Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

BUỒN NÔN truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

 

Tôi, chính tôi đang bị một chứng bệnh gì đó, tôi cảm nhận rất rõ, nhưng ngại đi bác sĩ. Chúng tôi đang ở một nơi mà từ "bác sĩ" thường đi kèm với nỗi sợ hãi, hoặc nói quá lên một chút, thường đi kèm với từ "bi kịch", nếu bạn không có tiền.

Tôi cảm thấy buồn nôn mỗi ngày. Buồn nôn, bạn khoan kết luận tôi đạo văn, đó không phải là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng, mà là cảm giác của tôi vào thời điểm này. Xin lỗi đại văn hào kính mến, hãy đại xá cho tôi lỗi lầm này, vì tôi không tìm ra một từ nào khác tương đương để diễn tả nó: Buồn nôn.

Có điều, cảm giác này chỉ xuất hiện vào ban ngày, khi được tiếp xúc với chúng nhân đông đúc. Còn ban đêm, dù có ở trong những giấc mơ dữ dội nhất, tôi cũng không bao giờ gặp cảm giác buồn nôn. Mà bạn biết rồi đấy, khi bóng đêm đổ xuống, là những cơn mơ cuồn cuộn dâng tràn, hết lớp nọ đến lớp kia, đổ ập vào bóng đen bão tố.

Tôi đang đứng trên bờ, ranh giới giữa ngày và đêm, một ranh giới mỏng manh đo bằng những hạt bụi ánh sáng: Hoặc là ngày của buồn nôn hoặc là đêm của ác mộng! Nếu là đêm thì không là ngày, nếu là ngày thì khỏi là đêm.

Từ buồn nôn đến nôn thốc nôn tháo là chuyện đương nhiên. Sáng nay tôi vừa nôn trên một bãi đất trống ven đường. Nơi đó vốn là chỗ đứng của những vị thánh thần bất tử. Họ đến rồi đi, đi mãi, bãi đất trống cỏ mọc um tùm và chó mèo hò hẹn công khai. Tôi nghĩ, không chừng mình đã nôn vào đúng vết chân của họ!

Cả một trời đom đóm trước mặt, khi bạn nôn. Vì thế nên tôi nhầm, tôi đã không nôn vào đúng vết chân thánh thần bất tử để bị quả báo siêu hình mà lại nôn lên đúng lưng của một đôi mèo hoang đang tình tự. Thế là chúng nhảy dựng lên vả vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của kẻ đang yêu đương lại bị làm phiền!

Thôi thì, biết đâu, quả báo nhãn tiền có khi lại nhẹ hơn!

Hết ngày nôn đến đêm dài mộng mị. Tôi mơ thấy mình đang chạy giữa cánh đồng bất tận. Bạn cũng đừng kết luận tôi chôm chỉa chữ nghĩa gì ở đây, đó là cánh đồng tôi đang chạy trong mơ. Phía sau là tập hợp chó mèo và thánh thần bất tử đuổi theo đòi ăn tươi nuốt sống. Tôi chạy thôi, không hề buồn nôn. Bóng đêm làm chứng cho tôi! Bóng đêm đã từng làm chứng cho hàng tỉ cơn mơ, hàng tỉ cơn ác mộng mỗi đêm, cớ làm sao lại không làm chứng cho tôi được?

Không giống các loại bệnh khác, cơn buồn nôn xuất hiện bất ngờ và biến mất nhanh chóng, nhanh đến nỗi không thể kiểm soát nổi. Đang lái xe trên đường, buồn nôn, đang đọc báo, buồn nôn, xem ti vi, lại buồn nôn, mở máy tính ra vào mạng xã hội, nôn nốt!

Như một cậu bé lứa tuổi mẫu giáo lớp chồi lớp lá không kiểm soát nổi cơn buồn tè, lại bị cô giáo dữ đòn kèm cặp và dọa dẫm, tôi đâm ra sợ hãi, đi đâu cũng lấm la lấm lét nhìn trước ngó sau, sợ lỡ nôn ra trước mặt mọi người. Những ánh mắt nhìn tôi dè bỉu, như vừa bắt gặp một gã từ hành tinh khác đến. Rồi những ánh mắt thương hại, những lời giáo huấn không khác gì miệt thị. “Ôi, bệnh nặng thế sao không chịu nhập viện điều trị đi?”.

Buổi chiều, đang ngồi đọc sách, thế mà nôn, nôn ngay trên trang sách, vào ngay bức hình một nhà văn già, đạo mạo, mặt nhăn nheo có vẻ đau đời. Nhà văn ấy, có lẽ bạn đọc có biết. Ông ấy vừa lên tiếng đanh thép lên án một nhà thơ trẻ đạo thơ tuần trước, bằng những lời lẽ háo danh và bẩn thỉu nhất! Và ông ấy cũng lờ đi rằng, chính ông cũng từng đạo văn của người khác cách đây không lâu.

Ọe...

Thế rồi, đêm đến lại mơ, tiếp tục ác mộng truy đuổi. Trong mơ, nhà văn già hét vào mặt tôi: "Đồ mất dạy!", tiếp theo là một đám du côn đeo băng đỏ bu lại nhổ vào mặt tôi, thụi vào ngực tôi. Hóa ra, họ cùng một băng với nhau! Tôi cô đơn, không có băng nhóm đông đúc như họ. Thì tôi chạy thôi, trong mơ, tôi không hề buồn nôn, nhưng chạy nhiều thì rất mệt, mồ hôi đầm đìa. Có bóng đêm làm chứng cho tôi. Bóng đêm đã từng làm chứng cho hàng tỉ người trốn chạy trong mơ, cớ sao lại không làm chứng cho tôi được?

Bạn nói với tôi: Thà chịu mộng mị ban đêm còn hơn buồn nôn vào ban ngày! Tôi cũng nghĩ thế, nôn nhiều sẽ kiệt sức. Nhưng trái đất quay vòng đâu chỉ vì một mình tôi? Nếu thế thì thiên vị quá, dễ cho tôi quá! Đằng này, hàng mấy tỉ người cần ánh sáng, cần bóng đêm, cần diễn trò, đóng vai này vai nọ cho hết kiếp nhân sinh. Hết ngày mới đến đêm, hết đêm lại sang ngày, vũ trụ xoay vần chung quy cũng chỉ bấy nhiêu đó, làm sao nó chịu đứng im cho?

Giờ thì tôi sống chung với bệnh, quen rồi. Hễ buồn nôn là nôn, không còn biết giữ gìn, xấu hổ là gì. Tôi sẵn sàng nôn vào bất cứ thứ gì ở đâu, mỗi ngày, và tôi chìm vào ác mộng, mỗi đêm. Những giấc mơ dài dằng dặc như phận người, như dây rợ, như những con đường xuyên núi, xuyên rừng. Ban ngày tôi nôn trúng ai thì ban đêm, họ lại hiện về truy đuổi tôi, như một cách trả đũa hèn hạ nhất. Mặt tôi đầy máu, miệng trống hoác vì răng rụng mất nhiều. Không biết run rủi làm sao, tôi toàn nôn đúng vào những kẻ có danh có vị có chức có quyền. Họ ướt đúng mặt, ướt ngay áo, bẩn thỉu hết cả giày dép. Thế là đêm về, trong những giấc mơ kỳ quái, họ hè nhau đuổi đánh tôi chí chết. Thực ra, tôi cũng muốn làm người bình thường như bao nhiêu người khác, nôn đúng nơi, tè đúng chỗ. Tôi cũng muốn đi bác sĩ một lần, chữa cho dứt điểm, nhưng, vì ngần ngại nhiều lí do, lại thôi. Mà lý do quan trọng nhất là, mà thôi, cũng như bao nhiêu người khác, tôi ngại nói ra.

Đấy, lại cồn cào, sắp nôn rồi đấy, trên tờ báo sáng nay, có một gương mặt như mặt lợn, nói năng nhăn nhở, một tội phạm đục khoét công quỹ vừa mới bị phát hiện. Trong khi cơ quan chức năng đang tích cực điều tra, thì gương mặt ấy lại giả vờ rao giảng đạo lý làm người.

Ọe…

 

   Chú thích: “Buồn nôn” là tên của một kiệt tác văn chương của nhà văn Jean-Paul Sartre.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI