Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO

CHÂN DUNG NÀNG HỌA SĨ

Truyện ngắn

  
Nàng buông cọ, nhìn luống hoa hình vòng cung bên ngoài cánh cửa, một cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa đổi màu rơi xuống, nhàu nhĩ. Nàng nhìn lên bầu trời, âm âm u u, không mưa cũng không nắng, màu xam xám đến cả cỏ cây cũng xam xám theo. Bức tranh của nàng hôm nay, tự dưng cái ý nghĩ sẽ vẽ bằng những sắc màu tươi vui biến mất, nàng muốn tô cành hoa hồng màu xám. Có lẽ, lâu rồi, ông không tới?
Nàng độc thân, nàng sống cùng một cô con gái xinh như hoa, còn nàng thì gầy tong tong, hậu quả từ những ngày sống cùng người chồng thích bạo hành, nàng vào viện ra viện để chữa những vết thâm tím, cái phòng chụp X quang là nơi nàng đến nhiều nhất, đến nỗi vị bác sĩ đáng kính ở đó thốt lên, “thôi, ly hôn đi con!”. Thế là nàng ly hôn. Nàng tự hỏi mình, sức ở đâu mình có thể chịu đựng được từng ấy thời gian? Có thể, đó là sự chịu đựng khi không muốn nhìn thấy nước mắt của mẹ. Mà, khi nàng không còn đủ khả năng giữ tính mạng của mình, nàng ly hôn, mẹ không hỏi “con thấy ổn không?”, mà chỉ lo lắng “rồi người ta hỏi, tao nói sao?”.
Nàng dắt con ra khỏi làng, nàng làm nhà riêng, nàng trồng hoa, nàng thiết kế phòng vẽ, nàng thiết kế lại đời mình. Nàng trồng hoa hồng vàng, nàng vẽ hoa hồng vàng. Nàng cười nhiều hơn nàng nghĩ, nhận ra rằng, ly hôn chẳng có gì đáng ghê sợ, cái nỗi sợ hãi bạo hành khi cố gắng sống để khỏi buồn lòng cha mẹ, để vì con có được người cha mới thấy nó ghê sợ hơn nhiều.
Ông mê tranh nàng vẽ, ông yêu hoa hồng vàng, và ông yêu nàng. Nàng không biết điều đó, chính cả ông, ông cũng không biết mình yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên đó, ông chỉ biết nàng, ngôi nhà của nàng và những bức tranh của nàng như mê hoặc ông.
Ngày đầu tiên, ông hỏi nàng, “ta vẽ em, được không?”, nàng lừng khừng, nàng là gì, tay chân nàng lấm lem màu, màu dính cả trên áo, trên tóc và trên mặt, ông cần gì ở bức tranh của ông. Ông cười, “ta cần bức tranh khi em sáng tác, em cứ vẽ tranh của em, ta vẽ em!”. Vậy là nhà nàng có hai giá vẽ. Thỉnh thoảng, nàng nhoẻn miệng nhìn ông và cười. Họ không trò chuyện khi vẽ, họ chỉ trao nhau những nụ cười và thông cảm cho nhau những giọt mồ hôi khi làm việc.
Khi nàng ngưng vẽ, nàng đi nấu cơm, ông ra chăm sóc những luống hoa thay nàng. Không biết ông nói với hoa những gì, nhưng từ ngày có bàn tay của ông vun xới, hoa nở nhiều hơn và to hơn.
Sáng thức dậy, nàng chú ý đến bộ quần áo của mình, nàng soi gương chải tóc, nàng trang điểm nhẹ trước khi ra phòng vẽ. Nàng vui hơn, cười nhiều hơn, thỉnh thoảng, nàng cười nắc nẻ như trẻ con. Ông khựng lại, chăm chú nhìn vào mắt nàng “em cứ như cũ, được không?”. Nàng ngưng cười, mọi thứ trong lòng nàng đổ sụp. Nàng buông cọ, ra ngồi trước giàn hoa. Nàng vẫn không nhìn vào bức tranh của ông đang vẽ gì, nàng muốn nhìn cái hoàn chỉnh, vì những phác thảo ban đầu có thể thay đổi rất nhiều sau khi đã hoàn thành, mà nàng, nàng không muốn dự đoán tác phẩm nó sẽ là gì, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm tư tình cảm của tác giả.
Mẹ nàng gọi điện khóc, “mày ăn ở như vậy thì tao còn mặt mũi nhìn ai, hả con?”. Nàng không hiểu mình đã làm gì sai, cũng có thể, mỗi sáng ông đến nhà nàng, rồi hai người vào phòng vẽ, vẽ mãi cho tới chiều tối mịt. Những người ngoài kia đang nghĩ về nàng thế nào đó, nàng không rõ, và nó đến tai mẹ. Trái tim nàng như vỡ ra lần nữa. Nàng đổ bệnh. Nàng nằm luôn trong phòng. Ông nghĩ nàng giận, ông ngồi chơ vơ trước giá vẽ, lóng ngóng không rõ buồn hay lo.
Ngày thứ ba, ông đứng trước cửa phòng nàng, nói vọng vào, “hay... ta không đến nữa nhé, sẽ làm phiền em?”. Nàng quay lưng về phía ông, bật khóc. Khi nàng ngừng khóc thì bên ngoài đã vắng ngắt. Ông đi thật rồi.
Bức tranh hoa hồng vàng của nàng còn dang dở, luống hoa thiếu bàn tay ông cũng không còn hoa rực rỡ, nó héo rũ như mấy năm bị bỏ hoang. Nàng mệt mỏi soi gương, tóc nàng bết dính thành từng chùm, da nàng sạm lại, môi nhợt nhạt. Nàng bước ra ngoài, chạm vào giá vẽ của ông. Nàng sững sờ nhìn hình ảnh nàng đang ngồi vẽ, nàng vẽ luống hoa hồng vàng với gam màu buồn, gương mặt nàng có nỗi đau nào đó mà khi nhìn bức tranh này nàng mới nhìn thấy. Nàng hiểu vì sao khi nàng cười, ông không thích, bởi ông không phải mô tả niềm vui.
Nàng không thích bức tranh đó, nhưng tôn trọng ông, nàng chần chừ rồi nhắn “ông vẽ xong chưa?” Nàng đợi thêm một tuần liền, không thấy ông trả lời. Nàng ra cửa nhà mình, ngồi hỏi những cây hoa hồng “gai tụi mày đã từng đâm vào tay ông ấy, đau lắm phải không?”. Chúng không trả lời nàng được, bỗng nhiên nàng thấy hối hận khi buông câu hỏi đó, chúng có lỗi gì trong việc ông không đến nữa? Nhưng chúng không có lỗi, nàng không có lỗi, thì ai có lỗi?
Nàng lại tiếp tục mặc chiếc áo đẹp, nàng thoa son rồi ngồi vào ghế trước giá vẽ, dẫu thế nào, nàng vẫn không để gương mặt mình mang nỗi đau như cô họa sĩ trong tác phẩm đó, nàng mạnh mẽ lắm. Nàng vẽ lại bức tranh hoa hồng vàng dang dở từ nhiều ngày trước, nhưng rồi nàng thần người trước chính bức tranh của mình, sao màu sắc lẫn lộn buồn vui, giờ nàng biết vẽ nó bằng màu buồn hay vui? Nàng lại buông cọ. Nàng qua ngồi chiếc ghế ông đã ngồi, nàng ngắm lại chính mình qua con mắt của ông, nàng nghe tim mình đau nhói. Với ông, tác phẩm là thứ quan trọng nhất, còn nàng, hình như ông mới quan trọng với cuộc đời mình.
Nàng nhớ lời ta thán của mẹ, nàng nhớ ánh mắt dòm ngó tò mò của hàng xóm những ngày ông đến. Giờ ông không đến, người ta vẫn cứ tiếp tục dòm ngó, tò mò, kiểu như đó chính là đặc trưng chung của con người quanh nàng vậy. Rốt cuộc, hạnh phúc của nàng, thì ai đặt vào tay nàng đây? Đời nàng, rồi phải sống với những nỗi đau khổ khốn cùng để trải nghiệm hay sao? Điện thoại nàng có tin nhắn “mang bức tranh ra phòng tranh xyz dùm ta!”. Nàng không suy nghĩ gì hết, nàng vui mừng đến độ xem như đó là lời tỏ tình rằng sẽ yêu nàng đến hết cuộc đời. Nàng vui vẻ mang bức tranh đi, chỉ hi vọng sẽ lại nhìn thấy ông lần nữa.
Phòng tranh vắng teo, không có ông, chỉ có một cô gái nhỏ nhắn mặc áo dài thướt tha và một người đàn ông bệ vệ đang ngồi thảnh thơi uống trà. Người đàn ông nhìn bức tranh nàng mang tới, không nói gì cả, chỉ móc ví đưa cho nàng một số tiền, nàng ngỡ ngàng “không, tranh này không phải của tôi!”, người đàn ông nhỏ nhẹ “tác giả bức tranh bảo tôi cứ đưa cho cô, rồi ông ấy sẽ gặp cô sẽ lấy sau, cô giữ giúp tôi!”. Người đàn ông đó đưa bức tranh lên xe rồi đi khuất.
Nàng thấy hẫng, không hẳn là vì nàng không gặp được ông, mà cái hẫng của người nghệ sĩ, mang bức tranh tâm huyết đổi chác tiền bạc với người không thèm ngắm lấy bức tranh một lần. Nàng bỗng thấy tủi thân, nàng không biết nữa, ở giây phút đó, hình như nàng muốn khóc ghê gớm lắm. Nàng thất thểu ra về với số tiền trên tay, mà không biết tìm ông ở đâu để trả lại.
Điện thoại nàng lại có tin nhắn, “Chúc em hạnh phúc! Không biết chừng đó tiền, có đủ ta trả công làm mẫu cho em không?”. Giờ thì nàng khóc thật, khóc rất to. Nàng gọi đi gọi lại rất nhiều lần vào số vừa nhắn cho nàng, nhưng không ai nhấc máy.

Từ cửa sổ trên tầng áp mái của ngôi nhà triển lãm, ông ngồi nhìn theo bóng nàng, nước mắt rơi trên khóe mắt của ông, rơi ướt xuống tập hồ sơ bệnh án mà ông vừa được bệnh viện trả về nhà với căn bệnh không thể chữa khỏi. Với ông, cô là món quà cuối đời mà thượng đế mang đến, và đó cũng là bức tranh cuối cùng của cuộc đời họa sĩ của ông: Chân dung của một họa sĩ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI