Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

TRANG CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 42 NĂM THÀNH LẬP BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ĐẮK LẮK
(23/5/1975 - 23/5/2017)

MỘT LẦN THĂM ĐỒN BIÊN PHÒNG SÊ RÊ PỐK
                                              
  Ký

  

Một ngày cuối tháng 2/2017, trong không khí se lạnh khác lạ của mùa xuân Tây Nguyên, đoàn văn nghệ sỹ - Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk - được chiếc xe biển số đỏ của Bộ đội Biên phòng tỉnh chở đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Rừng lá chín
Theo Quốc lộ 14 hướng Buôn Ma Thuột đi thành phố Hồ Chí Minh đến ngã ba Đắk Min, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi rẽ phải vào Quốc lộ 14C. Từ đây, rừng như những quân đoàn trùng trùng, điệp điệp vây chiếc xe chúng tôi vào giữa, còn chiếc xe như chiến sĩ quả cảm mở đường cứ phăng phăng lao lên phía trước. Cả tuyến dài hàng trăm km toàn rừng là rừng. Có lẽ, đến với Tây Nguyên phải đi biên giới, phải đến thăm các đồn biên phòng thì mới thấy, mới biết thế nào là rừng và cái khái niệm đại ngàn nó bao la, bí ẩn như thế nào.
Có nhiều loại rừng, nhiều loại cây khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là rừng khộp. Cái kỳ lạ của rừng khộp là cứ cuối đông, đầu xuân, toàn bộ lá rừng chuyển vàng rực, rồi chuyển sang màu đỏ, cuối cùng rụng hết. Khi ấy, rừng chỉ còn lại những thân cây trụi lá, những cành cây gầy, khô chĩa lên không trung như triệu triệu bàn tay của ma quỷ vạch lên bầu trời những vết bầm như than oán dưới cái nắng đổ lửa miền biên giới.
Thượng tá Đỗ Quang Thẩm, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh, người hướng dẫn đoàn cho biết: Năm nay khí hậu thay đổi khác lạ hoàn toàn, nên đi trong mùa này vẫn thấy rừng còn đầy lá vàng, lá đỏ, gọi là rừng lá chín như thế đấy. Những năm trước, vào cuối tháng 2 như thế này thì chỉ còn những thân cây trơ trụi...

Đồn Sê Rê Pốk
Tôi may mắn được phân công cùng nhạc sĩ Mạnh Trí lưu lại tại đồn Sê Rê Pốk. Đây là đơn vị đã đạt danh hiệu Quyết thắng, là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của Bộ đội Biên phòng tỉnh năm 2016. Là nơi phong cảnh hữu tình nhất, có núi có sông, có cột mốc biên giới 44 và 45, có di tích lịch sử Bến phà sông Sê Rê Pốk...
Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nằm cách dòng sông cùng tên hơn một ki lô mét, thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 12,2 km, phía bắc tiếp giáp với đồn Yok M’bre, phía nam tiếp giáp với đồn Bo Heng, phía tây tiếp giáp với xã Sơ Re Hui, huyện Cô Nhéc, tỉnh Mul Đul Ki Ri, Vương quốc Căm Pu Chia.
Sau bữa cơm trưa thân mật cùng các chiến sĩ, tôi và nhạc sĩ Mạnh Trí được hai chiến sĩ đưa đi thăm cột mốc 44, cột mốc đôi 45, cầu Sê Rê Pốk… Đặc biệt là thăm Bến phà Sê Rê Pốk, di tích lịch sử và thắp hương tại nhà tưởng niệm 71 chiến sĩ đã hy sinh tại khu vực này. Ngay trong đêm, nhạc sĩ Mạnh Trí đã ôm đàn ghi ta thể hiện hai bài hát mà chỉ qua một buổi chiều đi dạo, cảm xúc trào dâng thành tác phẩm đã khiến cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng say mê. Nhạc sĩ hát, chiến sĩ hát, tất cả cùng hát… khiến đêm bịn rịn kéo dài mãi.
Có tiếng kẻng báo thức, nhìn đồng hồ 4h30, rồi tiếng một hai, một hai đều đặn của các chiến sĩ tập thể dục buổi sáng kéo tôi dậy. Có nhiều việc cần phải làm, tôi phải đến tận nơi các địa điểm chiều hôm qua đã đến, cần phải có thời gian một mình trải nghiệm. Bến phà sông Sê Rê Pốk, cột mốc biên giới, sông Sê Rê Pốk, suối Đắk Đam, Sông Mê Kông… Những điều trước đây chỉ nghe qua báo đài và trong giấc mơ, trong ao ước một lần đặt chân đến thì giờ đây chúng đang hiện hữu ở rất gần. Tôi nhanh chóng thực hiện công việc cá nhân buổi sáng rồi báo cho Trực ban biết là tôi xin phép ra khỏi đồn và đi bộ đến những nơi mà tôi tha thiết ấy.
Bình minh trên sông Sê Rê Pốk.
Lội bộ khoảng hơn cây số, giữa những tán rừng lá vàng, lá đỏ, giữa buổi sớm trong lành, giữa hàng trăm tiếng chim đủ các loại. Tiếng dòng sông trầm hùng, đùng đục như ở bên cạnh. Tôi lên cầu Sê Rê Pốk. Cây cầu bê tông dài 175 mét, rộng 8 mét thuộc Quốc lộ 14C. Nhìn từ xa, chiếc cầu như một pháo đài màu trắng bắc ngang qua dòng sông bàng bạc đang sôi sục réo gào. Pháo đài ấy càng trở nên uy nghi giữa bầu trời xam xám đang sáng dần lên từ phía đông, nơi mặt trời nhỏ nhẹ đang nhích dần lên trên những vòm lá làm cho cảnh rừng, cảnh sông nơi đây thêm màu sắc hùng vĩ. 
Phía dưới, dòng Sê Rê pốk căng tràn sức lực đang chảy ngược, cuồn cuộn đổ về phía biên giới Cămpuchia. Thỉnh thoảng, giữa dòng có những ghềnh đá thoắt ẩn, thoắt hiện khiến dòng nước như con giao long khổng lồ bị chặn ngang cổ, quằn quại xoáy tròn, đôi lúc ùng ục, sục sôi phát ra những tiếng ầm ào như tiếng của một ngọn thác, lúc thì rào rào, rào rào dài bất tận.
Bình minh càng trở nên sống động. Mặt trời xuất hiện từ nơi đầu nguồn con sông. Nhìn từ biên giới, mặt trời như có vẻ bé hơn khi quan sát ở những nơi khác. Cũng có thể là do nó xuất hiện dưới tận những chân rừng xa lắc rồi leo dần trên đầu của rừng lá chín như cách ví von của Thượng tá Đỗ Quang Thẩm nói về cảnh rừng trước đó nên nó mới nhỏ nhẻ, khiêm tốn như vậy! Có tiếng cá quẫy giữa dòng nước. Rồi những cái sống lưng đen trũi lấp ló. Một đàn cá lăng rất lớn đang chào đón bình minh. Những quầng nước lớn cuồn cuộn loang ra thành hàng trăm vòng tròn to nhỏ, rồi nhanh chóng biến mất vào dòng nước đang đổ về phía tây ấy.
Sát đầu cầu bên phải, khi nhìn về hướng đông, rừng nguyên sinh như một đám mây lớn sầm sầm lao thẳng xuống mép sông. Nơi tôi đứng có nhiều cây kơ nia to lớn như những gã lực điền cởi trần trùng trục phơi tấm thân cường tráng hứng lấy tất cả cái không khí ban mai mát rười rượi. Có cây đã chết, da bong tróc, những lớp vỏ lâu ngày bị mối mục rã ra từng mảng lớn. Còn thân cây vẫn đang bị một dây leo to như bắp đùi tráng sĩ quấn quanh từ gốc lên ngọn. Nhìn thật gần vẫn tưởng nó đang bị một con chằn tinh to lớn siết chặt đến chết mà vẫn không chịu buông tha.
Bến phà Sê Rê Pốk
Bờ bên trái đa phần là rừng tre nứa. Những cây tre dài quá khổ và cong đều như một thế trận cạm bẫy. Nó có thể bật dậy nhanh mạnh như một cây ná bắn đi những mũi tên nguy hiểm. Gần sát mép nước, nổi bật là một cây săng lẻ, lá nhỏ như những đồng xu màu cam vàng rực, nghiêng về phía mặt nước, nửa như cô gái soi gương, nửa nhìn có hình thù như cánh buồm màu vàng no gió đang lao nhanh về phía bến phà.
Tôi quay trở về hướng đồn và rẽ trái đi khoảng 1,5 km để xuống bến phà. Cách bến phà khoảng 150 mét là nhà Bia ghi danh 71 liệt sĩ đã hy sinh nơi đây, mà hôm qua chúng tôi đã có dịp thắp hương. Đường xuống bến phà rộng khoảng 12 mét. Nói là đường nhưng thực tế nó chỉ còn là dấu tích được thể hiện rõ nhờ hai bên bờ là vách núi được bộ đội đào hạ độ cao xuống khoảng hơn 3 mét và thấp dần xuống mép nước.
Tôi tìm khắp xem mình có thấy kỷ vật, dấu vết của những đoàn quân năm xưa không nhưng không còn gì sót lại. Chỉ có một cái xăm ô tô đã rách nằm giữa dốc. Một trụ sắt chữ I lớn cắm sâu sát bờ sông còn ló lên khoảng nửa mét. Đây có lẽ là dấu hiệu sống động nhất của những chuyến phà đã neo đậu tại trụ sắt này. Bờ bên kia là rừng tre nứa. Những cây tre nằm phủ phục như những ba-ri-e chắn hết lối lên xuống bến phà như thầm bảo: Hết chiến tranh rồi, bến phà không hoạt động nữa… Và tre, nứa lại như muốn dấu kín một trang oanh liệt, một quá khứ bi hùng diễn ra nơi đây mà không muốn khơi gợi lại.
Mặt trời đã lên khá cao. Sau những quãng đường lội bộ và tìm kiếm, người tôi đang như sôi lên. Khát! Khát khô cổ, còn mồ hôi thì nhễ nhại. Đã quá! Sướng quá! Lâu lắm rồi có bao giờ mồ hôi tự chảy tràn ra mặt như thế này đâu. Sung sướng quá, tôi đang mơ đóng lại cảnh vất vả của cha, anh ngày trước, cắm mặt xuống dòng nước mát và tu ừng ực. Nước ngày xưa chắc trong và không ô nhiễm như bây giờ, nhưng mặc kệ. Tôi cứ nuốt, sướng quá, mát quá!
Điện thoại reo, tiếng Đồn trưởng gọi hỏi:
- Anh ở chỗ nào, về ăn sáng. 
- Mình đang ở bến phà. Anh em cứ ăn trước đi.
Đang ngồi sát mép nước, ném những vốc cát vào dòng chảy và không biết những hạt cát ấy rồi sẽ dừng lại ở chốn nào thì có tiếng xe máy. Một chiến sĩ ra đón tôi về…
Cán bộ và các chiến sĩ đã ăn sáng xong, tỏa đi mỗi người mỗi hướng. Mâm cơm với những thịt cá và rau do các chiến sĩ trong đồn tự chăm, nuôi nhanh chóng cho tôi hồi phục sức khỏe. Tôi phải tiếp tục đi, phải lên cột mốc đôi, phải đi hơn 5 km, tuy hơi xa nhưng tôi từ chối việc đi xe máy do các chiến sĩ chở để thực sự sống trong cái cảm giác vất vả của những chiến sĩ đang công tác nơi đây.
Cột mốc đôi - cột mốc 45
Đồn 743 có nhiệm vụ bảo vệ 2 cột mốc 44 và 45. Cột mốc 44 ở gần hơn, cách khoảng 1 km và ở một vị trí khá thoáng đãng nên tôi chọn hướng cột mốc 45 để tìm cảm hứng. Theo Đại úy Nguyễn Đức Nam, Phó đồn trưởng hôm trước đã giới thiệu: Do vị trí địa lý nơi đây có dòng Sê Rê Pốk đi qua nên chọn giữa dòng sông làm biên giới chung. Chính vì vậy, phải đặt hai cột mốc đối diện hai bên bờ sông và có tên gọi cột mốc đôi là vậy.
Trời đã nắng gắt, Đại úy Nam cho tôi mượn mũ của anh để đỡ nắng. Tôi từ chối, song nghĩ lại tôi đã cầm mũ và đến trưa trở về, tôi mới biết giá trị của chiếc mũ này. Ra khỏi đồn, tôi nhanh chóng trang bị thêm cho mình một chiếc gậy bằng cây le khô. Có cây gậy trong tay, tôi tự tin mình có thể là Võ Tòng thứ 2 nếu rừng có cọp. Lên đến giữa cầu, tôi gặp chiếc xe bán tải chở nhà thơ Hữu Chỉnh (tác giả bài hát nổi tiếng Nghe câu quan họ trên cao nguyên) và nhà thơ Lê Đình Liệu. Họ đang dừng để hai nhà thơ tìm cảm hứng và sẽ lại lên đường nên tôi tiếp tục hành trình của riêng mình.
Qua khỏi cầu Sê Rê Pốc khoảng 500 m, tôi rẽ phải theo đường mòn mà các chiến sĩ hay đi tuần tra cột mốc. Con đường đất đỏ uốn lượn dưới tán rừng khộp. Tôi vừa bước vừa nương vào cây gậy cầm tay. Mắt tôi căng ra nhìn tứ hướng đề phòng có thú rừng. Vậy mà đôi lúc cũng phải giật nảy người, toát mồ hôi vì những lá khộp to lớn rơi xuống như là lính nhảy dù vừa tiếp đất bên cạnh.
Rồi tôi cũng đến được nơi cần đến, cho dù chân mỏi rã rời và cái đầu gối củ lạc đôi lúc như muốn tự rơi ra. Tại cột mốc 45 này có nhiều điểm thú vị. Trước cột mốc là 3 cây kơ nia rất lớn, trong đó hai cây lớn hơn đứng giữa thành hai trụ cổng uy nghi để đi vào cột mốc. Chếch về bên trái khoảng gần 100 mét, một quần thể có đến chục cây  kơ nia to lớn trấn giữ, khiến cảnh trí nơi cột mốc này có điều gì đó trầm mặc, trang nghiêm và huyền bí. Đứng tại đây nhìn sang bên kia bờ sông khá xa, chỉ thấy cột mốc bên đó nhỏ xíu, bên cạnh là một cây cổ thụ to lớn, màu trắng, tròn lẳn, thẳng tắp và cao hơn 30 mét, rất ấn tượng và dễ nhớ.
Ngồi bên cột mốc một lúc với những cảm xúc rất kỳ lạ. Một điều gì đó thiêng liêng khiến trái tim nơi ngực trái tôi nhoi nhói… Gia đình tôi, anh, em, bạn bè… vợ và các con tôi dẫu có tưởng tượng cũng không thể tin, tôi đang một mình bên cột mốc đôi và chỉ cách một con sông là nước bạn Cămpuchia.
Ngã ba sông - suối hẹn hò
Không nhớ là tôi ngồi bên cột mốc bao lâu, bỗng nghe thoảng trong gió như có tiếng nước chảy, tôi đứng dậy cắt rừng đi khám phá. Con đường đưa tôi tới một doi đất sát mép sông như kiểu mũi tàu. Cây gậy Trường Sơn mà tôi cầm theo tỏ ra cực kỳ lợi hại. Tôi cắm cây gậy xuống nước và đu mình nhướng mắt ra khỏi những tán lá cuối cùng để nhìn về phía xuôi dòng, và phát hiện ra một điều kỳ thú… Ngã ba sông và suối gặp nhau tại nơi đây.
Trước mặt tôi không phải một con sông mà là hai con sông được ngăn cách bởi một cù lao đang thắt nhỏ dần về phía tây. Bên cạnh là sông Sê Rê Pốk, còn bên kia cù lao là con sông còn lớn hơn. Trên dòng sông ấy phía xa xa, nhiều chiếc thuyền thả neo giữa sông, thấy cả những ngư dân đang thả lưới. Hai con sông chạy tiếp sức một đoạn ngắn rồi hòa vào nhau làm một. Quay lưng lại và ngay trước mắt tôi là suối Đắk Đam trong vắt. Ở nơi nó hòa vào sông Sê Rê Pốk lòng suối khá rộng, nước chảy hiền hòa. Luồng nước trắng đục mà tôi phát hiện lúc trước chính là nơi suối Đắk Đam hòa vào dòng Sê Rê Pốk tạo thành hai dòng trong – đục trước khi chảy vào lãnh thổ Cam Pu Chia, đổ vào sông Mê Kông.
Thật không hẹn hò mà thành hò hẹn, tôi đã thật sự may mắn khi tự mình phát hiện ra cái ngã ba kỳ thú này.
 Hành khúc giữa rừng lá đỏ
Ngay chiều hôm đó, chiếc xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh quay lại đón chúng tôi trở về. Tôi chọn ngồi ghế trước gần bác tài để có dịp quan sát con đường và cảnh rừng lá đỏ. Giữa những cánh rừng bạt ngàn đó, vẫn thấy thấp thoáng bóng những chiến sĩ lặng lẽ tuần tra, lòng tôi dạt dào xúc cảm. Những ý thơ xuất hiện trong đầu và khi tôi viết xong bài viết này đưa cho nhạc sĩ Mạnh Trí, sau một thời gian ngắn, nhạc sỹ thông báo đã hoàn thành ca khúc cùng tên, phổ thơ của tôi.
Tạm biệt biên giới, tạm biệt các chiến sĩ Đồn biên phòng Sê Rê Pốk… Hy vọng sẽ có ngày tôi trở lại. Được cùng ăn, cùng ở, được hò hát, được theo các chiến sĩ tuần tra… được nếm vị mặn của mồ hôi gian khổ, được nghe tiếng hát của rừng, tiếng rộn rã chảy ngược của dòng sông Sê Rê Pốk quê hương. Tất cả như bản trường ca bất hủ sẽ sống mãi trong lòng các chiến sĩ, trong lòng tôi và những ai có may mắn được đến nơi này dù chỉ một lần trong đời, sẽ chẳng bao giờ quên được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI