mạnh Trí có tới hai ca khúc mang nộp; Nghệ sỹ Nguyễn Công Việt và nghệ sỹ
Nguyễn Linh Nguyên hoàn thành một phóng sự truyền hình mười lăm phút phát trên
sóng ngay trong ngày đầu tháng tư. Các tác phẩm văn học viết ở sáu địa điểm khác
nhau có chung đề tài về anh Bộ đội Biên phòng, nhưng mỗi tác phẩm là mộc bức phác
họa chân dung sinh động về tình quân dân, tình đồng đội, giúp nhau vượt qua khó
khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… không có bài nào trùng ý tưởng. Từ kết
quả của chuyến đi thực tế lần này đã gợi ra cho lãnh đạo Hội Văn Học Nghệ thuật
cách thức tổ chức các trại tiếp theo hy vọng gặt hái thành công hơn nữa.
Từ kết quả tốt đẹp
của chuyến đi thực tế sáng tác trên biên giới, dự kiến vào tối ngày 17 tháng 5
năm 2017 Thường trực Hội và Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh sẽ phối hợp tổ chức một đêm
ca nhạc chào mừng ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2017) và Kỷ niệm 42 năm Ngày
truyền thống Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk. Đây cũng là dịp để văn nghệ sỹ báo cáo
kết quả hai chuyến đi thực tế sáng tác, có sự phối hợp giữa hai cơ quan: Hội Văn
học Nghệ thuật và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cuối năm 2016 và đầu
năm 2017.
Tháng 4 năm
2017
😞😞
Trả lờiXóa