Có thể
nói, thành phố Buôn Ma Thuột, buôn của ông già Thuột, là thành phố duy nhất mang
tên người khai sinh ra nó ở Việt Nam. Có lẽ vậy mà sương khói và huyền thoại
vẫn cứ pha phất, vây quanh người Già Làng này. Tên của ông chìm trong âm vang
của tiếng Chiêng suốt một trăm năm qua, không chỉ theo dòng Sê rê Pốc hòa vào
Mê Kông trôi ra biển, mà vẫn bay âm u lơ lửng trong tâm trí của bao nhiêu thế
hệ, như sương mù của mùa đông phố núi.
Vỡ ra
mưa ấm
tiếng
cồng thăm thẳm xa rồi
âm u
ngày mẹ chuyển dạ
nào ai
chọn cửa sinh ra
đất như
máu mồ hôi người nóng hổi
ký ức
như mây lãng quên như suối
nhiều
không em...
ta lớn
lên với muôn vạn vì sao
lấp
lánh không cần chọn lựa
cao chi
lắm núi ơi
rộng
đến đâu cũng bước chân người
qua hết
sống và
chết
cách
một bước cầu thang
Tây
Nguyên mênh mang tận cùng máu chảy
mẹ dạy
ta nhìn thấy
một
bông lúa rẫy cũng khát như người
giấu
ngọt bùi sau lần trấu mỏng
Tây
Nguyên mênh mang tận cùng sự sống
chàng
Dam San yêu con gái Mặt Trời
người
con gái nhìn vào chói mắt
vẫn yêu
Tây
Nguyên mênh mang sau những buổi chiều
lên
khói
mắt
người già mệt mỏi
nhìn xa
ôi Tây
Nguyên
lá vẫn
xanh trong câu thơ lá đỏ
ngày
nhiều nắng gió
vàng
rơi
Tây
Nguyên mênh mang
có
những phận người...
Có một
vùng đất được khám phá trở lại…
Chúng
ta quay lại với "sứ mệnh Pavie", với những người Pháp đầu tiên thực
hiện chuyến khảo sát một vùng đất rộng tới 676.000km², du hành hơn 30.000km tại
các vùng cao ở phía đông và bắc sông Mê Kông, thu thập một lượng lớn thông tin khoa
học.
Chuyến
khảo sát đầu tiên, từ năm 1879 tới 1885, trải rộng trên khắp Campuchia và miền
nam Siam (cách gọi Xiêm La thời ấy) tới tận Bang Cốc. Chuyến thứ hai, từ năm
1886 tới 1889, khảo sát miền đông bắc Lào và sông Đà tại Bắc Kỳ, tới tận Hà
Nội. Chuyến thứ ba, từ năm 1889 tới 1891, bao gồm việc khảo sát sông Mê Koong
từ Sài Gòn tới Luang Prabang. Chuyến thứ tư, từ năm 1894 tới 1895, bao gồm các
vùng lãnh thổ Lào giáp giới với Trung Quốc và Miến Điện tại tả ngạn sông Mê
Kông, tới tận sông Hồng. Do đó mà năm 1894, bác sĩ Yersin đã "khám
phá" ra vùng đất mà sau này là Darlac (ông ký âm từ Tak-lac, hồ Lak) và
KonTum, dù tuổi tên ông dường như chúng ta chỉ nghe gắn với Đà Lạt.
1885,
Auguste Pavie là Thống đốc và Đặc nhiệm Toàn quyền Pháp tại Lào.
Sự
"nghiên cứu" của Auguste Pavie lúc ấy nằm trong bối cảnh đang có
"xung đột" Xiêm - Pháp. Sau Hòa ước Pháp – Xiêm 3.10.1893, vua Rama V
của Xiêm tiếp tục hy vọng và yêu cầu chính phủ Anh bảo hộ. Chính phủ Anh sau đó
đã đàm phán với vua Pháp, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận, nhiều hòa ước
nhưng phải đến hiệp ước Entente Cordiale năm 1904 giữa Pháp và Anh thì hai bên
mới kết thúc những tranh chấp của họ tại Đông Nam Á. Theo đó, Xiêm nhượng lại
Lào (và phần lớn phía Tây của Cam pu chia), Pháp bảo đảm sự toàn vẹn của phần
còn lại của Xiêm. Đổi lại, Xiêm phải từ bỏ yêu sách của mình đối với các vùng Shan
nói tiếng Thái (lãnh thổ phía tây sông Mê Kông xuyên qua Luang Prabang, Champasak
và Tây Campuchia...)
Champasak,
bao gồm một phần nam Lào và Tây Nguyên. Và Stung Treng, lúc đó
vẫn đang thuộc vương quốc Champassack.
Chép
vài con số
- Sau
hòa ước Pháp – Xiêm (3.10.1893) Lào tách khỏi Xiêm và thống nhất (trước đó là các
tiểu vương quốc). Pháp sát nhập Cao nguyên Trung phần vào Lào, lúc này chưa có
địa danh Darlac (theo nghĩa một đơn vị hành chánh chính thức). Đến 2.11.1899
thì theo Quyết định số 917 của Toàn quyền Paul Doumer, “đại lý hành chính
Darlac” mới ra đời, thuộc Stung Treng. (tham khảo La Province Nouvelle du Darlac, ngày 01.4.1901 của Khâm sứ Tournier,
Lào.)
- Ngày
22.11.1904 Darlac chính thức tách khỏi Stung Treng (tức là khỏi Lào) để trở về
với Annam sau 9 năm lưu lạc (từ 1893 đến 1904). Do từng thuộc về Lào, nên trước và sau mốc thời gian 11.1904 một chút, chúng ta sẽ gặp các
địa danh vẫn thường được ghi theo kiểu Lào, như
là Ban-mé-thuot. Từ 1904 – 1913 Darlac thuộc Phú Yên.
- Ngày
9.02.1913 Darlac là một đại lý hành chính thuộc tỉnh Kon Tum.
- Ngày
2.07.1923 Darlac mới chính thức tách khỏi Kon Tum, thành tỉnh riêng và Ban Mé
Thuôt lúc này chính thức được “thủ phủ” hóa. Hầu hết các địa danh lúc này được Rhadé-hóa,
Banme-thuot thành Buôn-Ma-Thuột.
Như vậy, dù
chưa có những ghi chép tiểu sử của một con người (là ông “Ama Thuột”), nhưng
vùng đất này từ khi thành lập (1899), lúc còn thuộc Stung Treng, và Banme-thuot
còn ghi theo tiếng Lào, cho đến (1923) khi được “thủ phủ hóa” và Rhade hóa
thành Buôn-Ma-Thuôt thì người ta đã lấy tên ông để gọi tên phố núi. Và nếu phải
chọn một văn bản “chuẩn” nhất thì chúng ta có thể lấy nghị định 9.2.1924, lúc
ấy Darlac được chia thành 27 khu, thì khu trung tâm có tên chính thức là “Secteur
de Buôn-Ma-Thuôt” (chú ý cách viết có dấu gạch nối và người Pháp không có “dấu
nặng”). Và bốn ông Công sứ Pháp liên tiếp được đưa đến Darlac từ năm 1899 đến
1913 lúc đó gồm Léon Bourgeois, Charles Bardin, Henri Besnard, Louis Cottez
thực hiện việc hình thành nên thủ phủ là thành phố Banmé-Thuôt hay Buôn Ma
Thuột ngày hôm nay.
---------------
MỘT GHI CHÚ BÊN
LỀ CHƯA KIỂM CHỨNG VỀ BUÔN ALE…
Theo mô tả của
A. Monfleur (trong “Monographie de la Province du Darlac 1930”, nhà xuất bản Viễn
Đông – Hà Nội in vào năm 1931, nếu lấy mốc là Tòa Công Sứ, tức Dinh Bảo Đại hôm
nay, thì có một làng Rhadé tên là Ban-Mé-Thuôt, và làng này ở vị trí của Buôn
Alê A (?) sau này.
Trang 17: “khi
chia Tỉnh Darlac thành 27 khu vực quản lý (27 secteurs surveillance) thì
“Secteur de Buôn-Ma-Thuôt” là Secteur trung tâm với 26 buôn Rhadé thành viên.
Trong 26 buôn này thì các buôn Kô Sier, Păn Lăm, Ky, Niêng, Chuôr K’Nier, Sô, Buôn
Tur... đều có mặt, nhưng KHÔNG THẤY CÓ BUÔN ALÊ mà lại có một buôn mới khác
mang tên “Buôn-Ma-Thuôt”. Do vậy, có ý kiến cho rằng: Buôn-Ma-Thuôt
(mang stt 01) trong 26 buôn, và “Secteur de Buôn-Ma-Thuôt” (?) chính là Buôn
Alê (A). Chỉ là những gợi ý… (?)
Trang 23: (mô tả một số
vị trí, vẫn đúng với ngày hôm nay)
“Gần hơn, là khu nhà
Thanh tra mới hoàn thành, cùng các văn phòng, nhà nhân viên Trợ lý, Bưu điện,
và kế đó là nhà trọ của các thư ký và phiên dịch. Về phía Tây của Tòa sứ, là
khu nhà của Ban Giám hiệu trường, các phòng học, khu nội trú. Còn có một Trạm y
tế gồm một số phòng, và xa hơn nữa ở cuối con đường lớn là buôn [có tên là]
Ban-Mé-Thuôt, gồm khoảng 60 ngôi nhà tranh xinh xắn với gần 2.000 người bản địa,
gần đó là một trại lính…” (?)
------------------
Tây
Nguyên mênh mang có những phận người…
Vậy các tuổi tên người,
những huyền thoại sống khi người Pháp lên Tây Nguyên những ngày tháng ấy để tìm
gặp "Vua Lửa", “Vua Nước” chúng ta còn lại những tuổi tên nào?
Ta nhớ
nhà thám hiểm Odend’hal bị giết ở chỗ Vua Lửa ngày 7 tháng 4 năm 1904 vì “tội”
đòi xem gươm thần. Được báo động, ngay ngày hôm sau viên công sứ đầu tiên của
tỉnh Darlac là Léon Bourgeois phải hộc tốc kéo một đoàn quân từ Bản Đôn ra. Có
lẽ từ lúc đó người Pháp đã thấy việc bất tiện của việc đóng "tỉnh lỵ"
ở Bản Đôn chăng? Vì khi Bourgeois đến nhậm chức công sứ Darlac, thì ở Bản Đôn có
một người uy tín đến mức được coi là một huyền thoại sống. Người Pháp gọi ông
ta là Khunjonob, do từ tước hiệu Khun Ju Nôb được vua Xiêm (Thái Lan) ban tặng,
để gọi thay tên thông thường của ông là N’Thu K’nul theo cách gọi của người Mnông,
còn người Ê Đê thì gọi ông là Y Thu.
Bản Đôn
của vua Voi, chính là một phần đất của Mé Wal (Bà Val hay Bà Vầm), được “nhường”
cho ông để hình thành nên “bản của những hòn đảo”.
- Y THU
/ KHUN SỤ LỐP, 1828 -1938.
Tây Nguyên
bấy giờ vẫn đang còn tham vọng của người Xiêm. Họ thường xuyên đưa quân sang,
do một nhân vật tên là Luong-Sakhon / Liong Sakhon dẫn đầu, Khunjonob còn phải
tặng (?) vua Xiêm một con bạch tượng, con voi trắng quý nhất và duy nhất ông
săn được. (Tước hiệu “Khun Ju Nôb” là tước hiệu khá cao quý của Vua Thái, nó có
nghĩa là “Chiến Binh Dũng Cảm”, không có chữ “Voi” nào trong ý nghĩa này cả).
Sau nhiều cuộc chạm trán, nhà thám hiểm và chinh phục Cupet mới đẩy được
Luong-Sakhon khỏi Bản Đôn. Mấy ngày sau khi viên tướng Xiêm này chết đâu đó
trong rừng, có thể do một vết thương, ý đồ của người Xiêm từ đó mới cơ bản chấm
dứt. Sau khi Luong-Sakhon bị Cupet đánh bật, Khunjunob, là người hết sức thông
thuộc địa thế và dân tình ở Darlac, đã khuyên Bourgeois không nên để tỉnh lỵ ở
Bản Đôn nữa mà cần chuyển đến một địa điểm thuận lợi hơn về mọi mặt, cách chỗ
cũ 54 km. Có lẽ Bourgeois thấy hợp lý, vì (1) tranh thủ được nhóm dân
Rhadé Kpă, là bộ tộc chiếm đại đa số, (2) thuận tiện giao thông với Kon Tum, Phú Yên, Ninh Hòa, Nha Trang và cả
Di Linh nữa, (3) khí hậu không quá khắc nghiệt như Bản Đôn, đất đai
bằng phẳng, màu mỡ hơn… Và như vậy Banmé-thuôt
trở thành thủ phủ (chef-lieu) của toàn vùng cao nguyên Darlac.
- AMA
THUỘT / Y MUN HDƠK, 18?? - 1923.
Năm
sinh của ông không rõ đã đành, cả năm mất cũng mơ hồ. Vì vào đầu năm 1923 xứ
Ban Mê Thuột có một đám tang rất lớn của một người Rhade rất quyền lực được nhà
văn (là nhà văn, tức là theo quy ước những gì tác giả kể có thể là non-fiction,
“sáng tác”) Roland Dorgeles viết và đăng trên tạp chí Les Annales Politiques số
2358, ra ngày 15-5-1930 dưới tiêu đề: “Tombeau de la Race Moi (Đám tang của
một người Thượng)”. Bài này được tác giả Minh Mẫn (trích dịch một phần) là
“Đám tang Ama Thuột” (tức là không theo đúng theo nguyên bản), đăng trên tạp
chí Xưa và Nay, hiện vẫn đang lưu giữ tại bảo tàng Darlac.
Trích
trong bài:
“Sinh
thời ông Ama Thuột là một nhân vật quan trọng. Ngôi nhà của ông ta rất dài, có
nghĩa là ông ta rất giàu. Cái chết của ông trùm tang tóc lên Ban Mê Thuột vì không
biết ai sẽ là người thừa hưởng những con voi, trâu, ché rượu, cồng chiêng và thóc
lúa ông ta để lại. Toàn thể dân Ban Mê Thuột đến dân làng lân cận, và cả các
tay thợ săn voi của Bản Đôn đều có mặt lên đường từ ngày hôm trước với ngọn đao
trên vai, họ đã phải qua đêm sau hàng rào của trạm bảo vệ nghỉ vì sợ bị cọp vồ.
Đàn voi và bầy ngưạ dẫn đầu đám tang. Để đưa được một bậc kỳ hào đến nơi an
nghỉ cuối cùng thì gào thét tốt hơn là khóc lóc. Và do đó tiếng gào thét của
đám đông xô bồ ấy át cả tiếng trống. Đám tang vị tù trưởng có rất đông người
dân Ban Mê Thuột, các buôn lân cận và cả thợ săn voi vùng Bản Đôn đến đưa tang.
Huyệt mộ nằm trong một khoảnh rừng thưa, phải dùng đàn voi giày, làm ngã cây
mới có lối vào…”.
Vì bài
dịch trên chỉ trích của “Tombeau de la Race Moi”, nên còn nhiều chi tiết mà trong
bài không nêu, còn một đoạn khác:
“Một
tiếng cồng thổi từ buôn của người Rhade và tôi nghĩ tiếng cồng ấy sẽ ầm vang trên
bờ con suối EaTam. Có phải gió nổi lên để mang tin tức từ dòng Mékong ra biển?
Mathuot,
bố già của thủ đô lau sậy này…”
Như
vậy, theo bài: (1) người vừa mất có tên Ama Thuột (?) và (2) ông ấy được chôn
ở ven suối EaTam chứ không phải ven suối Ea Sier.
Và như vậy, có lẽ (?)
suối EaTam (Buôn Ale A) mới là Buôn của ông già Thuột, không phải Buôn Ako
Sier. (?) Và cũng có lẽ vùng đất này đã được gọi theo tên ông từ những thương
lái xa xưa, từ những nhà truyền đạo, những người “phương xa” lần đầu lên xứ sở
này vào cuối thế kỷ XIX. Nhưng những ghi chép đầu tiên về ông lại là buổi lễ
tang của ông, tức lúc ông đã chết.
Thôi thì ghi
chép tuy không đầy đủ như vậy nhưng vẫn còn kịp, để ông còn thành huyền thoại của xứ sở
này, như kiểu nghìn lẻ một đêm, chứ cũng không cần trăm năm bia đá… Roland Dorgeles, tác giả của “Tombeau de la
Race Moi (Đám tang của một người Thượng)” nói trên, đã ngậm ngùi khi quay về
sau đám tang ông: “Cái huyệt mộ rất rộng, rất sâu đến nỗi nguyên cả một
vương quốc huyễn hoặc của Ma Thuột có thể yên nghỉ trong đó. Như thể người
được chôn cất không chỉ là ông Ama Thuột mà là cả quá khứ của
một xứ sở. Chúng tôi vừa đặt xuống lòng đất một con người, và định mệnh đã muốn
tôi có mặt để đánh lên những tiếng cồng ở bên rìa lăng mộ của ông ấy.”
- Y YÊN AYŨN,
tức Ama Jhao / Mé Sao (1840 - 1905)
Huyền thoại Ama
Thuột pha phất sương mù, nhưng nhiều tuổi tên của thế hệ ông lại được người
Pháp ghi chép khá rõ ràng. Vì khi quay lại với vua voi Y Thu, chúng ta gặp
Ama Jhao / Mé Sao với một lý lịch khá “đầy đủ” (1840 - 1905).
Vào
giai đoạn ông Y Thu (1828 – 1938) tư vấn người Pháp "dời đô" từ Bản
Đôn (bản của những hòn đảo) về Ban Mê Thuột (làng của ông già Thuột), một “thủ
lĩnh” cùng thế hệ với ông Y Thu (và cả ông Ama Thuột?) là ông Y Yên Ayũn, tức
Ama Jhao / Mé Sao (1840 - 1905), nhận lấy cái chết. Mé Sao sinh ra ở Buôn Ko
Tam trong một gia đình Rhade giàu có và uy tín
trong vùng. Mé Sao / Y Yên Ayũn lấy cô H’Pang Niê Blô, con tù trưởng Ama Phi
của buôn Ea Yông (xã Ea Yông, huyện Krong Pak) và sang ở rể bên phía nhà vợ. Mé
Sao là người mà, theo mô tả của Henri Maitre, từng tung hoành đến tận miền
núi Phú Yên. Khi Mé Sao chấm dứt những ngày tháng "chống Pháp" hào
hùng của mình trên vùng đất của ông làm chủ nằm dọc theo quốc lộ 21 (đường đi
Ninh Hòa), khi "kẻ chống đối quyết liệt cuối cùng" đã chết, đến lúc
Ban Mê Thuột bắt đầu với những bài toán mới của nó. Và một nhân vật mới sẽ được
đưa đến để đối mặt với những bài toán ấy, sẽ được nhắc tên ở cuối bài.
Từ 1923
thành lập tỉnh Darlac và Ban Mê Thuột thành thủ phủ, cho đến 1931 thì xã Lạc
Giao xuất hiện. Xã Lạc Giao (Lak jao, rất có thể là cách gọi tiếng Việt (?) về "vùng
đất của ông Ama Lak cho", jao = cho) ra đời. Đình Lạc Giao thờ thành hoàng
là cụ Đào Duy Từ (do vua Bảo Đại ban, với hàm ý "người mở cõi"). Vậy
ông Ama Lak là ai?
Y SAY
(1890 -1845) chính là ông Ama Lak.
Ông là
"thư ký tòa luật tục" của Darlac từ 1923, khi đó ông Y Thu là
"chánh tòa". Nhưng chúng ta thấy trên bản đồ Ban Mê Thuột 1918, thì
người Pháp đã "bố trí" dinh cơ / nơi làm việc của ông Y Thu rồi.
Chứng tỏ ông Y Thu phải từ Bản Đôn "ra phố" thường xuyên, không chờ đến
1923, và cũng không rõ cụ thể là làm gì? Người thứ 2 chính là ông Y Say, ông
cũng có tên trong bản đồ Ban Mê Thuột 1930. Không rõ vì sao chỉ có 2 ông là
được người Pháp chép tên trên bản đồ của xứ sở này? Rất có thể, sau này viên
Thư ký Y Say đã lên chức Thẩm phán (Assesseur) của Tòa luật tục (chức vụ tương
tự Y Thuôt, con của ông Ama Thuôt vào 1923), vì
nếu không, người ta sẽ chỉ gọi là ông Thông (ngôn) hoặc ông Ký (Thư ký) thay vì
ông Phán (Thẩm phán, và “ông Phán Lạc” là cách sau này người dân ở Buôn Ma Thuột
gọi tên ông). Ngay cả ông Y Thu là "Chánh án" (Président du Tribunal Indigène au Darlac) chắc cũng là Chánh án danh dự
thôi, vì ông Y Thu lúc ấy già yếu lắm rồi (sinh 1928, năm 1923 ông đã 95 tuổi).
Ông Y Say nổi tiếng ngay từ khi còn theo học tại École Franco-Indigène
khóa đầu tiên 1902-1904, vị công tử Y Say này
(theo nhà văn Nguyên Ngọc) rất giỏi tiếng Pháp và cả tiếng Việt.
Kể một
chút qua "Tòa luật tục."
Thời
nhà Nguyễn thì mỗi châu có quan Lang (Thái – Mường) và Tri Châu (Nùng – Thổ).
Đến thời Pháp, khi cao nguyên thuộc lãnh thổ Trung Kỳ, tức đã là đất của triều
đình Huế. Bên cạnh các "Tòa công sứ", người Pháp lập thêm các
"Tòa luật tục" do người bản địa đứng đầu để "tham gia" cai
quản vùng đất bằng "các luật tục của dân tộc mình". Và triều đình thì
bổ mỗi tỉnh một người Việt làm "Quản đạo". Trong số các quản đạo do
triều đình Huế bổ nhiệm cai trị cao nguyên, ông Tôn Thất Hối lúc đầu giữ chức
quản đạo Djiring, rồi sau đổi lên làm quản đạo Darlac. Sau đó ông Tôn Thất Hối
lại sang làm quản đạo tại Đà Lạt, nhưng sau ông vẫn sống ở vùng đất này. Ông
mất năm 1975 tại Ban Mê Thuột. (Khu vực nhà văn hóa Thanh Thiếu Nhi bây giờ,
ngày đó là khu vườn BS Niệm (Tôn Thất Niệm, con trai ông, làm "chủ sự Dân
Y Viện Darlac” thời ấy.)
Quay
lại ông Y Say, ông mất năm 1945. Mộ của ông do vợ (là người cung nữ được Đức Từ
Cung gả cho) tên Nguyễn Thị Mùi phụng lập. Mộ cải táng của ông Y-Say và Y-Lăk
(con trai ông) hiện vẫn còn, ở sát cạnh nhà thờ Giáo họ Giu-Se, phường Tân
Thành. Bà Nguyễn Thị Mùi cũng mất tại Ban Mê Thuột vào khoảng thập niên 80. Bà
có hai con trai, các cháu nội vẫn đang sống tại Ban Mê Thuột.
Kể thêm về mộ
ông Y Thu.
Lăng mộ của vua voi Y
Thu / N'Thu K'Nul do R'leo K'Nul, người kế tục sự nghiệp, cho xây dựng. Mộ có
kiến trúc M'nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản trên có trang trí hình
búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ. Và mộ của R'leo K'Nul, người nối nghiệp ông, cũng
ở ngay bên cạnh, được xây dựng rất đẹp theo mô típ hình chóp nhọn của
dân tộc Lào. Do hai ngôi mộ liền kề nhau và kết hợp hài hòa như một nên khách tham
quan hay nhầm tưởng đây là một ngôi mộ duy nhất, và thấy mộ R' Leo lại tưởng nhầm
là mộ vua voi Y Thu / Khunjunob. Kỷ vật còn lại duy
nhất của vua voi Khun Ju Nob là chiếc mâm đồng trong ngôi nhà sàn độc đáo vì có
mái lợp bằng “ngói gỗ” của ông. Tương truyền đây là chiếc mâm mà Khun Ju Nob thường
dùng để cúng voi khi ông sang Lào săn voi. Nó được con cháu ông tìm
lại và đưa về Việt Nam năm 1959.
Kể
chuyện ông vua voi đời thứ 2, R’Leo Knul.
R’LEO
KNUL, còn gọi là Ma Krong, là vua voi đời thứ 2. Ông cũng là người được vua Bảo Đại
thường xuyên mời đi săn cùng (được đi săn với vua chúa là một vinh dự mà ít người
thợ săn nào có được). Ông Ma Krong là bố vợ của công sứ Sabatier. H’Nhuôn, con
gái ông, là vợ của Sabatier, mẹ của H’Nhi vì thế ông Ma
Krong còn được gọi là Aê Nhi (Ông của bé Nhi). Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi.
Cho đến đời thứ 3 là ông Ama Kong (1910 – 2012), tên Rhade là
Y Prong Eban, tên Lào là Khăm Prong thì Ban Mê Thuột cũng chấm dứt huyền thoại
về các ông vua voi.
Y THUỘT (? -
1930)
Trong
"quyết định" (1923) bổ nhiệm ông Y Say làm thư ký thì chúng ta thấy
có tên ông Y Thuột (con ông Ama Thuột?), làm trưởng Buôn Niêng. Chỉ thấy tài
liệu này, nên năm sinh của ông không rõ, ông Y Thuột mất vào khoảng tháng
5-1930 (tức là sau cha [nuôi?] là ông Ama Thuột khoảng 7 năm). Không rõ ông Y
Thuột có người con nào với bà vợ H'Wênh Alêo ở Buôn Niêng hay không. Nên chúng
ta cũng không nghe ông Y Thuột là Ama gì?
Đã trôi
đi những tuổi tên người…
Không
chỉ những chủ buôn, vùng đất này còn của những già làng những trí thức những
thầy giáo… như các thầy Y Jut (1888-1934), tên đầy đủ là Y Jut Hwing, được ghi
nhận là tác giả chính của bộ chữ viết Êđê ngày nay, cùng với những bạn bè như Y
Ut, Y Blul (bộ chữ này được đốc học Angtoamaki và Sabatier tu chỉnh lại năm
1920). Mộ ông giờ tọa lạc buôn Păn Lăm.
Và
những tuổi tên khác vẫn tiếp tục tiếp nối, tiếp tục sinh ra những nhà cách
mạng, những trí thức lừng danh của phố núi hiện đại: Y Ngong Nie Kdam, Y
Wang Nie Kdam, Y Tlam K'bour, Y Nue Buon Krong, Y Blok Eban, Y Bih Aleo…
để lịch sử một trăm năm của phố núi tiếp tục nhiều thêm tuổi tên của những con
người, làm nên bề dày của văn hóa phố núi. Một Ama Kong (thế hệ cuối cùng của
vua voi) vẫn còn bài thuốc cường dương thành huyền thoại, đến giờ
vẫn không ngớt người tìm mua. Một Ama Hrin, chủ buôn A-Cô-Thôn hóa thành cổ
tích ngay giữa lòng thành phố. (Ông Ama Hrin, bố của ca sĩ Y Jak, cùng với Y
Phôn, Y Moan... cũng là những "huyền thoại sống” của âm nhạc Tây Nguyên
hiện đại. Ama Hrin cũng là người coi sóc việc xây dựng Tòa Giám Mục và nhà thờ
Chính Tòa của Ban Mê Thuột vào thập niên 60, hai công trình tuyệt đẹp vẫn còn
giữa lòng thành phố.)
CHÀNG
DON QUIJOTE (theo cách gọi của nhà văn Nguyên Ngọc)
Có một
người không phải Amí Ama, nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc thì ông là chàng Don
Quijote của xứ sở này, với nhiều mộng mơ đến không tưởng, là ông Sabatier.
Có lẽ nhà văn Nguyên Ngọc cũng chịu “ảnh hưởng” từ nhà văn Roland Dorgelès (đã
trích ở trên, người từng ghé thăm phố núi năm 1923.)
Ông đến
nhậm chức Công sứ Darlac năm 1914, ở tỉnh này 11 năm, rồi về Pháp năm 1926. Ông
là người phát hiện ra "chỉ cần dịch cần chuyển 500 mét, đã tạo cho Ban Mé
Thuột một thế đứng khác hẳn, không chỉ thoáng đãng về không gian phát triển của
chính nó, mà còn có thể thực sự trở thành trung tâm phát triển của cả một xứ sở
rộng lớn và đầy triển vọng này." (Nguyên Ngọc)
Dưới
thời ông, Ban Mê Thuột hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nối khắp nơi để
"tròn vai" thủ phủ Tây Nguyên như hiện nay.
Ông là
người phát hiện, dịch ra tiếng Pháp các luật tục Tây Nguyên mà sau này còn pha
phất bay trong các công trình nghiên cứu dân tộc học của nhiều tác giả người Việt.
Ông cũng là người dịch và giới thiệu rộng rãi sử thi Đam Sam, góp phần hoàn
thiện việc "latinh hóa" bộ chữ Rhade. Vấn đề sử thi Tây Nguyên, từ
ông, từ Sabatier, mới được đặt ra, và đưa đến những phát hiện mới không ngờ: Cả
một kho tàng văn học truyền khẩu phong phú cả về lượng và chất đến kỳ lạ, dường
như bất tận, và hình như cũng chưa tìm thấy tương tự ở đâu khác…
Tôi nhớ
tên ông cuối cùng. Như nhớ những sử thi, những bài trường ca. Nỗi nhớ của một
thành phố một trăm năm không hề cô đơn, nó đông đủ các nhân vật, đẹp như cổ
tích. Thành phố tuổi thơ tôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI