Gần 30 năm
qua, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở
Giáo dục - Đào tạo và Tỉnh Đoàn thường xuyên mở lớp bồi dưỡng sáng tác cho lứa
tuổi thiếu nhi qua các trại Hạ Xanh; đặc biệt hơn là Trại Hương Rừng dành cho thiếu nhi các dân tộc
thiểu số. Trên bình diện cả nước, chưa có huyện nào duy trì tổ chức trại sáng
tác thơ văn cho các mầm non văn chương ở lứa tuổi Trung học cơ sở và Trung học
phổ thông như huyện Chư M’gar. Các trại sáng tác này đích thực là sân chơi tinh
thần lành mạnh, bổ ích, nơi ươm mầm các tài năng trẻ văn học ở địa phương.
Các trại
sáng tác trên đã thu hút hàng trăm em đam mê văn chương trong dịp nghỉ hè hàng
năm, được các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở tỉnh nhà truyền cảm hứng sáng tạo,
hướng dẫn các em sáng tác, tạo điều kiện tốt nhất cho các em thâm nhập thực tế,
tập viết (thơ, văn…); sau đó tập hợp, biên tập, chọn những tác phẩm tiêu biểu
in thành sách. Trong môi trường ươm mầm vừa qua, nhiều tên tuổi đã để lại dấu
ấn qua tác phẩm văn học đã công bố của các tác giả Niê Thanh Mai,
H’Siêu Byă, H’Xíu Hmok…
Có lẽ, điều
dễ nhận ra là thời gian tổ chức trại quá ngắn, bình quân từ 5 đến 7 ngày, ví
thử ngày thứ nhất, các em nghe và trao đổi về thơ, làm thế nào để viết một bài
thơ hay; ngày thứ hai về văn xuôi (truyện ngắn, tùy bút, đoản văn); ngày thứ ba
trao đổi về các phương pháp cơ bản sưu tầm văn hóa dân gian Tây Nguyên, ngày
thứ tư các em đi thâm nhập thực tế (trong tỉnh, nếu đi ngoài tỉnh như Đà Lạt,
Nha Trang... ít nhất phải hai ngày); thời gian còn lại dành cho các em ngồi sáng
tác hoặc sửa bài tại chỗ, các văn nghệ sĩ trao đổi những bài mẫu, chưa kể đến
việc tổ chức lễ khai mạc, tổng kết, liên hoan chia tay. Chừng ấy thời gian là
rất ngắn, không đủ để các em hình dung, viết và hoàn thiện một truyện ngắn!
Trại sáng
tác tạm thời kết thúc, các em lại trở về với việc học tập ở trường và lao động
chân tay, thời gian dành cho văn chương ngỡ chừng bỏ ngỏ. Vậy, việc phát hiện,
thu hút và bồi dưỡng các tài năng trẻ như thế nào để các em gắn bó và đam mê
văn chương là điều không thể nói là tuần này, tháng kia.
Có thể khẳng
định rằng, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực văn chương
không thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức Đoàn và ngành Giáo dục - Đào tạo,
mà trước hết và cuối cùng chắc chắn Hội Văn học Nghệ thuật phải đảm đương nhiệm
vụ này.
Vậy, phát hiện các tài năng trẻ bằng cách nào và tìm các em ở đâu? Đương
nhiên, thông qua các lớp chuyên văn, các cuộc thi giỏi văn, các bài văn đoạt
điểm cao trong lớp; thông qua các trại sáng tác Hạ Xanh, Hương Rừng, Núi Hoa,
các sáng tác của tài năng trẻ thường xuyên được giới thiệu trên tạp chí Chư
Yang Sin để bồi đắp đam mê lâu dài. Nên chăng, trước khi mở trại, Hội Văn học
Nghệ thuật cần có thông báo, thăm dò, hoặc tổ chức một cuộc vận động sáng tác,
một cuộc thi ở quy mô hẹp hoặc rộng (tùy điều kiện, hoàn cảnh…, có thể phối hợp
với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đắk Lắk, Tỉnh
Đoàn) để tận mắt nhìn thấy sản phẩm của các em cần truyền ngọn lửa đam mê. Thậm
chí, có thể mở một cuộc điều tra xã hội học trong nhà trường về cách phát hiện
những tài năng trẻ văn chương bằng cách nào; tìm các em ở đâu; bao nhiêu tuổi
thì mời tham dự trại viết, cách thức bồi dưỡng các em ra sao cho hấp dẫn và thu
hút, nhằm hướng tới cái đích phải đạt được là có nhiều sáng tác hay, bổ ích.
Độ tuổi của
các tài năng trẻ văn chương là bao nhiêu, có nhất thiết các em là học sinh
trung học cơ sở và trung học phổ thông? Thực tế, nhà thơ Trần Đăng Khoa khi sáng
tác tập “Góc sân và khoảng trời” lúc mười tuổi. Năm 2019, Báo Khăn Quàng
Đỏ và Nhà Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi sáng tác văn học
dành cho thiếu nhi, chủ đề “Thành phố của em”, đối tượng tham gia là học sinh
tiểu học và trung học cơ sở. Giải “Cây bút tuổi hồng” lần thứ VII do TW Đoàn,
Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong tổ
chức dành cho lứa tuổi từ 7 đến 16 tuổi. Như vậy, độ tuổi tham gia các trại sáng
tác Hạ Xanh, Hương Rừng, Núi Hoa có thể xác định nhỏ hơn thường niên được không?
Bồi dưỡng
tài năng trẻ văn chương ở tỉnh ta phải được quan tâm, thường xuyên, phải xác
định đó là một trong những hoạt động cốt lõi, lâu dài. Nơi ươm mầm văn chương,
thật sự là nhà trường, bởi thế, Hội Văn học Nghệ thuật phải phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ địa phương tiếp
cận với các em, thông qua ngày Văn hóa đọc, ngày Sách, ngày Thơ Việt Nam, và
các buổi sinh hoạt ngoại khóa do các văn nghệ sĩ nói chuyện nhằm truyền cảm
hứng sáng tạo đến các em một cách thường xuyên hơn, gợi cho các em đọc những
tác phẩm thiếu nhi bổ ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI