HỒNG CHIẾN
Tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, hàng năm cứ
đến hẹn lại lên vào các năm lẻ, Tỉnh đoàn Đắk Lắk phố hợp với Hội Văn học Nghệ
thuật và Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh, tổ chức Trại Bồi dưỡng sáng tác thơ
văn Hạ xanh. Năm nay do Tỉnh đoàn rút lui vì không có kinh phí nên chỉ còn hai
đơn vị phối hợp tổ chức là Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lắk và Sở Giáo dục &
Đào tạo tỉnh; cũng chính vì lý do đó mà Trại Hạ Xanh hàng năm thường tổ chức
vào đầu tháng 7, năm nay phải lùi lại đến cuối tháng 7 mới tổ chức được.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng với sự cố gắng của hai cơ quan
cùng phối hợp đã vượt qua mọi thách thức để Trại Bồi dưỡng sáng tác thơ văn Hạ
xanh lần thứ 16 năm nay được tổ chức từ ngày 24/7 đến ngày 30/7/2017. Trại có 19
em tham gia gồm 6 dân tộc anh em là: Êđê, Tày, Nùng, Mường, Thái và Kinh. Các
trại viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố: M’drak, Ea Kar, Ea Suop, Krông
Pak, Lắk, Cư M’gar, Thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Trại viên nhỏ
nhất từ 14 tuổi – vừa học xong lớp 10, lớn tuổi nhất tròn 18 vừa tốt nghiệp
THPT và trúng tuyển vào các trường đại học. Trong số 19 em dự trại năm nay có
13 em là trại viên các trại Hương Rừng
và Hạ xanh các năm trước, nay tiếp
tục được mời tham vì đã có những tác phẩm được in trên Tạp chí Chư Yang Sin và
các ấn phẩm khác của Hội VHNT tỉnh.
Tham gia trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn sáng tác ở
Trại Bồi
dưỡng sáng tác thơ văn Hạ xanh lần thứ 16 - năm 2017 lần này có các cây
bút xuất sắc của Hội VHNT Đắk Lắk và cán bộ nghiên cứu chuyên ngành của Sở Giáo
dục & Đào tạo tỉnh như: về Văn hóa Tây Nguyên có: Nhà văn, Nhạc sỹ Linh Nga
Niê Kdam - nguyên Chủ tịch Hội khoá III; Tiến sỹ Krông Tuyết Nhung - Ủy viên
Ban chấp hành Hội VHNT Đắk Lắk, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên; nhà giáo
Lê Thị Ngọc Thơm – Phó trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc, Sở Giáo
dục & Đào tạo Đắk Lắk; về thơ có: nhà thơ Đặng Bá Tiến – Phó bí thư Đảng
đoàn, Phó chủ tịch Hội, Phó tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin, hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Bích Xoan – hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; về văn
có nhà văn Lê Khôi Nguyên – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội, Quyền Tổng biên tập
Tạp chí Chư Yang Sin; Nhà văn Hồng Chiến – Phó chủ tịch Hội, Phó Tổng biên tập
Tạp chí Chư Yang Sin; Nhà văn Niê Thanh Mai – Phó chủ tịch Hội, Ủy viên Ban
chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - phụ trách 5
tỉnh Tây Nguyên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bằng nhiệt tình và tâm huyết
của mình, các giảng viên đã cố gắng truyền thụ những kinh nghiệm được chắt lọc
và trải nghiệm qua chính cuộc sống và sáng tác của mình để giúp các em tự rút
ra bài học và làm hành trang cho sáng tác các tác phẩm thơ – văn.
Các
trại viên dự Trại lần này không chỉ được nghe trao đổi lý thuyết mà còn được đi
thực tế ra ở một số địa điểm như: khu du lịch sinh thái buon Ko Tam, Nhà bảo
tàng Đăk Lăk…, qua đó giúp các em có thêm cảm hứng sáng tác. Trong thời gian 07
ngày ngắn ngủi tại trại, 19 trại viên đã sáng tác được 64 tác phẩm, trong đó có
33 tác phẩm thơ, 31 tác phẩm văn xuôi – một con số hết sức ấn tượng về số lượng
tác phẩm.
Đánh
giá về chất lượng các sáng tác của các em tại trại nhà thơ Đặng Bá Tiến nhận
xét: Bước đầu các em đã nắm được những đặc trưng cơ bản của Thơ, những điểm
khác nhau của Thơ với Văn xuôi và bước đầu biết áp dụng vào trong sáng tác Thơ.
Tuy nhiên, nhìn chung cảm xúc, ý tưởng và kỹ thuật làm một bài thơ ở các em vẫn
còn khá mỏng manh; vì vậy chưa thấy một sáng tác nào của các em tạm được gọi là
“tròn trịa”; hình như là các em tham dự Trại Hạ Xanh lần này có năng khiếu Văn
xuôi hơn là Thơ? Thơ là tiếng nói của cảm xúc, tiếng nói của trái tim, nhưng đa
số các em lại làm thơ từ mong muốn thể hiện một ý tưởng, một cảm nghĩ nào đó,
nên bài thơ thường nhạt nhòa, thiếu sự quyến luyến, bịn rịn của tình cảm. Khi
viết về cha, mẹ, ông, bà, những người thân yêu của mình, các em chỉ mới dừng lại
ở việc mô tả công việc và dùng các tính từ cần cù, chăm chỉ, thương yêu... để
thể hiện tình cảm của mình mà chưa biết sử dụng các thi ảnh, tạo lập hình tượng
Thơ để thể hiện cảm xúc. Đa số các em vẫn sử dụng ngôn ngữ báo chí (mang tính
thông tin trực tiếp) để làm Thơ. Vì thế chất Thơ không nhiều, nhiều bài Thơ các
em viết thực chất chỉ là những câu Văn xuôi ngắt dòng. Cũng do các em chưa nắm
vững kỹ thuật làm Thơ, nên chưa vận dụng đúng luật bằng, trắc, chưa biết cách
gieo vần để tạo ra sự kết dính giữa các câu thơ và làm cho âm điệu của câu Thơ
suôn chảy, dễ đọc trong một số thể Thơ truyền thống. Nhiều em cũng chưa biết
cách lập tứ cho một bài thơ nên viết thường tản mạn, dài dòng. Tứ Thơ được ví
như là rường cột, vì kèo của căn nhà để toàn bộ sườn mái, cửa, vách… bám vào
đó, tạo nên ngôi nhà hoàn chỉnh. Người làm Thơ không có tứ, thì câu chữ cũng sẽ
bị rơi vãi vào nhiều nội dung, nhiều ý tưởng lan man. Khiến cho bài thơ chông
chênh, không biết đâu là nội dung chính, đâu là chô cần phải kết thúc. Đấy là
những điều mà các em dự trại lần này phải hết sức chú ý.
Đỗ Thị Thu Hiền và Lương Nguyễn Phương Anh
là hai em có sáng tác Thơ tương đối khá hơn các em khác trong đợt dự trại này.
Bước đầu hai em này đã biết làm thơ lục bát tương đối chuẩn trong sử dụng luật
bằng trắc và cách gieo vần, biết thể hiện cảm xúc thật của mình dù chưa phải là
sâu sắc. Dẫu vậy cũng đủ cho ta những hy vọng về khả năng sáng tạo văn chương của
các em trong tương lai nếu các em có đam mê, có nghị lực.
Về phần văn xuôi, nhà văn Khôi Nguyên nhận
xét:
- Kỹ năng: có phần nhỉnh hơn những Trại của các Trại sáng
tác Hạ Xanh và Hương Rừng gần đây, đặc biệt là sự thể hiện của những trại sinh
đã từng được tham dự ở các mùa hè trước. Việc tạo bố cục, xây dựng nhân vật,
ngôn ngữ nghệ thuật, tạo tình huống, xác định cốt chuyện... trong các truyện
ngắn cũng như thể hiện cảm xúc trong các tản văn, tùy bút đủ sức lôi cuốn người
đọc đã khẳng định được khiếu thẩm mỹ về ngôn ngữ, về nhân sinh quan và thế giới
quan.
- Nội dung: các em đã biết tập trung khai thác đề tài về
tình bạn, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương... phù hợp với lứa tuổi thanh
thiếu niên của mình trong cách cảm nhận cuộc sống. Không còn tình trạng “nhập
thân”, “hóa vai” người lớn tuổi như ở các Trại viết trước đây.
-Yêu
cầu: Cần có những bài viết gắn chặt với vùng đất mình đang sống hơn nữa; tiếp tục
luyện tay bút, tìm hiểu nền văn hóa đa sắc tộc của mình để có những tác phẩm
mang diện mạo đặc trưng của một vùng đất; tích cực gửi bài cộng tác với Tạp chí
Chư Yang Sin và các báo chí, đặc san khác.
Chúng ta tổ chức trại hè bồi dưỡng sáng tác thơ văn hằng
năm nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát huy những năng khiếu bẩm sinh về văn học của
các em để hy vọng ngày mai đơm hoa, kết trái có thêm hội viên mới, sáng tạo ra những
tác phẩm văn chương xuất sắc sau này. Qua 16 lần tổ chức trại Hạ Xanh, nhiều trại
viên các khóa trước đã trở thành hội viên Hội VHNT Đắk Lắk và hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam như: Nhà văn Niê Thanh Mai, nhà văn H’Siêu Bya, nhà văn H’Phi La
Niê, nhà thơ H’Xíu Hmok, nhà thơ H’Vê ra… đây là thành quả rất đáng tự hào mà
không phải tỉnh thành nào trên đất nước ta cũng làm được trong gần 30 năm qua.
Hy vọng trong thời gian tới Tạp chí Chư Yang Sin – cơ quan ngôn luận của Hội sẽ
tiếp tục nhận được những sáng tác mới của các tác giả là Trại viên Trại
Bồi dưỡng sáng tác thơ văn Hạ xanh lần thứ 16 - năm 2017 .
Buôn Ma Thuột, ngày 30 tháng 7 năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI