Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

MỞ THÊM TẦM MẮT ghi chép của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020


 


 

Đã lâu, nay mới có chuyến từ cao nguyên đi thực tế sáng tác về miền biển. Mười hai văn nghệ sĩ của Chi hội Văn học - Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đủ lứa tuổi, tất cả háo hức mong tìm được chút vốn liếng cho việc sáng tác. Nhà văn Tô Hoài từng nói: “Nếu không có thực tế, câu văn chỉ toàn ý mà không có chi tiết thực của cuộc sống…”. Quốc lộ 29 mới được mở trên nền con đường số 7 từ cao nguyên nối với đường số 5 của tỉnh Phú Yên. Lịch sử khắc ghi trước đây là con đường duy nhất nối biển Tuy Hòa (Phú Yên) với cao nguyên, tháng 3 năm 1975 sau chiến thắng Buôn Ma Thuột báo hiệu Quân đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật tại cao nguyên thất thủ, Thiếu tướng tư lệnh Phạm Văn Phú bỏ lại tướng sĩ như ong vỡ tổ lên máy bay chuồn về Nha Trang, Chuẩn tướng phó tư lệnh Trần Văn Cẩm cầm đầu đoàn quân thất trận rồng rắn hành quân theo con đường này di tản, đường số 7 trở thành con đường máu lửa, xác người, xe pháo nằm ngổn ngang. Đây là cuộc tháo chạy của địch và truy kích của ta tạo nên khúc bi tráng cuối cùng có một không hai trong lịch sử chiến tranh.

Quốc lộ 29 là quốc lộ mới được xây dựng có chiều dài hơn một trăm tám mươi cây số đi qua các huyện Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) và các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên). Đây là tuyến giao thông huyết mạch có vị trí quan trọng trong việc hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên phát triển; đồng thời kết nối kinh tế 3 quốc gia Việt Nam – Lào – Campuchia, tạo điều kiện thúc đẩy vùng tam giác phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Dọc quốc lộ 29, bên cạnh những căn nhà dài của người Êđê đã có nhiều căn nhà xây kiên cố mọc lên, những trang trại mía, sắn, cao su, hồ tiêu, cà phê xanh ngút ngàn cho thấy đời sống của người dân đang khởi sắc. Tương lai đây sẽ là cửa ngõ ra biển Đông cho khu vực Tây Nguyên. Được biết khu kinh tế Nam Phú Yên này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với quy mô gần 21 ngàn hec ta, trải dài từ Nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô, đây sẽ là nơi phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu, tại đây sẽ được xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc và kết hợp với cảng hàng không Tuy Hòa hình thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Chuyến đi mở ra cái nhìn về đất nước trong con mắt mỗi người, những ăng - ten tâm hồn của người viết văn, làm thơ được khởi động thu nạp, tại xã biển Tuy An, thành phố Tuy Hòa có gành Đá Đĩa nằm sát mép biển, đá chủ yếu có tiết diện hình lục giác, hình vuông lớp nọ xếp lên lớp kia giống như những chiếc đĩa chồng lên nhau. Nghe nói Phú Yên còn có nhiều nơi có địa chất như gành Đá Đĩa, mang đậm dấu tích của núi lửa từng hoạt động ở đây từ hàng triệu năm trước. Ngoài gành đá dưới bờ biển, trên núi cũng có những lớp đá bên bãi cỏ rộng, nơi từng được các nhà làm phim chọn làm cảnh xây dựng bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”, mới thấy đất nước ta đâu đâu cũng giàu tiềm năng, cũng đẹp... Ngồi trên xe tạm biệt Phú Yên dọc theo Quốc lộ 1, trong đầu mỗi người đã xuất hiện cái cốt cho tác phẩm của mình. Người dân dọc quốc lộ còn quá nhiều khó khăn, nhà cửa thấp tạm bợ, phải chăng việc đánh bắt hải sản lâu nay không những thiên tai mà có cả địch họa nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Dù sao những cung đường đi qua, những nơi đi đến cũng mở ra trong con mắt mọi người một tầm nhìn mới.

Đầm Thị Nại hiện ra khi chiếc xe chở đoàn văn nghệ sĩ chạm thành phố Quy Nhơn. Một phần nhỏ trong mặt đầm mênh mông được dùng làm cảng biển Quy Nhơn. Bỗng trong sâu thẳm tôi hiện về một thời lịch sử thăng trầm của đất nước, nơi đây từng là hải cảng của Vương quốc Champa. Vào đời vua Lý Thánh Tông, năm 1086 vua giao việc nước cho Ỷ Lan nguyên phi và tể tướng Lý Đạo Thành rồi cùng Lý Thường Kiệt đem thủy binh vào cửa Thị Nại đánh quân Chiêm Thành, tiếng hò reo xung trận như còn vang vọng đâu đây. Cảng biển Thị Nại được coi là cảng biển trọng yếu về mặt quân sự trong lịch sử diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giữa quân Tây Sơn – Chúa Nguyễn; trong đó phải kể đến hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân, khi ra trận bà giương cao ngọn cờ “Tây Sơn dũng tướng”. Bùi Thị Xuân dũng cảm nhưng không bao giờ giết kẻ đầu hàng thua trận, bà tha chết cho Nguyễn Ánh khi giao chiến với bà bị ngã ngựa. Năm Ất Dậu (1945), quân Pháp đổ bộ lên Thị Nại, quân Đại Nam không chống cự nổi phải đầu hàng; thực dân Pháp dùng thành Thị Nại làm lỵ sở và đổi tên là Quy Nhơn. Dân gian lưu truyền bài thơ hoài cổ rằng:

Thị Nại xưa kia vũng chiến trường

Nổi chìm thế sự mấy triều vương

Non mây nghi ngút nơi binh dữ

Biển ráng chưa tan giọt máu hường

Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại

Lớp lớp xe ai rộn phố phường.

Năm 2006 tỉnh Bình Định khánh thành cây cầu vượt đầm Thị Nại được coi là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam lúc bấy giờ có tổng chiều dài gần 2.500m đảm bảo cho xe có trọng tải 80 tấn qua lại. Như vậy đầm Thị Nại không những gánh trên mình sứ mệnh lịch sử, cùng với những điểm di tích, thắng cảnh khác ở Quy Nhơn đã được tỉnh Bình Định khai thác kinh tế du lịch. Trong đó có Ghềnh Ráng. Cái tên Ghềnh Ráng cũng gây tò mò cho mọi người khi lần đầu tiên nghe cái tên này. Tương truyền xưa kia, mỗi khi đi qua những gành, rạn, dân chài phải tìm cách hãm bớt gió để thuyền đi chậm lại, để tránh không cho thuyền va chạm vào những bãi đá nhọn nhô ra biển. Thao tác này trong ngôn ngữ bình dân của những người dân chài gọi là ráng. Lâu dần, người ta đọc thành Ghềnh Ráng.Từ Ghềnh Ráng nhìn về TP. Quy Nhơn.Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân, giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển. Trong quần thể khu du lịch này còn có bãi tắm Hoàng Hậu (bãi Trứng) du khách sẽ có được cảm giác tuyệt vời khi giẫm bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ, nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Hai bên ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa tạo cho thành phố Quy Nhơn như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Trước khi rời Ghềnh Ráng, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đã đến thăm viếng Bệnh viện phong Quy Hòa, nơi từng chữa bệnh và chứng kiến thi sĩ Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng, cái phòng nơi ông từng điều trị, cái giường ông từng nằm còn đó, tấm bia ghi lại nơi chôn cất ông khi nằm xuống còn kia, mừng vì người đời đã dành cho thi sĩ một vị trí xứng đáng.

Trên đường trở về cao nguyên chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Quang Trung và Nhà lưu niệm Đô đốc Bùi Thị Xuân nằm cạnh quốc lộ 19. Nơi trưng bày những chiến tích lịch sử của thời Quang Trung vị anh hùng áo vải làm cho quân Nhà Thanh khiếp vía kinh hồn; khiến chúng ta càng tự hào dân tộc. Cơn bão số 8 đổ bộ vào dải đất duyên hải miền Trung giục chúng tôi lên đường về gấp. Cuộc đi tìm kiếm tư liệu viết văn của những đứa con núi rừng xuống biển vẫn còn bao háo hức và tiếc nuối!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI