Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

ĐỂ DẠY PHẦN “THỰC HÀNH VỀ ĐIỂN CỐ” HIỆU QUẢ HƠN tác giả PHẠM TUẤN VŨ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 




 

“Thực hành về thành ngữ, điển cố” là một trong những bài khó trong chương trình Ngữ văn 11. Thực tế cho thấy, phần lớn giáo viên đều ít nhiều gặp khó khăn trong việc dạy học bài này, nhất là phần về điển cố. Phần lớn những tiết dạy phần “thực hành về điển cố” đều chưa thật sự thành công. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để khắc phục?

Những khó khăn khi dạy học điển cố

Nhiều năm gắn bó với chương trình Ngữ văn 11, tôi nhận ra rằng, không chỉ với các em học sinh mà ngay cả một số thầy cô giáo cũng tỏ ra không thật sự mặn mà với phần “Thực hành về điển cố”. Điều này có lẽ xuất phát từ nguyên nhân chung là những khó khăn khi dạy học nội dung này mà người dạy và người học đang gặp phải.

Khó khăn này bắt nguồn từ chính bản thân nội dung dạy học là những điển cố. Người ta vẫn ví von rằng, điển cố được xem như những món đồ cổ trong bảo tàng tuy quý giá nhưng cũ kỹ, phủ bụi thời gian. Với những ai am hiểu thì chúng thật sự có giá trị. Nhưng với những người chưa hiểu biết, nhất là con người hiện đại không có vốn hoặc ít tiếp xúc với văn hóa trung đại, chúng lại chẳng có ý nghĩa gì. Với “món đồ cổ” điển cố, người học được ví như khách tham quan và người dạy là hướng dẫn viên có chức năng thuyết minh cho du khách của mình thấy hết được vẻ đẹp, giá trị của chúng.

Điển cố là một phương tu từ đặc biệt của văn học trung đại, là yêu cầu có tính quy phạm đồng thời là chuẩn thẩm mĩ trong sáng tác thời xưa, đồng thời là thước đo giá trị của tác phẩm cũng như sự tài hoa, uyên bác của tác giả. Điển cố mang đến cho tác phẩm nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng. Nhưng để cảm thụ được chúng, nhất là với các bạn trẻ hiện nay, là điều không hề dễ dàng. Bởi điển cố giống như những món đồ xa lạ mà các em là những người mới tiếp cận lần đầu. Chúng mơ hồ, quá ngắn gọn và súc tích, lại gắn liền với những nhân vật, tích truyện xa xôi trong nền văn hóa, lịch sử đồ sộ của Trung Hoa.

Đối với các em học sinh, mặc dù đã tiếp xúc với điển cố từ rất sớm qua những tác phẩm được học từ bậc tiểu học, THCS nhưng phải đến chương trình lớp 11 các em mới được chính thức tiếp cận về chúng, cả trên phương diện lí thuyết và thực hành. Lần đầu tiên tiếp cận với một trong những phương diện cổ kính, khó hiểu nhất của văn hóa trung đại, đối với các em là những người vốn xa lạ với môi trường văn hóa này, việc cắt nghĩa, lĩnh hội hết vẻ đẹp, giá trị của các điển cố được dẫn dụng trong tác phẩm là một điều không phải dễ dàng. Hơn nữa, điển cố hầu như không phụ hợp với thị hiếu thẩm mĩ của con người hiện đại nói chung, các em nói riêng. Do đó, trong thời lượng một tiết, để đưa học sinh từ việc hiểu về điển cố đến việc cắt nghĩa giá trị của chúng trong tác phẩm dường như là một việc quá sức.

Không chỉ với người học, đối với người dạy, điển cố cũng là một thách thức nhất định. Phương tiện tu từ này cũng gần như xa lạ với thị hiếu thẩm mĩ của phần lớn giáo viên. Giúp các em am hiểu về ý nghĩa của điển, cắt nghĩa được giá trị thẩm mĩ của chúng, cảm nhận được vẻ đẹp của chúng trong tác phẩm trong một thời lượng quá ngắn là một điều không hề dễ dàng.

Có thể nói, nhận diện và hiểu được điển cố đã khó, cảm thụ được vẻ đẹp của chúng lại càng khó hơn. Giúp học sinh hiểu được điển đã khó, giúp các em cảm nhận được cái hay của điển cố trong tác phẩm lại càng không dễ. Do vậy, hầu hết những giờ dạy về điển cố đều ít thành công. Để khắc phục điều này, cần có những giải pháp hợp lý.

Một vài giải pháp

Trên phương diện lí thuyết, giáo viên cần hiểu chắc và giúp học sinh hiểu rõ về bản chất, cơ chế hình thành và con đường giải mã điển cố. Có nhiều định nghĩa về điển cố nhưng có thể hiểu nôm na, điển cố là những ngữ liệu có hình thức ngắn gọn (từ, cụm từ, câu thơ) gắn liền với một câu chuyện, tư tưởng trong lịch sử, văn hóa, văn học thời xưa, được dẫn lại trong tác phẩm nhằm khái quát cho một ý nghĩa nào đó. Con đường hình thành của điển cố là rút gọn câu chuyện, câu nói, ý thơ thành một ngữ liệu ngắn ngọn mang ý nghĩa khái quát. Con đường giải mã của điển cố là từ những ngữ liệu ngắn gọn, truy ngược về câu chuyện, câu nói, ý thơ ban đầu, từ đó tìm ra ý nghĩa khái quát của chúng.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần giúp các em hiểu rằng, điển cố có một vai trò thẩm mĩ rất quan trọng trong tác phẩm văn học trung đại. Bởi người xưa sáng tác thường ký thác vào điển cố nhiều tình cảm, tư tưởng, đồng thời xem điển cố còn là một phương tiện, cách thức để thể hiện sự tài hoa, uyên bác trong sáng tác của mình. Về mặt hình thức của tác phẩm, điển cố giúp cho lời thơ, lời văn thêm hàm súc, trang trọng, thanh nhã, giàu tính hình tượng và sức biểu đạt. Do vậy, đối với văn học trung đại, giải mã được lớp điển cố là đã tiến một bước rất xa trong việc cắt nghĩa, chiếm lĩnh tác phẩm.

Cần giúp các em nắm vững được những vấn đề lý thuyết cơ bản của điển cố như trên. Một khi đã hiểu rõ bản chất, con đường hình thành, giải mãi cũng như ý nghĩa, giá trị thẩm mĩ của điển cố, học sinh sẽ có ý thức hơn trong việc học tập về điển cố, dễ dàng hơn trong việc thực hành nhận diện, tìm hiểu, phân tích giá trị của điển cố.

Trên phương diện thực hành, có nhiều giải pháp để tiết dạy đạt hiệu quả, tức là hình thành được ở người học kỹ năng nhận diện, cắt nghĩa và cảm thụ được điển cố trong tác phẩm. Chẳng hạn, thay vì đưa ngữ liệu là những điển cố phức tạp, khó hiểu. giáo viên có thể dẫn ra những điển đơn giản, gần gũi hơn với các em. Đó là những điển cố đã được “từ hóa” (đánh mất dần tư cách điển cố) để trở nên phổ biến, gần gũi trong đời sống ngôn ngữ như dâu bể, gương vỡ lại lành, Hằng Nga, Mạnh Thường Quân, Lưu Linh, dã tràng, mắt xanh,… Tiếp xúc những điển cố này, các em sẽ giống như gặp lại người quen. Hóa ra, nhiều từ mà các em vẫn sử dụng hằng ngày lại là điển cố. Chính nhờ sự “quen biết” này, người học sẽ cảm thấy bất ngờ, thú vị và có hứng thú hơn trong việc học.

Giáo viên cũng có thể lấy ví dụ minh họa là những điển cố nội sinh có nguồn gốc từ trong lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam. Chẳng hạn, trong bài ca dao sau: Anh mà bắt chước Thúc Sinh/ Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư có hai điển cố nhân danh xuất phát từ Truyện Kiều là điển Thúc Sinh (chỉ người đàn ông trăng hoa) và Hoạn Thư (chỉ người đàn bà ghen tuông). Rõ ràng, so với các điển nhân danh gốc Hán xa lạ như Bá Nha, Chung Tử, các điển Thúc Sinh, Hoạn Thư quen thuộc hơn, thậm chí được các em sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhờ sự quen thuộc, gần gũi này, các em sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, rút ra những vấn đề khái quát về điển cố.

Để giúp các em hình thành kỹ năng, các thao tác dạy học của giáo viên cần hợp lí. Giáo viên nên đi từ việc giúp các em nhận diện điển cố (có thể nêu ra các mẹo nhận diện như: chú ý vào những ngữ liệu và là tên người, tên đất, tên tác phẩm, đồ vật, từ Hán Việt… có dấu hiệu “lạ” trong câu thơ, văn), lần theo con đường giải mã điển cố (tìm về câu chuyện, tư tưởng, ý thơ hàm chứa bên trong) để tìm ra ý nghĩa khái quát của những ngữ liệu này (ví dụ với điển cố giường kia, phải lần tìm về câu chuyện Trần Phồn có một chiếc giường chỉ để tiếp bạn thân của mình là Từ Trĩ, từ đó tìm ra ý nghĩa khái quát của ngữ liệu là chỉ cho tình bạn thắm thiết như tri âm, tri kỷ), từ đó, quay ngược về đặt ngữ liệu trong văn cảnh của tác phẩm để thấy được ý nghĩa, cái hay của chúng. Con đường này có thể sẽ dài, tốn thời gian. Nhưng nếu làm tốt, giáo viên không những giúp học sinh hiểu về điển cố mà quan trọng hơn, hình thành ở các em một kỹ năng quan trọng là nhận điện, cắt nghĩa và cảm thụ điển cố.

Tóm lại, dạy học phần “thực hành về điển cố” thường khó thành công bởi thời lượng dành cho nội dung này không nhiều mà nội dung dạy học là vấn đề khá xa lạ với cả người dạy lẫn người học. Một người được xem là sành điển cố phải là người uyên bác, am tường văn hóa cổ. Thời lượng một tiết cho cả lí thuyết và thực hành về điển cố chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”, tham vọng giúp hình thành ở người học kỹ năng nhận diện, lý giải và cảm thụ điển cố dường như bất khả. Tuy vậy, bằng những kinh nghiệm sư phạm cùng các giải pháp hợp lý, giáo viên có thể khắc phục những khó khăn để giúp giờ dạy học phần “thực hành về điển cố” hiệu quả hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI