Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Chuyện thứ 12: CUỘC CHIẾN TRONG RỪNG THIÊNG

 


(Trích CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN)


Buổi sáng, khi mấy chú gà nhà thi nhau cùng bầy gà rừng ca khúc nhạc o ó o… rộn rã chào đón bình minh cũng là lúc H’Lê Na chuẩn bị cơm nước, mang gùi vào rừng hái thuốc. Không biết từ bao giờ, dòng họ Byă biết vào rừng hái lá, hoa và đào củ, rễ… mang về nhà trị bệnh cho mọi người trong vùng. Có lần ngồi bên bếp lửa, H’Lê Na hỏi a duôn(1), a duôn cười bảo:

- Ừ, hồi nhỏ như con a duôn cũng từng hỏi a duôn của a duôn như vậy, a duôn bảo trước đây cũng từng hỏi a duôn như vậy rồi, nhưng… mọi người chỉ nói có vậy thôi.

- A, con hiểu rồi, như vậy nghề hái thuốc của nhà mình có từ lâu, lâu lắm rồi nên không ai còn nhớ chứ gì!

A duôn khẽ cốc yêu lên đầu rồi nói:

- Bé này được!

Rồi a duôn kể: a duôn của a duôn sinh được sáu người con, vừa đủ ba trai ba gái; các con trai lớn lên được các cô gái xinh đẹp của những gia đình giàu có trong vùng đến bắt về làm chồng, ở lại nhà chỉ còn ba chị em gái bắt chồng về sống chung với a duôn. H’Sa là con út của amí(2) H’Sa trong gia đình ba chị em, nhưng được ngoại cưng chiều nhất, chọn làm người thừa kế nghề thuốc gia truyền; vì thế từ khi còn nhỏ a duôn đã cho theo đi hái thuốc qua các đỉnh núi cao chót vót hay các vách đá dựng đứng trên dãy Chư Yang Sin(3). Có lần sáng đi, tối về, có lần phải ngủ qua đêm trên núi cao để chờ bình minh đến mới hái được; vì thế ngủ đêm trên núi cao trở thành chuyện bình thường của những lần đi hái thuốc. Tìm lá thuốc cũng vất vả lắm, có những loại lá chỉ hái dùng làm thuốc khi mặt trời chưa mọc, có loài hoa phải hái khi có sương đọng trên cánh, lại có loại cây chỉ mọc trên vách đá cao dựng đứng phải hái vào giữa trưa… mỗi loại hoa, lá, cỏ, cây có một khoảng thời gian nhất định trong ngày mới hái làm thuốc được. Nhưng không phải loại bệnh gì gia đình H’Sa cũng chữa được; nhưng chữa bệnh muộn con là công hiệu nhất. Cả vùng rộng lớn phía đông bắc núi Chư Yang Sin, rất nhiều buôn, nhưng mọi người chỉ đến nhờ gia đình H’Sa lấy thuốc; khi khỏi bệnh tùy lòng hảo tâm, người ta mang: rượu, gạo, gà, heo… đến trả công chứ gia đình không đòi hỏi, chữa bệnh làm phúc thôi mà.

Có lẽ cũng vì thế người trong buôn kính trọng bầu chồng a duôn làm già làng, người cai quản, sắp xếp mọi công việc từ thờ cúng yang(4) đến chuyện xử các cuộc tranh chấp, khiếu kiện… trong cái buôn hơn trăm nóc nhà dài, gần năm trăm hộ, hơn hai ngàn nhân khẩu. Mọi việc già làng quyết, mọi người phải tuân theo, không bàn cãi! Năm H’Sa tròn mười bốn tuổi, gia đình tổ chức một lễ cúng lớn để trao trọng trách người thừa kế dòng họ. Sau lễ đâm trâu cúng tế yang và các vị thần linh cùng dòng họ Niê Byă đang ở trên trời; a duôn dẫn H’Sa ra bến nước của buôn làm lễ cúng rồi nói:

-                     Có yang làm chứng, con phải thề trước tổ tiên dòng họ trọn đời không được nói cho ai biết, trừ người thừa kế nghe những điều ta sắp nói đây.

-                     Tôi là H’Sa con của dòng họ Byă xin thề với yang và tổ tiên giữ đúng quy định không nói lại cho ai ngoài người thừa kế biết những lời được nghe hôm nay.

A duôn lấy một thanh nứa vót sẵn khứa vào đầu ngón tay cái của tay phải H’Sa cho rơi ba giọt máu xuống bến nước. Sau nghi lễ ấy, a duôn mới tuyên bố:

-Từ giờ phút này H’Sa Byă là người nối nghiệp dòng họ được yang phù hộ hái lá trị bệnh cứu người.

Kể từ hôm ấy, H’Sa được một mình vào rừng, không có a duôn theo nữa. Thấm thoắt đã gần qua một mùa rẫy, công việc lang thang trong rừng lâu ngày, nhiều lúc cũng cảm thấy cô đơn, nhưng dần dần thành quen và niềm vui chính là giúp người ốm bớt nỗi đau, có sức khỏe để làm việc.

Mặt trời lên ngang vai, cũng là lúc H’Sa vượt qua hai ngọn núi cao đến gần vách đá dựng đứng bên vực sâu. Dưới lòng vực xếp toàn những khối đá lớn chồng chất lên nhau như đàn trâu rừng đang ngủ, phủ đầy rêu xanh. Trên các vách đá hai bên vực thỉnh thoảng có một bụi cây thân màu tím, lá vàng như nghệ mọc lên từ các hốc đá; đấy chính là cây làm thuốc quý, nhưng phải hái vào buổi trưa, khi ông mặt trời đứng trên đỉnh đầu không nhìn thấy hai bàn chân xếp sát nhau; khi ấy cây và lá cùng chuyển qua màu hồng, phải hái ngay. H’Sa dừng lại bên một hòn đá lớn, đặt gùi xuống, lấy trái bầu khô đựng nước định uống thì…

- Be… be… be!

Tiếng con sơn dương từ bên bờ vực vọng lại nghe như có điều gì hãi hùng, đau đớn lắm xảy ra với nó. H’Sa vội vàng khoác gùi lên lưng, cầm cây xà gạc, chạy lại phía bờ vực. Băng qua một mỏm đá, H’Sa đứng khựng lại khi nhìn thấy bầy sơn dương hơn ba chục con to lớn đứng trên các hòn đá đang quay đầu nhìn chăm chú đám cỏ gianh rộng như chiếc chiếu xen giữa các tảng đá lớn, nơi con sơn dương cái đen bóng, đứng như bị cột chân, thỉnh thoảng lại kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Thường ngày, sơn dương thoáng trông thấy bóng người từ xa đã chạy biến vào rừng, còn hôm nay chúng làm ra vẻ không thấy người đang đến, lạ thật. Tò mò, H’Sa bước nhanh lại gần con sơn dương cái, biết nó là con cái vì đầu không có sừng; loài sơn dương chỉ có con đực mới có sừng. Thấy H’Sa lại sát bên cạnh, con sơn dương vẫn không bỏ chạy, đứng như hóa đá, mắt vẫn chăm chú nhìn vào đám cỏ gianh.

- Ối, Yang ơi!

H’Sa buột mồm kêu lên khi thấy một con trăn, thân to như bắp đùi người lớn, cuộn tròn như một sợi dây thừng khổng lồ quấn chặt một chú sơn dương, chỉ còn thò ra một cái đầu ra ngoài thân con trăn. Con trăn uốn mình, các lớp vảy đen pha vàng óng ánh dưới nắng, cũng chuyển động theo. Vứt vội chiếc gùi khỏi vai, H’Sa lao lại bên con trăn, tóm lấy cái đuôi lôi ra; con trăn uốn mình quay tròn, bật đuôi đập vào ngực làm H’Sa đau điếng, ngã lăn ra đất. Không bỏ cuộc, H’Sa bật dậy lại lao đến dùng hai tay nắm lấy mẩu đuôi con trăn, giật mạnh, cố lôi cho thẳng ra. Con trăn oằn mình quay tròn như quân cù quay chậm, vặn chéo tay, buộc H’Sa phải buông tay ra và… vút, ngọn đuôi của nó lại đập trúng vào người làm H’Sa ngã vật xuống đám cỏ.

Nhớ lời a duôn kể chuyện: Người đi rừng không may bị trăn cắn phải bình tĩnh xử lý. Trăn là loại không có nọc độc như rắn, chúng cậy khỏe, núp ở bên đường chỉ chờ người hay thú đi ngang qua, lao ra cắn vào chân, bộ răng trăn như lưỡi cưa, cong vuốt về phía sau có tác dụng giữ chặt con mồi, không tuột ra được khi đã cắn đúng bất kỳ con gì. Cái thân dài và mềm như một sợi dây chão sẽ nhanh chóng cuộn lại, quấn lấy con mồi như ta quấn quân cù rồi siết dần cho ngạt thở mà chết, khi đó trăn mới nhả chân, há miệng, ngoạm vào đầu nuốt dần từ đầu xuôi ra chân. Người bị trăn cắn vào chân, phải đứng im giơ tay ngang ra song song với mặt đất, để mặc cho trăn quấn; nhưng nhanh mắt, khi nhìn thấy đuôi trăn, tóm ngay lấy, bẻ thật mạnh, trăn gãy đuôi tức khắc mất hết sức lực, phải há miệng, nhả mồi, bỏ chạy ngay. 

H’Sa bật dậy, lao lại bên con trăn bây giờ đã cuộn thành hình như cái hoa chuối khổng lồ, nhiều màu sắc, đầu con sơn dương thò ra hình thành cái cuống của bông hoa chuối ấy; chộp lấy mẩu đuôi con trăn, dùng hết sức bẻ gập lại. Con trăn oằn mình, giật lên như bị đánh, vội duỗi thẳng người buông con sơn dương ra, trườn luôn vào hang đá, biến mất.

Con sơn dương tội nghiệp chắc phải nặng gần hai chục ký ngã lăn ra đất, đầu cố vùng dậy, hai chân sau đạp đạp lên cỏ gianh mãi vẫn không đứng lên được, máu ở chân bên phải chảy đỏ cả đám cỏ. H’Sa lấy lá mang theo trong người, nhai nát, đắp vào vết trăn cắn. Con sơn dương vẫn đưa chân đạp, như cố gượng dậy để chạy trốn. Vỗ vỗ vào lưng con sơn dương, H’Sa bảo:

- Ngoan nào, ngoan nào để chị giúp cho!

Lạ thay, con sơn dương nằm im không giãy giụa nữa, để mặc H’Sa xoa thuốc lên các vết răng trăn cắn. Một lúc sau máu thôi chảy, H’Sa vỗ vào đầu nó và bảo:

- Đứng dậy nào!

Vừa nói, H’Sa vừa đẩy vào lưng con sơn dương, hình như nó hiểu ý: quỳ hai chân trước xuống, hai chân sau co lại, lật úp thân lại rồi run rẩy đứng lên; nó cố lần thứ nhất… ngã; cố lần thứ hai… lại ngã; lần thứ ba thì… nó đứng lên được bằng bốn cái chân của mình; lúc đầu còn xiêu vẹo, sau một lúc… đứng thẳng được và khẽ húc cái đầu vào yen của H’Sa như con bê con. Vỗ vỗ vào đầu sơn dương, H’Sa bảo:

- Thôi về với amí của mày đi, theo đàn kiếm ăn nhưng phải cẩn thận đừng để trăn tóm lần nữa nhé!

- Be, be, b…e!

Tiếng kêu như nghẹn ngào không muốn rời xa người làm H’Sa cảm động cúi xuống ôm lấy cổ sơn dương, thủ thỉ:

- Chị hiểu rồi, đi đi nào, ngoan lắm!

- Be be b…e!

Con sơn dương mẹ đứng như hóa đá phía sau, chứng kiến cuộc chiến đấu không khoan nhượng của con người với trăn để giải thoát cho con nó, đến bây giờ mới bật lên tiếng kêu thảnh thốt, làm H’Sa giật mình quay lại.

- A, amí của mày đang chờ đây này, đi đi thôi. Còn trách chị sao không xử con trăn hả? Con trăn sai rồi, chị cảnh cáo nó thế là đủ, phải để nó sống với chứ. Thôi đi đi.

H’Sa nói xong vỗ nhẹ vào mông con sơn dương. Sơn dương con tung chân chạy lại bên hòn đá amí nó đang đứng đợi, rồi quay đầu lại kêu lên một tiếng nghẹ ngào:

- B…e!

- B…e!

Bất ngờ, một dàn đồng ca cùng ngân lên với tiếng b…e, vọng vào vách đá ngân dài vút lên tận trời xanh. H’Sa giật mình nhìn lên các hòn đá lớn xung quanh thấy bầy sơn dương đông đúc đang chăm chú nhìn mình. Con sơn dương đầu đàn, to nhất, đứng trên hòn đá cao nhất bỗng tung hai chân trước lên trời khua khua, kêu lên một tiếng: b…e, như cảm ơn rồi tung mình như bay vào rừng xanh, cả đàn nối đuôi nhau rời khỏi các mỏm đá, chạy theo.

Từ sau lần gặp gỡ bất ngờ ấy, mỗi khi H’Sa lên rừng hái thuốc lại thấy bầy sơn dương quây quần xung quanh, đi theo; người dừng lại hái thuốc, bầy sơn dương cũng dừng lại kiếm ăn, lâu dần thành quen. Một lần H’Sa phải ra bờ suối nơi có nhiều hòn đá lớn đứng bên dòng thác để hái thuốc, thấy có một con sơn dương cái đi theo tìm một loại lá màu tím mọc lừng chừng vách đá nơi luôn có hơi nước từ thác bốc lên quây kín xung quanh; hai lần rồi nhiều lần sau đó thỉnh thoảng H’Sa lại thấy có con sơn dương cái tìm ăn loại lá đặc biệt này rồi sau một thời gian nhất định sinh được sơn dương con. H’Sa chợt hiểu ra giá trị của cây lạ nên hái về cho một người trong buôn muộn con ăn thử, không ngờ hiệu nghiệm; người ấy bắt chồng đã sáu mùa rẫy mà không có con, nay chỉ có nắm lá cây về ăn, bụng đã có em bé.

Tiếng lành đồn xa, từ đó người phụ nữ nào bắt chồng mà lâu ngày chưa có con tìm đến xin thuốc được H’Sa vào rừng tìm lá cho ăn và sau chín tháng mười ngày đều sinh con như ý. Từ đó H’Sa không phải Yang, nhưng mọi người trong vùng xem là Yang vì khi ăn lá rừng H’Sa cho thì người đang ốm sẽ thành khỏe, người không con sẽ có con, mang lại niềm vui cho mọi gia đình.

H’Lê Na khoác gùi lên vai nhằm đỉnh núi cao còn ngủ trong mây đi tiếp, trên môi nở nụ cười khi nhớ lại chuyện được a duôn kể, lòng tự bảo: Ừ giúp được một người vui, mạnh khỏe thì mình cũng vui rồi dù có mệt một chút cũng không sao. Trên lưng chừng núi tiếng bầy voọc gọi bầy cất lên lanh lảnh, ngân vang như báo hiệu cho đồng loại biết cô chủ nhân của rừng đã xuất hiện.

 

Chú thích:

1. A duôn: bà ngoại – tiếng Êđê;

2. Amí: mẹ - tiếng Êđê;

3. Chư Yang Sin: núi Thần Cọp - tiếng Êđê;

4. Yang: thần linh - tiếng Êđê.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI