Mẹ không muốn tôi về làng của cha. Nhưng mẹ không thể
ngăn cản. Đó là ước nguyện của cha lúc ông nằm trên băng ca của bệnh viện.
…
Tôi quay về làng, nơi cha sinh ra. Và là nguồn gốc của
tôi. Một mình. Ba lô màu rêu có nhiều dây nhợ chằng chịt, phéc ma tuya.
Tôi mang một đôi giày thể thao đắt tiền, giày không làm đau chân. Nhưng chắc chắn sau
chuyến đi này tôi không thể mang chúng khi ra phố và ngạo nghễ trên chiếc xe trắng
to uỳnh và đắt tiền của mình nữa.
Tôi lên một chiếc ô tô trắng cũ kỹ và xộc xệch.
Khi xe ôm cua, ghế xô vào nhau sòng sọc. Tôi suýt ngã vào người gã thanh niên
ngồi cạnh. Gã hơi nhíu mày và so vai lấy lại tư thế ban đầu.
Tôi hỏi người lái máy cày có về làng Bun của
cha tôi không. Gã lái xe gật đầu. Ánh mắt thiện cảm và ngưỡng mộ. Tôi nổi bật giữa người
khác về làng. Họ có vẻ nhếch nhác. Những bà già vấn những chiếc khăn sặc sỡ
trên đầu, da mốc thếch, đi chân đất. Hai ba cô gái áo vàng áo xanh. Vài đứa trẻ
con nhìn tôi e dè. Mắt chúng trong nhưng áo quần lại bẩn và quăn queo với hàng
vạn nếp gấp. Tôi nhìn thấy những ngón chân họ bám chặt xuống sàn xe như
bám chặt trên nền đất ướt. Những chiếc gùi để ngổn ngang. Tôi nhìn thấy cái lược
màu hồng ló ra từ bịch ni lông màu đen, cả gói băng vệ sinh rẻ tiền. Họ có vẻ
nâng niu chúng. Hình như họ đi chợ phố về. Tôi nép người đứng tựa vào thành xe.
Lạc lõng. Trở về đây là tôi đã lạc lõng rồi. Cha tôi từ bỏ chốn này mà không hề
tiếc nuối đấy thôi.
Những người xung quanh tôi nói chuyện rôm rả. Tôi chẳng
hiểu gì về thứ tiếng địa phương ấy. Tự dưng tôi thấy xấu hổ. Vì cũng mang dòng
máu của họ. Nhưng tôi chẳng biết gì. Một chữ cũng không mường tượng được. Bọn bạn
vẫn cười vào mũi tôi. Tôi cũng cười thầm vì thấy sao mình kém cỏi đến thế.
Không ai hỏi tôi về đâu. Không ai hỏi tôi đến
nhà ai.
Nhưng tất cả bọn họ đều nhìn tôi.
Những cái nhìn hiếu kỳ và tò mò. Nhưng khi tôi
nhìn thẳng vào mắt họ thì tất thảy đều quay sang nơi khác.
Tôi thấy lẻ loi khi tìm về nơi cha đã ra đi.
***
Tôi đến nhà bà dì của cha.
Bà dì đón tôi bằng nụ cười. Có vẻ như nụ cười ấy
gượng gạo. Bà chưa bao giờ gặp tôi. Nhưng có lẽ nhìn thấy tôi là bà nhận ra ngay. Tất cả
mọi người đều bảo tôi giống cha như tạc. Bà kéo tôi vào nhà và ấn vai ngồi xuống.
Trong nhà có sẵn vài người già. Họ hút thuốc bằng cái tẩu xám đen. Từ trong chiếc
tẩu ấy những lọn khói mờ mờ tuôn ra và hơi khét. Khi tôi ngồi xuống chiếc chiếu
trải giữa nhà, giữa đám đông, bà nắm lấy bàn tay mềm và trắng của tôi, giấu
chúng giữa những ngón tay run run nhăn nheo, cáu bẩn. Kỳ lạ thay, tôi cảm nhận được
chúng ấm áp!
Tôi nhìn thấy sự tò mò trong đáy mắt có nhiều
nếp nhăn của mọi người xung quanh. Bà dì nói một tràng tiếng Êđê. Có lẽ bà giới
thiệu tôI (Tôi thấy họ gật đầu lần nữa. Nhưng có người trong số họ lắc đầu, xua tay).
Cha tôi không được đón nhận ở nơi đây. Bà dì bảo thế.
***
Cha đi
bộ đội khi 17 tuổi.
Tất cả
những người trong nhà đều khấp khởi chờ ông trở về. Họ để dành cho ông một cô gái xinh đẹp và
giỏi giang. Cô ấy đến nấu cơm ở cái bếp lửa giữa nhà. Giã gạo dưới gầm
sàn cùng những đứa em của cha.
Nhiều năm sau, cha trở về làng và dắt theo mẹ của tôi.
Mẹ gót chân trắng. Áo dài. Mẹ hét lên ôm cứng
lấy cha khi con heo thả rông chạy xồ tới và dúi cái đầu lấm đất vào mông. Cô gái của
dòng họ chọn lựa khóc ròng khi cha dìu mẹ bước lên cầu thang bảy bậc. Cô
ấy bỏ chạy. Mẹ theo cha vào nhà, không ai ra mời người con gái lạ ngồi xuống
chiếu.
Mẹ ở nhà cha hai ngày. Hai ngày ra vào như cái bóng.
Không ai nói chuyện. Họ chỉ nhìn mẹ bằng ánh mắt trách hờn.
Rồi ba ngày, cha dắt mẹ rời khỏi
làng. Đi mãi. Chừng ấy năm và không quay lại lần nào.
Bà dì nhìn vào mắt tôi. Tôi dám chắc rằng bà ấy
tìm trong mắt tôi có chút gì còn mùi rừng núi để nhận làm cháu hay không. May. Tôi vẫn
được bọn bạn khen có đôi mắt đẹp, rất đặc trưng. Cô em gái kéo tay tôi. Thì thầm
bằng giọng lơ lớ. Tôi không hỏi han gì, cứ thế theo chân nó. Tôi không muốn ngồi
đối diện với bà dì và nghe bà ấy trách móc người cha bạc bẽo của mình.
Din đưa tôi xuống suối. Nước suối mát và ngọt.
Tôi cởi khuy áo và khoát nước lên cổ, lên ngực. Khi ngẩng lên thấy con bé nhìn tôi chăm
chú.
- Sao? Ngạc nhiên à.
- Không, em không ngạc nhiên. Chị trắng quá.
- Thì sao? Mẹ tao là người Kinh. Tao giống mẹ. Tao
mang dòng máu của cha. Thế thôi. Nhưng mày cũng trắng đấy thôi.(Tôi nhận
ra nó còn trắng hơn cả tôi. Mịn màng và xinh đẹp hơn tôi).
- Mẹ chị có hạnh phúc không?
- Có. Mày hỏi làm gì? Hay mày giống
những người trong làng muốn gia đình tao bất hạnh.
Din yên lặng. Tôi nhận ra mình hơi nặng lời.
Tôi xin lỗi nó. Con bé cười. Bảo không sao. Nó hiền lành thật. Nếu là tôi, tôi sẽ nhảy xổ
vào và túm tóc đứa nào nói với mình bằng cái giọng như thế.
Nó đi lên đồi một mình. Đất trên đồi sục đỏ. Dưới chân
lạo xạo lá mục. Tôi nhìn thấy cả cánh đồng bông lau trắng phất phơ trên triền đồi.
Tôi bảo con bé:
- Đẹp nhỉ!
- Khô khan và cằn cỗi thế mà chị bảo là đẹp. Sớm
muộn gì người ta cũng đốt nơi này. Tất cả mọi thứ đều thành tro thôi.
Tôi ngơ ngác:
- Sao người ta lại đốt
thành tro?
- Người ta trồng
cây ở đây. Nguồn sống của người làng mình đấy.
Băng qua đồi, Din dắt tôi đến vùng cây rậm rạp. Những
cành mây dài khẳng khiu, gai chi chít. Con bé lách người khéo léo vít cành và
ngắt ngọn mây cho vào gùi. Vẻ mặt hớn hở. Tôi hỏi bâng quơ:
- Hái về làm gì?
- Về đãi chị chứ làm gì. Quý lắm đấy nhé. Ngon. Nhưng
không biết chị có ăn được không, hơi đắng.
Bất giác tôi nhận ra lâu lắm rồi mình không có
cái vẻ hớn hở như thế.
Từ trên đồi cao, tôi thấy mình lạ lẫm. Cảm giác rất lạ.
Hình như đứng ở đây, tôi gần với bầu trời, những đám mây bồng bềnh và trắng xốp
dường như với lên là chạm được. Sống giữa thành phố, quanh quẩn với những con
phố đông, những con đường tràn ngập xe cộ, lúc nào kín mít với khẩu trang, tôi
không biết rằng khi làn gió
mơn man trên da mặt lại dịu dàng đến thế.
Con bé đưa tôi vào một quán trên đường về nhà. Quán gỗ
xập xệ ở bên đường. Vài túi bánh, bịch bột ngọt nằm chơ vơ trong góc tủ cáu bẩn
và cũ kỹ. Mọi thứ trong quán đều rất cũ như thể của mười năm về trước. Cả người
đàn bà ngồi ở bậc cửa đang hút thuốc trong chiếc tẩu đen. Người đàn bà ngước
lên khi chúng tôi bước vào quán. Nhưng chỉ nhìn chứ không đứng lên.
Din mua hai cái bánh tráng và mười ngàn rượu
trắng. Hai người nói chuyện bằng tiếng Êđê. Líu ríu như chim hót. Con bé bật cười
khanh khách. Cái cách của nó không phải với người dưng mà như kiểu nói chuyện với
người nhà. Người đàn bà lướt mắt qua tôi. Tôi nhận ra đó là một đôi mắt sũng nước
và khá đẹp.
- Hồi trước bà ấy đẹp đúng không?
Tôi hỏi Din khi đi khỏi quán cũ kỹ chừng hai
mươi bước chân. Con bé đứng lại, mỉm cười:
- Nếu hồi trước không
có mẹ chị, bà ấy đã là vợ của ba chị đấy.
- Ra thế.
Tôi gật gù. Thì ra người phụ nữ dòng họ dành
cho cha tôi vẫn còn ở làng. Nhưng già nua và cũ kỹ quá. Vẻ lam lũ của người đàn bà ấy làm
tôi thấy chạnh lòng.
Khi cha tôi bỏ làng đi. Cả dòng họ đều thấp thỏm sợ
người nhà cô gái đã chọn bắt vạ. Gì thì gì, ai cũng biết nhà mình ưng bụng.
Chân đã bước lên cầu thang, tay đã nấu cơm, chặt củi, con nít khóc thì bế, người
già đau thì chăm. Người ở xa đến chơi cứ tưởng con gái lớn trong nhà. Vậy mà người về
nhà, làm vợ lại là cô gái người Kinh lạ hoắc.
Chỉ có điều nhà cô gái không bắt vạ. Cô xin làm con
nuôi trong nhà. Ngủ chung với mí của cha trên chiếc giường chật, mùng mền treo
tòng teng. Sáng dậy từ lúc trời còn tờ mờ tối, lục cục nấu cơm, đun ấm chè xanh. Khi
trời hơi hửng sáng đã mang gùi, dắt bò lên rẫy. Đến tối mịt mới về. Lúc nào
cũng cun cút.
Người đàn bà ấy không bắt chồng.
Cả dòng họ không nhìn. Sao lại không bắt chồng.
Sao lại ở nuôi bà già và hai đứa em gái nhỏ của người từ chối mình. Người đó sẽ không
về làng nữa. Mà dù có về cũng không bao giờ là người của mình. Nhưng chẳng ai
làm người đàn bà ấy nhíu mày. Chỉ cười. Lầm lũi đi từ nhà trước ra nhà sau,
thoáng là mất hút sau rặng cây xa tít.
Tôi tự đến quán cũ kỹ bên đường một mình.
Hai cái bánh tráng. Mười ngàn rượu. Bà dì dặn thế. Người
đàn bà lướt qua mặt tôi, hơi dừng lại ở đôi mắt đang tò mò.
- Ngày xưa bác biết cha cháu đúng không ạ?
Cháu là con gái Y Thuyn.
Tôi bắt chuyện, bà chỉ hơi lắc đầu. Rất khẽ.
Bà đưa cho tôi những thứ đã mua và nhận tiền bằng bàn tay nhăn nheo. Tự dưng
tôi thấy lòng dâng lên thứ cảm giác rất lạ, như với một người trong ngôi nhà có
cầu thang bảy bậc của bà dì tôi.
Khi về đến nhà, tôi nhìn thấy Din đang nói chuyện với
một anh chàng trạc tuổi. Con bé thật lạ, lúc nào cũng ríu ran như chim rồi cười
khanh khách. Nếu có một mình nó sẽ hát. Thậm chí có lúc tôi thấy nó nhún
nhảy, kể cả khi dắt bò vào chuồng. Tiếng hát nó cứ lanh lảnh khắp nhà.
Vừa thoáng thấy tôi, Din reo ầm lên:
- Chị, anh Y Thiên. Bạn em. Anh ấy hỏi thăm chị.
Tôi hơi gật, ngạc nhiên vì sao anh chàng lạ hoắc có nước
da nâu sẫm lại hỏi thăm mình. Tôi chỉ mới đến làng được hai ngày. Chàng trai lạ
nhìn tôi chăm chú bằng cái nhìn thiện cảm.
- Chị đẹp thật. Có lẽ chị giống mẹ chị hơn
đúng không?
Din bật cười khi thấy mặt tôi ửng đỏ và bối rối.
- Chị đừng ngạc nhiên, anh ấy con trai bác H’Lun chỗ
quán mình mua rượu.
Ra thế, Mọi người ở buôn hình như biết tôi. Chỉ có tôi
là không biết ai cả. Mọi người vẫn chăm chú nhìn về phía tôi khi tôi theo Din
ra khỏi nhà. Din kể miên man về anh chàng ban chiều. Kể chán nó lại mơ màng
nhìn ra cửa sổ. Tôi nghĩ nó đang yêu. Thì ra Y Thiên là đứa con trai được người
đàn bà nhận nuôi trong một lần lên bệnh viện tỉnh chăm mí. (Chỉ có điều là
không bao giờ cha được thông báo về những cuộc đau ốm của mí mình. Phải
chăng đó là sự trừng phạt của dòng họ cho cha vì đã rũ bỏ quê hương).
…
Y Thiên đến lúc tôi vừa tỉnh dậy, anh ta đưa
tôi một chiếc túi thổ cẩm dệt tên tôi bằng nụ cười lấp lánh:
- Của mí em gửi cho chị. Mí em dệt đấy. Biết đến khi
nào chị sẽ quay lại buôn mình đâu nên mí em dệt suốt mấy ngày nay.
Tôi không nghĩ mình sẽ
dùng đến chiếc túi thổ cẩm đeo chéo có dệt tên mình. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy
mắt mình ngấn ngấn nước. Tự dưng nhớ bàn tay chằng chịt vết
nhăn ở quán bên đường sặc sụa bụi, đôi mắt lơ đãng và sũng buồn của người đàn bà
ấy.
Bất chợt, tôi thấy giận cha.
Ông đã vô tình tước mất cả tuổi xuân của người đàn bà ấy.
Nếu là tôi, mà cũng có thể là mẹ, mọi việc có thể đã khác. Bao nhiêu năm cha
không có chút tin tức nào về buôn và người làng. Ông không về làng suốt bao
nhiêu năm. Tôi đã nhìn thấy những hôm ông thẫn thờ ngồi bên bậc thềm, nhìn mông lung
phía xa lắc. Mẹ không bao giờ nhắc đến quê nhà của cha, bất cứ ai hỏi thăm về
nơi ấy, mẹ đều
gạt phắt. Mỗi khi cha nhắc về vùng đất xa xôi ấy, mẹ lại bỏ cơm, nước mắt ngắn
dài. Mẹ sợ nếu để ông quay về, bùa ngải sẽ níu cha lại, bỏ mặc mẹ và đứa con
gái duy nhất.
Bà dì siết nhẹ tôi trong lòng bàn tay nhăn
nheo. Ấm hơn hôm nào tôi vừa ngồi xuống chiếu. Bà dặn tôi nhớ thỉnh thoảng quay về thăm. Din
nhét vào giỏ tôi đủ thứ, thậm chí nó cẩn thận cột theo túi đọt mây vừa hái lúc
sáng. Din bảo, đọt mây mới ăn thì đắng và nhẫn nhẫn nhưng vào miệng rồi thì ngọt
đến đầu lưỡi. Chị không quen ăn đồ ăn miền núi dân dã nhưng biết đâu ăn vài lần
sẽ nghiện như Din thì sao.
Din chở tôi ra thị trấn để bắt xe về thành phố. Nó gửi
gắm tôi trên chiếc xe trắng cũ kỹ dạo nọ. Đã có ba bà già đội khăn sặc sỡ ngồi sẵn.
Họ nhìn tôi với ánh mắt tò mò, bàn tán bằng ngôn ngữ bản địa. Tôi thấy mắt Din ngấn nước.
Tôi quay về thành phố. Ồn ã. Chợt bần thần.
Cha quay về với đất, nhưng linh hồn cha sẽ về chốn nào? Ở lại thành phố ồn ào với
mẹ và tôi. Hay linh hồn cha vượt qua những con đường rập rờn hoa quỳ vàng rực, quay về
nơi này. Tôi cũng không rõ nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI