Thạch Sơn leo
lên cầu thang đặt gùi xuống đầu sàn rồi ngồi thở. H’Lê Na theo sau vội vã mang
gùi lao vào trong nhà ôm chầm lấy aduôn(1), gục mặt lên vai òa khóc. Tiếng khóc
cố kiềm nén sự sợ hãi đến bây giờ mới bật ra, vỡ òa. Aduôn hỏi:
-
Sao con khóc?
-
Ôi, sợ lắm aduôn ơi!
-
Có chuyện gì nói đi chứ, đã mười bốn mùa rẫy là
người lớn rồi mà còn khóc nhè xấu lắm.
Một lúc sau, lau
nước mắt H’Lê Na mới kể lại chuyện đi hái thuốc cùng Thạch Sơn, vì hái bông hoa
lạ mà bị lạc vào một hang động rất đẹp; trong hang có đôi rít rất lớn đang ngủ,
mình nó sáng như ngọn đèn. Nghe kể xong aduôn bất ngờ kêu lên: “Yang ơi!” rồi đứng
bật dậy một cách dứt khoát bước lại bên chiếc trống lớn làm bằng da hai con
trâu to để ở gian giữa nhà, rút dùi vung lên:
-
T… ung, T… ung, T… ung!
Tiếng trống
ngân dài vọng vào vách núi, bay qua con suối con sông đến tận buôn gần buôn xa.
H’Lê Na hoảng hốt kêu lên:
-
Aduôn ơi, đừng làm vậy, dừng lại đi!
Dứt một hồi trống
dài, người đàn bà sống trên trăm mùa rẫy – được dân trong vùng bảo người nhìn mặt
trời mọc nhiều nhất; bỗng đứng thẳng người bước ra đầu sàn, tay vịn cầu thang mắt
đăm đăm ngó lên đỉnh Chư Yang Sin ẩn hiện sau những cụm mây. H’Lê Na chạy lại
bên nắm lấy vạt áo aduôn giọng run run hỏi:
-
Sao Aduôn lại nổi trống?
-
Chốc nữa con sẽ biết!
Người lớn, trẻ
em từ trong các ngôi nhà dài túa ra như ong vỡ tổ; cả những người đang làm việc
trên các cánh đồng, hay những người kiếm ăn trong rừng sâu nghe tiếng trống
cũng vội vã chạy về. Theo luật tục, trống chỉ được sử dụng trong những việc hệ
trọng: cúng tế các Yang hay có chiến tranh, nhà cháy… vậy mà…!
Các aduôn đầu
tóc bạc phơ, chống gậy đến đầu sàn nhà H’Lê Na đứng thành hàng phía trước, bọn
trẻ lau nhau đứng cạnh; phía sau nữa là cả một rừng người cả người Êđê, lẫn các
người dân tộc khác trong vùng nghe tiếng trống vội vã kéo đến ngơ ngác nhìn
nhau như muốn hỏi chuyện gì rồi lại đưa mắt nhìn lên aduôn H’Lê Na chờ đợi. Ông
mặt trời lười biếng đi xuống gần các nóc nhà dài, ném vào không gian những ánh
sáng vàng mềm mại lướt lên mái tóc bạc trắng của aduôn H’Lê Na tạo nên một vùng
hào quang rực rỡ như thêm một mặt trời nữa treo nơi đầu nhà sàn. Mọi người mồm
cứ há ra, mắt trợn tròn, không tin vào mắt mình khi thấy hình ảnh kỳ lạ của
aduôn H’Lê Na như đang hóa thân thành Yang(2).
*
* *
- Có Yang trời
chứng giám!
Aduôn H’Lê Na
giơ hai tay lên cao như thề thốt với thần linh, rồi buông xuôi xuống. Rừng người
đứng phía trước đang ồn ào như họp chợ, bỗng im phăng phắc, mắt ngươc nhìn lên
chờ đợi. Aduôn H’Lê Na nói tiếp:
-
Từ lâu lắm rồi, aduôn của aduôn kể cho aduôn ami
nghe câu chuyện vì sao có hang đá trên Chư Yang Sin; hôm nay ta kể lại câu chuyện
này cho mọi người nghe, chuyện như thế này: Buôn ta xa xưa có một chàng trai mồ
côi từ nhỏ nhưng khỏe mạnh, khéo tay và hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Người
con trai ấy sống hai mươi lăm mùa rẫy vẫn không có cô gái nào chịu về làm vợ vì
anh ta chỉ là tên nô lệ chăn bò cho M’tao(3). Hàng ngày công việc của người này
là lùa bò lên rừng cho ăn, chiều lùa về, tối ngủ trên chuồng bò canh thú dữ
không cho bắt trộm. Vào buổi trưa ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, khi đàn bò nằm
quây quần quanh gốc cây ngủ trưa, chàng trai xuống suối Đắk Tuôr cởi khố ra tắm.
Đúng lúc ấy con gái Yang trời xuống hạ giới dạo chơi, khi đi qua nhìn thấy mới
nảy ý trêu chọc, liền biến thành một thiếu nữ xinh đẹp tới làm quen. Không ngờ
chuyện đùa hóa thật, họ gặp nhau, yêu nhau say đắm như duyên kiếp tiền định.
Con gái Yang mới quyết định ở lại trần thế và dùng pháp thuật xây dựng hang đá
gần suối Đắk Tuôr để hai người sống chung với nhau. Họ quấn quít bên nhau nên
quên luôn cả việc về báo cho Yang trời. Yang trời mất con sai người đi tìm, khi
biết chuyện nổi giận lôi đình sai quân bắt chàng trai và con gái về trị tội.
Trước mặt Yang trời và các vị thần linh khác, con gái Yang trời xin được từ bỏ
mọi thứ trên cõi thần tiên để xuống hạ giới chung sống với người mình yêu. Yang
trời nghe con gái nói vậy mới hỏi chàng chăn bò:
-
Mày lấy vợ có gì nuôi vợ?
-
Thưa Yang, cô ấy lo được tất cả ạ.
-
Tại sao lại bắt con Yang làm vợ?
-
Không phải tôi bắt.
-
Ai bắt?
-
Không ai bắt ai, mà chúng tôi tự nguyện sống với
nhau thôi ạ!
Yang trời giận
quá ra lệnh:
-
Làm đàn ông mà mọi sự để người đàn bà quết định,
vậy từ nay ở hạ giới con gái làm chồng, bắt đàn ông về nhà mình làm vợ; con cái
sinh ra mang theo họ mẹ. Vì người hạ giới mà chống luật trời, phạt hai người biến
thành đôi rít bỏ vào hang đá để chúng sống với nhau.
Chưa hả giận,
Yang trời sai Yang Sin(4) mang quân lính xuống canh giữ quanh hang xem trong
gian khổ họ sống thế nào. Vì thế từ đó núi ở quê ta mang tên Chư Yang Sin(5).
Thương con, vợ Yang trời lấy hai hòn ngọc quý cho hai người nuốt, vì vậy hai
con rít to ấy tuy sống trong bóng tối nhưng thân mình phát sáng như hai ngọn
đèn.
*
* *
Chuyện người xưa
kể lại, ta chỉ cho đó là chuyện trong khan(6). Nay cháu của ta H’Lê Na – người
đã ứng với lời nguyền khi sinh ra đúng vào giờ, ngày, tháng… Yang trời gõ đầu
Chư Yang Sin, không ngờ lại tìm đến đúng cửa hang thần, được tận mắt nhìn thấy
hang và hai con rít ấy đang sống. Âu đây cũng là ý Yang. Người buôn ta ngay bây
giờ phải mang bảy ché túc, chín ché ba rượu ủ lâu mười năm và một giàn chiêng
lên cửa hang làm lễ chào mừng, cầu Yang phù hộ.
Nghe Aduôn H’Lê
Na nói xong mọi người tản ra thực hiện. Người không khiêng rượu, xách chiêng
thì mang theo các bó nứa khô đập dập, bó lại làm đuốc. Khi ông mặt trời khuất hẳn
sau núi, aduôn vịn vai H’Lê Na cùng Thạch Sơn dẫn đoàn người lên núi. Đến bên
dòng suối Đắk Tuôr trời sập tối, mọi người bảo nhau dừng lại để đốt đuốc, bỗng
aduôn H’Lê Na bật cười, tiếng cười vọng vào vách núi kéo dài, được nhân lên nhiều
lần làm muông thú trong rừng cũng giật mình cất tiếng đồng thanh hòa theo. Mọi
người giât mình nhìn aduôn. Aduôn chỉ
lên triền núi trước mặt bảo:
-
Nhìn lên trên kia kìa!
Mọi người nhìn
theo tay aduôn chỉ, phía lưng chừng núi bỗng sáng lên như có mặt trăng rằm treo
nơi ấy. Mọi người hình như quên hết mệt nhọc, bước thoăn thoắt theo chân aduôn
leo lên. Đến gần, mọi người nhìn rõ quầng sáng phát ra từ trong hang, cửa hang
có tám cạnh bằng nhau. Aduôn H’Lê Na ra hiệu cho mọi người xếp rượu trước cửa
hang, cắm cần đổ nước rồi ngồi xuống cầu khấn. Dàn chiêng nổi lên lay động cả
khu rừng. Dứt tiếng chiêng bài mời khách, bỗng đôi rít bò ra cửa hang đứng
nhìn, mình sáng trong như ánh trăng, mọi người xung quanh cúi đầu tạ lễ. Dàn
chiêng chuyển qua bài mời rượu, đôi Rít đứng thẳng lên bằng hai chân dưới, một
trăm cái chân mọc dọc thân xuôi xuống như tay người, cặp sừng trên đầu dài hơn
sải tay tỏa ra ánh sáng xanh lung linh huyền ảo khẽ rung rung. Khi đứng thẳng,
đôi Rít cao tới năm sải tay. Ánh sáng từ người Rít tỏ ra làm khu rừng trông rõ
như ban ngày. Gió thổi nhè nhẹ, từng ché rượu cần nối nhau từ từ rời khỏi mặt đất
bay lên lượn qua trước mặt đôi Rít rồi trở về chỗ cũ như có người nhẹ nhàng
nâng lên đặt xuống. Mười sáu ché rượu sau khi bay lượn một vòng, trở về vị trí
ban đầu, đôi Rít quay mặt lại với nhau đung đưa theo nhịp chiêng. Người chứng
kiến cảnh đôi Rít uống rượu mắt cứ tròn xoe, đứng ngây ra như bị hút hồn; chắc
họ không biết đó là thực hay mơ. Dứt tiếng chiêng, đôi Rít từ từ ngã mình xuống
đất bò vào hang. Dàn chiêng tấu bài tiễn khách.
Aduôn H’Lê Na đứng
thẳng dậy nói:
-
Yang đã chấp thuận lời chào hỏi rồi, mọi người về
đi, còn ta sẽ ở lại đây!
-
Xin aduôn cho con đi cùng.
H’Lê Na đứng dậy
cúi đầu nói với aduôn, Thạch Sơn cũng bước lên bên cạnh H’Lê Na, chắp tay trước ngực nói:
-
Con đi với H’Lê Na.
Bố mẹ Thạch
Sơn, ami ama(7) H’Lê Na mặt mày rạng rỡ nhìn hai người.
-
Âu, đây cũng là định mệnh mà cả ngàn năm trước
đã có trong lời kể khan rồi; ta sẽ dẫn các con đi. Từ nay trong các buôn nếu có
việc gì không được như ý hãy đến đây tìm, Yang sẽ phù hộ mọi người.
Nói xong aduôn
H’Lê Na khoan thai leo lên cửa hang, H’Lê Na và Thạch Sơn nối gót theo sau;
bóng ba người khuất dần vào hang. Mọi người cúi mình bày tỏ lòng kính trọng.
Dàn chiêng lại tấu lên làm lay động cả khu rừng già. Dứt tiếng chiêng, mọi người
định bảo nhau đốt đuốc lên để trở lại buôn thì…
-V… ooc!
Tiếng một con voọc
đột ngột cất lên, tiếp theo sau đó là hàng ngàn con đứng trên các cành cây xung
quang miệng hang cùng đồng thanh cất tiếng họa theo, vọng vào rừng già, bay vút
lên không trung. Tiếng kêu của Voọc vừa dứt, tiếng kêu như thác đổ của bầy voi
hàng ngàn con lại vang lên làm rung chuyển cả khu rừng, mọi người giật mình
nhìn ra xung quanh thấy bầy voi nhiều như đá rừng đã quỳ phía sau từ bao giờ
đang cùng nhau ngửa mặt lên trời, đưa chiếc vòi vểnh ngược ra phía trước, đầu
quay về hang. Tiếng voi vừa dứt, một tiếng gầm khủng khiếp dội đến của ông chúa
sơn lâm, làm lá rừng rơi lộp bộp, mấy người sợ quá ngã dúi vào nhau. Khi tiếng
gầm ngừng, đàn voi từ từ đứng dậy theo nhau xuôi theo triền đồi đi xuống thung
lũng. Phương đông mặt trời tròn như chiếc đĩa màu hồng vượt qua đỉnh núi phía
xa, ban phát những tia nắng soi sáng mọi cảnh vật. Một ngày mới bắt đầu.
Cũng từ đấy vùng
này mưa thuận gió hòa, người dân nơi đây sống hạnh phúc lắm; đêm ngủ không phải
khép cửa, lúa bắp thu hoạch để luôn trên rẫy, không ai lấy của ai bao giờ.
Nhưng có điều lạ, hôm sau có người quay lại hang đá thì… cảnh còn đó mà người
và rít không thấy đâu nữa.
Mùa thu năm 2016
Chú
thích:
1.
Aduôn:
bà - tiếng Êđê;
2.
Yang:
thần linh - tiếng Êđê;
3.
M’tao:
vua - tiếng Êđê;
4.
Yang
Sin: thần cọp - tiếng Êđê;
5.
Chư
Yang Sin: núi Thần Cọp - tiếng Êđê;
6.
Khan:
sử thi của người Êđê;
7.
Ami
ama: má ba - tiếng Êđê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI