Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 296 - THÁNG 4 NĂM 2017 - tác giả NGUYỄN NGỌC PHÚ




NGƯỜI CỦA BIỂN…
                                    
    Truyện ngắn



Người làng kể lại rằng:  Ông Ngư là kết quả của cuộc tình vụng trộm của một anh ngư dân xóm Vạn Chài với cô hàng buôn nước mắm. Làng tôi nổi tiếng về nghề làm nước mắm. Cái thứ nước mắm màu cánh gián, sóng sánh như mật ong được nấu từ mắm muối cá cơm: Loại cá cơm tươi ròng da thịt còn anh ánh cái màu lân tinh nước biển có một cái sọc trắng kéo dài dọc thân được đánh bằng lưới 10. Ghe, thuyền của dân Cửa Bạng, Lạch Quèn đổ về nườm nượp. Láng sệt mùi nước mắm. Nhưng cũng lạ thật, các cô gái buôn thứ hàng này có nước da thật trắng, giọng nói thật duyên. Và đặc biệt mái tóc, trời ơi, mái tóc thật dài. Hình như nước mắm tinh khiết đã làm thay da, đổi thịt, làm tóc xanh lại, làm răng trắng ra, làm con mắt ướt át, đa tình hơn. Các cô gái có một bí quyết mồi chài quyến rũ dân Vạn Chài bằng cách sau khi mua bán ngã giá xong, họ mời các trai làng lên thuyền uống rượu nếp ủ hương thơm nức, uống bằng bát gốm Bát Tràng có in hình cánh buồm, mỏ neo, con thuyền lướt sóng, nhìn đã thấy sóng sánh cả mặt. Sau một chầu rượu ngà ngà say, các cô bưng ra những đĩa bánh cuốn tráng rất mỏng cuộn trong đó: Mộc nhĩ, nấm hương, thịt nạc băm trộn với ruột tôm càng và được chấm bằng nước mắm họ mới mua, nhưng chỉ thêm vào một thứ gia vị đặc biệt được đựng trong một ống thủy tinh nhỏ, chỉ vài giọt thôi mà thơm nức, mà nhớ đời, ăn đến đâu thầm đường gân, thớ thịt đến đó. Về sau dân Vạn Chài mới biết cái nước thần kỳ diệu đó là tinh dầu cà cuống. Các trai làng quen ăn sóng, nói gió bỗng trở nên rụt rè, vụng về trước món khoái khẩu này. Dạo ấy bão to thuyền buôn phải nằm lại. Dân Vạn Chài rỗi việc, suốt ngày mui thuyền kéo kín. Con thuyền nhỏ cứ lắc lư, lắc lư theo cái nhịp điệu không phải là của sóng, của gió mà là những cuộc giao hoan cho bõ những ngày ăn đứng, ngủ ngồi hõm mắt rình rập với con mực ngoài khơi. Cô gái xứ Thanh phải lòng anh trai xứ Nghệ và bẵng đi một thời gian khi thuyền buôn quay lại thì cô gái choáng váng khi biết tin bố của đứa bé đang nằm trong bụng mình sắp đến ngày sinh mà cô cố buộc thật chặt giải chiếc yếm sồi với chiếc quần vải thâm do dân Đồng Môn dệt nhuộm bùn đã chết biển. Chết không tìm được xác; chết biển tội lắm: Chim tha, cá rỉa. Cô như người mất hồn đếm lẫn cả tiền mua tháo, bán tháo cho xong rồi một mình bơi cái thuyền thúng tròng trành sang dãy nũi Nam Giới trèo lên cái khe Hao Hao nước trong vắt tìm lại cái tảng đá phẳng như chiêc phản gỗ mà thiên nhiên đã kê rất đẹp. Người xưa bảo đây là bàn cờ tiên khuất sau hai hòn đá chồng lên nhau thật trớ trêu, chênh vênh gọi là đá ông, đá bà. Chính tại đây họ đã dìu nhau lên tột đỉnh của khoái lạc sau khi khỏa thân tắm nước khe mát rượi và nướng cho nhau ăn những con cua lột vỏ bắt trong hốc đá. Lúc mấp mé bên vực sau của hụt hẫng bỗng chàng trai hít hít mái tóc dài buông xõa của cô gái khẽ thốt lên: lá sả! trời ơi, mùi lá sả! Họ mệt lả nằm bên nhau thở dốc...
Cô gái thẫn thờ lấy hai bàn tay vuốt nhẹ mép đá, mặt đá cứ ngỡ đó là da thịt của chàng trai, còn ủ hơi người. Đêm đó cô không trở về xóm Vạn Chài mà cứ ngồi đăm đăm nhìn ra biển. Những đám mây cuộn lên mang dáng chàng trai ngư dân lực lưỡng phút chốc tan ra thành hình con cá mập và cuối cùng đùn lên nấm mộ bông như một bông hoa cúc trắng. Gần sáng cô trở dạ:   đứa bé đỏ hỏn được bọc trong miếng vải buồm mà chàng trai xé tặng cô ngày chia tay. Nhúm rau cô ném xuống biển như muốn báo tin cho chàng trai biết: Con của anh đã ra đời - một chàng trai biển hẳn hoi. Trưa, chiếc thuyền của bố cô rúc tù và, kéo buồm báo cho đám thủy thủ say rượu trên làng xuống thuyền. Cô vội vã giấu đứa bé vào bên bụi rậm gần khe đá rồi xuống chiếc thuyền thúng cứ để cho nó buông trôi. Cô mệt lả, bầu vú căng nhưng nhức. Chiếc thuyền của cha cô vớt cô lên và dong thẳng một mạch về Thanh...
Đứa bé được một chiếc thuyền câu sang lấy nước ngọt đem về nuôi. Cứ thế nó lớn dần lên bằng tất cả các bầu vú sữa của đám đàn bà xóm Vạn Chài đang nuôi con nhỏ. Cái xóm Vạn Chài lạ thật; nghe nói ngày xưa họ là dân bộ Lô, bộ Chính dạt từ Quảng Bình ra. Cứ thế họ sinh sôi nảy nở, thuyền đẻ ra thuyền. Những đứa bé bò lổm ngổm trên thuyền như cua, đứa nọ cao hơn đứa kia nửa cái đầu. Chúng được nuôi trên sóng với gan cá nhám cho mắt sáng ra để nhìn tinh luồng cá. Họ ít khi lên bờ, mua bán gì cũng kẻ trên thuyền, người dưới biển chủ yếu bằng phương thức đổi. Bắp chân họ teo lại nhưng bắp tay và lồng ngực thì cuộn lên như những mũi neo. Đặc biệt là đôi mắt nhìn cứ nheo nheo xuyên thủng cả mây núi, sương gió để nhận sao, đoán sóng tìm về cửa lạch không cần la bàn. Và cái tai thật thính nghe được tiếng thở của cá để đoán biết bầy đàn đang đi là loại cá gì. Lên bờ, họ đi như chạy, người dúi về phía trước, hai tay bơi bơi. Thằng bé được xóm Vạn Chài nhận làm con nuôi chung và đặt tên là thằng Ngư, được cái nó thấm cái gien của anh trai làng kia nên nhanh chóng trở thành một con sói con - mới 10 tuổi đã được các bậc kỳ cựu cho cầm lái xuôi về không bao giờ nhầm lạch, 15 tuổi đã một mình đứng đầu mũi thuyền dùng cước số 8 để câu cá cờ, có con nặng hàng tạ, cá cờ bén câu là nhảy thẳng đứng lên như mũi tên; người và cá thường phải vật lộn với nhau hàng giờ. Thằng Ngư lì  lợm chưa bao giờ bỏ cuộc. Mưa cũng như nắng, nó chỉ đánh độc chiếc quần đùi may bằng vải buồm, cái mảnh  vải ngày xưa mẹ nó bọc tã lót, vải buồm nhuộm nâu thật bền. Tuổi 18 thằng Ngư tập uống rượu và ăn cá gỏi. Dân Vạn Chài  chọn cá trích tươi làm gỏi, họ lựa lưỡi dao bén ngọt lóc thân cá ra trộn với các thứ gia vị: chanh, tỏi, nước mắm, hạt tiêu, đường. Ăn cá gỏi khỏe người lắm. Họ chữa bệnh đau dạ dày bằng cách moi cái bao tử cá to lấy trong đó những con cá nhỏ có dính đầy nhớt rán lên rắc hạt tiêu nhắm với rượu. Thằng Ngư khoái nhất là khi câu được con đẻn -  một loài rắn biển. Nó cắt tiết hứng ngay vào bát rượu và khéo léo xẻ lưng lấy cái mật bỏ vào. Hai tay nó bưng bát rượu lên ngang tầm mắt lầm rầm câu gì đó và khẽ rót xuống biển một phần thứ rượu pha huyết đẻn sau đó nó tợp luôn một hơi đến cạn; lấy tay chùi mép, cứ thế lùa gần hết một góc mâm cá gỏi vào miệng. 20 tuổi Ngư trở lên thẫn thờ. Nhiều ngày nó tựa vào cột buồm  đăm đăm nhìn những bầy chim kéo đàn tránh bão. Nhìn những đàn cá bạc má lóc bóc búng vây rộ lên như mưa rào. Buồn nhất là khi chiều xuống hải âu từng cặp khàn giọng bay đôi lặn dần vào ráng đỏ cái tổ ấm xa vút vời tầm mắt. Trai, gái xóm Vạn Chài cứ thế khéo đôi, vừa lứa. Ở tuổi Ngư họ đã có một chiếc thuyền câu riêng và một lũ con. 
Một chiều nọ Ngư bỏ chuyến đi biển lên làng xem tuồng. Đội tuồng làng tôi nổi tiếng cả một vùng. Họ bôi mặt, đeo râu, gươm oai vệ. Có anh chắt Hóa người gầy đét, ốm yếu thường đi hôi cá. Nhưng bù lại anh có giọng hát tuyệt vời thường được giao đóng vua. Vua phải độn thêm trong lớp áo những túi giẻ rách cho phồng to lên nom thật oai vệ cũng: "Như ta đây..." xưng danh vung gươm, múa giáo, dân chúng sợ xanh mắt. Khác hẳn với anh chàng nhỏ thó bẽn lẽn như con gái khi xuống thuyền xin cá, xin cũng rất văn nghệ bằng cách anh đặt ra những câu vè đồng dao dạy cho bọn trẻ của xóm Vạn Chài kiểu như:
"Thương vài thằng khố bần
cực vài thằng khố chạc
giọt mưa rơi lác đác
ướt chi được lá môn"
Ngư thường há hốc mồm nuốt chửng những câu vè của anh chắt Hóa và tự mình bịa ra những câu đại loại đúc kết kinh nghiệm đi biển kiểu như: "Tháng bảy, nước chảy lo le" ; "tháng chín, nhịn đi buôn" hay có câu như ca dao nghe thật ai oán: "Tháng ba trong nước em ơi, bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già!". Chiều đó Ngư rủ anh chắt Hóa ra quán rượu của ông cụ Mày nạp "xăng" cho anh. Rượu vào lời ra, anh chắt Hóa như một cái máy nổ đứng lên lượn vài vòng theo tích tuồng "Lưu Bình, Dương Lễ" làm cho Ngư cười lộn cả ruột. Khi anh chắt Hóa lảo đảo đi về phía sân vận động để hóa trang Ngư thấy buồn thui thủi, len lén đi ra phía điếm canh bỏ hoang trong vạt phi lao. Đến gần anh bỗng nghe tiếng khóc rấm rứt, thì ra trong đó có một cô gái đang ngồi khóc sưng cả mắt. Cô gái này là dân chợ huyện, chuyên xuống bán rượu cho dân Vạn Chài. Hễ thấy gánh rượu của cô xuống là đám trai làng vây quanh. Cứ thế tiền trao, rượu múc họ ngồi vừa uống vừa tán tỉnh nhưng không có ai sàm sỡ. Có một người quá chén định giở trò bị đám trai làng vứt xuống biển uống một trận nước căng bụng mới được vớt lên, từ đó sợ khiếp hồn. Cô gái đâm nghiện cái mồ hôi nồng nặc pha vị mặn mòi gió biển của đám trai làng, cả cái giọng nói nằng nặc khê đặc pha đôi chút tiếng lóng. Cô thích xem họ ngà ngà say vừa nghêu ngao bá vai, bá cổ hát các bài vè của anh chắt Hóa đặt. Người say rượu thật hồn nhiên, họ đâm ra cởi mở và thật bụng. Họ luôn giành cho cô những món quà nhỏ: khi là một chiếc vỏ ốc đẹp, mấy con mực khô, vài cặp cá thơởng nướng. Đáp lại cô gái bao giờ cũng bán vừa phải giá, trả lại số tiền thừa mà họ quên, và đôi lúc cũng liếc mắt đa tình. Trong số họ, Ngư là anh chàng cô mến nhất. Khác với những người khác, Ngư có cặp mắt thật buồn, vui đó, buồn đó và pha chút mộng mơ. Anh Ngư ít nói, mà nói có duyên đáo để, nói thật chí lý ví như: "Không ai làm giàu bằng biển cả, làm giàu bằng biển là có tội", hay "Biển ở trong mắt o đó" làm cho cô gái đỏ mặt, rượu sánh ra ngoài ướt cả vạt cát. Chiều đó cô kể cho Ngư chuyện cô mình bị bố mẹ ép lấy một thằng chuyên nghề mổ lợn ở chợ huyện. Thằng đó nhà giàu, mắt lúc nào cũng đỏ kè kè, mặt lì ra như cái phản thịt. Và cứ hễ nhìn nó giơ con dao nhọn hua lên mấy vòng như múa trước khi chọc tiết lợn máu phun ra như cần câu cô đã tái mặt. Cô bỏ làng xuống đây chờ đêm xuống ra biển trẫm mình. Bởi cô biết dân biển có tục lệ thiêng liêng: hễ vớt được ai chết đuối cũng làm ma chay, đình đám đàng hoàng, họ xem như đó là một bổn phận, dịp may để họ làm phúc, nhất là vớt được xác đàn bà.
Ngư lựa lời nói mãi cô gái mới yên tâm chịu cùng anh đi xem tuồng. Khi anh chắt Hóa bước ra sân khấu cả đám đông nhốn nháo lặng phắc nghe anh đọc bài vè mới ứng khẩu chiều nay. Bài vè kể về một người chết biển. Tự nhiên Ngư bưng mặt khóc, khẽ thôi, nhưng cô gái biết. Dòng nước nóng hổi chảy xuống tay cô làm người cô run lên như có một luồng điện chạm vào. Hai người dìu nhau rời khỏi đám đông về cái điếm canh. Họ lót lá phi lao làm ổ. Và trong ánh trăng mờ mờ Ngư lần mở từng miếng vải trên người cô. Đây là lần đầu bàn tay chai sần quen kéo neo, kéo lưới của anh chạm vào da thịt đàn bà mát rượi. Đến lúc khuôn ngực với hai núm vú căng mây mẩy như đôi quả đào tiên lộ ra thì tự nhiên Ngư nhủn người xuống. Gân cốt căng như dây đàn lúc nãy bây giờ nhão ra, bao ham muốn trong anh đang ngùn ngụt dâng lên bỗng tắt lịm đi. Trước mắt anh không phải là một cô gái mà là một người đàn bà. Anh thốt lên như mê sảng: Mẹ ơi! môi anh lướt nhẹ trên khuôn ngực và bập vào núm vú. Anh như một chú cún con ngoan ngoãn trong vòng tay vỗ về của cô gái. Mặc dù cô gái âu yếm bằng mọi cách vẫn không làm cho Ngư nguôi đi được bởi sự ám ảnh về những người đàn bà xóm Vạn Chài cho anh bú thuở xưa. Sự thiếu hụt tình thương người mẹ bỗng trào về day dứt. Họ ôm nhau nằm thiếp đi đến gần sáng lúc gà gáy rộ lên. Xóm Vạn Chài lục đục đã có thuyền về bán cá. Ngư choàng tỉnh dậy và nhận ra bên mình là tấm thân trinh nguyên của cô gái bán rượu mà lâu nay anh vẫn thường nhìn trộm. Bản năng người đàn ông trong Ngư được đánh thức. Anh chồm lên cơ thể cô gái. Sức khỏe cường tráng pha chút hoang dã của Ngư đã tạo ra một cơn bão lốc. Hai xác thịt hút vào nhau đến kiệt cùng. Giống như đôi sam quấn nhau trong mùa hoan lạc mà Ngư thường bắt được cả đôi. Chúng cũng không chịu rời nhau cho đến lúc giội nước nóng vào các cặp chân mới duỗi ra tách rời. Họ nằm lặng bên nhau như biển lắng xuống để chốc lát dông tố bùng lên như gió đổi chiều trong mùa bão.
Ba chục năm sau ở cửa lạch làng tôi có một chàng trai về gác hải đăng. Chàng trai ít khi sang làng. Khi có việc cần mua gạo, củi thì nhờ thuyền bà chắt Hóa. Bà chắt Hóa chính là cô gái bán rượu chợ huyện. Sau đêm gặp nhau Ngư cùng cô gái dạt sang vùng dân làm muối. Họ ở tạm trong góc nhà kho đựng muối. Hàng ngày đi làm thuê cho nhà buôn Phát Đạt -  một ông chủ hãng muối lớn kinh doanh thời đó. Làm muối cực lắm; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Người ta nói: "muối là máu của đất" không sai. Một đêm, sau khi ân ái, cô gái báo tin cho Ngư biết họ sắp có con. Ngư ôm riết cô vào lòng mình khấp khởi mừng. Nhưng rồi càng ngày cô thấy anh càng thẫn thờ. Anh nhớ biển. Anh như con cá bị vứt lên bờ trói chân, trói tay. Anh thèm cái khoảng không bao la của biển. Anh khao khát trở lại xóm Vạn Chài với một ước vọng: góp tiền mua một con thuyền câu đón hai mẹ con cô về ở với mình. Đêm chia tay họ nằm bên nhau không ai nói gì cả. Ngư đưa bàn tay vuốt ve cái bụng phập phồng theo nhịp đập gấp gáp của trái tim cô gái. Anh thầm thì: Chúng mình sẽ có con! Có con! Có con. Nhưng gần đến ngày sinh thì thuyền anh bị bão dạt trôi vào đảo  Hải Nam mấy tháng. Cô gái mỏn mòn chờ trông. Đêm trở dạ, cô yếu lắm. Bà chủ nhà đi nhờ bà mụ ở xóm trên xuống cắt rốn cho đứa bé. Cô gái ngất đi chỉ loáng thoáng nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh và tiếng người nói xôn xao, tiếng giành giật nhau. Mấy ngày sau tỉnh lại thì bên người cô là một khoảng trống không lạnh ngắt. Nhà buôn Phát Đạt đã cho người đến bắt trộm đứa con mới sinh để phạt vợ chồng Ngư không thực hiện đúng hợp đồng làm thuê cho họ. Cô gái như một cái xác không hồn vật vờ quay trở lại xóm Vạn Chài và ngã gục ngay trước chiếc lều của anh chắt Hóa.
    Từ đó anh chắt Hóa bỏ nghề đi hôi cá cùng vợ làm nghề đóng đáy trên sông - dòng sông chảy ra cửa lạch. Từ ngày có ngọn đèn biển, các vụ tai nạn thuyền, bè vào cửa lạch giảm hẳn đi. Có hôm chàng trai lên cơn sốt, bà chắt Hóa bỏ cả đóng đáy lên chăm sóc, bón từng thìa cháo cho anh. Bà rất thương anh khi nghe nói anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Anh tình nguyện về đây gác hải đăng với mong muốn tìm lại người mẹ thưở xưa mà bố nuôi của anh bảo là người làng gần đây…
Sau thoát bão trôi dat sang đảo Hải Nam mấy tháng Ngư trở lại xóm Vạn Chài với một lời nguyền trước biển: không bao giờ lên làng nữa, không bao giờ lấy vợ nữa! không bao giờ! Không bao giờ. Sóng biển lấp đi tiếng gào của anh trong một đêm tối trời…
Ông Ngư thành một con sói biển kỳ cựu nhất xóm Vạn Chài. Chỉ ngửi hơi biển ông đã biết được luồng cá đang chạy ở đâu. Đánh cá như đánh bạc. Có khi cả mẻ cá vào lưới mà kéo lên vẫn trắng tay vì lưới rách hoặc neo đứt. Có những đêm sương mù dày đặc cây rạo bằng tre trồng ở làn nước sâu 25 sải tay cách bờ gần 50 cây số nhưng ông Ngư vẫn cầm lái chém sóng luồn gió ra đi. Ông huy động tất cả các giác quan linh cảm của mình để tìm tạo nhà. Mắt nhìn sao, tai nghe chiều sóng vỗ thuyền, lưỡi nếm mùi gió. Đến lúc ông cho bỏ neo, đám thủy thủ ngơ ngác vì chưa thấy rạo đâu, ông bảo: "Nó đã ở kề đây rồi, sáng mai sạch mù, khắc thấy". Quả nhiên lúc mặt trời lên, sương mù tan thì cây rạo đã kề cạnh. Ông Ngư ngày càng lầm lì, lấy rượu giải khuây. Đến một ngày gân cốt đã mỏi, ông truyền nghề cho đám con trai xóm Vạn Chài, đọc cho họ chép lịch thời tiết trong năm, ví dụ như: Ngày 7/2 là có giỗ nhà cụ Bát là ngày đó có bão cả thuyền nhà ấy chết; thời ấy ít có đài, chủ yếu dựa vào các ngày giỗ để tránh bão.
Gần đến con nước 21 tháng 6 là thời điểm mực ăn nhiều nhất trong năm. Ông Ngư quyết định cho thuyền ra rạo Cồn ở làn nước 18 sải. Ở dưới đáy biển vùng này có một cồn cát sóng lượn bồi đắp lên. Mực đóng ổ xây tổ như con ong. Gặp đêm dông mực ăn nhiều nhưng chỉ rộ lên một lúc như tằm ăn rỗi ở một độ sâu nhất định rồi lặn biệt tăm. Ông Ngư bảo đám trai làng: Muốn câu mực phải có mẹo, ông cha đã bảo: "Mực mẹo" mà!. Có lần thuyền ông Ngư đỗ đúng ổ mực cứ thả bất cứ dây gì xuống vòi mực cũng bám vào và kéo lên hàng chục con. Trong khi đó các thuyền đậu xung quanh chỉ có đứng nhìn và ngủ gật. Của biển là của trời cho, không ai gieo mà gặt.
Đêm đó quả nhiên có dông thật, thuyền lắc lư, chao đảo. Ông Ngư bỏ mồi đầu tiên. Bằng sự nhạy cảm đặc biệt ở da tay, ông giật giật sợi cước và thông báo cho cac thuyền xung quanh biết mực đang ăn ở làn nước sâu 13 sải tay. Riêng ông cứ rình rập mãi với một con mực chúa. Mọi người rộ lên vì mực ăn nhiều nhưng không thấy ông Ngư giật câu. Ông ngồi như một bức tượng, lưng dựa vào tay lái, trước mặt bát rượu đã cạn, hũ rượu còn non nửa. Đến lúc ông thét to: "Ăn rồi". Mọi người đổ xô lại. Quả nhiên trong làn nước trong xanh do ánh đèn măng - sông hắt xuống, một con mực ống sài gần một mét mắc lưỡi câu đang trườn lên mặt nước lừ lừ như một con rắn. Gần đến be thuyền nó phụt ra một luồng mực đen mạch chưa từng thấy vào người ông Ngư bắn tung tóe cả những người đứng cạnh. Ông Ngư lảo đảo, hai mắt tối mù nới lỏng dây câu. Được đà con mực quẫy đuôi trốn thoát. Hai tay ôm mặt, ông Ngư "hực" lên một tiếng và như một cái xác không hồn đổ xuống rũ rượi cạnh hũ rượu và bát lỏng chỏng. Mọi người tản ra mải mê với mực bỗng nghe tiếng rơi bõm, họ quay lại không thấy ông Ngư đâu nữa. Đêm đó tất cả các thuyền trong xóm Vạn Chài quây đi, quây lại như đan lưới vẫn không tìm ra được xác ông Ngư.
Ba ngày sau trời mưa bão, thuyền bè về cả chỉ còn dân đóng đáy trong sông bòn con tôm, con cua thì bỗng nhiên tờ mờ sáng đáy ông chắt Hóa kéo lên thật nặng. Nhưng kéo lên thì trời ơi, một cái xác. Một người đàn ông có mái tóc bạc như cước nằm sấp. Lật người ra ông chắt Hóa rụng rời: đó là ông Ngư. Gương mặt chìm trong nước ba
ngày mà vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống. Ông chắt Hóa hú hồn khấn mãi và lấy rượu miết vào mí mắt vẫn không chịu khép.
Xác ông Ngư được dân xóm Vạn Chài đưa lên bờ cát ngay dưới chân ngọn hải đăng. Chàng trai gác đèn biển nghe tin chạy xuống. Anh thắp một nén hương rẽ đám đông bước lại gần sát ông Ngư. Mọi người sửng sốt kêu lên: từ mũi và mồm của ông Ngư một dòng máu trào ra, anh con trai sững sờ đăm đăm nhìn xác người chết và nén hương trong tay anh bỗng bùng cháy. Anh ôm lấy xác ông Ngư nấc lên: Bố ơi! Khi những giọt nước mắt nóng hổi của anh nhỏ xuống mí mắt của người chết thì bỗng nhiên đôi mắt của ông Ngư từ từ khép lại, đôi môi hình như giật giật nở một nụ cười mãn nguyện…
Sóng vẫn vỗ vào bờ. Bên kia sông có một người đàn bà hai tay chới với và đổ ập xuống bờ cát, mười ngón tay cào cào vào mặt cát, chỉ còn nghe thấy lũ dã tràng giương mắt đỏ như mũi kim nhức nhối rào rào chạy trốn…





Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

GIÁO DỤC HUYỆN EA KAR, HAI MƯƠI NĂM... NHÌN LẠI bút ký của HỒNG CHIẾN - CHUYÊN SAN GIÁO DỤC DAK LAK tháng 4 năm 2005

 

         
                                                                      
Ngày 25 tháng 12 năm 1985 huyện Ea Kar chính thức được thành lập trên cơ sở tách xã Ea Kar, một xã xa nhất ở phía đông huyện Krông Păk và cắt một phần xã Krông Jin huyện Ma Đắk với tổng số dân hơn 30.000 người. Khi ấy dân số toàn xã Ea kar chỉ hơn 3.000 người; dân ba buôn thuộc xã Krông Jin chuyển qua chưa được 500 nhân khẩu; còn lại chủ yếu là công nhân của đoàn 333 làm kinh tế trên địa bàn.
Công nhân đoàn 333, thực ra họ là những người lính của sư 333 quân khu V được  chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp làm kinh tế tại Tây Nguyên mà đại bản doanh đóng tại buôn Ea Knốp. Những người lính mình còn nồng mùi thuốc súng vừa trải qua chặng đường dài “đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào” giờ căng mình ra vừa làm kinh tế, vừa vận động đồng bào dân tộc tại chỗ định canh, định cư; lại vừa phải truy quét bọn phản động Fulro. Họ đa số là con nhà nông nhưng quen với trận mạc, nay buông súng cầm dao,cầm cuốc xây dựng kinh tế, quả là vất vả. Những gia đình chia lìa sau ba chục năm do chiến tranh hay những cặp tình nhân mòn mỏi chờ nhau quên cả tuổi thanh xuân rơi mất từ lúc nào không biết; giờ đây họ mới có dịp đòan tụ, thỏa lòng mong ước bấy lâu. Vậy là mảnh đất Ea Kar trở thành quê mới, mảnh đất của tình yêu và hạnh phúc. Dân số tăng vùn vụt, còn kinh tế thời bao cấp vẫn chậm chạp lăn mình theo dòng năm tháng. Đời sống lúc đó quả thật khó khăn.
Trong hoàn cảnh ấy, điều kiện ấy, Phòng Giáo dục huyện Ea Kar được thành lập do ông Vũ Thế Hiển làm Trưởng phòng, mượn tạm hai phòng học của trường PTCS Ngô Gia Tự làm nơi ăn, ở và làm việc. Số trường lớp còn quá khiêm tốn: 6 trường THCS (trong đó 4 trường thuộc Đoàn 333) với 121 lớp, 3.777 học sinh theo học. Thời đó các lớp tiểu học, trung học cơ sở học chung với nhau một trường mang tên PTCS. Số học sinh khối THCS năm học 1995-1996 có 906 em, học sinh tiểu học 2.871 em; còn mẫu giáo, nhà trẻ do các nông trường, xí nghiệp thuộc đoàn 333 quản lí. Toàn huyện có 49 phòng học cấp 4 và phòng học tạm lợp gianh, trát đất; bàn, ghế đa phần lấy bìa gỗ, cây tròn ghép lại với nhau. Năm 1990 khi về thăm trường Tô Hiệu, ông Uông Ngọc Dậu phóng viên báo Dak Lak chụp một dãy 3 phòng học tạm tường trát đất, mái lợp cỏ gianh nhưng gió bóc mất một mảng để trơ rui, mè thi gan với trời đất; còn một số tấm gianh khác thì dựng đứng lên hứng nước mưa đưa vào phòng học. Bức ảnh đăng báo Dak Lak ngày ấy như lời cảnh báo thực trạng cơ sở vật chất của ngành giáo dục lúc bấy giờ.
Trường lớp thì vậy, còn đội ngũ cán bộ, giáo viên công nhân viên toàn ngành chỉ có 157 người, đa phần là những nàng dâu đoàn 333 theo chồng vào làm kinh tế hoặc họ chính là những nhà giáo đi B trước năm 1975 vào tăng viện cho miền Nam như: Vũ Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Lập, Tạ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Ngần v.v…  đã an cư nên có thể “lạc nghiệp”; còn một bộ phận được điều đến hay giáo sinh mới ra trường như: Phạm Công Nghĩa, Phan Văn Thành, Bùi Văn Hiền, Phan Ngọc Lĩnh, Y Trum, Y Chư… phải ở nhờ nhà dân hoặc lấy ít gianh, tre kéo dài mái hiên sau phòng học làm nơi ở, làm việc.
Quả thật những năm cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 ở thế kỉ trước cuộc sống thầy cô giáo sao khó khăn đến thế. Nơi ở và làm việc chỉ là tạm bợ, còn đời sống vật chất cũng cho qua ngày mà thôi. Tất cả cán bộ, giáo viên ai cũng phải chăn nuôi, tăng gia sản xuất mới đủ sống. Nhưng vượt lên trên tất cả, những người được mệnh danh là “nông dân có nghề phụ dạy học” ấy, vẫn bám lớp, bám trường. Đêm đêm bên ngọn đèn hoa kỳ đốt bằng dầu do chạy máy thải ra, khói um, cay xè mắt vẫn đắm mình qua từng trang giáo án, với cả tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và tin vào điều tốt đẹp ngày mai.
Năm học 2004-2005 toàn huyện có 64 trường với 1.201 lớp với 41.873 học sinh theo học. Trong đó PTTH có 03 trường với 93 lớp  4.677 học sinh theo học, số học sinh người dân tộc thiểu số có 385 em. THCS: 14 trường, 324 lớp dạy 14.101 học sinh, có 3.094 học sinh dân tộc ít người. TH: 33 trường, 599 lớp qui tụ 18.516 em theo học, trong đó có 6.212 em là học sinh dân tộc ít người. 14 trường mầm non nuôi dạy 4.405 cháu ở 170 lớp mãu giáo, có 1.094 cháu người dân tộc thiểu số và 174 cháu ở 15 nhóm trẻ. Riêng học sinh dân tộc ngành có một trường nội trú 4 lớp 116 học sinh theo học. Tỷ lệ học sinh dân tộc  học tiểu học có 8.924/18.516 chiếm48,2%. Các chế độ ưu đãi được thực hiện đúng quy định ,kip thời.Ngoài ra huyện còn có một trung tâm giáo dục thường xuyên đang trực tiếp mở 10 lớp bổ túc, có 494 học viên theo học. Ngoài ra trung tâm còn liên kết với các trường mở lơp đào tạo tại chức cho các học viên có nhu cầu học ở một số ngành nghề cơ bản khác.
 Cơ sở vật chất từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng ngày một khang trang hơn như: không còn phòng học tạm. Trong năm năm (2000-2004) bằng những nguôn vốn khác nhau toàn ngành xây mới 402 phòng, trong đó kiên cố 150 phòng; 09 nhà hiệu bộ, 37 nhà ở giáo viên, 14 thư viện trường học đạt chuẩn, 07 nhà bảo vệ, 10 nhà để xe cho giáo viên và học sinh; 7.080 m tường rào, đổ 42.515 m2 sân bê tông, xây 29 công trình vệ sinh tự hủy; mua sắm 169 máy vi tính, 20 bộ bàn ghế văn phòng lọai tương hợp trang bị cho các trường. Điều đặc biệt mà ngành giáo dục huyện Ea Kar làm được trong khâu trang bị cơ sở vật chất cho các lớp học đạt chuẩn theo qui định cuả bộ như: mua 651 bảng chống lóa 1.500 bộ bàn ghế tương hợp của học sinh, 31 bộ bàn ghế giáo viên, 06 bộ bàn ghế thư viện v..v… từ nguồn vốn huy động của dân và hổ trợ từ ngân sách huyện.
Do sự phát triển nhanh chóng về trường, lớp, nên đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày một đông đảo; năm học 2004-2005 toàn huyện có 1.680 giáo viên - CNVC các cấp học, ngành học. Trình độ chuyên môn từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: bậc mầm non 88%, TH 78,13%, THCS 98,6%, THPT 100%. Đội ngũ quản lí hầu hết được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí, có tinh thần trách nhiệm cao, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, công tác bồi dưỡng giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được các cơ sở Đảng và ngành quan tâm đúng mức. Vì vậy tính đến hết tháng 12 năm 2004 toàn ngành có 485 Đảng viên đạt: 29,6% đang sinh hoạt ở 57 chi bộ trường học. Hiện nay 100% các đơn vị trường học đã có Đảng viên.
Cơ sở vật chất ngày một củng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nên kết quả đào tạo có bước phát triển vượt bậc là điều tất yếu. Năm học 2003-2004 đậu tốt nghiệp ở tiểu học: 98%, THCS: 84,5%, học nghề đạt 100%, THPT 96%. Riêng chất lượng đào tạo học sinh giỏi ngày một tiến bộ rõ rệt, mỗi năm toàn huyện có từ 150 –200 em học sinh các cấp đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; nhiều em đạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia. Ba năm học gần đây nhất, toàn huyện có 600 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 12 em đạt giải quốc gia. Không những thế, sau hai mươi năm thành lập ngành giáo dục, huyện Ea Kar còn có 7 trường tiểu học và một trường mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Từ cái nôi ngành giáo dục Ea Kar đã cung cấp cho huyện một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tài năng, giàu nghị lực như: Ngô Việt Hùng - Phó bí thư huyện ủy, Nguyễn Thành Long - Trưởng Ban tổ chức huyện ủy, Y Tuynh nguyên là chủ tịch HĐND huyện, Y Chư - Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện v.v... đã và đang hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị mới, góp phần quan trọng đưa huyện Ea Kar có bước phát triển nhanh chóng về mọi mặt.
Ở một huyện xa thành phố mà trong suốt mười năm gần đây, ngành giáo dục huyện Ea Kar luôn là đơn vị đứng thứ 2 toàn tỉnh, (chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột vế số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và số lượng học sinh lên lớp, tốt nghiệp các cấp). Liên tục trong nhiều năm liền được UBND Tỉnh tặng bằng khen, cờ luân lưu …
Những con số biết nói của ngành giáo dục Ea Kar sau 20 năm thành lập như nêu trên đã đặt ra câu hỏi: Vì sao huyện Ea Kar làm được như vậy ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Nghĩa – Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Ea Kar cho biết: Chỉ trong 5 năm (2000-2004) tổng kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị đạt 42,515 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 11,494 tỉ; số còn lại do ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Sở dĩ huy động được nhiều vốn trong dân như vậy chúng tôi phải chọn trường điểm làm trước, xây dựng thành mô hình; sau đó mời UBND các xã, thị trấn, hội phụ huynh các trường đến trao đổi kinh nghiệm và về áp dụng vào từng trường. Cái cốt lõi của vấn đề là quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” được thực hiện một cách khoa học. Chẳng hạn trường muốn xây tường rào, làm sân bê tông hay xây dựng phòng học; hội cha mẹ học sinh dự thảo kế hoạch, bàn bạc cụ thể với ban giám hiệu nhà trường cùng thống nhất, sau đó họp phụ huynh từng lớp xin ý kiến. Khi đa số phụ huynh tán thành với kế hoạch đưa ra, Ban giám hiệu nhà trường báo cáo UBND xã – thị trấn xin chủ trương làm, giám sát, nghiệm thu. Cái được ở đây là toàn bộ dự toán cũng như thi công công trình đến thu – chi đều do thường trực hội cha mẹ học sinh làm nên dân rất thỏa mãn và hạn chế được thất thoát. Phòng Giáo dục chỉ làm cơ quan cố vấn cho trường và khi cần thiết tham mưu cho UBND huyện đề ra chủ trương để cấp dưới quyền thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội hoàn thành công việc.
Ông Lê Ngọc Anh – Trưởng Phòng giáo dục huyện Ea Kar cho biết thêm: “Vận dụng thàng công chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm; trung ương và địa phương cùng lo”, là phải tùy theo điều kiện từng trường, từng năm học mà đề ra kế hoạch sát với thực tế, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình để nhân dân thấy được hiệu quả của đồng vồn bỏ ra. Dân ta hiếu học, mong con em có điều kiện học tập tốt nhất, khi hiểu  họ sẽ nghe và làm được theo kế hoạch đề ra”.
Có thể nói sau 20 năm nhìn lại, phong trào giáo dục Ea Kar đã có bước nhảy vọt cả về số lượng, lẫn chất lượng. Đạt được kết quả to lớn ấy là do các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ea Kar, tĩnh Đắk Lắk quan tâm đúng mức đến phong trào giáo dục, tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để ngành ngày một phát triển vững chắc. Bên cạnh đó phái kể đến những đóng góp có tính chất quyết định cho thành công là sự lãnh đạo của Phòng Giáo dục: nhanh nhạy – sáng tạo trong áp dụng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về chiến lược xây dựng và phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.
Nhưng nói như vậy không phải ngành giáo dục Ea Kar đã hết khó khăn, vướng mắc. Ở một huyện vùng sâu trồng cây lương thực là chính trong khi cà phê có giá trị kinh tế cao chỉ trồng được chưa đến 1/3 diện tích canh tác; dó đó đời sống kinh tế nhân dân nhiều nơi còn khó khăn, nhiều hộ nông dân còn nghèo. Giá như được nhà nước đầu tư thêm ngân sách, kiên cố hóa trường học, chắc chắn sẽ có thêm động lực để ngành giáo Ea Kar có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Riêng đối với ngành học mầm non vẫn còn nhiều việc phải làm. Số cháu dưới 5 tuổi huy động đến lớp chiếm tỷ lệ không đáng kể (2,22 %); đa phần các cháu không được đến trường vì bố mẹ không đủ tiền đóng học phí; còn con em đồng bào dân tộc ít người vẩn theo phong tục: gùi lên rẫy theo ba mẹ đi làm hơn cho đi học. Giá như ta có thể bỏ học phí của ngành học mầm non, chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn.
Một mùa xuân nữa lại về trong không khí tươi vui mừng Đảng tròn 75 mùa xuân, đất nước 60 năm độc lập và 30 năm nước nhà thống nhất, ngành giáo huyện Ea Kar tròn 20 mùa rẫy bội thu, xứng đáng là một trong những lá cờ đầu tỉnh Đắk Lắk; chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp “ Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”.
                                                                                                    
                                                                                    Mùa thu  năm  2005
                                                                                                         

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 296 - THÁNG 4 NĂM 2017 - tác giả PHẠM THỊ THUÝ QUỲNH


  
GÓC SÂN

Truyện ngắn




Cuối cùng, những tia nắng đầu tiên đã có thể lách qua tầng mây dày, sưởi ấm mặt đất sau hai mươi ngày rét trường kỳ. Đám cá vàng được nuôi trong chiếc lu gốm trưng ở giữa sân bắt đầu hân hoan ngoi lên với những nụ cười đầy mãn nguyện. Cô nàng có cái tên cũng giống như sự ngốc nghếch của cô ta – Đãng Trí – há miệng hớp lấy từng hạt bụi đẫm ánh nắng, rồi hát lên các ca từ vô nghĩa. Nếu như bình thường, chúng tôi đã phản đối kịch liệt, song hôm nay, chẳng ai còn quan tâm điều đấy nữa. Ngay cả tay mèo trắng mới vểnh đuôi trèo lên nóc nhà sưởi nắng kia cũng thu lại vẻ kênh kiệu của mình, cuộn tròn say ngủ.
Tất cả đang vui, có ánh nắng, mặt đất ấm lên, chúng tôi có thể kiếm được cái ăn.
Cuộc sống trong vùng nước nhỏ này, trong chiếc lu kia, trong nhà bếp đều chẳng dễ dàng gì.
Tôi nhoài người leo lên chiếc bàn đặt cạnh bờ nước, duỗi chân phải, duỗi chân trái, khoan khoái vươn vai. Cô Nhện cả đời ưa thích công việc se tơ dệt vải buông mình xuống, ngay trước mắt tôi. Tôi giật bắn mình, thiếu chút nữa thì ngã bổ chửng về phía sau – chỗ mà tay ngư phủ ngồi ở đó câu cá suốt bao nhiêu năm nay, không quản nắng mưa, giá lạnh hay nóng bức, mặc cho màu sắc áo quần trên người bạc màu, lão vẫn im lặng không nói tiếng nào. Chẳng bù lại cho mụ vợ cả ngày lải nhải bên tai tôi về việc nên sinh con ở đây hay chuyển về ao sau vườn.
- Nắng đẹp quá anh Ếch ạ! – Cô Nhện sung sướng nói.
Với lấy cuốn sách đặt dưới gầm bàn cờ, tôi hỏi Nhện:
- Hôm nay cô không dệt vải nữa sao?
Cô Nhện nhăn mặt:
- Cả tháng giời thiếu nắng, người tôi xanh rớt ra rồi đây. Vải dệt cũng không đẹp như trước nữa. Mà…
Giọng cô chợt nhỏ hẳn, Nhện đung đưa sợi tơ, đánh đu ghé sát tai tôi, thì thầm:
- Tôi đang nhận dệt một tấm vải cho mụ Se Sẻ may áo mới, mụ này khó tính, nếu không đẹp chắc tôi vào bụng mụ như chơi!
Nói rồi, cô Nhện nhả thêm tơ, bò xuống đất, tìm chỗ có nhiều ánh nắng nhất để đứng một chốc. Tôi lắc lắc đầu, quay lại chìm đắm với cuốn sách.
Từ trong nhà, tên Chuột Cống đã chạy ra với một tảng thịt lớn trong miệng.
2.
Tôi không sao hiểu được con người. Suy nghĩ, hành động và lời nói của họ thường bất nhất. Đôi khi họ đương cười, nhưng nước mắt cứ thế chảy ra, đôi khi gào khóc, nhưng mắt lại ráo hoảnh. Cũng bởi vì thế mà nom nét mặt loài người kỳ dị vô cùng.
Cũng giống như gia đình mà chúng tôi đang sống nhờ này, bên trong đó đã vỡ nát chẳng hàn gắn nổi. Chỉ có điều, năm năm, tháng tháng, họ vẫn cố gắng duy trì cho người ngoài thấy vẻ hoàn hảo của mình.
Chiếc loa treo ở đầu phố bắt đầu thông báo đồng hồ đã điểm sáu giờ tối. Người Chồng dắt xe vào sân. Tôi vội giấu cuốn sách và nhảy xuống nước. Lát sau thì Người Vợ đã đưa con trai về tới nơi. Đứa con nhảy chân sáo vào trong nhà, trong chiếc cặp sách quá khổ của nó đựng đầy sách vở, bánh kẹo. Tôi biết điều này khi tay Chuột Cống say sưa lê la hết khắp các quán rượu trong phố, lè nhè ba hoa với mấy ả Chuột Đồng mới tới thành thị.
Hai vợ chồng họ chào nhau một cách qua loa, nhàn nhạt. Tình cảm nồng nhiệt thời trẻ giờ thay bằng lo toan, trách nhiệm, thể diện. Một mối quan hệ không được xây dựng, gìn giữ cẩn thận đã sớm không còn ý nghĩa gì nữa. Nhìn vào họ, tôi lại thấy bản thân may mắn khi mụ vợ tôi chẳng những lắm miệng mà còn hay ghen nữa!
Hai vợ chồng cùng nhau vào nhà.
Cửa đóng.
Ngoài sân, bóng đêm trải dài. Tay mèo bắt đầu dùng đôi mắt sáng trời phú của mình để đi lùng sục đám chuột quên không nộp thuế tháng này.
Nơi đây nhộn nhạo, trong nhà có vẻ cũng không kém gì. Chỉ một lúc sau khi cả gia đình nọ trở về, tiếng cãi vã, đổ vỡ vọng ra khiến chúng tôi giật bắn mình. Cô Nhện thiếu chút nữa làm rách tấm vải, Đãng Trí nhảy phắt lên mặt chum, may mắn chưa rơi xuống đất thì được một chàng nào đó kéo lại được. Duy tay Mèo vẫn bình tĩnh liếm tay liếm chân:
- Ôi dào, có gì phải hoảng nào? Tao gặp cảnh này suốt.
Không ai đáp lời hắn, thảy im lặng. Đột ngột, “rầm” một tiếng, cửa chính bật tung, đập mạnh vào tường. Người Chồng gần như là bay ra khỏi căn nhà đó, tôi không nói dối, đúng vậy đấy – gần như là bay. Anh ta làu bàu gì đó, mặt hằm hằm. Theo sau, chiếc lọ hoa thuỷ tinh cũng vọt theo, vỡ tan.
Mụ vợ tôi ngậm chặt miệng. Tấm vải của cô Nhện thủng hẳn một lỗ lớn. Bạn trai của Đãng Trí vẫn ngậm chặt lấy đuôi cô ta, trấn an.
Còn tay mèo trắng ư? Hắn có bao giờ tỏ ra ngạc nhiên đâu. Vẫn với vẻ điềm nhiên, hắn vểnh đuôi lên, rên gừ gừ:
“Ôi dào, có gì phải hoảng nào?”
3.
Mấy nụ đào trước cửa bắt đầu he hé, lá nào lá nấy xanh non mơn mởn. Thời tiết dễ chịu hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy rầu lòng ghê gớm. Vì giờ bản thân cũng chẳng còn trẻ trung nữa, mà hễ cứ một năm qua đi là tuổi lại chồng thêm tuổi. Vợ tôi lại chẳng quan tâm đến việc chồng suy nghĩ gì, cả ngày ngồi đan đan dệt dệt áo quần cho lũ con sắp sinh.
Đúng như lời tay mèo đã nói, chẳng có gì phải hoảng. Sau buổi tối mà Người Chồng bỏ đi, mọi sự nhanh chóng đâu vào đấy. Anh ta và vợ làm lành nhanh chóng, chỉ bởi hiện giờ đã sắp đến Tết, nếu để hàng xóm biết được cái gia đình này trục trặc thì họ sẽ mất hết thể diện.
Rồi, lại như mọi năm, trước ngày chủ nhà làm cỗ Tết, đám chuột sinh sống trong cống, trong các hốc rải rác quanh khu vực này đã rục rịch mang lễ vật tới cho tay mèo trắng. Để tránh sự chú ý của con người, chúng đi vào ban đêm.
Tôi mất ngủ, bèn nhảy lên xem.
Đàn chuột gồng gánh theo nào là cá, nào là thịt, nào là mỡ. Dưới ánh trăng của một năm sắp tàn, chúng rồng rắn vào chúc tết mèo. Thực ra không ai ép uổng cả, với sự tinh ranh của mình, họ hàng gặm nhấm này có thể dễ dàng sống an ổn ngay cả khi không nịnh nọt loài mèo. Tôi tự thắc mắc rồi quay sang nhìn cô nhện vẫn mải miết quay sợi, nói:
- Sao phải khổ thế?
Thoăn thoắt bò qua bò lại như con thoi, cô nhện cười:
- Bao đời đã thế, không bỏ được.
Tôi chép miệng, rồi gọi vọng về hướng đám cỏ:
- Này Dế Mèn, anh kéo đàn đi, nghe cho vui.
Dế Mèn, lúc này có lẽ đang sửa dở một bản nhạc nào đó nên không để ý tới những gì tôi bảo. Phải gọi tới lần thứ ba, đôi râu của anh ta mới lấp ló xuất hiện. Với vẻ lâu ngày không ngủ tròn giấc, Dế Mèn gầy tọp đi, cánh mỏng tới xơ xác.
Thấy tồi tội, tôi toan bảo anh trở về nghỉ ngơi. Nhưng Dế Mèn đã xách cây vỹ cầm ra, tì lên cổ và bắt đầu kéo. Đối với anh mà nói, đã không nhấc đàn thì thôi, một khi đã đụng vào là đố có rời ra được. Đành vậy. Tôi nhắc cô Nhện nghỉ tay. Đám cá vàng, dẫn đầu là cô nàng Đãng Trí ngoi lên lắng tai nghe nhạc.
Trăng vàng toả khắp, chúng tôi tụ lại ở giữa sân. Dế Mèn lim dim mắt, vẫn say sưa bên cây đàn. Vợ tôi gà gật. Cô Nhện tiện tay mang cho Đãng Trí xem tấm vải mình mới dệt được.
Tôi ngước mắt nhìn lên tán cây cảnh con con phủ bóng nơi mình trú ngụ, chỉ thấy ngư ông ngồi đó, mắt không rời cần, bóng nước nhoà trăng.











Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

QUÀ TẶNG trích chương IX truyện dài BÍ MẬT RỪNG THIÊNG - CHƯ YANG SIN số: 194 tháng 12 năm 2007

 Quà tặng



          Cái lạnh của rừng già nửa đêm về sáng như có hơi nước đá phả vào mặt người. Bếp lửa được thổi cháy bùng lên thành ngọn soi sáng cả góc rừng. H’Chi thoáng giật mình khi phát hiện ra một đống gì to như chiếc bao tải sáng óng ánh, cách không xa đống lửa. Nhìn kĩ giống như có con trăn lớn đang quấn con gì thì phải. Có lẽ tiếng động làm mình tỉnh giấc chính là tiếng rơi của con trăn này từ trên cây mít xuông đây! Tay cầm xà gạc, tay cầm thanh củi cháy rừng rực bước ra xem. Đúng thật, một con trăn, thân to chắc phải bằng bắp đùi đang quấn con mồi kín mít, thân co thắt theo từng nhịp một như người ta xoắn dây buộc cây. Yàng cho mình đây, H’Chi nghĩ và vung xà gạc lên…
Lát chặt của xà gạc chỉ cần vừa đứt một đốt xương sống thôi, con trăn sẽ bị liệt không đi được nữa, lúc ấy muốn ăn khúc nào cắt khúc ấy, lột da đặt lên bếp than hồng kia nướng ăn ngon lắm. Đối với loài trăn từ cái vảy, bộ da đến mỡ, thịt, gan, mật... đều là những vị thuốc có thể sử dụng chữa bệnh. Mật trăn tốt hơn mật gấu, amí bảo vậy. Mật gấu dùng chữa trị bị té ảnh hưởng đến gân cốt, còn mật trăn chữa trị được các bệnh đường ruột, gan và lúc cần có thể thay được cả mật gấu khi té bị bầm, nhưng phải dùng liều lượng nhiều hơn. Con trăn này chắc phải trên ba chục kí, nếu lấy mỡ cũng được vài thau. Nhưng giữa rừng thế này, gùi đầy cây thuốc làm sao mang nó về được nữa? Ăn không hết, mang không được bỏ lại thật lãng phí, thôi để giành vậy. H’Chi bỏ xà gạc xuống cầm cây củi đang cháy dí sát vào đuôi con trăn. Có lẽ nóng quá, không chịu được con trăn buông con mồi quăng mình bỏ chạy để lại xác một con voọc.
          H’Chi kéo con voọc lại bên bếp lửa. Con voọc khá nặng, chắc phải đến hai chục kí. Tay chân nó còn ấm, con tim nhỏ nhoi trong lồng ngực vẫn thoi thóp đập. Loại voọc này lạ quá, toàn thân lông đen, đến da mặt cũng đen thui như quét nhọ nồi, chiếc đuôi khá đặc biệt, dài hơn cả thân mình, lông dày và xù ra như đuôi loài chồn. Phải cứu nó vậy, H’Chi tự nhủ rồi vội lục gùi lấy mấy cọng lá thuốc, nhai nhuyễn, cạy miệng voọc phun vào; dùng hai tay làm hô hấp nhân tạo, xoa nhẹ hai bên ngực giống như cấp cứu người bị ngạt. Một lát nó từ từ mở mắt, hai con mắt đen láy ngơ ngác nhìn như không nhận biết được cảnh vật xung quanh. Sau lúc uống lá thuốc và sơ cứu, nó có vẻ tỉnh lại, đưa mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm điều gì. Đặt con voọc ngồi tựa vào cây củi bên bếp lửa trông giống em bé ngồi sưởi trông thật dễ thương. Chắc cu cậu ngủ trên ngọn cây mít bị trăn tóm được. Loài voọc bao giờ sống cũng theo bầy đàn, di chuyển bằng cách đu mình từ cành này sang cành khác, hạn hữu lắm mới xuống mặt đất. Không biết bầy ở đâu mà nó bị lạc thế này? H’Chi tự hỏi và đi ra khỏi lều ngước mắt nhìn lên ngọn cây mít cao tít tắp, tối om, không phát hiện ra điều gì khác lạ. Quay vào lục gùi lấy thêm chiếc lá nhai nát tách miệng voọc nhét vào. Con voọc như cảm nhận được ân nhân cứu mạng, ngoan ngoãn nuốt, đôi mắt nhìn như cảm ơn. Vỗ  nhẹ lên đầu nó H’Chi bảo:
          -Ngoan nào, nghỉ một chút lại sức, sáng ra tìm về với đàn nhé.
          Như hiểu tiếng người nó cố đưa hai chiếc tay dài quá cở bám vào yeng H’Chi kéo lại gần tìm sự che chở. Bàn tay voọc giống tay người, cũng có năm ngón dài ngắn khác nhau, cuối mỗi ngón tay đều có móng đen sì. Mu bàn tay có một lớp lông dài bao phủ, còn lòng bàn tay không có lông, da chai lại nhăn nheo. Bàn chân ngắn bằng độ một ngón tay, song năm ngón chân dài bằng cả bàn chân có móng như móng tay, trông giống bàn tay hơn bàn chân.
          Xa xa tiếng một con gà rừng cất lên như bắt nhịp cho dàn đồng ca của cả cánh rừng vang lên rộn rã: ò, ó, o! Bầy bồ chao ngủ trên cây bên cạnh thức giấc cất tiếng trò chuyện rôm rã như họp chợ. Các gốc cây ở gần đang từ từ bước ra khỏi bóng đêm, có thể nhận ra chúng khi độ xa khoảng chục mét. H’Chi gỡ tay con voọc, bảo nó:
          -Ngồi yên cho chị đi dọn đồ nhé! H’Chi đứng dậy mở ni lông gấp lại, nó hình như cũng biết nên lạch bạch chống tay lết theo.
          -H… ú!
          Tiếng hú đột ngột vang lên ngay trên ngọn cây mít, liền ngay đó như có một trận cuồng phong tràn qua, các cành cây mít lắc lư dữ tợn, hàng chục tiếng hú đồng loạt cất lên. Bóng các chú voọc bay loang loáng từ cành này qua cành khác. Ồ, bầy voọc ngủ ngay trên đầu mình! H’Chi ngạc nhiên thích thú reo lên; đêm qua con báo định đến đây săn mồi, bị mình đốt lửa ném, nó sợ bỏ chạy. Còn con trăn chắc tìm đến sau, leo lên cành cây bắt được một con, cả đàn đông vậy mà không biết, hay chúng biết nhưng sợ quá không dám di chuyển trong đêm? Chỉ bọn chúng mới biết, mình chịu. Bầy voọc như một dàn diễn viên xiếc biểu diễn, vừa quăng mình từ cành này qua cành khác chỉ dùng có hai tay treo người như chơi xà đơn vậy. Có con nghịch ngợm bay sát qua đầu làm tóc H’Chi bay theo.
          -Mày khỏe rồi, về với bầy đi!
          H’Chi dắt tay con voọc đặt vào gốc mít, chỉ lên ngọn cây khi cả đàn đang hò reo trên đó. Con voọc không chịu đi nó quay lại túm lấy yeng H’Chi, mắt như có nước.
          -Chắc đói không đi được hở?
          H’Chi nhặt quả mít chín vừa rụng trên cây xuống, bóc đôi lấy một múi vàng ươm, thơm phức to bằng ngón tay đặt vào mồm nó, nó ngậm, không ăn, mắt nhìn như van lơn.
          -Ăn đi. Chị ăn cho em bắt chước nhé!
          Bóc thêm một múi bỏ vào mồm nhai, nước mật ngọt, thơm trào đầy miệng. Không ngờ cây mít này trái ngon đến vậy.
          -H… ú! H …ú! H… ú!
          Cả bầy voọc bổng nhiên đồng loạt lại hú lên in ỏi, nhảy loạn xị trên ngọn cây mít, H’Chi chưa kịp hiểu gì xảy ra trên ấy thì… bịch! Một trái mít chín rụng ngay sát chân, liền ngay sau đó một cơn mưa quả mít chín nhè người H’Chi rơi xuống. Bếp lửa cháy suốt đêm, than nhiều là vậy bổng nhiên bị lấp đầy mít, tắt ngấm. H’Chi chạy xung quanh gốc cây, bầy voọc thích thú vặt mít ném theo. Có điều lạ, toàn quả chín cả nên quả nào rơi đúng người cũng không đau lắm. Chắc các quả chín chúng vặt hết nên không ném nữa. H’Chi chạy mấy vòng mệt quá, ngồi tựa gốc mít thở. Con voọc chạy lại gỡ mấy cọng xơ mít dính trên tóc khéo léo như người.
-         Ngoan nào, đi đi; lên với đàn trên ngọn cây ấy, nhanh lên.
          H’Chi cầm hai bàn tay nó đặt vào gốc mít, nói thêm:
-         Chị sợ đàn của em cảm ơn lắm rồi!
          Chắc bầy voọc thấy H’Chi bóc mít ăn, nên chúng rủ nhau hái mít chín “tặng” đấy. Cách tặng theo kiểu voọc thế này nếu chạy không nhanh cơ thể bị thương như chơi. Loài này khôn thật, chúng hiểu được và biểu lộ tình cảm như người, quyến luyến không muốn bỏ đi.
          Trời đã sáng, cành cây, hòn đá ở gần có thể nhận biết được, H’Chi đốt nhang, khoác gùi, cầm xà gạc lên; con voọc đang túm yeng, nhìn thấy cây xà gạc vội vã bỏ chạy lại ôm gốc mít leo tít lên ngọn cây, ngó xuống.
-         Chào nhé, chị về!
          Vừa nói, vừa giơ tay vẫy chào đàn voọc đang ngồi thu lu trên cành trố mắt nhìn. H’Chi bước đi, bầy voọc cuống quýt chuyền cành đuổi theo, vừa đánh đu vừa kêu ầm ĩ vang động cả cánh rừng. H’Chi đi đến đâu bầy voọc bay theo đến đấy, chúng tạo thánh một đội quân đông đảo bảo vệ H’Chi ngay sát trên đầu. Cả bầy lớn nhỏ phải đến gần trăm con cứ luẩn quẩn đuổi theo không chịu quay vào rừng. Thôi được cho chúng mày tiễn chân tao đến bìa rừng, ra ngoài kia toàn đồi cỏ tranh chắc phải quay lại thôi. H’Chi tự nhủ rồi cắt rừng bước đi, bầy voọc vẫn ào ào chạy theo.






Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

KẺ PHÁ RỐI chương VIII trích truyện dài BÍ MẬT RỪNG THIÊNG - CHƯ YANG SIN số:181 tháng 9 năm 2007

Tác giả HỒNG CHIẾN

            Làn gió thổi nhẹ qua, mang theo cái lạnh của rừng đêm làm H’Chi thức giấc ngồi dậy bỏ thêm củi vào bếp. Ngọn lửa hồng leo quanh những thanh củi vừa chạm đầu vào nhau reo lên những tiếng cười vui nho nhỏ: tí tách, tí tách... làm bắn ra những hạt lửa nhỏ li ti. Xa xa tiếng rừng trăn trở khua trên các ngọn cây rào rào tiến dần lại làm rơi những hạt sương đêm xuống tấm ni lông nghe lộp bộp, lộp bộp. Với người dân Tây Nguyên, rừng già như người mẹ hiền nhưng nghiêm khắc đối với các con, sẵn sàng ban cho những đứa con ngoan tất cả những gì chúng mong muốn, song cũng rất nghiêm khắc xử phạt những đứa con hư. Mẹ rừng có thể cho ta giàu có, cho ta sức mạnh, cho ta niềm vui mỗi khi bước vào nép mình dưới tán lá rừng; và rừng cũng sẵn sàng nỗi giận, trút lũ lụt xuống đầu những đứa con hư, xua muông thú đến trừng trị kẻ phá rừng; amí từng bảo như thế.
          Đêm nay ngồi bên bếp lửa giữa rừng nhìn đám sương sà xuống nhẹ nhàng như làn khói mỏng manh mang theo hương thơm của hoa lá ùa đến làm tâm hồn thanh thoát, sảng khoái. Đêm chuyển dần về sáng. Tiếng đôi chim từ quyên gọi nhau nghe gần lắm, có lẽ chúng sắp gặp nhau rồi. Amí bảo loài chim từ quyên tối lại chia nhau đi kiếm ăn, mỗi con một cánh rừng, lấy tiếng gọi nhau làm hiệu. Chúng cứ đi và gọi nhau như thế cho đến lúc gặp được nhau ngừng gọi cũng là lúc ông mặt trời thức dậy. Trong rừng già, người đi rừng nghe tiếng chim để tính thời gian ban đêm, biết được lúc nào trời sắp sáng, chuẩn bị dậy đi làm. Đối với H’Chi, được ngủ trong rừng cũng là điều thú vị. Rừng đẹp và bí ẩn lắm, bao năm rồi có ai dám bảo hiểu hết rừng đâu.
          Soạt! Một con chồn to bằng con mèo lớn có bộ lông trắng muốt bất ngờ nhảy vọt qua mặt H’Chi rồi đột ngột đứng im nhìn bếp lửa. Con chồn đẹp quá, nó nhìn bếp lửa như bị thôi miên, bốn chân run run tựa như không đỡ nỗi tấm thân, chiếc đuôi dài cụp xuống, mắt đờ đẫn, chậm chạp lê từng bước một lại gần H’Chi, mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra như có ai đó làm vỡ lọ nước hoa.
          Đúng là cầy hương rồi, H’Chi thầm reo lên. Loài cầy hương có bộ phận sinh dục ở con đực tiết ra mùi thơm đặc biệt, nó ăn ở khu rừng nào, người đi qua cách xa cả trăm mét đã nhận biết được mùi thơm của nó. Thịt loài thú này thơm ngon lắm, nhưng quí nhất bộ xạ dùng để làm thuốc chữa bệnh. Đối với những gia đình có phụ nữ đang mang bầu không ai dám mang bộ xạ của cầy hương để trong nhà vì nghe mùi thơm đó, người phụ nữ có thể bị sảy thai. Người ngoài phố thích mua xạ hương lắm, họ bảo bán cho người Tây dùng chế nước hoa được nhiều tiền. Còn đối với người thầy thuốc nó là vị thuốc quí hiếm khó tìm. Thường thường những con cầy hương lông màu xám tro, có sọc vàng hoặc nâu đen chứ chưa bao giờ nghe nói lông màu trắng bao giờ. Hôm nay gặp loại có màu lông lạ thế này không biết xạ nó dùng có tốt không mà mùi thơm ngây ngất đến thế. Chắc mẹ rừng tặng mình đây; H’Chị tự nhủ, mừng thầm trong bụng. Mạy thật, thế là mình được thêm vị thuốc quí, lại có món thịt rừng ngon lành ăn sáng! Liếc mắt thấy cây củi trăng hắng to bằng cổ tay liền giơ tay chộp lấy làm vũ khí đập con cầy hương.
-         Ối!
H’Chi thét lên đau đớn, cánh tay phải tê dại như bị một luồng điện hàng ngàn oát xuyên qua nhói vào óc.
-         Phù, phù, phù.
          Con rắn toàn thân màu trắng bạc cất cổ cao đến nửa mét, mồm bạnh ra như bàn tay người lớn, giữa đỉnh đầu có đám vảy màu đỏ xếp theo hình mũi tên, phun nước hôi rình rồi bỏ đi sau khi đã cắn một nhát vào bàn tay phải H’Chi. Mãi chăm chú quan sát con cầy hương bị con rắn thôi miên, H’Chi nhầm thân rắn là que củi định lấy đánh cầy hương nên bị nó cắn. Từ nhỏ được nghe amí dạy: loài rắn nếu con nào trên đầu có lớp vảy khác màu xếp theo hình mũi tên, loài đó là rắn cực độc, vết cắn của nó có thể dẫn đến mất mạng trong vài phút! Tự lấy dây buộc ngang cổ tay ngăn cho nọc độc không chạy vào tim, H’Chi vội lục gùi lấy mấy lá thuốc tìm được bên sình buổi sáng: nhai, nuốt nước. Vết cắn của con rắn có ba lổ nhỏ như ba hạt thóc cắm vào, tê buốt. Phải lấy bớt nọc độc ra mới được. Cầm chiếc xà gạc hơ qua ngọn lửa diệt trùng, H’Chi cứa mạnh vào vết rắn cắn, máu đen tím bầm vọt bắn ra. Cố chịu đau dùng tay trái bóp mạnh xung quanh vết cắn cho máu đen chảy ra, đó chính là máu bị nhiễm nọc độc của rắn. Bổng mắt H’Chi mờ đi, tay không còn làm chủ được, đầu nghe o o như có chiếc máy cày chạy trong đó. Chắc mình chết mất nếu không nhanh tay, H’Chi nhả mấy chiếc lá trong miệng ra định dùng đắp vào vết rắn cắn, nhưng tay như ai lấy mất rồi, trước mắt bếp lửa tự nhiên nhảy múa to mãi, to mãi đến khi chỉ thấy một màu vàng chói lọi.
          Không biết xỉu đi bao lâu, tiếng vật gì đó nặng nề rơi xuống làm H’Chi giật mình từ từ tỉnh lại. Cánh tay phải đỡ đau hơn một chút, có thể ngồi dậy được. May thật khi ngã xuống vết rắn cắn vô tình rơi đúng vào miếng lá H’Chi nhả ra, có lẽ vì thế chiếc lá hút chất độc từ vết thương đẩy ra ngoài, nếu không ngã trúng miếng lá ấy chắc chết quá! Bẻ một miếng nấm cây gió bằng hạt gạo, nhai kĩ thấy có mùi thơm bay lên mũi, đầu lưỡi cảm nhận được vị ngọt của đường, vị cay của quế làm đầu dịu hẳn cơn đau. Sau khi nuốt nước, H’Chi nhả bả xoa vào vết thương; thật kì diệu, từ vết rắn cắn như có một dòng nước mát theo cánh tay tràn vào cơ thể, nó đi đến đâu biết đến đấy chỉ vài phút sau H’Chi có cảm giác mình không bị thương, vết dao rạch khép miệng chỉ còn đọng lại vảy của vết máu đen bám vào bàn tay. Tuyệt thật, nếu không có mấy chiếc lá nhặt được của bầy khỉ bỏ rơi bên sình chắc mình đã chết. Tại sao nọc của loài rắn trắng độc đến thế nhỉ mà được hóa giải nhanh đến vậy? Bao nhiêu năm đi rừng hái thuốc chưa bao giờ thấy amí nói đến loài rắn trắng như hôm nay. Rắn ở Tây Nguyên nhiều lắm nhưng không bao giờ tự nhiên tấn công người, kể cả loài rắn chúa.
Người ta gọi nó là rắn chúa vì loại rắn này thức ăn hàng ngày lại chính là thịt đồng loại. Các loài rắn khác khi nhìn thấy rắn chúa toàn thân như bị tê liệt, nằm im chờ rắn chúa cắn chết rồi ngoạm đầu nuốt dần, nuốt dần cả con rắn xấu số vào bụng. Cách ăn mồi này khác hẳn các loài trăn, rắn khác: Khi bắt được mồi, chúng quấn lấy con mồi như người ta quấn dây kín mít từ đầu, đến chân làm con mồi nghẹt thở mà chết; lúc đó chúng mới thong thả nuốt dần con mồi.
Loài trăn, rắn có nhiều cách bắt mồi khác nhau, có con núp bên đường chờ con mồi đi qua lao đầu ra ngoạm vào chân rồi mới quăng mình quấn tròn con mồi như bó củi. Răng của chúng mọc quặp vào trong do đó khi đớp đúng con mồi, nó giữ chặt lắm, chỉ khi nào răng gãy hết mà chưa quấn được thân, con mồi của chúng mới thoát, trường hợp này hiếm xảy ra lắm. Có con lại ngoắc đầu và đuôi lên trên lối mòn bầy thú hay đi qua như người ta chăng dây phơi đồ, chờ con mồi đi qua, buông mình rơi xuống quấn tròn. Song có lẽ săn mồi độc đáo nhất là loài trăn gió, bộ da màu vàng điểm những ô hình lục giác, viền đen, hay leo trèo trên các ngọn cây và có thể lao từ ngọn cây cao hàng chục sãi tay xuống mặt đất bắt con mồi. Có lẽ vì vậy nên người ta gọi nó là trăn gió. Một lần đi hái thuốc H’Chi nhìn thấy một con trăn to như bắp đùi người lớn bò bằng nửa thân sau đầu ngẩng cao tới gần hai mét vừa tiến lên phía trước vừa uốn éo những động tác đẹp như diễn viên xiếc múa. Bầy khỉ đang bới lá mục nhặt hạt dẻ đứng ngây ra nhìn, không con nào cử động được. Mãi đến khi con trăn đổ mình há miệng đỏ lòm, đầy răng lởm chởm ngoạm vào tay một con khỉ, quăng người cuốn tròn lại, con khỉ chỉ kịp kêu: Kh... ẹc! Một tiếng tắc nghẹn, lúc đó cả bầy mới nháo nhào bỏ chạy, leo tít lên ngọn cây. Đầu con trăn chỉ to bằng nữa đầu con khỉ, vậy mà nó nuốt cả con khỉ nặng hai chục kí, nặng bằng chính trọng lượng nó vào bụng ngon lành. Ăn xong con khỉ, con trăn khoanh tròn nằm ngủ tại chổ, amí chặt một cây dài để lên người nó, nó vẫn ngủ. Lấy dây cột cổ buộc vào khúc cây để trên mình nó, nó mới giật mình quấn quanh thân cây để amí khiêng về. Loài trăn to lớn nhưng không có nọc độc như rắn, khi đã ăn no hoặc mới lột da rất hiền, bắt nó dễ như bắt rùa, nó không chống cự. Nhưng mùa cặp đôi, hoặc đang đói chúng trở nên hung dữ không tha bất cứ một loài động vật nào bắt gặp.
Con rắn trắng cắn mình, vì tưởng mình tấn công nó, H’Chi tự nhủ; lẽ ra mình phải lưu tâm khi thấy con cầy hương tự nhiên bị mất hết bản năng của loài thú, quan sát xung quanh chắc phát hiện ra con rắn. Âu đó cũng là bài học đắt giá cho sự thiếu cảnh giác khi ở rừng. Còn con cầy hương nhờ tiếng kêu đau đớn của mình mới chợt tỉnh, chạy thoát. H’Chi tiếc rẻ, giá như mình cẩn thận hơn để con rắn cắn con chồn, mình sẽ bắt được cả chồn và rắn rồi.
          Sương mù mỗi lúc một nhiều, cách khoảng vài mét, các gốc cây chỉ còn thấy mờ mờ sau ánh lửa. Xa xa tiếng một con gà rừng cất tiếng gáy, một con rồi nhiều con khác đáp lại theo nhau kéo dài, lan tỏa khắp không gian, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu.







Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 296 - THÁNG 4 NĂM 2017 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH




BẢN LĨNH VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
CỦA TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN


Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn một nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà chiến lược chính trị, quân sự có tầm cỡ, “là nhân vật mang tầm vóc lịch sử hiện đại, chỉ xếp sau Hồ Chí Minh” (nhà báo Trần Bạch Đằng), được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khâm phục và trân trọng. Riêng đối với nhân dân, cán bộ và chiến sĩ Nam bộ gọi đồng chí Lê Duẩn là "Ngọn đèn 200 nến", là “người của Cụ Hồ trong Nam” và còn gọi cái tên là Anh Ba.  Trong những năm đất nước chuyển mình đổi mới, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa với tầm nhìn xa, anh Ba Lê Duẩn đã lát những viên gạch đầu tiên trên con đường đổi mới, để đến hôm nay sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước.
Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 4 năm đó, đồng chí bị địch bắt và kết án 20 tù cầm cố, lần lượt bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận  Bình Dân ở ở Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ Cộng sản trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Từ Côn Đảo trở về, bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù và sức khỏe giảm sút, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo phong trào ở quê nhà Quảng Trị. Đồng chí nhiều lần đến cơ sở nhà đồng chí Hồ Tần, Lê Quang Soạn và miếu An Mỹ (miếu An Mỹ nay  thuộc làng An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ ) để họp với các đồng chí cán bộ đảng viên chủ chốt, phổ biến các nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Trong thời kỳ này đồng chí cũng đã lặn lội khắp các tỉnh miền Trung để xây dựng lại các đảng bộ bị tan rã do đế quốc đàn áp, khủng bố, khôi phục Xứ uỷ Trung kỳ.
Năm 1937, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VI (11-1939), đồng chí Lê Duẩn đã sát cánh bên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tham gia soạn thảo “Chính sách mới của Đảng”, quyết định thành lập “Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” thay cho “Mặt trận Dân chủ”, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, là thời kỳ giương cao ngọn cờ “giải phóng dân tộc, lấy lợi ích dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa, cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, một làn sóng cách mạng phản đế đã dấy lên, tiêu biểu là ba cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, làm rung động bộ máy thực dân.
Bị thực dân Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo lần thứ hai (1940-1945), cùng với các chiến sĩ Cộng sản khác, đồng chí Lê Duẩn một lần nữa lại tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình, vượt qua thử thách, một lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám thành công từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ, góp phần vào thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí Lê Duẩn đã khởi thảo bản Đề cương Cách mạng miền Nam, chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cách mạng miền Nam, đóng góp to lớn vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng về cách mạng miền Nam. Với tư duy chiến lược vượt trội của “ngọn đèn 200 nến”, đồng chí đã sớm đi tới chân lý: Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác(2). Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam lúc bầy giờ, “Đề cương” đã dấy lên niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng trong đông đảo cán bộ, đảng viên.
 Giữa 7.1956, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương điều ra công tác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ III. Trong phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị, ngày 07.10.1957, đồng chí được cử làm Quyền Tổng Bí thư. Trong thời điểm này, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Tổng Bí thư đã góp phần vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Trung ương 15, khoá II. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 được thông qua tại Đại hội III của Đảng, hoàn chỉnh thành chiến lược cách mạng cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ. Dưới ánh sáng của Nghị quyết này, các cuộc đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ một số địa phương miền Nam lập tức bùng lên thành phong trào Đồng khởi mùa Xuân  năm 1960. Đồng khởi đã đưa cách mạng miền Nam Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang tiến công, đẩy chế độ Sài Gòn bước vào một thời kỳ khủng hoảng nặng nề, triền miên, buộc Mỹ phải tự giới hạn phản ứng trong phạm vi miền Nam.
Sau Đồng khởi, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới, từ khởi nghĩa vũ trang, phát triển thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng. Trong quá trình đó, cùng tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có những cống hiến xuất sắc trong việc quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tạo điều kiện quyết định để đi tới hạ quyết tâm hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mùa Xuân năm 1975. Để có được mùa Xuân toàn thắng đó, toàn dân tộc đã phải trải qua chặng đường dài chiến đấu với biết bao thử thách, hy sinh mà  Xuân Mậu Thân 1968 là cột mốc lớn, ghi dấu bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đây là một phẩm chất vô cùng quý báu của những nhà hoạch định chiến lược của Đảng ta. 
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn  đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã tập tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ước mơ cháy bỏng của Tổng Bí thư là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tại Đại hội lần thứ IV (1976) và Đại hội V (1982) của Đảng cũng như tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với việc hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong những điều kiện khác nhau, cả thời điểm thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, cả khi gặp những vấn đề lý luận và thực tiễn sáng tỏ cũng như khi những tư tưởng, quan điểm đang trong qua trình tìm tòi, Tổng Bí thư luôn luôn đào sâu suy nghĩ, kiên trì nghiên cứu và thử nghiệm, một lòng trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Điều mà đồng chí luôn luôn tâm niệm và kiên trì phấn đấu là “Tất cả vì Tổ quốc vì xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc nhân dân”.
Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ là một nhà lý luận có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam với một tư duy sáng tạo lớn, đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đánh giá công lao và tài năng của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: “Là một nhà mác-xít - lê-nin-nít chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tâm niệm, thực tiễn cách mạng luôn là điểm xuất phát, con người và đạo lý dân tộc là điểm tựa cho việc suy nghĩ, tìm tòi theo phương pháp luận biện chứng của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để lý giải tình hình, xây dựng chiến lược và sách lược cách mạng cũng như giải quyết những vấn đề mới, cụ thể của cuộc sống đặt ra. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những bài học về lý luận và thực tiễn quý báu mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.