MƯA ĐANG TRÔI QUA SÔNG
Truyện
ngắn
Già Tư đang chập chờn trong giấc ngủ nhưng vẫn nghe tiếng
gió thổi ràn rạt ngoài liếp cửa. Độ này gió chưa nhiều nhưng cũng đã gần hết mùa,
cái gió luôn réo rắt bắt người ta cứ da diết một cái gì đấy, thường qua đi từ lâu
rồi đột ngột nhớ lại. Ừ lạ, mỗi lần gió đổ trên sông là nỗi nhớ lại đong đầy và
quặn thắt như bóp nghẹt trái tim ủ sau lồng ngực. Ngủ không được già Tư trở mình
ngồi dậy, tiện tay đẩy liếp cửa sổ đan bằng lá dừa đều tăm tắp. Nó ấm sực vào mùa
gió và mát rượu vào mùa hè chang chang nắng đổ nhưng khi lũ về thì tất thảy bị
chìm ngập vào làn nước và ông lại cần mẫn, cặm cụi làm cái mới.
Chiều vàng hanh, nắng đổ vệt dài qua đám cỏ mật kề túp lều
trước doi cát cong cong hình vành nón, nhánh phụ lưu vắt ngang cho một dòng chảy
nhỏ lấp lánh quanh đám cỏ lau cùng những con chim mỏ nhác đang chấp chới đôi cánh
mỏng. Đột ngột cả bầy đồng loạt lao vút khi có bóngc chiếc xuồng từ xa chếch mũi
tấp vào chỗ già Tư cùng câu nói vọng đến:
-Chú Tư, cỏ tốt dữ, mới cắt đợt trước chưa quá hai tuần giờ
xanh rì.
Già Tư nheo mắt nhìn ra bãi, tiếng Sáu cà lết vừa neo xuồng
vừa gọi tới. Ông bước ra cửa nhìn vạt cỏ, nhìn dáng khập khiễng của Sáu đi vào
và như mọi lần, ông nhìn ra sông, nắng đang trải dài.
-Đận nầy cắt sát gốc để dưỡng cỏ, tao nghi năm nay có lũ
về sớm.
Sáu cà lết gật đầu khi nghe già Tư nói. Nước về là trắng
bờ, cuồn cuộn chảy cả tháng trời. Những túp lều của người trồng cỏ cho dân nuôi
bò đàn, bò cày và cả bò sữa tất tần tật tháo dỡ trở về đợi lũ qua, nước ròng cạn
mới quay lại trồng mùa cỏ mới. Sáu cà lết đặt nhẹ túi ni lông lên chiếc chõng
tre dưới giàn mướp trổ vài nụ vàng rồi cười bảo:
-Anh Bửu bảo cháu gửi biếu chú Tư, mua tận ngoài Hà Nội đấy!
-Lại bày vẽ, nói nó sang tao làm vài ly có hơn không.
Nói vậy, nhưng già Tư vẫn cười và vẫn nheo mắt nhìn sông.
Xa mờ trên kia là dãy núi ông Tượng, nơi ấy trong những hốc đá rộng rãi ẩn dưới
tán cây rừng cách đây hơn ba mươi năm là căn cứ huyện đội, nơi có trung đội đặc
công của ông. Thằng Phong, thằng Bửu, thằng Hòa và cả thằng Sáu cà lết… cái thằng
tật nguyền với chiếc xe đạp cà tàng bán cà rem, chiếc ná cao su móc trước ghi đông
xe đi rong ruổi khắp xóm. Chẳng biết nó lang thang thế nào mà lọt vào khu đồi mọc
đầy hoa mua kề đường lộ lúc bọn ông vừa đặt chân đến chờ đêm xuống áp vào lô cốt
địch. Nó khóc lóc van vỉ, xin tha tội vì mải mê bắn chim gáy nên lọt vào. Không
còn cách nào khác, ông bảo thằng Phong ở lại bên nó kẻo lộ rồi tính sau. Đêm ấy,
thằng Chiến không có Phong hỗ trợ phía nam nên bị bọn Nam Hàn đốn ngã lúc vượt
rào. Cũng không biết Phong nói sao mà Sáu cà lết vứt vội thùng kem chảy nước lẫn
chiếc xe đạp tàng để xin theo. Lên cứ nó lại ti tỉ khóc vì nhớ mẹ, sợ ma mỗi
khi rừng chiều đổ bóng. Lại thằng Phong phải nhát cọp cho nín. Sàu cà lết là đứa
nhỏ nhất nhưng là đứa lanh lợi dù có đôi chân chấm phẩy.
*
- Mình ngồi ngoài này cho mát nghe chú?
Già Tư quay lại nhìn Sáu cà lết đang lui cui bày trên mặt
chõng tre chai rượu thuốc, xâu nem lúc bầy chim mỏ nhác đã quay lại nghiêng cánh
đậu trên doi cát. Ông bảo:
-Mày nhớ nhắn lũ thằng Tâm ra gom cỏ
Sáu rót rượu ra ly đưa sang ông rồi gật đầu:
-Tối nay con sẽ qua đó, sẵn tiện bảo bọn thằng Xu cho người
gom sạn kẻo lũ về trôi sạch.
Ông nhấp rượu, cay cay thơm nồng đượm mùi cỏ gai, cỏ mật,
lẫn trong cảm giác ngọt dịu của củ thiên môn, đăng đắng của dây hà thủ ô mọc
nhiều ngoài doi cát. Túp lều trông cỏ nằm trên đoạn ễnh cong của dòng phụ lưu nên
bao quát một vùng sông nước, mênh mông nắng gió lẫn sương khói. Bọn thằng Sơn,
tốp đãi sạn mỗi chiều dong buồm trở về đổ sạn đều ghé lại ngồi trên chiếc chõng
tre, xin ông ly rượu cho giãn gân cốt sau một ngày lặn mò phía thềm đá trải. Bọn
nó không kêu ông là già Tư như Sáu cà lết mà gọi “ông già hoài niệm” vì những gì
bọn chúng trông thấy, nghe kể đều mang một vẻ hoài niệm gì đấy. Từ căn lều lợp
tranh, vách che lá dừa nằm trên doi cát đến vật dụng cần thiết, cả cách ăn mặc
hay câu chuyện ông kể từ thời bọn nó nằm trong bụng mẹ. Nhưng đặc biệt hơn cả,
ly rượu của ông luôn toát ra mùi hương hoa cỏ đất này. Mỗi sáng tinh mơ dong
thuyền ngang qua túp lều, thằng Sơn tốp trưởng đều chụm tay gọi lớn “Ông ơi!
Khi con xuôi dòng ông cho ly rượu hoài niệm nhé ông!” trong khói sương bảng lảng
lành lạnh.
-Thằng Bửu ra Hà Nội họp gì lâu vậy Sáu?
-Dạ, nghe nói đợt này Quốc hội họp hơn tháng, sẵn tiện ảnh
đưa vợ theo để khám bệnh. À, trong gói quà có hộp sâm để chú ngâm rượu.
-Nó gửi làm gì, bọn thằng Sơn cũng hết mùa lấy sạn, đâu
ghé nữa- Già Tư ngước nhìn bầy cò đang chao cánh qua sông.
Cỏ cũng đã sang mùa, sạn cũng hết trôi sông, ông lại phải
về làng. Nơi ấy, trong vòng cung lũy tre xanh có căn nhà ngói đỏ. Người vợ gá
nghĩa vì sự trống vắng của cả hai tất tả giũ chiếu mền; mở vội cánh cửa sổ nhìn
ra khoảng sân rộng, có bụi chuối cùng ang nước quen thuộc đặt dưới gốc khế cụt
ngọn; thêm cái vẫy đuôi của con Vện là hết.
Chiều dần sẫm tối, già Tư nhìn mông lung ra xa. Thuyền vắng,
mặt sông gờn gợn hơi nước, bóng chim phía xa cũng hối hả bay về chân núi. Tý nữa
thôi, dưới xa kia nơi chiếc cầu bê tông nối hai bờ cong dài như vành mi thiếu nữ
sẽ lấp lánh ánh điện.
- Thôi, con về chú nhé, sáng mai con qua sớm.
Sáu cà lết rót thêm rượu vào ly cho ông trước khi vào lều
thắp ngọn đèn dầu. Già Tư bảo:
- Cơm buổi trưa hãy còn, đừng nấu. Mày đem gói quà về cho
mấy đứa nhỏ, hộp sâm đưa qua cho bả chứ tao giữ làm gì.
Sáu cà lết im lặng nhưng lúc đặt chân lên bãi cát lại
quay vào nói nhỏ:
- Quà ấy để dành ngày giỗ chị Quyên, còn hơn tuần nữa. Bữa
ấy, mấy anh sẽ đến và đưa chú về nhà thăm thím.
Ly rượu trên tay già Tư sóng sánh, ông có cảm giác mát lạnh
nơi kẽ ngón lẫn vế đùi trong không gian cô đặc màu chiều. Ông cúi đầu không dõi
theo bóng Sáu cà lết tháo dây để quay mũi xuồng mà ông quay sang hướng núi xa mờ.
Nhắc đến Quyên, hay nghe ai nói tên Quyên, ngực ông buốt nhói như có vật gì đè
nặng. Nặng hơn nhiều khi nghe tin thằng Chiến ngã xuống bên rào thép gai Mỹ rồi
thằng Hạ, thằng Hòa, thằng Dũng cũng hy sinh. Đau hơn nhiều khi nghe tin thằng
Phong phải ra toà và vào vòng lao lý vì tội tham ô. Như có cảm giác vào buổi sáng
ngày đầu giải phóng quê nhà, nhìn lại trung đội lúc mới thành lập đến giờ chỉ còn
có sáu người khi áp sát vào cổng tòa hành chánh Ngụy. Bỏ lại phía sau niềm hân
hoan tột cùng, cả bọn kéo nhau ra khúc sông mênh mông có đoạn ễnh cong này để ôm
nhau khóc. Ba thằng trẻ buông súng nắm lấy sách vở đi học, một thằng sang làm
chủ tịch xã, Sáu cà lết tìm về gia đình thì mẹ đã chết trong một trận càn nên
theo ông về làng. Còn Quyên, cô gái ấy cũng vĩnh viễn nằm lại trên dòng sông Ba
có nhiều phụ lưu mà đâu hề biết rằng, vào ngày cờ hoa rực đỏ có người đàn ông
trong trang phục màu cỏ úa tất tả đi dọc các triền cát, soi xa, soi gần mà réo
gọi tên cô trong gió lộng thổi tràn trề.
*
Bóng tối tràn đầy trên mặt sông sóng vỗ ì oạp mang theo cái
lạnh cuối mùa gió. Già Tư đầu cúi gục trong suy tưởng: Hơn mười năm ở cứ, hơn
ba mươi năm về lại quê nhà, từ một chàng trai vâm váp, nụ cười rộng mở nhưng không
cản nổi dòng thời gian đã thành một kẻ già nua, cũ kỹ. Ông nhớ, cứ mỗi chiều từ
cứ nhìn xuống đồng bằng, nơi có soi cát làng ông, những dải cát vàng óng vào mùa
gió nam cồ hung hãn kéo cát bay phủ trên dải sông trong văn vắt. Những ngọn gió
mát lạnh dịu ngọt thổi suốt qua thời tuổi thơ, thổi vào lòng ông một cô nhỏ tóc
đuôi gà bên rào hàng xóm cùng những đêm trăng sáng và tất cả đảo lộn khi căn cứ
pháo binh Mỹ đóng ở núi Sầm dội vào làng những vầng lửa đỏ. Những ngôi mộ lần lượt
mọc lên, trong ấy, có cô nhỏ bên rào. Những mảng ruộng dần hoang hóa và thây người
trôi trên sông. Ông đi, mang theo một ước mơ duy nhất là về lại chốn quê để được
đặt chân lên con đường làng cũ, hòa vào ngọn gió mát lành của dòng sông, cánh đồng,
soi xa, soi gần đầy dịu ngọt ấy.
Cái đận cả trung đội đặc công quần đùi, áo cánh thuộc lòng
trên sa bàn cách đánh vào ngọn đồi nhỏ kề sông Bến Lội, nơi đặt giàn pháo ca nông
105 ly của Ngụy. Không phải đánh thẳng vào hướng chính canh gác cẩn mật mà phía
có triền dốc thoai thoải cùng nhiều bụi gai sát ba lớp rào kẽm gai chăng đầy mìn.
Người áp sát để điều nghiên cách mở rào thật nhanh cho đồng đội lao vào sẽ là ông,
sẽ đối mặt với đèn pha quét sáng, các ánh mắt dõi qua ống nhòm của bọn lính
canh trên các lô cốt sẵn sàng nhả đạn và cả đại đội Nam Hàn bao bọc vòng ngoài
phía gành đá để bảo vệ. Nhưng ai sẽ đưa ông xuống tận nơi, nằm trong hầm bí mật
vài ngày để tận mắt theo dõi các hoạt động? Huyện đội bảo đợi. Hai ngày, ba ngày
rồi sang ngày kế tiếp; cả trung đội ngáp dài chờ gọi tên vào tốp đánh rủ nhau
ra suối mò cá. Nghĩ chán, đợi mỏi ông cũng ra ngách gộp đá bao phủ dây rừng để
nhìn về đồng bằng thì đụng phải Ba Hoàng, huyện đội phó, sau lưng Ba Hoàng thấp
thoáng bóng cô gái trong bộ đồ nâu sẫm trời chiều.
Đó là Quyên.
*
“Anh xuống hầm để em đậy nắp”. Quyên cười khúc khích
trong đêm khuya đầy ánh sao trời.
Căn hầm bí mật nằm cạnh bờ tre sát mé sông Bến Lội tiện
cho việc quan sát. Đang vào hè, nhưng cả triền sông cỏ vẫn mọc xanh rì như tấm
thảm đến tận miệng hầm dù chói chang nắng, dù lơ thơ giữa dòng từng vạt cỏ lau
xác xơ đơm hoa trắng. Trước khi bóng tối tràn ngập chỉ còn kẽ hở, ông kịp nhìn
Quyên, cô gái có đôi mắt to long lanh nhìn ông cùng hơi thở nhẹ.
“Tắm vừa thôi kẻo bệnh”, Quyên lại bảo khi trời đã khuya
cô ra mở nắp hầm mang theo một mùi hương nhẹ thoảng. Cả ngày dù ông chú ý ghi
nhớ cặn kẽ mọi hoạt động trong đồn nhưng ông vẫn ngửi được hơi cỏ, nhắm nháp vị
đăng đắng từ các cọng rễ mọc lan theo vách đất; cảm nhận được từng ngọn gió mát
của đồng bằng đầy trong trẻo, nghe được tiếng chim dồng dộc đầu đội chóp vàng đóng
tổ tận đọt tre cao ríu ran sáng chiều. Hơi thở của đồng bằng thoáng đãng bao bọc
lúc ông thả người trôi trên dòng nước đậm phù sa, ngửa mình nằm trên thảm cỏ để
nhìn sao trời lấp lánh và cả bóng Quyên, đang ngồi im lặng trong màn sương phủ
mờ.
Một ông sao sáng…Hai ông sáng sao… Ba ông sao sáng…Ông đếm
như lúc nhỏ từng nằm trên chõng tre cạnh mẹ ngoài sân đêm hè. “Vào ăn cơm đi
anh, người gì mà như con nít”, tiếng Quyên cười chao nhẹ trong gió.
“Giải phóng xong, anh Tư định làm gì?” Quyên hỏi rồi cúi đầu
để tóc che lấp khuôn mặt.
“Bờ sông làng tôi rộng lắm, tôi sẽ trồng thật nhiều mướp
soi để…” , ông im lặng nhìn Quyên.
“Để làm gì anh Tư?”
“Cho Quyên ra chợ…”. Đó là câu nói đầu tiên trong đời ông
đùa với một người con gái.
“Không, em nghĩ khác là anh… phải trồng cỏ”
“Chi vây?”
“ Để anh làm nệm nằm đếm sao trời”
Ông bật cười.
“Gà gáy rồi, xuống hầm nghe anh , em phải vào lo việc ngày
mai”
Cả hai đứng lên, dưới vòm sao có vầng trăng khuyết, ông
thấy một thân hình thon thả và lại có một mùi hương trôi trong gió thoảng. Cú vấp
nhẹ khi Quyên va phải gốc tre chìa ngang lối và bàn tay dịu mát vội nắm lấy tay
ông.
“ Cẩn thận nghe anh Tư”
Ông gật và nhìn Quyên, ánh mắt nhìn thật dễ chịu, lại cảm
nhận một mùi hương thật nhẹ trước khi rời khỏi bụi gai mắt mèo toài người lăn
xuống khe suối cạn của đêm đầu tiên ấp vào hàng rào thép gai Mỹ. Sáng lắm, sáng
cả khu vực bởi hai ngọn đèn pha quét chéo goc. Sau lô cốt số 1, số 2, số 3 để yểm
trợ nếu bị tập kích là khoảng sân lô nhô thùng sắt Conex chắn đạn, sau đấy mới
là nơi đặt các khẩu pháo. Cơ sở vẽ đúng và sa bàn thật chỉnh. Ông xoay người bám
vào bụi cỏ Mỹ mọc sát mép rào để nhao xuống thì đạp phải viên đá nằm chìa sát mép
suối khiến ông bật ngửa. Ba giây sau, tràng đại liên rít toang toác, lừ lừ đạn
lửa tạt ngang, ông co người nằm lặng.
“Có sao không anh?”, tiếng nấc của Quyên.
“Còn nguyên chưa rách chỗ nào!”.
Đó là khi ông quay ra, lâu lắm vì sợ Nam Hàn phục phía
ngoài. Lúc đến bụi gai mắt mèo, ông nghĩ Quyên đã rút. Nhưng có một mùi hương
nhẹ thoảng, rất nhẹ mà ông cảm nhận được rồi bóng người nhao đến cuộn lấy ông.
“Mai kia hòa bình anh về làm gì?”, Quyên lại hỏi lần nữa.
“Sang sông rủ một người theo mình về trồng cỏ ngồi đợi trăng
lên”.
“Nằm chứ, nằm thích hơn”.
“Ừ, thì nằm”.
Lại tiếng cười khẽ trong gió lúc hai người ra khỏi khu vực
đồi pháo binh để về triền cỏ sát căn hầm bí mật, Quyên nép gần ông hơn.
“Còn Quyên, lúc ngừng tiếng súng có về…”.
“Em sẽ về với một người hơi ngớ ngẩn nhưng đáng yêu. Mỗi
tuần nấu một lần canh mướp để khỏi quên ngày nào ở hầm!”.
“Thế cha mẹ Quyên?”.
“Em phải trả mẹ về bên cha chứ, gần mười lăm năm kẻ Nam người
Bắc rồi”.
Ông chợt nhớ lời của Ba Hoàng: Cha Quyên đi tập kết, lần
này khi nhổ xong đồn pháo binh phải đưa Quyên lên cứ tránh sự truy lùng của địch
và nếu được, sẽ theo đường dây ra Bắc.
“Xong trận này, Quyên xin thoát ly thì nấu canh mướp dài
dài”.
“Rồi nhé, không được Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ đấy!”.
Cái ngoéo tay và cơ thể con gái áp sát, mùi hương lần này
gần hơn, đến thấm đượm môi ông ngọt dịu.
“Người Quyên có mùi thơm lạ”.
“Em gội đầu bằng lá dứa vì thích. Nó cũng là loài cỏ thôi
mà”.
“Sao không gội bồ kết?”.
“Mùi thơm ấy sẽ đượm lâu, lan xa. Địch phục kích thì phát
hiện liền”.
Đêm cuối cùng trước khi ông quay lên cứ. Cả hai ngồi trên
vệ cỏ sát bờ sông, gió vẫn miên man thổi tóc Quyên vờn nhẹ qua người cùng mùi hương
dìu dịu. Rất lâu, hai người vẫn lặng yên không nói.
“Anh sẽ đón em trên ấy chứ?”.
“Ừ đón”.
“Anh có bảo bọc em không?”.
“Cả trung đội chứ đâu riêng gì anh”.
“Nhưng anh là của em, em phải dạy anh thành người lớn, ông
con nít ạ!”.
Ông choàng tay ôm gọn người Quyên, Quyên nép sâu hơn và cả
hai ngã người trên cỏ. Nụ hôn vội vàng, bàn tay ông vuốt nhẹ qua tóc, trườn qua
vai, sâu xuống và xuống nữa để ông dần cảm nhận thì Quyên khẽ oằn người rời khỏi
tay ông.
“Ta đi kẻo trễ, giờ đến ngã ba sông thì trời dần sáng. Em
còn phải quay lại kẻo gặp lính đi phục về chặn đường”.
Trận đánh của đội đặc công diễn ra chớp nhoáng nhằm tránh
pháo ca nông Núi Sầm yểm trợ và bọn lính đổ đến. Cái khó nhất là vào nhanh tránh
thương vong khi đèn pha liên tục quét sáng. Lúc ở hầm ông nghĩ mãi và đêm cuối,
người mở cách cho ông, lại là Quyên. Khi ôm túi mìn lao sát hàng rào kẽm gai, đợi
hai luồng sáng va vào nhau thường là lúc địch ít dõi theo nhất vì chúng lo định
hướng luồng sáng của mình. Ông đã thành công trong tiếng bùng vỡ, nháo nhào, sôi
réo sùng sục. Con đường mòn lúc ông đi qua lần trước thì ngắn, giờ như dài hẳn
ra khi tất cả tuôn về dưới pháo sáng treo lơ lửng cho kịp đến triền sông Bến Lội.
Nơi sẽ có anh em trong trung đội đợi tiếp ứng. Vậy mà ông vẫn phải để Hiên nằm
lại trên hàng kẽm gai với Giang gục cạnh lô cốt số 3. Vượt sông, đạp qua trảng
tranh thì những vầng lửa đỏ của pháo nối đuôi nhau chặn đường. Từ gộp đá đầu tiên
ngăn cách giữa rừng núi và đồng bằng, ông đưa mắt nhìn về sông Bến Lội, Quyên đang
làm gi? Mùi hương nhẹ thoảng đã đón ông cùng mọi người lúc sẫm tối với bàn tay
nắm lấy vội vã, nụ hôn trôi qua nhanh, lời thì thầm chen trong tiếng côn trùng
và Quyên đi để ông vào trận khi màn mưa rây rây rắc hạt che phủ cả ngọn đồi.
*
Khuya lắm, sương rơi đậm hạt, bóng thuyền câu đỏ ngọn đèn
dầu chập chờn trên sông đã tắt. Già Tư đưa mắt nhìn vào khoảng không xa mờ. Hình
như vừa có lằn chớp rạch ngang trên rặng núi xa, rạch một nhát âm thầm không vụn
vỡ nhưng nó để lại một vết sẹo khó phai mờ.
…Hai tháng sau đận tập kích. Sáu cà lết cùng Bửu đi mũi đưa
tốp người bên huyện về đồng bằng để làm công tác binh vận, tiện thể đón Quyên lên.
Cả tuần liền, ông nôn nóng ra vô gộp đá để nhìn xuống đồng bằng. Trời đang sa mưa,
mù mù cả dải trắng như bức rèm che chắn tầm nhìn. Lúc này, địch tăng cường sục
sạo trước mùa nước nổi như muốn bít lối tất cả. Mờ sáng hôm sau lúc khí đá còn
bao bọc thì Sáu cà lết lao vào gặp ông bật khóc nức nở. Đêm qua khi tóp người vượt
triền cát để bơi qua sông Ba đâu ngờ Nam Hàn phục chặn đầu. Chuỗi mìn định hướng
claymo xáo tung và Quyên đã trôi theo dòng nước. Tiếng gầm của ông bật lên rồi ứ
nghẹn, với tay chụp súng, ông xô bật Sáu cà lết để leo ra khỏi gộp đá nhào xuống
cung đường an toàn khi gặp Bửu đợi sẵn, nó cũng khóc ôm chặt lấy ông không rời.
Một ông sao sáng…Hai ông sáng sao…Ba ông sao sáng, một triền cỏ rộng với vòng
tay ôm, một lời chờ đợi đã hết. Tiếng chim từ quy gọi bạn lảnh lói vang rộng trên
đám cỏ tranh, vượt qua chuỗi dây leo trên gộp đá sặc sỡ sắc hoa rừng, vang mãi.
Nỗi nhớ về một triền sông có nhiều đám cỏ xanh mượt mà
trong nắng sớm không còn là nỗi da diết vào mỗi buổi chiều nơi triền núi, giờ
thì cả trong buổi sáng mịt mờ khói đá, buổi trưa ong ong nắng đổ. Và Quyên, cô ấy
mang cả hơi hướng của gió mát, của hương cỏ non, hiển hiện dáng hình một dòng sông
trước nhà ông có đoạn nhô cao, có đoạn thắt đáy, có doi cát cao vồng nhấp nhô,
có lõm sâu hun hút, có lõm cạn chứa chan, có cát và cát cuồn cuộn quyện lấy
nhau như độ gió nam non chuyển qua nam cồ lồng lộng và cả vẻ êm đềm ngọt dịu phù
sa đượm nồng. Cỏ sang mùa vẫn xanh cho mùa réo gọi mùa “Chim Quyên ăn trái nhãn
lồng…”.
Tiếng vạc ăn đêm trở về, qua sông da diết gọi đàn. Đêm đã
dần trôi khi phía chân trời ánh sao Mai đã mọc trên vòng cung chiếc cầu bê tông
nối hai bờ cong dài như vành mi thiếu nữ. Gió đã nhẹ êm đợi giờ trở lại, cỏ đã
thôi phơ phất để chờ tia nắng ban mai. Sau lưng già Tư, Sáu cà lết quạt dầm rẽ
nước hướng về doi cát có đoạn ễnh cong. Bất chợt, Sáu nhìn lên căn lều quen thuộc
thấy bóng một người lặng yên dưới giàn hoa mướp liền quẳng dầm, nhảy vội khỏi
xuồng lao đến.
Trời đất, chú Tư sao lại ngồi ở ngoài nay!
Sáu ôm choàng lấy ông, cảm nhận cái lạnh của sương gió tràn
qua người mình. Sương đẫm trên người ông, trên vạt tre, trên chiếc ly trần đầy
rượu hoa cỏ và nhạt nhòa bụi nước khắp một triền sông.
*
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ở
huyện T. anh Bửu đã nói với mọi người là cần quy hoạch cánh đồng cỏ dọc triền bờ
nam sông Ba, nó sẽ cho hai việc cần thiết, đó là phát triển đàn bò thịt từ nguồn
cỏ mật đồng thời góp phần chống xói mòn đất dọc theo triền sông. Vào giờ giải
lao, tôi gặp riêng anh ngoài hội trường tỏ ý muốn tìm hiểu về vùng đất và những
người trồng cỏ. Không đợi hết câu, anh nhìn đồng hồ rồi cười “Hay lắm, cậu lên
ngay trên đó gặp chú Tư Rô, người lính chỉ huy một thời của tôi, người đầu tiên
sau chiến tranh đã có ý tưởng và thực hiện việc trồng cỏ dọc triền sông. Ta
trao đổi sau khi cậu gặp chú ấy”. Tôi ở với già Tư vẻn vẹn một đêm vào giữa mùa
gió chướng, nghe nước dội bờ từng đợt hòa tiếng cỏ lay, nghe kể về một chuyện tình
lúc tuổi tôi còn nhũng nhẳng níu áo mẹ ra chợ làng. Sáng hôm sau lại rong ruổi
theo tốp đãi sạn đến hai ngày. Không giã từ già Tư lấy một tiếng, chưa kịp gặp
anh Bửu để trao đổi thì phải lo việc khác. Tháng sau, tôi lên lại túp lều của
người trồng cỏ thì chỉ gặp chú Sáu. Mới biết, già Tư đã ra đi đúng ngày giỗ của
chị Quyên, đúng hơn là cô Quyên nếu người ấy còn sống.
Chú Sáu kể thêm câu chuyện già Tư khi cả hai ngồi trên
chiếc chõng tre dưới giàn mướp vào chiều có gió đổi mùa, kéo theo cơn mưa dai dẳng
buôn buốt da thịt, nước sông đã lên cao phủ dần doi cát có đoạn ễnh cong, cả những
ngọn cỏ cũng vươn cao để sang mùa nước nổi của lũ đổ về. Chú Sáu còn đưa tôi
xem các lá thư của chị Quyên gửi cho cha theo đường dây mật để ra Bắc. Ngày giải
phóng, ông đã mang về và gặp già Tư. Ngoài những gì hai mẹ con chị Quyên sống
chân đồn pháo binh kề sông Bến Lội, thì có đoạn viết về già Tư trong trang giấy
ố vàng:
“Cha ạ, con theo chú Ba Hoàng lên cứ để đưa tổ đặc công về
làng. Người đầu tiên con gặp và yêu liền cho dù người ấy chỉ thoáng nhìn con ra
vẻ không cần vì con là phụ nữ. Khi con theo người ấy ra suối, nhìn dáng vẻ lóng
ngóng nhưng lại luôn cố tỏ ra nghiêm nghị khiến con phải bật cười. Một khuôn mặt
đẹp đầy kiêu hãnh nhưng nhìn vào đôi mắt lại luôn ẩn giấu sự cô đơn trống trải.
Con nghĩ về cha qua lời mẹ kể và nhìn người ấy để thấy bóng hình cha, vì khi
cha đi con mới vừa ra đời…”- “… Những ngày ở hầm bí mật sau vườn nhà, hình như
con thấy cả tuổi thơ anh ấy hiện về và con cũng chắp nối tuổi thơ của mình. Con
sinh ra lại nằm trong vòng tạm chiếm chỉ có lửa đạn và những lần theo mẹ tản cư,
làm sao có nhiều niềm vui. Con còn mẹ và cả cha nữa dù phải cách xa ngàn dặm; còn
anh ấy không có lấy một người thân sau những trận càn. Cha đừng cười con nhé,
anh ấy bộn tuổi rồi và cha cũng đừng giận con nhé, từ lâu cha mong con ra Bắc để
đi học; sau này trở về xây chiếc cầu nối hai bờ con sông Ba của quê mình; nhưng
con cũng đang có một chiếc cầu nối liền đôi bờ hạnh phúc trong lòng…”
Tôi ngồi lặng nhìn chú Sáu thắp
nhang và thu dọn đồ đạc. Trước khi rời khỏi doi cát có đoạn ễnh cong, chú đến sát
mé nước lặng lẽ châm lửa vào xấp thư của chị Quyên. Trong làn khói tỏa lan, tôi
thấy già Tư như hiền hiện trước mắt và khi cơn gió vừa chao đến cuốn tung tàn
tro rơi dập dềnh trên sóng nước, hình ảnh chị Quyên lại hiện hiện về. Cả hai như
quyện vào nhau với hoài niệm đã qua, cho dù thời gian đã xóa nhòa tất cả. Cỏ đã
sang mùa nhưng trên triền sông khi vào vụ mới sẽ có nắng ngập tràn, có loài
chim mỏ nhác lông trắng trở về ríu rít thì đã vắng một túp lều của người trồng
cỏ sông Ba.
Mưa đang trôi qua sông, trôi mãi về phụ lưu có dòng Bến Lội
xa mờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI