Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

CHUYỆN LẠ VỀ GÀ RỪNG trích chương IV truyện dài BÍ MẬT RỪNG THIÊNG






            Ò … ó… o !
Tiếng gà gáy bất ngờ vang lên lanh lảnh xuyên qua các thân cây, lan tỏ khắp rừng. Tiếng gáy của gà rừng có âm hưởng khác hẳn với gà nhà. Nếu gà nhà tiếng gáy ngân dài rồi nhỏ dần; còn tiếng gà rừng gay gắt hơn, mạnh mẽ hơn và bao giờ cũng dừng lại đột ngột khi giọng lên cao nhất như bị đứt hơi. Có lẽ giống gà rừng muốn dừng tiếng gáy lúc lên cao nhất để tự mình kiêm nghiệm xem tiếng gáy bay bao xa, có ai đáp lại không! Tiếng của con gà rừng này cao lảnh lót chắc là sống nhiều mùa rẫy rồi đây. H’Chi vừa đi, vừa chú ý xem nó đứng ở đâu. Đối với H’Chi loài gà rừng không lạ mà còn quen nữa, vào đầu mùa mưa khi người ta gieo đậu, tỉa lúa; chúng kéo nhau hàng đàn, hàng lũ xuống ăn trộm hạt. Cái lạ của loài gà rừng là mỗi bầy chỉ có một con gà trống xinh xắn khoác bộ lông vàng óng ả, điểm một ít lông đen tạo nên vẻ thanh thoát. Hai bên cánh trang điểm thêm hai chiếc lông trắng muốt như làm duyên. Lông đuôi gà rừng màu xanh đen, dài và cong võng xuống, gần giống lông đuôi trĩ đực, sáng rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Mỏ và chân màu vàng tươi, phía sau mỗi chân con nào cũng có một chiếc cựa màu trắng ngà nhọn hoắt sắc như dao cạo. Nhìn chiếc cựa đó người ta có thể biết con gà ấy sống qua bao mùa rẫy, vì càng sống lâu chiếc cựa càng to và cong vút lên. Điểm khác biệt rõ rệt nhất của gà trống rừng với gà trống nhà chính là hai bên tai; tai gà trống rừng bao giờ cũng có một miếng da màu trắng, to bằng móng tay em bé, nhìn từ xa đã thấy rõ, còn gà nhà không có.
          Vào sáng sớm gà trống đậu lên đống mối cao hoặc một cành cây cách xa mặt đất, đập cánh giương cao cổ gáy vang rừng báo hiệu sự hiện diện của mình, các con gà trống của các đàn khác liền cất tiếng gáy đáp lời, tạo nên một bản nhạc rừng êm ái chào đón ngày mới, rồi bất ngờ bay thẳng ra rẫy ăn trộm hạt mới gieo, miệng liên tục gọi bầy: Cục! Cục! Cục...! Lúc ấy mấy mụ gà mái mới vội vã bay ra, xúm lại bên con gà trống đào, bới lung tung. Bầy gà mái con nào, con ấy giống nhau như đúc từ một khuôn ra; toàn thân khoác bộ lông màu nâu nhạt, rất giống màu đất, trên cổ màu vàng tươi, riêng mỏ và chân có màu vàng như quả chanh chín. Bầy ít chỉ vài ba con, bầy đông có đến hàng chục con gà mái trưởng thành; chúng phá hoại ghê gớm lắm, vì thế phải canh cho hạt nẩy mầm, mọc thành cây, chúng mới không đến phá nữa.
          Để trị lũ gà rừng người ta đi quanh bờ rẫy giáp bìa rừng khi ông mặt trời sắp đi ngủ đánh dấu nơi phát ra tiếng gáy của chúng. Lũ gà sau một ngày kiếm ăn no nê, đến chiều tà rủ nhau lên các cành cây rậm cao hơn mặt đất khoảng hai mét xếp hàng bên nhau, gà trống ở giữa giang cánh, ưỡn ngực cất tiếng gáy tạm biệt mặt trời trước khi đi ngủ. Cũng chính tiếng gáy đó đã tự tố cáo nơi ngủ qua đêm của chúng. Bọn con trai căm lũ gà rừng lắm vì chúng quá tinh khôn, đuổi bầy này ở đầu rẫy, bầy khác ở cuối rẫy rủ nhau ra phá, chỉ khi nào thấy người đến gần mới vỗ cánh bay thẳng vào rừng nấp, chờ người đi xa lại sà xuống ăn. Chúng nấp tài lắm, có khi đứng ngay trên đầu mà ta không thể tìm thấy. Nhưng khi màn đêm buông xuống, bắt chúng lại rất dễ. Đi săn gà rừng ban đêm là việc của cánh con trai choai choai cùng tuổi với H’Chi; vài ba đứa một nhóm xách đèn pin mang nỏ đến các lùm cây đánh dấu lúc buổi chiều, thật nhẹ nhàng soi đèn tìm con gà trống và bật lẫy nỏ làm sao cho mũi tên trúng ngay vào diều, xuyên ngược qua xương cổ. Con gà bị trúng tên bật ngược ra phía sau rơi xuống đất dãy mấy cái nữa nằm im luôn. Người soi đèn phải phối hợp nhịp nhàng với người bắn, khi lẫy nỏ bật, mũi tên bay đi phải tắt đèn ngay. Chờ khi nào con gà trúng tên không dãy nữa mới được bật đèn lên bắn tiếp. Bầy gà rừng bị bắn mất con gà trống đứng ở giữa, các con đứng bên cạnh không biết có chuyện gì xảy ra khi thấy có khoảng trống chúng lại nhích lại gần nhau. Vì vậy đã gặp đàn nào có thể bắn hết, không một con chạy thoát. Nhưng phải biết luôn luôn bắn trúng con đậu ở giữa và phát đầu tiên là con gà trống, nếu phát đầu tiên không diệt được con gà trống nó sẽ kêu ầm lên vỗ cánh lao thẳng lên trời, kéo cả bầy bay theo. Còn khi mất con đầu đàn, chúng như rắn mất đầu chỉ biết co cụm lại sát nhau, song nếu bắn con đứng ngoài cùng của hai đầu cành, bọn gà còn lại sẽ giật mình bay mất ngay. Thịt gà rừng thơm và ngọt hơn gà nhà. Bắn được gà rừng mang về chia đều cho các bếp trong ngôi nhà dài. Nhà dài có hàng chục bếp, mỗi bếp là một gia đình chung dòng họ sống cùng nhau.
          Thịt gà hầm măng rừng cho thêm ớt xanh giã nhỏ ăn đến đâu, biết đến đấy. Nước miếng bỗng trào lên miệng, cái bụng réo ào ào, khi H’Chi nghĩ đến món thịt gà nấu măng khô sao mà ngon đến thế. Thịt gà rừng ngon nhưng không ai bắt chúng để nuôi cả, vì có nuôi chúng cũng không ở. Gà mái lúc đẻ tìm bụi cây rậm rạp nhiều gai để làm tổ, mỗi tổ thường có tám đến mười hai quả trứng. Khi gà con nở, gà mẹ dẫn đàn con bới lá mục, ổ mối cho ăn và sống tách biệt với bầy. Gà mái khi nuôi con dữ lắm, chỉ gặp người mới dẫn con bỏ chạy; còn gặp các loài khác đánh nhau đến cùng. Có lần H’Chi đi hái thuốc cùng ami(1) đã tận mắt thấy một con chồn toàn thân khoác bộ lông màu nâu nhạt, mình dài đến gần sải tay, kể cả chiếc đuôi có lông xù, mặt giống mặt chó nhưng nhỏ và mỏm dài hơn một chút; hai tai dựng đứng, có những chiếc lông trắng dài quá cả vành tai, trông như bị ai đó dán thêm vào. Tuy thân dài vậy, nhưng đứng chỉ cao hơn gang tay người lớn là cùng. Cặp mắt tròn to bằng hạt nhản hơi lồi ra, màu xanh thẩm, hầu như không chớp mắt bao giờ. Nhìn thấy bầy gà, nó nhẹ nhàng cúi mình, bụng sát mặt đất, nhẹ nhàng bò chầm chậm, thỉnh thoảng dừng lại cất cao đầu nhìn bầy gà trước khi rụt cổ bò tiếp. Mẹ con nhà gà vẫn mải mê cào bới đám lá mục, miệng liên tục kêu: Cục, cục, cục... Mười chú gà con xinh xắn ríu rít kêu: Chíp, chíp, chíp... ra vẻ thích thú, xúm xít bên chân mẹ, tranh nhau con giun nhỏ gà mẹ vừa bắt được.
Như có linh cảm chẳng lành hay gà mẹ ngửi được mùi của con thú dữ, vội vã ngừng gọi con, ngẩng cao đầu nhìn bốn phía xung quanh vừa kịp phát hiện ra gã chồn nằm ép sát mặt đất, đặt chiếc mõm dài xấu xí lên hai chân trước như đang ngủ, riêng cái đuôi dài có lẽ gã quên không kịp cụp xuống vẫn dựng đứng lên khe khẽ lắc qua, lắc lại. Gà mẹ hét toáng lên: tác, tác, tác... rồi lao đến trước mặt con chồn. Đàn gà con nhanh nhẹn chạy vào đám lá cây bên cạnh như có phép tàng hình, chỉ trong nháy mắt không còn thấy chúng đâu nữa. Con chồn đứng dậy lao tới vồ, gà mẹ bay vụt lên chỉ bị con chồn dớp mất một nhúm lông đuôi rồi bất ngờ lao vút xuống mổ một nhát như trời giáng vào lưng con chồn, kèm theo một tiếng kêu: Cục tác… rất to. Hai bên quần nhau đến cả chục phút chưa phân thắng bại, nhưng xem ra gà mẹ có phần đuối sức khi bị nhiều miếng cắn của chồn chạm được vào lông. Bỗng một tiếng “toác” rất to kèm theo tiếng đập cánh dữ dội, mặt con chồn bị rạch một đường như dao cạo, máu chảy ròng ròng sau cú đá dữ dội của chú gà trống không biết từ đâu lao xuống chắn ngay trước mặt con chồn. Con chồn bị đau nỗi cáu chồm lên đớp, nhưng con gà trống quá nhanh nhẹn, vừa tránh đòn vừa giáng những cú đá khủng khiếp khác lên lưng chồn, những cái dấu dọc ngang rướm máu. Con chồn đuối sức, cụp đuôi lao thẳng vào bụi rậm, bỏ chạy.
*
**
-         Ò ó o!
          Tiếng gáy cất lên, cắt ngay dòng suy nghĩ của H’Chi và tự nó chỉ ra chổ đứng của mình. Bên gốc cây gió to đến hơn một vòng tay người lớn, nổi lên một bãi đá đến mấy chục hòn. Chú gà rừng oai vệ đứng trên hòn đá to nhất, hai cánh giơ lên vỗ phành phạch mấy cái trước khi uốn cong cổ ban phát lên bầu trời bản nhạc riêng biệt của họ nhà gà. Thế đứng của nó đẹp như một bức tranh của người họa sĩ tài ba.
Nhìn con gà trống gáy, H’Chi nhớ lại hồi mới biết theo amí lên rẫy, thấy gà rừng đẹp quá, mới năn nỉ ama(2) bắt một con về nuôi. Ama cười bảo:
          -Con gà rừng đẹp nhưng không nuôi được, nó quen sống tự do trong rừng, không thích sống với người đâu. Con hỏi amí thì rõ!
          -Đúng đấy! Amí xác nhận.
          H’Chi buồn lắm, cái bụng không muốn ăn cơm, tối đó amí kể cho nghe chuyện từng nuôi gà rừng khi mới bắt ama H’Chi về làm chồng. “Một buổi chiều tình cờ amí đi hái cây thuốc thấy một ổ gà rừng có mười quả trứng, ưng cái bụng lắm, liền lấy mang về cho gà nhà ấp. Mười ngày sau nở ra mười chú gà con giống nhau như một, toàn thân khoác bộ lông màu xám nhạt, lưng có sọc dài chạy từ đầu đến đuôi. Chúng hay ăn và chóng lớn lắm, hai tháng sau bay được như chim. Mấy con gà trống đánh nhau cả ngày, không con nào chịu con nào; ngay cả những con gà trống nhà to xác gấp hai ba lần vẫn bị mấy con gà rừng đánh cho toác đầu, sứt cổ. Gà rừng tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn, đánh không thắng, mệt quá nó bay vù lên cành cây cao nghỉ, mấy con gà trống nhà chỉ biết đứng dưới đất nhìn. Bọn chúng cũng lạ lắm, khi lớn một tý không bao giờ ngủ dưới mặt đất mà bay đậu trên các cành cây cao quanh nhà. Cho đến một hôm nghe tiếng gà rừng gáy ở chân núi phía xa, cả đàn gà rừng mười con rủ nhau bay đi hết. Amí không tiếc công chỉ buồn thôi vì nhớ chúng. Có lẽ ngay trong dòng máu, chúng quen tự do với rừng và bầu trời mênh mông, không chịu ở tù túng với người. Thôi, nếu nó đẹp ta hãy để nó ở với rừng thỉnh thoảng lên rẫy nhìn và nghe tiếng cũng được”. Amí giọng buồn buồn nói vậy. Nghe chuyện của amí, từ đó H’Chi không còn đòi bắt gà rừng về nuôi nữa, song cái bụng lúc nào cũng mong được nghe tiếng gà gáy, được nhìn thấy chúng ưởn ngực, vỗ cánh như một vũ công biểu diễn.
*
**
Đứng ngắm con gà rừng một lát, đang định bước đi, bổng H’Chi thấy nó giật mình kêu ầm lên: T… ác, t…ác, t… ác, rồi bay vút lên cành cây cao kéo theo mấy con gà mái chắc đang mải ăn bên các gốc cây giật mình bay theo.
          Ôi! Kì lạ chưa, bầy gà vừa bay đi, cả bãi đá rùng rùng chuyển động đứng bật cả dậy, xếp hàng sát bên hòn đá lớn; nhìn kĩ đó là bầy heo rừng đang ngủ bị bầy gà đánh thức dậy. Bầy heo đông quá có lẽ đến gần trăm con, con đầu đàn to như một con bò mộng đứng gương mõm lên trời chìa ra hai chiếc răng nanh vàng khè như hai quả chuối chát. Cả đàn heo đứng im như những tảng đá, hai chân trước thẳng cứng, đầu ngẩng cao, nhìn ra xung quanh. Chúng xếp hàng thật đều giống như đang chuẩn bị nghi lễ gì đó trọng đại lắm. H’Chi ngạc nhiên quá: tại sao chúng xếp hàng đẹp như vậy nhỉ? Ai dạy mà khéo thế không biết! Giá như có máy ảnh, chụp một kiểu mang về chắc các bạn cùng lớp phải lác mắt. H’Chi nghỉ vậy và tặc lưỡi tiếc rẻ bước đi tiếp vì trời sáp tối.

Chú thích:

1.      Ami: má – tiếng Êđê;
2.      Ama: ba - tiếng Êđê


 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI