Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

CÁNH CHIM CỦA ĐẠI NGÀN Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017








Ghi chép


“Đại úy Y Thiếp Kpă là một cán bộ gương mẫu, nhiệt tình năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Đặc biệt, đồng chí còn có khả năng trinh sát rất nhạy bén”. Đó là lời nhận xét của Trung tá Nguyễn Quốc Khánh, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp đối với Đại úy Y Thiếp Kpă, Phó đội trưởng Đội Trinh sát 2, Phòng An ninh dân tộc - Công an tỉnh Đắk Lăk.
Sinh ra và lớn lên ở xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk; năm 2003, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Y Thiếp Kpă được tuyển dụng vào lực lượng công an, rồi được lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cử theo học các trường: Trung cấp An ninh, rồi Đại học An ninh hệ vừa học vừa làm. Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh, anh được điều về công tác tại Phòng An ninh dân tộc - Công an tỉnh Đắk Lắk.
Gần 15 năm gắn bó với công việc, bằng những kiến thức học được ở trường, bằng tình yêu nghề và tinh thần vì nhân dân phục vụ, anh như cánh chim của đại ngàn bay không mỏi trên vùng trời Đắk Lắk.
Là người dân tộc Êđê, anh thấu hiểu nguyên nhân của cái khổ, cái nghèo đeo bám đồng bào mình. Anh biết bà con còn khổ, lạc hậu dễ bị kẻ xấu lợi dụng xúi dục. Khi về nhận công tác, chàng trai người dân tộc Êđê mang trong mình nhiệt huyết là giúp đồng bào mình nhận thức được cái đúng, cái sai tin theo lời Đảng, từ đó chăm lo sản xuất để bớt cái khổ. Nghĩ là làm, đến địa bàn việc đầu tiên anh làm là gần gũi với dân, hòa vào nhịp sống của dân bằng những việc làm thiết thực. Ngày ngày, anh lên rẫy với dân giúp họ tăng gia, sản xuất. Những buổi trưa hè nắng như vung lửa đổ than, anh tham gia gặt lúa, tỉa bắp, hái đậu, làm cỏ… với dân. Anh còn tranh thủ thời gian rỗi nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, cộng với kinh nghiệm bản thân, đến các hộ gia đình thuộc diện nghèo để truyền đạt kỹ thuật chăm sóc vật nuôi và cây trồng. Nhờ vậy, kinh tế của nhiều hộ phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Bà con thấy anh gương mẫu trong cuộc sống, mỗi khi lên rẫy giúp họ thì cần mẫn như con rùa, chăm chỉ như con ong, không nề hà bất cứ việc gì khi giúp dân, nên dần dần quý mến và tin tưởng. Cứ như vậy, những người dân ở địa bàn mà anh phụ trách đã thực sự coi anh như chính người thân trong gia đình. Mỗi lời anh nói là tiếng lòng yêu thương, tin cậy đối với bà con. Nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân nên những chuyến công tác của anh đều mang lại kết quả cao.
Những địa bàn anh đến công tác thường là những nơi có các đối tượng phản động đang lén lút kích động, tuyên truyền luận điệu ly khai chống Đảng và Nhà nước. Anh luôn trăn trở làm sao để bà con các dân tộc tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không bị luận điệu của kẻ xấu mê hoặc. Anh đã kiên trì, thường xuyên gặp gỡ phân tích cho bà con hiểu, không nghe những lời xúi dục của kẻ xấu, yên tâm làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế. Gần gũi, lắng nghe nỗi lòng của bà con, giải đáp những khó khăn vướng mắc những tâm tư nguyện vọng của dân để dân biết, dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà tuân theo. Luôn tập trung vào nhiệm vụ và chương trình công tác của đơn vị, thực hiện “bốn cùng” với nhân dân, gắn bó với quần chúng, tranh thủ xây dựng những quần chúng tốt làm nòng cốt, nắm chắc tình hình an ninh chính trị trên địa bàn và vận động ng­ười uy tín lên tiếng trong các vụ việc phức tạp. 
Với chất giọng Êđê trầm ấm, Đại úy Y Thiếp chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà những cán bộ công an tăng cường khi về cơ sở đều thấm nhuần lời Bác dạy “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Vì vậy, khi đi công tác tại các địa bàn phải xóa bỏ được khoảng cách giữa công an với nhân dân. Phải bằng những việc làm thiết thực để bà con thấy cán bộ, chiến sỹ công an đến với dân như người con trở về với gia đình chứ không chỉ là cán bộ đi làm nhiệm vụ”.
Với sự nhạy bén trong công việc, sự gần gũi với bà con, từ năm 2003 đến nay, Trung tá Y Thiếp Kpă đã phát hiện và tham gia trực tiếp phá rã hàng chục nhóm tổ chức FULRO của hơn hai trăm đối tượng tham gia, bóc gỡ hàng trăm đối tượng cơ sở ngầm của chúng tại các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Tuy lập được nhiều chiến công nhưng anh rất ngại khi nói về mình. Qua đồng đội của anh, tôi được nghe kể về một số vụ mà anh dùng cả chữ tâm khi giải quyết.
Trung tuần tháng 8 năm 2013, anh vừa xin đơn vị nghỉ phép được mấy ngày để chăm sóc vợ vừa sinh xong được hai hôm thì nhận được tin báo, đối tượng Kpă Y Mưch (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) hoạt động cơ sở ngầm tượng Fulro đã lẩn trốn khi bị công an huyện mời lên làm việc tại trụ sở. Với tinh thần trách nhiệm của người công an, anh đã thu xếp việc gia đình lên cơ quan xin lãnh đạo được trở lại địa bàn tìm cách vận động Y Mưch trở về. Anh đã lập phương án cụ thể được lãnh đạo đồng ý, đồng thời tìm cách liên lạc với Y Mưch, viết thư kêu gọi bằng lời lẽ chân tình. Anh còn đến gặp mục sư và người có uy tín của buôn để tác động, vận động thân nhân gia đình nhắn tin để Y Mưch trở về. Anh kiên trì đến thuyết phục vợ con Y Mưch liên lạc động viên, kêu gọi Y Mưch trở về làm ăn lương thiện để con có cha, vợ có chồng... Mưa dầm thấm lâu, vợ của Y Mưch đã chủ động để anh trực tiếp liên lạc nói chuyện qua điện thoại với chồng mình. Khi trực tiếp liên lạc qua điện thoại với Y Mưch, anh đã dùng những lời lẽ thấu tình đạt lý phân tích thiệt hơn; Y Mưch rất cảm phục nên đã tự nguyện trở về khai báo và cam đoan không tái phạm.
Tháng 1 năm 2014, Ama Mai cùng một số đối tượng khác ở buôn Tơ Yoa, xã cư M’Mung, huyện Ea H’leo bị các đối Fulro ở Mỹ tuyên truyền, lôi kéo tham gia hoạt động, kích động bà con vượt biên. Ngay sau khi phát hiện, Tổ trinh sát do anh phụ trách đã mời đối tượng lên làm việc tại trụ sở. Nhưng sau đó y đã tìm cách lẩn trốn. Đại úy Y Thiếp lập tức xuống tận nhà để thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình. Sau một thời gian dài vận động, thuyết phục, viết thư cam đoan bảo lãnh. Gia đình Ama Mai xúc động trước trách nhiệm và sự tận tụy của người công an, chị gái và vợ con của Ama Mai đã đi tìm và khuyên bảo y. Sau khi xem thư và nghe vợ con kể về tấm lòng của người công an, Ama Mai đã chủ động gọi điện cho Y Thiếp hứa sẽ trở về và tự nguyện lên công an làm việc.
Tháng 11 năm 2014, ba đối tượng Nay Than, Nay Long, Nay Ken ở buôn Dang, xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo bị rủ rê, bỏ trốn sang Campuchia, rồi sang Thái Lan. Sau đó 3 đối tượng này đã liên lạc với vợ con và xúi dục họ tìm cách vượt biên. Nghe lời, cả ba gia đình đã bán một phần đất và tài sản để trả tiền cho người dẫn đường vượt biên với giá 20-25 triệu đồng/1 người. Đến Thái Lan, trong một năm (từ tháng 12.2014 đến 12.2015), chờ mãi không được đi Mỹ như lời hứa hẹn của kẻ lừa bịp, dụ dỗ, ba hộ gia đình gồm 14 người ở lại bất hợp pháp tại Thái Lan, cuộc sống cơ cực, lay lắt ban ngày không dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái Lan bắt giữ, chỉ liên hệ với một số người để tìm cách làm mướn lấy tiền mua gạo hoặc lên chùa xin ăn; đói khổ, bệnh tật và không còn hy vọng ở tương lai. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Anh đã cùng tổ công tác nắm sát tình hình vượt biên trên địa bàn và hoàn cảnh từng hộ gia đình; liên lạc điện thoại với Nay Than, Nay Long, Nay Ken để gặp từng người, thuyết phục, động viên họ trở về quê hương. Trải qua nhiều lần gọi điện gợi cho họ nỗi nhớ buôn làng, ruộng rẫy bỏ hoang, ngôi nhà dài hoang lạnh vì thiếu ánh lửa được nhen lên khi chiều về. Rồi anh vận động thân nhân gia đình của các đối tượng gọi điện thuyết phục bằng tình ruột thịt, máu mủ kêu gọi họ trở về. Những lời anh nói khiến họ nhớ buôn làng như con nai nhớ núi, con hươu nhớ rừng. Ba hộ gia đình trên đồng ý trở về nhưng không còn tiền bạc và không biết đường về. Anh đã mất ăn, mất ngủ tìm phương án, mạnh dạn đề xuất với cấp trên, tìm cách chắp nối và tìm đường, chỉ đường cho họ trở về an toàn. Khi họ an toàn về tới buôn, lòng anh mới thanh thản và nhẹ nhõm.
Đó chỉ là ba trong nhiều trường hợp những người lầm đường, lạc lối được anh cảm hóa đưa trở về hòa nhập với cộng đồng, góp phần mang lại sự bình yên cho buôn làng. Đến nay, mỗi lần đến thăm từng hộ gia đình đã được anh cảm hóa, thấy họ cần mẫn làm ăn, các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi cơm mới, trong ánh mắt anh lấp lánh niềm vui khó tả, bởi sự vất vả và sự hy sinh của anh góp phần tạo nên sự bình yên cho người dân trên mảnh đất đầy nắng và gió...
Anh khiêm tốn không muốn nói về thành tích của mình, nhưng qua đồng đội của anh tôi được biết: những kết quả của những ngày đêm quên ăn, quên ngủ bám địa bàn, anh đã được đồng đội và cấp trên ghi nhận. Nhiều năm liên tục, anh là Chiến sỹ Thi đua cơ sở, được Bộ Công an tặng 01 Bằng khen, được UBND tỉnh tặng 02 Bằng khen và nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh tặng trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Những khó khăn, vất vả, những hy sinh, chiến công thầm lặng của anh cùng với những cán bộ, chiến sỹ Công an Phòng An ninh dân tộc, Công an tỉnh Đắk Lắk đã góp phần khắc họa, tô thắm thêm hình ảnh về người Công an nhân dân Việt Nam vì nước quên thân - vì dân phục vụ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI