"Cuộc sống của ta, tình yêu của ta,
nghị lực của ta, tất cả đều bắt đầu từ nỗi đau".
Tôi nghĩ là tôi nên làm một việc gì đó, lúc
này, chẳng hạn. Bất cứ điều gì tôi muốn, tôi nghĩ đến, kể cả đối thoại với bóng tối (Tôi
cũng khá quen với bóng tối, dù rằng đôi khi tôi cũng hơi e ngại một chút). Thật ra thì
chẳng phải tôi muốn mặt đối mặt
với bóng tối đâu, chỉ bởi vì tôi tiếc ánh sáng thôi. Tháng vừa rồi, nhà tôi trả tiền điện hơi cao thì phải. Mà lương ba cọc ba đồng của những công chức về
hưu như
ông bà nhà tôi thì phải tiết kiệm một chút mới đủ qua ngày đoạn tháng.
Thời đoạn này dịch giã kéo dài.Nghe đâu vài ba tháng tới,
nhà điện sẽ giảm cho chút ít
phần trăm, có người mừng rỡ, có kẻ bĩu môi, với tôi thì được chừng nào hay chừng đó. Kiểu gì cũng phải
biết tiết kiệm. Ánh sáng chưa bao giờ miễn phí. Bóng tối
thì ngược lại. Vì thế tôi phải tiết kiệm ánh sáng, kể cả khi đang làm việc.
Tôi quyết định tắt chiếc đèn Led mỏng manh màu hồng phấn
nhạt mà tôi vừa mua từ một trang thương mại điện
tử. Mùa dịch này, mùa cách ly thế giới này, ngồi một
chỗ cũng có thể shopping. Tôi có thể lựa chọn bất cứ thứ gì tôi muốn, (chỉ là liệu rằng tôi có đủ tiền để mua cả thế giới hay không thôi). Mà
thế giới này nhất là thế giới của loài người, chỉ có tiền mới thao túng
được họ, mới làm họ hoá thành thánh nhân (hoặc là ma quỷ). Tôi đã mua chiếc đèn Led đó
với giá vừa tầm. Hình dáng của nó khá gọn mắt, cùng với thiết kế tiện dụng.
Kiểu gì thì kiểu, (ghét bỏ hay không)
tôi vẫn phải xài đồ dùng đến từ thứ tộc tính gian xảo đó. Ấy thế mà
tôi lại hài lòng với chiếc đèn Led này. Tiên sư anh Tào. Chúng nó giỏi (chúng
nó khôn
lỏi). Thôi thôi tôi không miên man với chiếc đèn Led này nữa. Dù gì tôi cũng đã với tay chạm nhẹ vào nút on/off rồi. Ánh sáng đó, tôi có
thiện cảm với thứ ánh sáng nhẹ nhàng và ấm áp này. Chúng vừa đủ lan
tỏa trên khắp không gian nhỏ
của chiếc bàn làm việc màu trắng cũ kỹ.
Tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại sợ đánh mất hoặc hoang phí
ánh sáng đến thế? Dù rằng,
tôi đã tắt chiếc đèn Led nhỏ đi, nhưng tôi không di dời dịch chuyển khỏi chiếc
ghế và mặt bàn. Tôi vẫn
muốn làm gì đó, một việc gì đó mà tôi cảm thấy bứt rứt không chịu được. Tôi không thể rời đi khi
chưa hoàn thành. Tôi đang trong trạng thái cực kỳ phấn khích. Hẳn là không phải vì ly cà phê đen pha
loãng lúc sáng, tôi vẫn còn đang để dư lại một ít. Tôi lật mở một trang giấy kẻ ô ly
học trò ra. Tôi cầm một
chiếc bút máy lên và xoay xoay trong tay. Tôi không có ý định sẽ viết
lách gì đó lúc này đâu. Tôi chỉ muốn thử vài nét chữ, để xem sau một thời gian dài tôi quen làm việc với
các loại bàn phím, thì chữ tôi liệu có thể thẳng hàng đưa lối bướm ong nữa không hay
đã nguệch ngoạc ngang ngược như một kẻ say rượu không
biết lý lẽ?
Tôi đặt bút xuống trang giấy.
Tôi không viết được gì. Đây vẫn không phải
là việc tôi muốn làm. Với lại, tôi thiếu mất ánh
sáng. Tôi không thể viết nếu không có ánh sáng. (Dù sao thì đây vẫn không phải là việc tôi muốn
làm). Tôi cần tiết kiệm ánh sáng. Tôi sợ phải nghe ông bà nhà tôi ca cẩm về hoá đơn tiền điện. Trời
mùa hè ở nơi này thật là oi bức.
Tôi đã nghĩ ra cái việc mà tôi muốn làm. Tôi mở ngăn bàn,
tìm con dao rọc giấy để gọt
cây chì than. Tôi muốn vẽ. Hoá ra loay hoay mãi tôi mới nghĩ được mình muốn gì. Con người tôi thật tình đôi khi như kẻ mê hoang vậy. Tôi muốn vẽ. Tôi
muốn khắc họa lại một bức chân dung. Nhưng, tôi khừng khựng
lại trước tờ giấy lạnh, màu
ố. Tôi không thể tìm thấy bất cứ bức chân dung nào trong "trí nhớ suy
tàn" của mình. Đầu
óc tôi trống rỗng như tờ giấy trắng kia. Tôi đã cố kích hoạt trí nhớ, nhưng chẳng có gì cả,
ngoài một mảng màu lạ, mà tôi đã từng bắt gặp trong một vài giấc mơ nào đó. Chẳng có họa sĩ nào phối
được thứ màu sắc mà tôi nhìn thấy trong mơ.
Cây bút chì than tôi dùng hết một nửa. Tôi
vẽ vài bức chân dung của các diễn viên điện ảnh hóa thân vai anh hùng,
siêu nhân. Nó đã được tôi vót nhọn sẵn, chờ đợi tôi. Trang giấy màu ố chờ đợi tôi. Thời gian chờ đợi
tôi. Tôi thì lại đang chờ đợi
trí nhớ. Tôi gắng tìm kiếm trí nhớ của tôi. Nhưng tôi - trống rỗng. Và
ngược lại trống
rỗng - tôi. Nó hệt như một khúc điệu nhàm chán điều khiển tinh thần, thể xác tôi vậy. Tôi nhìn
cây bút chì than, nhìn xuống trang giấy ố vàng. Rồi nhìn mặt bàn có một vài vết loang lổ như ổ gà trên mặt đường gian dối.
Đây là chiếc bàn
mà cha tôi đã tha từ cơ quan cũ về. (Nơi cha tôi đã từng làm việc hơn một năm trước). Ông ấy chẳng
bao giờ dám tin là mình đã hết thời son trẻ, phải ở nhà như những người già. Từ khi nghỉ hưu, ông không thể kiếm được gì
hơn ngoài mấy thứ vật dụng cũ kỹ, chẳng hạn, một chiếc bàn. (Đồ phế thải).
Tôi lại tiếp tục phân vân việc tôi ngồi ở chiếc bàn này.
Tôi không viết được gì với sự trống rỗng mơ hồ. Tôi
cũng chẳng thể vẽ nếu bức chân dung tôi cần vẫn đang mất
tích. Tôi liếc nhìn về phía cây đèn Led. Ánh sáng. Tôi thiếu ánh sáng. Dù rất muốn tiết kiệm. Nhưng tôi phải nhấn nút turn/on. Biết đâu tôi sẽ
tìm thấy bức chân
dung tôi muốn vẽ. Chẳng ai muốn lò dò bước đi trong bóng tối bao giờ.
Tôi quyết định bật chiếc đèn Led. Ánh sáng thật đẹp. Ánh
sáng tràn lan trên khắp mặt
bàn. Ánh sáng lướt qua chồng sách mà tôi vừa lượm ra khỏi tủ sách từ lúc chiều.
Đều là những quyển tôi thích. Và chúng vẫn dang dở. Hệt như những cuộc tình thời học trò. Tôi kẹp
bookmark khắp mọi quyển sách mà tôi mua về. Tôi quan sát ánh sáng đi qua quyển sách thứ nhất, "bảy ngày trong thế
giới nghệ thuật". Bất
giác một vài cái tên hiện lên trong trí não của tôi. Tôi thích khá nhiều danh họa, nhưng tôi vẫn chẳng học
được gì từ họ cả.
Quyển sách thứ hai mà tôi xếp chồng lên đó, "Đời sống
bí ẩn của cây". Tôi thích cây cối, hoa lá cành. Tôi
nghĩ tôi sẽ tìm hiểu được nhiều thứ hay ho về cây cối, chẳng hạn
vậy. Nhưng tôi cũng chỉ đọc được dăm trang và sau đó mơ mộng về một chuyến đi, tôi sẽ mang nó
theo trên hành trình khám phá thế giới của mình. Ấy vậy, rồi những quyển sách tôi thích dần dần phủ bụi đóng băng hết cả. Vì
tôi quá bận bịu một
việc gì đó, tìm kiếm trí nhớ của mình chẳng hạn. Tôi liếc mắt xuống mặt bàn, một quyển sách mỏng
dính, khổ dài, bìa xanh, khá cũ, tôi nhớ là của thằng em đam mê dịch thuật triết học thì phải.
"Đối thoại buông xả thanh thản của Heidegger". Không hẳn là đồ
phế thải, nó chỉ nói khi quăng quyển sách cho tôi, "kiến thức dung nạp vào đầu rồi thì nên đem
sách đi nghiền bột". Cái thằng tuổi trẻ, nó thật là ngông nghênh.
"Chủ nghĩa khắc kỷ" tôi cũng chỉ
vừa mới mua về cách đây gần một tháng. Chẳng xa xôi
gì lắm. Tôi hơi tham lam một chút, nhưng quả thật triết lý khắc kỷ có thu hút tôi. Nhưng tình cảm của tôi, sự yêu quý của tôi để dành cho quyển
sách cuối cùng trên mặt bàn, nhà văn đã viết "Bức chân dung
của Dorian Gray". Tên anh ta cũng khiến tôi
lưu nhớ rất dễ dàng, (như đã từng lưu nhớ bức chân dung của KafKa
vậy).Những tác phẩm của anh ta, đầy tài hoa, đầy ám ảnh đối với tôi.
Ánh sáng dù đã được bật lên. Nhưng trí não của tôi hoàn
toàn rời rạc. Tôi không thể tìm thấy sự kết
nối cho việc tôi muốn làm, hoặc cho cái hoàn cảnh kỳ quái miên man lúc này, (khi mà
tôi chỉ nghĩ tới chuyện tiết kiệm ánh sáng). Chiếc laptop của tôi đã bật sẵn. Một list nhạc Celtic mà
tôi thích đang chạy. Âm thanh của thế giới khác, trong trẻo
hơn đang thanh lọc tôi từng chút một. Vậy mà chúng vẫn không thể khiến tôi yên lặng thưởng thức.
Tôi đưa ngón trỏ rê chuột và click vào các file word. Những bản thảo của tôi. Một số đã hoàn
thành, đã được gửi đến các nhà xuất bản (và dĩ
nhiên đang đợi phản hồi). Tôi dừng lại ở một tệp bản thảo khác, "nỗi buồn xanh
trên sợi dây gai", tôi lấy cảm hứng cho cái tên bản thảo này từ bức tranh của một anh
hoạ sĩ C mà tôi rất thích. Bản thảo này tôi chưa gửi đi đâu.
Tôi nhớ ra thêm một bản thảo khác tôi cất giấu khá lâu, đã bắt đầu khá lâu, từ cách
đây ba năm thì phải, và bây giờ chúng vẫn hoang mang chờ đợi tôi, như chính tôi chờ đợi mình vậy.
Mọi sự đều dở dang. Mọi câu chuyện không hẳn bao giờ cũng có một cái kết. Mọi rắc rối chưa chắc đã
có cách giải quyết thỏa đáng.
Nhưng tôi phải hoàn thành bản thảo mà tôi đang giấu giếm.
Hai đứa trẻ con chạy ùa vào phòng tôi. Chúng nó với tay lấy
cái điều khiển tivi đang nằm
trên bàn làm việc của tôi và chuyển kênh kết nối, sau đó bắt đầu hát theo bản Believer đang khá nổi.
(Những đứa trẻ của tôi, chúng đang lớn lên trong sự quên lãng của một vài người lớn).
Tôi phải nhường lại không gian cho chúng
thôi.
Tôi tắt màn hình laptop.
(Cần phải tiết kiệm âm thanh)
Tôi tắt luôn chiếc đèn Led.
(Cần phải tiết kiệm ánh sáng)
Còn trí não? Tôi hỏi. Tôi tự trả lời.
Tôi biết tôi muốn gì. (Trí não không cần tiết
kiệm, chắc vậy).
Tôi biết tôi đã tìm thấy bức chân dung trắng đen của một
đứa trẻ nào đó vừa quen vừa
lạ mà tôi muốn vẽ. Không phải bức chân dung màu xám của Oscar Wilde.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI