Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

MĂNG RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN NGHỆ TP HỒ CHÍ MINH số: 446 - ngày 20 tháng 4 năm 2017


Tác giả HỒNG CHIẾN



Truyện ngắn

H’Lê Na đặt trước mặt Thạch Sơn chén nước màu nâu sẫm rồi bảo:
- Bạn bôi nước này lên giày để ngăn vắt cắn, rừng nhiều vắt lắm đấy.
- Nước gì vậy?
- Nước lá thuốc, chỉ loại này mới trị được lũ vắt thôi.
- Đây là loại cây thuốc quý của người Êđê à?
- Không phải thuốc quý gì đâu, lá cây thuốc mà người già vẫn dùng tẩu để hút ấy ngâm nước sôi vài phút là được.
- A, thế mà mình không biết.
Thạch Sơn reo lên thích thú khi khám phá thêm những điều hay ở nhà người bạn học cùng lớp. Thạch Sơn quê tận ngoài Bắc, bố người dân tộc Mường vào Tây Nguyên công tác gặp cô giáo dưới xuôi lên dạy học gần cơ quan, ưng ý thế là nên vợ nên chồng rồi sinh ra Thạch Sơn. Hôm qua, Thạch Sơn xin bố mẹ ngày mai cho theo bạn vào rừng hái măng. Mẹ không muốn cho đi, nhưng bố ủng hộ con trai, nói với mẹ: “cho nó theo chúng bạn làm quen với phong tục nơi đây, mở rộng hiểu biết chứ bắt con cả ngày ngồi bên bàn học sẽ thành robot mất. Học sinh lớp bảy rồi chứ còn nhỏ lắm đâu”. Thế là mẹ vui lòng cho đi.
Sáng nay bố đưa cho Thạch Sơn chiếc dao, mũi nhọn như ngọn mác thời chiến tranh chiếm hữu nô lệ, cán dài hơn ba gang tay hướng dẫn cách dùng để hái măng mà người Mường vẫn làm.
Hai đứa đạp xe lên rẫy, H’Lê Na bảo Thạch Sơn:
- Dựng xe đây, ta vào rừng le hái măng.
- Có xa không?
- Trên triền núi xanh xanh kia kìa.
H’Lê Na chỉ lên ngọn núi phía trước rồi khoác lên vai chiếc gùi đan bằng mây rất đẹp, có cả hoa văn tinh xảo viền quanh miệng. Trên vai vác cây xà gạc, lưỡi chỉ to bằng ba ngón tay, dài độ một gang. Thạch Sơn khoác chiếc ba lô vải lên vai định bước đi, H’Lê Na ngạc nhiên hỏi:
- Thạch Sơn đi hái măng bằng ba lô à?
- Ừ, có cả dao đây.
Đặt ba lô xuống đất, Thạch Sơn lấy con dao bố đưa lúc sáng cho bạn xem. H’Lê Na ngạc nhiên hỏi lại:
- Cái này dùng để hái măng à?
- Ừ, bố mình bảo ông bà nội ngoài quê đều dùng nó để hái măng đấy, cậu xem nhé – Thạch Sơn làm động tác và giải thích thêm: ấn mũi dao vào giữa cây măng ở vùng sát mặt đất, quay nhẹ qua bên phải hoặc bên trái nửa vòng tròn, bẩy nhẹ một cái đã có thể lấy cây măng lên rồi đấy.
Đôi mắt rực sáng trên khuôn mặt thông minh có nước da trắng hồng của Thạch Sơn tỏ vẻ tự hào về quê cha đất tổ của mình. H’Lê Na nhìn bạn, mỉm cười nói:
- Lạ nhỉ, chắc ngoài miền Bắc toàn măng to nên phải hái vậy, còn măng le trong này chỉ to bằng cổ tay, chặt nhẹ một nhát sát gốc là lấy được ngay mà. Thôi ta đi.
Từ ngoài nắng bước vào rừng già cảm thấy mát lạnh. Tán cây rừng xòe lá ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu xuống thảm lá mục bên dưới tạo nên một vùng đất ẩm ướt. Đường quanh co, xuống gần suối đã thấy có những bụi nứa ngọn cao chót vót đứng tựa vào các cây cổ thụ và…
- Ối!
Thạch Sơn thét lên rồi nhảy tưng tưng, mắt nhắm lại. Trên mặt đất, lũ vắt như những cây chông nhỏ đứng dày đặc trên các mặt lá mục, đầu ngọ nguậy đánh hơi người, có con bò như sâu đo, lại có con đã leo cả lên giày. H’Lê Na giữ tay bạn, bật cười bảo:
- Mở mắt ra mới thấy đường đi chứ, cậu xem mấy con vắt leo lên giày đã chết cả rồi, không sợ nó cắn nữa đâu.
- Thật không?
Thạch Sơn hai tay vẫn níu vai bạn, mắt từ từ mở ra nhìn xuống chân. Lạ quá, lũ vắt cứ leo lên giày lại từ từ ngã lăn quay xuống đất; con nào cố bò lên một chút nữa thì cong người lại như bị phơi khô, nằm im bất động. Kéo bạn đi tiếp, H’Lê Na bảo:
- Do nước lá thuốc đấy, chúng độc lắm không con vắt nào chịu nổi đâu. Vào rừng sâu nhất là vùng ven suối có nhiều nứa mọc, đất ẩm ướt, vắt nhiều lắm, phải có thứ nước thuốc này mới trị được chúng đấy.
***
Nhảy qua mấy hòn đá, băng qua suối, leo lên trảng cỏ gianh đã thấy rừng le xanh thẫm chen nhau đứng dưới tán cây bằng lăng. Những cây le không biết mọc từ bao giờ cao khoảng năm sải tay, các cây đều to như cổ tay, óng ả. Từ gốc lên cao quá đầu người không có một cành ngang nào, lên cao các cành mới vươn ra quấn lấy nhau tạo thành cái ô lớn che cho gốc không để ánh sáng mặt trời lọt xuống mặt đất. Các bụi le, nhỏ độ một vòng ôm, lớn đến ba bốn vòng tay, các ngọn măng đâm lên tua tủa tạo thành một vòng bao quang các bụi le, trông đẹp quá. H’Lê Na đặt gùi xuống đất nói:
- Mình chặt măng, bạn nhặt xếp vào gốc cây bằng lăng kia nhé.
- Sao, không bóc vỏ đi cho nhẹ? – Thạch Sơn ngạc nhiên hỏi lại.
- Bạn cứ xếp lại đó chốc hai đứa ngồi bóc luôn một thể cho vui.
- Ơ, hay nhỉ.
Thạch Sơn reo lên vui vẻ như khám phá ra thêm điều mới lạ khi nghe H’Lê Na trả lời. H’Lê Na tay phải vung xà gạc lên cao cách mặt đất chừng nửa sải tay chém mạnh xuống, thân cây măng bị tiện sát mặt đất một nhát rất ngọt như người ta xắt khoai lang đem phơi, cây măng đổ nghiêng, tay phải cầm lấy ngọn quẳng lại bên gùi. Những cây măng dài hơn một gang tay hoặc cao nhất ba gang, to như cổ tay, khoác lớp áo màu xanh sẫm; riêng phía gốc bị chặt, bẹ rơi ra để lộ thân màu trắng xanh trông ngon lắm. H’Lê Na khéo tay quá, nhát dao nào cũng chỉ chặt vừa đứt hết thân măng nhưng không đứt lớp áo dưới cùng. Một lát sau, Thạch Sơn đã ba lần xếp đầy gùi mang lại đổ bên gốc cây bằng lăng. H’Lê Na lấy vạt áo lau khuôn mặt đẫm mồ hôi, cười hỏi Thạch Sơn:
- Mệt chưa?
- Chưa đâu, nhưng nhiều rồi mang về sao hết?
- Vừa đủ cho hai đứa gùi thôi.
Dựng đứng cây măng lên, H’Lê Na dùng dao ấn nhẹ hai đường hai bên cây măng gọt sạch lớp bẹ phía ngoài để lộ thân cây măng phía trong màu trắng hiện ra; bỏ dao dùng tay tách nhẹ, lớp áo bên ngoài rơi đi hết, còn lại cây măng. Nhìn cách bóc măng của H’Lê Na, Thạch Sơn tỏ ra ngạc nhiên và thích thú liền lấy dao làm thử. Thấy bạn rọc măng như róc mía, dễ vậy nhưng khi tự làm lại không được như ý; nhát sâu quá mất cả thân măng, nhát lại chỉ bóc được một đoạn vỏ. H’Lê Na vui vẻ chỉ cho bạn cách cầm con dao, lưỡi dao phải hơi nghiêng một chút, ấn nhẹ sẽ cắt gọn lớp bẹ ngoài mà không đụng vào thân cây măng. Làm riết cũng quen, đống măng to vậy, khi lột vỏ xong cũng vừa đủ xếp đầy gùi và ba lô, hai đứa xuống núi khi ông mặt trời còn chưa lên đến đỉnh đầu.
***
Cắm cúi bước đi theo con đường xuôi theo triền đồi tránh khu vực nhiều nứa ven suối khi sáng có vắt, H’Lê Na nói cho bạn biết các loài le ở Tây Nguyên, không chỉ có loại cây to không gai, còn có những cây le thân lớn nhất chỉ to bằng ngón tay cái, lá cũng nhỏ trông dễ thương lắm, măng loại le này to như ngón tay út, bẻ ra có thể ăn ngay không cần đun nấu gì cả. Đang mải vui chuyện, bỗng Thạch Sơn hai tay níu chặt vào gùi H’Lê Na, giọng líu lại:
- L…ê N…a!
- Sao vậy?
H’Lê Na hốt hoảng quay lại thấy mặt Thạch Sơn tái mét, chiếc ba lô đựng măng rơi xuống đất từ lúc nào rồi. Từ từ ngồi xuống để chiếc gùi trên mặt đất khỏi đổ, H’Lê Na cầm tay bạn:
- Bạn có sao không?
- C… ó m… ùi h… ôi l…ắm!
- À chắc có con gì chết gần đây thôi, có gì đâu mà sợ.
- Kh… ông ph… ải, h… ổ đ…ấy, l… eo l… ên c…ây đ…i.
H’Lê Na thoáng giật mình, bất giác nhìn xung quanh. Phía trước mặt là khu rừng già gần suối nước, băng qua suối sang bên kia triền đồi là rẫy nhà mình rồi. Bên cạnh chỗ hai người đang đứng có cây lồng bàng lớn, H’Lê Na bảo bạn:
- Cậu leo lên cây đi.
Thạch Sơn ôm lấy cây nhưng không tài nào leo lên được, cứ trườn lên cao được khoảng ba gang tay lại rơi bịch xuống đất. Thấy vậy, H’Lê Na dùng tay đẩy đít bạn lên cao hơn, nói nhỏ:
- Sao mọi ngày trèo giỏi thế, mà bây giờ lại… Bám lấy cành ngang trước mặt, đu người lên.
Thấy bạn bám được vào cành cây H’Lê Na mới cúi người xuống định lấy cây xà gạc thì… phịch! Cả người Thạch Sơn rơi ngay xuống lưng H’Lê Na, cả hai ngã quay lơ trên mặt đất. Mặt Thạch Sơn mặt tái nhợt như không còn giọt máu nào, tay chân run lập cập. H’Lê Na đứng lên kéo bạn dậy, vừa phủi bụi, gỡ lá cây mắc trên tóc vừa nói:
- Sao bạn bảo có hổ?
- H… ôi l… ắm!
- Aduôn bảo rừng này tuy nhiều hổ nhưng chưa bao giờ dám tấn công người và cũng không dám bắt thú của người nuôi, sợ gì. Bạn ngồi đây để mình lên trước xem sao.
- Kh… ông, s… ợ l… ắm.
- Thế thì đi sau mình nhé.
Thạch Sơn hai tay nắm chặt vạt áo bạn lò dò bước theo sau H’Lê Na. H’Lê Na tay cầm xà gạc, mắt quan sát xung quanh từ từ đi xuống bìa suối nơi phát ra mùi hôi nồng nặc, rồi bỗng bật cười reo lên:
- Hổ của cậu kia kìa!
- H… ổ a… à!
- Nhìn bên gốc cây gỗ hương kia kìa.
H’Lê Na kéo tay bạn chỉ lại gốc cây phía trước cách khoảng chục sải tay, xác một con heo rừng dài độ năm gang tay, bị thú rừng ăn hết ruột gan, ruồi bọ bay vù vù xung quanh. Kéo bạn quay lại lấy ba lô, H’Lê Na hỏi bạn:
- Sao bạn lại tưởng tượng ra hổ chặn đường?
- Nghe bố mình kể, ngoài quê nội ngày xưa hay có hổ chặn đường bắt người ăn thịt. Người đi rừng nếu đi ngược chiều gió ngửi thấy mùi thối phải leo lên cây hò hét thật nhiều để Hổ sợ bỏ đi mới dám trèo xuống đi về nhà.
- À ra thế, đấy là chuyện ngày xưa ở vùng Tây Bắc thôi, còn vùng này không ai thấy có chuyện như vậy cả.
Thạch Sơn ngượng ngùng nói với H’Lê Na:
- Chuyện hôm nay đừng kể lại với các bạn trong lớp nhé. Xấu hổ quá!
- Lần đầu vào rừng ai mà chẳng có những bỡ ngỡ, không sao đâu.
- Hứa không?
- Hứa!
Hai đứa ngéo tay nhau tiếp tục đeo gùi và ba lô trở về. H’Lê Na đi trước, mái tóc hoe vàng, cong tự nhiên như được uốn bay bay hai bên gùi trông đẹp quá. Con gái Tây Nguyên có khác: tay chân tròn lẵn, nước da màu đồng thau thể hiện sự khỏe mạnh làm người khác nhìn phát thèm, mong được như thế. Thạch Sơn bước theo, thầm ngắm bạn, lòng không khỏi có chút ghen tỵ. Sau lưng, nơi cánh rừng già, bầy chim chơ rao bỗng cất lên điệp khúc làm xáo động cả không gian.

                  Mùa thu năm 2016



  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI