Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN TUÂN QUA TÙY BÚT NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN Số 334, tháng 6 năm 2020


           

Trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo. Các nhà nghiên cứu đã khái quát phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, đó là cái “ngông” kiêu bạc với ý thức cá nhân rất cao, là chất tài hoa, uyên bác, chiều sâu và bề rộng vốn tri thức văn hoá, xu hướng khai thác hiện thực ở phương diện thẩm mỹ và cách sử dụng ngôn ngữ tài hoa, phóng túng. Tuy nhiên, sự thể hiện phong cách nghệ thuật ấy có sự vận động, phát triển, ở mỗi thời kỳ, mỗi tác phẩm có khác nhau. Trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà (Ngữ văn 12), sự thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân rất đậm nét, độc đáo, hấp dẫn.

1. Cách nhìn và thể hiện thiên nhiên tuyệt mỹ và dữ dội

Nguyễn Tuân không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt, thiếu sức sống. Ông là nhà văn của những tính cách dữ dội, những hình tượng độc đáo, những cảm xúc mãnh liệt, những vẻ đẹp hào hùng và tuyệt mỹ của thiên nhiên. Ở tác phẩm này, cái “ngông” kiêu bạc của Nguyễn Tuân không biểu hiện rõ có lẽ vì nhà văn muốn tập trung ca ngợi hiện thực xây dựng đất nước những năm hòa bình, ca ngợi đất nước và con người trong cuộc đời mới. Điều này thể hiện rõ nét trong hai hình tượng của tác phẩm, hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò.

Ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Tuân đã chỉ ra đặc điểm độc đáo, khác thường của dòng sông Đà “Chúng thuỷ giai đông tẩu/ Đà Giang độc bắc lưu” (Câu thơ của Nguyễn Quang Bích - tạm dịch là:  Mọi con sông đều chảy về đông/ Riêng sông Đà chảy ngược bắc). Đọc tác phẩm ta thấy hiện lên một sông Đà hung bạo, dữ dội với 73 cái thác có tên và biết bao những thác không tên, có những quãng sông thắt yết hầu, những vách đá “dựng thành”, “mặt sông chỗ ấy phải đúng ngọ mới thấy mặt trời”. Ở chỗ dưới thác nước có những hút nước xoáy tít “như những cái giếng bê tông thả xuống sông để làm móng cầu”, “có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông, đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Âm thanh của thác nước được nhà văn miêu tả gợi những cảm giác lạnh người: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Nước sông Đà “thở và kêu như những cửa cống cái bị sặc”, “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, gầm ghè, tuôn phá”, “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa”. Cái dữ dội của sông Đà còn ở những bãi đá ngầm, “cả một chân trời đá”. Đá lớn, đá bé, đá tảng, đá hòn, mặt hòn nào cũng “nhăn nhúm, ngỗ ngược”. Chúng bày ra những “thạch trận” với những “cửa sinh”, “cửa tử”, “đánh du kích”, “đánh vu hồi”, “đánh giáp lá cà” theo kiểu binh pháp Tôn Tử. Lại có một hòn đá lớn oai phong như một viên tướng, “hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”…

Như vậy, Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều thủ pháp đặc tả, so sánh, nhân hoá thú vị để dựng lên một sông Đà hung bạo như một trận đồ thiên la địa võng, đe dọa, khủng bố tinh thần những người làm nghề sông nước, đó cũng là thử thách của ông lái đò.

Đối lập với một sông Đà dữ dội, hung bạo là một sông Đà thi vị, trữ tình. Nhà văn đã thể hiện tình cảm yêu mến với dòng sông “nhìn sông Đà như một cố nhân” và con sông được nhìn như một người thiếu phụ kiều diễm:“Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình…” Với mùa xuân, nước sông Đà “dòng xanh ngọc bích”, “mùa thu, nước sông Đà lừ đừ chín đỏ”. Nguyễn Tuân đã sử dụng những hình ảnh so sánh sáng tạo, tài hoa, bất ngờ, những từ ngữ độc đáo để làm nổi bật vẻ đẹp thơ mộng, huyền bí của sông Đà: “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “hồn nhiên như một niềm cổ tích tuổi xưa”. Trên dòng sông, “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt nước bụng trắng như bạc rơi thoi”, bên bờ sông, “Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”, những nương ngô xanh rờn trải dài trong màu “nắng tháng ba Đường thi”… Đó là những nét đẹp hoang sơ, kỳ thú của sông nước Đà Giang.

Như vậy, chúng ta thấy, Nguyễn Tuân đã dựng lên một hình tượng sông Đà độc đáo với hai nét tính cách nổi bật, nét nào cũng được tô đậm với ấn tượng mạnh nhất. Đó là vẻ đẹp dữ dội, kỳ vĩ và nên thơ, thể hiện khuynh hướng lựa chọn và phản ánh hiện thực của ngòi bút Nguyễn Tuân.

2. Thể hiện con người ở phương diện tài hoa, trí dũng

Xây dựng hình tượng ông lái đò, Nguyễn Tuân không theo cách thông thường của các nhà văn lúc bấy giờ khi thể hiện hình ảnh người lao động mà tập trung khắc họa nhân vật ở khía cạnh tài hoa, vẻ đẹp tâm hồn và trí dũng. Tác giả đã dựng lên chân dung ông lái đò đầy ấn tượng “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh khuỳnh, giọng ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh… cái đầu quắc thước đặt trên một thân hình to cao và gọn quánh như chất sừng, chất mun”. Với một cuộc đời trên mười năm chèo đò, vượt thác, ông lái đò “nắm vững tính tình, quy luật của dòng sông” và nhận ra ngay “diện mạo gớm ghiếc và tâm địa hiểm độc của bọn người đá”, “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. Ông lái đò có một trí nhớ “được hun đúc cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tất cả những luồng của những con thác hung dữ”. Nguyễn Tuân đã miêu tả cuộc “thuỷ chiến” của ông lái đò trên một con thuyền có sáu tay chèo với dòng sông Đà hung bạo, đó là cuộc chiến đấu của của một người lao động tài hoa, trí dũng với thiên nhiên dữ dội. Ông lái đò “kẹp chặt lấy guồng lái”, “mặt méo bệnh ra”, “ghì cương”, “phóng nhanh”, “rảo bơi chèo lên” để chặt đôi con sóng. Ông lái đò hiện lên như một viên tướng xung trận, tả xung hữu đột, bình tĩnh, linh hoạt, ứng phó kịp thời, vượt qua những “trùng vi thạch trận” của thác, của sóng, của đá ngầm để giành thắng lợi. Hình tượng ông lái đò như một chân dung tuyệt vời: “Trên thác hiên ngang một người lái đò sông Đà có tự do vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà”. Cách miêu tả của Nguyên Tuân khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh chàng Sơn Tinh chinh phục Thuỷ Tinh trong thần thoại - truyền thuyết. Nhân vật ông lái đò trong tác phẩm không thấy có tên gọi, có lẽ cũng nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn: tô đậm phẩm chất anh hùng vô danh của người lao động trong cuộc đời mới.

3. Chất trí tuệ, uyên bác

Trong tuỳ bút này, Nguyễn Tuân đã thể hiện đậm nét tính chất uyên bác, chiều sâu, bề rộng của vốn tri thức văn hoá và đời sống vô cùng phong phú. Ông nghiên cứu kỹ sông Đà cả về tự nhiên và lịch sử: sông Đà hình thành từ đâu, độ dài, khúc rẽ, các địa danh, những ngọn thác, những kiến trúc địa tầng, quan sát cấu tạo và hình dáng những tảng đá. Ông dùng những kiến thức về nghệ thuật, về quân sự để miêu tả những “thạch trận”, những “đòn âm”, “đòn tỉa”, những lối đánh “du kích”, “vu hồi” theo kiểu binh pháp Tôn Tử, ông còn đưa nghệ thuật “ngược sáng” của điện ảnh vào văn học. Có thể nói, Nguyễn Tuân đã đưa hàng loạt tri thức văn hoá, nghệ thuật, điện ảnh, quân sự, địa lý, thuỷ văn để tạo nên sức hấp dẫn trí tuệ đối với người đọc.

Chất uyên bác còn thể hiện ở nhưng câu văn đặc sắc, chứa đựng những tri thức hoặc sự cảm nhận sâu sắc, ví như câu: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một niềm cổ tích tuổi xưa”. Đây là những so sánh siêu cảm giác, người đọc muốn hiểu phải có vốn tri thức về “bờ tiền sử”, về “niềm cổ tích”. Câu văn: “Đi trên sông Đà gợi nhớ những câu thơ Đường cổ kính” thì người đọc phải có tri thức về thơ Đường để hiểu rằng, những câu thơ đặc sắc của Đường thi thường xuất hiện khi Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… đi trên những dòng sông lớn như Trường Giang, Dương Tử, Hoàng Hà. Như thế, sông Đà của chúng ta cũng kỳ vĩ như những dòng sông lớn của Trung Hoa. Câu văn: “Trên thác hiên ngang một người lái đò sông Đà có tự do vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà”, nếu đọc lướt qua thì không thấy gì nhưng đọc kỹ lại, thấy Nguyễn Tuân đã đưa cả cái định nghĩa “tự do” của C.Mác vào đấy.

4. Sử dụng ngôn ngữ tài hoa, phóng túng, giàu chất thơ

Văn của Nguyễn Tuân là thứ văn mê cảm giác mạnh với nhiều chi tiết tạo hình, nhiều so sánh mới mẻ, lối kể chuyện giàu kịch tính, mạch văn chảy dồn dập. Ông đã đưa ra một làn sóng ngôn ngữ để miêu tả sông Đà và cuộc chinh phục của con người. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân cũng ào ạt, tuôn trào như đua sức với sóng nước sông Đà, đua tài với người lái đò tài hoa, trí dũng. Ông có những so sánh độc đáo, những kết hợp từ mới lạ kiểu như: “màu nắng tháng ba Đường thi”, “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “Bờ sông hồn nhiên như một niềm cổ tích tuổi xưa”, những con hươu “thơ ngộ”, “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt nước, bụng trắng như bạc rơi thoi”, những “khoanh củ nâu”, “đồng tiền tụ máu”, “huân chương lao động siêu hạng”. Ông đã viết những câu văn rất linh hoạt, có những câu thật dài, lại giàu nhịp điệu, trữ tình và chất thơ: “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”…

Tóm lại, tuỳ bút Người lái đò sông Đà đã ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên đất nước. Ca ngợi người lao động mới trong xã hội chúng ta nhưng Nguyễn Tuân không rơi vào minh hoạ đơn giản, một chiều như nhiều cây bút khác. Ông đã cảm nhận, khám phá vẻ đẹp, tính thẩm mỹ, sự hào hùng và chất thơ trong hành động của người lái đò sông Đà. Đó cũng là nét phong cách tài hoa, độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của ngòi bút Nguyễn Tuân.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI