Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

NHỮNG CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG bút ký của VÂN TRANG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017



NHỮNG CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG



Tháng sáu, Đắk Lắk đã vào mùa mưa. Năm nay mưa sớm và nhiều hơn mọi năm. Những cánh rừng cà phê, hồ tiêu đủ nước xanh tươi mơn mởn; có lẽ vì thế mà gương mặt người dân thành phố Buôn Ma Thuột thoáng qua cửa xe cũng rạng rỡ hơn lên. Ô tô, xe máy tấp nập lưu thông trên đường như những con suối vừa qua cơn mưa lớn. Ngã ba, ngã tư, ngã năm… xe nối đuôi nhau như một đàn kiến khổng lồ nhích từng tý một. Xe chúng tôi cuối cùng cũng đến được Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk. Đón chúng tôi ở tiền sảnh, lãnh đạo Phòng vui vẻ mời và hướng dẫn đoàn lên tầng hai làm việc.
Trung tá Nguyễn Quang Vịnh – Trưởng phòng, tuổi ngoài bốn mươi cùng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt các bộ phận trực thuộc Phòng niềm nở chào đón Đoàn đến thăm và làm việc. Thái độ thân mật của cán bộ Phòng làm anh chị em văn nghệ sỹ thấy gần gũi hơn với hình ảnh thường ngày của lực lượng cảnh sát mặc áo vàng luôn nghiêm túc làm việc trên các nẻo đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Thiếu tá Trịnh Đình Thảo – Đội Trưởng đội Tham mưu, người cao nhưng hơi ốm, tuổi độ dưới bốn mươi, báo cáo tóm tắt nhiệm vụ của Phòng và thành tích đạt được trong 5 năm gần đây. Văn nghệ sỹ bật lên tiếng “ồ” đầy ngạc nhiên khi biết chức năng, nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát Giao thông. Trước đây, nhiều người còn chưa hiểu hết về công việc của những người cảnh sát giao thông, đến khi được giải thích mới chợt ồ lên đầy ngạc nhiên: Các anh không những thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo đúng pháp luật của Nhà nước quy định và quy định của Bộ Công an mà còn phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT và hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông. Báo cáo nêu bật những con số làm nhiều người giật mình: Tính đến tháng 5 năm 2017 phương tiện giao thông đường bộ được cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh: một triệu hai trăm ngàn xe các loại. Dân số tỉnh Đắk Lắk tính đến hết năm 2016 có trên 1.834.800 người so với số lượng phương tiện giao thông được cấp phép đã xấp xỉ gần một phương tiện trên đầu người  - một con số khá ấn tượng. Dân số đông, phương tiện giao thông nhiều, ý thức chấp hành luật chưa cao nên các vụ vi phạm luật có diễn biến bất thường. Phòng Cảnh sát Giao thông đã phát hiện 186 vụ, ngăn chặn bắt giữ 95 đối tượng, 93 xe ô tô, 131 mô tô, 172m3  gỗ các loại, 3.743 kg thịt, nội tạng động vật có mùi hôi thối, 77.972 gói thuốc lá, 17.000 kg đường, 30.000 lít xăng, đã bắt 01 đối tượng giết người, 01 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt, 06 đối tượng cướp, 06 đối tượng liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy… Để có được những thành tích nổi bật nêu trên, cán bộ chiến sỹ của Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Đắk Lắk đã phải vượt qua biết bao gian nan vất vả, nhiều khi tính mạng của mình cũng bị đe dọa, nhưng vì nhiệm vụ họ đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Một số người có quan niệm thiếu thiện cảm khi thấy các anh công an áo vàng tuần tra xử phạt người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm pháp luật; vì vậy không ít người thấy hoặc biết có công an thì nghiêm túc chấp hành luật, còn vắng bóng các anh thì cố tình quên luật, mà không lường đến hậu quả xấu có thể xảy ra cho bản thân và xã hội.
Nhằm giáo dục người dân hiểu để từ đó có ý thức chấp hành nghiêm túc TTATGT, Thiếu tá Trịnh Đình Thảo cho biết trong thời gian vừa qua Phòng đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn thôn, buôn, trường học… trực tiếp quay video các trường hợp tham gia giao thông, về dựng thành phim rồi mang xuống địa bàn của chính thôn, buôn được quay phim chiếu cho dân xem. Người dân thấy mình hay hàng xóm trên màn hình tham gia giao thông được các chú công an giải thích  những trường hợp nào là đúng luật, trường hợp nào sai luật… từ đó hiểu luật và có ý thức chấp hành luật nghiêm túc khi tham gia giao thông. Cái hay của việc làm này là người dân tự xem lại chính hành vi của mình hay của người thân trong thôn, buôn xuất hiện trên màn hình khi tham gia giao thông, dễ bật lên tiếng cười vui khi mình xử lý đúng và gượng cười khi sai; chắc chắn điều ấy sẽ nhớ lâu hơn khi được những người cảnh sát giải thích tận tình.
Khi trao đổi với chúng tôi về những kỷ niệm đáng nhớ khi xuống tuyên truyền Luật Giao thông cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nghe cán bộ nói: “Thả bò đi tự do trên đường quốc lộ, cản trở giao thông là vi phạm luật”. Một người dân hỏi: “Bò nhà mình có học luật giao thông đâu mà bảo nó phải chấp hành luật?” Khi ấy lại phải giải thích cho dân rõ: “Bò tham gia giao thông không biết luật nhưng chủ của nó biết luật nên phải hướng dẫn cho bò đi đúng luật”. Khi mọi người hiểu ra rồi thì tiếng cười vang lên, đó cũng là dấu hiệu thành công của buổi tuyên truyền. Ngoài ra Phòng còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ đối với các trường học, thôn, buôn… mà giải thưởng là những mũ bảo hiểm đạt chuẩn được nhân dân, học sinh tích cực tham gia.
Anh em trong đơn vị luôn nhắc nhau: phải kiên trì vận động, giải thích để dân hiểu và chấp hành nghiêm luật theo quy định; trường hợp vì người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa… chưa hiểu hết luật mà vi phạm lần đầu anh em đều nhắc nhở, rút kinh nghiệm; nhưng cương quyết xử nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên để mang tính răn đe, không tái phạm.
Qua trao đổi của Thiếu tá Trịnh Đình Thảo, chúng tôi thấy được cán bộ chiến sỹ trong Đội Tuyên truyền đã phát huy được bản lĩnh người công an nhân dân, biết áp dụng khoa học và công cụ hỗ trợ vào công tác tuyên truyền vận động quần chúng; đây là cách làm hay, có nhiều sáng tạo lại gần gũi với dân, giúp người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số dễ nghe, dễ hiểu và những dẫn chứng sinh động đã có tác động thiết thực đi vào lòng người, góp phần đáng kể giảm thiểu các vụ vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh nhà
Thiếu tá Phương – Đội trưởng đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông cho biết: đối với các trường hợp uống rượu, bia say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi bị dừng lại thường tìm cách gây sự. Thậm chí có người còn nạt lại cảnh sát: “Tao say, tao té thì hư xe tao chứ có hư xe cán bộ đâu?” “Tai nạn có chết thì chết tao chứ có chết cán bộ đâu, để tao đi!”. Trong những trường hợp ấy phải kiên trì giải thích để người vi phạm… hết say, tỉnh lại mới làm việc được. Khi đã say họ không chỉ gây tai nạn cho bản thân mà còn có thể là tai họa cho những người xung quanh, thậm chí sẵn sàng chống lại cả những người đang thi hành công vụ, bất chấp hậu quả. Trong những trường hợp này chỉ có biện pháp duy nhất là kiên trì giải thích theo như cha ông chúng ta từng dạy: “mưa dầm thấm sâu” thôi, cực lắm!
Quả thật nói chuyện được với người say đã khó, các anh lại phải giảng giải để người say hiểu đúng – sai thì khó vô cùng; nếu không có trái tim nhân hậu vì nhân dân phục vụ, chắc cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông không thể làm được. Qua trao đổi với những người cảnh sát, chúng tôi mới thấy được khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm hàng ngày khi phải đối diện, va chạm với những đối tượng bất hảo. Các anh tuần tra, mật phục, xử lý các vi phạm chỉ mong muốn một điều: nhắc nhở người dân có ý thức tốt khi tham gia giao thông, không chấp hành luật giao thông sẽ gây ra tai nạn thì không những chính người dân phải gánh chịu hậu quả mà cả xã hội phải gánh chịu. Nhiều người khi bị tai nạn rồi mới ân hận không nghe lời cảnh báo của các anh công an, khi hiểu ra đã muộn...
Thiếu tá Lý Văn Kết nhớ lại: Khoảng đầu tháng 3 năm 2016, trong một lần đi đo tốc độ trên địa bàn huyện Krông Pắc tôi phát hiện hai đối tượng đi xe gắn máy có thái độ không bình thường. Qua con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm bản thân, tôi nghi đây là đối tượng “có vấn đề” liền bí mật bám theo. Khi vào thị trấn Krông Pắc, hai đối tượng vượt lên, ép sát một phụ nữ chạy xe máy đi cùng chiều, giật chiếc giỏ xách treo trên tay lái làm chị ấy ngã văng ra khỏi xe; hai tên cướp tăng ga bỏ chạy. Tôi đuổi theo khoảng 500 mét, ép được xe chúng vào lề đường. Chúng bỏ xe lao đến đống gạch bên đường ném xối xả vào tôi. Tôi cố tránh để không bị ném trúng đầu, trúng mặt, vừa hô: “Cướp, cướp, cướp…”, người qua đường và mấy nhà dân xung quanh nghe tôi hô chạy ra, thấy bọn cướp hung dữ ném nhiều viên gạch trúng vào người tôi; một người dân dùng cây gậy tấn công chúng, nhờ vậy tôi chớp thời cơ lao vào quật ngã một tên, tên còn lại cũng bị người dân giúp tóm gọn. Sau vụ việc này, Giám đốc Công an tỉnh đã tặng Giấy khen cho người dân giúp bắt tên cướp đó. Khi ấy, không có nhân dân giúp đỡ, tôi khó khống chế được hai tên cướp có vũ khí trên tay!
Vào 22 giờ 20 phút ngày mùng 9 tháng 9 năm 2014, Phòng PC67 nhận được tin báo từ chị Đỗ Thị Ngọc Trinh sinh năm 1981, là nhân viên lái xe của hãng taxi Mai Linh về việc đồng nghiệp của chị vừa bị cướp ô tô bốn chỗ, biển kiểm soát: 47A-02463 cùng toàn bộ điện thoại, ví tiền, giấy tờ tại thôn 4 xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Lãnh đạo Phòng PC47 lập tức chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát tại tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, triển khai các phương án chốt chặn, đón lõng, vì có khả năng đối tượng sẽ di chuyển tang vật (phương tiện) ra khỏi địa bàn tỉnh. Phòng triển khai mười tổ công tác với chín tổ tập trung trên các tuyến Quốc lộ ra vào địa bàn tỉnh.
Lại một đêm cán bộ chiến sỹ thức trắng, nhiều phương án được vạch ra và cả những tình huống giả định xấu nhất được đề xuất trong việc truy lùng, kiên quyết bắt cho được tội phạm. Đến 23 giờ 40 phút cùng ngày tại km729+700 Quốc lộ 14, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội tuần tra kiểm soát số 1 phát hiện một chiếc xe ô tô có đặc điểm như xe bị cướp đang lưu thông với tốc độ cao theo hướng từ Buôn Ma Thuột đi Đắk Nông. Đội trưởng ra lệnh cho anh em triển khai phương án 1, một chiến sỹ ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra như bình thường, xe ô tô chuyên dụng nổ máy chuẩn bị sẵn sàng truy đuổi nếu xe nghi vấn không dừng. Không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát, nghi phạm tăng tốc vượt trạm. Xe của đội lập tức đuổi theo ra tín hiệu dừng phương tiện. Xe nghi phạm không chấp hành, cố ép không cho xe cảnh sát vượt lên, nhiều đoạn đường cua gấp, đối tượng cố tình ép xe cảnh sát gây tai nạn. Sau một chặng đường dài đấu trí, đấu tay nghề cầm lái, xe của tổ cũng ép được xe tình nghi vào bên phải đường bắt được đối tượng. Qua lời khai ban đầu, đối tượng trên khai nhận đã cướp xe ô tô taxi tại thôn 4, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma thuột.
Truy đuổi đối tượng hung hãn di chuyển bằng ô tô trên Quốc lộ là một công việc hết sức nguy hiểm, tính mạng bị đe dọa tính từng giây, nhưng với bản lĩnh của người công an vì nhân dân phục vụ, các anh đã vượt qua tất cả, cương quyết trấn áp tội phạm mang lại lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Nghe các anh trao đổi, nhiều văn nghệ sỹ trong đoàn xuýt xoa vì ngạc nhiên với nhiệm vụ, công việc của người Cảnh sát giao thông, các anh không phải chỉ có một việc duy nhất là xử phạt những người vi phạm luật mà còn tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân hiểu để chấp hành nghiêm túc TTATGT; phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra các anh còn phải điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông và một nhiệm vụ hết sức quan trọng khác: phát hiện ngăn chặn kịp thời những hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông, mang lại sự bình yên cho cuộc sống.
Qua câu chuyện của các anh làm tôi nhớ lại kỷ niệm với Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông vừa mới nghỉ hưu. Tôi cùng anh dự Lớp  bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng ở Trường quân sự Quân khu V tháng 3 năm 2014, thời gian một tháng. Sáng nào khi ngủ dậy anh cũng chăm chú nghe thời sự và đặc biệt là bản tin giao thông của VTV1 lúc 6 giờ. Hôm nào tỉnh Đắk Lắk không bị nêu tên, anh vui lắm; nhưng khi bị nhắc tên, mặt anh đượm buồn, anh bấm máy gọi về cơ quan trao đổi, chỉ đạo… có hôm cả buổi thấy anh trầm ngâm, tư lự. Thế mới biết nghề nào cũng có khó khăn, vất vả nhất là những người tâm huyết với nghề, đặc biệt cái nghề liên quan đến TTATGT chính là tính mạng con người và sự bình yên của xã hội.
Cuối buổi gặp mặt, Trung tá Nguyễn Quang Vịnh cho biết thêm: cán bộ, chiến sỹ của Phòng Cảnh sát Giao thông bất kể ngày đêm, luôn duy trì tuần tra 24/24 trên các điểm nóng. Đêm đêm khi mọi người đã ngon giấc, nhưng vì nhiệm vụ cảnh sát vẫn phải đi làm cho dù có mưa to gió lớn đến đâu. Ngày lễ, ngày tết… mọi người nghỉ, đưa vợ con, người thân đi du ngoạn; còn lực lượng cảnh sát, đặc biệt là Cảnh sát Giao thông vất vả hơn ngày thường để đảm bảo giao thông được thông suốt. Khi có sự cố xảy ra phải có mặt kịp thời để giải quyết… Công việc là vậy, nhưng có một số ít người chưa hiểu và thông cảm với chúng tôi, thường lấy một hiện tượng để nhìn nhận và phủ nhận tất cả, hiện tượng “một con sâu làm rầu nồi canh” lan truyền trên trang mạng xã hội nhanh với tốc độ chóng mặt; còn chiến công của anh em, gian khổ, nguy hiểm của cán bộ chiến sỹ thì ít được nhắc đến.
Chia tay các anh, những người Cảnh sát mặc áo vàng, trong lòng bỗng thấy dâng lên một nỗi niềm khó tả. Nếu không đi, không được tiếp xúc trực tiếp công việc thường ngày với cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Đắk Lắk chúng tôi sẽ không thể hiểu công việc thường ngày các anh đang làm, phức tạp, gian khổ và nguy hiểm biết chừng nào. Nhưng vượt lên trên tất cả, các anh đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, thể hiện được bản lĩnh, nhân văn và vì nhân dân phục vụ. 

Tháng 6 năm 2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI