Ngày 25 tháng 12 năm 1985 huyện Ea Kar
chính thức được thành lập trên cơ sở tách xã Ea Kar, một xã xa nhất ở phía đông
huyện Krông Păk và cắt một phần xã Krông Jin huyện Ma Đắk với tổng số dân hơn
30.000 người. Khi ấy dân số toàn xã Ea kar chỉ hơn 3.000 người; dân ba buôn thuộc
xã Krông Jin chuyển qua chưa được 500 nhân khẩu; còn lại chủ yếu là công nhân
của đoàn 333 làm kinh tế trên địa bàn.
Công nhân đoàn 333, thực ra họ là những người lính của sư 333 quân
khu V được chuyển giao cho Bộ Nông
nghiệp làm kinh tế tại Tây Nguyên mà đại bản doanh đóng tại buôn Ea Knốp. Những
người lính mình còn nồng mùi thuốc súng vừa trải qua chặng đường dài “đánh cho
Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào” giờ căng mình ra vừa làm kinh tế, vừa vận động đồng
bào dân tộc tại chỗ định canh, định cư; lại vừa phải truy quét bọn phản động
Fulro. Họ đa số là con nhà nông nhưng quen với trận mạc, nay buông súng cầm
dao,cầm cuốc xây dựng kinh tế, quả là vất vả. Những gia đình chia lìa sau ba
chục năm do chiến tranh hay những cặp tình nhân mòn mỏi chờ nhau quên cả tuổi
thanh xuân rơi mất từ lúc nào không biết; giờ đây họ mới có dịp đòan tụ, thỏa
lòng mong ước bấy lâu. Vậy là mảnh đất Ea Kar trở thành quê mới, mảnh đất của
tình yêu và hạnh phúc. Dân số tăng vùn vụt, còn kinh tế thời bao cấp vẫn chậm
chạp lăn mình theo dòng năm tháng. Đời sống lúc đó quả thật khó khăn.
Trong hoàn cảnh ấy, điều kiện ấy, Phòng Giáo dục huyện Ea Kar
được thành lập do ông Vũ Thế Hiển làm Trưởng phòng, mượn tạm hai phòng học của
trường PTCS Ngô Gia Tự làm nơi ăn, ở và làm việc. Số trường lớp còn quá khiêm
tốn: 6 trường THCS (trong đó 4 trường thuộc Đoàn 333) với 121 lớp, 3.777 học
sinh theo học. Thời đó các lớp tiểu học, trung học cơ sở học chung với nhau một
trường mang tên PTCS. Số học sinh khối THCS năm học 1995-1996 có 906 em, học
sinh tiểu học 2.871 em; còn mẫu giáo, nhà trẻ do các nông trường, xí nghiệp
thuộc đoàn 333 quản lí. Toàn huyện có 49 phòng học cấp 4 và phòng học tạm lợp
gianh, trát đất; bàn, ghế đa phần lấy bìa gỗ, cây tròn ghép lại với nhau. Năm
1990 khi về thăm trường Tô Hiệu, ông Uông Ngọc Dậu phóng viên báo Dak Lak chụp
một dãy 3 phòng học tạm tường trát đất, mái lợp cỏ gianh nhưng gió bóc mất một
mảng để trơ rui, mè thi gan với trời đất; còn một số tấm gianh khác thì dựng
đứng lên hứng nước mưa đưa vào phòng học. Bức ảnh đăng báo Dak Lak ngày ấy như
lời cảnh báo thực trạng cơ sở vật chất của ngành giáo dục lúc bấy giờ.
Trường lớp thì vậy, còn đội ngũ cán bộ, giáo viên công nhân viên
toàn ngành chỉ có 157 người, đa phần là những nàng dâu đoàn 333 theo chồng vào
làm kinh tế hoặc họ chính là những nhà giáo đi B trước năm 1975 vào tăng viện
cho miền Nam như: Vũ Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Lập, Tạ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn
Thị Ngần v.v… đã an cư nên có thể “lạc
nghiệp”; còn một bộ phận được điều đến hay giáo sinh mới ra trường như: Phạm
Công Nghĩa, Phan Văn Thành, Bùi Văn Hiền, Phan Ngọc Lĩnh, Y Trum, Y Chư… phải ở
nhờ nhà dân hoặc lấy ít gianh, tre kéo dài mái hiên sau phòng học làm nơi ở,
làm việc.
Quả thật những năm cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 ở thế kỉ trước
cuộc sống thầy cô giáo sao khó khăn đến thế. Nơi ở và làm việc chỉ là tạm bợ,
còn đời sống vật chất cũng cho qua ngày mà thôi. Tất cả cán bộ, giáo viên ai
cũng phải chăn nuôi, tăng gia sản xuất mới đủ sống. Nhưng vượt lên trên tất cả,
những người được mệnh danh là “nông dân có nghề phụ dạy học” ấy, vẫn bám lớp,
bám trường. Đêm đêm bên ngọn đèn hoa kỳ đốt bằng dầu do chạy máy thải ra, khói
um, cay xè mắt vẫn đắm mình qua từng trang giáo án, với cả tấm lòng yêu nghề,
mến trẻ và tin vào điều tốt đẹp ngày mai.
Năm
học 2004-2005 toàn huyện có 64 trường với 1.201 lớp với 41.873 học sinh theo
học. Trong đó PTTH có 03 trường với 93 lớp
4.677 học sinh theo học, số học sinh người dân tộc thiểu số có 385 em.
THCS: 14 trường, 324 lớp dạy 14.101 học sinh, có 3.094 học sinh dân tộc ít
người. TH: 33 trường, 599 lớp qui tụ 18.516 em theo học, trong đó có 6.212 em
là học sinh dân tộc ít người. 14 trường mầm non nuôi dạy 4.405 cháu ở 170 lớp
mãu giáo, có 1.094 cháu người dân tộc thiểu số và 174 cháu ở 15 nhóm trẻ. Riêng
học sinh dân tộc ngành có một trường nội trú 4 lớp 116 học sinh theo học. Tỷ lệ
học sinh dân tộc học tiểu học có
8.924/18.516 chiếm48,2%. Các chế độ ưu đãi được thực hiện đúng quy định ,kip
thời.Ngoài ra huyện còn có một trung tâm giáo dục thường xuyên đang trực tiếp
mở 10 lớp bổ túc, có 494 học viên theo học. Ngoài ra trung tâm còn liên kết với
các trường mở lơp đào tạo tại chức cho các học viên có nhu cầu học ở một số
ngành nghề cơ bản khác.
Cơ sở vật chất từng bước
được quan tâm đầu tư xây dựng ngày một khang trang hơn như: không còn phòng học
tạm. Trong năm năm (2000-2004) bằng những nguôn vốn khác nhau toàn ngành xây
mới 402 phòng, trong đó kiên cố 150 phòng; 09 nhà hiệu bộ, 37 nhà ở giáo viên,
14 thư viện trường học đạt chuẩn, 07 nhà bảo vệ, 10 nhà để xe cho giáo viên và
học sinh; 7.080 m tường rào, đổ 42.515 m2 sân bê tông, xây 29 công
trình vệ sinh tự hủy; mua sắm 169 máy vi tính, 20 bộ bàn ghế văn phòng lọai
tương hợp trang bị cho các trường. Điều đặc biệt mà ngành giáo dục huyện Ea Kar
làm được trong khâu trang bị cơ sở vật chất cho các lớp học đạt chuẩn theo qui
định cuả bộ như: mua 651 bảng chống lóa 1.500 bộ bàn ghế tương hợp của học
sinh, 31 bộ bàn ghế giáo viên, 06 bộ bàn ghế thư viện v..v… từ nguồn vốn huy
động của dân và hổ trợ từ ngân sách huyện.
Do sự phát triển nhanh chóng về trường, lớp, nên đội ngũ cán bộ,
giáo viên ngày một đông đảo; năm học 2004-2005 toàn huyện có 1.680 giáo viên -
CNVC các cấp học, ngành học. Trình độ chuyên môn từng bước đạt chuẩn và trên
chuẩn, cụ thể: bậc mầm non 88%, TH 78,13%, THCS 98,6%, THPT 100%. Đội ngũ quản
lí hầu hết được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí, có tinh thần trách nhiệm
cao, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Song
song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn,
công tác bồi dưỡng giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên
cũng được các cơ sở Đảng và ngành quan tâm đúng mức. Vì vậy tính đến hết tháng
12 năm 2004 toàn ngành có 485 Đảng viên đạt: 29,6% đang sinh hoạt ở 57 chi bộ
trường học. Hiện nay 100% các đơn vị trường học đã có Đảng viên.
Cơ sở vật chất ngày một củng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ,
giáo viên được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nên kết quả đào tạo có
bước phát triển vượt bậc là điều tất yếu. Năm học 2003-2004 đậu tốt nghiệp ở
tiểu học: 98%, THCS: 84,5%, học nghề đạt 100%, THPT 96%. Riêng chất lượng đào
tạo học sinh giỏi ngày một tiến bộ rõ rệt, mỗi năm toàn huyện có từ 150 –200 em
học sinh các cấp đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; nhiều em đạt giải cao tại các kỳ
thi quốc gia. Ba năm học gần đây nhất, toàn huyện có 600 em đạt học sinh giỏi
cấp tỉnh và 12 em đạt giải quốc gia. Không những thế, sau hai mươi năm thành
lập ngành giáo dục, huyện Ea Kar còn có 7 trường tiểu học và một trường mầm non
được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Từ
cái nôi ngành giáo dục Ea Kar đã cung cấp cho huyện một đội ngũ cán bộ lãnh đạo
chủ chốt, tài năng, giàu nghị lực như: Ngô Việt Hùng - Phó bí thư huyện ủy,
Nguyễn Thành Long - Trưởng Ban tổ chức huyện ủy, Y Tuynh nguyên là chủ tịch
HĐND huyện, Y Chư - Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện v.v... đã và đang hoàn
thành suất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị mới, góp phần quan trọng đưa
huyện Ea Kar có bước phát triển nhanh chóng về mọi mặt.
Ở một huyện xa thành phố mà trong suốt mười năm gần đây, ngành
giáo dục huyện Ea Kar luôn là đơn vị đứng thứ 2 toàn tỉnh, (chỉ sau thành phố
Buôn Ma Thuột vế số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và số lượng học
sinh lên lớp, tốt nghiệp các cấp). Liên tục trong nhiều năm liền được UBND Tỉnh
tặng bằng khen, cờ luân lưu …
Những
con số biết nói của ngành giáo dục Ea Kar sau 20 năm thành lập như nêu trên đã
đặt ra câu hỏi: Vì sao huyện Ea Kar làm được như vậy ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Nghĩa – Phó trưởng phòng Giáo
dục huyện Ea Kar cho biết: Chỉ trong 5 năm (2000-2004) tổng kinh phí đầu tư,
mua sắm trang thiết bị đạt 42,515 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 11,494
tỉ; số còn lại do ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Sở dĩ huy động được
nhiều vốn trong dân như vậy chúng tôi phải chọn trường điểm làm trước, xây dựng
thành mô hình; sau đó mời UBND các xã, thị trấn, hội phụ huynh các trường đến
trao đổi kinh nghiệm và về áp dụng vào từng trường. Cái cốt lõi của vấn đề là
quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” được thực hiện một
cách khoa học. Chẳng hạn trường muốn xây tường rào, làm sân bê tông hay xây
dựng phòng học; hội cha mẹ học sinh dự thảo kế hoạch, bàn bạc cụ thể với ban
giám hiệu nhà trường cùng thống nhất, sau đó họp phụ huynh từng lớp xin ý kiến.
Khi đa số phụ huynh tán thành với kế hoạch đưa ra, Ban giám hiệu nhà trường báo
cáo UBND xã – thị trấn xin chủ trương làm, giám sát, nghiệm thu. Cái được ở đây
là toàn bộ dự toán cũng như thi công công trình đến thu – chi đều do thường
trực hội cha mẹ học sinh làm nên dân rất thỏa mãn và hạn chế được thất thoát.
Phòng Giáo dục chỉ làm cơ quan cố vấn cho trường và khi cần thiết tham mưu cho
UBND huyện đề ra chủ trương để cấp dưới quyền thực hiện, tạo điều kiện thuận
lợi cho các hội hoàn thành công việc.
Ông Lê Ngọc Anh – Trưởng Phòng giáo dục huyện Ea Kar cho biết
thêm: “Vận dụng thàng công chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm; trung
ương và địa phương cùng lo”, là phải tùy theo điều kiện từng trường, từng năm
học mà đề ra kế hoạch sát với thực tế, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công
trình để nhân dân thấy được hiệu quả của đồng vồn bỏ ra. Dân ta hiếu học, mong
con em có điều kiện học tập tốt nhất, khi hiểu
họ sẽ nghe và làm được theo kế hoạch đề ra”.
Có thể nói sau 20 năm nhìn lại, phong trào giáo dục Ea Kar đã có
bước nhảy vọt cả về số lượng, lẫn chất lượng. Đạt được kết quả to lớn ấy là do
các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ea Kar, tĩnh Đắk Lắk quan tâm đúng mức đến
phong trào giáo dục, tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để ngành ngày một phát
triển vững chắc. Bên cạnh đó phái kể đến những đóng góp có tính chất quyết định
cho thành công là sự lãnh đạo của Phòng Giáo dục: nhanh nhạy – sáng tạo trong
áp dụng chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về chiến lược xây dựng và
phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.
Nhưng nói như vậy không phải ngành giáo dục Ea Kar đã hết khó
khăn, vướng mắc. Ở một huyện vùng sâu trồng cây lương thực là chính trong khi
cà phê có giá trị kinh tế cao chỉ trồng được chưa đến 1/3 diện tích canh tác;
dó đó đời sống kinh tế nhân dân nhiều nơi còn khó khăn, nhiều hộ nông dân còn
nghèo. Giá như được nhà nước đầu tư thêm ngân sách, kiên cố hóa trường học,
chắc chắn sẽ có thêm động lực để ngành giáo Ea Kar có bước phát triển mạnh mẽ
hơn nữa.
Riêng đối với ngành học mầm non vẫn còn nhiều việc phải làm. Số
cháu dưới 5 tuổi huy động đến lớp chiếm tỷ lệ không đáng kể (2,22 %); đa phần
các cháu không được đến trường vì bố mẹ không đủ tiền đóng học phí; còn con em
đồng bào dân tộc ít người vẩn theo phong tục: gùi lên rẫy theo ba mẹ đi làm hơn
cho đi học. Giá như ta có thể bỏ học phí của ngành học mầm non, chắc chắn hiệu
quả giáo dục sẽ cao hơn.
Một mùa xuân nữa lại về trong không khí tươi vui mừng Đảng tròn
75 mùa xuân, đất nước 60 năm độc lập và 30 năm nước nhà thống nhất, ngành giáo
huyện Ea Kar tròn 20 mùa rẫy bội thu, xứng đáng là một trong những lá cờ đầu
tỉnh Đắk Lắk; chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong sự
nghiệp “ Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”.
Mùa
thu năm
2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI