Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 tác giả CAO THỊ HOÀNG YẾN

TRANG VIẾT CỦA CÁC EM


CON MÈO NHÀ HÀNG XÓM



Lớp 11 A12
Trường THPT Nguyễn Tất Thành
Huyện M’Đrắk

Con Miu là con mèo nhà hàng xóm, nó là con mèo mướp có bộ lông xám, cái đuôi ngoe nguẩy, dáng đi lúc nào cũng khoan thai nhẹ nhàng. Cái tai lúc nào cũng vểnh lên, cặp ria mép cong lên nhìn ra vẻ đàng hoàng lắm. Nhưng với tôi nó là một con mèo phá phách, nghịch ngợm thậm chí là đanh đá. Tôi ghét con mèo đó, đơn giản vì nó thường lẻn qua nhà tôi, nó phá đồ của tôi, “vị khách không mời mà đến” thường giẫm lên sách vở tôi và làm rơi đồ đổ bể nào là bình hoa, sách truyện…
Tôi ghét cay ghét đắng việc nó đột nhập vào phòng, đảo lộn tất cả mọi thứ, quần áo tôi còn đầy rẫy lông mèo, thật là đáng ghét.
Tôi tự dặn mình rằng sẽ cho nó một bài học, biết bao nhiêu lần tôi đã đuổi đánh nó nhưng thực sự nó là “yêu tinh mèo”, những lần như vậy nó chạy thật nhanh và trốn thoát.
Hôm nay đi học về, mệt mỏi, tôi bước từng bước khó nhọc, quăng chiếc cặp xuống đất cái đạch. Tôi mệt lả người, đưa mắt nhìn xung quanh rồi hốt hoảng nhận ra cái khung ảnh tôi thích nhất, chiếc khung ảnh này là quà sinh nhật bạn bè đã tặng tôi, trong đó còn có ảnh của tập thể lớp. Nó là thứ tôi đã yêu mến và trân trọng lắm, nó tựa như ảnh gia đình, là vật quý giá và đầy kỉ niệm. Vậy mà, bây giờ, nó vỡ rồi. Tôi nhớ lúc sáng nay nó vẫn còn nguyên trên mặt bàn. Luồng suy nghĩ chạy ngang qua đầu tôi. Đúng rồi, chính nó, con mèo chết tiệt, ngoài nó không còn ai khác, lần này không thể tha thứ được, tôi điên lên, tôi muốn băm vằm nó ngay bây giờ, mặt tôi nóng ran, hậm hực trong lòng. Nó là con mèo điên, nó phá đồ và thách thức tính chịu đựng của tôi. Tôi ghét nó, không, không còn dừng lại ở mức ghét, tôi căm thù, thù một con mèo. Bây giờ tôi và nó không đội trời chung.
Đang cơn sôi máu, tôi bắt gặp ngay hình dáng đó, chính là nó. Tôi đưa tay vớ lấy và nắm chặt chiếc chổi lông gà. “Lần này mày không thể nào thoát được” tôi nghĩ thầm. Tôi hồi hộp, sẵn sàng, chuẩn bị và phòng thủ. Chỉ cần nó bước vào, cuộc chiến sẽ bắt đầu. Tôi thấy tim tôi đập mạnh theo từng nhịp thở...
Và rồi, nó bước vào. Chiếc chổi lông gà tôi nắm chắc, ghì mạnh sau lưng. Nó đưa mắt nhìn tôi. Bắt gặp cái nhìn bất ngờ của nó, tôi hơi lúng túng định giơ chiếc chổi tấn công. Nhưng không, có điều gì đó khá lạ, ánh mắt này, mắt ướt, vẻ buồn man mác tội nghiệp.
“Nó lại tính giở trò gì? Có âm mưu gì vậy để gài tôi sa lưới” tôi nghĩ, tôi im bặt, không la hét, đánh đập, cây chổi vẫn thủ sẵn sau lưng. Nó bước đến gần tôi, có thứ gì đó, là nước, sẫm màu, à không… Là máu. Máu rỉ ra từ chân, nó bị thương, vết thương có vẻ khá sâu. Tôi chột dạ, nó bị thương và đang cầu cứu tôi chăng. Tôi lại nhìn sâu vào mắt nó, đôi mắt to, sâu và đầy buồn bã, tôi như bị, thôi miên vào đôi mắt đó.
“Meo”
Nó kêu lên, tiếng kêu như đang khẩn thiết cầu xin, như mũi tên đâm thẳng chạm vào tim tôi, tiếng kêu thay cho điều nó muốn thốt ra “làm ơn!”.
Tôi thả chiếc chổi, bế nó lên đặt nhẹ lên đùi, xoa đầu nó như thể an ủi và trấn an. Trong chốc lát dường như tôi quên bẵng đi việc trả thù, thay vào đó tôi đang làm một việc được xem là ngu ngốc không ai ngờ tới. Băng bó cho “kẻ thù”. Nó nằm im, nhìn tôi với vẻ biết ơn, khác hẳn với ánh mắt sắc bén mọi ngày. Tôi nhẹ nhàng, cẩn thận lau đi những vết máu và băng lại. Băng bó xong, tôi đặt nó lên giường nằm cuộn tròn. Thật tội nghiệp quá, tôi đã thù ghét một con mèo, muốn băm vằm và đuổi đánh nó. Thật nhỏ nhen, tôi thấy hổ thẹn với bản thân mình, mối thù này đã tiêu tan từ lúc nào thế, chuyện tính sổ với nó tôi cũng gạt phăng đi. Tôi trèo lên giường, nằm cạnh nó, thở một hơi thật dài. Ngoài trời đổ mưa to, như thể xóa sạch đi hết mối hận thù trong lòng, tôi mỉm cười hạnh phúc, tôi cũng không rõ cảm giác thanh thản, khoan khoái lúc này, chỉ thấy lòng mình nhẹ nhõm quá! Nó nằm cạnh trông thật ngoan và đáng yêu. Nó ngủ, tôi cũng ngủ.


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 Tác giả HOÀNG THỊ VÂN ANH


Lớp 10
Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng

NƠI TA TÌM VỀ



Có phải chăng những kỉ niệm ta lưu giữ tại quê hương xứ sở - nơi “chôn nhau cắt rốn” đã dệt thành từng quãng đời đẹp đẽ. “Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở”. Vâng, chẳng ai có thể định nghĩa trọn vẹn hai tiếng “cội nguồn”. Bởi lẽ con người ta chẳng thể hiểu hết được những gì mình đang được hưởng thụ. Chỉ khi những thứ ấy biến mất thì quả thực ta mới hiểu được giá trị đích thực của chúng. Có biết đâu, hình dáng quê hương xứ sở đã ăn sâu vào tâm hồn ta như một nốt nhạc trong trẻo mà thanh cao. Bởi lẽ ấy, đất đã hóa tâm hồn. Và tự nhiên như thế, hình dáng thiêng liêng của quê hương xứ sở, mỗi người đều cất cho riêng mình một chút thương, một chút nhớ nhung, một chút tôn kính và một chút yêu thôi nhưng nồng nàn, đằm thắm, mặn mà như mảnh tình riêng thật đẹp đẽ. Tình yêu quê hương của tôi cũng hơi tham lam một tí, nó nồng cháy đến cuồng nhiệt, chiếm hữu cả con tim yêu thương da diết đến nỗi tôi ngộ nhận, quê hương là nhà mình… Quê hương tôi đẹp lắm. Một mảnh đất đầy nắng và gió với những con người thân thiện. Một vẻ đẹp hiền hòa với những lô cao su, cà phê trải dài một màu xanh bạt ngàn đến bất tận. Những bông hoa dã quỳ rực rỡ vàng tươi như một màu sắc vĩnh hằng chen lẫn hương thoang thoảng của những chùm hoa cà phê trắng ngần… Đó chính là Tây Nguyên – ngôi nhà thân thương trong trái tim bé nhỏ của tôi.
Tôi yêu màu nắng ở mảnh đất đỏ bazan màu mỡ này. Một màu nắng chói chang đến rực rỡ, rọi sáng tâm hồn tôi như một buổi trưa hè. Một màu nắng riêng biệt chẳng nơi nào có. Gió cũng man mác hương thơm thoang thoảng đến kì lạ. Có lẽ đó là mùi hương của những cánh đồng lúa chín hòa chung hương hoa cà phê, hương dã quỳ đã kết tinh lại tạo nên một làn gió với mùi hương của quê hương xứ sở. Tôi yêu những con đường đất đỏ bazan mà hằng ngày tôi đến trường. Một con đường như dải thảm đỏ cho tương lai phía trước. Tôi yêu những con người thân thiện, biết yêu thương, sống chan hòa bên nhau. Tôi yêu hơi men của những ché rượu cần, vị đậm đà của li cà phê Ban Mê hòa chung cùng tiếng cồng chiêng say đắm lòng người. Tôi yêu những phong tục tập quán, bản sắc đẹp đẽ của đồng bào miền núi Tây Nguyên nơi đây. Tôi yêu hình ảnh cô gái Êđê dệt thổ cẩm bên khung cửi, yêu những mẹ già địu con lên rẫy, yêu những em bé Gia Rai vui đùa dưới ánh nắng ban mai, dưới cành hoa con đang chớm nụ… Tôi yêu tất cả, yêu hết thẩy, yêu từng giọt sương, từng chiếc lá, từng hạt cát, từng nụ hoa. Yêu cả hương núi rừng cao nguyên đại ngàn. Tất cả như đang hòa chung một nhịp đập. Một chút yêu thôi nhưng đó là cả tâm hồn.
Người ta nói muốn yêu đất nước, yêu dân tộc phải bắt đầu yêu từ những gì nhỏ bé nhất và tôi cũng hiểu “người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Tôi yêu Tây Nguyên cũng vì lẽ ấy, cũng vì tôi yêu đất nước Việt Nam này. Yêu lắm, yêu quá đi, yêu đến tận cùng cho đến khi ngừng thở. Và cũng bởi lẽ, mẹ đã sinh ra tôi ở mảnh đất tươi đẹp này, vì nguồn máu trong huyết quản của tôi là do nơi đây tạo thành. Mảnh đất đã ấp ủ tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi tôn trọng. Là nơi khơi nguồn cho tôi ngôn ngữ, tiếng nói. Đất mẹ là cội nguồn tâm hồn. Ấy thế nên chúng tôi có một tình yêu đẹp đẽ, thành kính, thiêng liêng đối với đất mẹ.
Quê hương là những thanh âm đơn giản nhất của cuộc đời. Được yêu quê hương và sống hòa mình vào trong tình yêu ấy là một đặc ân. Có mấy dòng thơ cứ lưu giữ mãi trong cõi lòng và phảng phất qua tâm trí tôi như một nhành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng:
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Là thế đấy, nó cứ từ từ ăn sâu vào mạch máu con tim để rồi tình yêu quê hương trong tôi đẹp như một bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc. Và ngay lúc này tôi muốn truyền ngọn lửa yêu Tây Nguyên từ tim tôi đi đến con tim của bạn. Nếu bạn không phải là dân bản xứ và chưa tới Tây Nguyên lần nào. Hãy thu xếp công việc và để dành chút thời gian để đến ghé thăm nơi đây. Cùng chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp trù phú ở nơi núi rừng Tây Nguyên đại ngàn, với những cảnh đẹp chẳng nơi nào có, hòa mình vào các lễ hội rồi nhâm nhi li cà phê Ban Mê… Ngắm nhìn vẻ đẹp hút hồn của cô gái Êđê với đôi mắt to tròn, lông mi cong vút thật quyến rũ. Thử khoác lên mình những trang phục truyền thống một lần để bạn được thả hồn mình về với thiên nhiên, vạn vật… Chừng ấy thôi cũng đủ giữ chân bạn, một khi đã đến là lưu luyến không thể về… Và nếu bạn là những người con của mảnh đất này thi xin hãy mở lòng, mở con tim yêu quê cha đất mẹ để bảo vệ mảnh đất đầy nắng và gió này. Đừng quay lưng lại với tình yêu thiêng liêng ấy, đừng vô tâm, vô tình mà làm hại mảnh đất được xây dựng từ bao đời. Ông bà, bố mẹ ta đã phải chịu những gian khổ, đau thương nhọc nhằn và hy sinh vô hạn để tình yêu thương thêm nồng nàn đằm thắm xây dựng nên quê hương với nét đẹp truyền thống, bản sắc dân tộc. Hãy để tâm hồn ta được thanh lọc bằng những âm điệu tình cảm trong nốt nhạc của tình yêu quê hương và cùng tôi bảo vệ mảnh đất này bạn nhé! Tôi tin chắc rằng, bằng tình yêu thương chân thành chúng ta sẽ tạo nên một mảnh đất Tây Nguyên thêm tươi đẹp, tràn ngập màu nắng yêu thương.


Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

TÂM TÌNH NGƯỜI QUẢN GIÁO Tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017




                                                                                              
  Ghi chép




Có một cuộc sống yên bình, no ấm luôn là mong ước của mọi công dân, là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta. Để đảm bảo có được điều đó, thì cần có ngành công an. Đây chính là lực lượng có chức năng đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được công bằng, chính xác; an ninh trật tự ổn định. Qua đó góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân đi lên, đất nước ngày càng ổn định và phát triển hơn.
Hình ảnh chiến sỹ công an đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày của toàn dân. Có người tiếp xúc với người dân, có người đi cơ sở, nhưng cũng có người thầm lặng trong chiến tuyến riêng của mình. Và một trong những cá nhân mà bài viết này nói tới là thượng tá Nguyễn Văn Đang cùng cán bộ chiến sỹ ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk.
Nghe tên Trại Tạm giam có vẻ gì hơi sợ, nhưng dọc con đường từ cổng vào nơi tiếp đoàn, xe chạy giữa một bên là vườn trồng rau, một bên là trồng hoa. Thửa đất trồng hoa hướng dương mới chớm đợt nở hoa, nhưng những bông hoa vàng tươi lác đác cũng đủ giúp xua đi chút không khí e ngại khi lần đầu bước chân đến một nơi đặc biệt như thế này.
Đón chúng tôi là đồng chí Đại tá Giám thị Trại Tạm giam Võ Huy Hòa cùng các cán bộ chủ chốt của Trại. Sau lời giới thiệu và phát biểu của nhà văn Hồng Chiến, Trưởng đoàn thực tế sáng tác của Hội VHNT, Thượng tá Nguyễn Văn Đang, Phó giám thị, Phó bí thư đảng bộ Trại Tạm giam báo cáo một số nét chính của Trại. Với giọng nói chân tình, mộc mạc, anh đã giúp chúng tôi hình dung được những công việc, thành tích cũng như những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ chiến sỹ nơi đây.
Trại Tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk được xây dựng với diện tích 25 ha, tại xã Ea Tam, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột). Nhà nước và Bộ Công an, giao cho Trại nhiệm vụ quản lí người bị tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn gian khổ nhưng tập thể cán bộ chiến sỹ của Trại đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không có tình trạng can phạm nhân trốn, chết, thông cung, tự sát, đầu gấu, ăn chặn.
Nghe báo cáo của Thượng tá Nguyễn Văn Đang, nhìn vẻ mặt dù vui nhưng vẫn phảng phất nét ưu tư của Đại tá Võ Huy Hòa và các cán bộ trong căn phòng, nhìn ra khoảng trời xanh chan hòa nắng ngoài kia, nghĩ đến bao nhiêu đối tượng mà Trại đang quản lí, tôi thấy ẩn sau những từ ngữ đó là biết bao nhiêu cố gắng của tập thể cán bộ chiến sỹ (CBCS) của Trại.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Trại chúng tôi đã được các anh giúp nắm những thông tin chính của Trại, và mỗi người đều có cảm nhận riêng của mình.
Sau khi nghe báo cáo, chúng tôi đi tham quan khu Tượng đài Hồ Chí Minh ngay trung tâm khuôn viên Trại. Công trình được xây dựng vào năm 2016, tổng kinh phí là 150 triệu đồng, là tiền do CBCS của Trại đóng góp. Trong các dịp lễ tết hoặc kỉ niệm, Trại sẽ tổ chức lễ báo công dâng Bác. Pho tượng lãnh tụ bằng thạch cao trắng, vẻ mặt hiền từ phúc hậu, vầng trán cao và cặp mắt tinh anh, sừng sững giữa không gian thoáng đãng. Phía trước tượng Bác có bồn trồng hoa sen. Những bông sen trắng sen hồng không thật tươi lắm do đã cuối vụ, nhưng những cánh mỏng còn níu chặt bên đài hoa vương chút nhụy vàng... Trên trời, mây trắng bay thong dong, và vầng trăng muộn vẫn chưa chịu lặn. Tự nhiên tôi có cảm giác rất lạ. Cảnh này có chất “thiền”, tưởng như không ăn nhập lắm với ba chữ “TRẠI TẠM GIAM”. Nhưng  rồi nghĩ lại mới thấy đó là điều nên có. Cảm giác bình an tự tại ấy sẽ giúp con người được lắng lòng mình lại, và chắc chắn sẽ giúp cho những can phạm nhân của Trại được sống những phút hướng thiện khi soi mình trong bầu không khí ấy. Tôi nghĩ có được điều đó là nhờ vào tập thể CBCS của Trại, trong đó có những cá nhân xuất sắc. Các anh đã cống hiến và đóng góp vào chiến công chung bằng sự hi sinh thầm lặng như hương hoa sen đang thầm lặng dâng cho đời làn hương thanh tao quý báu của mình.
Cả Đại tá Võ Huy Hòa và Thượng tá Nguyễn Văn Đang đều khiêm tốn, không muốn nói nhiều về mình. Các anh đều khẳng định: “Thành tích của Trại là của tất cả CBCS, không phải của chúng tôi”. Vậy nên khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết về thành tích của các anh, các anh đều từ chối. Thế nhưng, để có tập thể mạnh thì phải có những cá nhân xuất sắc. Cá nhân xuất sắc mà tôi muốn nói nhiều hơn là người đã có thời gian gắn bó lâu năm nhất ở Trại tạm giam này. Đó là đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Đang - Phó giám thị phụ trách bảo vệ, giam giữ - Phó bí thư Đảng bộ Trại Tạm giam.
Thượng tá Nguyễn Văn Đang sinh năm 1961, tại miền quê lúa Thái Bình. Năm 1978, anh vừa học xong phổ thông thì cũng là lúc cấp trên thành lập Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động với thành phần chủ yếu là chiến sỹ của hai tỉnh Thái Bình, Nghĩa Bình. Trong thời gian công tác ở đơn vị, anh đã được phân công giữ chức vụ Phó phòng Cảnh sát bảo vệ cơ động cho đến năm 2008. Sau gần 30 năm  gắn bó với Phòng Cảnh sát bảo vệ cơ động, anh được cấp trên điều động về Trại Tạm giam Công an tỉnh. Với vị trí Phó giám thị, Phó bí thư Đảng bộ Trại tạm giam, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, anh đã luôn gần gũi, đi sâu đi sát để nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng cũng như những đề xuất kiến nghị của cán bộ đảng viên trong đơn vị. Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác cho cán bộ đảng viên. Với tác phong giản dị, dễ gần, và sự gương mẫu, nghiêm túc, anh đã tạo sự đoàn kết thống nhất về nhận thức, quan điểm chính trị trong toàn thể CBCS. Anh cùng cấp ủy chú trọng đến công tác xây dựng, phát triển đảng viên mới. Chỉ đạo xây dựng chương trình kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đồng chí trong cấp ủy; tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc của đảng ủy đơn vị. Tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên làm tốt công tác phê bình và tự phê bình trong cán bộ đảng viên. Bên cạnh đó, anh cùng Ban Lãnh đạo Trại kịp thời đề xuất biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể  có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị.
Với tất cả ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của mình, Thượng tá Nguyễn Văn Đang đã có 6 năm liền đạt danh hiệu CSTĐ, 3 năm đạt tiên tiến.
Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Đang cũng chia sẻ những tâm tư của mình. Môi trường làm việc và đối tượng mà các anh quản lí rất đặc biệt. Đa số các can phạm nhân sức khỏe tốt, nhưng cũng có những phạm nhân già, yếu, phạm nhân mang những bệnh nguy hiểm và khó chữa như lao, SIDA, HIV. Có những can phạm nhân đã từng có nhiều tiền án tiền sự, thậm chí có phạm nhân đã vi phạm 7 lần, và họ vẫn luôn tìm cách trốn ra khỏi trại, phạm nhân chịu án tử thường bi quan, mặc cảm. Tất cả những yếu tố đó khiến cho các anh không lúc nào được lơi lỏng cảnh giác. Anh nhấn mạnh: Là người quản giáo, phải luôn đồng cảm, gần gũi người tù, lắng nghe họ tâm sự, kể chuyện qua đó nắm bắt tâm tư và tác động đến họ tốt hơn.
Anh Vị - Phó trại tạm giam cũng đã từng có lần ngồi xếp bằng trong buồng giam để nói chuyện với phạm nhân, qua đó tuyên truyền, giáo dục họ thực hiện đúng nội quy của Trại, không có những hành động nông nổi, bột phát. Và anh luôn nhấn mạnh: “Nhân đạo, nhân văn trên cơ sở pháp luật” để cảm hóa họ bằng lòng nhân ái nhưng không đi trái với những quy định cần tuân thủ.
Niềm vui hiếm hoi của anh cũng như các đồng đội của mình đó là thấy can phạm nhân cải tạo tốt, trở lại cuộc sống lương thiện. Với những người chịu án tử, thì sự tỉnh ngộ dẫu muộn màng của họ trước khi chịu án, như biết hối lỗi với người thân, gia đình và người bị mình hại cũng là niềm an ủi với các anh khi đã giúp cho họ biết quay đầu về với bờ Thiện, và chắc chắn điều đó sẽ giúp họ nhẹ nhõm hơn khi từ giã cõi đời. Anh chia sẻ đã có rât nhiều phạm nhân viết thư cho các cán bộ quản giáo (trong đó có anh) để nói lời cảm ơn và tạm biệt trước khi họ chuyển đi trại khác hoặc chịu án tử. Tôi đã được đọc lá thư của tử tù gửi cho anh, cho Trung úy Tưởng Thái Hùng - một đồng đội của anh, người đang phụ trách khu B3, tầng 2. Các phạm nhân ngoài lời cám ơn chân thành thì còn là lời hứa sẽ cải tạo tốt. Đó chính là niềm vui của các anh, những người đang thực hiện một nhiệm vụ khó khăn vất vả không kém gì các đồng đội ở các phòng khác trong ngành công an.
Bên cạnh đó, các anh cũng còn có những băn khoăn trong tâm tư. Đó là đối tượng phạm nhân án cao, nhiều tiền án, tiền sự thường hay chống đối, yêu sách như đánh nhau, lén tìm cách đưa vật cấm vào buồng giam… khiến công tác quản lí của quản giáo cực kì căng thẳng, vất vả. Môi trường công tác tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao một số loại bệnh như lao, SIDA, đau mắt ...
Và có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến người vợ - một nửa yêu thương - hậu phương của Thượng tá Nguyễn Văn Đang. Do anh hầu như không có thời gian giành cho gia đình nên chị chính là hậu phương vững chắc cho anh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chị vốn là bác sỹ công tác ở bệnh viện huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nay chị đã về nghỉ chế độ tại Buôn Ma Thuột. Hai con gái anh, một người là dược sỹ hiện đã có gia đình và đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, một người đang học năm cuối khóa Y Đại học Tây Nguyên.
Tâm sự với chúng tôi, anh nói thêm năm 2019 anh sẽ nghỉ hưu, khi đó về ở nhà phụ giúp vợ trông  các cháu. Tôi hiểu đó là cách anh muốn bù đắp lại cho chị những vất vả mà anh chưa có điều kiện làm trong những năm đang công tác.
Chia tay anh cùng các cán bộ chiến sỹ Trại Tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi nhớ mãi vẻ điềm đạm của Đại tá Võ Huy Hòa, vẻ nhiệt thành sôi nổi của Thượng tá Nguyễn Văn Đang, sự trầm tư so với tuổi của Trung úy Tưởng Khắc Hùng, vẻ sôi nổi trẻ trung của Thiếu tá Nguyễn Mạnh Trường - người luôn tâm huyết với vấn đề bảo đảm môi trường sống cho cả Trại. Các anh đã cùng với các CBCS trong toàn đơn vị đoàn kết, bản lĩnh và cảm hóa các can, phạm nhân bằng ý thức trách nhiệm, cùng tình thương yêu và cách đối xử nhân văn giữa con người với con người. Chúng tôi đều thấm thía hơn sự cống hiến của các anh cũng như bao nhiêu người khác đang ngày đêm góp phần làm cho đất nước ta phát triển đi lên, bình yên, no ấm và hạnh phúc hơn.
Cám ơn các anh, những cán bộ chiến sỹ công an Trại Tạm giam tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt “Trung thành với Đảng, kính trọng lễ phép với nhân dân, tận tụy với công việc” như lời Hồ Chủ tịch đã dạy. Hình ảnh các anh luôn sáng mãi trong lòng mọi người dân là những “Người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.





Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

CÁNH CHIM CỦA ĐẠI NGÀN Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017








Ghi chép


“Đại úy Y Thiếp Kpă là một cán bộ gương mẫu, nhiệt tình năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Đặc biệt, đồng chí còn có khả năng trinh sát rất nhạy bén”. Đó là lời nhận xét của Trung tá Nguyễn Quốc Khánh, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp đối với Đại úy Y Thiếp Kpă, Phó đội trưởng Đội Trinh sát 2, Phòng An ninh dân tộc - Công an tỉnh Đắk Lăk.
Sinh ra và lớn lên ở xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk; năm 2003, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Y Thiếp Kpă được tuyển dụng vào lực lượng công an, rồi được lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cử theo học các trường: Trung cấp An ninh, rồi Đại học An ninh hệ vừa học vừa làm. Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh, anh được điều về công tác tại Phòng An ninh dân tộc - Công an tỉnh Đắk Lắk.
Gần 15 năm gắn bó với công việc, bằng những kiến thức học được ở trường, bằng tình yêu nghề và tinh thần vì nhân dân phục vụ, anh như cánh chim của đại ngàn bay không mỏi trên vùng trời Đắk Lắk.
Là người dân tộc Êđê, anh thấu hiểu nguyên nhân của cái khổ, cái nghèo đeo bám đồng bào mình. Anh biết bà con còn khổ, lạc hậu dễ bị kẻ xấu lợi dụng xúi dục. Khi về nhận công tác, chàng trai người dân tộc Êđê mang trong mình nhiệt huyết là giúp đồng bào mình nhận thức được cái đúng, cái sai tin theo lời Đảng, từ đó chăm lo sản xuất để bớt cái khổ. Nghĩ là làm, đến địa bàn việc đầu tiên anh làm là gần gũi với dân, hòa vào nhịp sống của dân bằng những việc làm thiết thực. Ngày ngày, anh lên rẫy với dân giúp họ tăng gia, sản xuất. Những buổi trưa hè nắng như vung lửa đổ than, anh tham gia gặt lúa, tỉa bắp, hái đậu, làm cỏ… với dân. Anh còn tranh thủ thời gian rỗi nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, cộng với kinh nghiệm bản thân, đến các hộ gia đình thuộc diện nghèo để truyền đạt kỹ thuật chăm sóc vật nuôi và cây trồng. Nhờ vậy, kinh tế của nhiều hộ phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Bà con thấy anh gương mẫu trong cuộc sống, mỗi khi lên rẫy giúp họ thì cần mẫn như con rùa, chăm chỉ như con ong, không nề hà bất cứ việc gì khi giúp dân, nên dần dần quý mến và tin tưởng. Cứ như vậy, những người dân ở địa bàn mà anh phụ trách đã thực sự coi anh như chính người thân trong gia đình. Mỗi lời anh nói là tiếng lòng yêu thương, tin cậy đối với bà con. Nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân nên những chuyến công tác của anh đều mang lại kết quả cao.
Những địa bàn anh đến công tác thường là những nơi có các đối tượng phản động đang lén lút kích động, tuyên truyền luận điệu ly khai chống Đảng và Nhà nước. Anh luôn trăn trở làm sao để bà con các dân tộc tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không bị luận điệu của kẻ xấu mê hoặc. Anh đã kiên trì, thường xuyên gặp gỡ phân tích cho bà con hiểu, không nghe những lời xúi dục của kẻ xấu, yên tâm làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế. Gần gũi, lắng nghe nỗi lòng của bà con, giải đáp những khó khăn vướng mắc những tâm tư nguyện vọng của dân để dân biết, dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà tuân theo. Luôn tập trung vào nhiệm vụ và chương trình công tác của đơn vị, thực hiện “bốn cùng” với nhân dân, gắn bó với quần chúng, tranh thủ xây dựng những quần chúng tốt làm nòng cốt, nắm chắc tình hình an ninh chính trị trên địa bàn và vận động ng­ười uy tín lên tiếng trong các vụ việc phức tạp. 
Với chất giọng Êđê trầm ấm, Đại úy Y Thiếp chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà những cán bộ công an tăng cường khi về cơ sở đều thấm nhuần lời Bác dạy “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Vì vậy, khi đi công tác tại các địa bàn phải xóa bỏ được khoảng cách giữa công an với nhân dân. Phải bằng những việc làm thiết thực để bà con thấy cán bộ, chiến sỹ công an đến với dân như người con trở về với gia đình chứ không chỉ là cán bộ đi làm nhiệm vụ”.
Với sự nhạy bén trong công việc, sự gần gũi với bà con, từ năm 2003 đến nay, Trung tá Y Thiếp Kpă đã phát hiện và tham gia trực tiếp phá rã hàng chục nhóm tổ chức FULRO của hơn hai trăm đối tượng tham gia, bóc gỡ hàng trăm đối tượng cơ sở ngầm của chúng tại các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Tuy lập được nhiều chiến công nhưng anh rất ngại khi nói về mình. Qua đồng đội của anh, tôi được nghe kể về một số vụ mà anh dùng cả chữ tâm khi giải quyết.
Trung tuần tháng 8 năm 2013, anh vừa xin đơn vị nghỉ phép được mấy ngày để chăm sóc vợ vừa sinh xong được hai hôm thì nhận được tin báo, đối tượng Kpă Y Mưch (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) hoạt động cơ sở ngầm tượng Fulro đã lẩn trốn khi bị công an huyện mời lên làm việc tại trụ sở. Với tinh thần trách nhiệm của người công an, anh đã thu xếp việc gia đình lên cơ quan xin lãnh đạo được trở lại địa bàn tìm cách vận động Y Mưch trở về. Anh đã lập phương án cụ thể được lãnh đạo đồng ý, đồng thời tìm cách liên lạc với Y Mưch, viết thư kêu gọi bằng lời lẽ chân tình. Anh còn đến gặp mục sư và người có uy tín của buôn để tác động, vận động thân nhân gia đình nhắn tin để Y Mưch trở về. Anh kiên trì đến thuyết phục vợ con Y Mưch liên lạc động viên, kêu gọi Y Mưch trở về làm ăn lương thiện để con có cha, vợ có chồng... Mưa dầm thấm lâu, vợ của Y Mưch đã chủ động để anh trực tiếp liên lạc nói chuyện qua điện thoại với chồng mình. Khi trực tiếp liên lạc qua điện thoại với Y Mưch, anh đã dùng những lời lẽ thấu tình đạt lý phân tích thiệt hơn; Y Mưch rất cảm phục nên đã tự nguyện trở về khai báo và cam đoan không tái phạm.
Tháng 1 năm 2014, Ama Mai cùng một số đối tượng khác ở buôn Tơ Yoa, xã cư M’Mung, huyện Ea H’leo bị các đối Fulro ở Mỹ tuyên truyền, lôi kéo tham gia hoạt động, kích động bà con vượt biên. Ngay sau khi phát hiện, Tổ trinh sát do anh phụ trách đã mời đối tượng lên làm việc tại trụ sở. Nhưng sau đó y đã tìm cách lẩn trốn. Đại úy Y Thiếp lập tức xuống tận nhà để thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình. Sau một thời gian dài vận động, thuyết phục, viết thư cam đoan bảo lãnh. Gia đình Ama Mai xúc động trước trách nhiệm và sự tận tụy của người công an, chị gái và vợ con của Ama Mai đã đi tìm và khuyên bảo y. Sau khi xem thư và nghe vợ con kể về tấm lòng của người công an, Ama Mai đã chủ động gọi điện cho Y Thiếp hứa sẽ trở về và tự nguyện lên công an làm việc.
Tháng 11 năm 2014, ba đối tượng Nay Than, Nay Long, Nay Ken ở buôn Dang, xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo bị rủ rê, bỏ trốn sang Campuchia, rồi sang Thái Lan. Sau đó 3 đối tượng này đã liên lạc với vợ con và xúi dục họ tìm cách vượt biên. Nghe lời, cả ba gia đình đã bán một phần đất và tài sản để trả tiền cho người dẫn đường vượt biên với giá 20-25 triệu đồng/1 người. Đến Thái Lan, trong một năm (từ tháng 12.2014 đến 12.2015), chờ mãi không được đi Mỹ như lời hứa hẹn của kẻ lừa bịp, dụ dỗ, ba hộ gia đình gồm 14 người ở lại bất hợp pháp tại Thái Lan, cuộc sống cơ cực, lay lắt ban ngày không dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái Lan bắt giữ, chỉ liên hệ với một số người để tìm cách làm mướn lấy tiền mua gạo hoặc lên chùa xin ăn; đói khổ, bệnh tật và không còn hy vọng ở tương lai. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Anh đã cùng tổ công tác nắm sát tình hình vượt biên trên địa bàn và hoàn cảnh từng hộ gia đình; liên lạc điện thoại với Nay Than, Nay Long, Nay Ken để gặp từng người, thuyết phục, động viên họ trở về quê hương. Trải qua nhiều lần gọi điện gợi cho họ nỗi nhớ buôn làng, ruộng rẫy bỏ hoang, ngôi nhà dài hoang lạnh vì thiếu ánh lửa được nhen lên khi chiều về. Rồi anh vận động thân nhân gia đình của các đối tượng gọi điện thuyết phục bằng tình ruột thịt, máu mủ kêu gọi họ trở về. Những lời anh nói khiến họ nhớ buôn làng như con nai nhớ núi, con hươu nhớ rừng. Ba hộ gia đình trên đồng ý trở về nhưng không còn tiền bạc và không biết đường về. Anh đã mất ăn, mất ngủ tìm phương án, mạnh dạn đề xuất với cấp trên, tìm cách chắp nối và tìm đường, chỉ đường cho họ trở về an toàn. Khi họ an toàn về tới buôn, lòng anh mới thanh thản và nhẹ nhõm.
Đó chỉ là ba trong nhiều trường hợp những người lầm đường, lạc lối được anh cảm hóa đưa trở về hòa nhập với cộng đồng, góp phần mang lại sự bình yên cho buôn làng. Đến nay, mỗi lần đến thăm từng hộ gia đình đã được anh cảm hóa, thấy họ cần mẫn làm ăn, các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi cơm mới, trong ánh mắt anh lấp lánh niềm vui khó tả, bởi sự vất vả và sự hy sinh của anh góp phần tạo nên sự bình yên cho người dân trên mảnh đất đầy nắng và gió...
Anh khiêm tốn không muốn nói về thành tích của mình, nhưng qua đồng đội của anh tôi được biết: những kết quả của những ngày đêm quên ăn, quên ngủ bám địa bàn, anh đã được đồng đội và cấp trên ghi nhận. Nhiều năm liên tục, anh là Chiến sỹ Thi đua cơ sở, được Bộ Công an tặng 01 Bằng khen, được UBND tỉnh tặng 02 Bằng khen và nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Những khó khăn, vất vả, những hy sinh, chiến công thầm lặng của anh cùng với những cán bộ, chiến sỹ Công an Phòng An ninh dân tộc, Công an tỉnh Đắk Lắk đã góp phần khắc họa, tô thắm thêm hình ảnh về người Công an nhân dân Việt Nam vì nước quên thân - vì dân phục vụ.


Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

CANH RẪY - Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ: 467 ngày 17 tháng 8 năm 2017





Dựng chiếc xe đạp vào cột chòi canh rẫy, H’Lê Na nói với Y Kô như một người chỉ huy:
-                 Y Kô đi chặt dây để chốc nữa cột các lon lại với nhau, còn H’Lê Na đi kiếm củi mang lại chất dưới gốc cây đa kia nhé.
-         Sao lại phải chất củi nơi gốc cây đa?
Y Kô ngạc nhiên hỏi lại, H’Lê Na bật cười giải thích:
-                 Lũ chim k’tia trước khi sà xuống trộm bắp bao giờ cũng phải bay lượn vài vòng trên rẫy rồi đậu lên cây cao quan sát, không thấy người mới dám xuống ăn. Gần rẫy chỉ có cây đa và cây sung là cao nhất, cây sung gần chòi canh không dám đến nên cây đa chắc chắn là nơi chúng đậu đấy. Trời sáng rồi ta phải tranh thủ thời gian chuẩn bị đón lũ K’tia cho chu đáo.
-                 Ừ, cũng được.
Y Kô trả lời bạn rồi vác xà gạc đi chặt củi, bụng thầm nghĩ: hắn con gái cùng tuổi với mình ở lớp chỉ huy, giờ lên rẫy cũng ra vẻ lãnh đạo; đi đuổi chim mà cứ như đang phân công nhiệm vụ trong lớp học ấy, rõ ghét. Nhà Y Kô trước đây cũng có rẫy trồng bắp, nhưng mấy năm trước chuyển qua trồng lúa vì có công trình thủy lợi cung cấp nước. Trồng lúa năng suất cao, lại chỉ phải đuổi chim ri một vụ thôi không như trồng bắp phải canh khỉ, khỉ đi rồi lại lo chim phá.
 Chim k’tia sinh sống trong rừng sâu nhưng có mũi thính lắm, khi có rẫy bắp nào ăn được chúng kéo cả đàn ra ăn trộm. Đàn chim k’tia ít năm bảy chục con, có đàn đông đến vạn con; khi bay tạo thành đám mây lớn che kín cả mặt trời. Chúng đi đến đâu ồn ào như cái chợ đến đó, cách một đoạn đường xa đã nghe thấy tiếng của chúng rồi.
Chim k’tia, người dưới xuôi còn gọi chim két, chim vẹt; thân chỉ to bằng cái cùi bắp, khoác bộ lông màu xanh biếc, riêng phía đỉnh đầu mầu xanh đậm hơn một chút nhìn xa như kiểu đội mũ. Mắt chim tròn, màu đen, phía trên mỏ có một đám lông màu đen tạo thành đường chỉ nối hai mắt trông như đeo kính gọng đen. Chim k’tia trống ở cổ còn có một vòng lông màu gạch trông như choàng khăn làm duyên. Phía dưới mỏ, một vạch lông màu đen óng ả chạy vòng qua cổ ra phía sau giống một đường viền ngăn cách giữa đám lông màu gạch và màu xanh làm nổ bật vẻ đẹp mạnh mẽ. Mỏ chim k’tia phía trên dài hơn phía dưới một chút và cong lại gần như chữ C, nhọn hoắt. Chim k’tia dùng mỏ của mình đục thủng những cây gỗ lớn trong rừng làm tổ, chỉ việc ấy thôi đã biết mỏ chúng cứng như thế nào rồi. Ngày thường chim k’tia sống trên núi cao, nơi con người ít đến, thức ăn chính là quả và hạt cây. Mùa bắp, lũ k’tia cử một con đi do thám, thấy rẫy nào ăn được sẽ bay về rừng gọi cả đàn ra mở hội. Cách ăn bắp của chim k’tia cũng khác lạ: mỗi con một quả bắp; chúng dùng mỏ vặt râu, dùng chân xé vỏ bọc ngoài quả bắp như người rồi mới thưởng thức từng hạt bắp một. K’tia đã ăn rẫy nào thì khỏi phải thu hoạch luôn.
Để xua đuổi chim k’tia khỏi phá bắp, từ sáng sớm người ta phải lên rẫy cột dây có gắn lon sữa bò, lon bia… xung quang, chờ khi đàn k’tia đến thì… giật dây. Tiếng động do va chạm của các lon kim loại làm chim sợ không dám xuống. Nếu chim k’tia nhiều quá phải đốt lửa xung quanh rẫy, tấp nhiều lá xanh lên trên tạo khói làm chúng cay mắt, biết có người canh phải bỏ đi.
*
**
Xếp xong một đống củi lớn lại thêm năm ôm lá xanh phủ lên trên mới thấy H’Lê Na từ bìa rừng đi xuống, xung quanh cổ quấn đầy dây, tay còn cầm theo một ôm dây nữa, toàn là dây cóc to bằng đầu đũa. Y Kô thấy vậy bật cười hỏi:
-         Định làm bù nhìn dọa K’tia à?
-                 Không phải vậy đâu, dùng dây này xoắn lại cho bong vỏ có thể dùng hết cả mùa rẫy không hư đâu, dây cóc đấy.
-                 Tốt vậy ư?
-                 Ừ, ami(*) nói người xưa còn dùng loại dây này cột gỗ cho voi kéo đấy, nhưng trước khi dùng phải vặn cho chúng bung hết vỏ mới tốt.
-                 A, thế ra hôm nay chuẩn bị dây cột gỗ cho voi kéo à?
-                 Đúng là… con trai không biết gì. Phải có nhiều dây nối lại với nhau mới đủ một vòng quanh rẫy đến được chòi chứ. Mình xoắn dây, Y Kô nối các dây lại rồi kéo về chòi. Đầu bên này cột vào ngọn le cao gần gốc cây đa, lấy vỏ lon cột vào dây nữa, mỗi sải tay cột một lon, vậy là xong. Ngồi trên chòi thấy k’tia đến giật dây một cái thả ra, cây le tự động ngã xuống rồi đứng lên làm các lon chạm vào nhau, lũ két trông thấy mất vía không dám đến nữa đâu.
Nói là làm, H’Lê Na bung dây ra ngồi vặn, mỗi khúc dây dài độ ba chục sải tay được cột vào nhau tạo thành sợi dây dài từ gốc đa đến tận chòi canh rẫy. Xong việc, hai đứa leo lên sàn, H’Lê Na bảo Y Kô:
-         Kéo thử đi.
Y Kô giật dây, cây le nằm xuống rồi đứng bật thẳng lên làm các lon va vào nhau tạo ra tiếng kêu leng keng… vui vui.
-         Thế này thì có cho kẹo lũ két cũng không dám xuống nữa.
-         Chắc chưa?
Y Kô tỏ vẻ không tin hỏi lại, H’Lê Na đáp chắc nịch:
-         Chắc!
-         Két!
Như để trả lời H’Lê Na, bỗng một tiếng kêu từ trên không vọng xuống rồi một con chim k’tia bay đến lượn vòng trên rẫy bắp. Y Kô định giật dây, H’Lê Na giơ tay giữ lại, nói nhỏ:
-                 Đây là con trinh sát, nếu giật dây nó bay đi nhưng chốc nữa sẽ quay lại, mất công lắm; chờ cả bầy đến đuổi một lần cho chúng sợ.
-                 Chắc không?
-                 Chờ chút sẽ biết ngay à!
Con chim k’tia sau vài vòng bay quanh rẫy quan sát rồi đậu xuống ngọn cây đa, miệng thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng: két, két, két… Hình như nó quan sát không thấy có mối nguy hiểm nào nên vỗ cánh bay đi. Một lúc sau đám mây k’tia khổng lồ từ trên núi tràn xuống. Chúng vừa bay vừa kêu: két, két, két… ầm ĩ cứ như gọi nhau đi dự tiệc. Bầy k’tia đông lắm, chúng bay vòng thứ nhất, vòng thứ hai, vòng thứ ba… thấp dần xuống gần rẫy bắp, H’Lê Na kêu lên vui vẻ: 
-         Giật đi.
Như cái máy nhận lệnh, Y Kô kéo mạnh, dây căng ra rồi thả chùng xuống tạo nên những âm thanh như bản nhạc. Bầy k’tia bị bất ngờ, hoảng sợ kêu thét lên: két, két, két… rồi vội vã kéo nhau bay về phía núi cao. Y Kô ngạc nhiên hỏi:
-         Sao lũ chim k’tia sợ tiếng lon va vào nhau thế nhỉ?
-                 Không phải chỉ sợ tiếng lon kêu đâu, khi nãy ta để dây chùng xuống, các lon nằm sát mặt đất, núp dưới lá bắp chúng không thấy; khi kéo dây căng lên không những các lon va vào nhau mà còn xuất hiện trên các ngọn cây bắp, lũ chim nhìn thấy nên sợ quá phải bỏ trốn ngay.
-                 Có lý!
-                 Điều ấy là đương nhiên rồi, gần trưa chúng còn quay lại nữa đấy. Ta phải đợi để dọa cho chúng vài lần như thế chúng mới không còn dám bén mảng đến rẫy nữa.
Y Kô ngạc nhiên trước lý lẽ đơn giản nhưng thực tế của H’Lê Na mà mình không biết. Lạ thật tưởng hắn chỉ biết làm việc, chứ không ngờ cũng thông minh đấy, đi canh rẫy với hắn an tâm hơn đi một mình - Y Kô thầm nghĩ, buột miệng hỏi:
-         Sao biết được nhiều chuyện thế?
-         Ami dạy đấy, không phải tự nghĩ ra đâu.
-         Ơ, hay nhỉ, sao được dạy nhiều thứ thế?
-         À có gì đâu, trụ cột gia đình phải vậy thôi – H’Lê Na nở nụ cười tinh nghịch rồi nói thêm:
-         Ở đây canh chừng, nếu thấy có con k’tia nào đến phải giật dây ngay nhé.
-         Sao có một con cũng đuổi thế?
Y Kô ngạc nhiên hỏi lại. H’Lê Na giải thích:
-                 Cảnh giác với chim trinh sát của các bầy K’tia khác cũng muốn đến ăn trộm, xua cho chúng sợ không dám kéo bầy xuống, rõ chưa.
-         H’Lê Na định đâu nữa?
-         Đi bắt cá trưa ăn.
Nói dứt lời, H’Lê Na khoác gùi lên vai, theo cầu thang xuống đất, cầm xà gạc bước đi. Người đâu lạ, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ - Y Kô thầm nghĩ rồi ngước nhìn rẫy bắp lá xanh đen; các cây đều đội trên đầu những chùm hoa đang chuyển dần qua màu trắng bạc, báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến, lòng thấy vui vui.
*
**
Ngồi một mình mãi chẳng thấy con K’tia nào đến cả, Y Kô tò mò muốn biết  H’Lê Na làm gì dưới suối nên bỏ chòi canh, bụng thầm nghĩ: chắc lũ K’tia sợ mất vía rồi không dám đến nữa.
Dưới suối, H’Lê Na dùng sợi dây đay nhỏ cột vào một cành le to như ngón tay, dài một sải thả xuống nước, thỉnh thoảng lại giật lên những con cá suối to bằng hai ngón tay màu trắng bạc bỏ vào một ống nứa để bên cạnh. Hắn chu đáo thật, chắc đã chuẩn bị từ đêm qua mà mình không biết – Y Kô nghĩ vậy rồi nhẹ nhàng lần xuống suối đến bên kêu lên:
-         Hù!
-         Ôi, sợ quá.
-         Bắt mối ở đâu vậy?
-                 À… lúc sáng đi bứt dây, thấy tổ mối bên suối vốc nước đổ vào cho ướt, bầy mối kéo ra lấy đất ướt xây nhà, mình chỉ cần gạt đất đó ra là tha hồ bắt. Ơ, sao không ở trên chòi canh mà lại xuống đây.
H’Lê Na thoáng đỏ mặt vì buổi sáng thấy đống mối gần suối liền… tè lên. Lũ mối chắc thấy có nước nên rủ nhau ra lấy đất; nhưng ai lại nói như vậy, xấu hổ quá. Y Kô hình như không để ý vẫn nói thía lia:
-         Lũ k’tia chắc sợ đến chết khiếp rồi không dám đến nữa đâu, ngồi trên ấy buồn quá!
-                 Không được đâu, chúng đến ăn hết bắp bây giờ. Nếu muốn xuống đây thì lên châm lửa đốt đống củi khi sáng chặt về ấy.
-         Có K’tia đâu mà đốt?
-         Làm đi không chúng đến bây giờ đấy.
Y Kô trong bụng không vui, nhưng thấy nói cũng có lý nên leo lên bờ đi lại bên gốc cây đa định cúi xuống châm lửa đốt. Két! Tiếng chim bất ngờ vang lên ngay trên đầu làm Y Kô thoáng giật mình, thế ra con trinh sát đã đến từ lúc nào mà mình không biết, tý nữa thì…
Châm lửa bén vào củi, rải đều lá xanh lên trên và xung quanh để lửa cháy âm ỉ  tạo khói bay lên cảnh báo lũ két đang có người trông; Y Kô lần xuống suối xem câu cá. Thấy Y Kô xuống, H’Lê Na bảo:
-         K’tia đến hỏi thăm rồi phải không, thôi làm thịt cá đi.
Y Kô đổ ống nứa đựng cá lên đám cát, định lấy xà gạc đánh vẩy, mổ bụng. H’Lê Na kêu lên:
-         Định làm gì vậy?
-         Làm thịt cá chứ còn làm gì nữa!
-         Đây nè, lấy cật nứa này mổ bụng chứ cá bé thế mà dùng dao to làm sao được.
Nói xong, H’Lê Na lấy con dao làm bằng nứa to hơn ngón tay đã vót sẵn đưa ra. Y Kô thoáng cau mày, lại thua hắn rồi. Hắn sát cá quá, mới câu một lúc mà được bao nhiêu là cá.
-         Nhiều thế này ăn sao hết?
-         Con nhớn xiên cây lại nướng, còn con nhỏ nấu canh lá giang.
-         Nhưng làm gì có nồi mà nấu canh?
-         Đây thôi.
H’Lê Na chỉ vào mấy đoạn nứa bánh tẻ to hơn cổ chân, được chặt vát một đầu, đầu kia có mắt, đựng được nước. A, hắn lại thắng mình rồi; Y Kô hậm hực nghĩ bụng. Thịt cá xong, mang xuống suối rửa từng con một bỏ vào ống nứa chuẩn bị nấu canh. H’Lê Na kéo rê lưỡi câu có con cá nhỏ như ngón tay mắc vào lưới câu không thèm gỡ đến cạnh chỗ Y Kô ngồi rữa cá. Y Kô kêu lên:
-         Làm gì thế?
-         Xuỵt!
-         Xịch xịch cái gì, cá cắn câu lười không gỡ còn định làm gì nữa đây?
-         Xuỵt!
-         Đùa gì lạ thế?
Y Kô đang định nổi cáu thì… Một cái quẫy nước rất mạnh, con cá đang mắc câu chưa kịp gỡ biến mất, H’Lê Na kêu to:
-         Mang gùi lại đây, nhanh lên!
Y Kô vội vàng lấy chiếc gùi mang đến. H’Lê Na lội xuống suối, tay vẫn cầm chiếc cần câu bị uốn cong gần như chữ C, sợi chỉ căng như dây đàn. Thầy Y Kô vừa chạy lại liền kêu lên:
-         Đưa gùi đây.
Giật chiếc gùi trên tay Y Kô, H’Lê Na dùng tay trái giữ cần, tay phải cầm miệng gùi, từ từ nhấn nghiêng xuống nước, kéo nhẹ lại gần phía đầu cần câu; bật ngờ buông cần câu, hai tay nâng miệng gùi giơ lên khỏi mặt nước reo to:
-         Tóm được rồi!
-         Tóm được cái gì đấy?
-         Xem này…
H’Lê Na nghiêng miệng gùi cho Y Kô xem. Trong gùi một con ba ba to hơn hai bàn tay xòe nằm dưới đáy gùi, thò chiếc đầu có mỏm nhọn đang quay quay tìm lối thoát. Y Kô tròn mắt thán phục hỏi lại:
-         Làm sao biết có con ba ba ở đây mà câu vậy?
-                 Khi nãy đang câu thỉnh thoảng thấy có sóng ngầm dưới đáy nước, cá con chạy như bị ma đuổi nên biết có ba ba ẩn dưới đám lá mục đáy suối rồi. Khi rửa cá, mùi máu tanh làm cu cậu phải bò lên khỏi lớp lá kiếm ăn, lần theo vết máu hòa trong nước và tóm được con cá đang mắc câu đợi sẵn…
-                 Sao không giật câu kéo lên mà phải lấy gùi xúc?
-                 Dây câu nhỏ thế kéo lên thì đứt là cái chắc, chỉ giữ cho dây câu căng vừa phải con mồi không chạy thoát mà dây không đứt, lựa lúc nó mệt ngoi lên là… xúc được ngay.
-                 Giỏi nhỉ,  
-         Con ba ba này chiều nay mang về làm thịt tha hồ ăn.
H’Lê Na nói vẽ hãnh diện. Ngoài rẫy, một cơn gió ào đến làm bật lên những tiếng kêu leng keng của các lon va vào nhau như có người giật dây. Ông mặt trời lên đứng trên đỉnh đầu nhìn xuống, rẫy bắp vẫn rì rào như gửi lời tâm sự khi có gió thổi qua.

Mùa thu 2016

Chú thích:
·        Ami – má; tiếng Ê đê;