Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

GÓP DÒNG NHỰA SỐNG CỦA MỘT VÙNG ĐẤT tác giả KHÔI NGUYÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020



 

Ngày nay, nói đến Đắk Lắk, nhiều người biết đến đây là một địa bàn chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng; một vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, văn hoá; xứ sở của cà phê, cao su, hồ tiêu… đồng thời là quê hương của những trường ca đạt tầm sử thi của nhân loại, và là vùng đất có không gian văn hoá cồng chiêng độc đáo được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn và phát huy… Đắk Lắk được mọi người biết đến là nhờ những con người sống và làm việc ở nơi đây, họ đã cống hiến sức lực và tài năng của mình để núi Đắk Lắk có tiên, sông Đắk Lắk có rồng.

Trước 1975, Đắk Lắk còn là nơi rừng thiêng nước độc, ngay cả Buôn Ma Thuột – trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh – cũng được gọi là xứ “buồn muôn thuở”, “thủ đô tắc kè”... Nếu có văn học, nghệ thuật thì cũng chỉ là thơ ca tuyên truyền của các chiến sĩ trong Nhà đày Buôn Ma Thuột thời chống Pháp hoặc thơ ca của một vài cán bộ “đi B” (nhưng không có điều kiện công bố tác phẩm) trong thời chống Mỹ; trong chiến khu cũng có Đoàn văn công, cũng có Đồi Điện Ảnh nhưng chỉ để phục vụ chứ không phải là nơi sáng tác... đó là những gì của văn học, nghệ thuật cách mạng ở Đắk Lắk trước 1975. Còn “phía bên kia”, không thấy nhắc đến một tác giả, tác phẩm nào ngoài “Trường ca Đam San” của Sa-ba-chi-e (Công sứ Pháp) và một vài công trình nghiên cứu của Cô-đô-mi-nác (cũng là người Pháp - đặc biệt là phát hiện ra bộ đàn đá). Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10.3.1975), tỉnh Đắk Lắk (gồm cả tính Đắk Nông bây giờ) chỉ xấp xỉ 350.000 người.

Ngay sau giải phóng Buôn Ma Thuột 1975, lực lượng sáng tác ở Đắk Lắk cũng còn rất mỏng. Số văn nghệ sĩ thuộc diện “những người đi từ rừng ra” điểm chưa hết ngón tay, lực lượng chi viện tăng cường thì chủ yếu nằm ở hai phương diện: xây dựng - quản lý (về mặt hành chính và kinh tế) và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn là một tỉnh nghèo so với mặt bằng cả nước, địa bàn rộng lớn, vẫn bị coi là miền hoang sơ, cơ sở hạ tầng thấp kém, việc thông thương giữa các vùng trong tỉnh cũng như với các tỉnh khác còn khó khăn, nhu cầu thưởng thưc văn học nghệ thuật hiện đại không là vấn đề thiết yếu. Bởi vậy việc giữ được nhân tài đã khó, việc thu hút nhân tài đến với Đắk Lắk và ở lại Đắk Lắk càng nan giải. Văn học, nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi những điều kiện này. Lực lượng văn nghệ sĩ vốn đã ít ỏi, lại phải lo bươn trải với cuộc sống để kiếm thêm thu nhập bằng cách này hay cách khác nên khó có thời gian thâm nhập vào đời sống thực tế để phục vụ hoạt động sáng tạo, không có điều kiện để tiếp nhận những thông tin mới và giao lưu để học tập kinh nghiệm sáng tác, không thể dồn hết tâm huyết cho hoạt động văn học nghệ thuật… vì thế, thiếu tính “chuyên nghiệp”, coi việc sáng tạo nghệ thuật này như một sự đóng góp, hoặc sự thoả mãn giải toả tinh thần, hay sự khẳng định mình…

Tới những năm 80 của thế kỷ XX, những cán bộ tăng cường vẫn có câu vè: “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay/ Hà Tây anh dũng chốn ban ngày/ Thanh Hóa mất mùa xin ở lại/ Nghệ Tĩnh thấy vậy cũng giơ tay.” Bởi vậy phải mất 8 năm với 2 đợt “chiêu binh mãi mã” vận động mới thành lập được Hội Văn học Nghệ thuật. Đại hội lần thứ I (5.9.1990) với 45 hội viên (kể cả gần 10 hội viên danh dự) thuộc các lĩnh vực: Văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, biểu diễn, kiến trúc. Số lượng sách xuất bản trong 15 năm sau ngày thống nhất đất nước của tác giả ở Đắk Lắk chỉ đếm trên đầu ngón tay (chủ yếu là in chung do Ty Văn hóa – Thông tin chủ biên). Nếu nói đến sức lan tỏa thì chỉ có “Thú rừng Tây Nguyên” và “Thất thủ cao nguyên” của Thiên Lương (thể loại văn); giọng ca của Y Moan và ngón đàn Quang Dũng (thuộc phần biểu diễn); “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” – Vũ Thiết phổ nhạc thơ của Hữu Chỉnh...

Nhưng rồi đất lành chim đậu, lực lượng sáng tác Đắk Lắk từ 1990 trở lại đây là nơi “trăm miền quê góp nên một miền quê”, đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk đa số là từ nơi khác đến, chọn Đắk Lắk là quê hương mới. Với 49/54 dân tộc Việt Nam từ nhiều vùng miền về đây sinh cơ lập nghiệp, Đắk Lắk trở thành miền đất đa sắc tộc, đa văn hoá… Đặc thù của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk là việc thiếu sự kế thừa của bản địa, đa số là kế thừa từ quê hương bản quán… nhưng rồi các văn nghệ sĩ dần gắn bó, thẩm thấu để bám sát cuộc sống và phục vụ cuộc sống nơi đây. Bởi thế, chỉ cần độc vị tác phẩm là nhiều người biết đến tác giả là của Đắk Lắk, dù là văn, thơ hay nhạc, họa, nhiếp ảnh hoặc biểu diễn... Với 200 hội viên (trong xấp xỉ 2 triệu dân của tỉnh) nhưng đã có trên 100 lượt người là hội viên của các Hội VHNT trung ương.

Sự trăn trở của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk hiện nay là mảng lý luận phê bình, biên kịch còn là “vùng lõm”. Bởi sáng tạo VHNT vẫn là năng lực cảm hứng của mỗi cá nhân. Lý luận phê bình kén người đọc; biên kịch không có “đất” sử dụng nên lý luận phê bình chỉ ở hạng nghiệp dư, còn biên kịch thì càng vắng bóng. Rồi nữa, công nghệ 4.0 theo đà lên đến X.0, mỗi mỗi cá nhân đều là một “tòa soạn”, một “nhà xuất bản”, một triển lãm, một clip biểu diễn... để công bố tác phẩm khiến người thưởng thức văn học, nghệ thuật khó lần ra đâu là VHNT đích thực. Kinh tế thị trường khiến việc coi sáng tạo VHNT không còn hứng thú như trước đây nên rất ít người đam mê, ở lớp trẻ càng ít hơn, đối tượng là người dân tộc thiểu số lại càng hiếm. 

Cũng may, văn nghệ sĩ Đắk Lắk ngày nay đã biết kế thừa tinh hoa truyền thống, tận dụng công nghệ thông tin, tận dụng nguồn đa dạng và phong phú về văn hóa, văn nghệ của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền đang sống trên mảnh đất hào hùng lịch sử có chiều sâu địa tầng văn hóa của các dân tộc tại chỗ để phát huy khả năng sáng tạo, xác định vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bởi thế, văn học nghệ thuật Đắk Lắk không ngừng nghỉ hoàn thiện mình để đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà bằng diện mạo của riêng mình trong dòng chảy chung, giống như dòng Srê Pốk dẫu phải chảy về hướng tây nhưng vẫn nhập vào Mê Kông để có Cửu Long góp nước cho biển lớn. 

Từ một xứ sở rừng thiêng nước độc đến mức có câu vè được truyền khẩu “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay...” đã trở thành vùng đất lành chim đậu trong khi Đắk Lắk vẫn còn đang là một trong những tỉnh thu chưa đủ bù chi, là địa chỉ tìm đến của nhiều du khách theo lời mời “lên cao nguyên đi anh” để được “nghe câu quan họ trên cao nguyên”, được thưởng thức “đêm xoang” trong âm thanh “mưa cao nguyên”, được chứng kiến “vỡ òa mưa ấm”, được cảm nhận “Ban Mê trong tôi”, được ngậm ngùi với “rừng cổ tích”  mà lần theo “đôi chân trần” để “về bên kia núi” lãng du trong mênh mang “đại ngàn”... *   

Văn học nghệ thuật Đắk Lắk từ sau 1975 đến nay là một bộ phận của văn hóa Đắk Lắk nói riêng và nền văn hoá Việt Nam nói chung. Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cũng là một dòng chảy đang cố hòa mình vào sông lớn để nhập vào biển cả văn học nghệ thuật nhân loại. Mỗi người cầm bút sáng tạo ở Đắk Lắk giống như một mạch nước góp phần cho dòng chảy thêm lớn mạnh. Mạch nước nào cũng nặng tình nghĩa với đất, nặng nợ với đất cho nên văn nghệ sĩ Đắk Lắk cũng không ngừng nâng cao tay nghề và tâm huyết để đóng góp được nhiều hơn nữa vào văn học nghệ thuật nghệ thuật tỉnh nhà cũng như văn học nghệ thuật cả nước hay của nhân loại, làm cho những người ở xa Đắk Lắk hoặc chưa một lần đặt chân đến vùng đất này nhưng vẫn thấu hiểu được màu đất đỏ bazan là sự tươi ròng của máu với thắm của hoa từ gần hai triệu trái tim đang gắn bó với đất đai và truyền thống của mình, cùng đắm chìm với hương vị cà phê, biết được sự ẩn chứa trong màu xanh bạt ngàn của cao su là những dòng nhựa trắng, thấy rõ được trong hoang sơ của đại ngàn là xu thế phát triển về mọi mặt của đời sống, cảm thông được với những khó khăn gian khổ của con người Đắk Lắk đang gồng mình để vươn lên trong khốc liệt của mưa nắng Tây Nguyên để xây dựng cuộc sống mỗi ngày thêm đẹp.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI