Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

ANH HÙNG TƯƠNG NGỘ trích chương V truyện dài BÍ MẬT RỪNG THIÊNG


Tác giả HỒNG CHIẾN





            Ò... ó... o!
Trời về chiều, H’Chi cố bước nhanh cho kịp về buôn trước khi trời tối. Bỗng có tiếng gà gáy vang lên trước mặt xé tan không khí tĩnh mịch của cánh rừng già. Được ngày chủ nhật nghỉ học, từ sáng sớm H’Chi một mình vào rừng hái thuốc thay ami đi dự lễ đâm trâu. Lâu ngày mới vào rừng, nhìn cái gì cũng đẹp làm tinh thần sảng khoái, mải mê tìm: dây, lá, củ, quả... hái đầy gùi cũng là lúc ông mặt trời nghiêng về phía tây. Trên đường về H’Chi gặp gà rừng, không biết chúng có đông không? Tò mò H’Chi tiến gần lại quan sát và thật bất ngờ... một con gà trống toàn thân choàng một bộ lông màu vàng óng ả, chỉ có hai bên tai điểm hai đốm trắng đang đứng trên một hòn đá cao hơn các hoàn đá xung quanh, cất tiếng gáy. Mỗi lần chuẩn bị gáy, chú gà vỗ cánh phành phạch như tự động viên mình trước khi vươn cổ lên cao gửi vào không trung tiếng: “ò, ó, o...” vui vẻ. Đá ở đâu mà xuất hiện ở đây nhiều thế này nhỉ - H’Chi tự hỏi vì từ trước tới nay chưa thấy ai nói trong khu rừng thiêng có bãi đá thế này đâu. Đi lại gần chút nữa, H’Chi giật mình nhận ra bãi đá chính là... một bầy heo rừng đang nằm ngũ.
Sống với rừng từ nhỏ nên các loài thú tính nết thế nào H’Chi đều hiểu cả; bầy heo rừng nhiều và đông tới đâu đi nữa, nhưng chỉ nghe tiếng người sẽ bỏ chạy tán loạn ngay chỉ trừ trường hợp gặp heo một khi bị thương. Những con heo tách đàn đi một mình kiếm ăn trong rừng người ta gọi chúng là heo một vì bao giờ cũng là con đực, có thân hình đồ sộ từ một tạ trở lên, không có bạn bè. Bình thường chúng không bao giờ dám đối diện với người, còn khi đã bị thương do con người gây ra thì dữ hơn cả cọp, tấn công người là chuyện thường. Lúc bất ngờ gặp, phải nhanh chóng leo lên cây gần nhất tránh đường cho nó đi, nếu không muốn mất mạng.
          Trong rừng loài heo sinh sản nhanh nhất, số lượng thành viên trong một bầy cũng đông nhất, có bầy trên cả trăm con và khi ra rẫy ăn trộm lúa, bắp, khoai... cũng gây thiệt hại nhiều nhất. Chiếc mõm nhìn mềm mại vậy nhưng có thể đào đất cứng sâu đến nửa mét lấy củ ăn; mía, bắp... dù cây to bằng mấy chúng cũng cắn ngang thân chất thành đống rồi chui vào bên trong để ngủ. Sự phá hoại gây tổn thất nhiều nhất là vào lúc lúa mới chắc xanh hoặc đông sữa, chúng đến cứ nhè bông lúa cắn ăn như trâu bò, nút lấy nước còn trấu nhả ra. Ăn no, chúng rủ nhau cắn ngang thân lúa kéo lại chất thành từng đống lớn, chui vào trong nô đùa. Khi chúng kéo đi đám rẫy xơ xác như bị voi dầy, không còn gì để thu hoạch.
Người dân có rẫy ven rừng đến vụ thu hoạch lúa phải rào cẩn thận, thức cả đêm đốt lửa, chăng dây buộc lon sữa bò quanh bờ rào thỉnh thoảng kéo dây tạo ra tiếng leng keng xua đuổi heo không cho chúng vào phá. Cũng có bầy heo không sợ lửa, không sợ tiếng kim loại khua, vẫn kéo nhau vào phá rẫy. Để trừng trị chúng, người trong buôn rủ nhau đào hầm làm bẫy. Đặc tính của loài heo rừng bao giờ cũng đi theo một đường nhất định, đi đường nào về đường ấy. Mỗi bầy có một chu kỳ ăn riêng, nhưng thường phải hai ba tháng mới quay lại một vòng. Cho dù lúc quay lại đường cũ có rậm rạp đến mấy chúng cũng nhớ và đi theo. Dựa vào đặc tính đi theo thói quen như thế, người ta chọn lối đi chúng phá rào vào ăn lúa và hoa màu lần trước, đào một chiếc hầm sâu hai sải tay, chiều ngang hàng rào một sải, dài hai sải lấy ván đóng nắp lấp đất, bỏ rác lên trên cẩn thận, xóa dấu vết đào. Theo chu kỳ kiếm ăn, bầy heo quay lại rẫy phá lúa, chúng lặng lẽ kéo nhau đi dưới trời đêm không biết có chiếc hầm dưới chân. Đợi bầy heo rừng qua hết người ta mới lấy nắp hầm thay vào đó bằng một tấm vách đan bằng nứa mỏng rải lá mục lên. Xong việc người trong buôn phục sẵn ba mặt rẫy khua chiêng, đốt lửa, hò hét vang trời xua đuổi. Giật mình, cứ đường cũ lũ heo nối nhau tháo chạy lên rừng theo con đường đi xuống lúc trước và thế là rơi tọt xuống hố, con sau đè lên con trước. Chỉ lúc nào hố đầy heo, bọn chậm chân chạy sau mới dẫm lên đồng bọn nhảy lên miệng hố thoát ra ngoài. Đêm đó và cả ngày hôm sau buôn mở hội vui như lễ đâm trâu. Người thức làm thịt heo, cắt thịt sấy để giành ăn cả năm, còn bọn trẻ tha hồ ăn tim gan đến no nê.
Cách sấy thịt của người dân nơi đây đơn giản, dễ làm, ăn lại ngon: thịt được cắt theo khoanh to bằng ba ngón tay người lớn, dài theo vòng bụng con heo, nhúng qua nước gừng tươi có pha chút muối rồi treo lên cây, phía dưới đốt lửa nhỏ nhưng phải nhiều khói. Sau khoảng một ngày, mặt ngoài miếng thịt khô cong lại như chiếc lưỡi liềm cắt lúa là được. Xếp tất cả số thịt đã sấy lên gác bếp ăn dần. Lúc nào muốn nấu canh lấy một miếng ngâm vào nước độ chục phút, rửa sạch bồ hóng, cắt thành từng miếng nhỏ bỏ vào đun cùng với măng tươi, ăn ngon lắm. Nhà có khách chỉ cần lấy vài miếng đập nhẹ cho rơi bồ hóng, rửa qua nước rượu, đặt lên trên than hồng, nhanh tay trở qua, trở lại chỉ ít phút sau mùi thơm bay ngào ngạt khắp nhà; mang xé nhỏ chấm muối ớt lai rai, khách cùng chủ say lúc nào không biết.
          - Oác!
          - H… ừm !
           - É... c!
          Tiếng gà rừng hoảng hốt kêu lên, liền ngay đó là một tiếng gầm khủng khiếp làm lay động cả cánh rừng của chúa sơn lâm và tiếng kêu đau đớn của con heo rừng xấu số. Con hổ lông màu vàng có những sọc đen kéo từ lưng xuống bụng hay ngược lại: lông màu đen có sọc vàng, không biết từ đâu bất ngờ chụp xuống bầy heo. Một con nằm ngoài không may nằm gọn trong hai chân trước con hổ, số heo còn lại chạy tóe ra bốn phía, có con đâm cả vào gốc cây lăn lông lốc.
          -H… ộ... c!
          Thêm một tiếng gầm tuy không lớn lắm, nhưng nghe rờn rợn dội đến, cùng lúc cả hai chân sau của con hổ bị hất tung lên, đùi sau xẻ toác một đường dài đến hai gang tay người lớn.
-         H… ừ... m!
          Con hổ đau đớn gào lên thả con heo vừa vồ được quay lại, nhảy dựng lên bổ xuống con heo vừa tấn công nó. Con heo khôn ngoan lao ngược chiều với con hổ, làm hổ lỡ đà húc đầu vào gốc cây rơi xuống, nhưng cũng kịp cào một bàn tay lên mông heo. Con heo quay lại nhìn đối thủ, lưng đứng nép vào gốc cây đối diện. Hai đối thủ cách nhau khoảng ba sải tay là cùng, gườm gườm nhìn nhau. Con hổ to như con bò đực đi vòng quanh con heo. Con heo thân dài hơn sải tay người lớn dựa mình vào gốc cây cùng xoay theo cùng chiều với con hổ. Có lẽ sau cái vồ trượt đập đầu vào gốc cây, con hổ biết không thể tấn công chính diện được nên chậm rải đi vòng quanh gốc cây lựa thế để vồ. Con heo cũng biết vậy nên xoay theo bước đi của hổ, luôn luôn tạo ra bức tường gốc cây đối diện với hổ. Xét về trọng lượng hai con chắc nặng bằng nhau. Con heo phải nặng đến trên hai tạ, cặp răng nanh dài như quả chuối chìa hai bên khóe mép nhọn hoắt vểnh cao, dính máu đỏ lòm, một mảnh da hổ còn dính bên mép. Hai con thú cùng xoay theo nhau quanh gốc cây tạo thành hai vòng tròn vương máu đỏ lòm, tanh nồng. H’Chi vội vã bỏ chiếc gùi dưới đất, bám vào dây leo lên cây .
-         H… ừ... m!
          Con hổ đột ngột dừng lại, quay ngược chiều gầm lên, vọt ngang qua bổ xuống, một bàn chân trước kịp bóc một tảng da mông con heo. Con heo xoay ngang nghiêng đầu cắm gọn một chiếc nanh vào đùi sau con hổ hất ngược lên rạch thêm một đường nữa làm hổ mất đà chúi mặt xuống đất. Mắt heo đỏ quạch, hai hàm răng nghiến ken két, bên mép bọt phun ra đọng lại đỏ lòm; quay ngoắt 1800 lao thẳng mông con hổ, cắm tiếp một chiếc nanh vào mông hất ngược lên văng hổ qua một bên. Con hổ gầm lên quay lại thì heo đã nhanh nhẹn nép vào gốc cây đối diện, mồm vẫn nghiến ken két, bọt trắng miệng trào ra cả vốc, mắt gườm gườm như chuẩn bị tấn công thêm lần nữa. Con hổ tập tểnh bước vòng quanh gốc cây, vòng tròn mỗi lúc mỗi lớn dần rồi đột ngột khuất hẳn. Con heo không đuổi theo mà há mỏm cắn một miếng nấm mọc ở gốc cây đang tựa, ăn ngon lành. Có lẽ qua cuộc chiến, nó đã thấm mệt, máu ở hai bên mông chảy thành vũng nên phải đứng dựa vào cây. Thật kỳ lạ chỉ một lúc sau những vết thương trên người con heo không còn chảy máu nữa, nó đủng đỉnh bước đi, đầu ngẩng cao, thỉnh thoảng ghếch chiếc mũi kêu: Khịt! Khịt!
          Lạ thật, sao lại có con heo một bất ngờ xuất hiện bên cạnh đàn heo? H’ Chi ngạc nhiên tự hỏi mà không trả lời được. Chờ con heo đi khuất hẳn sau các thân cây, H’Chi quay lại nhìn con heo bị cọp vồ lúc đầu; không biết nó cũng đã bỏ đi từ lúc nào. Tụt xuống khỏi cây, H’ Chi bước vội lại bên gốc cây con heo vừa gậm ăn cây nấm, khoét lấy mảnh còn thừa bỏ vào gùi. May thật, từ lâu nghe amí bảo cây nấm mủ đỏ, thân vàng mọc ở gốc cây gió – người Kinh còn gọi cây trầm, hình dạng như tai người; màu đỏ tươi có tác dụng chữa được nhiều bệnh lắm; không ngờ loài heo cũng biết tận dụng nguồn dược liệu này để tăng sức mạnh, chữa vết thương.
 Trong các cánh rừng thuộc dãy tây Trường Sơn này, chỉ cây gió mới có trầm và kì nam trong thân; nhưng mấy ai gặp và biết được loài nấm đỏ mọc trên thân cây lại là thứ dược liệu quý hiếm trên đời dùng để chữa những căn bệnh hiểm nghèo. Chắc amí(1) sẽ ưng cái bụng lắm đây; H’Chi mỉm cười hình dung ra khuôn mặt ama (2), amí vui mừng khi có thêm cây nấm - vị thần dược chỉ nghe a duôn(3) kể lại giờ đã có trong tay. Vui cái bụng, H’Chi tiếp tục băng rừng về nhà. Xa xa tiếng bầy vượn gọi nhau làm nhộn nhịp cả khu rừng như lời chào tạm biệt cô gái lớp 8 lần đầu vào rừng hái được thuốc quý trở về nhà.

Chú thích:
1.     Ami: má – tiếng Êđê;
2.     Ama: ba – tiếng Êđê;
3.     A duôn: bà ngoại – tiếng Êđê;


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI