Đang mơ màng chuẩn bị chìm vào giấc ngũ, bỗng một quả dẻ
rơi trúng ngay vào mặt làm H’Chi giật mình ngồi bật dậy ngước nhìn lên ngọn cây
thấy một con chồn, ánh mắt nó long lanh như có ngọn lửa cháy trong đó. Con chồn
dài gần sãi tay, đứng trên cành chỉ cách đầu H’Chi hơn sãi tay, mồm còn ngậm
một chùm dẻ hơn chục quả, chắc nó cũng bị bất ngờ khi nhìn thấy con người nằm
phía dưới ngồi dậy nên giật mình làm rơi luôn chùm quả đang ngậm trong miệng
xuống đất rồi vươn mình lao vút đi.
Trong rừng già, dẻ thường mọc thành một vùng nhất định,
tạo thành rừng trông rất đẹp mắt. Vào mùa dẻ chín, lũ khỉ kéo nhau về mở tiệc
huyên náo cả khu rừng. Chúng ăn no, nô đùa, nhảy múa trên cây; dưới đất lũ heo
không leo được cây thì nhặt quả chín rụng xuống hoặc các quả lũ khỉ làm rơi, ăm
tạm. Dẻ rừng sai quả lắm, có loại ngoài vỏ có cả chùm gai nhìn như quả chôm
chôm, to bằng ngón tay cái; nhưng cũng có cây quả to như ngón chân cái, vỏ quả
không có gai, tách nhẹ lớp vỏ xanh bên ngoài để lộ hạt màu nâu sậm, bỏ vào bếp
nướng, khi nghe một tiếng nổ nhỏ như bắp rang, hạt nứt làm đôi, mang ra bóc bỏ
vỏ cứng thấy ngay nhân hạt màu trắng ngà, mùi thơm tỏa ra rất hấp dẫn, bỏ vào
miệng nhai vị ngọt, bùi đọng lại mãi trên đầu lưỡi.
Nhặt chùm dẻ con chồn làm rơi bỏ vào than hồng nướng để
ăn, H’Chi miên man nghĩ về nhà, nhớ a duôn(1) sống hơn trăm mùa rẫy, lưng còng
như con tôm, đi đâu phải chống gậy nhưng mắt còn tinh tường lắm. Nhiều đêm ngồi
bên bếp lửa a duôn kể khan(2) nói về chuyện ngày xưa những vị Yang(3) giúp
người nghèo khó, trừng trị kẻ tham lam độc ác. Có lần H’Chi hỏi a duôn dòng họ
nhà mình ai là người biết hái thuốc chữa bệnh đầu tiên. Mắt a duôn bỗng rực
sáng hơn lên, như có ngọn lửa cháy trong ấy.
*
**
Lâu lắm rồi, a duôn của a duôn kể lại cho nghe chuyện tổ
tiên về nghề hái thuốc của dòng họ nhà mình. Năm ấy có người phụ nữ nghèo, sau
lưng mang gùi, trước ngực địu đứa con trai mới sinh đặt tên Y Khuyết, đến buôn
xin ở lại. Già làng thương tình cho bọn đàn ông vào rừng đốn cây, đàn bà lên
đồi cắt cỏ gianh về dựng cho một ngôi nhà nhỏ. Nhà của ami(4) Y Khuyết ở cuối
buôn, xa bến nước, cái rẫy cũng xa nhà nhất buôn. Khi Y Khuyết lớn lên người
rắn chắc như gốc cây gỗ hương, tay dài quá đầu gối nhưng vì nghèo nên chưa ai
bắt về làm chồng. Năm được mười tám mùa rẫy, trong một lần Y Khuyết vào rừng hái
măng, thấy một con voi đực to bằng bốn con trâu lớn rơi xuống hố sâu chỉ có đầu
và lưng nhô cao hơn mặt đất độ gang tay, không lên được. Thấy Y Khuyết đến, con
voi chảy nước mắt, đặt vòi nằm ngang trên mặt đất dài như cánh tay ra hiệu xin
cứu giúp. Thương tình, Y Khuyết đi chặt cây chuối rừng mang lại cho voi ăn rồi
về nhà lấy cuốc đào hố cứu voi. Gần tròn một con trăng, hàng ngày đi chặt cây
chuối rừng cho voi ăn và đào đất mở đường để voi đi lên thoát khỏi hố sâu mà trong
tay chỉ có một cây cuốc và con dao. Cuối cùng con đường thoai thoải dài hai
chục sải tay vừa đủ cho con voi lên được mặt đất đã hoàn thành. Khi thoát khỏi
hố sâu, con voi bước lại quỳ xuống trước mặt Y Khuyết, đập vòi xuống mặt đất ba
lần như tạ ơn. Y Khuyết vỗ vỗ vào đầu voi bảo:
- Mày lên được rồi thì vào rừng tìm bầy mà đoàn tụ nhé!
Con voi lại đập vòi xuống đất một lần nữa tỏ ý không
bằng lòng rồi dùng vòi nhấc bổng Y Khuyết đặt lên cổ; dùng vòi nhặt tiếp chiếc
gùi, con dao và chiếc cuốc cuốn vòi lại như người cầm, lần theo lối mòn đi về
buôn. Không cần Y Khuyết chỉ đường, con voi đi thẳng đến bên ngôi nhà sàn nhỏ
bé cuối buôn nơi ami Y khuyết đang ngồi, đặt cuốc, dao và gùi lên bên cạnh. Ami
Y Khuyết ngồi vá yeng(5) nghe tiếng động giật mình nhìn lên thấy con trai ngồi
trên đầu voi, sợ quá không nói được lời nào, ngã té ngữa. Voi quỳ hai chân
trước để Y Khuyết bước xuống đất. Lúc ấy trai gái, già trẻ, lớn bé trong buôn
kéo đến xem đông như lễ cúng lúa mới. Mọi người vừa tò mò, vừa kinh hãi chứng
kiến lần đầu tiên một con voi to như thế lại bị con người nhỏ bé bắt về.
Già làng cho nổi trống, gõ chiêng, cột rượu, cúng Yang
và mừng Y Khuyết người được Yang chọn cho dắt voi về buôn. Sau lễ cúng Yang
ngày thứ ba, già làng tuyên bố với mọi người ở buôn gần, buôn xa:
-
Có
Yang làm chứng, hôm nay cho phép H’Uyên Bya con gái ta bắt Y Khuyết về làm
chồng.
-
Nhà
tôi nghèo lắm, không xứng đâu.
Y Khuyết cúi đầu trả lời, H’Uyên mặc bộ trang phục
truyền thống đẹp nhất, tươi cười bước đến bên cạnh, tháo một chiếc vòng tay của
mình đeo vào tay Y Khuyết, miệng nở nụ cười rất tươi nói nhỏ:
-
Bặng
lòng nhé!
Y Khuyết mặt đỏ bừng không nói câu gì. Mọi người hò reo
ầm ĩ đi bắt trâu bò về làm tiệc cưới, ăn uống no say đủ bảy ngày bảy đêm.
Để tỏ lòng biết ơn người đàn bà sinh được đứa con tài
giỏi, già làng cho người vào rừng chặt cây, dựng nhà mới cho ami Y Khuyết. Thấy
hơn chục con người mới khiêng nổi một cây gỗ, voi dùng vòi của mình tha từng
cây gỗ một về buôn. Y Khuyết thấy thế liền lấy dây lớn cột ba cây gỗ làm một để
voi kéo một lần về buôn. Ban ngày cánh trai tráng chặt cây, đẽo vỏ còn voi đưa
gỗ về; đêm đến voi vào rừng ăn, sáng lại về kéo gỗ. Nhờ voi giúp sức, chỉ một
thời gian ngắn, ngôi nhà bảy gian được dựng lên ngay đầu buôn. Ngày cúng Yang
về nhà mới, voi cũng được uống rượu cần và làm phép bôi máu heo lên đầu, tục lệ
được công nhận là thành viên của buôn. Đã là thành viên của buôn thì phải có
tên, già làng đặt tên cho voi là Y Khoa; có lẽ từ đó các con voi sau này săn bắt
được đều đặt tên như người.
Sau khi bắt Y Khuyết về làm chồng cho con gái, lại thấy
voi giúp được nhiều việc nên già làng cũng muốn có một con voi. Y Khuyết nhớ
lại câu chuyện cứu voi của mình liền nghĩ ra cách làm bẫy bẫy voi nói cho già
làng nghe. Già làng vui lắm liền giao Y Khuyết thực hiện. Sau khi cúng Yang đủ
ba ngày ba đêm, Y Khuyết dẫn trai tráng trong buôn vào sâu trong rừng le, nơi có
bầy voi thường đi kiếm ăn qua, cho đào một hố sâu hơn một sãi tay, dài năm sãi
tay, rộng hai sãi tay rồi lấy le bắc ngang qua miệng hố, trên lát tấm nứa đan
mỏng đổ đất lên trên. Chuẩn bị xong xuôi, Y Khuyết dẫn voi của mình cùng đoàn
người đi mai phục. Sáng hôm sau thấy có bầy voi đang ăn ở khu rừng gần nơi làm
bẫy, Y Khuyết bố trí cánh thanh niên mang chiêng bao vây đàn voi ba mặt, còn
mình thúc voi đi phía sau cùng để đuổi bày voi chạy về phía rừng le nới có bẫy.
Nghe tiếng người hò hét, gõ chiêng ầm ĩ, bầy voi rừng hoảng sợ bỏ chạy, một con
voi cái không may rơi xuống hố không lên được. Y Khuyết cho mọi người kiếm củi đốt bốn đống lửa lớn bốn phía để đàn
voi rừng sợ không dám đến cứu voi bị nạn. Lại bày cho bọn thanh niên đào hai
con hào nhỏ hai bên hông phía chân trước con voi, dùng sợi dây da trâu để khô
cột vào chân trước. Sau ba ngày bỏ đói, đến ngày thứ tư, già làn mang thân cây
chuối rừng đến bên con voi đưa cho nó ăn. Chắc đói quá nên nó phải ăn, khi voi
chấp nhận ăn là đã thành công bước đầu. Sau năm ngày, mọi người đào rãnh phía
trước để đưa voi lên mặt đất. Voi thoát khỏi hố nhưng chân trước đã bị cột dây,
lại bị voi nhà dùng vòi dẫn về gần buôn buộc vào gốc cây rừng. Sau một con
trăng được con người cho ăn chuối, ăn cơm có thêm chút muối trộn vào, thế là
voi rừng chịu nghe lời người điều khiển, ở lại với con người. Nghề bắt và thuần
dưỡng voi hình như bắt đầu như thế.
*
**
Trong những ngày nhàn rỗi, khi công việc thu hoạch mùa
vụ đã xong, Y Khuyết thường cỡi voi Y Khoa vào rừng săn bắn. Một lần vào rừng
sâu không may Y Khuyết bị đau bụng phải xuống đất đi cầu nhiều lần; voi Y Khoa
thấy vậy bỏ đi, một lúc sau quay lại, trên vòi mang theo một chùm lá thả xuống
trước mặt Y Khuyết ra hiệu bão ăn. Y Khuyết ăn một ít lá cây, một lúc sau thấy
hết đau bụng, người trở lại bình thường, mừng lắm mang số lá còn lại về kể cho
vợ nghe. Vợ Y Khuyết không những trẻ đẹp, lại thông minh nghe chồng kể chuyện
ăn lá chữa được bệnh liền đi kiếm cây có lá đó về trồng trên rẫy, ai bị đau
bụng lên hái về cho ăn thấy hiệu nghiệm, mừng lắm. Sau này trong những lần đi
săn thấy voi bị thương hay bị rắn cắn, voi hái thứ gì ăn Y Khuyết đều nhớ và
cũng hái lá, cây, hoa quả, củ... mang về cho vợ, cô vợ dùng những thứ đó cứu
người bị bệnh đều thấy hiệu quả. Dần dần người vợ trở thành người nỗi tiếng vì
chữa được nhiều bệnh cứu người, mọi người quý trọng xem như Yang hạ thế; nghề
hái thuốc của dòng họ bắt đầu như vậy.
Tổ tiên mình giỏi thiệt, có biết bao chuyện đã làm được
lưu truyền đến ngày nay để con cháu học tập – H’Chi tự nhủ, không biết mình là
người thứ bao nhiêu được chọn đảm nhiệm trọng trách nối nghiệp của dọng họ hái
thuốc cứu người. Cây thuốc có nhiều loại, mỗi loại mọc ở một khu rừng hay dòng
suối, hang đá nhất định, vì thế khi có người ốm lại phải một mình vào rừng hái
thuốc nên việc ngủ một mình trong rừng đêm cũng là chuyện thường tình như người
ta đi rẫy vậy thôi.
Hôm qua người ở
buôn xa đến xin thuốc chữa bệnh, bệnh nặng rồi phải có loại cây mọc trong rừng
xa mới chữa khỏi; ami bận công việc không đi được, vì thế H’Chi lại phải vào
rừng tìm thuốc và ngủ một mình trong rừng. Con gái mười bốn mùa rẫy rồi đâu còn
nhỏ nữa, H’Chi tự nhủ và mĩm cười với chính mình.
Đêm về khuya, tiếng các loài chim gọi nhau nghe buồn bã
đến nao lòng. Đi rừng đã nhiều rồi nhưng đôi khi nghe vẫn thấy rờn rợn. Thôi, phải ngủ một tí mai lấy sức còn
về. H’Chi ngã mình lên lớp lá rừng trãi trên mặt đất, nghe xào xạc dưới lưng.
Tiếng rì rầm của cây rừng được cô gió tấu khúc nhạc đêm như tiếng ru của ami
đưa H’Chi chìm dần vào giấc ngủ.
Chú
thích:
1. A
duôn: bà ngoại – tiếng Êđê;
2. Khan:
Sử thi Êđê;
3. Yang:
thần thánh - tiếng Êđê;
4. Ami:
má – tiếng Êđê;
5. Yeng:
váy – tiếng Êđê;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI