Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

VẺ ĐẸP NỮ TÍNH CỦA SÔNG HƯƠNG TRONG CON MẮT HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG tác giả ĐẶNG LƯU - CHƯ YANG SIN Số 334, tháng 6 năm 2020



 

“Có một dòng thi ca về sông Hương” và “dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Nhận xét ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ đúng với cả chính ông trong trường hợp ông viết bài ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? (nằm trong chương trình ngữ văn lớp 12). Với con mắt tinh tế, cảm xúc sâu lắng, với vốn văn hoá dồi dào, tác giả đã khám phá những nét đẹp hiếm có của dòng sông Hương - điều mà trước đó, chưa có ai nói lên được một cách đầy đủ và thấm thía đến thế.

Cũng như bao nhiêu con sông khác trên đất nước lắm sông nhiều suối này, vẻ đẹp của dòng sông Hương không hề đơn điệu. Ai đó chỉ quen hình dung sông Hương với vẻ êm đềm thơ mộng giữa thành phố Huế, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi vỡ ra bao nhiêu nét đẹp lạ lùng, bất ngờ chưa từng được biết tới của dòng sông này. Những vẻ đẹp ấy cứ từ từ phát lộ dưới “con mắt xanh” của người nghệ sĩ tài hoa.

Theo quan niệm của người phương Đông, âm - dương là hai mặt tồn tại tất yếu của các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên cũng như trong cuộc sống nhân sinh. Trong cặp  "sơn" - "thủy" thì sơn thuộc về dương, thủy thuộc về âm; trong cặp "nam" - "nữ" thì nam là dương, nữ là âm. Hẳn vì thế mà ở không ít tác phẩm viết về sông nước, hình tượng con sông không khỏi gợi người đọc liên tưởng tới người phụ nữ. Sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân là một minh chứng. Cái vẻ dữ dằn, man dại như một thứ kẻ thù không đội trời chung với con người của sông Đà, trong mắt Nguyễn Tuân, chính là cái đẹp. Ấy là cái đẹp của một thiếu phụ nổi máu tam bành, nổi cơn thịnh nộ. Lúc hiểm ác là vậy, thì khi dịu dàng, làm sao dòng sông ấy không là một mỹ nhân, một "tình nhân chưa quen biết"? Hai thái cực của sông Đà đều là kết quả của một cái nhìn; và dưới cái nhìn ấy, sông Đà hiện lên với mọi biểu hiện của tính nữ.

Vậy là trước mặt Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có một lối mòn được khai mở bởi một nhà văn tầm cỡ. Trong văn chương, đấy là một thách đố ghê gớm: thách đố vượt ra những cái bóng quá lớn, có nguy cơ phủ trùm lên, triệt tiêu cả cảm hứng sáng tạo. Nhưng có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua rào cản tâm lý ấy bằng chính bản lĩnh của mình. Viết về một dòng sông đã là đề tài quá quen thuộc của thơ ca, nhạc, họa, ông phải huy động vốn văn hóa thâm hậu và sự liên tưởng phóng túng, tài hoa. Cũng nhìn thấy ở con sông những tính cách của người phụ nữ, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng về vẻ đẹp của dòng Hương.

Sông Hương khởi nguồn từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Nhưng ngay giữa rừng già, dòng sông này không chỉ cuộn xoáy như cơn lốc qua những ghềnh thác, qua những đáy vực bí ẩn, mà còn có lúc tỏ ra “dịu dàng, say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Thật khác xa với vẻ hung bạo, dữ dằn, đáng sợ của dòng sông Đà trong tùy bút Nguyễn Tuân. Hẳn vì thế mà Hoàng Phủ Ngọc Tường ví sông Hương “đã sống nửa đời mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Quả rất đẹp, nhưng là cái đẹp toát lên từ toàn bộ bản năng tự nhiên, vốn có, chưa chịu bó mình theo một khuôn phép nào. Tuy nhiên, dòng sông đầy nữ tính ấy dù ngang tàng, phóng túng đến đâu cũng không khước từ sự “giáo hoá” của rừng già nhằm chế ngự sức mạnh bản năng của nó, khiến nó trở nên “dịu dàng và trí tuệ” – những vẻ đẹp đằm thắm, kín đáo và đáng yêu hơn. Sự “hoá thân” ấy phải trải qua những chặng đường không đơn giản, ngược lại, có phần nhọc nhằn, gian truân. Cho nên, cái quãng thượng nguồn hoang dại kia, dòng sông muốn khép lại, giấu kín. Chi tiết sông Hương sau khi khóa cánh cửa bịt lối ngược thượng nguồn để giấu đi lai lịch man dại của mình, đã vứt chiếc chìa khóa dưới vực Kim Luông, gợi ta nghĩ tới một người con gái muốn giấu biệt một đoạn đời phóng túng để xuất hiện trước mắt mọi người trong tư cách "con nhà lành" dịu dàng, đoan chính. Nét bí ẩn ấy của dòng sông, vì thế, càng thách thức sự khám phá của con người.

Do điều kiện địa hình tự nhiên, mỗi con sông là một dòng chảy cá biệt, vạch ra giữa trời đất một đồ hình không lặp lại. Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hành trình của dòng sông Hương vô cùng biến hoá, bất ngờ. Nó “chuyển dòng một cách liên tục”, “vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”, rồi lại “chuyển hướng sang tây bắc”, “đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc”, “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc”, lại “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến”... Những bước đi "dích dắc" ấy như có chủ đích, tính toán, chẳng khác gì hành trình của một người con gái chủ động trong tình yêu, băng vượt qua mọi thách thức, theo tiếng gọi của trái tim, đến với người tình mong đợi. Bước chân ấy không vội vã, hấp tấp mà kiên trì, dứt khoát. Tình cảm say đắm, nồng nàn khiến sông Hương khi phải xa kinh thành, “như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối”, như người con gái quay lại trao nụ hôn giã biệt người yêu. Ta biết rằng, "lai lịch", "hành trạng" của sông Hương hoàn toàn có thể giải thích được về mặt khoa học, nhưng dưới cái nhìn đậm chất phong tình của tác giả, dòng sông ấy dần dần hiện lên với vẻ đẹp của một thiếu nữ dịu dàng mà không kém phần mãnh liệt, thậm chí có thêm chút lẳng lơ kín đáo. Thật thú vị khi tác giả liên tưởng đến bước chân của nàng Kiều trong đêm tình tự, để thấy mỗi hướng chảy, mỗi khúc ngoặt của dòng sông chẳng phải vô tình. Ai cũng biết sông Hương với thành phố Huế gắn bó với nhau như một cặp tình nhân chung thuỷ, nhưng lý giải sự gắn bó ấy theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường quả là khác lạ. Bằng cách lý giải ấy rất tinh tế ấy, tác giả giúp ta hiểu thêm vẻ đẹp trữ tình có một không hai của dòng sông.

Sông Hương điểm tô cho thành phố Huế thêm phần mộng ảo, nhưng cũng chính thành phố đã làm cho dòng sông Hương mang một vẻ đẹp dịu dàng, trầm mặc, hiếm thấy ở những dòng sông khác trên đất nước ta. Hành trình về với người tình mong đợi của dòng sông Hương qua những điện Hòn Chén, bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, núi Ngọc Trản, đồi Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo, những Cồn Giã Viên, những Vĩ Dạ thôn nổi tiếng. Các địa danh mà sông Hương uốn mình chảy qua ấy, chỉ đọc lên thôi đã khiến ta nghĩ ngay tới kinh đô Huế nên thơ, cổ kính, với những núi đồi, lăng tẩm, đền đài, thành quách, xóm làng trù phú. Và sắc màu ở đây cũng thật đặc biệt: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím. “Giữa đám quần sơn lô xô ấy là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu”. Vẻ đẹp u trầm ấy được tác giả ví như triết lý, như cổ thi, nghĩa là những giá trị tinh thần đã ngưng kết từ ngàn năm, còn ẩn hiện thấp thoáng trong mỗi một sự vật được bảo tồn cho đến hôm nay. Một loạt từ Hán Việt xuất hiện trong đoạn văn như:  “quần sơn”, “u tịch”, “trầm mặc”, “cổ thi”, “quan hoài vạn cổ”... khiến cho mỗi sự vật thêm đậm màu cổ kính. Và câu ca dao xứ Huế mà tác giả dẫn ra ở đây đúng là một câu cổ thi: “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên”. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài ký này, không ít câu thơ viết về sông Hương bỗng sống dậy trong tâm trí tác giả. “Dòng sông trắng, lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thướt mơ màng, nó chợt nhiên hùng tráng lên “như kiếm dựng trời xanh” trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lãng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, "nó đột khởi trở thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu”. Một lần nữa, tác giả cảm thấy có mối tơ vương, dan díu giữa sông Hương với những câu Kiều của Nguyễn Du: “sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy”. Những liên tưởng bất chợt mà rất tinh tế, cùng sự xuất hiện của những câu thơ trong các đoạn văn của bài bút ký đã góp phần thể hiện rõ hơn cái hồn, cái chất thơ của sông nước nơi đây.

Một dòng sông như thế thì nhất định dòng chảy phải êm đềm, lặng lẽ. Nhịp điệu ấy từng gây cho hồn thơ Hàn Mặc Tử cái cảm giác “buồn thiu”. Nhưng ở đây, ngay cả khi sông Hương trôi giữa lòng thành phố Huế chậm đến mức chỉ còn như một mặt hồ yên tĩnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhìn ra vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của nó. Liên tưởng đến dòng chảy băng băng của sông Nê-va tận nước Nga xa xôi – nhanh đến mức du khách trên bờ không kịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con hải âu co chân đứng trên mỗi tảng băng như một con thuyền riêng của chúng -, liên tưởng đến câu nói bất hủ của một triết gia Hi Lạp về sự chảy trôi, biến ảo của nhân thế xưa nay, tác giả thêm quý điệu chảy lặng lờ của sông Hương khi qua thành phố. Ông đã lắng hồn mình thật sâu để thấu nhập vào vẻ đẹp của nhịp điệu sông nước nơi đây, và ngợi ca nó bằng câu văn như cấu tạo bằng chính cái nhịp điệu ấy: “Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Phải là dòng chảy nhẹ êm, lững lờ như thế, sông Hương mới có thể giống như một “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, mới có thể trở thành nơi sản sinh toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế. Bằng một ức đoán thú vị mà có cơ sở, tác giả cho rằng, chính cái nhịp điệu của sông nước Hương Giang đã ấp ủ hồn thơ Nguyễn Du để thi nhân viết nên những bản đàn đi suốt đời Kiều. Như vậy, trong con mắt Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng sông thơ mà còn là một dòng sông nhạc. Cả thơ, nhạc ấy đều được cảm nhận bằng một tâm hồn "thiên vị" phái đẹp, bởi mỗi hình ảnh liên tưởng, mỗi chi tiết liên văn bản, mỗi nhịp điệu, tiết tấu của lời văn đều toát lên cái "âm tính - nữ tính" hết sức rõ ràng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI