Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Chuyện thứ 11: TRUYỀN NGHỀ

 



Ngày ấy, aduôn(1) tổ chức kỷ niệm tròn một trăm hai mươi mùa rẫy thấy mặt trời; sau lễ đã gọi H’Lê Na, con của người con gái út đến căn dặn:

-A duôn sắp theo Yang(2) về nơi sung sướng, nay giao cho con thay ta chữa bệnh cứu giúp mọi người, con phải kính trọng người bệnh như đối với ami, ama(3). Với muông thú cũng phải có lòng yêu thương, thấy giúp được thì phải giúp.

- Giúp người là đúng rồi, sao loài vật cũng phải giúp ạ?

- Khi ta còn trẻ như con bây giờ, cũng được aduôn của ta giao gánh vác trọng trách thay người. Hôm ấy, lần đầu tiên một mình ta lên núi hái thuốc…

-         V…oọc!

Bất ngờ, một tiếng kêu như hú ngân dài từ trên ngọn cây mít rừng, gốc phải năm người lớn ôm mới hết bật lên, vang xa làm vách núi nhái lại như dàn đồng ca của cả ngàn con voọc cùng hòa nhịp. H’Nhi ngước nhìn lên thấy một con voọc lông màu ánh kim ngồi chót vót trên ngọn cây cao đang cúi xuống chăm chú quan sát, ánh mắt hai bên chạm nhau, nó vươn mình lao vào đám lá phía dưới biến mất. Tiếng ồn ào trên ngọn cây mít như lớp học giờ ra chơi, giờ im bặt. H’Nhi mỉm cười tự nhủ: con voọc canh gác phát hiện ra mình kêu báo động cho cả đàn biết tìm cách lẩn trốn đây mà; việc của chúng, chúng cứ làm, mình đi hái thuốc chứ có chọc ghẹo gì chúng đâu; lỗi tại cây mít rừng mọc bên lối đi của mình thôi mà.

Mít rừng, giống như mít nhà nhưng quả chỉ to bằng nắm tay người lớn, loài khỉ thích ăn lắm, mùa trái chín chúng lũ lượt kéo về ở lại, ăn bao giờ hết quả mới chịu đi.

-         Bịch!

Bất ngờ một quả mít chín rơi xuống, sạt qua đầu H’Nhi vỡ làm đôi trên mặt đất để lộ ra những múi mít vàng ươm, to bằng ngón tay cái. Cúi lượm một múi đưa lên miệng ăn thử, mùi thơm phảng phất, vị ngọt hơi chua một chút. Đang định đi tiếp, bỗng trên cây lại vang lên một tiếng kêu như thét, H’Nhi ngước nhìn lên thấy bầy voọc chạy nhảy rối rít như có một vật gì đó làm chúng hoảng sợ lắm. Bình thường, lũ voọc khi phát hiện ra người đến gần bẻ lá lại ngồi lên trên, chúng yên tâm vì con người từ dưới nhìn lên không thấy nhưng cái đuôi dài gần sãi tay màu trắng lại thò xuống phía dưới đám lá nhìn rõ mồn một. Hôm nay chúng cứ nhảy quanh các cành trên ngọn cây mít, không bỏ đi. H’Nhi thắc mắc không hiểu chuyện gì xảy ra với chúng thì…

-         Bịch!

Một con báo lửa chắc phải nặng trên ba chục ký từ trên cây rơi xuống, mồm ngậm tay một con voọc khoảng bốn ký, mặt xanh, mình lông ánh kim, hai đùi và đuôi lông trắng muốt. H’Nhi vội hét lên:

-H... ây!

 Con báo nghe tiếng người hét, ngoái cổ nhìn H’Nhi, cũng giật mình gào lên: “A…o”, làm rơi con khỉ ra, rồi lao biến vào rừng. Đặt chiếc gùi xuống đất, H’Nhi chạy lại nhấc con voọc lên thấy bắp tay bị báo cắn rách da, máu chảy thành dòng, vội chạy quanh gốc cây mít, vặt một nắm lá bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi đắp vào cánh tay bị thương. Như có phép lạ, chỉ khoảng một lúc sau, máu ngừng chảy, con voọc mở he hé mắt nhìn, đôi mắt hình như thể hiện sự hoảng sợ nhiều lắm. H’Nhi dùng tay xoa nhẹ lên đầu nó, tỏ thái độ thân thiện. Con voọc nằm im, hình như đang chăm chú quan sát con người ngồi đối diện không dám cựa quậy.

-         Ngồi dậy đi, đừng giả vờ nữa, mày sợ quá nên giả chết thôi mà!

H’Nhi nói với con voọc, rồi nhẹ nhàng đỡ nó ngồi lên. Con voọc hình như không còn chút sức lực nào, nó ngồi im, hai mắt nhìn chăm chăm vào mắt H’Nhi như bị thôi miên. Đoán ra tâm trạng chú voọc, H’Nhi nói:

-         Mày khỏe rồi đấy, lên cây theo bầy đi. 

Lạ thay, H’Nhi vừa dứt lời con voọc giơ tay ra nắm lấy yeng(4) như muốn đi theo. Bầy voọc trên cây có lẽ thấy vậy, nhảy xuống các cành thấp chen chúc nhau ngồi nhìn con voọc con. Con voọc con nắm chặt lấy yeng của H’Nhi không chịu buông ra. H’Nhi ngồi xuống dùng tay vỗ vỗ lên đầu nó, những sợi lông trên đầu màu ánh kim dài gần bằng một ngón tay, mượt mà như được chải chuốt. Nó ngước cặp mắt tròn màu vàng nhìn lên khuôn mặt H’Nhi như cầu xin.

-         Mày không theo tao được đâu, về với đàn đi. Mày phải ở với rừng, nhà của mày mà; ngoan nhé, chị thương!

H’Nhi dắt tay nó lại gốc cây mít, cầm hai tay đặt vào thân cây; nhưng khi bỏ tay ra, nó lại quay mặt lại nhìn không chịu leo lên. Đang lúc chưa biết phải làm gì với con voọc thì bỗng nghe tiếng “rào”, ngước lên đã thấy một con voọc cao đến hơn một mét, nhảy xuống đất đứng bằng hai chân hơi khuỳnh ra, hai tay tự nắm lấy nhau.

-         A, đến đón con hả, trả mày nè!

H’Nhi nhấc con voọc nhỏ lại đặt vào tay con voọc lớn, nó ôm con vào ngực, ngước cặp mắt màu vàng nổi bật trên khuôn mặt có nước da màu xanh lục như cảm ơn rồi cất tiếng kêu:

-          V…oọc!

Tiếng kêu của con voọc dưới đất vang lên, cả đàn đồng thanh cùng cất tiếng hòa theo; tay, chân rung cho cây cối ngã nghiêng. Con voọc ôm con nhảy lên nắm một chiếc dây đu người bay vút lên cành cao.

Sau lần gặp bất ngờ ấy, mỗi lần H’Nhi vào rừng bầy voọc này thường đi theo phía trên đầu, chúng đi tới đâu tiếng hót, tiếng trò chuyện ồn ào như lớp học mẫu giáo, lâu dần thành quen.

Một hôm khi chiều gần tàn, H’Nhi trên đường đi hái thuốc đang định băng qua vạt cỏ gianh theo đường mòn xuôi về phía buôn, bỗng bầy voọc tỏ vẽ giận dữ cất tiếng gầm gừ khác hẳn mọi ngày. Khoảng chục con voọc lớn tung mình bay ra mỏm mấy hòn đá lớn đứng gầm rú như dọa nạt ai đó; còn các con nhỏ hơn thi nhau rung cây, lắc cành; có con tung mình bay qua sát đầu H’Nhi ra phía trước rung cây ngay trước mặt hình như có ý định ngăn không cho đi tiếp. Thường ngày đây là con đường đi lại không chỉ của người mà các loài thú như: min, heo, nai… Sao hôm nay chúng lại ngăn mình, tò mò H’Nhi định đi tiếp xem có chuyện gì thì... hình như có ai đó nắm gùi lôi lại. Ngoái nhìn ra sau thấy con voọc bị thương hôm trước được cứu, một tay nắm gùi, một tay bám vào cây kéo lại.

-         A, để tao về chứ sao lại đùa lạ thế?

Gỡ tay con voọc khỏi gùi, nó buông tay nhảy xuống đất nắm yeng H’Nhi giật giật. Bầy voọc vừa như hoảng hốt, vừa như giận dữ ai đó đang định đánh nhau làm ồn ã cả khu rừng. Loại voọc này cũng lạ lắm, toàn thân lông màu đen ánh kim riêng mông, đùi và đuôi màu trắng như bông; khi di chuyển chúng đu người như ta chơi xích đu buông cành này bay qua hàng chục mét đến cành khác, rất ít khi xuống đất. Trong bầy cũng có từng nhóm hình thành gia đình nhỏ chăm sóc lẫn nhau, sống rất hòa thuận không cắn nhau bao giờ. Sao hôm nay chúng lại giở trò lạ thế, H’Nhi đang phân vân chưa biết làm thế nào để đi tiếp.

Ngoài đám cỏ gianh, lũ voọc lớn, con nào cũng phải nặng trên ba chục ký, luôn miệng gào thét, chạy, nhảy như bay lượn qua các mỏn đá. Bỗng một tiếng gầm vang vọng vào vách núi:

-   H…ư…m!

Lũ voọc đang rung cây nghe tiếng gầm, vội bám chặt vào cây không dám cựa quậy, có con sợ quá tuột tay rơi bộp xuống đất, run lẫy bẩy. H’Nhi theo bản năng cũng hét lên: H…â…y…, rồi vung xà gạc(5) lên thủ thế. Lũ voọc ngoài mỏm đá được dịp kêu rống lên như cười, cả bầy quay lại rừng nhảy tót lên tán cây cao trên đầu H’Nhi. Lúc ấy H’Nhi mới biết có con hổ lớn núp bên đám cỏ gianh gần đường đi để rình mồi, bầy voọc phát hiện ra nên tìm cách vừa đuổi hổ, vừa ngăn mình, may quá!

Một lần khác khi vào rừng sâu, H’Nhi mải miết nhìn dưới mặt đất tìm hái nấm già mọc trong các gốc cây cổ thụ về làm thuốc; bỗng thấy bầy voọc hò hét inh ỏi, con rung cây, con nhảy xuống sát mặt H’Nhi rồi lại lao lên cây tỏ vẻ rất sợ hãi. Khu rừng già âm u, nhiều cây cổ thụ gốc lớn hàng chục người ôm không hết, dây leo chằng chịt, dưới mặt đất rất ít cây con, dấu heo ủi dày đặc như bị nhốt trong chuồng. Sườn núi dốc nên ít cây thấp nhìn rất thoáng, trông được xa, vậy mà lũ voọc hình như đã thấy vật gì đó làm chúng sợ lắm không muốn H’Nhi đi tiếp. Tò mò, H’Nhi quyết định vào xem sao. Lũ voọc không dám đi theo, chỉ nhảy nhót trên cây kêu la hoảng loạn, con voọc con được H’Nhi cứu lần trước du dây sà xuống sát đầu, nắm lấy tóc kéo H’Nhi lại. Bị giật tóc, H’Nhi ngửa mặt nhìn lên mới giật mình phát hiện trước mặt một con trăn thân to như cây cột, mình óng ánh những đốm vàng đen, sáng lấp lánh, dài gần bốn sải tay, nằm vắt đầu và đuôi qua hai cái cây giống như người ta mắc võng. Đây là cách săn mồi quen thuộc của loài trăn gió sống trong rừng sâu. Chúng nằm im như một sợi dây vắt qua lối mòn nơi có thú rừng hay đi qua, chờ con mồi đi đến, chúng buông mình rơi xuống, mồm cắn vào chân con mồi rồi đưa thân quấn tròn lại như người ta bện dây, siết cổ cho ngạt thở đến chết, nuốt luôn. Loài trăn ăn khỏe lắm, chúng có thể nuốt cả con mồi có trọng lượng nặng bằng chính nó dù đó là heo hay mang, nai… có sừng hay không có sừng đều bị nuốt chửng hết. May mà lũ khỉ phát hiện kịp chứ không thì… H’Nhi thầm nghĩ rồi rẽ ngang, tránh đường con trăn đang nằm phục kích.

Lại một lần có người khách phương xa đến buôn cầu xin cứu giúp vì bệnh tình dù đã dược nhiều danh y trong vùng chữa trị nhưng không khỏi. Xem sắc mặt người bệnh, biết họ bị trúng loại độc đặc biệt đã lâu ngày nên chất độc ngấm vào trong gan; muốn chữa phải có loại nấm đặc biệt - loài nấm này mọc trong rừng sâu, nơi không có ánh mặt trời chiếu đến, nhưng phải nhiều hơi nước và luôn có gió thổi qua; thấy nấm rồi phải hái vào buổi sáng, khi mặt trời chưa mọc mới có tác dụng. H’Nhi đi một ngày, ngủ một đêm trong rừng sâu mới tìm và hái được vị thuốc như ý. Trên đường trở về, vừa băng qua thung lũng, đến một sườn đồi mọc toàn le to như cổ tay người lớn, cao vút; thỉnh thoảng mới có một cây đa hoặc cây bằng lăng cổ thụ mọc xen vào, vươn lên xòe tán như chiếc ô che cho vườn le. Đang mải rảo bước dưới tán rừng le, bổng nghe “bịch!”, con voọc bị báo cắn ngày nào giờ to bự, từ cây đa nhảy xuống chắn đường, nhe nanh như dọa dẫm rồi túm lấy cây le tung mình tót lên cành cây đa ngồi im; mắt nhìn ra phía trước mặt như có gì đó làm nó sợ lắm. H’Nhi thấy lạ, vội dừng lại và phát hiện ra tiếng cây gãy như có hàng trăm người cùng bẻ phía trước. Tiếng le gãy nghe mỗi lúc một gần, H’Nhi vội bám gốc cây leo tuốt lên cành cao. Ngồi trên cây, H’Nhi thấy bầy voi rừng hơn hai chục con dàn hàng ngang vừa đi vừa vít ngọn le xuống ăn. Một con đến bên gốc cây đa H’Nhi vừa leo lên, nó dừng lại hít hít trong không khí rồi phì một tiếng rõ to; bầy voi ngừng ăn, kéo cả lại đứng xung quanh gốc cây đa. Mấy con voi đực đứng thành vòng tròn phía ngoài tung vòi hít hít trong không khí như đánh hơi, khoe bộ ngà dài gần sải tay người lớn, nhọn hoắt chìa ra phía trước. Voi cái và voi con đứng phía trong, quay đít vào gốc cây đa nơi H’Nhi đang ngồi. Bầy voi cứ đứng vậy không chịu đi, hình như chúng ngửi thấy mùi con người, nhưng không xác định ở đâu nên dừng lại tìm kiếm. H’Nhi chưa biết làm cách nào để đuổi voi, bỗng ngay trên đầu một con voọc bất ngờ hét lên: V… oọc! Lập tức hàng trăm con voọc trên ngọn cây đa nơi H’Nhi ngồi cùng đồng thanh kêu lên hưởng ứng làm bầy voi giật mình bỏ chạy như bị ma đuổi, tiếng le gãy đổ ào ào như có trận cuồng phong tràn đến…

- Con biết không, các loài động vật sống trong rừng cũng thông minh lắm, lại sống có nghĩa nữa; chúng có tiếng nói riêng của từng loài, biết phân biệt thiện ác và trả ơn cho ân nhân. Cả cuộc đời ta gắn bó với núi cao, rừng sâu đã rất nhiều lần được chúng giúp đỡ đấy, con phải ghi nhớ điều ấy.

H’Lê Na nắm chặt bàn tay a duôn trả lời:

-         Dạ, con nhớ rồi ạ!

-         Vậy đi theo ta.

Nói xong a duôn đứng dậy, đeo gùi đi ra bến nước đầu buôn, H’Lê Na khoác gùi theo sau. Đến bên bến nước, khi ông mặt trời đứng trên đỉnh đầu không trông thấy bàn chân người, a duôn tiến hành lễ tế yang và dòng họ Byă trước khi bàn giao trọng trách cho người thừa kế.

-         Đ… o… àng!

Giữ trưa mùa khô, tiếng sét gõ vào đầu Chư Yang Sin(6) làm một cây lớn bị cháy, khói bốc nghi ngút bay thẳng lên trời cao. A duôn giật mình sụp xuống đất, ngữa mặt lên trời cầu khấn. Khấn xong, a duôn đứng đậy nói:

-                     Khi con sinh ra cũng đúng vào giữa trưa ngày sẽ có đêm trăng tròn, yang cũng gõ vào đỉnh núi. Nay con nhận làm người thừa kế của dòng họ cũng có tiếng sét gõ đầu núi Chư Yang Sin đúng như khan đã lưu truyền, từ nay sẽ có người thứ hai không cùng dòng họ luôn song hành cùng con hái thuốc. Âu đây cũng chính là ý Yang.

-                     Người ấy là…

-                     Đúng rồi, bạn con – người con trai xứ lạ sẽ đến làm bạn cùng con.

A duôn nói xong lấy từ trong gùi ra các loại lá, củ, quả… đã cất từ bao giờ, gói trong tấm chăn để trong gùi cho H’Lê Na xem và hướng dẫn cách pha chế, kết hợp các loại thảo dược ấy để chữa trị các chứng bệnh nan y.

Từ hôm ấy ấy H’Lê Na chính thức thành người nối nghiệp của dòng họ Byă, đi rừng hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người.

 

 

Chú thích:

1.     Aduôn: thần linh - tiếng Ê đê.

2.     Yang: bà – tiếng Ê đê.

3.     A mí, ama: má,ba - tiếng Ê đê.

4.     Yeng: váy – tiếng Ê đê.

5.     Xà gạc: dao dùng đi rừng của người Êđê.

6.     Chư Yang Sin: núi Thần Cọp – tiếng Êđê.

(Trích CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI