Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

BÉ NHÌN BIỂN tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN Số 334, tháng 6 năm 2020


Sổ tay thơ:

 

Nghỉ hè với bố

Bé ra biển chơi

Tưởng rằng biển nhỏ

Mà to bằng trời.

 

Như con sông lớn

Chỉ có một bờ

Bãi giằng với sóng

Chơi trò kéo co.

 

Phì phò như bễ

Biển mệt thở rung

Còng giơ ngọn vó

Định khiêng sóng lừng.

 

Nghìn con sóng khỏe

Lon ta lon ton

Biển to như thế

Vẫn là trẻ con.

                                                Trần Mạnh Hảo

LỜI BÌNH:

BIỂN VẪN LÀ TRẺ CON

           

Trần Mạnh Hảo là tác giả của nhiều tập thơ, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi và cả lý luận phê bình. Thơ ông nồng nàn cảm xúc và có nhiều phát hiện thú vị qua hình ảnh, ngôn ngữ. Bài thơ Bé nhìn biển, bằng cái nhìn ngây thơ của bạn nhỏ, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thú vị, bất ngờ về biển - vẻ đẹp thiên nhiên thân thuộc và gần gũi trên đất nước ta.

Bài thơ có bốn khổ, mỗi khổ là một cái nhìn riêng của bạn nhỏ về biển khi lần đầu được bố đưa đi chơi vào dịp hè sang. Nhưng cái hay và độc đáo ở đây chính là bên cạnh cái dáng vẻ to lớn, mênh mông của biển, bạn nhỏ khám phá thêm nét tính cách trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhờ vậy mà người đọc vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

Miêu tả biển rộng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đưa ra một hình ảnh so sánh rất gần gũi với mọi người và cũng không xa lạ gì với các trẻ thơ:

Nghỉ hè với bố

Bé ra biển chơi

Tưởng rằng biển nhỏ

Mà to bằng trời.

Hóa ra biển không nhỏ chút nào đâu nhé! Biển "to bằng trời" nữa đấy! Khi chạm mặt biển rồi, bạn nhỏ trong bài thơ mới nhận ra biển vô cùng rộng lớn. Vậy biển rộng lớn như thế nào? Biển to bằng trời là thế nào? Các em hãy xem nhà thơ miêu tả nhé:

Như con sông lớn

Chỉ có một bờ

Với sông, thường đứng bờ bên này, các em sẽ thấy bờ bên kia. Nhưng với biển, bờ bên kia sẽ không nhìn thấy được, chỉ có thấy đường chân trời tít tắp mà thôi. So sánh như thế là tuyệt hay rồi. Song, thú vị nhất là từ cái rộng lớn vô cùng của biển, Trần Mạnh Hảo đã phát hiện thêm cái nét rất trẻ con từ biển kia. Chính cái nhìn ngây thơ và giàu tưởng tượng ấy đã tạo nên nét duyên dáng, hấp dẫn khó quên về biển:

Bãi giằng với sóng

Chơi trò kéo co

Quả là đến biển, hẳn mỗi chúng ta đều nhận ra những con sóng vỗ vào bờ rồi lại lùi ra xa, cứ thế hết lớp này đến lớp khác, như thể các bạn nhỏ đang chơi trò kéo co vậy. Sự giằng co ấy mới trẻ con làm sao, người lớn khi tham gia chơi trò kéo co cũng hóa thành trẻ con mất thôi. Phải giàu sức tưởng tượng lắm, khả năng liên tưởng thật kỳ diệu, đặc biệt là phải có một tâm hồn trong sáng, trẻ thơ thì tác giả mới viết tài tình đến thế. Đến khổ thơ này, điều thú vị và ngạc nhiên về biển đã thực sự bắt đầu.

Sau dáng vẻ của biển qua hàng ngàn lượt sóng giằng với bờ và chơi trò "kéo co" ấy, nhà thơ Trần Mạnh Hảo miêu tả âm thanh của biển cũng thật tinh tế. Tiếng biển "phì phò" như thể "biển mệt thở rung" được nhà thơ ví với cái bễ thụt hơi vào lò lửa cháy. Thích thú hơn nữa là hình ảnh những chú còng giơ gọng vó như định khiêng cả sóng lừng ngoài biển khơi. Cái bé nhỏ mà muốn thách đố với cái to lớn, hùng vĩ sao? Chính giọng thơ ngạc nhiên, hình ảnh ngộ nghĩnh và độc đáo đã làm cho khổ thơ khắc họa về biển thật ấn tượng:

Phì phò như bễ

Biển mệt thở rung

Còng giơ ngọn vó

Định khiêng sóng lừng.

Điều muốn nói cuối cùng của nhà thơ với các bạn nhỏ chính là sự trẻ con ngàn đời của biển. Biển rộng lớn là thế, nhưng biển cũng chỉ là đứa trẻ mà thôi. Hình ảnh "nghìn con sóng khỏe" giữa đại dương có khác gì hình ảnh các bé đang nô nức chơi đùa, tung tăng chạy nhảy, "lon ta lon ton" trên mặt đất này? Nhờ cách liên tưởng thật bất ngờ ấy, bài thơ khép lại bằng một cảm nhận thật tuyệt vời về biển:

Nghìn con sóng khỏe

Lon ta lon ton

Biển to như thế

Vẫn là trẻ con.

Tóm lại, bài thơ Bé nhìn biển đã làm cho người đọc ngạc nhiên, thích thú qua cái nhìn rất ngộ nghĩnh, dễ thương của bạn nhỏ. Đất nước Việt Nam có bờ biển dài, tươi đẹp, là địa chỉ lý tưởng cho các bé mỗi dịp nghỉ hè. Khám phá thêm một góc nhìn mới mẻ từ tính cách "trẻ con", hồn nhiên của biển, tác giả đã góp phần mang lại nét độc đáo và hấp dẫn cho bài thơ này. Qua đó, mỗi người Việt Nam càng có thêm tình yêu với biển đảo của Tổ quốc.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI