Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

HỌC TẬP ĐỨC TÍNH CẦN KIỆM CỦA BÁC HỒ tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - là lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Là một vĩ nhân nhưng nét nổi bật trong cuộc sống của Bác là đức tính cần kiệm và nếp sống giản dị. Từ khi tìm đường cứu nước đến thời kỳ tiền khởi nghĩa và khi làm Chủ tịch nước, trong hoàn cảnh nào Bác cũng giữ nếp sống giản dị, đức tính cần kiệm nhưng vẫn tạo được lòng kính trọng của nhân dân và bạn bè quốc tế. Để học tập, làm theo đức tính cần kiệm của Bác, chúng ta cần tìm hiểu: điều gì khiến Bác có đức tính cần kiệm ấy? Biểu hiện cụ thể ra sao? Ý nghĩa xã hội của đức tính cần kiệm ấy như thế nào?

1. Cội nguồn sâu xa.

Đức tính cần kiệm của Bác Hồ có nguồn gốc sâu xa từ nếp sống giản dị và đức tính cần kiệm của nhân dân ta hình thành trong chiều dài lịch sử. Nhân dân ta sống trong ách đô hộ của phong kiến trung Hoa một ngàn năm và trải qua mười thế kỷ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, thường xuyên phải tiến hành chiến tranh giữ nước, gần một trăm năm sống dước ách Thực dân phong kiến, rồi hai cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài ba mươi năm. Kinh tế khó khăn với một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, hết hạn hán đến bão lũ, lụt lội. Sự khắc nghiệt của điều kiện sống ấy đã hun đúc cho dân ta những phẩm chất tốt đẹp, trong đó có đức tính cần kiệm, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.

Đức tính cần kiệm của Bác còn có nguồn gốc từ hoàn cảnh gia đình và bản thân. Xứ Nghệ vốn là một vùng quê nghèo và đầy khó khăn, nổi tiếng với món cà, nhút mặn mòi, nổi tiếng cần cù, tiết kiệm, là đất hiếu học và có truyền thống khoa bảng. Thân sinh của Bác là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng xuất thân nghèo khó, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với người anh cùng cha khác mẹ, phải đi chăn trâu kiếm sống. Cụ rất hiếu học nhưng chỉ được học lõm, nghe lén, chủ yếu học trên lưng trâu rồi được gia đình ông đồ Hoàng Đường nâng đỡ để trở thành một nho sĩ. Thân mẫu của Bác - bà Hoàng Thị Loan - là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chăm lo gia đình, thương chồng, con và cũng sống trong cảnh nghèo khó. Sau này, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ đạt, làm quan, cuộc sống của gia đình Bác vẫn luôn khó khăn, thiếu thốn. Cụ đã viết lên xà nhà mấy chữ: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình) để răn dạy các con (1). Thời gian ở Huế, khi ông cả Khiêm theo cụ thân sinh đi công cán (năm 1900), Bác Hồ lúc đó là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở với thân mẫu trong cảnh túng quẫn, mẹ Bác sinh một con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Xin khi không có cơm ăn, không có sữa cho con bú, phải đi xin sữa, xin cháo hàng xóm để nuôi con. Cũng vì nghèo khó, phải lao động quá sức nên bà mắc bệnh hậu sản và qua đời khi mới ba mươi ba tuổi: “Bác của chúng ta những năm tuổi thơ ở Huế thật vô cùng cơ cực. Cha, anh đi vắng, ông bà ở xa, mẹ mất, một mình ở tuổi lên mười, thiếu cơm, rách áo lại phải nuôi em bé mới sinh. Hàng ngày, Bác phải đi xin sữa, xin cháo nuôi em và xin cơm cho chính mình. Cả tháng dường như bếp nhà không đỏ lửa…” (2). Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, cơ cực đến nghiệt ngã từ nhỏ cho đến quá trình bôn ba tìm đường cứu nước đầy khó khăn, vất vả đã vun đắp cho Bác nếp sống giản dị và đức tính cần kiệm trong suốt cuộc đời.

Đức tính cần kiệm của Bác còn xuất phát từ phẩm chất tinh thần, từ lòng nhân ái bao la của Bác. Bác yêu thương dân mình, biết người dân mình còn nghèo khổ, thiếu thốn, đói khát nên Bác không muốn sống cuộc sống khác với cuộc sống nghèo khó, bình dị, cần kiệm của người dân trong cách mạng và kháng chiến. Đây là một nét đẹp trong tâm hồn Bác.

2. Biểu hiện phong phú.

Trưa ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, Bác đã rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước với một hành trình đầy gian lao, vất vả và nguy hiểm. Ra đi với hai bàn tay trắng, Người đã sống cuộc đời của một người phu thực sự, đã làm nhiều việc, nhiều nghề từ phụ bếp, dọn bàn, quét tuyết, rửa ảnh, vẽ sơn mài, làm báo, viết văn để kiếm sống và học tập, để hoạt động cách mạng, vươn lên, trở thành một nhà cách mạng vĩ đại. Những tháng ngày bôn ba hải ngoại, Bác đã lao động cật lực và sống rất giản dị, tiết kiệm để có tiền mua sách báo và phục vụ các hoạt động tuyên truyền: “Với số tiền kiếm được, ông Nguyễn sống rất nghèo khổ để có thể thuê in những bản yêu cầu ấy thành truyền đơn đem phát trong mít tinh”(3). Bằng sự cần cù lao động, Bác đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục, học hỏi được bao điều mới lạ. Người đã nêu một tấm gương sáng chói về nỗ lực tự học, trừ chữ Hán được học ở thầy đồ và cụ thân sinh, tiếng Pháp được học ở Trường quốc học Huế, hơn chục thứ tiếng khác Người đều tự học trong quá trình hoạt động cách mạng do nhu cầu giao tiếp, nghiên cứu tài liệu và vận động cách mạng.

Tháng 2 năm 1941, Bác trở về Pắc Pó, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp rồi trở về Hà Nội cho đến cuối đời, Bác vẫn luôn nêu tấm gương cần kiệm, nếp sống giản dị và gần gũi.

Chúng ta còn nhớ mãi hình ảnh một lãnh tụ cách mạng trên đường đi công tác cùng đoàn cán bộ, xuống sông tắm, tự giặt quần áo rồi móc lên chiếc gậy, vác trên vai tiếp tục cuộc hành trình. Đó là hình ảnh vô cùng xúc động của Bác Hồ kính yêu trong kháng chiến chống Pháp và cũng chỉ có Bác của chúng ta mới bình dị đến như vậy! Ngay cả một thời khắc thiêng liêng và trang trọng khi thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người cũng ăn mặc hết sức giản dị, gần gũi, thân mật như một người cha: “Từ xa tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch đội mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió, đi một đôi dép cao su, mặc một bộ quần áo ka - ki” (4).

Trong cách mạng và kháng chiến, Bác sinh hoạt, ăn uống rất bình dị. Người thường mặc áo quần nâu như đồng bào Việt Bắc, vai đeo túi vải, thường xuyên phải đi bộ, trèo đèo lội suối. Bao nhiêu vải đẹp, lụa là các đoàn thể, cá nhân kính biếu, Bác đều làm quà tặng hết. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay, chiếc áo gối của Bác cũ rách, miếng vá nọ chồng lên miếng vá kia, cán bộ đề nghị thay áo gối mới cho Bác dùng nhưng Người không đồng ý(5). Bác thường ăn uống đạm bạc,“rất thích ăn các món ăn dân dã. Bác thích món vó bò, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém, cá bống kho lá gừng”(6 ). Bác ăn chung với mọi người trong cơ quan, có gì ăn nấy, “Bác không bao giờ chê ai nấu ăn dở, mặn, nhạt. Thường là Bác khen món này ngon, món kia ngon, mà đã ngon thì chia đều cùng ăn” (7). Một người phục vụ Bác kể lại: “Năm 1948, tôi thưa với Bác: “Bác có tuổi, ăn chậm hơn chúng cháu. Bác nên ăn riêng mà chúng cháu ăn riêng cũng được tự do hơn”. Bác đồng ý nhưng chỉ cho bày thức ăn riêng còn cơm vẫn là nồi chung. Bác không chịu ngồi ăn riêng lấy cớ ăn chung cho vui”(8). Có lần đi công tác về, Bác mệt, cán bộ đề nghị nấu cháo cho Bác, Bác đang nằm nghỉ, nghe nói vậy, liền chồm dậy bảo: “Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”(9). Trong bữa cơm, Bác dặn cán bộ: “Không được để rơi vãi. Làm rơi vãi là có tội”(10).

Là một lãnh tụ cách mạng bận trăm công nghìn việc, lo cho nước cho dân, thời gian rảnh rỗi, Bác vẫn rất chăm làm vườn. Thời kháng chiến, cơ quan di chuyển luôn, chuyển đến chỗ nào, Bác cũng bảo anh em trong cơ quan làm vườn và tự Bác cũng cuốc đất, trồng rau, trồng bí. Vườn rau của Bác lúc nào cũng xanh tốt. Có khi cơ quan chuẩn bị di chuyển sang chỗ khác nhưng Bác vẫn gieo giống, trồng rau mới, Bác bảo với cán bộ: “Ta không ăn, đồng bào ăn, lo gì”(11). Trừ việc nấu ăn, mọi công việc Bác tự làm lấy, từ đánh máy, giặt rũ, đào hầm trú ẩn, Bác bảo: “Đấy là quyền lao động của Bác”( 12).

Khi làm Chủ tịch nước, sống ở Hà Nội, Bác vẫn ở một cái nhà sàn, có vườn cây, ao cá, làm bạn với cỏ cây, hoa lá, hài hòa với thiên nhiên. Người vẫn luôn ăn mặc giản dị, vẫn đôi dép cao su, thăm hỏi nông dân, Người lội ra tận cánh đồng lúa cùng bà con, đạp guồng quay nước vào ruộng. Đi thăm hữu nghị các nước, hay tiếp khách quốc tế, Bác vẫn giữ phong cách giản dị mà trang nhã, vẫn mặc bộ quần áo ka - ki bạc màu. Người đặc biệt tiết kiệm thời gian, làm việc không ngơi nghỉ, có lúc cần thư giãn sau giờ làm việc vất vả, Người làm vườn, trồng cây, cho cá ăn, tập thể dục, đọc sách, ngâm thơ. Cả cuộc đời chiến đấu quên mình, dâng hiến cho nước cho dân, vậy mà lúc ra đi, Người “chỉ tiếc là tiếc rằng, không phục vụ được lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc). Chỉ một vài dẫn chứng cũng thấy Bác Hồ kính yêu của chúng ta có một đời sống rất mực bình dị và cần kiệm. Đây là phong cách, là lối sống của Bác đã được vun đắp qua thời gian, qua quá trình hoạt động cách mạng chứ không phải là những biểu hiện nhất thời, nó thể hiện một quan niệm nhân sinh đúng đắn, sâu sắc và rất tích cực.

3. Ý nghĩa sâu sắc.

Đức tính cần kiệm với nếp sống giản dị là một truyền thống lâu đời của nhân dân ta đã được kết tinh rất sinh động trong cuộc đời của Bác, góp phần làm nên bản sắc Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Đó cũng là một nét đẹp, một tấm gương sáng mà nhiều thế hệ cán bộ cách mạng nhân dân ta đã noi theo. Đức tính cần kiệm giúp Người có đủ nghị lực, vượt qua bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, giữ cho tâm hồn được thanh thản, thư thái, ung dung, tự tại trước những biến động của đời sống.

Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường trong thời đại khoa học, công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta đã được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội vẫn xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực, nhiều tệ nạn, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí còn khá phổ biến. Một số cán bộ, công chức còn sa vào các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, sa đọa trong các dục vọng tầm thường, đặc biệt là lãng phí thời gian vào những tiệc tùng và những trò tiêu khiển khác. Khi những ham muốn vật chất vượt quá khả năng đáp ứng thì nó làm cho tâm hồn con người cằn cỗi, tha hóa. Vì vậy, con người cần tạo ra sự hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa cống hiến và hưởng thụ, biết kềm chế những dục vọng cá nhân và nhiệt tình lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước. Như vậy, học tập và làm theo đức tính cần kiệm và nếp sống giản dị của Bác Hồ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách, nhất là đối với thế hệ trẻ. Học tập đức tính cần kiệm của Bác từ những việc nhỏ nhất gắn với nhiệm vụ và công việc của mỗi người, cần cù, chịu khó, tích cực để hoàn thành trách nhiệm được giao, có tinh thần vượt khó, cầu tiến, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể

Thế hệ trẻ ngày nay được thừa hưởng những giá trị vật chất và tinh thần to lớn mà thế hệ cha anh đã để lại. Điều kiện vật chất và những xu hướng phát triển hiện nay, nhất là xu hướng đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu về vật chất dễ làm cho con người tha hóa. Vì vậy, thanh niên chúng ta cần học tập đức tính cần kiệm, nếp sống giản dị của Bác Hồ, không nên đua đòi quá đáng về vật chất, không bỏ phí thời gian và tuổi trẻ vào những trò chơi vô bổ hoặc sa vào những tệ nạn xã hội, phải ra sức phấn đấu, học tập, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần xây dựng đất nước, đưa nước ta ngày càng phát triển phồn vinh như mong ước thiết tha của Người.

 

 

           

Chú thích:

(1, 2). Trình Quang Phú - Từ Làng sen đến Bến Nhà Rồng, Nxb Thanh niên, 2010.  (3, 4).Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb Văn học, H, 2001.

(5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12).  Ngô Quân Lập sưu tầm - Kể chuyện Bác Hồ ở Tuyên Quang, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2015.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI