Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

HAI DÂN TỘC VIỆT - NGA CẶP BÀI TRÙNG LỊCH SỬ, CÓ MỘT KHÔNG HAI tác giả NGUYỄN TRÚC - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 339 THÁNG 11 NĂM 2020

 


 

Có một điều hết sức thú vị là: lịch sử, con người hai dân tộc Việt – Nga dẫu ở xa nhau vạn dặm, vẫn có những điểm tương đồng, giống nhau đến không ngờ. Xin nêu một số luận cứ nhằm làm sáng tỏ nhận định trên nay.

Trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại, không có một dân tộc nào làm nên những kỳ tích lừng lẫy trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước như hai dân tộc Nga - Việt.

1- Cặp bài trùng của những biến  cố lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại:

Năm 1812, dân tộc Nga đánh bại cuộc xâm lăng của Na-pô-lê-ông, người đã làm mưa làm gió khắp châu Âu. Ngày 23 tháng 6 năm 1812, 60 vạn quân Pháp vượt sông Nê-man , tiến vào Lit-thua-ni do Nga trực tiếp kiểm soát và tiến về phương Đông giá lạnh. Thống soái Nga Cu-tu-dốp tiến hành chiến thuật vườn không, nhà trống và tổ chức đánh chặn đường tiếp tế lương thực của quân Pháp, nên quân Pháp lúc tới Mat-xcơ-va đã lâm vào cảnh đói kém, kiệt sức, không còn sức chống trả khi quân Nga phản công. Đến trung tuần tháng 12 năm 1812, khi rút lui khỏi Nga, 60 vạn quân Pháp chỉ còn 2 vạn, đói khát, thương tật vật vờ (1).

Năm 1945, một lần nữa dân tộc Nga ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Hít-le, bảo vệ tổ quốc và giải phóng nhiều nước châu Âu. Rất nhiều chiến dịch lớn diễn ra. Đặc biệt, chiến dịch tổng công kích cuối cùng vào Béc-Lin, từ ngày 16 tháng 4 đến tháng 8 năm 1945, đã buộc phát xít Đức ký đầu hàng vô điều kiện. Đức quốc xã thất bại thảm hại: 720.000 lính bị chết, 480.000 bị bắt. Hồng quân thu 1.500 xe tăng, 5.000 pháo, 4500 máy bay, giải phóng Béc-Lin và vùng phụ cận (2).

Còn ở Việt Nam, thế giới đã chứng kiến dân tộc Việt đã “đánh thắng hai đế quốc to” (lời Hồ chủ tịch) một cách vẻ vang. Rất nhiều  chiến dịch, nhưng nổi trội hơn cả là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chiến dịch Điện Biên diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của Pháp, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, diệt và bắt sống hơn 16.000 tên (3); chiến dịch Hồ  Chí Minh từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ta tiêu diệt quân đoàn 3 ngụy, làm tan rã quân đoàn 4, giải phóng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, là đòn quyết định để “ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ (4).

2- Ngay cả giờ phút ngặt nghèo nhất của vận mệnh đất nước, hai dân tộc vẫn chứng tỏ là cặp bài trùng lịch sử:

Sau khi chiến hạm Rạng Đông nã đại bác vào cung điện Mùa Đông của Nga Hoàng, lúc 9 giờ 40 phút, ngày 7.11.1917, thì tại Điện Smô-nưi, Đại hội đại biểu toàn Nga thông qua Sắc lệnh hòa bình do Lê-nin soạn thảo. Sắc lệnh đề nghị các nước tham gia thế chiến thứ nhất lập tức thực hiện một nền hòa bình không chia cắt đất, không bồi thường. Anh và Pháp đã cự tuyệt đề nghị này .

Trước tình hình này, Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích quyết định lợi dụng mâu thuẫn giữa các đế quốc, tiến hành đàm phán hòa bình riêng với Đức. Nước Đức đầy tham vọng, đưa ra yêu cầu vô cùng khắc nghiệt: Nga phải cắt nhượng 15 vạn ki-lô-mét vuông lãnh thổ, và phải bồi thường cho Đức 3 tỷ rúp.

Lê-nin phân tích, ký một hòa ước như vậy là quá nhục nhã với nước Nga, nhưng nước Nga phải ký. Người chỉ rõ bất cứ sự lựa chọn nào khác có nghĩa là tuyên án tử hình chính quyền Xô Viết. Đấu tranh trong nội bộ Đảng rất quyết liệt, dai dẳng. Đến khi Đức gửi tối hậu thư yêu cầu Nga ký hòa ước và ra điều kiện khắc nghiệt hơn: tăng mức bồi thường cho Đức lên 6 tỷ rúp – Lê-nin kiên trì đấu tranh thuyết phục, rằng ký hòa ước là một bước lùi cần thiết để cứu nước Nga. Đến lần bỏ phiếu thứ 3, Ban Chấp hành thông qua đề án của Lê-nin, với phe đa số chỉ hơn một phiếu, hòa ước được ký.

Đến ngày 11.11.1918 Đức đầu hàng Anh, Pháp, chiến tranh kết thúc. Chính phủ Xô Viết tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bất bình đẳng với Đức. Đó là Hiệp ước Brét-Li-tốp (5).

Như vậy, nhờ Hiệp ước Brét-Li-tốp, chính quyền Xô Viết non trẻ được bảo vệ, nước Nga kiệt quệ sau chiến tranh được phục hồi…

Tại Việt Nam, năm 1946, vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 28.12.1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được kí. Theo đó, Pháp thay 20 vạn quân Tưởng ở Việt Nam để giải giáp quân Nhật. Cũng vào đầu năm 1946, Pháp chiếm được các đô thị, hạ tầng giao thông ở Nam và Trung bộ, chiếm Campuchia, khống chế Lào. Anh và Mỹ thỏa thuận quân Anh rút khỏi Nam Đông Dương, nhường cho Pháp chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở vào.

Trước tình thế này, ngày 3.3.1946, Đảng ra chỉ thị về tình hình và chủ trương mới. Vào lúc này, nếu đánh Pháp, ta vô cùng bất lợi: nếu nhân nhượng và hòa hoãn với Pháp, ta cũng gặp vô vàn khó khăn.

Sau khi cân nhắc, ngày 6.3.1946, Đảng đưa ra chủ trương hòa để tiến. Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch kí với Pháp Hiệp định sơ bộ.  Theo đó, Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp; Việt Nam cho 15.000 quân Pháp vào thay thế quân Tưởng tại miền Bắc. Thực tế là, nếu ta không nhân nhượng thì quân Pháp vẫn vào miền Bắc và quân Tưởng vẫn còn đến 20 vạn quân cùng với bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách đang hết sức hung hãn.

Nhờ Hiệp định sơ bộ, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ được bảo vệ, đuổi sạch 20 vạn quân Tưởng, cả nước có điều kiện chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến sau này (6).

Việc Lê-nin kí Hiệp ước Brét-Li-tốp năm 1918 với việc Hồ chủ tịch kí Hiệp định sơ bộ năm 1946, rõ ràng là giống nhau ở chỗ chính quyền cách mạng của hai nước đều trong thế rất mong manh, nhờ việc kí mà bảo vệ được chính quyền và tạo điều kiện củng cố lực lượng. Đó là sự tương đồng tư duy của các bậc thiên tài.

Chúng ta vui sướng bởi nhờ có Đảng lãnh đạo, dân tộc Việt Nam không tiếc máu xương, nước mắt và mồ hôi để tạo dựng nên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Soi chiếu năm châu bằng cái nhìn hết sức cầu thị, khách quan, ta càng tự hào hơn khi nhận thấy và khẳng định một hiện thực lịch sử: Hai dân tộc Việt – Nga là cặp bài trùng lịch sử, có một không hai.

Ngày hôm nay, ở nước Nga – Xô Viết, nay là liên bang Nga, lịch sử có bước thăng trầm, dẫu vậy, những giá trị tốt đẹp bất biến của nó vẫn luôn là ước mơ của các dân tộc, và tình cảm về mối quan hệ hữu nghị truyền thống của dân tộc Việt Nam với dân tộc Nga luôn được phát triển lên tầm cao mới. 

 

  

(1) Thế giới 5000 năm, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

(2,3,4,5) Những nền văn minh thế giới , NXB Văn hóa – Thông tin – Hà Nội.

(6) Lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – NXB Chính trị, Hành chính, Hà Nội , 2013.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI