(Trích CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN)
Ama(1)
lái xe công nông chở cả nhà lên rẫy chạy trước, năm chiếc xe của người cùng
buôn theo sau. Rời đường nhựa xe chạy vào con đường đất đỏ nhảy chồm lên như bò
bị cọp đuổi, hết nghiêng bên nọ lại ngã về bên kia làm H’Lê Na lúc vịn vào ami(2)
khi phải vịn vào ché rượu cần buộc trên xe, ngã nghiêng cười như bắp rang. Lâu
lâu được theo ama ami lên rẫy thích thật.
Rẫy nằm
nghiêng nghiêng bên cạnh dãy Chư Pá, đầu gối lên sườn đồi, chân đạp vào dòng suối
nhỏ, tạo nên biên giới với cánh rừng già phía nam. Trên rẫy, thân bắp, đậu đã
khô cong lại làm chổ cho gai mắc cỡ và các loại dây leo khác mọc xanh um. Lác
đác những gốc cây rừng còn sót lại vẫn đâm những cành non như mũi tên lao lên
trời xanh. Cuối mùa khô, mới sáng ra ông mặt trời đã nhăn nhó hắt cái nóng hầm
hập xuống mọi nơi.
Xe dừng,
ama cùng với mấy chú phụ giúp cột ché rượu bên chòi canh rẫy, dựng thêm bốn cây
cọc to bằng cổ tay, cách mặt đất một mét đặt bàn thờ đan bằng tre chiều dài bốn
gang, chiều ngang ba gang tay. Trên bàn thờ đặt con gà trống cúng Yang. Ami xuống
suối gùi nước lên đổ vào ché rượu cần buộc cạnh bàn thờ, còn chín người phụ nữ
khác xách chiêng ra đứng xếp hàng chuẩn bị làm lễ cúng Yang xin được dọn rẫy
chuẩn bị đất gieo mùa mới.
Ông thầy
cúng râu tóc bạc phơ, ngang trán quấn chiếc đai màu đỏ, mình mặc chiếc áo thổ cẩm
màu đen, cổ và vạt áo viền chỉ đỏ có tua màu đỏ dài hơn ngón tay. Ông đứng lom
khom, khấn những từ nghe không rõ, rồi chiêng nổi lên: bi… nh bo… ng, bi… nh
bo… ng… vang vọng khắp không gian. Tiếng chiêng vọng vào vách núi làm bầy voọc
giật mình cùng đồng thanh hú họa theo. Aduon(3) bảo ông thầy cúng là người nói
chuyện được với Yang, vậy mà trông ông giống như mọi người già trong buôn, chỉ
khác cái dây buộc trên đầu và cái áo đang mặc khi cúng; chắc ai buộc dây và mặc
áo ấy cũng nói chuyện được với Yang thì phải.
Sau lễ
cúng, ami mang xà gạc ra phát mấy bụi cây trước chòi canh rẫy làm phép theo lệ
rồi mọi người quây quần bên ché rượu cùng uống. Hình như người dân tộc Ê đê có
chuyện vui, chuyện buồn gì cũng đến với ché rượu cần và ngay cả nói chuyện với
Yang cũng phải có ché rượu. Hàng năm người ta tổ chức nhiều lễ cúng Yang lắm,
nào là lễ cúng bến nước, cúng xin Yang cho dọn rẫy, cúng xin Yang cho gieo hạt,
cúng Yang mừng lúa mới… nhiều lễ cúng như vậy chắc Yang say ngã nghiêng cả năm
quên mất làm việc mất - H’Lê Na nghĩ thế.
*
* *
-
Đi bắt dế không?
Thạch
Sơn học cùng lớp, tuy không phải người Êđê nhưng chơi thân với nhau, hôm nay
cũng xin bố mẹ để đi theo lên rẫy đang hếch mắt lên tò mò nhìn ông thầy cúng lầm
bầm khấn vái bị H’Lê Na đến bên đập vào vai hỏi giật mình quay lại, mừng quá trả
lời ngay:
-
Cho đi với, nhưng bắt
thế nào?
-
Có bùa đây rồi.
H’Lê
Na giơ chiếc ống nứa ra trước mặt lắc lắc, nở nụ cười bí hiểm. Hai đứa chạy ra
rẫy. Dưới gốc cây bắp khô thỉnh thoảng có những đống đất mới đắp bằng những hạt
đất nhỏ như viên bi, to bằng que tăm. H’Lê Na bẻ một chiếc que, gạt bỏ đống đất
để lộ ra một chiếc hang nho nhỏ, được đào rất khéo léo rồi nói:
-
Dế đấy!
-
Dế ở trong ấy hả?
-
Ừ!
-
Để mình lại chòi lấy
cuốc lên đào nhé!
-
Bắt dế cần gì đến cuốc.
-
Lấy tay đào đất à?
-
Xem đây!
H’Lê
Na nói xong giật một cọng cỏ may dài hơn gang tay, mở nút ống tre mang theo
nhúng cọng cỏ may vào ống rồi từ từ rút ra; một chú kiến đen to bám vào cọng cỏ
may, giơ chiếc hàm có hai răng đen bóng khua khua khư chuẩn bị chiến đấu. Từ từ,
H’Lê Na đút chiếc cọng cỏ may có con kiến vào trong hang, chắp tay trước ngực lẩm
bẩm câu thần chú… chỉ một phút thôi, chú dế vàng ươm thò đầu có hai chiếc râu
dài ra khỏi tổ ngó nghiêng, quan sát rồi leo lên mặt đất. H’Lê Na khum bàn tay
phải lại như chiếc rổ con, chụp xuống tóm gọn con dế bỏ vào quả bầu khô, láy
túm lá chuối khô nút lại để con dế nhảy nhót tróng đó rồi đưa cho Thạch Sơn cầm,
nháy mắt cười nói:
-
Thấy tài chưa?
-
Tài, nhưng đọc câu
gì mà con dế chịu chui ra thế?
-
Đùa thôi, bỏ kiến
vào hang dế, dế thấy kiến vào hang, sợ bị cắn nên phải chạy ra ngoài.
-
Sao biết cách bắt dế
hay vậy?
-
Ami dạy thế.
Thạch
Sơn bật cười khi hiểu ra cách bắt dế đơn giản mà hiệu quả. Hai đứa dạo một lúc
đã tóm được khá nhiều, con nào cũng vàng ươm, to như ngón tay cái, mập ú. Thạch
Sơn bảo:
-
Để mình bắt một con cho
biết nhé.
-
Ừ.
Bắt
chước H’Lê Na, Thạch Sơn cũng khum khum bàn tay phải, chờ con dế vừa chui lên khỏi
miệng hang liền úp tay xuống. Nhanh hơn một tích tắc, con dế lao vút lên, thúc
vào mặt làm Thạch Sơn chỉ chụp được miệng lỗ không. Con dế nhảy xa tới nửa mét
mới rơi xuống dừng lại, Thạch Sơn vội lao lại chụp tiếp thì… Cốp, đầu hai đưa đụng
vào nhau, hai tay vồ chạm nhau, còn con dế lẫn vào đám lá biến mất. H’Lê Na cười
cười, nói:
-
Bắt dế dễ nhỉ!
-
Tại cậu chứ không
mình tóm được nó rồi, giờ để mình bẫy, còn cậu giỏi thì bắt nhé.
-
Nhất trí cả hai tay.
H’Lê
Na đưa ống nứa đựng kiến cho Thạch Sơn. Hai đứa đi tiếp, tìm thấy một hang dế mới,
Thạch Sơn làm theo như thao tác của bạn: bứt một sợi cỏ may, mở nắp ống đưa sợi
cỏ vào ống và từ từ kéo ra… công việc dễ ợt thôi mà. Sợi cỏ may theo tay Thạch
Sơn từ từ được kéo ra, nhưng trên cọng cỏ không phải một con mà tới bốn con
cùng bám vào. Thạch Sơn bất ngờ thét lên: Oái! Rồi ném luôn cả ống nứa và cọng
cỏ may, mặt nhăn nhó, tay trái xoa rối rít vào tay phải. H’Lê Na giật mình nắm
tay bạn, hỏi:
-
Sao thế?
-
Kiến cắn, đau quá!
-
Yang ạ, phải cẩn thận
chứ.
-
Tại sao bạn kéo ra
chỉ có một con, còn mình kéo ra tới bốn con, lại có con ở đâu cắn vào cạnh bàn
tay nữa.
-
Ôi, lỗi tại tớ quên
không dặn bạn: trước khi mở nắp phải lắc nhẹ cho kiến rơi xuống đáy ống, lúc
đưa cọng cỏ may vào chạm lũ kiến thì rút ra ngay chỉ một con là đủ. Xin lỗi
nhé.
-
Để người ta bị cắn rồi
mới nói, xấu quá.
-
Thế là học thành tài
rồi đấy, ta về chòi thôi.
*
* *
Người
lớn vẫn chuyện trò râm ran và vít cần rượu uống, không ai để ý đến hai đứa trẻ.
H’Lê Na đổ một ly lớn rượu cần vào quả bầu cho lũ dế uống say, nhảy búa xua trong
ấy tự làm sạch mình một lúc, rồi đổ ra gùi, dùng que tre chẻ nhỏ như que tăm dài
hai gang tay, xuyên qua vòng cổ từng con thành một xâu dài. Thạch Sơn, đặt từng
xâu dế lên trên than hồng, thỉnh thoảng xoay nhẹ. Nước từ các xâu dế nướng rơi
xuống than tạo nên tiếng kêu: xèo, xèo… nghe rất vui tai, hương thơm ngào ngạt
tỏa ra. Mấy người lớn vít cần rượu đã lâu, giọng líu lại mà vẫn ngửi thấy mùi
nên quay đầu nhìn. Ông thầy cúng khật khưởng bước tới bên bếp cầm một xâu dế vừa
nướng chín, đưa lên mũi ngửi, gỡ một con bỏ vào miệng nhai, đầu gật gù:
-
Ngon, hai đứa này giỏi
thiệt!
Chú thích:
1.
Ama – ba: tiếng Ê đê;
2.
Ami – má: tiếng Ê đê;
3.
A duôn – bà: tiếng Ê đê;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI