Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

MẤY VẤN ĐỀ VỀ THƠ CHO TRẺ THƠ tác giả PHẠM QUỐC CA - CHƯ YANG SIN Số 334, tháng 6 năm 2020


 

Sáng tác cho trẻ thơ là một công việc đầy hạnh phúc nhưng không ít khó khăn. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại nhiều nhà thơ bền lòng với công việc này và đã có những đóng góp đáng trân trọng như: Huy Cận, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Xuân Quỳnh, Thanh Hào, Đặng Hấn, Nguyễn Hoàng Sơn… Một số nhà thơ khác mặc dù không chọn đề tài này làm công việc cả đời nhưng đã có những bài thơ hay. Nhiều tác phẩm cho trẻ thơ đã được chọn in trong sách giáo khoa, trong các tuyển tập thơ thiếu nhi, được phổ nhạc thành các bài hát được các thế hệ trẻ thơ yêu thích, góp phần hình thành và bồi dưỡng thế giới tinh thần của các em.

Tuy nhiên, đọc kỹ các tập thơ cho thiếu nhi chúng tôi thấy vẫn còn không ít bài trẻ thơ không thể yêu thích. Những bài thơ hay bị lẫn vào khối lượng lớn những bài thơ chưa hay. Ngay ở một số bài thơ khá hay vẫn còn có chỗ để bàn. Xin đi vào vài vấn đề sau đây.

1.Thơ cho trẻ thơ và vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức

Giáo dục tư tưởng, đạo đức qua thơ đã có truyền thống hàng ngàn năm với các quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí” của Nho giáo. Lý luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa suốt mấy chục năm trước Đổi mới đề cao chức năng giáo dục. Đối tượng hướng tới của văn học viết cho thiếu nhi cũng là đối tượng của giáo dục. Những điều đó đã hình thành trong người làm thơ tâm thế “kép”. Nhà thơ Võ Quảng đã nói lên tâm lý sáng tạo phổ biến: “Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học viết cho thiếu nhi là hai anh em sinh đôi” ( Giáo trình văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009, tr 39).

Nhưng vấn đề cần quan tâm không kém là những nội dung giáo dục phải được hòa tan vào thế giới hình tượng như mật ong hòa tan trong rượu chứ không phải là thuốc nhét vào quả chuối mà các bà mẹ hay làm khi chữa bệnh cho con. Từ xưa Lê Quy Đôn đã bàn rất chí lí: “Thơ mạch kỵ thẳng, ý kỵ lộ”. Tiếc thay, trong nhiều trường hợp sáng tác tâm thế nhà giáo đã lấn át tâm thế nhà thơ khiến nội dung giáo dục luân lý, đạo đức được nói thẳng một cách thiếu nghệ thuật. Biểu hiện cụ thể thì nhiều nhưng chỉ xin dẫn ra đây một vài bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ Đàn gà con của Phạm Hổ có những hình ảnh ngộ nghĩnh, rất được trẻ em yêu thích: “Mười quả trứng tròn,/Mẹ gà ấp ủ,/Mười chú gà con/Hôm nay ra đủ;/Lòng trắng lòng đỏ,/Thành mỏ, thành chân,/Cái mỏ tí hon/Cái chân bé xíu,/Lông vàng mát dịu,/Mắt đen sáng ngời,/Ơi chú gà ơi!/Ta yêu chú lắm”. Nhưng đây mới là một nửa bài thơ. Nửa còn lại không được hay như vậy. Đặc biệt là khổ kết: “Là gà của bé,/Chú nhớ đừng quên,/Ăn khỏe, lớn khỏe/Đẻ rõ nhiều lên”. Thật tiếc cho bài thơ dễ thương đến thế lại có cái kết thực dụng, thiếu chất thơ. Đó là chưa kể lỗi dùng từ: chú thì làm sao mà đẻ được?.

Bài thơ Mời vào của nhà thơ Võ Quảng cũng đã được đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ ngộ nghĩnh, vui tươi nhằm giáo dục các em ý thức cảnh giác với kẻ xấu:

- Cốc! Cốc! Cốc!

- Ai gọi đó?

- Nếu là Thỏ

Cho xem tai

- Nếu là Nai

Cho xem gạc

Cáo mò đến nhưng không được vào vì hắn là kẻ xấu. Bài thơ kết thúc bằng ý thơ mời Gió vào nhà và rủ Gió: “Đi khắp miền/Làm việc tốt”. Cái kết này vừa lạc mạch khỏi tứ thơ, vừa thiếu chất thơ.

Văn hào Nga Lev Tolstoy đồng thời còn là nhà giáo dục vĩ đại. Ông không chỉ sáng tác nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà còn dịch văn học nước ngoài về đề tài này. Khi dịch truyện ngụ ngôn của Ezov ông đã bỏ tất cả các đoạn kết có tính chất giáo huấn vì bản thân các câu chuyện đã toát lên tư tưởng cần gửi gắm.

Có một chuyện vui: Bố con nhà nọ ngồi chơi với nhau. Cậu bé hỏi: “Bố ơi! Vì sao trên đầu bố lại có những sợi tóc bạc?”. Ông bố trả lời: “ Vì con hư đấy! Cứ mỗi lần con không ngoan là tóc bố lại bạc đi một sợi”. Cậu bé chợt reo lên: “Thế thì con đã hiểu vì sao tóc bà nội lại bạc trắng hết cả đầu như vậy!”. Ông bố bị hố to vì đã gò sự sống tự nhiên vào đạo đức, cứ nhăm nhăm dạy đạo đức trong mọi trường hợp.

Những bài thơ hay cho trẻ thơ thường khơi gợi ở các em khả năng cảm nhận cuộc sống qua lăng kính của cái đẹp và lòng nhân ái. Ở đó chức năng giáo dục được thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị thông qua chức năng thẩm mỹ.

2. Phương thức trữ tình nhập vai trong thơ cho trẻ thơ           

Nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết những câu thơ giản dị mà đẹp như chân lý:

Trẻ thơ như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Thơ cho trẻ thơ phải hợp với thiên tính tự nhiên của lứa tuổi này. Có nhiều phương thức trữ tình nhưng trong thơ viết cho trẻ thơ phương thức “nhập vai” vẫn là hiệu quả nhất. Nhà thơ phải dùng ký ức tuổi nhỏ, dùng tưởng tượng sáng tạo để nhập vai, cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống con người bằng con mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Nếu không làm được điều này người làm thơ sẽ rơi vào trạng huống cưa sừng làm nghé. Trường hợp đáng tiếc nữa cũng sẽ xảy ra là lẫn thơ người lớn vào thơ cho trẻ thơ. Thí dụ thì nhiều nhưng xin dẫn ra đây bài thơ Con chim chiền chiện của Huy Cận. Bài thơ có những câu tuyệt hay: “Bay cao, cao vút/Chim biến mất rồi,/Chỉ còn tiếng hót/Làm xanh da trời”. Tài năng cỡ Huy Cận mới có những câu thơ xuất thần như vậy. Thật tiếc là bên cạnh đó lại có những câu không một chút trẻ thơ: “Chim ơi, chim nói/Chuyện chi, chuyện chi?/Lòng vui bối rối/Đời vui đến thì". Dù đã được đưa vào sách giáo khoa và các tuyển thơ cho thiếu nhi những câu thơ ấy vẫn làm xuất hiện câu hỏi nơi người tiếp nhận: Bài này Huy Cận viết cho trẻ thơ hay viết cho người lớn?

Mỗi lứa tuổi có cách cảm nhận cuộc sống khác nhau. Là người lớn nhiều khi ta đã quên trẻ thơ suy nghĩ, cảm xúc như thế nào. Vì vậy phải hết sức tinh tế khi muốn thể hiện chất thơ của sự ngây thơ con trẻ. Nhà thơ P.Đ.A.trong bài Trăng cuả bé đã viết: “Thức dậy bé ngơ ngác/Vội chạy đi tìm trăng/Trăng trốn đâu kỹ thế/Để sân trời bỏ không?”.  Trẻ thơ có thể ngơ ngác tự hỏi trăng trốn ở đâu khi trời sáng nhưng vội chạy đi tìm trăng thì là hành động khác thường, không thơ nữa.

Một trong những đắc điểm tâm lý của trẻ thơ là cảm nhận cuộc sống một cách hồn nhiên, cụ thể, cảm tính. Không lưu ý đặc điểm này, một số nhà thơ đã gò ép tự nhiên vào cái khung cứng nhắc của tứ thơ chủ quan. Có thể dẫn ra đây một số ví dụ. Bài thơ Hoa xoan, hoa đào của P.H. gồm bốn câu như sau: “- Sao hoa xoan, hoa đào/Không nở cùng một lúc?/- Hoa chia nhau trực mùa/Như các con trực lớp”. Sứ mệnh của hoa là làm đẹp. Nhiệm vụ trực lớp chủ yếu là làm vệ sinh nơi học. Với thủ pháp so sánh cái đẹp đã bị quy về tinh thần trách nhiệm, không tránh khỏi khô khan, khiên cưỡng.

Bài thơ Giếng than của D.K.A. cấu tứ theo kiểu tương đồng, tương đồng hai sự vật giếng than và giếng nước. Thật ra, ngoài đặc điểm cùng có chiều sâu nên cùng được gọi là giếng, giữa giếng than và giếng nước không có gì tương đồng. Nói đến giếng than là nghĩ đến lao động vất vả, lam lũ, thậm chí nguy hiểm. Ý muốn giáo dục trẻ thơ tình yêu lao động đã dẫn đến việc thơ mộng hóa giếng than một cách khiên cưỡng: “Ơ ngọn đèn lò/Đi vào giếng than/Ngỡ ông trăng vàng/Bơi trong giếng nước.”

Bài thơ Gửi chú ở Trường Sa của N.X.H. nói lên tình cảm thương yêu của cả nhà đến người lính đảo. Ông gửi cân thuốc lào, bà gửi bột chanh và hai cân đường trắng, mẹ gửi hạt cải, hạt dền. Còn các cháu của chú thì: “Đăng, Tuấn, Long cuống lên/Đồng thanh và nhất trí/Gửi chú cậu cóc bé/Tha hồ Trường Sa mưa.”

Từ suy nghĩ chủ quan trẻ thơ là ngây thơ, nghĩ đến câu đồng dao Con cóc là cậu ông trời, cóc kêu trời sẽ mưa, tác giả đã khiến ba đứa trẻ hành động thật phản cảm.

Điều mong muốn của trẻ thơ và mọi người đọc thơ là hãy đem đến cho các em những tác phẩm thơ khơi gợi khả năng cảm nhận cuộc sống bằng mỹ cảm, đem đến cho các em cái hay, cái đẹp, cái thú vị giàu nhân tính. Trách nhiệm của các nhà thơ thật nặng nề nhưng cũng đầy hạnh phúc.

Đà Lạt, 20-5-2020

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI