Dựng
chiếc xe đạp vào cột chòi canh rẫy, H’Lê Na nói với Y Kô như một người chỉ huy:
-
Y Kô đi chặt dây để
chốc nữa cột các lon lại với nhau, còn H’Lê Na đi kiếm củi mang lại chất dưới gốc
cây đa kia nhé.
-
Sao lại phải chất củi
nơi gốc cây đa?
Y Kô ngạc nhiên hỏi lại, H’Lê Na bật cười giải thích:
-
Lũ chim k’tia trước
khi sà xuống trộm bắp bao giờ cũng phải bay lượn vài vòng trên rẫy rồi đậu lên
cây cao quan sát, không thấy người mới dám xuống ăn. Gần rẫy chỉ có cây đa và
cây sung là cao nhất, cây sung gần chòi canh không dám đến nên cây đa chắc chắn
là nơi chúng đậu đấy. Trời sáng rồi ta phải tranh thủ thời gian chuẩn bị đón lũ
K’tia cho chu đáo.
-
Ừ, cũng được.
Y
Kô trả lời bạn rồi vác xà gạc đi chặt củi, bụng thầm nghĩ: hắn con gái cùng tuổi
với mình ở lớp chỉ huy, giờ lên rẫy cũng ra vẻ lãnh đạo; đi đuổi chim mà cứ như
đang phân công nhiệm vụ trong lớp học ấy, rõ ghét. Nhà Y Kô trước đây cũng có rẫy
trồng bắp, nhưng mấy năm trước chuyển qua trồng lúa vì có công trình thủy lợi cung
cấp nước. Trồng lúa năng suất cao, lại chỉ phải đuổi chim ri một vụ thôi không
như trồng bắp phải canh khỉ, khỉ đi rồi lại lo chim phá.
Chim k’tia sinh sống trong rừng sâu nhưng có
mũi thính lắm, khi có rẫy bắp nào ăn được chúng kéo cả đàn ra ăn trộm. Đàn chim
k’tia ít năm bảy chục con, có đàn đông đến vạn con; khi bay tạo thành đám mây lớn
che kín cả mặt trời. Chúng đi đến đâu ồn ào như cái chợ đến đó, cách một đoạn
đường xa đã nghe thấy tiếng của chúng rồi.
Chim
k’tia, người dưới xuôi còn gọi chim két, chim vẹt; thân chỉ to bằng cái cùi bắp,
khoác bộ lông màu xanh biếc, riêng phía đỉnh đầu mầu xanh đậm hơn một chút nhìn
xa như kiểu đội mũ. Mắt chim tròn, màu đen, phía trên mỏ có một đám lông màu
đen tạo thành đường chỉ nối hai mắt trông như đeo kính gọng đen. Chim k’tia trống
ở cổ còn có một vòng lông màu gạch trông như choàng khăn làm duyên. Phía dưới mỏ,
một vạch lông màu đen óng ả chạy vòng qua cổ ra phía sau giống một đường viền
ngăn cách giữa đám lông màu gạch và màu xanh làm nổ bật vẻ đẹp mạnh mẽ. Mỏ chim
k’tia phía trên dài hơn phía dưới một chút và cong lại gần như chữ C, nhọn hoắt.
Chim k’tia dùng mỏ của mình đục thủng những cây gỗ lớn trong rừng làm tổ, chỉ
việc ấy thôi đã biết mỏ chúng cứng như thế nào rồi. Ngày thường chim k’tia sống
trên núi cao, nơi con người ít đến, thức ăn chính là quả và hạt cây. Mùa bắp,
lũ k’tia cử một con đi do thám, thấy rẫy nào ăn được sẽ bay về rừng gọi cả đàn
ra mở hội. Cách ăn bắp của chim k’tia cũng khác lạ: mỗi con một quả bắp; chúng dùng
mỏ vặt râu, dùng chân xé vỏ bọc ngoài quả bắp như người rồi mới thưởng thức từng
hạt bắp một. K’tia đã ăn rẫy nào thì khỏi phải thu hoạch luôn.
Để
xua đuổi chim k’tia khỏi phá bắp, từ sáng sớm người ta phải lên rẫy cột dây có
gắn lon sữa bò, lon bia… xung quang, chờ khi đàn k’tia đến thì… giật dây. Tiếng
động do va chạm của các lon kim loại làm chim sợ không dám xuống. Nếu chim k’tia
nhiều quá phải đốt lửa xung quanh rẫy, tấp nhiều lá xanh lên trên tạo khói làm
chúng cay mắt, biết có người canh phải bỏ đi.
*
**
Xếp
xong một đống củi lớn lại thêm năm ôm lá xanh phủ lên trên mới thấy H’Lê Na từ
bìa rừng đi xuống, xung quanh cổ quấn đầy dây, tay còn cầm theo một ôm dây nữa,
toàn là dây cóc to bằng đầu đũa. Y Kô thấy vậy bật cười hỏi:
-
Định làm bù nhìn dọa
K’tia à?
-
Không phải vậy đâu,
dùng dây này xoắn lại cho bong vỏ có thể dùng hết cả mùa rẫy không hư đâu, dây
cóc đấy.
-
Tốt vậy ư?
-
Ừ, ami(*) nói người
xưa còn dùng loại dây này cột gỗ cho voi kéo đấy, nhưng trước khi dùng phải vặn
cho chúng bung hết vỏ mới tốt.
-
A, thế ra hôm nay
chuẩn bị dây cột gỗ cho voi kéo à?
-
Đúng là… con trai
không biết gì. Phải có nhiều dây nối lại với nhau mới đủ một vòng quanh rẫy đến
được chòi chứ. Mình xoắn dây, Y Kô nối các dây lại rồi kéo về chòi. Đầu bên này
cột vào ngọn le cao gần gốc cây đa, lấy vỏ lon cột vào dây nữa, mỗi sải tay cột
một lon, vậy là xong. Ngồi trên chòi thấy k’tia đến giật dây một cái thả ra,
cây le tự động ngã xuống rồi đứng lên làm các lon chạm vào nhau, lũ két trông
thấy mất vía không dám đến nữa đâu.
Nói
là làm, H’Lê Na bung dây ra ngồi vặn, mỗi khúc dây dài độ ba chục sải tay được
cột vào nhau tạo thành sợi dây dài từ gốc đa đến tận chòi canh rẫy. Xong việc, hai
đứa leo lên sàn, H’Lê Na bảo Y Kô:
-
Kéo thử đi.
Y
Kô giật dây, cây le nằm xuống rồi đứng bật thẳng lên làm các lon va vào nhau tạo
ra tiếng kêu leng keng… vui vui.
-
Thế này thì có cho kẹo
lũ két cũng không dám xuống nữa.
-
Chắc chưa?
Y Kô tỏ vẻ không tin hỏi lại, H’Lê Na đáp chắc nịch:
-
Chắc!
-
Két!
Như
để trả lời H’Lê Na, bỗng một tiếng kêu từ trên không vọng xuống rồi một con
chim k’tia bay đến lượn vòng trên rẫy bắp. Y Kô định giật dây, H’Lê Na giơ tay
giữ lại, nói nhỏ:
-
Đây là con trinh
sát, nếu giật dây nó bay đi nhưng chốc nữa sẽ quay lại, mất công lắm; chờ cả bầy
đến đuổi một lần cho chúng sợ.
-
Chắc không?
-
Chờ chút sẽ biết ngay
à!
Con
chim k’tia sau vài vòng bay quanh rẫy quan sát rồi đậu xuống ngọn cây đa, miệng
thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng: két, két, két… Hình như nó quan sát không thấy có
mối nguy hiểm nào nên vỗ cánh bay đi. Một lúc sau đám mây k’tia khổng lồ từ
trên núi tràn xuống. Chúng vừa bay vừa kêu: két, két, két… ầm ĩ cứ như gọi nhau
đi dự tiệc. Bầy k’tia đông lắm, chúng bay vòng thứ nhất, vòng thứ hai, vòng thứ
ba… thấp dần xuống gần rẫy bắp, H’Lê Na kêu lên vui vẻ:
-
Giật đi.
Như
cái máy nhận lệnh, Y Kô kéo mạnh, dây căng ra rồi thả chùng xuống tạo nên những
âm thanh như bản nhạc. Bầy k’tia bị bất ngờ, hoảng sợ kêu thét lên: két, két,
két… rồi vội vã kéo nhau bay về phía núi cao. Y Kô ngạc nhiên hỏi:
-
Sao lũ chim k’tia sợ
tiếng lon va vào nhau thế nhỉ?
-
Không phải chỉ sợ tiếng
lon kêu đâu, khi nãy ta để dây chùng xuống, các lon nằm sát mặt đất, núp dưới
lá bắp chúng không thấy; khi kéo dây căng lên không những các lon va vào nhau
mà còn xuất hiện trên các ngọn cây bắp, lũ chim nhìn thấy nên sợ quá phải bỏ trốn
ngay.
-
Có lý!
-
Điều ấy là đương
nhiên rồi, gần trưa chúng còn quay lại nữa đấy. Ta phải đợi để dọa cho chúng
vài lần như thế chúng mới không còn dám bén mảng đến rẫy nữa.
Y
Kô ngạc nhiên trước lý lẽ đơn giản nhưng thực tế của H’Lê Na mà mình không biết.
Lạ thật tưởng hắn chỉ biết làm việc, chứ không ngờ cũng thông minh đấy, đi canh
rẫy với hắn an tâm hơn đi một mình - Y Kô thầm nghĩ, buột miệng hỏi:
-
Sao biết được nhiều
chuyện thế?
-
Ami dạy đấy, không
phải tự nghĩ ra đâu.
-
Ơ, hay nhỉ, sao được
dạy nhiều thứ thế?
-
À có gì đâu, trụ cột
gia đình phải vậy thôi – H’Lê Na nở nụ cười tinh nghịch rồi nói thêm:
-
Ở đây canh chừng, nếu
thấy có con k’tia nào đến phải giật dây ngay nhé.
-
Sao có một con cũng
đuổi thế?
Y Kô ngạc nhiên hỏi lại. H’Lê Na giải thích:
-
Cảnh giác với chim
trinh sát của các bầy K’tia khác cũng muốn đến ăn trộm, xua cho chúng sợ không
dám kéo bầy xuống, rõ chưa.
-
H’Lê Na định đâu nữa?
-
Đi bắt cá trưa ăn.
Nói
dứt lời, H’Lê Na khoác gùi lên vai, theo cầu thang xuống đất, cầm xà gạc bước
đi. Người đâu lạ, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ - Y Kô thầm nghĩ rồi ngước
nhìn rẫy bắp lá xanh đen; các cây đều đội trên đầu những chùm hoa đang chuyển dần
qua màu trắng bạc, báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến, lòng thấy vui vui.
*
**
Ngồi
một mình mãi chẳng thấy con K’tia nào đến cả, Y Kô tò mò muốn biết H’Lê Na làm gì dưới suối nên bỏ chòi canh, bụng
thầm nghĩ: chắc lũ K’tia sợ mất vía rồi không dám đến nữa.
Dưới
suối, H’Lê Na dùng sợi dây đay nhỏ cột vào một cành le to như ngón tay, dài một
sải thả xuống nước, thỉnh thoảng lại giật lên những con cá suối to bằng hai
ngón tay màu trắng bạc bỏ vào một ống nứa để bên cạnh. Hắn chu đáo thật, chắc
đã chuẩn bị từ đêm qua mà mình không biết – Y Kô nghĩ vậy rồi nhẹ nhàng lần xuống
suối đến bên kêu lên:
-
Hù!
-
Ôi, sợ quá.
-
Bắt mối ở đâu vậy?
-
À… lúc sáng đi bứt
dây, thấy tổ mối bên suối vốc nước đổ vào cho ướt, bầy mối kéo ra lấy đất ướt
xây nhà, mình chỉ cần gạt đất đó ra là tha hồ bắt. Ơ, sao không ở trên chòi
canh mà lại xuống đây.
H’Lê
Na thoáng đỏ mặt vì buổi sáng thấy đống mối gần suối liền… tè lên. Lũ mối chắc
thấy có nước nên rủ nhau ra lấy đất; nhưng ai lại nói như vậy, xấu hổ quá. Y Kô
hình như không để ý vẫn nói thía lia:
-
Lũ k’tia chắc sợ đến
chết khiếp rồi không dám đến nữa đâu, ngồi trên ấy buồn quá!
-
Không được đâu,
chúng đến ăn hết bắp bây giờ. Nếu muốn xuống đây thì lên châm lửa đốt đống củi
khi sáng chặt về ấy.
-
Có K’tia đâu mà đốt?
-
Làm đi không chúng đến
bây giờ đấy.
Y
Kô trong bụng không vui, nhưng thấy nói cũng có lý nên leo lên bờ đi lại bên gốc
cây đa định cúi xuống châm lửa đốt. Két! Tiếng chim bất ngờ vang lên ngay trên
đầu làm Y Kô thoáng giật mình, thế ra con trinh sát đã đến từ lúc nào mà mình
không biết, tý nữa thì…
Châm
lửa bén vào củi, rải đều lá xanh lên trên và xung quanh để lửa cháy âm ỉ tạo khói bay lên cảnh báo lũ két đang có người
trông; Y Kô lần xuống suối xem câu cá. Thấy Y Kô xuống, H’Lê Na bảo:
-
K’tia đến hỏi thăm rồi
phải không, thôi làm thịt cá đi.
Y
Kô đổ ống nứa đựng cá lên đám cát, định lấy xà gạc đánh vẩy, mổ bụng. H’Lê Na
kêu lên:
-
Định làm gì vậy?
-
Làm thịt cá chứ còn
làm gì nữa!
-
Đây nè, lấy cật nứa
này mổ bụng chứ cá bé thế mà dùng dao to làm sao được.
Nói
xong, H’Lê Na lấy con dao làm bằng nứa to hơn ngón tay đã vót sẵn đưa ra. Y Kô thoáng
cau mày, lại thua hắn rồi. Hắn sát cá quá, mới câu một lúc mà được bao nhiêu là
cá.
-
Nhiều thế này ăn sao
hết?
-
Con nhớn xiên cây lại
nướng, còn con nhỏ nấu canh lá giang.
-
Nhưng làm gì có nồi
mà nấu canh?
-
Đây thôi.
H’Lê
Na chỉ vào mấy đoạn nứa bánh tẻ to hơn cổ chân, được chặt vát một đầu, đầu kia
có mắt, đựng được nước. A, hắn lại thắng mình rồi; Y Kô hậm hực nghĩ bụng. Thịt
cá xong, mang xuống suối rửa từng con một bỏ vào ống nứa chuẩn bị nấu canh. H’Lê
Na kéo rê lưỡi câu có con cá nhỏ như ngón tay mắc vào lưới câu không thèm gỡ đến
cạnh chỗ Y Kô ngồi rữa cá. Y Kô kêu lên:
-
Làm gì thế?
-
Xuỵt!
-
Xịch xịch cái gì, cá
cắn câu lười không gỡ còn định làm gì nữa đây?
-
Xuỵt!
-
Đùa gì lạ thế?
Y Kô đang định nổi cáu thì… Một cái quẫy nước rất mạnh,
con cá đang mắc câu chưa kịp gỡ biến mất, H’Lê Na kêu to:
-
Mang gùi lại đây,
nhanh lên!
Y
Kô vội vàng lấy chiếc gùi mang đến. H’Lê Na lội xuống suối, tay vẫn cầm chiếc cần
câu bị uốn cong gần như chữ C, sợi chỉ căng như dây đàn. Thầy Y Kô vừa chạy lại
liền kêu lên:
-
Đưa gùi đây.
Giật
chiếc gùi trên tay Y Kô, H’Lê Na dùng tay trái giữ cần, tay phải cầm miệng gùi,
từ từ nhấn nghiêng xuống nước, kéo nhẹ lại gần phía đầu cần câu; bật ngờ buông
cần câu, hai tay nâng miệng gùi giơ lên khỏi mặt nước reo to:
-
Tóm được rồi!
-
Tóm được cái gì đấy?
-
Xem này…
H’Lê
Na nghiêng miệng gùi cho Y Kô xem. Trong gùi một con ba ba to hơn hai bàn tay
xòe nằm dưới đáy gùi, thò chiếc đầu có mỏm nhọn đang quay quay tìm lối thoát. Y
Kô tròn mắt thán phục hỏi lại:
-
Làm sao biết có con
ba ba ở đây mà câu vậy?
-
Khi nãy đang câu thỉnh
thoảng thấy có sóng ngầm dưới đáy nước, cá con chạy như bị ma đuổi nên biết có
ba ba ẩn dưới đám lá mục đáy suối rồi. Khi rửa cá, mùi máu tanh làm cu cậu phải
bò lên khỏi lớp lá kiếm ăn, lần theo vết máu hòa trong nước và tóm được con cá
đang mắc câu đợi sẵn…
-
Sao không giật câu
kéo lên mà phải lấy gùi xúc?
-
Dây câu nhỏ thế kéo
lên thì đứt là cái chắc, chỉ giữ cho dây câu căng vừa phải con mồi không chạy
thoát mà dây không đứt, lựa lúc nó mệt ngoi lên là… xúc được ngay.
-
Giỏi nhỉ,
-
Con ba ba này chiều
nay mang về làm thịt tha hồ ăn.
H’Lê
Na nói vẽ hãnh diện. Ngoài rẫy, một cơn gió ào đến làm bật lên những tiếng kêu
leng keng của các lon va vào nhau như có người giật dây. Ông mặt trời lên đứng
trên đỉnh đầu nhìn xuống, rẫy bắp vẫn rì rào như gửi lời tâm sự khi có gió thổi
qua.
Mùa thu 2016
Chú thích:
·
Ami – má; tiếng Ê đê;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI