Những chú Voọc có chiếc đuôi dài hơn thân mình, trắng muốt đưa hai tay bám
lấy cành cây như người đánh đu, cất tiếng hú vang động cả bầu trời. Loài Voọc ở
đây lạ lắm: mặt có lông màu trắng; đầu, lưng và tứ chi lông đen thui; vùng bụng
lông màu bạch kim, mông và hai đùi lông màu trắng như được mặc quần đùi. Chúng
sống thành từng đàn năm bảy chục con, sáng sớm kéo nhau đi ăn, hoặc chiều về lại
hò hét, gọi nhau inh ỏi. Chúng ăn lá cây là chủ yếu khác với họ nhà khỉ chỉ thích
ăn quả. Có lẽ bầy voọc chưa bao giờ gặp người nên thấy H’ Chi đi một mình chúng
nhìn chằm chằm rồi đua nhau đuổi theo, đu mình từ cành này sang cành khác như
người làm xiếc.
- Bốp! Bốp! Bốp!
Có tiếng chặt cây đột ngột vang lên ngay trước
mặt, H’ Chi mừng quá, có lẽ sắp tới bìa rừng rồi nên mới có người chặt cây. Thế
là đêm nay lại được quây quần bên bếp lửa chứ không phải ngủ trong rừng một
mình. Người Êđê cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác trên Tây Nguyên, bao
giờ ở gian đầu tiên từ cầu thang lên được dùng làm phòng khách. Tùy theo gia
đình mà phòng khách dài hay ngắn, nhưng ở đó bao giờ cũng có một bếp lửa được đắp
bằng đất, dài độ nửa sải tay, cao hơn mặt sàn một gang tay; đêm đêm lửa được đốt
lên để sưởi ấm, xua đi cái lạnh và cũng là nơi mọi người buổi tối thường hay quây
quần nghe người già kể khan, bàn việc… Đối với đám trẻ con có lẽ thú vị nhất là
được đặt chiếc bắp trắng tinh vừa đông sữa, bóc hết lớp bẹ để sát than hồng, chỉ
một lúc sau những hạt bắp màu sữa chuyển sang màu vàng toả mùi thơm ngào ngạt,
nhẹ nhàng tách từng hạt bỏ vào miệng nhâm nhi cho vị ngọt, vị bùi trôi vào bụng
trong lúc được nghe người già kể chuyện, thật thú vị làm sao. Cách nướng bắp
hay khoai mì khác hẳn với các bạn học cùng lớp ở miền Bắc vào. H’ Chi bật cười
nhớ lại: hôm mời mấy bạn về nhà chơi, bọn bạn để nguyên cả quả bắp bỏ vào bếp
lửa đang cháy; lại có bạn nướng khoai mì không bóc vỏ, vùi dưới tro nóng chờ chín
làm cả nhà ngạc nhiên. Cách nướng mấy thứ ấy của người Tây Nguyên có nét độc đáo
riêng: phải bóc sạch vỏ đối với khoai mì hay tước hết bẹ đối với bắp rồi dựng lên
bên bếp than hồng và thỉnh thoảng xoay nhẹ cho chúng chín đều; có lẽ đó là nét
văn hoá riêng biệt, tạo không khí ấm cúng giữa chủ và khách. Ai nướng người ấy ăn,
cái khéo của người nướng là làm sao phải chín đều có màu vàng sậm đẹp mắt, làm được
điều đó là cả một kì công.
Vừa bước gấp, H Chi vừa nghĩ tới bữa tối
vui vẻ thường diễn ra quanh bếp lửa làm cho đôi chân dường như bước đi nhẹ nhàng
hơn. Bổng H’Chi sững người dừng lại khi thấy nơi đang phát ra tiếng “chặt cây” ấy
là một chú gấu lực lưỡng cao tới hơn sải tay người lớn, lông đen thui, chỉ có
vòng lông trắng như chiếc khăn quấn ngang cổ, đang giơ hai tay vả vào gốc cây bằng
lăng bóc ra từng mảng lớn giống người ta tước vỏ mía vậy. Vây quanh con gấu, bầy
ong mật đông đúc quần đảo, mặc kệ nó vẫn thản nhiên dùng móng sắc của mình xé ngược
từng mảnh cây.
Trời sinh ra loài gấu có một sức mạnh phi
thường ở đôi bàn tay để nó có thể xé tất cả các loài cây dù to hay cứng đến bao
nhiêu, nếu bên trong có tổ ong mật. Tuy khoẻ là vậy nhưng chúng rất hiền đối với
con người, luôn luôn tìm cách tránh nếu như bất ngờ gặp nhau, chưa ai nói chúng
tấn công người bao giờ. Nhưng mới cách đây vài tuần có một trường hợp ngoại lệ
làm thay đổi cách nghĩ ấy.
Vào buổi chiều khi mọi người từ ngoài rẫy
theo nhau về nhà chuẩn bị bữa cơm tối. Bỗng có người phụ nữ mảnh dẻ, một cánh
tay bê bết máu cõng một người đàn ông phải to gấp rưỡi chị ta lảo đảo bước đến
chân cầu thang nhà H’Chi thì ngã lăn quay. Khi được ami cho uống thuốc tỉnh lại,
chi ta cho biết đã cõng chồng băng qua đèo, lội qua suối từ trưa mãi đến giờ
mới tới được đây để nhờ cứu chữa. Qua lời chị, H’Chi dần hiểu ra: Đôi vợ chồng
trẻ người dân tộc Mường từ phía Bắc di cư tự do vào làm rẫy trong rừng sâu. Trưa
hôm ấy, người vợ ra hái đậu, bất ngờ một chú gấu lớn trong rừng lù lù đi ra, nó
đi bằng hai chân sau, hai chân trước khuơ khuơ như múa tiến đến bên chị và bất
ngờ vả một cái thật mạnh vào tay. Chị đau đớn thét lên và ngã sấp xuống mặt đất.
Người chồng đang nấu ăn trong nhà thấy vậy chạy ra hỏi: “Tại sao mày phá đậu, còn
đánh vợ tao?” Con gấu không trả lời, xông lại tát anh chồng túi bụi, đến lúc lăn
quay ra đất mới chịu bỏ đi. Không biết người phụ nữ ốm yếu ấy lấy đâu ra sức mạnh
để mang được người chồng đi xa đến vậy, trong lúc mình cũng bị thương. Nhờ thuốc
lá của amí sơ cứu rồi người trong buôn chuyển lên bệnh viện kịp thời mà vợ chồng
họ thoát chết.
Thế là loài gấu không còn chung sống hoà bình
với loài người nữa rồi. Amí bảo: “Tại người ta phá hết rừng, chúng không còn chỗ
sống nên mới nổi giận chống lại người”! Bây giờ gặp nhau giữa rừng thế này đành
phải chờ vậy. Con gấu điềm nhiên móc từng tảng sáp có mật vàng óng bỏ vào mồm.
Nó ăn tất cả mật, sáp, ong con một cách ngon lành; không thèm để ý đến bầy ong đông
đặc xúm xít bâu vào mặt. Người già nói: Ong mật Tây Nguyên có ba loài chính, loài
có thân hình lớn nhất phải to gấp rưỡi con ruồi chuyên làm tổ bám vào cành cây,
vách đá nhìn qua có thể nhầm là chiếc dậm đánh cá treo áp miệng vào cành cây; loài
ong này hung dữ lắm, các loài thú ăn mật đều sợ nó trừ loài gấu; một tổ ong loại
này có thể lấy được vài gùi mật. Loài thứ hai nhỏ hơn, làm tổ trong các thân cây
cổ thụ, mật thơm và ngọt hơn, người dân gọi là ong ruồi. Gọi là ong ruồi - vì nó
chỉ to bằng con ruồi, thích làm tổ trong các thân cây bằng lăng và có lẽ vì thế
chỉ có loài gấu mới phá được tổ của chúng. Loài ong mật nhỏ nhất, con trưởng thành
chỉ to bằng chân que nhang lại làm tổ dưới đất, vì thế chúng hay bị các loài thú
ăn mật quấy nhiễu nhiều nhất; mật loài này hơi chua, người lớn không dùng chỉ có
trẻ con và các loài thú nhỏ lấy ăn.
Nói đến ong ở Tây Nguyên phải nhắc đến hai
loài ong không bao giờ có mật nhưng rất hung dữ, các loài thú luôn luôn phải tránh
xa chúng nếu không muốn bị no đòn, mất mạng. Một loài thường làm tổ trong các bụi
cây rìa sình, tổ của chúng gần giống tổ kiến nhưng, phía ngoài được vẻ bằng những
nết cầu kì mầu trắng xen nâu sẫm, trông rất giữ tợn, chỉ có một cửa ra vào và
luôn có hai con canh gác, bảo vệ. Loài này thân to như chiếc đũa khoác áo đen sọc
vàng, có nọc độc lắm. Mấy bạn doan bảo đó là ong vò vẽ, vì tổ của nó được trang
trí bằng những nét vẽ ngoằn ngoèo trông rất sợ. Nhưng loài này chưa khủng khiếp
bằng loại ong đất. Người trong vùng gọi chúng là ong đất vì chúng làm tổ dưới mặt
đất, còn doan gọi ong chằn; thân to bằng ngón tay út, có hai răng hàm to, khoẻ.
Chúng làm tổ trong các ụ mối, đào đất vo tròn bằng hạt đậu tha bỏ phía trước tổ
thành một đống đất lớn có khi dài hơn hai mét. Thân ong màu đen có hai khoanh nâu
sẫm khác hẳn với các loài khác. Nếu loài ong vò vẽ bị một con đốt chỉ đau và
xoa nước vôi sau vài ngày sẽ đỡ, còn ong đất đã đốt thì đến trâu bò cũng chết
chứ nói gì đến con người. Vết ong chích nếu không chữa kịp thời thì sẽ sưng lên,
thịt xung quanh đó bị thối ruỗng, vì thế nhà H’Chi luôn có thuốc để cứu buôn làng
không may gặp hạn. Nghe người già kể chuyện nhà Mí H’Thương ngày trước: Chiều
khi đếm bò về chuồng thấy thiếu một con, sáng hôm sau đi tìm thấy thì... con bò
lớn dài hơn sải tay chỉ còn bộ xương và phân nằm ngổn ngang trên tổ ong đất. Có
lẽ con bò xấu số dẫm đúng tổ ong đất sụt xuống, bầy ong không những đốt chết mà
ăn thịt luôn. Bọn thanh niên trong buôn tức cái bụng lắm, xin phép già làng cho
đi trả thù. Người già bảo:
- Chúng ta cũng muốn sống hoà bình với muôn
loài, không xâm phạm của nhau, nay bầy ong ăn mất con bò của nhà Mí H’Thương như
thế là không tốt rồi. Đàn ong này giữ quá, phải xử nó thôi.
Đám thanh niên mừng lắm, rủ nhau chặt nứa
khô về đập dập, bó làm bốn bó to như bắp đùi người lớn, mỗi bó dài bằng sải
tay. Khi ông mặt trời đi ngủ một lúc thật lâu, treo trên bầu trời xanh thẳm đầy
những vì sao li ti; lúc ấy cánh thanh niên mới
mang cuốc, xẻng, xà beng, vác đuốc ra tổ ong đất trả thù. Hai cây đuốc được
đốt lên, một cây đặt trước miệng lỗ diệt ngay mấy von gác cổng và đón bầy ong
trong tổ lao ra thiêu cháy rụi. Còn một bó nữa soi cho mấy anh thanh niên đào từ
của đào vào. Cửa tổ ong bên ngoài chỉ to bằng trái bắp non, dốc thoai thoải xuống
sâu phía trong nữa mét đã thành một chiếc hang lớn treo đủ chín mươi chín tầng
sáp chứa đầy ong non. Đám trẻ con tò mò đi theo nghe tiếng ong trong tổ lao ra ồn
ào như tiếng xe chạy sợ co dúm lại, hai bó đuốt được quạt liên tục mới không bị
ong làm tắt. Sau gần một tiếng vừa đào, vừa đốt, tổ ong bị phá huỷ, ong non đào
được bỏ đầy năm chiếc gùi của các anh chị lớn. Đêm ấy cả buôn rang nhông ong
cùng ăn vui vẻ như doan ăn tết vậy.
Còn loài gấu tuy khoẻ, lông và da dày chống được ong mật nhưng không bao giờ dám động
đến ong đất. Núp sau thân cây quan sát gấu lấy mật, H’Chi chợt nghĩ: Nếu là ong
đất chắc con gấu đã chạy từ lâu và mình không phải chờ như thế này. Cuối cùng
con gấu cũng bỏ đi sau khi đã ăn nhẵn cả mật lẫn sáp ong. Bầy ong đuổi theo một
đọan rồi quay lại bay vòng quanh tổ vừa bị phá như không hiểu điều gì xảy ra,
tiếng kêu u, u… như khóc. Chờ một lúc H’Chi mới rời chỗ núp từ từ bước đi. Những
gốc cây cổ thụ đã sẫm màu, báo hiệu màn đêm sắp ập xuống, có lẽ mình không kịp về
nhà trước trời tối mất rồi, chỉ tại con gấu xấu xí cản đường. Nhưng đây cũng là
lần đầu tiên H’Chi được nhìn tận mắt nhìn thấy gấu rừng phá tổ ong lấy mật. Mai
về kể lại chuyện này, các bạn sẽ nghĩ gì nhỉ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI