Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

KINH HOÀNG ĐÊM SRÊPOK!

Bác cháu tôi ngày tết năm 2012

Bút ký của HỒNG CHIẾN
Tit! Tít! Tít!...
Tôi giật mình chồm dậy cầm điện thoại trả lời: Alô, nhưng đôi mắt cứ trĩu xuống. Hồi chiều vui bạn bè có hơi quá ly một chút nên về ngủ quên cả mắc màn, ai lại gọi mình lúc nửa đêm thế này không biết. Đầu máy bên kia có tiếng nói đứt quãng: “Cháu đi xuống Thành phố trên chuyến xe vừa bị tai nạn ở cầu 14 anh ạ, nghe nói bị thương nhiều lắm!”. Như cái máy tôi bật dậy trả lời: “Để anh qua bệnh viện tỉnh xem thế nào”. Bao nhiêu hơi men bay đi đâu mất cả, tôi vơ vội chiếc áo khoác, liếc nhìn đồng hồ, kim giờ đã đi qua số 12 một chút. Lao xe vào sân bệnh viện, khu vực cấp cứu cửa mở toang, không có bảo vệ, chỉ có sáu người đứng thành hai hàng nơi cửa, tay đeo găng. Tôi hỏi:
-         Các anh ơi, nghe có vụ tai nạn xe ở cầu 14 đã đưa bệnh nhân về chưa ạ!
-         Xe sắp về rồi đấy, bác tránh đường để xe vào.
Tôi vội vàng đưa xe qua khu vực gửi rồi chạy lại cửa khu vực cấp cứu đứng đợi. Một lát sau, tiếng còi xe cảnh sát rú ầm ĩ, một chiêc mô tô cảnh sát giao thông lao vụt đến dừng lại ngay bên cạnh cổng, phía sau một xe cứu thương bật còi ưu tiên, lao thẳng vào sân. Cửa xe bật mở, các y bác sĩ bệnh viện hối hả lao ra xe đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Tôi chạy theo xem mặt từng bệnh nhân; người máu me đầy mặt, người cười sằng sặc lại có người kêu khóc thảm thiết... Xe cứu thương nối đuôi nhau đổ về, phút chốc hai phòng cấp cứu đầy ắp bệnh nhân, một số người đến sau phải để tạm ở hành lang bệnh viện. Bác sĩ tất bật kiểm tra, tất bật chuyền tay ghi chép và lại hối hả chuyển sang phòng mổ. Người nhà bệnh nhân cũng ùa đến, nhiều tiếng nức nở vang lên. Bên hành lang, hai sĩ quan công an đang tranh thủ hỏi một thanh niên nằm trên cáng, cánh tay gãy mới được nẹp tạm.
Tôi không nhớ rõ đã bao nhiêu xe cứu thương chạy về, chắc phải hơn chục xe thì phải. Trong số người bị nạn không thấy cháu tôi. Tôi chạy ra sân hỏi bác tài xế cứu thương vừa chuyển hết bệnh nhân: “Anh ơi, có còn xe nào nữa không?” “Còn một chiếc cuối cùng chở một người nữa thôi, còn chết hết rồi anh ạ!” Bác tài vừa dứt lời, xe mô tô cảnh sát lại rú còi và đỗ ngay trước cổng, theo sau một xe cứu thương cũng dừng lại một lát, một số người ùa ra cổng; chiếc xe bổng nhiên lăn bánh, không vào phòng cấp cứu nữa. Tôi hỏi anh bác sĩ đứng bên cạnh: “Sao xe không vào, chạy đi đâu vậy?” “Bệnh nhân chết rồi, xe đưa luôn ra nhà xác.”
Tôi lao qua sân bệnh viện chạy xuống nhà xác, mới đến cửa đã có người nắm lấy áo tôi giật lại: “Không có cháu ở đây anh ạ, ta xuống cầu thôi!” Quay lại thấy em tôi tay vẫn cầm khư khư chiếc mũ bảo hiểm, khuôn mặt bơ phờ, vô hồn; không biết nó chạy xe máy từ nhà lên bệnh viện gần 70 km thế nào mà nhanh thế. “Chú chờ anh ở đây để anh vào lấy xe đưa đi.” “Đi taxi cho nhanh anh ạ!” “Đi xe anh; chứ xuống đó kẹt xe làm sao taxi đi được?” Tôi chạy qua lấy được xe quay lại thì không thấy chú em đâu cả, đoán nó đã đi taxi, nên định tăng ga chạy theo. Điện thoại lại reo, tiếng cô em dâu nghèn nghẹn: “Thấy cháu chưa anh?” “Không có cháu ở bệnh viện, chú ấy đã lên đây rồi, đang đi xuống cầu 14. Thím ở đâu?” “Em và mấy anh chị đang đi ô tô của cậu lên”. “Mọi chuyện không may đã xảy ra rồi, chắc mọi người phải chấp nhận tình huống xấu nhất xảy ra đấy; cố lên!” Tôi nói dứt câu thì hình như nghe tiếng điện thoại rơi thì phải.
Gần đến cầu Srêpok, người đổ về đông đặc, một cảnh sát giao thông ra hiệu cho tôi dừng xe rồi nói: “Chú đi tác nghiệp ạ! Đường đông người lắm không chạy xe vào được đâu.” “Mình có người cháu đi trên chuyến xe này, cho gửi xe nhé”. Tôi dựng xe bên cạnh chiếc ô tô cảnh sát rồi vội vã đi theo người sĩ quan cảnh sát giao thông mang quân hàm Trung tá nhưng không kịp đọc tên anh ta. Người sĩ quan đi cùng nói với tôi: “Hành khách chết nhiều lắm anh ạ!” Tôi bước đi như người say, miệng đắng chát và không thể trả lời nỗi. Đến đầu cầu 14, phía bên trái đường, thấy hai hàng chiếu xếp đầy xác người làm tôi hoa mắt suýt khụy xuống. Lại có người giật áo tôi: “Không có cháu ở đây đâu anh!” Quay lại thấy em tôi tay vẫn khư khư ôm chiếc mũ bảo hiểm, khuôn mặt thẩn thờ. Tôi bảo: “Chú về bệnh viện kiểm tra lại xem sao”. “Dạ!” Em tôi lại tất bật rẽ người lao đi. Tôi quay lại hỏi anh sĩ quan cảnh sát đi cùng: “Dưới xe bị tai nạn còn ai nữa không?” “Còn ba nạn nhân kẹt trong xe chưa lấy ra được!” Tôi thập thững len chân qua dòng thác người đến đầu cầu xi măng làm từ thời Pháp, tựa lưng vào thành cầu nhìn lên mặt cầu Mới, nơi tai nạn xảy ra. Cách đầu cầu độ chục mét về phía thành phố Buôn Ma Thuột, lan can cầu còn nguyên; nhưng tiếp theo khoảng 20 mét toàn bộ lan can đã mất hẳn, giống như có ai đó vừa nhấc vứt đi. Dưới gầm cầu chiếc xe ô tô màu đỏ chổng hai bánh lên trời, còn đầu xe và hai bánh trước chìm xuống nước. Bên cạnh xe rất đông người đang xúm vào chặt, cuốc vỏ xe. Người mặc áo có nẹp dạ quang (chắc là nhân viên cứu hộ), người mang sắc phục công an, và nhiều người chỉ mặc độc chiếc quần đùi vẫn mãi mê: lôi, kéo, chèn xe... Trên thành cầu hai chiếc cần cẩu thả ròng rọc xuống móc xe bị nạn, ánh đèn pin, đèn điện loang loáng soi xuống mép sông cạnh chiếc xe bị nạn.
Bỗng ánh đèn Falas trên thành cầu chớp liên tục, tôi ngước lên thấy một cô phóng viên mặc sắc phục cảnh sát giao thông cùng hai đồng nghiệp mặc đồ an ninh đang tác nghiệp; phía bên phải, bốn người cảnh sát giao thông cố lôi hai người phụ nữ đang lăn xả trên mặt cầu, gào thét: “Anh ơi, sao lại bỏ em!” Đám đông người dân đổ xô lại kéo hai người phụ nữ ra; lại thấy một người đàn ông đổ sụp xuống mặt cầu gào lên: “Con ơi!” Công an, nhân dân đang đứng trên cầu lại phải vất vả lắm mới lôi được ông ta ra khỏi mép cầu đổ đưa vào phía sau. Hai đầu cầu người đứng đông kín, nhiều người còn len cả vào hai chiếc xe cứu hỏa đứng án ngữ hai đầu cầu.
Dưới gầm cầu, đầu xe bị nạn hình như vừa được xe cần cẩu kéo lên khỏi mặt nước, tiếng cưa, tiếng chặt thép chói tai vang lên. Một lúc sau mấy người cứu hộ đưa được xác nạn nhân ra khỏi xe, đặt vào cáng có sáu người mặc áo sọc dạ quang khênh lên. Xe bị nạn rơi phía tây cầu mới, nhưng dòng người cứu hộ phải khênh qua gầm cầu mới rồi đi xiên xiên lên đầu cầu xi măng xây từ thời Pháp, nay đã bỏ hoang. Hai hàng người, hầu hết còn trai tráng, chắc là người dân xung quang khu vực cầu, đứng thành hai hàng từ mặt cầu xuống đến gầm cầu mới cùng giang tay làm chỗ vịn cho những người khiêng nạn nhân lên. Đường dốc gần như dựng đứng, họ phải nắm tay nhau mới đưa nạn nhân lên được mặt đường. Nhẹ nhàng đặt xác nạn nhân xuống bên phải đường có hai hàng chiếu trải sẵn, cả sáu người cùng bê nạn nhân đặt vào chiếu rồi vội vã xách cáng quay lại dưới chân cầu. Bốn sĩ quan công an xúm lại, người soi đèn, người ghi chép, người lục túi nạn nhân lấy bót xem giấy tờ. Tôi giật cây đèn pin của một người cảnh sát soi vào mặt nạn nhân nhưng không thể nhận ra hình giáng vì khuôn mặt chỉ còn một nửa. Quay lại soi chiếc ví nơi túi sau nạn nhân vừa được người công an lôi ra tấm chứng minh nhân dân, anh ta bảo: “Nơi sinh tỉnh Thái Bình!” Thẻ chứng minh nhòe máu và nước chảy nhỏ giọt. Tôi trả lại đèn và nói không thành tiếng: “Không phải cháu tôi!”
Bên đầu cầu cũ, người dân vẫn chen nhau đứng, mắt dõi xuống lòng sông nơi chiếc xe bị tai nạn bẹp dúm dó đang được những người cứu hộ phá ra để lấy xác nạn nhân. Tiếng một người bên cạnh tôi kể: “Vừa lên giường nằm được một tý, bỗng nghe một tiếng nổ rất to phía cầu, cả nhà tôi chạy túa ra đầu cầu thì nghe dưới gầm cầu có tiếng khóc, tiếng kêu la thảm thiết lắm. Trời tối không thấy gì, mấy người chạy về, nhà nào có gì thì mang theo cái ấy: đèn pin, cuốc chim, dao, xà beng... Không ai bảo ai, các hộ hai bên đầu cầu chạy xuống chỗ xe bị nạn phá xe cứu người. Cứ nghe tiếng kêu khóc ở phía nào là cố phá phía ấy mang người ra”.  Quả thật, những người tham gia cứu hộ dưới mép sông vẫn có người mặc độc chiếc quần lót. Đã quá nửa đêm, gió trên sông bắt đầu thổi mạnh, người trên bờ đã phải mặc áo ấm, vậy mà... có lẽ chỉ vì tình người, vì lương tâm, họ quên đi cả cái lạnh giá, cố mang nốt những xác người còn mắc lại trong xe lên bờ.
Lại một xác người nữa được đưa lên. Ánh đèn pin loang loáng mở đường, soi rõ những khuôn mặt đang tham gia cứu nạn, mặt ai cũng đăm chiêu, đau xót. Họ lại níu tay nhau, chuyền tay nhau để kéo những người khênh cáng lên mặt đường. Tôi chạy theo lại thấy mấy người bê cái xác ướt đẫm, máu và nước chảy thành dòng trên mặt chiếu. Cái xác nhàu nhĩ, tóc dài quá vai, tôi thẩn thờ nói với mấy người cảnh sát: “Phụ nữ, không phải cháu tôi.” Ai đó kiếm đâu được nắm hương đốt lên, cắm xuống phía dưới chân người chết ngay mép đường.
Tôi lại ra đầu cầu dõi mắt nhìn xuống chiếc xe bị nạn đang được cần cẩu nâng đầu xe lên. Người ta lại xúm nhau cưa, xẻ chiếc xe dúm dó. Tiếng mấy người phụ nữ bàn tán: “Có mấy đứa trẻ độ ba bốn tuổi gì đấy may mắn chỉ gãy tay, gãy chân thôi”. “Què tay què chân còn may mắn cái nỗi gì!” “Bà này nói lạ, từ thành cầu xuống đến mép sông thế kia sâu phải hơn hai chục mét lại toàn đá mà không chết mới lạ chứ. Bị thương là phúc đức lắm rồi.”  “Nếu bình thường đứng trên cầu nhìn xác xe cũng phải chóng mặt chứ nói gì ngồi trên chiếc xe bị rơi xuống đó”. Ai đó chép miệng góp lời. Trên mặt cả hai cây cầu, người đứng xem cứu hộ vẫn đông đặc. Dưới mép sông, những người cứu hộ và công an vẫn tất bật làm việc. Một lúc sau cái xác cuối cùng cũng được đặt vào cáng khiêng lên bờ. Tôi lại chạy theo cầm đèn cho mấy anh công an soi vào khuôn mặt người bị nạn đã bị biến dạng, đầu bị ép bẹp, không nhận dạng được. Một người cảnh sát móc túi ngực người bị nạn lôi ra chiếc bót màu vàng dày cộm, lần rút ra tấm bằng lái xe, anh ta kêu lên: “Đây là tài xế!”. Tôi quay sang hỏi người cảnh sát đứng cạnh: “Nạn nhân ở đây, ngoài số được đưa lên bệnh viện tỉnh còn đưa đi đâu nữa không?”. “Lúc đầu người dân đưa được một số người bị thương qua Bệnh viện huyện Cư Jut cấp cứu, nhưng sau đó đã chuyển hết về bệnh viện tỉnh Dak Lak rồi.” Tôi quay lại chỗ để xe nói với mấy người cảnh sát giao thông: “Không thấy cháu đâu cả, cho mình qua bệnh viện Cư Yut xem sao”. Tôi chạy xe qua cầu, xuống bệnh viện huyện, người giữ xe bệnh viện vẫn ngồi uống nước trà; tôi dựng xe, không kịp lấy vé và cũng không nói năng gì lao vào phòng trực: “Cô ơi, mấy người bị tai nạn trên cầu 14 có còn ai ở đây không ạ!” “Dạ, chuyển hết về bệnh viện tỉnh rồi, chỉ còn một người để lại thôi”. “Nạn nhân nằm ở đâu ạ?” “Dưới nhà xác, bác theo tôi!”. Người trực đưa tôi đến cửa phòng bảo vệ gọi ông ta dậy mở cửa nhà xác, tôi bước vào và chạy lại ôm chầm lấy xác cháu. Nó vẫn nằm như đang ngủ, thanh thản lạ lùng. Vâng, cháu tôi đây, người thanh niên cao gần bằng tôi, mười bảy tuổi học vừa xong lớp 11; thế mà mỗi lần bác về vẫn chạy lại ôm cổ đòi cõng xem cháu có nặng thêm cân nào không; lại nữa vừa chủ nhật tuần rồi mang lên biếu bác qủa mít vườn nhà mới chín; bác bận nhậu, cháu không chịu về vì... bác chưa thơm cháu; mấy anh chị ngồi nhậu trêu: lớn sắp lấy vợ rồi còn đòi bác thơm. Nhưng em vẫn là cháu bác, em anh chị mà – cháu trả lời. Mới có mấy ngày xa cháu thôi mà giờ cháu tôi thế này đây...
Tiếng ai đó vọng lại: “Cháu là một trong những nạn nhân được đưa vào đây cấp cứu đầu tiên nhưng bị gãy cổ nên không thể cứu được”. Một lúc sau có người vỗ vai tôi: “Bác là người nhà nạn nhân phải không? Xin phép cho chuyển nạn nhân lên bệnh viện tỉnh Dak Lak.” Tôi quay lại thấy ba người mặc quân phục, trên ve áo mang phù hiệu quân y nên đứng lên. Người mang quân hàm trung úy nói: “Bác là người nhà nâng đầu đưa anh ấy ra xe.” Tôi như cái máy vòng hai bàn tay xuống gáy cháu nâng lên. Hình như máu còn chưa đông, đọng thành vũng và tay tôi chạm vào một vết lõm sau gáy.

Xe cứu thương quân đội đưa cháu tôi vào nhà xác bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak, khênh xuống đặt lên nền nhà có trải chiếu để sẵn. Một nhân viên bệnh viện đặt lên ngực cháu con số 34. Ba mươi tư xác người trong một vụ tai nạn để xếp thành hàng trên nền nhà. Tiếng khóc, tiếng nỉ non của thân nhân những người bị nạn tạo nên một không khí tang tóc đến khủng khiếp. Có lẽ vụ tai nạn trên cầu 14 bắc qua sông Srêpok, quốc lộ 14 đêm 17 tháng 5 năm 2012 vừa qua tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột là tai nạn thảm khốc nhất, khủng khiếp nhât mà cho đến bây giờ tôi từng được biết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI