GÓC SÂN
Truyện ngắn
Cuối cùng, những tia
nắng đầu tiên đã có thể lách qua tầng mây dày, sưởi ấm mặt đất sau hai mươi ngày
rét trường kỳ. Đám cá vàng được nuôi trong chiếc lu gốm trưng ở giữa sân bắt đầu
hân hoan ngoi lên với những nụ cười đầy mãn nguyện. Cô nàng có cái tên cũng giống
như sự ngốc nghếch của cô ta – Đãng Trí – há miệng hớp lấy từng hạt bụi đẫm ánh
nắng, rồi hát lên các ca từ vô nghĩa. Nếu như bình thường, chúng tôi đã phản đối
kịch liệt, song hôm nay, chẳng ai còn quan tâm điều đấy nữa. Ngay cả tay mèo trắng
mới vểnh đuôi trèo lên nóc nhà sưởi nắng kia cũng thu lại vẻ kênh kiệu của mình,
cuộn tròn say ngủ.
Tất cả đang vui, có ánh
nắng, mặt đất ấm lên, chúng tôi có thể kiếm được cái ăn.
Cuộc sống trong vùng
nước nhỏ này, trong chiếc lu kia, trong nhà bếp đều chẳng dễ dàng gì.
Tôi nhoài người leo
lên chiếc bàn đặt cạnh bờ nước, duỗi chân phải, duỗi chân trái, khoan khoái vươn
vai. Cô Nhện cả đời ưa thích công việc se tơ dệt vải buông mình xuống, ngay trước
mắt tôi. Tôi giật bắn mình, thiếu chút nữa thì ngã bổ chửng về phía sau – chỗ mà
tay ngư phủ ngồi ở đó câu cá suốt bao nhiêu năm nay, không quản nắng mưa, giá lạnh
hay nóng bức, mặc cho màu sắc áo quần trên người bạc màu, lão vẫn im lặng không
nói tiếng nào. Chẳng bù lại cho mụ vợ cả ngày lải nhải bên tai tôi về việc nên
sinh con ở đây hay chuyển về ao sau vườn.
- Nắng đẹp quá anh Ếch
ạ! – Cô Nhện sung sướng nói.
Với lấy cuốn sách đặt
dưới gầm bàn cờ, tôi hỏi Nhện:
- Hôm nay cô không dệt
vải nữa sao?
Cô Nhện nhăn mặt:
- Cả tháng giời thiếu
nắng, người tôi xanh rớt ra rồi đây. Vải dệt cũng không đẹp như trước nữa. Mà…
Giọng cô chợt nhỏ hẳn,
Nhện đung đưa sợi tơ, đánh đu ghé sát tai tôi, thì thầm:
- Tôi đang nhận dệt
một tấm vải cho mụ Se Sẻ may áo mới, mụ này khó tính, nếu không đẹp chắc tôi vào
bụng mụ như chơi!
Nói rồi, cô Nhện nhả
thêm tơ, bò xuống đất, tìm chỗ có nhiều ánh nắng nhất để đứng một chốc. Tôi lắc
lắc đầu, quay lại chìm đắm với cuốn sách.
Từ trong nhà, tên
Chuột Cống đã chạy ra với một tảng thịt lớn trong miệng.
2.
Tôi không sao hiểu được
con người. Suy nghĩ, hành động và lời nói của họ thường bất nhất. Đôi khi họ đương
cười, nhưng nước mắt cứ thế chảy ra, đôi khi gào khóc, nhưng mắt lại ráo hoảnh.
Cũng bởi vì thế mà nom nét mặt loài người kỳ dị vô cùng.
Cũng giống như gia đình
mà chúng tôi đang sống nhờ này, bên trong đó đã vỡ nát chẳng hàn gắn nổi. Chỉ có
điều, năm năm, tháng tháng, họ vẫn cố gắng duy trì cho người ngoài thấy vẻ hoàn
hảo của mình.
Chiếc loa treo ở đầu
phố bắt đầu thông báo đồng hồ đã điểm sáu giờ tối. Người Chồng dắt xe vào sân.
Tôi vội giấu cuốn sách và nhảy xuống nước. Lát sau thì Người Vợ đã đưa con trai
về tới nơi. Đứa con nhảy chân sáo vào trong nhà, trong chiếc cặp sách quá khổ của
nó đựng đầy sách vở, bánh kẹo. Tôi biết điều này khi tay Chuột Cống say sưa lê
la hết khắp các quán rượu trong phố, lè nhè ba hoa với mấy ả Chuột Đồng mới tới
thành thị.
Hai vợ chồng họ chào
nhau một cách qua loa, nhàn nhạt. Tình cảm nồng nhiệt thời trẻ giờ thay bằng lo
toan, trách nhiệm, thể diện. Một mối quan hệ không được xây dựng, gìn giữ cẩn
thận đã sớm không còn ý nghĩa gì nữa. Nhìn vào họ, tôi lại thấy bản thân may mắn
khi mụ vợ tôi chẳng những lắm miệng mà còn hay ghen nữa!
Hai vợ chồng cùng
nhau vào nhà.
Cửa đóng.
Ngoài sân, bóng đêm
trải dài. Tay mèo bắt đầu dùng đôi mắt sáng trời
phú của mình để đi lùng sục đám chuột quên không nộp thuế tháng này.
Nơi đây nhộn nhạo,
trong nhà có vẻ cũng không kém gì. Chỉ một lúc sau khi cả gia đình nọ trở về,
tiếng cãi vã, đổ vỡ vọng ra khiến chúng tôi giật bắn mình. Cô Nhện thiếu chút nữa
làm rách tấm vải, Đãng Trí nhảy phắt lên mặt chum, may mắn chưa rơi xuống đất
thì được một chàng nào đó kéo lại được. Duy tay Mèo vẫn bình tĩnh liếm tay liếm
chân:
- Ôi dào, có gì phải
hoảng nào? Tao gặp cảnh này suốt.
Không ai đáp lời hắn,
thảy im lặng. Đột ngột, “rầm” một tiếng, cửa chính bật tung, đập mạnh vào tường.
Người Chồng gần như là bay ra khỏi căn nhà đó, tôi không nói dối, đúng vậy đấy
– gần như là bay. Anh ta làu bàu gì đó, mặt hằm hằm. Theo sau, chiếc lọ hoa thuỷ
tinh cũng vọt theo, vỡ tan.
Mụ vợ tôi ngậm chặt
miệng. Tấm vải của cô Nhện thủng hẳn một lỗ lớn. Bạn trai của Đãng Trí vẫn ngậm
chặt lấy đuôi cô ta, trấn an.
Còn tay mèo trắng ư?
Hắn có bao giờ tỏ ra ngạc nhiên đâu. Vẫn với vẻ điềm nhiên, hắn vểnh đuôi lên,
rên gừ gừ:
“Ôi dào, có gì phải
hoảng nào?”
3.
Mấy nụ đào trước cửa
bắt đầu he hé, lá nào lá nấy xanh non mơn mởn. Thời tiết dễ chịu hơn trước rất
nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy rầu lòng ghê gớm. Vì giờ bản thân cũng chẳng còn trẻ
trung nữa, mà hễ cứ một năm qua đi là tuổi lại chồng thêm tuổi. Vợ tôi lại chẳng
quan tâm đến việc chồng suy nghĩ gì, cả ngày ngồi đan đan dệt dệt áo quần cho lũ
con sắp sinh.
Đúng như lời tay mèo
đã nói, chẳng có gì phải hoảng. Sau buổi tối mà Người Chồng bỏ đi, mọi sự nhanh
chóng đâu vào đấy. Anh ta và vợ làm lành nhanh chóng, chỉ bởi hiện giờ đã sắp đến
Tết, nếu để hàng xóm biết được cái gia đình này trục trặc thì họ sẽ mất hết thể
diện.
Rồi, lại như mọi năm,
trước ngày chủ nhà làm cỗ Tết, đám chuột sinh sống trong cống, trong các hốc rải
rác quanh khu vực này đã rục rịch mang lễ vật tới cho tay mèo trắng. Để tránh sự
chú ý của con người, chúng đi vào ban đêm.
Tôi mất ngủ, bèn nhảy
lên xem.
Đàn chuột gồng gánh
theo nào là cá, nào là thịt, nào là mỡ. Dưới ánh trăng của một năm sắp tàn, chúng
rồng rắn vào chúc tết mèo. Thực ra không ai ép uổng cả, với sự tinh ranh của mình,
họ hàng gặm nhấm này có thể dễ dàng sống an ổn ngay cả khi không nịnh nọt loài
mèo. Tôi tự thắc mắc rồi quay sang nhìn cô nhện vẫn mải miết quay sợi, nói:
- Sao phải khổ thế?
Thoăn thoắt bò qua bò
lại như con thoi, cô nhện cười:
- Bao đời đã thế, không
bỏ được.
Tôi chép miệng, rồi
gọi vọng về hướng đám cỏ:
- Này Dế Mèn, anh kéo
đàn đi, nghe cho vui.
Dế Mèn, lúc này có lẽ
đang sửa dở một bản nhạc nào đó nên không để ý tới những gì tôi bảo. Phải gọi tới
lần thứ ba, đôi râu của anh ta mới lấp ló xuất hiện. Với vẻ lâu ngày không ngủ
tròn giấc, Dế Mèn gầy tọp đi, cánh mỏng tới xơ xác.
Thấy tồi tội, tôi
toan bảo anh trở về nghỉ ngơi. Nhưng Dế Mèn đã xách cây vỹ cầm ra, tì lên cổ và
bắt đầu kéo. Đối với anh mà nói, đã không nhấc đàn thì thôi, một khi đã đụng vào
là đố có rời ra được. Đành vậy. Tôi nhắc cô Nhện nghỉ tay. Đám cá vàng, dẫn đầu
là cô nàng Đãng Trí ngoi lên lắng tai nghe nhạc.
Trăng vàng toả khắp,
chúng tôi tụ lại ở giữa sân. Dế Mèn lim dim mắt, vẫn say sưa bên cây đàn. Vợ tôi
gà gật. Cô Nhện tiện tay mang cho Đãng Trí xem tấm vải mình mới dệt được.
Tôi ngước mắt nhìn lên
tán cây cảnh con con phủ bóng nơi mình trú ngụ, chỉ thấy ngư ông ngồi đó, mắt
không rời cần, bóng nước nhoà trăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI