Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT





TIẾNG VỌNG TRƯỜNG SA
Truyện ngắn



Đêm mưa lạnh, nỗi nhớ chồng ào về xoáy sâu vào mọi ngõ ngách trong tận cùng tâm khảm Thảo. Cô nhìn sang giường bên, bà Hòa cũng đang trằn trọc và liên hồi hắt ra những tiếng thở dài như tiếng sấm rền làm tim Thảo thêm nhói nhức. Rồi bà dậy, lom khom bước đến bàn thờ, bàn tay xương xẩu run run thắp nén hương trước di ảnh của chồng và con. Bao nỗi niềm thương nhớ giờ chỉ biết gửi vào khói hương, đôi vai gầy run lên bần bật, răng cắn chặt vào môi cố không để tiếng nấc cất lên thành tiếng vì sợ đánh thức con dâu mình. Thảo ôm lấy mẹ, thấy được nỗi đau đang rần rần chảy trong huyết quản của mẹ. Bà Hòa nhìn Thảo, lòng quặn lại vì thương cô thật nhiều, đứa con tuy bà không dứt ruột đẻ ra nhưng được bà đưa về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn, giờ đây đã trở thành dâu của bà đã sớm trở thành góa bụa. Giọng bà ngàn ngạt sau cái khăn mặt: “Mẹ con mình đã làm gì nên tội mà ông trời nỡ bắt hai mẹ con sống mà còn đau đớn hơn vạn lần cái chết”. Từng lời bà nói đốn tay chân Thảo rụng rời, chồng mất, tim cô như vỡ tan ra  hàng trăm mảnh nhưng cô không cho phép mình nhỏ những giọt nước mắt đau thương để đốt cháy thêm lòng mẹ. Cô phải để nỗi đau lặn vào nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn để làm chỗ dựa cho mẹ, một người đàn bà phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát trong cuộc đời.
Chồng của bà Hòa là một chiến sĩ hải quân, cả cuộc đời gắn bó với biển, chiến đấu với kẻ thù ông không hề chùn bước. Ông luôn phải xa gia đình. Tuổi xuân của bà là những ngày tháng phải chịu cảnh biền biệt nhớ nhung, vò võ nuôi con một mình. Ông hy sinh trong một trận chiến không cân sức với kẻ thù ở Gạc Ma. Bà gục ngã trong lễ truy điệu ông. Nhưng rồi nhìn con thơ đang sợ hãi khóc ngặt bên mẹ, bà đã gượng đứng dậy vượt qua những mất mát đau thương để nuôi con. Thời gian trôi qua, nhìn hai đứa trẻ không chung dòng máu, suốt ngày quấn quýt bên nhau, bà như được an ủi phần nào. Bà Hòa phập phồng lo sợ khi thấy trong những trò chơi của con, Đăng luôn đóng vai chiến sĩ hải quân và diễn lại cảnh chiến đấu của cha mình năm xưa, mỗi lần kết thúc trò chơi cậu lại ngã xuống như bị trúng thương và hô to: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Bà sợ con sau này sẽ nối nghiệp cha nên hướng cho con trò chơi bác sỹ hay thầy giáo hoặc bán hàng, cậu nằng nặc không chịu: “Mẹ ơi! Sau này con sẽ trở thành một chiến sĩ để bảo vệ biển”. Đăng luôn tự hào với bạn bè, cha mình là một trong những chiến sĩ tạo nên “Vòng tròn bất tử” để bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma năm 1988. Mỗi lần ngắm nhìn những kỷ vật mà cha để lại sau những lần về phép, đó là những con ốc biển, cậu lặng người vì  xúc động. Đối với cậu, những vỏ ốc ấy đã trở thành vật thiêng, cậu nói với mọi người, linh hồn của cha đang ở trong ấy nên cha đã cho cậu nghe mọi âm thanh của biển.
Tuổi thơ đi qua, Đăng và Thảo lớn lên, tình cảm dành cho nhau không đơn thuần là tình anh em mà là sự gắn bó của một tình yêu. Bà Hòa cũng vui mừng ngầm ủng hộ, khi con bé Thảo được bà nuôi lớn sắp trở thành dâu bà.
Bà Hòa run rẩy khi nghe Đăng nói rằng, con muốn trở thành cảnh sát biển. Bà đã khóc lóc, van nài dùng mọi lời để níu giữ bước chân con. Trước nỗi lòng của mẹ, Đăng băn khoăn lắm nhưng tình yêu biển đã ngấm sâu vào máu thịt của anh. Hơn nữa, máu của cha anh đã hòa vào biển nên Đăng với biển như có sợi dây vô hình ràng buộc. Thảo biết Đăng nặng tình với biển, cô đã thuyết phục mẹ đồng ý cho anh mãn nguyện với ước mơ của mình. Bà Hòa miễn cưỡng gật đầu trước sự quyết tâm của con. Sau đợt phép thứ hai, Đăng và Thảo thành vợ chồng trong sự vun vén của bà Hòa. Bà mừng vì đã có được người con dâu ngoan hiền như Thảo, bởi bà biết sự thiệt thòi của một người phụ nữ khi chồng luôn phải vắng nhà biền biệt, người phụ nữ ấy phải có sự chịu đựng, giàu lòng hy sinh và Thảo đã thừa hưởng những đức tính ấy từ bà.
Mỗi lần nghỉ phép được về bên mẹ và vợ, Đăng lại say sưa kể về cuộc sống của lính biển nơi đầu sóng ngọn gió và sự vi diệu của biển cứ thay đổi qua từng khắc từng giờ. Đăng cứ vô tư kể mà không biết được nỗi lo luôn đè nặng trong tâm can của mẹ. Bà Hòa sợ một ngày nào đó con trai cũng giống như chồng ra đi mãi không về. Sau mỗi lần tiễn chồng đi, Thảo cầu mong nơi phía bình minh đang lên, chồng cô luôn được chân cứng đá mềm.
Mấy hôm nay, bà Hòa và Thảo như ngồi trên đống lửa khi xem thời sự thấy tình hình bất ổn trên biển Đông. Bọn chúng đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai mẹ con luôn túc trực bên màn hình ti vi để theo dõi tin tức mà lòng ai cũng như bị lửa đốt, kiến bò. Ngày ngày, bà thắp hương khấn vái xin linh hồn chồng đem lại sự bình yên cho con trai.
Cái ngày định mệnh ấy cũng đến, đồng đội báo tin Đăng bị thương và rơi xuống biển rồi mất tích trong một lần tàu ta va chạm với tàu kẻ thù. Bà Hòa như điên dại trước tin Đăng đã hy sinh. Còn nỗi đau nào hơn khi bên ngôi mộ gió của chồng giờ lại đắp thêm ngôi mộ gió của con trai, bà như cùng kiệt trong nỗi đau khi nghĩ đến thân xác chồng và con đang nằm dưới lòng biển sâu. Ngày ngày, đứng trước hai ngôi mộ gió, bà lại khóc ngất, nước mắt xối xả lẫn vào mênh mông cát. Những buổi chiều, gió từ biển thổi phần phật vào những bẹ dừa khô, tay cầm tấm ảnh của chồng và con, bà nhìn về biển bằng ánh mắt vô hồn, sự bi thương cứ xô dạt trên gương mặt héo úa. Thấu được nỗi đau đang cắn xé lòng mẹ, Thảo dằn lòng để nỗi đau chạy ngược vào tim, cô luôn bên cạnh an ủi và chăm sóc mong ngăn bớt những dòng nước tràn ra từ hốc mắt thăm thẳm canh thâu của mẹ. Thảo biết mẹ như ngọn đèn leo lét trước gió, chỉ cần một ngọn gió nhỏ cũng sẽ làm cho ngọn đèn kia vụt tắt nên cô phải làm tấm bình phong thật kín để che chắn.
Hàng ngày dù mưa hay nắng, cứ chập choạng tối, Thảo lại ra biển nhìn về khơi xa thảng thốt ngóng trông chồng. Bởi trong tận cùng nỗi đau, cô vẫn cố bấu víu vào niềm tin có một phép màu sẽ đưa chồng mình quay về. Niềm tin đó giống như một thứ năng lượng hàng ngày cô nạp vào để có thể tiếp tục sống. Như con dã tràng dệt đầy hy vọng, cô luôn tin rằng khi nào biển còn là anh vẫn luôn bên cô. Cứ đêm rằm, mồng một, cô lại đem lễ vật ra bờ biển thành kính cầu nguyện xin hải thần che chở cho Đăng. Thảo thẩn thờ mỗi khi nhớ lại những giây phút hai vợ chồng bên nhau, nước mắt lại ướt đẫm. Người ta nói, xa mặt cách lòng nhưng lửa tình cứ ngùn ngụt trong lòng người vợ trẻ dù đã qua ba mùa tê tái.
***
Th..ảo…ơi! Tiếng Đăng trầm ấm như sóng vỗ trong buổi bình minh đang gọi cô. Tiếng gọi lúc gần, lúc xa nghe da diết quá. Đúng rồi là tiếng của Đăng, cô đi như gió cuốn mây bay về phía có tiếng gọi ấy. Trên cao, vầng trăng sũng ướt tình tứ nhìn người đàn bà đang cõng đêm đi tìm bóng chồng trong cõi huyễn hoặc. Ánh trăng không ngừng phả vào cô những dịu dàng, những khao khát. Cô chạy đến mỏi nhừ, mệt lả nhưng bóng Đăng cứ xa khuất, cô với theo trong hơi thở mệt nhọc: “Anh à, chờ em với. Đừng chơi trò trốn tìm với em nữa, em sẽ không đuổi kịp đâu”. Chồng của cô đang đứng ở đằng kia rồi, cô lao vào chồng như một cơn lốc: “Anh đây rồi, đừng bỏ em mà đi nữa”. Tiếng nói lạc đi, tiếng tủi hờn của bao thương nhớ. Thảo đằm mình trong vòng tay của chồng mà rên mà xiết, Đăng đưa cô chìm vào miên man cảm xúc… Tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại, người cô nóng ran như đang lên cơn sốt. Cơn mơ cứ tiếp diễn từng đêm đã vắt kiệt tinh thần và sức lực khiến cô ngày càng xanh xao, phờ phạc, đôi mắt thâm quầng.
Bà Hòa lo lắng khi nhìn thấy Thảo như cái cây không nước, cơ thể gầy quắt queo như con mực được nắng. Bà ngược xuôi tìm thầy chạy chữa đủ loại thuốc thang nhưng bệnh tình Thảo không giảm. Người làng nói, chắc Thảo bị phần âm làm tình làm tội. Bà lại tất tả mời thầy cúng, Thảo miễn cưỡng làm theo những lời bà dặn. Trước mâm lễ, thầy cúng lầm rầm khấn: “Lạy trời, lạy phật…Cầu mong ơn trên chứng giám cho lòng thành gia chủ”. Rồi thầy quay sang bà Hòa: “Để chứng tỏ lòng thành của mình, bà phải tự mình cầu nguyện trước các chư vị”. Sau ba lần vái, bà lại khấn: “Con xin bốn phương trời, mười phương phật phù hộ độ trì cho đứa con dâu bất hạnh sớm được khỏi bệnh, con nguyện lấy tuổi thọ của mình để đổi lấy sức khỏe cho con dâu”.  Nghe xong, Thảo òa lên nức nở: “Không, xin mẹ đừng làm thế”. Nói rồi, cô vụt đứng dậy, bà Hòa nói như van lơn: “Con vì mẹ mà làm cho xong buổi lễ”. Thảo ôm chầm lấy mẹ mà thổn thức: Bằng mọi giá con sẽ vì mẹ mà bình phục, mẹ đừng làm như vậy con đau lòng lắm, cuộc sống của con sẽ không có ý nghĩa nếu không còn mẹ trên đời”. Hai người đàn bà ghì chặt nhau, bà Hòa nghẹn ngào: “Mẹ con mình nương tựa nhau mà sống nha con”. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc, bóng in trên vách như hai hòn vọng phu đang lo lắng và xót thương cho số phận của nhau.
Một tháng sau, Thảo bình phục hẳn nhưng nỗi cô đơn cứ len lỏi trong đôi mắt nặng trĩu mây mù. Hai người đàn bà cứ vì nhau vượt qua những tháng ngày cô quạnh.
***
Cả làng đón Đăng như một vị anh hùng, ai cũng dành cho anh những tình cảm dào dạt. Sau những vòng tay ôm nhau thật chặt với những lời thăm hỏi dồn dập. Đăng kể lại quãng thời gian đã trải qua trước khi trở về từ cõi chết, anh được bọn cướp biển cứu khi tưởng chừng như không còn một chút sức lực để chống chọi với đại dương mênh mông sóng gió. Anh sống cùng chúng giữa đảo hoang, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát dưới họng súng của chúng. Đăng được thả ra sau hơn ba năm giam giữ, khi bọn chúng bị dịch sốt xuất huyết, anh đã dùng những bát nước nhọ nồi để chữa khỏi bệnh cho chúng. Bà Hòa và Thảo, khóc rồi cười, cười rồi lại khóc. Khóc trước hạnh phúc quá lớn, nước mắt, nụ cười cả ba người dành cho nhau trong ngày hội ngộ như một cuộc lên đồng của niềm vui và hạnh phúc. Bà Hòa như được hồi sinh khi cái tuổi xế chiều được gặp lại đứa con tưởng chừng mất đi mãi mãi.
Đêm đầu tiên đoàn viên giữa niềm vui đong đầy, trong đôi mắt Thảo lộ nỗi hoang mang. Đăng ôm vợ trong tay như ôm cả niềm vui lẫn nỗi buồn, quá khứ lẫn hiện tại. Anh muốn ôm cô thật chặt như một sự gắn kết rằng từ nay sẽ luôn bên nhau trọn đời. Đăng muốn quện vào vợ đến tận cùng của đắm say nhưng mỗi lần anh muốn cùng cô tan vào nhau, Thảo lại co rúm người và nức nở khóc, tiếng khóc ẩn chìm bao day dứt làm Đăng ngơ ngác. Đăng đã nhiều lần hỏi Thảo nhưng sau mỗi câu hỏi là những dòng nước mắt không ngừng tuôn rơi. Đăng đành thả nỗi băn khoăn vào những làn khói thuốc mờ ảo. Đêm đêm, cô nằm bên chồng, nghe trái tim anh đập mạnh, vẫy vùng giữa những cồn cào của cơn khát đã chất lên tâm hồn cô những dày vò, cô nằm co quắp ngậm cơn đau mà thấy lòng bỏng giẫy. Ngày ngày, Thảo cúi mặt lảng tránh ánh mắt mòn mỏi của mẹ chồng nhìn vào bụng cô mong đợi. Thảo yêu chồng và thương mẹ nhưng cô làm được gì bản năng làm vợ, khả năng làm mẹ không còn? Tình yêu thương ấy không cho phép cô được ích kỷ, cô phải chọn cách ra đi để anh đừng vì cô mà khổ đau hay luyến tiếc. Rồi Đăng sẽ tìm được người thay thế và người ấy sẽ đem đến cho anh một hạnh phúc trọn vẹn. Thảo nhìn ra màn đêm đang giăng những nét trầm buồn mà lòng chênh vênh quá, cô sụt sùi nước mắt: “Lạy mẹ con đi. Em đi để anh không phải đau khổ vì có một người vợ không thể đem lại hạnh phúc cho anh”. Cô ngoái lại nhìn ngôi nhà thân thương lần cuối. Tiếng gà đã văng vẳng gáy sáng, cô tự nhủ, phải nhanh chân lên không được do dự, chỉ sợ chậm một giây là cô sẽ thay đổi ý định. Nhưng sao bước chân nặng quá,  mỗi bước đi cô thấy đất dưới chân mình như vụn vỡ, tim cô đang run rẩy và rỉ máu. Thảo biết, trái tim mong manh của mình sẽ tan ra khi phải xa người đàn ông mà cô yêu thương sâu đậm. Nhưng cô vì mẹ và phải nghĩ cho Đăng mà không được chùn bước. Cô lao nhanh về phía trước, sau lưng chỉ còn là một màn hư ảo, đầy đặc sương.
Đăng lặng người khi đọc lá thư của Thảo nói rằng, những ngày anh biền biệt không tin tức, cô đã nặng lòng yêu một người khác, cô và người ấy ra đi tìm hạnh phúc và mong anh sớm tìm cho mình một người như ý để đồng hành cùng anh trên con đường hạnh phúc, cô còn tỉ mỉ dặn Đăng những lối sinh hoạt và bệnh lý của mẹ, nhờ anh thay cô chăm sóc bà. Ở dưới lá thư là một tờ đơn ly hôn đã có chữ ký của cô. Đăng thấy nghi hoặc khi ánh mắt và những việc làm của cô hàng ngày vẫn dành cho anh một tình yêu đong đầy. Nhưng vì sao cô lại luôn lảng tránh vòng tay anh? Nếu không phải vì cô đã dành tình cảm với người khác thì vì lý do gì? Bao câu hỏi đặt ra nhưng anh không thể lý giải được. Rồi anh nghe người trong làng nói, cậu Hoành đầu xóm cũng đột nhiên bỏ đi cùng ngày với Thảo, có người còn thấy, cậu ta chở Thảo đi trong đêm ấy. Đăng ngờ vực, rồi cũng phải tạm tin như thế cho lòng mình bớt chênh chao. Lòng anh rối như tơ vò khi chiều chiều mẹ thơ thẩn ngoài ngõ ngóng chờ Thảo về, rồi bà lại quay vào nhà, lấy khăn chấm những giọt nước mắt cứ tới tấp tràn ra từ hốc mắt già nua. Ngày tháng chầm chậm trôi qua, Thảo đi đã để lại khoảng trống rỗng sâu thẳm trong lòng bà Hòa và Đăng.
Bà Hòa mất trong một cơn đột quỵ vì bà không chịu được nỗi đoạn trường cứ tới tấp giáng xuống đầu mình. Hôm này là bốn mươi chín ngày của mẹ, Đăng run run thắp nén hương và lòng thầm nghĩ, ở nơi xa ấy Thảo có biết mẹ mất mà không nhắm được mắt vì quá thương nhớ cô. Đăng thẫn thờ nhìn ra ngõ rồi nhìn lên bàn thờ cảm giác đau buồn trào lên. Bỗng có tiếng sang sảng như chuông vang lên ở sau: “Đây có phải nhà của cô Thảo không?”. Đăng quay lại thấy một ông già, dáng vẻ khoan thoai, râu và tóc của ông như chòm mây trắng đậu trên đầu. Nhìn qua, Đăng cũng biết ông là người của miền núi thẳm non cao. Đăng hồi hộp quá khi nghĩ chắc ông biết tin tức của Thảo. Sau một lúc hỏi han, Đăng kể lại nội dung bức thư của Thảo để lại trước lúc cô ra đi. Nghe xong, ông nhìn lên trời mà than rằng: “Ta đã hại con rồi”. Cái dáng dấp như gió dạt mây xô của Thảo trong ngày cô đến gặp ông hiện lên mồn một.
Cách đây mấy năm, khi cơ thể kiệt quệ không còn một chút sinh khí, Thảo đến tìm ông. Sau khi bắt mạch và nghe cô kể về giấc mơ của mình lặp lại từng đêm, ông liền nói: Bệnh từ tâm, tâm không ổn bởi từ chữ dục mà thành…”. Nghe xong, cô đã xin ông cho cô loại thuốc diệt dục vĩnh viễn. Ông từ chối mặc cho bao lời năn nỉ của cô. Ông nói, ông chỉ dùng thuốc chữa bệnh, không dùng thuốc để hủy diệt. Cô liền quỳ xuống cầu xin ông: “Xin thầy rủ lòng thương, con biết chồng con sẽ không bao giờ quay về nữa. Thầy ơi! Con vẫn luôn dối lòng mình rằng, anh ấy sẽ quay về, bởi như vậy con mới có thể tiếp tục sống để làm điểm tựa cho mẹ. Những giấc mơ ái ân làm cho con kiệt quệ, không đủ sức lo cho mẹ trong tuổi xế chiều”. Giọng của ông nhẹ và sâu như tiếng gió giữa đại ngàn: “Con có biết, sau khi uống đoạn dục thang, con sẽ không được làm một người phụ nữ thực thụ và vĩnh viễn không còn khả năng sinh nở”. Trước sự quyết tâm của Thảo, ông đành miễn cưỡng đưa thuốc cho cô. Cũng từ đó, lòng ông không yên, luôn có sự day dứt. Hôm nay, trong lòng ông như có ai lôi, ai kéo, cứ thúc dục bắt ông phải đi tìm Thảo. 
Choáng váng với chuyện vừa nghe, Đăng gục xuống bàn, nước mắt đầm đìa. Đăng ngước nhìn lên bàn thờ, đôi mắt mẹ đang nhìn như xuyên nỗi đau của anh. Hôm nay là bốn mươi chín ngày của mẹ, phải chăng mẹ muốn giải nỗi oan cho Thảo. Đăng nấc từng cơn: “Mẹ ơi! Con biết làm sao đây”. Trái tim anh như đang bị trăm mũi kim đâm, toàn thân lạnh buốt. Đăng tự trách mình sao không hiểu được bao điều chìm nổi trong lòng người vợ thủy chung son sắt. Thảo đã vì anh mà chịu thiệt thòi nhiều quá. Vậy mà lâu nay, Đăng tưởng cô đang hạnh phúc một nơi nào đó. Đăng như điên dại hét lên: “Biết tìm em nơi đâu, Thảo ơi!”. Thầy lang liền đưa ba đồng xu trong túi ra gieo quẻ: “Ta có lời xin với âm dương, người ta muốn tìm đang ở nơi đâu…?  Đăng như lọt thỏm giữa những vòng tròn linh thiêng của đồng xu. Sau những tiếng lèng xèng phát ra, thầy như đang lạc vào một cõi mơ thực, ông thấy bóng của ni cô đang tỉ mẫn chăm sóc những đứa trẻ mồ côi tại một ngôi chùa nhỏ ẩn khuất trên núi.
Ráng chiều nhuộm cả sườn núi cheo leo, ánh hồng tràn qua cây bồ đề sừng sững trước cổng chùa. Gió khẽ lay động, những bông sứ trắng lìa cành rơi bên cạnh, không gian tịch mịch cô liêu, mùi hương trầm từ chính điện theo gió lan ra. Đăng đang đứng trước cổng tam quan, một sư già ra gặp và nói với anh.
Mô phật! Thí chủ từ đâu đến?
Đăng liền kể hết cảnh đời đau thương để sư bà thấu hiểu. Nghe xong sự bà vào trong trai phòng, một lát sau quay ra và nói: “Thu đã qua, lá vàng rụng hết những úa tàn, hãy để mùa đông xóa hết những vấn vương của một thời đã cũ. Người thí chủ cần tìm đã cắt đứt với bụi trần, quên hết chuyện nhân gian, tìm lãng quên nơi cửa thiền, lấy việc chăm sóc trẻ côi cút làm niềm vui. Người ấy xin thí chủ đừng nhớ đến quá khứ vì cứ nhớ đến thì hiện tại sẽ không được an lạc. Hãy vững tâm bước vào cuộc đời mới phía trước mới có thể làm lành vết thương trong lòng, có làm được như vậy người ấy mãn nguyện lắm”.

Đăng rơi vào nỗi tuyệt vọng. Trong lúc này, anh không thể nghĩ được gì cả, dường như sự đau đớn cùng cực là tất cả đối với Đăng. Toàn thân Đăng tê cứng, máu ngừng chảy. Khi tâm trí như đang rơi vào mơ thực, Đăng thấy có một bàn tay rất ấm đến nắm lấy tay mình, anh ngước lên: “Là cha đó ư”. Người đàn ông mỉm cười: “Cha sẽ đưa con đến một nơi để con biết sau khi đến nơi đó mình cần phải làm gì”. Đăng thấy mình nhẹ bẫng khi đi theo cha, chợt ông dừng lại và chỉ xuống dưới, Đăng thấy mặt biển lấp loáng trong ánh hoàng hôn, những ngư dân áo đẫm mồ hôi đang buông lưới. Nhưng sao trong đôi mắt họ lại thấp thỏm sự lo âu mỗi khi nhìn xung quanh, Đăng chợt thấy có một cái lưỡi bò cứ lan ra như muốn nuốt chửng cả biển khơi. Đăng lo lắng nhìn cha thấy trong đôi mắt ông như muốn nói rằng: “Hãy ngăn chặn cái lưỡi bò ấy”, rồi ông hóa thành một chú hải âu trắng bay đi mất. Đang chìm trong mộng mị, bỗng tiếng chuông chùa thánh thót rót vào không gian từng âm thanh trầm lắng, Đăng thảng thốt trở về hiện tại. Nhìn vô ngôi chùa lần cuối, Đăng như đang thì thầm với Thảo: “anh sẽ sống xứng đáng với tấm lòng của em”. Đăng bước đi mà nghe tiếng sóng Trường Sa đang dào dạt vỗ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI