NGƯỜI CỦA
BIỂN…
Truyện ngắn
Người làng kể lại rằng:
Ông Ngư là kết quả của cuộc tình vụng trộm của một anh ngư dân xóm Vạn
Chài với cô hàng buôn nước mắm. Làng tôi nổi tiếng về nghề làm nước mắm. Cái thứ
nước mắm màu cánh gián, sóng sánh như mật ong được nấu từ mắm muối cá cơm: Loại
cá cơm tươi ròng da thịt còn anh ánh cái màu lân tinh nước biển có một cái sọc
trắng kéo dài dọc thân được đánh bằng lưới 10. Ghe, thuyền của dân Cửa Bạng, Lạch
Quèn đổ về nườm nượp. Láng sệt mùi nước mắm. Nhưng cũng lạ thật, các cô gái buôn
thứ hàng này có nước da thật trắng, giọng nói thật duyên. Và đặc biệt mái tóc,
trời ơi, mái tóc thật dài. Hình như nước mắm tinh khiết đã làm thay da, đổi thịt,
làm tóc xanh lại, làm răng trắng ra, làm con mắt ướt át, đa tình hơn. Các cô gái
có một bí quyết mồi chài quyến rũ dân Vạn Chài bằng cách sau khi mua bán ngã giá
xong, họ mời các trai làng lên thuyền uống rượu nếp ủ hương thơm nức, uống bằng
bát gốm Bát Tràng có in hình cánh buồm, mỏ neo, con thuyền lướt sóng, nhìn đã
thấy sóng sánh cả mặt. Sau một chầu rượu ngà ngà say, các cô bưng ra những đĩa
bánh cuốn tráng rất mỏng cuộn trong đó: Mộc nhĩ, nấm hương, thịt nạc băm trộn với
ruột tôm càng và được chấm bằng nước mắm họ mới mua, nhưng chỉ thêm vào một thứ
gia vị đặc biệt được đựng trong một ống thủy tinh nhỏ, chỉ vài giọt thôi mà thơm
nức, mà nhớ đời, ăn đến đâu thầm đường gân, thớ thịt đến đó. Về sau dân Vạn Chài
mới biết cái nước thần kỳ diệu đó là tinh dầu cà cuống. Các trai làng quen ăn sóng,
nói gió bỗng trở nên rụt rè, vụng về trước món khoái khẩu này. Dạo ấy bão to
thuyền buôn phải nằm lại. Dân Vạn Chài rỗi việc, suốt ngày mui thuyền kéo kín.
Con thuyền nhỏ cứ lắc lư, lắc lư theo cái nhịp điệu không phải là của sóng, của
gió mà là những cuộc giao hoan cho bõ những ngày ăn đứng, ngủ ngồi hõm mắt rình
rập với con mực ngoài khơi. Cô gái xứ Thanh phải lòng anh trai xứ Nghệ và bẵng đi
một thời gian khi thuyền buôn quay lại thì cô gái choáng váng khi biết tin bố của
đứa bé đang nằm trong bụng mình sắp đến ngày sinh mà cô cố buộc thật chặt giải
chiếc yếm sồi với chiếc quần vải thâm do dân Đồng Môn dệt nhuộm bùn đã chết biển.
Chết không tìm được xác; chết biển tội lắm: Chim tha, cá rỉa. Cô như người mất
hồn đếm lẫn cả tiền mua tháo, bán tháo cho xong rồi một mình bơi cái thuyền thúng
tròng trành sang dãy nũi Nam Giới trèo lên cái khe Hao Hao nước trong vắt tìm lại
cái tảng đá phẳng như chiêc phản gỗ mà thiên nhiên đã kê rất đẹp. Người xưa bảo
đây là bàn cờ tiên khuất sau hai hòn đá chồng lên nhau thật trớ trêu, chênh vênh
gọi là đá ông, đá bà. Chính tại đây họ đã dìu nhau lên tột đỉnh của khoái lạc
sau khi khỏa thân tắm nước khe mát rượi và nướng cho nhau ăn những con cua lột
vỏ bắt trong hốc đá. Lúc mấp mé bên vực sau của hụt hẫng bỗng chàng trai hít hít
mái tóc dài buông xõa của cô gái khẽ thốt lên: lá sả! trời ơi, mùi lá sả! Họ mệt
lả nằm bên nhau thở dốc...
Cô gái thẫn thờ lấy hai bàn tay vuốt nhẹ mép đá, mặt đá cứ
ngỡ đó là da thịt của chàng trai, còn ủ hơi người. Đêm đó cô không trở về xóm Vạn
Chài mà cứ ngồi đăm đăm nhìn ra biển. Những đám mây cuộn lên mang dáng chàng
trai ngư dân lực lưỡng phút chốc tan ra thành hình con cá mập và cuối cùng đùn
lên nấm mộ bông như một bông hoa cúc trắng. Gần sáng cô trở dạ: đứa bé đỏ hỏn được bọc trong miếng vải buồm
mà chàng trai xé tặng cô ngày chia tay. Nhúm rau cô ném xuống biển như muốn báo
tin cho chàng trai biết: Con của anh đã ra đời - một chàng trai biển hẳn hoi.
Trưa, chiếc thuyền của bố cô rúc tù và, kéo buồm báo cho đám thủy thủ say rượu
trên làng xuống thuyền. Cô vội vã giấu đứa bé vào bên bụi rậm gần khe đá rồi xuống
chiếc thuyền thúng cứ để cho nó buông trôi. Cô mệt lả, bầu vú căng nhưng nhức.
Chiếc thuyền của cha cô vớt cô lên và dong thẳng một mạch về Thanh...
Đứa bé được một chiếc thuyền câu sang lấy nước ngọt đem về
nuôi. Cứ thế nó lớn dần lên bằng tất cả các bầu vú sữa của đám đàn bà xóm Vạn
Chài đang nuôi con nhỏ. Cái xóm Vạn Chài lạ thật; nghe nói ngày xưa họ là dân bộ
Lô, bộ Chính dạt từ Quảng Bình ra. Cứ thế họ sinh sôi nảy nở, thuyền đẻ ra thuyền.
Những đứa bé bò lổm ngổm trên thuyền như cua, đứa nọ cao hơn đứa kia nửa cái đầu.
Chúng được nuôi trên sóng với gan cá nhám cho mắt sáng ra để nhìn tinh luồng cá.
Họ ít khi lên bờ, mua bán gì cũng kẻ trên thuyền, người dưới biển chủ yếu bằng
phương thức đổi. Bắp chân họ teo lại nhưng bắp tay và lồng ngực thì cuộn lên như
những mũi neo. Đặc biệt là đôi mắt nhìn cứ nheo nheo xuyên thủng cả mây núi, sương
gió để nhận sao, đoán sóng tìm về cửa lạch không cần la bàn. Và cái tai thật thính
nghe được tiếng thở của cá để đoán biết bầy đàn đang đi là loại cá gì. Lên bờ,
họ đi như chạy, người dúi về phía trước, hai tay bơi bơi. Thằng bé được xóm Vạn
Chài nhận làm con nuôi chung và đặt tên là thằng Ngư, được cái nó thấm cái gien
của anh trai làng kia nên nhanh chóng trở thành một con sói con - mới 10 tuổi đã
được các bậc kỳ cựu cho cầm lái xuôi về không bao giờ nhầm lạch, 15 tuổi đã một
mình đứng đầu mũi thuyền dùng cước số 8 để câu cá cờ, có con nặng hàng tạ, cá cờ
bén câu là nhảy thẳng đứng lên như mũi tên; người và cá thường phải vật lộn với
nhau hàng giờ. Thằng Ngư lì lợm chưa bao
giờ bỏ cuộc. Mưa cũng như nắng, nó chỉ đánh độc chiếc quần đùi may bằng vải buồm,
cái mảnh vải ngày xưa mẹ nó bọc tã lót,
vải buồm nhuộm nâu thật bền. Tuổi 18 thằng Ngư tập uống rượu và ăn cá gỏi. Dân
Vạn Chài chọn cá trích tươi làm gỏi, họ
lựa lưỡi dao bén ngọt lóc thân cá ra trộn với các thứ gia vị: chanh, tỏi, nước
mắm, hạt tiêu, đường. Ăn cá gỏi khỏe người lắm. Họ chữa bệnh đau dạ dày bằng cách
moi cái bao tử cá to lấy trong đó những con cá nhỏ có dính đầy nhớt rán lên rắc
hạt tiêu nhắm với rượu. Thằng Ngư khoái nhất là khi câu được con đẻn - một
loài rắn biển. Nó cắt tiết hứng ngay vào bát rượu và khéo léo xẻ lưng lấy cái mật
bỏ vào. Hai tay nó bưng bát rượu lên ngang tầm mắt lầm rầm câu gì đó và khẽ rót
xuống biển một phần thứ rượu pha huyết đẻn sau đó nó tợp luôn một hơi đến cạn;
lấy tay chùi mép, cứ thế lùa gần hết một góc mâm cá gỏi vào miệng. 20 tuổi Ngư
trở lên thẫn thờ. Nhiều ngày nó tựa vào cột buồm đăm đăm nhìn những bầy chim kéo đàn tránh bão.
Nhìn những đàn cá bạc má lóc bóc búng vây rộ lên như mưa rào. Buồn nhất là khi
chiều xuống hải âu từng cặp khàn giọng bay đôi lặn dần vào ráng đỏ cái tổ ấm xa
vút vời tầm mắt. Trai, gái xóm Vạn Chài cứ thế khéo đôi, vừa lứa. Ở tuổi Ngư họ
đã có một chiếc thuyền câu riêng và một lũ con.
Một chiều nọ Ngư bỏ chuyến đi biển lên làng xem tuồng. Đội
tuồng làng tôi nổi tiếng cả một vùng. Họ bôi mặt, đeo râu, gươm oai vệ. Có anh
chắt Hóa người gầy đét, ốm yếu thường đi hôi cá. Nhưng bù lại anh có giọng hát
tuyệt vời thường được giao đóng vua. Vua phải độn thêm trong lớp áo những túi
giẻ rách cho phồng to lên nom thật oai vệ cũng: "Như ta đây..." xưng
danh vung gươm, múa giáo, dân chúng sợ xanh mắt. Khác hẳn với anh chàng nhỏ thó
bẽn lẽn như con gái khi xuống thuyền xin cá, xin cũng rất văn nghệ bằng cách
anh đặt ra những câu vè đồng dao dạy cho bọn trẻ của xóm Vạn Chài kiểu như:
"Thương vài thằng khố bần
cực vài thằng khố chạc
giọt mưa rơi lác đác
ướt chi được lá môn"
Ngư thường há hốc mồm nuốt chửng những câu vè của anh chắt
Hóa và tự mình bịa ra những câu đại loại đúc kết kinh nghiệm đi biển kiểu như:
"Tháng bảy, nước chảy lo le" ; "tháng chín, nhịn đi buôn"
hay có câu như ca dao nghe thật ai oán: "Tháng ba trong nước em ơi, bớt cơm
anh lại mà nuôi mẹ già!". Chiều đó Ngư rủ anh chắt Hóa ra quán rượu của ông
cụ Mày nạp "xăng" cho anh. Rượu vào lời ra, anh chắt Hóa như một cái
máy nổ đứng lên lượn vài vòng theo tích tuồng "Lưu Bình, Dương Lễ" làm
cho Ngư cười lộn cả ruột. Khi anh chắt Hóa lảo đảo đi về phía sân vận động để hóa
trang Ngư thấy buồn thui thủi, len lén đi ra phía điếm canh bỏ hoang trong vạt phi
lao. Đến gần anh bỗng nghe tiếng khóc rấm rứt, thì ra trong đó có một cô gái đang
ngồi khóc sưng cả mắt. Cô gái này là dân chợ huyện, chuyên xuống bán rượu cho dân
Vạn Chài. Hễ thấy gánh rượu của cô xuống là đám trai làng vây quanh. Cứ thế tiền
trao, rượu múc họ ngồi vừa uống vừa tán tỉnh nhưng không có ai sàm sỡ. Có một
người quá chén định giở trò bị đám trai làng vứt xuống biển uống một trận nước
căng bụng mới được vớt lên, từ đó sợ khiếp hồn. Cô gái đâm nghiện cái mồ hôi nồng
nặc pha vị mặn mòi gió biển của đám trai làng, cả cái giọng nói nằng nặc khê đặc
pha đôi chút tiếng lóng. Cô thích xem họ ngà ngà say vừa nghêu ngao bá vai, bá
cổ hát các bài vè của anh chắt Hóa đặt. Người say rượu thật hồn nhiên, họ đâm
ra cởi mở và thật bụng. Họ luôn giành cho cô những món quà nhỏ: khi là một chiếc
vỏ ốc đẹp, mấy con mực khô, vài cặp cá thơởng nướng. Đáp lại cô gái bao giờ cũng
bán vừa phải giá, trả lại số tiền thừa mà họ quên, và đôi lúc cũng liếc mắt đa
tình. Trong số họ, Ngư là anh chàng cô mến nhất. Khác với những người khác, Ngư
có cặp mắt thật buồn, vui đó, buồn đó và pha chút mộng mơ. Anh Ngư ít nói, mà nói
có duyên đáo để, nói thật chí lý ví như: "Không ai làm giàu bằng biển cả,
làm giàu bằng biển là có tội", hay "Biển ở trong mắt o đó" làm
cho cô gái đỏ mặt, rượu sánh ra ngoài ướt cả vạt cát. Chiều đó cô kể cho Ngư
chuyện cô mình bị bố mẹ ép lấy một thằng chuyên nghề mổ lợn ở chợ huyện. Thằng đó
nhà giàu, mắt lúc nào cũng đỏ kè kè, mặt lì ra như cái phản thịt. Và cứ hễ nhìn
nó giơ con dao nhọn hua lên mấy vòng như múa trước khi chọc tiết lợn máu phun
ra như cần câu cô đã tái mặt. Cô bỏ làng xuống đây chờ đêm xuống ra biển trẫm mình.
Bởi cô biết dân biển có tục lệ thiêng liêng: hễ vớt được ai chết đuối cũng làm
ma chay, đình đám đàng hoàng, họ xem như đó là một bổn phận, dịp may để họ làm
phúc, nhất là vớt được xác đàn bà.
Ngư lựa lời nói mãi cô gái mới yên tâm chịu cùng anh đi
xem tuồng. Khi anh chắt Hóa bước ra sân khấu cả đám đông nhốn nháo lặng phắc
nghe anh đọc bài vè mới ứng khẩu chiều nay. Bài vè kể về một người chết biển. Tự
nhiên Ngư bưng mặt khóc, khẽ thôi, nhưng cô gái biết. Dòng nước nóng hổi chảy
xuống tay cô làm người cô run lên như có một luồng điện chạm vào. Hai người dìu
nhau rời khỏi đám đông về cái điếm canh. Họ lót lá phi lao làm ổ. Và trong ánh
trăng mờ mờ Ngư lần mở từng miếng vải trên người cô. Đây là lần đầu bàn tay
chai sần quen kéo neo, kéo lưới của anh chạm vào da thịt đàn bà mát rượi. Đến lúc
khuôn ngực với hai núm vú căng mây mẩy như đôi quả đào tiên lộ ra thì tự nhiên
Ngư nhủn người xuống. Gân cốt căng như dây đàn lúc nãy bây giờ nhão ra, bao ham
muốn trong anh đang ngùn ngụt dâng lên bỗng tắt lịm đi. Trước mắt anh không phải
là một cô gái mà là một người đàn bà. Anh thốt lên như mê sảng: Mẹ ơi! môi anh
lướt nhẹ trên khuôn ngực và bập vào núm vú. Anh như một chú cún con ngoan ngoãn
trong vòng tay vỗ về của cô gái. Mặc dù cô gái âu yếm bằng mọi cách vẫn không làm
cho Ngư nguôi đi được bởi sự ám ảnh về những người đàn bà xóm Vạn Chài cho anh
bú thuở xưa. Sự thiếu hụt tình thương người mẹ bỗng trào về day dứt. Họ ôm nhau
nằm thiếp đi đến gần sáng lúc gà gáy rộ lên. Xóm Vạn Chài lục đục đã có thuyền
về bán cá. Ngư choàng tỉnh dậy và nhận ra bên mình là tấm thân trinh nguyên của
cô gái bán rượu mà lâu nay anh vẫn thường nhìn trộm. Bản năng người đàn ông
trong Ngư được đánh thức. Anh chồm lên cơ thể cô gái. Sức khỏe cường tráng pha
chút hoang dã của Ngư đã tạo ra một cơn bão lốc. Hai xác thịt hút vào nhau đến
kiệt cùng. Giống như đôi sam quấn nhau trong mùa hoan lạc mà Ngư thường bắt được
cả đôi. Chúng cũng không chịu rời nhau cho đến lúc giội nước nóng vào các cặp
chân mới duỗi ra tách rời. Họ nằm lặng bên nhau như biển lắng xuống để chốc lát
dông tố bùng lên như gió đổi chiều trong mùa bão.
Ba chục năm sau ở cửa lạch làng tôi có một chàng trai về
gác hải đăng. Chàng trai ít khi sang làng. Khi có việc cần mua gạo, củi thì nhờ
thuyền bà chắt Hóa. Bà chắt Hóa chính là cô gái bán rượu chợ huyện. Sau đêm gặp
nhau Ngư cùng cô gái dạt sang vùng dân làm muối. Họ ở tạm trong góc nhà kho đựng
muối. Hàng ngày đi làm thuê cho nhà buôn Phát Đạt - một ông chủ hãng muối
lớn kinh doanh thời đó. Làm muối cực lắm; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Người ta nói: "muối là máu của đất" không sai. Một đêm, sau khi ân ái,
cô gái báo tin cho Ngư biết họ sắp có con. Ngư ôm riết cô vào lòng mình khấp khởi
mừng. Nhưng rồi càng ngày cô thấy anh càng thẫn thờ. Anh nhớ biển. Anh như con
cá bị vứt lên bờ trói chân, trói tay. Anh thèm cái khoảng không bao la của biển.
Anh khao khát trở lại xóm Vạn Chài với một ước vọng: góp tiền mua một con thuyền
câu đón hai mẹ con cô về ở với mình. Đêm chia tay họ nằm bên nhau không ai nói
gì cả. Ngư đưa bàn tay vuốt ve cái bụng phập phồng theo nhịp đập gấp gáp của trái
tim cô gái. Anh thầm thì: Chúng mình sẽ có con! Có con! Có con. Nhưng gần đến
ngày sinh thì thuyền anh bị bão dạt trôi vào đảo Hải Nam mấy tháng. Cô gái mỏn mòn chờ trông. Đêm
trở dạ, cô yếu lắm. Bà chủ nhà đi nhờ bà mụ ở xóm trên xuống cắt rốn cho đứa bé.
Cô gái ngất đi chỉ loáng thoáng nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh và tiếng người
nói xôn xao, tiếng giành giật nhau. Mấy ngày sau tỉnh lại thì bên người cô là một
khoảng trống không lạnh ngắt. Nhà buôn Phát Đạt đã cho người đến bắt trộm đứa
con mới sinh để phạt vợ chồng Ngư không thực hiện đúng hợp đồng làm thuê cho họ.
Cô gái như một cái xác không hồn vật vờ quay trở lại xóm Vạn Chài và ngã gục
ngay trước chiếc lều của anh chắt Hóa.
Từ đó anh chắt
Hóa bỏ nghề đi hôi cá cùng vợ làm nghề đóng đáy trên sông - dòng sông chảy ra cửa
lạch. Từ ngày có ngọn đèn biển, các vụ tai nạn thuyền, bè vào cửa lạch giảm hẳn
đi. Có hôm chàng trai lên cơn sốt, bà chắt Hóa bỏ cả đóng đáy lên chăm sóc, bón
từng thìa cháo cho anh. Bà rất thương anh khi nghe nói anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Anh tình nguyện về đây gác hải đăng với mong muốn tìm lại người mẹ thưở xưa mà
bố nuôi của anh bảo là người làng gần đây…
Sau thoát bão trôi dat sang đảo Hải Nam mấy tháng Ngư trở
lại xóm Vạn Chài với một lời nguyền trước biển: không bao giờ lên làng nữa, không
bao giờ lấy vợ nữa! không bao giờ! Không bao giờ. Sóng biển lấp đi tiếng gào của
anh trong một đêm tối trời…
Ông Ngư thành một con sói biển kỳ cựu nhất xóm Vạn Chài.
Chỉ ngửi hơi biển ông đã biết được luồng cá đang chạy ở đâu. Đánh cá như đánh bạc.
Có khi cả mẻ cá vào lưới mà kéo lên vẫn trắng tay vì lưới rách hoặc neo đứt. Có
những đêm sương mù dày đặc cây rạo bằng tre trồng ở làn nước sâu 25 sải tay cách
bờ gần 50 cây số nhưng ông Ngư vẫn cầm lái chém sóng luồn gió ra đi. Ông huy động
tất cả các giác quan linh cảm của mình để tìm tạo nhà. Mắt nhìn sao, tai nghe
chiều sóng vỗ thuyền, lưỡi nếm mùi gió. Đến lúc ông cho bỏ neo, đám thủy thủ ngơ
ngác vì chưa thấy rạo đâu, ông bảo: "Nó đã ở kề đây rồi, sáng mai sạch mù,
khắc thấy". Quả nhiên lúc mặt trời lên, sương mù tan thì cây rạo đã kề cạnh.
Ông Ngư ngày càng lầm lì, lấy rượu giải khuây. Đến một ngày gân cốt đã mỏi, ông
truyền nghề cho đám con trai xóm Vạn Chài, đọc cho họ chép lịch thời tiết trong
năm, ví dụ như: Ngày 7/2 là có giỗ nhà cụ Bát là ngày đó có bão cả thuyền nhà ấy
chết; thời ấy ít có đài, chủ yếu dựa vào các ngày giỗ để tránh bão.
Gần đến con nước 21 tháng 6 là thời điểm mực ăn nhiều nhất
trong năm. Ông Ngư quyết định cho thuyền ra rạo Cồn ở làn nước 18 sải. Ở dưới đáy
biển vùng này có một cồn cát sóng lượn bồi đắp lên. Mực đóng ổ xây tổ như con
ong. Gặp đêm dông mực ăn nhiều nhưng chỉ rộ lên một lúc như tằm ăn rỗi ở một độ
sâu nhất định rồi lặn biệt tăm. Ông Ngư bảo đám trai làng: Muốn câu mực phải có
mẹo, ông cha đã bảo: "Mực mẹo" mà!. Có lần thuyền ông Ngư đỗ đúng ổ mực
cứ thả bất cứ dây gì xuống vòi mực cũng bám vào và kéo lên hàng chục con. Trong
khi đó các thuyền đậu xung quanh chỉ có đứng nhìn và ngủ gật. Của biển là của
trời cho, không ai gieo mà gặt.
Đêm đó quả nhiên có dông thật, thuyền lắc lư, chao đảo. Ông
Ngư bỏ mồi đầu tiên. Bằng sự nhạy cảm đặc biệt ở da tay, ông giật giật sợi cước
và thông báo cho cac thuyền xung quanh biết mực đang ăn ở làn nước sâu 13 sải
tay. Riêng ông cứ rình rập mãi với một con mực chúa. Mọi người rộ lên vì mực ăn
nhiều nhưng không thấy ông Ngư giật câu. Ông ngồi như một bức tượng, lưng dựa vào
tay lái, trước mặt bát rượu đã cạn, hũ rượu còn non nửa. Đến lúc ông thét to:
"Ăn rồi". Mọi người đổ xô lại. Quả nhiên trong làn nước trong xanh do
ánh đèn măng - sông hắt xuống, một con mực ống sài gần một mét mắc lưỡi câu đang
trườn lên mặt nước lừ lừ như một con rắn. Gần đến be thuyền nó phụt ra một luồng
mực đen mạch chưa từng thấy vào người ông Ngư bắn tung tóe cả những người đứng
cạnh. Ông Ngư lảo đảo, hai mắt tối mù nới lỏng dây câu. Được đà con mực quẫy đuôi
trốn thoát. Hai tay ôm mặt, ông Ngư "hực" lên một tiếng và như một cái
xác không hồn đổ xuống rũ rượi cạnh hũ rượu và bát lỏng chỏng. Mọi người tản ra
mải mê với mực bỗng nghe tiếng rơi bõm, họ quay lại không thấy ông Ngư đâu nữa.
Đêm đó tất cả các thuyền trong xóm Vạn Chài quây đi, quây lại như đan lưới vẫn
không tìm ra được xác ông Ngư.
Ba ngày sau trời mưa bão, thuyền bè về cả chỉ còn dân đóng
đáy trong sông bòn con tôm, con cua thì bỗng nhiên tờ mờ sáng đáy ông chắt Hóa
kéo lên thật nặng. Nhưng kéo lên thì trời ơi, một cái xác. Một người đàn ông có
mái tóc bạc như cước nằm sấp. Lật người ra ông chắt Hóa rụng rời: đó là ông Ngư.
Gương mặt chìm trong nước ba
ngày mà vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống. Ông chắt Hóa hú hồn
khấn mãi và lấy rượu miết vào mí mắt vẫn không chịu khép.
Xác ông Ngư được dân xóm Vạn Chài đưa lên bờ cát ngay dưới
chân ngọn hải đăng. Chàng trai gác đèn biển nghe tin chạy xuống. Anh thắp một nén
hương rẽ đám đông bước lại gần sát ông Ngư. Mọi người sửng sốt kêu lên: từ mũi
và mồm của ông Ngư một dòng máu trào ra, anh con trai sững sờ đăm đăm nhìn xác
người chết và nén hương trong tay anh bỗng bùng cháy. Anh ôm lấy xác ông Ngư nấc
lên: Bố ơi! Khi những giọt nước mắt nóng hổi của anh nhỏ xuống mí mắt của người
chết thì bỗng nhiên đôi mắt của ông Ngư từ từ khép lại, đôi môi hình như giật
giật nở một nụ cười mãn nguyện…
Sóng vẫn vỗ vào bờ. Bên kia sông có một người đàn bà hai
tay chới với và đổ ập xuống bờ cát, mười ngón tay cào cào vào mặt cát, chỉ còn
nghe thấy lũ dã tràng giương mắt đỏ như mũi kim nhức nhối rào rào chạy trốn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI