Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 Tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH






MỘT NGÀY
Truyện ngắn



Người dân của thị trấn chỉ có hai tư giờ ký ức.
Cách đây hai trăm năm, không rõ vì lí do gì mà cư dân bị xoá hết trí nhớ theo đúng nghĩa đen của nó. Họ tỉnh dậy trong màn đêm u tối. Trăng chạy trốn khỏi bầu trời, chỉ còn lại những mây mù khuất, những tiếng cú rúc lên nghe gai người.
Cứ vậy, họ lần mò ra khỏi nhà, họ nhìn nhau, chẳng biết hàng xóm của mình là ai, thậm chí quên mất tên mình là gì, đứa trẻ đang ngủ trong nôi kia là con ai. Và hơn hết, họ đang ở đâu? Tất cả đều đang mong đây chỉ là một giấc mơ. Nhưng hiềm nỗi, họ phải chung sống với giấc mơ này cho tới rốt đời. Mọi chuyện như thuở sơ khai, họ là những sinh vật mới thành hình bước ra khỏi hang đá, đối diện với thế giới.
Vậy đấy, tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Bỗng một ngày, chúa trời bảo rằng tất cả phải quên sạch ký ức đi, để có thể sống tốt đẹp hơn. Thị trấn này là thí nghiệm đầu tiên, sau đó ta sẽ xoá ký ức của toàn nhân loại. Nếu thế, không còn lo về ngày mai, không còn tư tưởng đối lập, không còn chiến tranh chém giết, tất cả tội lỗi của loài người được rửa sạch và trận đại hồng thuỷ tiếp theo sẽ chẳng phải quét tới một lần nữa.
***
Ban mai, nắng phủ lên các mái nhà âm ẩm nhám nước. Trận mưa đêm qua quả thực đáng kinh hoàng, người ta còn tưởng mực nước sông Quên có thể cuốn trôi toàn bộ kiến trúc, dân cư và gia súc, hoa màu. Vậy mà sáng nay thôi, thảy đều hoan hỉ bước ra khỏi nhà, nhìn đường phố sạch sẽ một cách bất thường và chăm chú đọc lại các trang nhật ký đã ghi lại vào đêm qua.
Tôi có một cách khác hơn, ấy là đọc báo. Mỗi sáng, người ta sẽ đưa tới cho tôi mười tờ báo, một tờ do nội bộ thị trấn phát hành, còn lại là báo an ninh vũ trụ, báo thời sự trong nước, báo văn nghệ, tạp chí thời trang. Tất thảy là nguồn thông tin cần thiết cho cái sự quên ở đây, tôi biết được hầu hết tình hình mọi nơi mà chẳng phải ghi chép quá nhiều. Trong cuốn nhật ký, tôi chỉ chép các cảm xúc, người ta dễ dàng quên đi cảm giác yêu thương, đau khổ, tuyệt vọng nếu như không có ký ức. Có thể đây là một đặc ân chăng? Tôi nằm xuống ghế mây, giở báo ra đọc. Ngoài kia, ánh nắng ngập tràn và mấy con se sẻ bắt đầu sa xuống để kiếm ăn. Tôi bóp vụn mẩu bánh mì rải ra trước thềm, quan sát chúng nghiêng nghiêng cái đầu nhỏ bé với tâm trạng vui vui.
Tôi gác tay lên trán toan đánh một giấc. Mỗi ngày của mọi người trong thị trấn đều hối hả, ai cũng sợ trải nghiệm không đủ để ghi chép lại, sợ vuột mất những kỷ niệm.
Chính vì không có những cảm xúc trường cửu nên đã lâu lắm rồi, thị trấn của chúng tôi không xuất hiện một nhà văn, nhà thơ nào nữa, đến ca sĩ cũng hiếm khi xuất hiện, cho dù có thì cũng nhại lại nơi khác mà thôi. Các bài hát dần chìm vào quên lãng, mọi người chỉ chăm chăm đối thoại với nhau, học đi học lại bảng chữ cái vì sợ mình sẽ quên mất khả năng đọc, viết, nói chuyện, sợ rằng sẽ trở lại thời thuỷ nguyên ban sơ hỗn loạn.
Tình hình Trung Đông bất ổn, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, diễn viên A cướp chồng của bạn thân, người mẫu B đi đôi giày hai tỷ… Chà, các toà soạn mấy tuần qua chỉ chăm chăm vào mấy tin tức như vậy thôi sao? Tôi quăng tờ báo trên tay xuống.
Lớp vỏ của thị trấn là một rừng bách xanh ken dày, che kín hầu hết lối ra lối vào, chỉ giữ lại một đường lớn để đưa giấy và các vật dụng cần thiết tới. Ngay cả việc người dân chỉ có ký ức một ngày cũng được giấu kín nhằm tránh khỏi sự rình rập của thế giới bên ngoài.
Khi không thể giữ cho bản thân khỏi tổn thương vì không có ký ức, chúng tôi phải đề phòng cả đồng loại. Tôi ngồi dậy và quyết định ra khỏi nhà. Bây giờ là chín giờ sáng, tôi còn mười lăm tiếng để ghi chép lại sự kiện hôm nay.
Phía đông có một quả đồi nhỏ mọc đầy cỏ may và các loại hoa dại. Nhưng sự đẹp đẽ ấy chẳng hề được lưu giữ lại quá lâu. Cầm tờ giấy chép về nó, tôi lần theo đường chỉ dẫn, đọc lại hình ảnh, mùi hương của những đoá hoa, đọc lại cảm xúc của mình. Cứ vậy mà bước đi, ánh nắng dìu dịu. Thốt nhiên, trong khoảnh khắc này tôi cảm thấy mình thật bất hạnh khi chẳng thể lưu lại cảm giác hạnh phúc bây giờ quá lâu, tôi không dám lập gia đình, không dám nói chuyện với ai quá nhiều, tôi ném mình ra khỏi hối hả của thị trấn.
- Một ngày thật đẹp nhỉ? - Trên đường đi, tôi bắt gặp một người phụ nữ đang đi ngược lại về phía mình, cô lên tiếng.
- Vâng - Tôi gật đầu - Một ngày đẹp trời để đi dạo.
Người phụ nữ nhoẻn miệng cười, đấy chỉ là một câu nói xã giao mà thôi. Chúng tôi chẳng nhớ được về ai. Tôi chỉ nhớ về một đoá hoa cúc màu tím… Khoan đã! Tôi giật mình, đứng sững lại. Vội vàng giở sổ tay ra, hoạ lên đó hình đoá hoa vừa thành hình trong ký ức. Đây cánh tròn mềm như lụa, đây cánh non màu phớt chửa thành hình, đây cánh bị gió dập mưa vùi cùng toả ra từ một nhị nắng. Tôi choáng váng. Không thể nào có chuyện này được. Tôi lại nhớ hình ảnh của một đoá hoa ư? Mà đoá hoa này lại thuộc về quá khứ? Có lẽ lúc nãy tôi đã đi lướt qua một đoá nào đó rồi nhớ lại trong vô thức? Phải rồi. Thẫn thờ gập sổ lại, tôi chẳng thể có ký ức.
Sổ ghi chép thứ ba, trang thứ năm đã có từ “Thẫn thờ”, “thất vọng”. Vậy là chẳng cần thêm thắt gì nữa, tôi xốc lại tinh thần và tiến về phía ngọn đồi.
***
Hương thơm rót tràn, vòm không vời vợi.
Trong bụi cây xanh thấp kia điểm vài đốm lửa nhỏ. Tôi lại giở sổ - cuốn thứ hai - mục cây cỏ, xung quanh là các gốc xoan, gốc dẻ, bụi “lửa” nọ có tên “mâm xôi”, trái ăn được. Tôi hái đầy một vốc quả chín, ngồi xoãi xuống cỏ, ngồi ngắm cảnh phía xa và nhấm nháp vật phẩm chua ngọt mọng đỏ này.
Chúng tôi phải học rất nhiều mỗi ngày, nếu dừng lại thì sẽ chẳng thể tồn tại được trước thiên nhiên ngồn ngộn. Đã từng muốn tự sát, để thôi phải sống trong cảnh khổ đau này, song tôi lại thường bị thiên nhiên quyến rũ, bảo rằng “thôi, hãy để đến ngày mai”, con người ta ai cũng nghĩ mình có ngày mai. Ngày mai của chúng tôi là trắng xoá, là gãy đứt, là không còn gì, là điểm khởi đầu.
- Xin lỗi…
Chợt, một giọng nói trong vắt rót vào tai. Tôi hơi giật mình ngẩng đầu lên. Trước mắt, nơi ánh nắng chiếu vào, nổi bật trên nền xanh của trời của thảo mộc là hình ảnh của một thiếu nữ mặc chiếc váy xoè trắng có hoạ tiết hoa cỏ đồng nội, làn da nàng hồng hào và vẻ đẹp của nàng có thể khiến cho bất kỳ ai cũng phải say đắm. Tôi không hề khoa trương hay thêm thắt, tôi đã lược bớt nhiều từ bởi tôi đâu thể nhớ ra được những từ đó. Nàng đẹp, đẹp đến mức tôi tưởng như nàng chẳng có thật.
- Xin lỗi - Thiếu nữ thấy tôi ngây người ra, bèn ngại ngùng nói thêm một câu nữa - Anh có thể cho tôi mượn một cây bút được không?
Vật bất ly thân của chúng tôi chính là giấy và bút. Trớ trêu thay, điều này lại chẳng sinh ra được nhà văn, nhà thơ nào. Tôi trấn định trái tim đang đập thình thịch, bảo:
- Vâng, đây, cô cầm lấy.
Nàng nhoẻn miệng cười, để lộ má lúm đồng tiền nơi khoé môi và đôi mắt đen huyền ấy cứ lấp lánh sáng lên mãi, tựa hồ ức vạn vì sao… Tôi có thể tưởng tượng ra cả một bầu trời như vậy, cho dù đêm tối có là vĩnh hằng thì tinh tú luôn khiến nó trở nên rực rỡ. Tôi thót mình, sống lưng buốt lạnh. Tại sao tôi có thể nhớ được cả bầu trời đầy sao? Tại sao tôi lại có thể hình dung rõ được nó? Thiếu nữ thấy tôi tái mặt, vội đón lấy cây bút, sốt sắng:
- Anh có sao không?
Tôi tỉnh lại, cười gượng:
- Không, tôi không sao.
- Chà, cảnh vật và thời tiết hôm nay đáng để hoạ một bài thơ ngắn hoặc một đoạn văn lắm.
Thiếu nữ nói xong, ngồi xuống cạnh tôi. Chiếc váy trắng xoè toả lấm tấm hoa cỏ may. Nàng giở cuốn sổ tay bọc bìa da màu đỏ, bên trong ép bông hoa khô nay đã biến sắc chỉ còn màu nâu trơ trọi. Tôi chăm chú quan sát. Nàng ngẫm nghĩ, đôi khi lại cười nụ, cuối cùng hí hoáy viết lên trên giấy những dòng chữ dày đặc. Chữ nàng đẹp, nét thanh tròn và hơi nghiêng nghiêng, nom như hàng liễu rủ. Cũng như nàng, tôi chẳng để mình rảnh rỗi bèn ghi chép lại sự việc hôm nay, miêu tả và kể về cảm xúc của mình.
- Tặng anh - Nàng viết xong, xé tờ giấy đó và đưa cho tôi.
- Sao lại tặng tôi?
- Đây là một bài thơ.
- Thơ ư?
- Đúng vậy, tôi muốn trở thành một nhà thơ! – Nàng khẳng định.
Tôi bật cười:
- Chúng ta chỉ có một ngày ký ức, một ngày cảm xúc, thậm chí một ngày để sống. Cô làm thơ thì ngày mai cô cũng sẽ quên đi thôi. Chắc cô cũng biết rằng hai trăm năm qua, thị trấn chúng ta không hề có nhà thơ, nhà văn.
Thiếu nữ vẫn cười, một sợi tóc mai nương theo làn gió, vấn vít vào đôi môi hồng của nàng.
Thiếu nữ thì thầm, tuồng như tự nhủ mà cũng như chế giễu:
- Nếu như chỉ vì có một ngày ký ức mà bỏ quên rung cảm của mình thì còn ý nghĩa gì nữa?
Chúng tôi còn là con người vì chúng tôi biết nói chuyện. Còn là con người vì chúng tôi biết nghĩ. Còn là con người vì chúng tôi biết buồn bực, đau khổ, sợ hãi và vui mừng. Song nếu như thiếu thơ văn và tiếng hát, liệu chúng tôi còn là con người không? Nếu như một ngày kia, thảy thôi có nhu cầu đối thoại, ghi chép, khép kín cánh rừng thì chúng tôi còn là con người không?
Sổ ghi chép thứ tư, bài báo “Vì sao người ta ít đọc sách” có một ý kiến thế này: “Cho dù không có thơ, tiểu thuyết, chúng ta vẫn sống tốt”, ý kiến này có lẽ đúng. Vẫn sẽ sống thôi, con người ấy, song sẽ nghèo nàn hơn và độc ác hơn, dã man hơn. Có lẽ loài người sẽ bị đẩy về thời chẳng có nhân tính, bước đến vực thẳm diệt vong. Nguy cơ của thị trấn chúng tôi đang ở ngay trước mắt, nhưng tôi có thể làm được gì khi nỗi tuyệt vọng này sẽ biến mất vào ngày mai, hình ảnh thiếu nữ cũng thế - hoạ may tìm được trong những ghi chép rời rạc mà thôi.
Cơn gió thốc ngang đưa những ngọn cỏ may vươn lên trời cao, tán loạn thành cơn lốc xoáy nhỏ làm tôi cay mắt. Ngẩng đầu lên, thiếu nữ đã biến mất, trong tay tôi chỉ còn lưu lại mảnh giấy viết bài thơ. Bên trong đó ghi lại cảnh vật, các đoá hoa đẹp đẽ thanh tân. Tôi ngửi thấy cả mùi hoa cỏ, mùi hương của dòng nước suối thanh khiết chảy qua rừng… Lại một điểm sáng trong ký ức! Tôi lại giật mình. Cuộc đời tôi đã giật mình bao nhiêu lần vì những điểm sáng này? Tại sao chúng xuất hiện, tại sao chúng quấy nhiễu cuộc đời của kẻ chỉ có một ngày?
Ngày mai, tôi sẽ quên bài thơ này, và thiếu nữ nữa. Nàng đẹp biết chừng nào, vẻ đẹp buốt tâm hồn khiến người ta không dám nhìn thẳng.
Ngày mai, tôi sẽ quên…
***
- Cậu là con trai tôi nhỉ?
Trên đường về nhà, tôi bỗng bắt gặp một bà lão. Bà hấp háy mắt nhìn tấm ảnh trong tay, nhìn tôi và hỏi như vậy. Tôi cũng rút ảnh gia đình trong túi áo ra, quan sát bà, gật đầu bảo:
- Vâng, chào mẹ, là con đây.
Bà mỉm cười, dụi đôi mắt kèm nhèm của mình và khoác lấy tay tôi, bảo:
- Mẹ nấu cơm rồi, về nhà ăn thôi.
Tôi gật đầu. Hai mẹ con cùng tiến về trung tâm thị trấn. Đồng hồ điểm 11 giờ 30 phút, có nghĩa rằng tôi chỉ còn mười hai tiếng nữa thôi. Ngày mai, tôi sẽ quên. Bài thơ trong túi áo vẫn còn hơi ấm, tuồng có cả tiếng trái tim đang đập. Trái tim, hình ảnh ngậm máu nóng hổi ngồn ngộn sinh mệnh của nó đang hiện dần lên trong não, tôi vẫn chưa quen với việc này. Trái tim có bốn ngăn. Bởi hôm nay tôi chưa hề đọc lại mục “các bộ phận trong cơ thể người” nên trái tim chẳng thể nào có bốn ngăn được đúng không? Tôi lại đang suy diễn rồi.
- Con sao thế? Trông con xanh lắm! - Mẹ tôi chau mày.
- Mẹ này, mẹ nghĩ sao nếu như con viết tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết về thị trấn mình?
Tôi buột miệng hỏi khi bà tra chìa khoá vào ổ. Mẹ thảng thốt quay lại nhìn tôi rồi bật cười:
- Nếu con viết hôm nay thì ngày mai con sẽ quên, tiểu thuyết, chà sáng nay ta mới đọc lại định nghĩa về nó. Đôi khi con phải mất cả đời để viết nó, nhưng ở đây, con chỉ có một ngày.
Tôi lắc lắc đầu thở dài. Mẹ tôi đẩy cửa. Cả hai cùng bước vào trong. Vầng dương vẫn thôi chưa tắt nhưng trước mắt chỉ thấy bóng đêm thâm u hun hút. Tôi bỗng nhiên nhớ về thiếu nữ, nàng quả thực giống như ánh nắng. Chỉ là sức của một người có thể xua hết đêm đen hay không?
Mùi thơm từ nồi canh toả ra kích thích cơn đói. Mẹ tôi có vẻ nghe thấy tiếng dạ dày của con trai mình đang réo sùng sục thì nhoẻn miệng cười dịu dàng. Tôi vội ghi mấy dòng vào sổ tay: “Làm mẹ là bản năng của người phụ nữ, dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, chỉ cần chảy chung một dòng máu thì bà luôn yêu thương bạn trong vô thức.”
Ngồi vào bàn, chúng tôi cặm cụi ăn, không nói với nhau câu nào. Suy cho cùng thì có chuyện gì để nói đây? Mẹ tôi không lấy chồng, bà có tôi sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bố - người mà tôi chẳng hề biết mặt, mẹ tôi không nhớ ông là ai - mà tôi cũng chẳng hay nó có đúng nghĩa một cuộc tình bởi người ta chẳng thể yêu ai chỉ trong một ngày cả. Mẹ ít nhắc về điều này dù tôi biết bà có chép nó vào nhật ký. Có thể cuộc tình ngắn làm bà đau khổ, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ rằng mọi chuyện bị xoá sạch vào ngày tiếp theo chẳng hề tệ như mình vẫn tưởng, các nỗi đau nên bị xoá đi chứ, người ta sống với nỗi đau để làm gì?
Bỗng, mẹ lên tiếng:
- Con làm gì sáng nay?
- Con đi dạo, thời tiết đẹp mà.
Mẹ tôi lại cười:
- Về ý định viết tiểu thuyết, mẹ nghĩ con viết cũng được.
- Con chỉ buột miệng nói thế thôi, con không có ký ức…
Mẹ ngắt lời và nhìn tôi trìu mến:
- Con có những cuốn sổ.
- Vẫn không được.
Mẹ tôi thở dài, nhìn tôi và trong mắt hiện lên đôi nét thương hại. Bài thơ của thiếu nữ đang sưởi ấm ngực tôi. Một ngày là quá ngắn để làm được điều gì đó.
***
Nói về mình, tôi cũng có một công việc, nhưng vì hôm nay là chủ nhật nên tôi được nghỉ ở nhà. Tôi làm tại phòng giám sát của uỷ ban nhân dân, làm bàn giấy nên đôi lúc thời gian bị ném qua cửa sổ mà chẳng biết làm cách nào để giữ lại. Nghe nói mỗi đời chủ tịch lên thay nhau đều khá tần phiền, bởi vì thị trấn tôi biệt lập và cũng không muốn để ai nắm được điểm yếu nên toàn bộ các quan chức trong vùng đều là dân bản địa.
Kể từ khi định mệnh ác nghiệt ập đến, người đứng đầu đã đề ra một yêu cầu, đấy là mỗi gia đình đều phải viết nhật ký hằng ngày, sau đó dán lên cửa chính, phải ghi thật chi tiết kể cả cảm xúc của mình. Cách này tuy rằng hơi rắc rối nhưng cũng thu lại hiệu quả, thị trấn trở thành nơi tiêu thụ giấy mực lớn nhất tỉnh. Hễ trong tỉnh có mười xe giấy trắng thô được chở ra ngoài thì có tới tám xe là đi tới thị trấn. Ai ai cũng có hàng chồng sổ tay các loại.
Bỗng nhiên, kế hoạch của chúa trời bị phá sản. Hiềm nỗi, đôi khi tôi phân vân, liệu những thứ được lưu giữ trên giấy trắng mực đen mà không có chút tình cảm nào của người viết ra thì có trường tồn? Đồng nghiệp như những cái bóng, ra ra vào vào theo đúng nhiệm vụ của mình, khi rỗi việc, mọi người đều ưa nhìn ra ngoài cửa sổ và ngắm bầu trời, ngóng thời gian trôi, một ngày kết thúc. Hôm sau, quá trình làm quen lại bắt đầu, guồng quay của hôm trước lại tiếp diễn. Làn da mọi người đổi sang trắng xanh, cơ hồ chuẩn bị biến mất vậy.
Thị trấn đang đứng bên bờ vực.
 Bữa trưa kết thúc, tôi nằm trên chiếc ghế mây, ngắm giàn hoa giấy đang nở. Sực nhớ bài thơ, tôi lại giở ra xem. Bài thơ chứa cả hình bóng thiếu nữ, đẹp rợn người. Chỉ là, khi sục tay vào túi thì nó đã không cánh mà bay. Tôi hoảng hồn bật dậy, lần khắp người, rồi chạy vào trong để tìm chiếc áo mà mình mặc sáng nay.
Bài thơ mất tích rồi.
Tôi thừ người ngồi xuống sàn đá hoa lạnh. Trong đầu tự hình thành các liên kết để gắng nhớ xem bản thân đã đánh rơi nó ở đâu. Toàn bộ quãng đường lên đồi, vẻ đẹp và gương mặt thiếu nữ, giọng nói của nàng, câu nói của nàng, hình ảnh đoá cúc tím, hình ảnh ánh mặt trời, vì sao, mẹ, con đường trở về, bữa ăn trong bếp,… Tất cả và tất cả, chẳng thể thấy được manh mối. Có lẽ nó vẫn còn ở trên đường.
Bài thơ mất tích rồi.
Tôi phải lên đường tìm nó. Hiện đã là ba giờ chiều, tôi chỉ còn chín tiếng nữa thôi.
***
Chợ chiều, tiếng lái buôn vang lanh lảnh, giòn giã, người người qua lại chen nhau mua bán tự dệt nên buổi chiều tấp nập. Các nụ cười gượng gạo, các lời nói sáo rỗng, thị trấn chúng tôi chừng như không có thực.
Bài thơ đang ở đâu?
Có vụ xô xát nào đang xảy ra. Tay thanh niên trẻ măng đang nắm cổ một ông già, nhấc lên và rủa xả:
- Sao lão dám đâm vào bố?
Loạn rồi, loạn thực rồi. Tôi chen qua dòng người. Lại chợt nhớ ra hai người kia hình như là bố con thì phải, họ sống cạnh nhà tôi, thi thoảng có chí choé cãi nhau. Cậu con trai lêu lổng cả ngày, còn ông bố thì trồng rau trồng đậu để kiếm tiền sống cho qua tháng đoạn năm. Gia đình họ chỉ còn hai bố con nương tựa vào nhau để mà sống.
Nhưng, sao tôi lại biết được chuyện này? Liệu có phải tác dụng của Caféin chăng? Lắc lắc đầu, tôi bỏ đi, tôi lại đang suy diễn. Sao hôm nay tình trạng này lại xảy ra với tôi nhỉ?
Tôi đang đi tìm bài thơ.
Nếu có thể, tôi sẽ cho mọi người biết đó là bài thơ hay nhất mà mình từng đọc, bài thơ đến từ thị trấn của những kẻ chỉ có một ngày ký ức.
Lách được khỏi khu chợ, tôi tìm lại con đường đến quả đồi phía đông. Có vẻ tôi đã đánh rơi nó khi đang trên đường về nhà. Tôi nhớ nội dung bài thơ, tôi có thể chép lại, nhưng những dòng chữ của tôi khác dòng chữ của thiếu nữ ấy. Chữ tôi sổ ngang dọc quằn quại đau đớn, chữ của nàng thì khác, đẹp và tươi. Có lẽ việc viết lách đã cứu rỗi nàng chăng?
Đồng hồ điểm chín giờ tối, tôi chỉ còn ba tiếng mà thôi.
Tìm làm gì nữa đây?
Bóng đêm đã phủ dày trên các ngõ phố, các lùm cây, các khu vườn. Bây giờ mới tới thời điểm hội họp, thị trấn sáng đèn rực như ban ngày. Các vũ công thay quần áo tiến về phía sân vận động để nhảy múa, các bài ca du nhập từ nơi khác được nhại lại, đám trẻ đi xem kéo thành từng đoàn người, gặp gỡ và trò chuyện như chưa từng quen biết dù biết đâu đấy, hôm qua họ từng đi cùng trên một tuyến đường, từng giúp đỡ lẫn nhau? Cuộc sống của người trong thị trấn đều mơ hồ, chẳng cách nào tỏ tường nổi.
Tôi nằm vật trên trảng cỏ may, nhìn về phía vũ hội. Muôn vạn vì sao trên nền trời toả sáng quần tụ quanh mặt trăng rằm tròn vành vạnh. Đẹp quá. Vẻ đẹp không hề giả trá. Tôi lại tưởng hôm nay là ngày rằm nữa rồi. Có phải vì chỉ có một ngày nên trí não hoạt động quá mức gây ra chứng hoang tưởng chăng?
“Ngày mai, mình sẽ viết tiểu thuyết về những người chỉ có một ngày ký ức” - Tôi lật sổ, ghi điều này vào trang tiếp theo với nét chữ đậm.
Sẽ ra sao nếu không có ký ức? – Đó là câu thơ đầu tiên trong bài thơ của thiếu nữ.
Tôi chợt biết, tình cảm của mình dành cho nàng là gì. Cảm giác khi yêu ai đó khi mới gặp lần đầu là gì. Bỗng nhiên, tôi thấu hiểu mẹ. Có lẽ bà đã từng như tôi, gặp được một người đàn ông đủ để khiến bản thân say đắm và trao gửi cả đời dầu biết cả đời của mình là vô khối sự quên.
Bài thơ mất tích rồi.
Ngày mai tôi sẽ không còn nhớ.
Bài thơ và thiếu nữ.
Hương cỏ xanh thanh thanh lùa vào ngực, vào môi, vào mắt. Tôi ngủ thiếp đi. Chẳng còn gì để mất.
Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu, lúc tỉnh lại thì đã thấy bản thân nằm trên cỏ. Một con cún con lạc đường đi ngang qua, ngó nghiêng nhìn kẻ lạ mặt. Đầu tôi đau buốt tựa có hàng triệu con giòi đang gặm nhấm phần não mềm bên trong. Sao tôi lại biết điều này? Hôm qua, tôi đã ngủ quên. Tôi có một bài thơ bị đánh mất. Sao tôi lại biết điều này?
Nỗi hoang mang tràn trề dồn nặng xuống. Tôi có thể nhớ được các việc mà mình đã làm hôm qua, hôm kia, mười năm trước, hai mươi năm trước. Ngay lúc này, tất cả ập tới như trăm vạn mũi đao sắc tấn công liên tiếp. Tôi bị thương bởi ký ức, cảm thấy trái tim mệt mỏi muốn ngừng đập. Trước mắt trắng xoá, tôi ngã lăn ra đất và mất ý thức.
Thiếu nữ ấy có lẽ cũng biết điều này.
Bỗng nhiên, tôi mất hoàn toàn tình cảm với nàng.
Tự đánh lừa mình, tự dối người.
Ông trời đã thắng trong trò chơi khăm này hẳn đang đang hả hê lắm.
Khi đầu óc tỉnh táo trở lại, tôi mở mắt, phía trên là bầu trời thăm thẳm cao. Trời muôn đời cao. Ánh nắng tãi vụn. Tôi gượng ngồi dậy hít đầy một bầu không khí. Tôi cũng có một bài thơ bị đánh mất, một cuộc đời bị đánh mất.
Bây giờ, tôi sẽ trở về và tìm lại nó.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI