Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ CÔNG AN NHÂN DÂN

BẢN LĨNH VÀ NHÂN VĂN
                                                                                         Ghi chép của ĐINH HỮU TRƯỜNG


 Tôi vốn ở ngành công an rồi sau đó được lãnh đạo tỉnh điều động đi nhận công tác khác. Là công an, đã từng viết về ngành công an, làm báo trong ngành công an nên cứ tưởng rằng mọi chuyện đã tường tận lắm rồi. Vậy nhưng trong chuyến đi thực tế hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về hình tượng người chiến sĩ công an "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" do Bộ Công an phát động, được đến các đơn vị trong ngành để nghe anh chị em cán bộ, chiến sĩ trực tiếp kể về những công việc mình làm, được tận mắt nhìn những thành quả công việc của các anh chị, tôi mới ngẫm ra một điều: Hiểu biết về ngành của tôi còn hạn hẹp lắm. Và do vậy, trong bài viết này, tôi cứ tuần tự ghi chép lại những cảm xúc, những nhận thức của bản thân trong những ngày đi thực tế về các đơn vị:
Ngày đầu tiên làm việc chung với lãnh đạo công an tỉnh và lãnh đạo một số phòng, ban nghiệp vụ tại trụ sở Công an tỉnh; ấn tượng lưu lại trong tôi là sự bề thế của một công sở và tác phong chính quy của một lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Cơ ngơi làm việc, cảnh quan công sở đều đạt chuẩn với những dãy nhà tầng mới mọc lên sáng màu sơn mới bên những hàng cây xanh bóng mát thay thế cho mấy dãy nhà gỗ ván xập xệ năm xưa (năm 1975, khi tôi mới lên tiếp quản Đắk Lắk và được điều động về Ty Công an). Con người thì trẻ trung, nhanh nhẹn, tác phong quân nhân hiện rõ trên nét mặt, trên từng dáng đứng, bước đi. Đồng đội cũ tôi gặp rất ít, còn đa số là người mới, lính mới; ai cũng đẹp, ai cũng xinh, đúng chuẩn là chiến sĩ công an của thời đại mới, thời đại xây dựng và hội nhập. Cắm cúi ghi chép, mở rộng tầm nhìn để quan sát, tôi nhủ mình: Tư liệu sẽ phong phú đây, nhân chứng sẽ ngồn ngộn đây; nhưng để viết được cho hay, cho ra vấn đề thì... khó đấy, cực khó đấy...
Khó, bởi thời đại ngày nay đã rất khác so với thời cha chú ngày xưa. Ngày nay là thời đại của công nghệ điện tử, thời đại của "Cách mạng công nghiệp 4.0" nên hoạt động của các loai tội phạm ma lanh, tinh vi gấp nhiều lần và cũng tàn độc, táo tợn gấp nhiều lần. Đó có khi là những hoạt động đơn lẻ nhưng được tính toán đến kỹ càng để tạo ra ma trận cho công tác điều tra, phá án. Đó có khi lại là một nhóm, một tốp đông đến cả chục, vài chục tội phạm trắng trợn mang hung khí (cả nóng lẫn nguội) đến một nơi đông người giữa thanh thiên bạch nhật để chém, giết, bắn phá như không coi ai ra gì, không coi pháp luật ra gì. Đó còn là hành vi xúi bẩy, kích động những đối tượng bất mãn, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin "xuống đường" biểu tình đưa ra những yêu sách phi lý buộc chính quyền phải đáp ứng, vân vân và vân vân...
Khó, còn bởi lẽ: Cuộc sống ngày nay đa dạng, đa chiều; người tốt, người có tâm, người hiểu về ngành công an nhiều, nhưng người chưa hiểu, người đố kị cũng không ít. Công nghệ thông tin phát triển, trên mạng xã hội nhan nhản những thông tin, những video làm thiên lệch bản chất về ngành công an nhân dân, về người chiến sĩ công an, tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm về ngành... Viết thế nào, viết ra sao để nêu bật, lột tả đến cốt lõi vấn đề những phẩm chất tốt đẹp, về sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ trong ngành công an trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì sự bình yên cuộc sống... để từ đó góp phần xây dựng được hình tượng người chiến sĩ công an "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"...
... Quả là khó! Khó hơn nữa là ở mỗi đơn vị, chúng tôi chỉ được gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu chỉ trong một ngày, vâng đúng một ngày. Đối với người viết, đặc biệt là người sáng tác, một ngày để tìm hiểu ở một đơn vị thì chỉ như "Cưỡi ngựa xem hoa", tức là hiểu chưa hết chứ đừng nói đến cảm (cảm xúc sáng tác). Nhưng bù lại, chúng tôi đã được nghe, được thấy nhiều, rất nhiều tấm gương ở các đơn vị nghiệp vụ khác nhau; thấu hiểu thêm những khó khăn, những hy sinh thầm lặng mà nếu không đi thực tế thì không thể biết được...
*
Ngày đầu tiên trong chuyến đi thực tế, chúng tôi làm việc với Phòng An ninh dân tộc. Điều rất vui với tôi là gặp được Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, trưởng phòng. Tôi biết đại tá Hòa từ khi anh còn là chiến sĩ công an trẻ. Sau gần ba mươi năm mới gặp lại nhưng chúng tôi nhận ra nhau ngay từ phút giây đầu tiên. Trán anh đã nhiều những nếp nhăn của năm tháng cuộc đời, nhưng thần sắc thì vẫn như ngày nào: Nét mặt cương nghị, đôi mắt sáng và nụ cười luôn rạng rỡ, tạo cho người đối diện một niềm tin về sự chân thành, cởi mở. Hòa cho biết: Phòng An ninh dân tộc do anh phụ trách có tiền thân là Phòng chống Fulrô trước đây, với nhiệm vụ hiện nay là giúp ban Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động thù địch lợi dụng bà con người dân tộc thiểu số chống phá cách mạng; đồng thời phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia... Tóm tắt thì ngắn gọn như vậy, nhưng để hoàn thành tốt điều "ngắn gọn" ấy là rất nhiều những khó khăn, gian khổ mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Đó là chuyện "bốn cùng" với bà con: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc". H’Nghim Ea Nuôl kể lại câu chuyện buổi đầu chị "bốn cùng" với bà con: Năm 2004, chị tốt nghiệp ra trường, vừa chân ướt chân ráo về nhận công tác tại phòng, được các đồng chí đưa về "thực tế" tại một buôn đồng bào dân tộc Sê-đăng. Tối ấy, chị được phân công ở lại buôn, H’Nghim lo lắng hỏi: Thế cháu ngủ chỗ nào? thì nhận được câu trả lời: Ngủ với bà con chứ ngủ đâu nữa! Vậy là cô công an trẻ phải tự mình dân vận, từng bước hòa nhập với bà con để làm quen và làm nhiệm vụ. Cứ vậy, cô đã trở thành "Người của đồng bào" thân thiện như con em của bà con và yêu say công việc của một nữ trinh sát. Mê say đến nỗi sau này khi lập gia đình, sát đến ngày cưới mà cô vẫn mải mê "bốn cùng" tại cơ sở, mọi việc chuẩn bị cho ngày cưới cô nhờ gia đình lo hết, sát ngày tổ chức cô mới trở về để "lên xe hoa"...
Lại có những trinh sát trẻ của phòng, để theo dõi, bóc gỡ tổ chức phản động, các anh đã phải "nằm vùng" trên đỉnh đồi dày đặc tre nứa, lồ ô ròng rã hàng chục đêm. Sương lạnh, muỗi đốt và đủ chuyện thử thách khác mà chỉ có người trong cuộc mới thấm: Sự cô đơn giữa vũ trụ bao la với dế kêu, rắn rít, chim lạc, sương rơi... và nhất là từng giọt thời gian trôi chậm rãi đến tưởng như vô tận vô cùng. Gà gáy sáng cũng là lúc các anh trở về với nét mặt trắng bệch và đôi mắt thâm quầng vì đêm thức trắng, vì lạnh, và cả vì... mệt. Cứ vậy, đúng chục đêm sau các anh đã được trả công xứng đáng: Đối tượng đã bị tóm gọn với đầy đủ chứng cứ hoạt động phản cách mạng.
Những con số thống kê có thể là khô khan, nhưng là cả một bề dày cống hiến hết mình của cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh dân tộc: Trong 5 năm, từ 2012 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức phát động quần chúng tại 335 lượt buôn trong tỉnh với tổng số 44.077 lượt người tham gia, kiểm điểm, vô hiệu hóa hàng trăm đối tượng hoạt động cơ sở ngầm; cảm hóa hàng nghìn lượt đối tượng liên quan hoạt động trong các tổ chức phản động; tranh thủ hàng trăm người có uy tín trong làng buôn, các tổ chức tôn giáo... phục vụ cho công tác vận động quần chúng, bảo vệ an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, đơn vị đã vinh dự được khen tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba, các Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và trên 500 lượt cán bộ chiến sĩ được khen thưởng, trong đó có 2 cá nhân được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba, 6 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng...
*
Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự là một người có duyên trong kể chuyện. Những mẩu chuyện về đánh án, qua lời anh kể cứ hút người nghe theo từng chi tiết, diễn tiến của vụ việc khiến cả khán phòng lặng phắc. Anh tâm sự: "Điều khó nhất của công tác phá án ngày nay là bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao để đối phó. Chúng rất thông thạo và xảo quyệt với muôn nghìn mưu ma chước quỷ, thậm chí là chống đối đến cùng để hòng thoát lưới pháp luật. Tuy nhiên, điều khó hơn cả là người chiến sĩ công an hình sự phải chiến thắng được chính mình, biết vượt lên nỗi gian khổ, biết đầu tư suy nghĩ đến quên ăn quên ngủ để tìm ra cho được "nút thắt" của vụ án. Điện thoại của chúng tôi cũng hệt như người lính trực chiến, luôn mở hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ. Lo nhất là khi điện thoại đổ chuông vào một, hai giờ sáng. Khi ấy, chắc chắn là "có việc" rồi. Đang giấc ngủ say mà phải choàng dậy- không, đúng hơn là bật dậy - để đi làm việc; thậm chí đang ôm vợ trong chăn ấm cũng phải tung chăn ra mà đi... thì các bạn cảm giác như thế nào?". Rồi anh cười, nụ cười thật hóm, tiếp tục câu chuyện: "Cái công việc của chúng tôi nó đòi hỏi tỷ mỷ như người gỡ cuộn len rối, khẩn trương nhưng không được hấp tấp, bởi chỉ cần một nhận định sai là vụ án sẽ đi vào hướng bế tắc..."
Bổ sung vào câu chuyện đang hấp dẫn của Trưởng phòng, Trung tá Dương Thế Bình, Đội trưởng Đội Trọng án chia sẻ: Điều trăn trở nhất, khổ tâm nhất của chúng tôi là những vụ trọng án bị rơi vào bế tắc, không tìm ra được đối tượng gây án, bởi như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh trên địa bàn, gây hoang mang trong nhân dân; đặc biệt có những vụ làm chưa chuẩn, dẫn đến oan sai. Vì thế nguyên tắc làm việc của chúng tôi là cẩn tắc, tỷ mỷ, chính xác và khách quan, càng chính xác, khách quan bao nhiêu càng tốt; đặc biệt nhiều khi phải biết... lì. Dương Thế Bình ví dụ: Nhiều vụ án chúng tôi phải xuống nằm vùng để "ba cùng" với quần chúng trên địa bàn, tỷ mỷ, nắm bắt, xâu chuỗi từng mẩu tin ở nhiều người, nhiều dạng người để từ đó sàng lọc những tin tức liên quan nhất. Có khi phải ngồi nhậu thật lâu, trong trong mình không muốn tý nào; phải uống thật nhiều rượu, phải vui hết mình, "zô zô" hết mình trong khi ở nhà vợ con đỏ mắt trông chồng về để cùng ăn bữa cơm ấm cúng bên gia đình... Nguồn tin, đặc biệt là nguồn tin chính xác của một vụ trọng án đặc biệt quý đối với những người phá án, do vậy muốn "moi được" thì phải biết chịu trận, phải biết gạt cái riêng tư để đạt hiệu quả cao.
Thượng tá Huỳnh Văn Long, Đội trưởng đội chống tệ nạn xã hội tiếp lời Dương Thế Bình: Muốn thâm nhập vào một tụ điểm mại dâm hoặc ma túy thì trinh sát phải nhập vai thành chính những "kẻ trác táng" như một diễn viên thuần thục. Điều đáng lo nhất là bị vợ nghi ngờ mình là người trác táng thật, bởi đêm nào cũng vào khách sạn, vào nhà nghỉ; bị các bà ghen tuông đến mức cho mình "lên bờ xuống ruộng" mà không được quyền thanh minh, không được quyền giải thích khi án chưa phá xong... Thượng tá, Phó phòng Nguyễn Văn Quý thì kể câu chuyện vì mải say sưa chuyện phá án mà quên việc vợ ở nhà đến kỳ sinh nở; nhầm cả việc không nhận ra được bà mẹ vợ ngoài quê miền Trung vào chăm nuôi, đến nỗi bảo mẹ vợ đi tìm chỗ trọ, hẹn chiều... làm việc. Cũng may mẹ vợ là một bà mẹ quê chân chất nên không giận, không mắng chửi. Hú vía...
*
Tính đến nay, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tròn 55 tuổi (tiền thân là Ban an ninh thị xã Buôn Ma thuột, thành lập tháng 10.1962). Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bề dày thành tích của đơn vị đã góp phần tô thắm thêm trang sử truyền thống của ngành; được Đảng, Nhà nước và chính quyền công nhận qua những phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều huân, huy chương cùng các danh hiệu cao quý khác. Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng: Lực lượng công an thành phố đã góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội phát triển như hiện nay.
Bề nổi thì vậy, nhưng đi sâu tìm hiểu, càng thấy thêm những hy sinh thầm lặng, tâm tư thầm kín, góc khuất của những khó khăn, trăn trở của cuộc sống đời thường buộc phải có bản lĩnh thật vững vàng của người chiến sĩ công an cách mạng thì mới vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường hợp của nữ đại úy cảnh sát điều tra Lý Thị Oanh là một ví dụ:
Tốt nghiệp chuyên ngành Cảnh sát điều tra của trường Đại học cảnh sát, Lý Thị Oanh về nhận công tác tại Đội điều tra tội phạm thuộc Công an thành phố. Khó khăn là điều dĩ nhiên đối với một cảnh sát nữ ở một chuyên ngành chỉ phù hợp với nam giới; bởi với người phụ nữ, ngoài công việc cơ quan còn phải đảm đương trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con dâu trong gia đình. Khó khăn còn ở chỗ sức vóc phụ nữ có hạn, lại thêm việc đi đêm về hôm thường xuyên, tránh sao việc hàng xóm láng giềng nhìn nhận, đánh giá tốt xấu, dị nghị. "Mọi điều em có thể vượt qua được, nhưng khó nhất là làm thế nào để người thân trong gia đình thông cảm, chấp nhận việc đi sớm về khuya, việc "việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" - Lý Thị Oanh tâm sự. Chồng Oanh là người ngoài ngành, con lại mới 5 tuổi rất cần đến bàn tay chăm sóc của mẹ, trong khi Oanh thì đi suốt đêm. Nhiều khi xong việc, trở về nhà đã rất khuya, chồng ôm con ngủ với vẻ mệt mỏi; con nhỏ thì khóe mắt đang còn ngấn nước, tiếng nấc trong giấc ngủ của con cứ như cứa vào lòng người mẹ trẻ. Ông chồng thì hình như biết vợ đã về nhưng không thèm trở mình, không thèm trả lời câu chào của vợ... Oanh biết chồng đang kìm sự hờn dỗi của một ông chồng bất đắc dĩ phải đảm đương chức năng của người vợ, người mẹ; và chị chỉ biết nén tiếng thở dài vào lòng...
Nhưng rồi, với sự nhỏ nhẹ của người vợ, bằng "nghiệp vụ" của một nữ công an, Oanh đã "vỗ về", động viên chồng thông cảm, sẻ chia với đặc điểm công việc của mình. Từ đó chồng Oanh đã thực sự đồng cảm, tiếp tục là "diễn viên đóng thế" trong chăm con, gánh vác công việc gia đình để vợ yên tâm công tác. Đáp lại, nữ thượng úy Lý Thị Oanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình (mà trong khuôn khổ bài viết ngắn này không cho phép người viết kể hết ra đây). Chỉ biết rằng bằng lòng nhân ái, nhân văn của mình, chị đã thực sự cảm hóa được những đối tượng lầm lỗi nhận tội và sau khi ra tù, họ đã viết thư cảm ơn hoặc trực tiếp đến thăm nhà để cám ơn người đã " sinh ra họ lần thứ hai".
Một hành động nhân văn rất người nữa là việc làm của đại úy Nguyễn Văn Bình, Đội phó Đội Phòng chống ma túy: Trong một chuyên án mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy năm 2015, đối tượng có hành vi hối lộ nửa tỷ đồng để hòng chạy tội, nhưng bản lĩnh của người chiến sĩ công an đã giúp anh chiến thắng được lợi danh, tiền bạc. Anh đã thẳng thừng từ chối và khuyên đối tượng nên cất tiền đi và thành thật khai báo để hưởng lượng khoan hồng. Có người hỏi: Sao không lập biên bản về tội đưa hối lộ? Bình đã trả lời, giọng trầm hẳn: Người ta đã phạm trọng tội, trước sau gì cũng đi tù; nếu mình lập biên bản về tội đưa hối lộ thì họ vừa thêm tội, vừa mất số tiền lớn, bởi đó chắc cũng là số tiền mà vợ con, gia đình họ phải chạy đôn chạy đáo vay mượn mới có được. Quả là tấm lòng nhân văn của người chiến sĩ mang quân phục màu lá xanh...
Còn nhiều, rất nhiều tấm gương "bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" của người chiến sĩ công an nhân dân như Đội phó Cảnh sát hình sự Lê Huy Thức, Thiếu tá Nguyễn Sinh Nguyên ở Đội Xử lý tai nạn giao thông, sĩ quan Phan Thành Nguyên ở Đội Cảnh sát kinh tế, Trung tá Nguyễn Thị Ngọ – Đội phó đội Cảnh sát hành chính, Thiếu tá Vũ Minh Tâm - Đội phó Đội Cảnh sát môi trường v.v... Trường hợp của Phan Thành Nguyên cả hai vợ chồng đều cùng công tác trong ngành, khi cả hai cùng đi công tác đã phải đưa con sang gửi ông bà ngoại hoặc gửi ở hàng xóm. Nhiều lần như vậy, người trong gia đình đã chất vấn: Sao thấy người ta cũng làm công an nhưng ít đi, ít vắng nhà, còn vợ chồng bay đi miết, là sao? Hai vợ chồng chỉ biết cười trừ nhưng cay lên sống mũi. "Phải yêu ngành lắm mới trụ được với nghề" - Nguyên tâm sự.
*
Trong số cán bộ lãnh đạo các phòng ban của Công an tỉnh Đắk Lắk thì có lẽ Trung tá Nguyễn Quang Vịnh – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông là một trong những lãnh đạo phòng trẻ nhất. Nét trẻ trung của vị Trung tá Trưởng phòng thể hiện trên gương mặt, trong dáng đi và tác phong điều hành công việc nhanh, gọn, dứt khoát. Dưới Nguyễn Quang Vịnh có 4 phó trưởng phòng, 6 đội nghiệp vụ và 1 trạm với tổng quân số 217 người. Giữa thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, lời khen về lực lượng cảnh sát giao thông có nhiều, nhưng lời chê bai, bôi nhọ hình ảnh về lực lượng này cũng không ít. Chỉ cần vào google, gõ hai từ "tích cực" và "tiêu cực" về cảnh sát giao thông đã có kết quả như sau: chỉ 0,49 giây đã xuất hiện 1.870.000 tiêu đề về tích cực; sau 0,53 giây có 1.670.000 tiêu đề tiêu cực. Tất nhiên, đây chỉ là những con số để tham khảo, không phản ánh được bản chất thực của vấn đề, bởi có rất, rất nhiều các trang mạng xã hội được lập ra chỉ để bôi nhọ, nói xấu chế độ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nó đã tác động không ít đến uy tín của lực lượng cũng như niềm tin yêu của nhân dân đối với người chiến sĩ áo vàng. Cũng do vậy mà buổi làm việc của chúng tôi với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Đắk Lắk thêm phần ý nghĩa, bởi qua đó chúng tôi hiểu thêm được phần tốt, phần nhân văn và bản lĩnh của các anh; đồng thời cũng để nhân dân hiểu sâu về các anh.
Trung tá Huỳnh Thanh Bình, hiện là Phó trưởng phòng, là một trong những người có thâm niên trong công việc cảnh sát giao thông. Anh có 7 năm làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông và 6 năm làm lãnh đạo. Giải thích cho dẫn chứng của tôi trên google nói ở phần trên, Bình dẫn chứng một câu chuyện mà anh đã từng gặp: Một lần đang tuần tra trên đường thuộc địa phận chợ Ea phê, anh thấy một đối tượng phóng xe như tên bắn, đánh võng trên đường, Bình cùng đồng đội phóng xe đuổi theo. Khi tiếp cận, mùi rượu từ người kia nồng nặc, anh đề nghị đối tượng thổi máy kiểm tra nồng độ cồn, anh ta hất đi rồi hét lên một câu thật gàn bứa: "Đường tao tao đi, rượu tao tao uống, chết tao tao chịu...". Cùng lúc ấy xuất hiện 15 đối tượng vây quanh, mặt đằng đằng sát khí trong khi các anh chỉ có 2 người. "Bản lĩnh là lúc này đây" - Bình nghĩ. Anh mềm mỏng giải thích để các đối tượng vây quanh hiểu rằng hành động chạy xe vừa rồi của thanh niên kia là nguy hiểm cho chính tính mạng của anh ấy, cho những người đi đường; đồng thời đã vi phạm luật giao thông nghiêm trọng. Khi quan sát thấy nét mặt, thái độ của tốp người vây quanh đã bớt hung hãn, Bình điện cho lực lượng công an xã đến để cùng phối hợp giải quyết. Khi biết người vợ anh thanh niên vi phạm cũng có mặt, Bình mời riêng chị ta ra gặp riêng, hỏi về hoàn cảnh, công việc của hai vợ chồng. Người vợ cho biết nhà đông con, anh chồng là lao động chính, Bình giảng giải: Anh ấy uống rượu say, chạy xe liều lĩnh nếu xảy ra tai nạn thì sao; rồi khuyên chị thuyết phục chồng thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn. Anh chồng nghe vợ, đồng ý thổi vào máy. Khi xem máy báo nồng độ, anh ta sợ đến nỗi tỉnh hẳn rượu, bước ra xin lỗi bà con, xin lỗi cán bộ cảnh sát giao thông, hứa từ nay không tái phạm nữa. Có vụ đối tượng vi phạm là cán bộ nhà nước, khi bị dừng xe kiểm tra đã dứt khoát không bước ra khỏi ô tô, cứ ngồi trên xe ra oai và dọa sẽ điện thoại cho sếp. Bình vẫn cương quyết: Vâng, đồng chí cứ việc điện. Phần chúng tôi đã có camera ghi đầy đủ. Đồng chí điện cho sếp chúng tôi thì chúng tôi điện cho thủ trưởng cơ quan nơi đồng chí công tác. Cuối cùng thì "đồng chí" kia phải xuống nước năn nỉ rằng: Vâng, tôi chịu phạt, nhưng xin các anh đừng điện về cơ quan... Kể xong, Bình kết luận: "Trong công tác xử lý phải mềm dẻo, linh hoạt, thực hiện đúng lời dạy của Bác đối với công an nhân dân: Đối với công việc phải cương quyết, khôn khéo".
Trường hợp của Thiếu tá Lý Văn Kết thì đúng là phải bản lĩnh đến gan lì, không ngại nguy hiểm đến tính mạng. Một buổi trưa anh hóa trang là một người đi đường, thấy có hai thanh niên đi xe hon đa rà phía sau hai người phụ nữ trên đoạn đường vắng từ Phước An về Buôn Ma Thuột. Nghi ngờ, Lý văn Kết quay xe bám theo sau. Khi áp sát hai phụ nữ vào lề đường, thanh niên ngồi sau giật túi khoác của người phụ nữ rồi rồ ga chạy. Kết tăng ga đuổi theo. Anh ép xe hai tên cướp buộc chúng phải dừng lại. Đối tượng nhảy xuống đấm đá rồi nhặt gạch đá bên đường cứ nhằm đầu anh mà ném. Vừa chống đỡ, Kết vừa hô người dân hai bên đường hỗ trợ bắt cướp. Giao hai tên cướp cho công an huyện xử lý thì cũng là lúc trời đã sang chiều. Lần khác, xong phiên trực cơ quan, trở về thì phố đã lên đèn, thấy có tiếng phụ nữ hô "Cướp cướp", và bóng một thanh niên phóng hon đa vào rẫy cà phê, Lý Văn Kết phóng xe bám theo. Biết có người đuổi theo, tên cướp tắt đèn rồi bật đèn nhằm làm anh mất phương hướng. Kết cũng tắt đèn rồi bật đèn... Cứ vậy, sau một hồi rượt đuổi như trong phim, tên cướp đã bị anh tóm gọn. Kết tâm sự: "Công tác tuần tra kiểm soát luôn đòi hỏi chúng tôi phải đề cao cảnh giác đồng thời chủ động trong mọi tình huống; nhưng trên hết phải luôn thường trực một suy nghĩ: phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào, hoàn cảnh nào".
Quả là chẳng có tình huống nào giống tình huống nào nhưng cái sự gàn bướng của những đối tượng vi phạm thì hệt như nhau. Ở trên thì đối tượng phán "Rượu tao tao uống, chết tao chịu" thì với trường hợp mà Thiếu tá Phạm Ngọc Siêng lại được nghe câu nói... chẳng giống ai khi nhắc người chăn bò thả rông trên đường gây cản trở giao thông: "Đàn bò nó có học luật giao thông đâu mà bảo nó đi đúng đường". Lần khác, khi phạt đối tượng vi phạm, đối tượng nhả một câu xanh rờn: "Tôi cho xe các chú luôn đấy, mang về mà dùng". Phạm Ngọc Siêng cũng đã gặp không ít lần đối tượng vi phạm lao thẳng xe vào người và rút dao đe dọa.
Trong mắt nhiều người dân thì cảnh sát giao thông đơn giản chỉ là người tuýt còi buộc dừng xe, thậm chí là người có quyền sinh quyền sát đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường; mấy ai hiểu được sự vất vả cũng như những gian truân, nguy hiểm mà họ phải đối diện hàng ngày. Cũng mấy ai hiểu được khối lượng công việc mà họ phải hoàn thành theo luật định như: Xử lý phương tiện vi phạm, giải quyết đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Xin thống kê một vài số liệu tưởng như khô khan nhưng hết sức có ý nghĩa: đã đăng ký và quản lý số phương tiện gồm 1.249.919 xe các loại, trong đó ô tô 47.291; mô tô, xe gắn máy 1.123.820; xe máy kéo 78.808 chiếc. Đắk Lắk cũng là một trong 3 tỉnh ở Tây Nguyên có Đội Giao thông đường thủy hoạt động hiệu quả.
*
Về Trại tạm giam Công an tỉnh, tôi vui mừng gặp lại đồng đội cũ ngày xưa là Đại tá, giám thị Võ Huy Hòa. Anh vẫn vậy: Hóm hỉnh, vui vẻ với nụ cười thường trực trên môi; nhưng khi vào công việc lại rất nghiêm túc và linh hoạt trong xử lý. Sau động tác giơ tay chào đặc chất lính là cái bắt tay rất chặt và... lại một nụ cười tủm tỉm. Vật bất ly thân của Hòa không phải là khẩu súng mà là chiếc "điện thoại cục gạch" dùng trong bộ đàm. Anh thuộc chất người năng đi, ưa hoạt động nên không gian mênh mông hàng vài chục nghìn mét vuông của trại tạm giam đã thực sự thỏa mãn được sở thích của anh. Đi, quan sát, vừa là để kiểm tra công việc vừa để "quy hoạch" không gian trại sao cho "mềm" lại, để nơi đây không bị ám ảnh chỉ là nơi giam giữ những con người lầm lỗi. Rất nhiều những công trình mang ý nghĩa nhân văn đã được hình thành và triển khai thành thực tế trong những lần đi như vậy: Ngay sau cổng trại là một vườn hoa hướng dương đang mùa khoe sắc vàng rực trong nắng mai với ý nghĩa con người, dù là ai cũng phải luôn biết hy vọng, phải biết hướng về những ngày sáng đẹp, về tương lai nắng mới phía mặt trời. Vào sâu hơn trong khuôn viên trại là dãy "Nhà hạnh phúc" gần chục gian với giường, gối, tấm ga đệm sạch sẽ, thơm tho dành cho những phạm nhân cải tạo tốt được gặp chồng (hoặc vợ) để tâm tình, "giao lưu " trọn đêm. Hai ao cá mới được nạo vét thoáng sạch lăn tăn sóng; trên bờ ao là hòn non bộ đang đắp dở để mang núi về với sông, mang non về với nước. Điều đặc biệt hơn, trại tạm giam là đơn vị đầu tiên thuộc ngành Công an Đắk Lắk dựng tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên cơ quan (bằng tiền đóng góp của cán bộ chiến sĩ) để vào các dịp lễ, tết báo công với Bác về những thành tích trong việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Biết kinh phí cấp cho đơn vị có hạn, vị giám đốc của trại đã tận dụng đến triệt để vật liệu thuộc "đồ bỏ đi" để sử dụng lại một cách hữu ích: Một bức tường cũ nát thiếu an toàn khi bị ủi đổ, Hòa đã đề nghị không hốt đi mà chuyển thành xà bần lát đường đi; một lô sơn vài chục thùng hết đát của doanh nghiệp được Hòa mua với giá rẻ về sử dụng, khiến những bức tường đã rêu phong sáng bừng trở lại. Ngay hòn non bộ đang đắp dở phía trên bờ ao cũng được tận dụng từ đá đào được trong khuôn viên, vậy mà cũng hoành tráng ra phết.
Trong công việc, Đại tá Võ Huy Hòa cũng luôn biết "làm mới" để tối ưu hóa và đạt chất lượng tới mức có thể. Ngay khi mới về nhận nhiệm vụ, anh đã đề ra quy định cấp trưởng không phải trực. Chuyện mới nghe tưởng như "trốn việc", nhưng phía sau của vấn đề mới thấy sự hợp lý trong quy định này. Ấy là: Không trực, nhưng toàn bộ sai sót trong các ca trực của cán bộ, chiến sĩ cấp dưới, người đứng đầu đơn vị phải lãnh hết; từ việc phạm nhân xích mích, đánh nhau gây thương tích đến chuyện phạm nhân tự tử hoặc trốn trại vân vân, tất tần tật thủ trưởng đều phải chịu trách nhiệm trước đơn vị, trước cấp trên và cả trước pháp luật. Đại tá Hòa giải thích: Người đứng đầu là người bao quát toàn bộ cơ quan, kiểm tra và chỉ đạo công việc một cách toàn thể, toàn cục. Đặc điểm công việc ở trại tạm giam khác với các đơn vị khác. Bởi vậy, nếu sa vào việc trực ca trực kíp thì nhiều việc khác mình sẽ không nắm được. Làm ở trại tạm giam, độ rủi ro rất cao, bất cứ giây phút nào trong cả ngày lẫn đêm đều có thể xảy ra sự cố. Muốn hạn chế những điều xấu ấy thì người đứng đầu phải liên tục kiểm tra, liên tục sâu sát công việc để phát hiện, dự báo tình huống để đề phòng trước khi nó có thể xảy ra...
Thượng tá Nguyễn Văn Đang, Phó giám thị là người có thâm niên công tác ở trại đến nay là mười năm tròn. Và do vậy, anh cũng là một trong những người có nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề "Giáo dục con người lần thứ hai", giáo dục những con người "lệch chuẩn xã hội". Căng thẳng vì luôn phải cảnh giác cao độ là tâm lý thường trực của các anh. Phạm nhân vào đây với đủ mọi thành phần bất hảo đến mức ngoài đời, ngoài xã hội đã không thể còn giáo dục được họ, và họ vào đây với thái độ bi quan, chán chường cùng suy nghĩ "không còn gì để mất" nên sẵn sàng "bơ đời", coi đời chẳng là cái đinh gì. Người đã lãnh án tử hình thì muốn chết ngay, chết nhanh, muốn tự sát; kẻ lĩnh án cao thì luôn thường trực trong đầu tư tưởng trốn trại. Thành phần và lứa tuổi cũng đủ hết, có phạm nhân 16 tuổi, lại cũng có người 80 tuổi; người mang HIV, người nghiện ma túy nặng, người bệnh lao, người bệnh gút, người mang bầu sắp đến ngày sinh v.v... hệt như một xã hội thu nhỏ của những con người lệch chuẩn, lệch nhân cách... Chính vì vậy, thời gian cán bộ và chiến sĩ trại tạm giam là người sống với can phạm nhiều hơn với người thân ở nhà; những ngày nghỉ, ngày lễ người ta được sum họp cùng gia đình, đi vui chơi, đi du lịch... thì các anh phải trằn mình lên để làm nhiệm vụ, bởi chính những ngày này diễn biến tâm lý, sự liều lĩnh ở tội phạm tăng lên nhiều lần. "Ở đây độ rủi ro cao lắm. Ba trăm sáu lăm ngày làm tốt nhưng chỉ cần một giây sơ sểnh là "lãnh đủ". Bởi vậy, chỉ khi mở cửa phòng giam thấy phạm còn là thở phào yên tâm, là coi như đã tạm hoàn thành nhiệm vụ" - Thượng tá Nguyễn Văn Đang nói.
Nếu xét phẩm chất về "Bản lĩnh và nhân văn" của người chiến sĩ công an nhân dân thì có thể nói những cán bộ, chiến sĩ công an Trại tạm giam là một trong những lực lượng mang đầy đủ nhân tố ấy. Bản lĩnh, bởi họ phải tác chiến, phải làm nhiệm vụ trong một môi trường tách biệt với xã hội, với đầy rẫy những nguy hiểm, căng thẳng cùng sự thử thách lòng kiên nhẫn, sự kiềm chế trước những đối tượng người đã mất quyền công dân, hạn chế quyền tự do. Nhân văn, bởi chính các anh các chị là người gần gũi nhất, kề cận nhất và cũng là thân thiết nhất với những con người lầm lỗi; giáo dục, động viên, khích lệ giúp họ tìm lại "phần người", phần nhân bản đã đánh mất. Các anh đã ngày ngày mở cửa phòng giam những người tử tù đang chờ thi hành án, cùng ngồi bệt trên nền xi măng để tâm sự, giúp họ có những ngày vui trong tháng ngày còn lại của cuộc đời. Các anh cũng rất nhạy cảm để nhận biết những diễn biến trong tư tưởng của mỗi phạm nhân; hiểu biết được tính cách, sở thích của họ để mang lại sự thoải mái, yên tâm cải tạo. Với các anh, phương châm "Ứng xử với phạm nhân bằng tình người" luôn phải ghi nhớ hàng ngày. Chính vì vậy, mà trong những năm qua Trại tạm giam thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk không có trường hợp phạm nhân trốn trại, không xảy ra vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến phạm nhân. Phạm nhân trong trại cũng đã viết hàng trăm lá thư xin lỗi người bị hại với những lời lẽ chân thành, hối hận nhất. Có người cha đang phải chờ thi hành án tử hình đã viết thư gửi cô con gái nhỏ của mình với những lời thống thiết: "Bố ân hận vì đã gây nên tội ác, phải chịu hình phạt tử hình, làm ảnh hưởng đến con gái của bố. Con gái ở lại hãy cố gắng học cho giỏi để sau này trở thành bác sĩ cứu bệnh cho đời, nghe con. Vĩnh biệt con...". Lại có những tử tù trong phòng biệt giam đã tỉ mẩn tước, chuốt từng sợi trong bao mì tôm, bao gói kẹo bện thành ông địa, chiếc lộc bình, con rồng, con công thật đẹp; hoặc sử dụng bánh xà bông nặn thành hình quả bầu, quả bí, con tôm sắc sảo... để tặng lại trại trước khi vĩnh biệt cuộc đời.
"Nhân văn nhưng phải đúng luật. Sai là phải trả giá ngay"- Thượng tá Nguyễn Văn Đang cho biết. Chính vì vậy việc giáo dục tư tưởng, tác phong, đạo đức, ý thức kỷ luật cho cán bộ chiến sĩ là việc lãnh đạo trại phải làm thường xuyên. Phải làm việc trong môi trường có độ rủi ro quá cao, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra việc phạm nhân trốn trại hoặc tự sát, hoặc gây thương tích... nên nếu cán bộ, chiến sĩ có sự tự giác trong công việc, ý thức tổ chức kỷ luật tốt thì sẽ trưởng thành, còn ngược lại thì phải trả giá bằng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Cũng ở nơi đây, các anh chị có rất ít bạn bè đến thăm, bởi "chẳng ai lại muốn vào trại giam thăm bạn cả..."- Nguyễn Văn Đang cười, chia sẻ.
*
Để kết thúc bài viết này, xin trích bốn câu thơ tôi viết năm 1985, về ngành công an nhân dân :
"Lặng lẽ nhất trong những nghề lặng lẽ
Gian truân nhất trong những nghề gian truân
Mấy ai hiểu được một nghề như thế
Khi cuộc đời bình yên những mùa xuân?".

                                                                    Buôn Ma Thuột, 23.6.2017
               


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI