Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

“NGÀN CON MẮT GIÓ” BIẾT TÌM VỀ ĐÂU? tác giả HOÀNG ĐỖ - CHƯ YANG SIN Số 334, tháng 6 năm 2020

(Nhân đọc tập thơ “Ngàn con mắt gió” của Phúc Đinh)

 

Ngàn con mắt gió hay cũng chính là ngàn vạn phận người chìm nổi lênh đênh. Có thêm khác chăng là linh hồn của gió luôn xâm thực đầy tràn tâm hồn của những con người cô đơn mà thôi!

Cuộc đời nhiều lúc bất công và nghiệt ngã, bất công cả với những người phụ nữ luôn gánh chịu gian nan, luôn phải cam lòng hy sinh cái tôi để làm trọn bổn phận của mình. Thiên chức thì dày mà tình duyên lại mỏng, bởi thế nên thân phận người phụ nữ ở xã hội nào cũng vậy, đều lắm nỗi đa đoan, ngàn nẻo đời, vạn nẻo tình cũng là muôn nỗi truân chuyên, giăng giăng nỗi nhớ, bời bời nỗi cô đơn. Cho nên Ngàn con mắt gió đôi khi chẳng có nẻo về cũng tựa như vạn tâm hồn phụ nữ cô đơn tại sao lại cứ phải tìm về miền vô định? Bởi thế mà thơ đã trở thành cứu cánh, là nơi dốc cạn lòng mỗi lúc cô đơn, trống trải hay day dứt nỗi niềm. Tác giả Phúc Đinh cũng không ngoại lệ.

Đã đi qua chặng dài của đời người; hạnh phúc, dang dở, khổ đau đã từng nên trong thơ Phúc Đinh luôn là nỗi niềm của sự khắc khoải chờ mong, tuyệt vọng trong cô đơn để rồi hy vọng trong sự nhân hậu của thơ hoặc của thời gian…

“Ngàn con mắt gió” biết “gió” nào hiểu ta:

 Thinh không cơn gió nhẹ buông

Mặt hồ trăng vỡ, ngàn muôn mảnh nhòe

                                                   (Vầng trăng)

“Ngàn con mắt gió” biết “gió” nào cho ta:

Gió về sớt chút hương đưa

Chậu hoa trước ngõ, như chưa kịp tàn

                                                  (Ngộ nhận)

Chao ôi! Gió nồng nàn là thế, gió bao la là thế chẳng lẽ quà của gió chỉ là: “sớt chút hương đưa” thôi sao? Rồi đưa đi đâu vậy nhà thơ Phúc Đinh?

Chắc chỉ là tâm trạng người – thơ chưa sẵn sàng đón nhận mà thôi? Hay có lẽ tình đời muôn nỗi đã làm cho tác giả gửi gắm vào đó sự đồng cảm của tình thiên nhiên tự buổi: Đêm đồng lõa/Cùng mênh mông sóng biển rồi chăng?

“Ngàn con mắt gió” biết “gió” nào nâng ta:

Ta nằm nghe tiếng gió

Ngàn âm âm bung vỡ

…Giữa muôn trùng vũ trụ

…Đến giữa trời huyễn mộng

Ta chạm mình riêng đau

                                                              (Đêm)

Thì đây, sự “bung vỡ” của tiếng gió đã đưa người - thơ “đến cuối trời huyễn mộng” cho “Ta chạm mình, riêng đau” để rồi dệt nên những vần thơ phiêu phiêu riêng biệt cho mình, để rồi chị đã có một chấm phá đậm nét cho cái tôi...

Nhưng không chỉ có mắt gió đâu, cuộc đời người phụ nữ lắm truân chuyên này cũng từng phải kêu lên:

Và em muốn hỏi cô đơn bao tuổi

Vờn - trêu phận số người, trên nỗi chơi vơi.

                                                  (Em muốn hỏi)

Phúc Đinh chắc cũng nhiều giây phút cô đơn lắm mới phải thốt lên như vậy. Có lẽ người phụ nữ làm thơ nào cũng lắm nỗi đa đoan.

Cuộc đời người phụ nữ ấy, bên trong nỗi cô đơn là bao cay đắng, truân chuyên, nhọc nhằn, nhiều lúc tưởng như không vượt nổi, tưởng như phải đầu hàng số phận, nhưng sự vượt thoát đã làm người - thơ trở nên kiêu hãnh:

Tự mình trót trái ngang vay

Em kiêu hãnh đón bủa vây sóng đời.

                                                       (Đêm khát)

Như bao đời nay, những người phụ nữ đầy bản lĩnh vươn lên vượt qua số phận nghiệt ngã để tạo dựng tương lai tươi sáng, có lẽ đấy cũng là một phần trong sự trường tồn của nhân loại. Thơ ca đã đóng góp không hề nhỏ, thơ đã giúp cho con người, nhất là phụ nữ vượt qua được những cơn bão lòng, trút vào đó bầu tâm sự với biết bao nỗi niềm đầy vơi, đồng thời chia sớt bể sầu bể khổ để cõi lòng trở nên dung dị, an nhiên hơn. Phúc Đinh đã làm được điều đó bằng những vần thơ ngắt nhịp du dương, khéo và duyên của chị:

Em xin nhé/Xin mùa đông thật khẽ/Thôi lạnh lùng/ Đừng dài thế/ Đêm khuya/ Xin bình lặng/ Hãy ầm ào lên nhé/ Em xin Mùa/ Đừng như thế/ Đừng tin.

Nhiều năm sinh sống gắn bó với Tây Nguyên gần gũi nhất là Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột, chị đã yêu Tây Nguyên và hiểu Tây Nguyên rất tường tận theo cách của riêng mình:

Đông cứ vẽ mùa lên biêng biếc

Sợi mây xâu mờ mỏng lên rồi

Nghe gió thở, bên đồi lá hát

Chỉ Tây Nguyên mới thể mà thôi.

 (Đông)

Cảnh đẹp mờ ảo của Tây Nguyên, mùa đông Tây Nguyên cũng trở nên thật đáng yêu bằng những nét phác thảo nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng rất thơ của chị bởi “Chỉ Tây Nguyên mới thế mà thôi”. Người đọc trong giây lát bỗng thấy yêu Tây Nguyên hơn.

Trải bao gian nan cực nhọc của đời người Phúc Đinh tự nhắc nhở và cũng là tự nhắn nhủ lòng mình:

Muốn, nhuộm mùa xanh lên màu lá

Mà nghe, bàng bạc nét thu hờ

Muốn níu, mùa xuân trên mái tóc

Lại thương ngày thắc thỏm cô đơn

                                                        (Màu phố)

Ở đây có sự so sánh rất hay về tương quan giữa màu xanh của lá với mùa thu cùng với mùa xuân trên tóc với nỗi cô đơn. Từng cặp từ đầu câu “muốn” với “mà” và “muốn” với “lại” đã tạo nên những cặp đôi thú vị. Đó là sự so sánh của phạm trù vật chất với phi vật chất thật dễ thương, thật lạ và cũng thật thơ...

Gấp tập thơ Ngàn con mắt gió lại, ta thấy còn rất nhiều điều muốn nói. Nhưng khi mới chỉ phác họa đôi nét, ta đã được ngắm nhìn sự thành công trong tập thơ đầu tay Ngàn con mắt gió cùng với tác giả Phúc Đinh. Thơ chị chênh vênh, xao động từ trong nỗi đơn độc chống chếnh ấy đã nảy chồi một bản sắc riêng biệt, được nhen nhóm, được thể hiện để dần tự khẳng định mình, khẳng định cho một chặng đường thơ và một tính cách thơ.

Xin chúc mừng tác giả Phúc Đinh với tập thơ ra mắt đầy ắp phiêu du nhen thắp nỗi niềm của sự từng trải, bản lĩnh hay cũng chính là sự vững vàng tự thân!

Xin đợi chờ nữ nhà thơ sóng bước cùng những tập thơ tiếp theo sẽ đầy ắp nắng, đầy ắp gió và đầy ắp nỗi niềm của người đàn bà cầm bút.

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI