Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

VOI RỪNG trích chương II truyện vừa BÍ MẬT RỪNG THIÊNG của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANGS IN SỐ: 148 tháng 5 năm 2004




Tác giả HỒNG CHIẾN

          Những cơn gió trong rừng già bao giờ cũng khác với cơn gió bình thường; trước khi đưa bàn tay mát rượi mơn man lên làn da, mái tóc chúng ta, gió thể hiện vũ khúc của mình bằng tiếng reo ầm ĩ như có hằng trăm, hằng ngàn con nai cùng chạy, làm các cành cây nghiêng ngã, xô đập vào nhau rầm rầm. Gió bao giờ cũng theo từng đợt một, ồn ào, dữ dội khua khoắng cả cánh rừng rồi lặng dần để đón tiếp đợt khác ào đến. Có lẽ nó giống như những cơn sóng biển về chiều mùa hạ mà H’Chi có lần nhìn thấy ở biển Nha Trang. Đi trong rừng già buổi chiều nghe tiếng gió lòng như ấm lại, tạo cho ta cảm giác sảng khoái giống như người thành phố được đắm mình vào bản nhạc ưa thích.
          - R ... ắ ... c ! R ... ắ ... c !
          Bổng có tiếng cây gãy như bị ai kéo, bẻ, ầm ĩ ở phía trước chắn ngay lối về. H’Chi ngạc nhiên dừng lại, vội vã túm lấy sợi dây leo lên cây Cà-te bên cạnh. Thật may, cây Cà-te to đến hai người ôm, xung quanh chằng chịt dây leo tạo thành những bật thang khổng lồ đưa H’Chi lên tít ngọn cây. Đặt chiếc gùi vào giữa chạc ba của cây, H’Chi nhìn xuống mặt đất và khẻ rùng mình, khi cảm giác mách bảo đúng; xa xa bầy voi rừng dàn hàng ngang đang giơ những chiếc vòi mềm mại bẻ cành, hái lá bỏ vào miệng một cách khéo léo. Những cành cây to như bắp chân người lớn cũng bị kéo xuống, bẻ gãy một cách dễ dàng. Có con khéo léo dùng chiếc ngà trắng muốt của mình cắm xuống hất lên từng tảng đất lớn, tạo thành một chiếc hố khá sâu trước khi đưa vòi lôi lên một đoạn củ cây bỏ vào miệng. Những con voi khổng lồ giống như những chiếc xe ô tô tải dàn hàng ngang cùng tiếng về phía trước.
          Bầy voi này chắc đông lắm, tiếng bẻ cây kéo cành náo động cả góc rừng.
          - Ô!
          H’Chi thích thú reo lên khe khẽ khi phát hiện ra một chú voi con đứng chạm bụng voi mẹ, thỉnh thoảng giơ chiếc vòi nhỏ xíu của mình lấy những chiếc lá non voi mẹ đưa cho bỏ vào miệng. Có lẽ vì còn nhỏ nên chú ta hết chạy qua bên phải giật một túm lá của bác voi đi bên bỏ vào miệng lại chạy qua bên trái giành một cành lá của một con voi khác vừa kéo xuống. Chú voi con không ăn, mà khéo léo dùng vòi cầm cành đưa ngọn lá chọc vào háng một con voi lớn khác đang mãi cắm ngà đào đất. Con voi bị chọc vào chỗ kín nên vội đứng phắt dậy, quay đầu lại lắc lắc; chỉ chờ có vậy, chú voi con giơ cao cành lá qua đầu bỏ chạy lại với mẹ. Thật ra chú voi con chỉ nhỏ so với bầy đàn của mình chứ chẳng nhỏ tí nào nếu so với bầy trâu bò buôn Cư M’Gar. Xét một cách công bằng dù con trâu đực nhà ama H’Rốk to nhất buôn cũng chỉ hơn chú voi con này một tý thôi. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, người xưa đã dạy vậy xem ra đúng thật. Thân hình voi bằng cả cài nhà rẫy, cái chân còn to hơn cái cột làm nhà vì thế không ai dám chọc tức voi bao giờ. Đi rừng không may gặp voi tốt nhất leo lên cây ngồi chờ chúng đi qua hãy xuống đi tiếp. Bao đời nay ở vùng này người và voi cùng chung sống với nhau rất hòa bình, chưa có người nào bị voi rừng tự nhiên giết chết cả, vì thế người Êđê không ai ăn thịt voi. Theo như aduôn(4) kể lại: loài voi sống rất có nghĩa, có sức mạnh nên được thuần dưỡng dùng vào việc vận chuyển hàng hóa đi xa hoặc kéo gỗ làm nhà, lấy đá đắp đập, làm bến nước... Bình thường voi nhà được thả vào rừng tự nó kiếm ăn, chỉ khi nào cần, chủ voi mới vào rừng tìm, gọi về đi làm; làm xong công việc lại thả vào rừng. Voi nhà nếu là voi đực khi có ngà được làm lễ cúng Yang, rồi thầy cúng cưa phần nhọn của ngà, đó là dấu hiệu để phân biệt voi nhà và vòi rừng. Lạ ở chỗ voi đứng im cho cắt chứ không chống cự hay tỏ vẻ đau đớn gì.
          Để có voi nuôi, hằng năm vào đầu mùa khô, cánh thợ săn voi tụ tập nhau lại ngủ tại nhà già làng làm lễ cúng Yang, xin thần linh phù hộ. Lễ cúng đủ ba ngày, ba đêm; ba ngày ấy những người đàn ông không về nhà, thể hiện sự kính trọng Yang của mình trước khi ngồi lên cổ voi nhà vào rừng đi săn. Thông thường phường săn voi đi hằng tuần trong rừng tìm dấu vết, khi nào phát hiện bầy voi rừng có voi mới lớn, không nhỏ quá - vì nhỏ quá khó nuôi mà bầy đàn sẽ cố canh giữ, đánh nhau với voi nhà, có khi chúng còn kéo về tận buôn để dành lại voi con; còn voi trưởng thành lại quen tập tính của rừng khó dạy được. Người đi săn phải biết chọn đúng bầy có voi con không còn bú mẹ mới quây bắt. Thông thường khi tìm được dấu chân con voi ưng ý, cánh thợ săn đi theo đàn voi rừng chờ tới buổi sáng sớm mới thúc voi nhà lao vào bầy voi rừng hỗn chiến trong tiếng chiêng, tiếng reo khuấy động cả cánh rừng. Nghe tiếng người, tiếng chiêng voi rừng bỏ chạy, đoàn voi nhà đuổi theo quây lấp chú voi định bắt. Khi bị tách ra khỏi đàn, chú voi mới lớn chưa có kinh nghiệm chiến trận nên sẵn sàng chấp nhận giao tranh với bầy voi nhà được điều khiển bằng những người thợ săn thành thạo. Giáp nhau, voi nhà tung vòi móc chặt vòi voi rừng gì xuống không cho cử động, công việc còn lại của người thợ săn voi là quăng dây buộc vào chân trái của voi thắt lại; nếu quăng nhầm vào chân phải voi, người thợ săn phải tự mình xuống đất gỡ dây ra và thả voi theo đàn không được bắt nữa. Tục lệ này có từ lâu đời được truyền miệng lại của người dân trong vùng; đời trước truyền qua đời sau câu chuyện đau lòng về một người thợ săn voi. Trong một lần tổ chức săn voi, tổ tiên lúc bấy giờ chỉ biết  đào hố thật sâu lấy le và lá mục phủ lên trên làm bẫy. Khi gặp đàn voi gần nơi có bẫy, tổ chức lùa cho voi chạy rơi xuống bẫy. Bỏ voi nhịn đói ba ngày mới mang thức ăn và nước uống đến cho voi để làm quen, sau bảy ngày, tổ chức đào hào ngang với chân sau của voi để cột lại. Cột được chân sau của voi xong, người ta mới đào phía trước cao dần lên để voi theo đó đi lên khỏi mặt đất, nhưng dây cột chân sau sẽ buộc vào thân một gốc cây cổ thụ, bao giờ voi chịu khuất phục, quỳ xuống xin phục tùng cho người leo lên cổ ngồi điều khiển mới được cởi trói đưa về buôn. Một lần bẫy được voi, một chàng trai đào hào xuống cột chân voi, không may bị chân phải voi giẫm chết, già làng cho rằng chân phải của voi là của Yang nên người trói chân của Yang bị trừng phạt. Từ đấy về sau cấm thợ săn voi cột chân phải của voi – chân đã dẫm chết người.
Loại dây cột chân voi của thơ săn phải làm bằng da trâu đực phơi khô, bền hơn cả sắt thép to như ngón chân cái. Sau này khi bắt được nhiều voi rồi, người ta huấn luyện voi nhà bắt voi rừng bằng vòi, không làm bẫy nữa. Khi cột chân voi xong, hai voi nhà ép hai bên voi rừng đi theo về cột gần buôn, tổ chức thuần dưỡng.
Mỗi lần cánh thợ săn bắt được voi rừng mang về, cả buôn mổ bò, mổ heo ăn mừng chẵn ba ngày. Tiếng chiêng, tiếng hát bay ra trong ngôi nhà sàn già làng suốt từ đêm tới sáng, từ sáng tới đêm. Mọi người nghe mãi chuyện kể của người đi săn mà không biết chán. Đó là chuyện ngày xưa, còn nay không ai đi săn nữa cả, nhà nước đã cấm rồi.
          Người đi săn cũng như người không đi săn voi cho dù là trai hay gái đều có một điều kiêng kỵ quan trọng nhất: không bao giờ được ăn thịt voi. Người già kể lại câu chuyện đau lòng xảy ra đã lâu lắm rồi như một lời cảnh cáo với mọi người. Chuyện kể rằng trước đây có một người cưỡi voi xuống chợ gặp mấy người doan mời uống rượu, anh ta thả voi bên đương rồi vào uống rượu và được mời món đặc sản: thịt voi. Theo tục lệ, người Êđê không bao giờ ăn thịt voi, cho dù là voi nhà hay voi rừng; nếu voi nhà chết phải làm lễ cúng như anh em trong nhà chết, đào hố sâu chôn lấp cẩn thận. Hôm ấy không biết do uống quá nhiều rượu, không làm chủ được mình; hay lòng nổi máu liều muốn ăn cho biết, người quản voi đã ăn một miếng thịt voi do mấy bạn rượu mời. Ăn xong, anh ta cẩn thận rửa miệng, rửa tay sạch sẽ mới gọi voi đi về. Con voi nhà vốn ngoan là vậy, bổng nhiên nổi điên, khi người chủ bước lại gần nó giơ vòi ngưởi khắp người rồi bổng gầm lên quơ vòi quấn lấy ông chủ của mình tung bổng lên trời, cao đến hàng chục mét rồi cắm đầu cắm cổ chạy vùn vụt vào chợ đến đúng quán nhậu có thịt voi, nó tung vòi quơ lấy xà nhà giật mạnh. Ngôi nhà gỗ ba gian bề thế là vậy bổng chốc thành đống đổ nát, cả chợ  nháo nhác tranh nhau chạy bán sống, bán chết. Sau khi phá tan tành ngôi nhà, con voi quay lại dùng vòi cắp xác chủ đặt lên lưng chạy về nhà quỳ trước cầu thang rống lên những tiếng thảm thiết, nước mắt chảy ròng ròng.
Voi giết chủ, chuyện hy hữu xãy ra, già làng sai lập tòa án để phán xử. Sau một buổi thảo luận gay gắt, người cao tuổi trong buôn quyết định mời mặt ba chục con voi nhà có trong buôn về sắp thành hàng ngang trước con voi giết chủ, già làng  thay mặt Hội đồng xét xử tuyên phạt:
-Hỡi Yang của núi rừng, sông nước. Hỡi Yàng trên trời cao hãy về chứng kiến sự trừng phat của buôn làng đối với kẻ phản chủ. Này voi, mày đã thuộc về chủ nhân mà lại đi giết chủ; tội ác ấy không thể dung tha, đáng phải tội chết.
 Nghe già làng tuyên phạt, bầy voi nhà quỳ hai chân trước, đập vòi xuống đất ba lần bầy tỏ thái độ đồng tình với bản án, chỉ có một con voi cái đứng ngoài cùng không đập vòi nhưng cũng không rống lên, nó im lặng, nước mắt chảy thành dòng; thể hiện thái độ bỏ phiếu trắng, vì nó là bạn tình của con voi bị phạt.
 Riêng con voi phạm tội nghe tuyên xong, nó rống lên những tiếng kêu thảm thiết, hai dòng lệ tuôn rơi, rồi cũng đập vòi ba cái xuống đất tỏ ý chấp thuận bản án.
Già làng nói tiếp: Song xét mi vì tình thương yêu đông loại, không làm chủ được bản thân, gây nên tai hoạ. Vì thế tội chết có thể tha, nhưng hình phạt thì phải gánh chịu. Nay tuyên phạt mi vĩnh viễn phải vào rưng xanh sinh sống, không được quay về buôn  nữa!
Cả bầy voi lại quỳ xuống, lấy vòi đập ba lần vào đất rồi đứng dậy; riêng con voi cái “bỏ phiếu trắng” khi đứng lên đã cất tiếng kêu rất thảm thiết. Con voi bị phạt uể oải đứng dậy, rống lên ba tiếng rất thê lương làm những người đứng xem xử án cũng phải chảy nước mắt, rồi lê bước vào rừng. Hôm sau khi ra thăm mộ người đàn ông xấu số, người ta thấy con voi bị xử phạt hôm qua quỳ trước mộ chủ, tăt thở từ lúc nảo lúc nào.
     Bầy voi rừng đi đến rất gần cây càte(5) H’Chi ngồi, bổng nhiên như có phép lạ cả bầy dừng lại giơ vòi ngửi ngửi trong không khí; rồi rất nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nhỏ, cả bầy kéo nhau quây quần ngay sát cây Cà-te H’Chi đang ngồi. Bầy voi hơn 30 con, chúng đứng xúm lại bên nhau như tập hợp, những chú voi nhỏ đứng vào giữa còn voi lớn đứng xung quanh tạo thành một vòng tròn sẵn sàng giao chiến. Đàn voi vừa ồn ào là vậy, giờ lặng im nghe rõ cả tiếng con muỗi vừa bay thỏang qua tai. Không may rồi, H’Chi tự nhủ - nếu chúng cứ đứng như vậy làm sao có thể về nhà trước khi trời tối! Lòng rối bời, chưa biết làm sao để thoát khỏi bầy voi, cổ họng bổng nhiên như có con gì bò trong ấy và cho dù cố kìm hãm lắm, nhưng một cái hắt hơi bất ngờ cũng bật ra:
          - H ... ă ... t   x ... ì !
Có lẽ chỉ chờ có vậy, bầy voi ào lên như một cơn lốc xoáy, xô cây rừng gãy răng rắc, tạo ra một cơn bão náo động cả cánh rừng. Chỉ trong chốc lát, bầy voi bỏ chạy ngược lại theo hướng vừa đến.
          H’Chi thở phào nhẹ nhỏm trèo xuống đi tiếp theo dấu đàn voi vừa bỏ chạy. Có lẽ bầy voi đến đây phát hiện ra mùi hương cháy, hơi người lạ mà không biết xuất phát từ đâu nên không dám đi tiếp. Cái hắt hơi của H’Chi báo cho chúng biết vị trí của con người nên chúng bỏ chạy. Người già nói đúng thật, H’Chi vừa đi vừa tới lời aduôn từng dặn: Trong rừng con gì cũng sợ người cả!
          Hôm nay chứng kiến bầy voi bỏ chạy như bị ma đuổi chỉ sau cái hắt hơi của mình, nếu kể lại, chắc bạn bè cùng lớp lại cho mình nói dối mất. Có lẽ trời đã đã về chiều, xa xa tiếng bầy voọc gọi nhau vang vọng cả góc rừng.

                                                    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI