Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN truyện dài của tác giả NGUYỄN HỒNG CHIẾN

 Cùng các bạn!

Hồng Chiến sẽ lần lượt giới thiệu tập truyện dài "CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN" viết cho thiếu nhi gồm 14 chương.

Tập truyện được ĐỀ ÁN BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM in và phát hành tháng 12 năm 2019. 

Đây là sách in theo đề án để bảo tồn, không bán. Số sách tặng cho tác giả quá ít (20 cuốn) nên không đủ để tặng bạn bè. Mong các bạn gần xa đọc trên Blogger như một lời xin lỗi của tác giả.





Chuyện thứ nhất: 

H’LÊ NA


 

Ông mặt trời mệt mỏi leo lên đến gần đỉnh đầu, thỉnh thoảng vén mây nhìn xuống trần gian để lộ một mảnh trời xanh ngắt. Từng đám mây trắng bồng bềnh đuổi theo nhau từ phía tây kéo về phía đông. Những ngày đầu mùa mưa Tây Nguyên không khí vô cùng khó chịu.

Trên rẫy, đôi vợ chồng trẻ vẫn miệt mài làm việc. Người chồng ngoài hai mươi tuổi, cánh tay dài rắn chắc, bắp tay cuồn cuộn như dây cóc cột gỗ cho voi kéo, vung cuốc lên loang loáng đánh bật từng gốc cây khô bám sâu trong lòng đất. Người vợ chắc cũng bằng tuổi chồng, bụng to như úp thêm cái nồi phía trong, khuôn mặt tròn phúc hậu, tóc quăn tự nhiên bồng bềnh lượn sóng; ngồi nhặt từng khúc cây chồng vừa cuốc xếp lại thành đống. Trên gương mặt hai người mồ hôi chảy thành dòng. Đám rẫy của họ đã cào sạch cỏ chỉ chờ thêm cơn mưa nữa sẽ gieo hạt.

Người vợ hình như hơi nhăn mặt, hai tay ôm bụng rồi từ từ đứng dậy đi lại lều canh rẫy lấy gùi khoác lên vai, chầm chậm đi xuống suối. Người chồng vẫn cắm cúi tiếp tục vung cuốc lên đánh bật các gốc khô lấy thêm đất chuẩn bị gieo trồng, không chú ý gì đến xung quanh.

-         Đ… oàng!

Một tia sáng xanh lét từ trên trời loằng nhoằng cắm thẳng xuống đỉnh núi, kèm theo đó là tiếng nổ kinh hồn ngân dài, cây cối ngã nghiêng và gió ào lên giữ dội.

-         Oa, oa, oa!

Bỗng dưới suối vọng lên tiếng trẻ khóc, người đàn ông đang làm trên rẫy quẳng ngay cuốc, quỳ xuống đất, ngữa mặt lên trời hét ầm lên:

-  Cảm ơn Yang(1) đã cho con làm ama(2). Tôi được làm ama rồi, tôi được làm ama rồi!

Anh ta như bị ma đuổi, bật dậy lao nhanh xuống suối; vấp ngã, lại chồm dậy chạy, nhảy như bay xuống lòng suối kêu toáng lên:

-         Con gái hay con trai? Con gái hay con trai?

-         C… on c… on gái!

Người mẹ trẻ ánh mắt long lanh, miệng mỉm cười, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, ngồi trên hòn đá đang tạt nước suối trong vắt tắm cho đứa con vừa sinh, giả bộ ấp úng trả lời. Người chồng nhảy lên hòn đá vợ đang ngồi nhìn con rồi kêu lên:

-         Ta có con gái rồi, có con gái rồi! H’Lê Na con gái ta!

Người ba reo lên vui mừng, chạy ngược dòng suối về phía thượng nguồn, nơi có rừng già xanh thẫm như được Yang gọi.

Đôi vợ chồng trẻ khi mới về ở với nhau đã thỏa thuận: nếu sinh con gái, chồng đặt tên; còn sinh con trai vợ đặt tên. Anh chồng nghĩ hơn một mùa rẫy vẫn chưa tìm được một cái tên nào thật hoàn mỹ để đặt cho con, hôm nay bất chợt cái tên lóe lên trong đầu và thành tên luôn trên miệng như được Yang ban cho. Mừng có con, mừng hơn nữa khi tìm được cho con một cái tên lạ, anh ta chạy như người phát điên, ngược suối lên phía rừng già. Một lát sau người chồng chạy về trên tay cầm một củ cây trông qua như củ riềng, đặt vào tay người vợ. Trao con cho chồng ẵm, cô vợ rửa củ cây chồng vừa mang về ngồi ăn ngon lành. Người chồng ẳm con lên chòi ngồi đợi, còn cô vợ dầm mình vào dòng nước suối tắm rửa, mặc dù vừa mới sinh xong.

Thật lạ kỳ, trẻ vừa sinh ra được tắm lần đầu tiên trong dòng nước suối từ rừng đại ngàn và lạ hơn khi chứng kiến người phụ nữ vừa sinh song đã lội xuống suối tắm. Vì sao người phụ nữ này làm được như vậy? Họ không sợ đau ốm ư? Hay họ có bí quyết gì được Yang ban cho? Điều này với người xứ khác thấy lạ, nhưng người dân nơi đây thì chuyện ấy bình thường. Trẻ con nào mới sinh ra cũng vậy thôi, tất cả bắt đầu từ câu chuyện gần như truyền thuyết được lưu truyền trong buôn…

Ngày xửa ngày xưa, cái ngày lâu như khi có ngọn núi dòng sông, aduôn(3) kể rằng: Vào buổi chiều mùa khô năm ấy, con voi nhà ami(4) H’Rim sắp có em bé nên được thả vào rừng. Ami H’Rim lặng lẽ theo sau với ý nghĩ có thể giúp được gì đó cho voi khi sinh. Vào trong rừng, con voi đau đẻ dùng vòi quấn vào cây to như cột nhà ghì chặt, cây rung rung như sắp bật gốc; một lúc sau voi lại húc đầu vào cây cổ thụ to đùng đứng bên cạnh, người cong cong như nửa chiếc gùi để nghiêng… Chắc là đau lắm, biết vậy mà ami H’Rim không giúp được gì, chỉ biết nép gốc cây đứng nhìn, thở dài.

Bỗng đám le trước mặt gãy đổ ầm ầm, con voi đực nhà ami H’Doanh sồng sộc lao đến, trên vòi mang một chùm cây có cả củ và rễ vừa được nhổ lên ở đâu đó. Voi đực đặt bụi cây xuống mặt đất, dùng vòi đập đập lên vòi voi cái như ra hiệu. Voi cái cuốn lấy bụi cây gượng gạo nhai, nuốt. Một lát sau voi cái rống lên, tung vòi quấn chặt vòi voi đực kéo xuống, hai con voi tựa vào nhau, đầu quay về phía núi cao. Như có phép thần, một chú voi con được sinh ra, rơi trên mặt đất. Con voi đực vội buông vòi voi cái, quay nhìn voi con rồi lao ầm ầm xuống suối; một chốc quay lại đặt vào vòi voi mẹ một bụi cây có cả củ và rễ màu hồng gần giống với cây lúc nãy để voi cái ăn, còn mình phun nước trong bụng ra tắm cho voi con. Tắm xong, voi đực dùng vòi đẩy voi con vào phía sau hai chân voi cái để tìm… ty. Voi con giơ vòi tìm ty rồi ghé miệng nhấm nháp dòng sữa ngọt đầu tiên trong đời từ voi mẹ. Ty xong cả nhà voi theo nhau vào rừng sâu, voi đực đi trước, voi con đi sau còn voi cái đi sau cùng.

Ami H’Rim chờ cả nhà voi đi khuất mới chạy lại xem hai loại cây voi đực lấy cho voi cái ăn còn rơi lại trước lúc sinh và khi sinh xong, bụng thầm reo lên: loại cây này mọc ven suối nhiều lắm mà. Voi ăn được, chắc con người cũng ăn được – nghĩ thế, ami H’Rim mang hai củ cây về buôn đưa cho già làng và kể lại câu chuyện mình chứng kiến. Sau khi cúng khấn xin ý kiến Yang, già làng thông báo: Yang ban cho riêng người trong buôn, không được nói cho người ngoài biết. Từ nay khi con gái đi bắt chồng, con trai đi ở rể, ami mới được nói nhỏ cho con biết ghi nhớ trong lòng phòng khi có việc dùng đến.

Từ đó, người phụ nữ nào chuẩn bị sinh cung phải kiếm đủ hai loại củ cây để ăn. Họ ăn loại củ này khi sinh xong, người khỏe như bình thường, nghỉ ba ngày có thể gùi con lên rẫy. Có lẽ điều này lý giải vì sao phụ nữ Ê đê vùng này sinh con xong lại khỏe mạnh và có phần xinh đẹp hơn trước.

*

*   *

Khi đưa vợ và người con gái vừa chào đời về đến buôn, đôi vợ chồng trẻ vô cùng ngạc nhiên thấy già làng cùng ông thầy cúng dẫn đầu đoàn ngườn ra tận cửa buôn cúi đầu chào đón, đưa họ về nhà. Chiêng trống nỗi lên, ché túc, ché ba được cột hai hàng trong ngôi nhà dài đễ làm lễ chào đón một thành viên đặc biệt của buôn.

Ông thầy cúng mặc áo lễ, đóng khố thổ cầm dệt hoa văn có hai màu đen đỏ lâm râm cầu khấn. Trên chiếc mẹt tre được bầy đầu heo ngậm đuôi heo, một ít gan, lòng, thịt, mỡ… mỗi thứ một ít thôi để tỏ lòng thành. Già làng râu tóc bạc phơ, sống hơn trăm mùa rẫy nhưng còn minh mẫn lắm, ngôi uy nghi như một pho tượng. Ông thầy cúng khấn vái xong, già làng từ từ đứng dậy nói với mọi người:

-  Hôm nay Yang cho tia lửa gõ đầu chư(5) Yang Mao đúng giữa trưa là việc xưa nay chưa từng có bao giờ, theo như người xưa dặn lại đó là điềm Yang cho buôn ta một người giỏi. Quả nhiên thầy cúng bấm đốt biết được như thế và nay người ấy đã về. Nào trống chiêng hãy nỗi lên để tạ ơn Yang.

Già làng nói xong, trống chiêng nổi lên, đàn ông đàn bà cùng vít cần rượu chung vui. Họ ngã nghiêng theo tiêng chiêng, rồi ai đó bổng ngân lên làn điệu ei rei(6), thế là nhiều người hát theo nhau kéo dài mãi không dứt. Từ khi mặt trời ngã về tây đi ngủ, mặt trăng tròn như chiếc chén rắc ánh vàn xuống trần gian chậm rãi đi về phía tây nhường chỗ cho mặt trời từ từ nhô lên trên đỉnh núi, mọi người mới chia tay nhau. Chủ nhân mới của buôn, H’Lê Na say sưa ngủ trong tiếng trống, tiếng chiêng vang động đất trời và hòa theo đó là làn điệu a ray mềm mại như dòng suối mùa hè tuôn chảy, nhẹ nhàng lách qua cách ghềnh đá để hòa mình vào dòng sông lớn. Người trong buôn vui, người cả vùng cùng vui và đôi vợ chồng trẻ càng vui hơn khi đứa con của họ được mọi người chào đón một cách trang trọng. Người người hy vọng hạnh phúc sẽ đến với mọi nóc nhà khi H’Lê Na lớn lên.

Ngày tháng qua đi, H’Lê Na hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh mang lại niềm vui không chỉ cho cả nhà, cả buôn mà cho người dân trong vùng. Thỉnh thoảng già làng các buôn lại đến thăm, tặng quà và xem H’Lê Na có khỏe không, ăn nhiều chưa… Còn H’Lê Na gặp mọi người vẫn hồn nhiên cười, trên má điểm thêm cái lúm nho nhỏ trông thật đáng yêu.

Hàng ngày, buổi sáng lên rẫy, ama có vinh dự được địu con gái sau lưng vác xà gạc đi trước; ami gùi đồ đi sau, còn a xâu(7) lon ton chạy trước dẫn đường. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn như mọi nhà trong buôn, đầy ắp tiếng cười.

 

 

 

Chú tích:

 

1.     Yang: thần linh-tiếng Êđê;

2.     Ama: ba-tiếng Êđê;

3.     Aduôn: bà-tiếng Êđê;

4.     Ami: mẹ-tiếng Êđê;

5.     Chư: núi- tiếng Êđê

6.     Ei rei: là điệu dân ca của người Ê đê;

7.     A xâu: con chó-tiếng Êđê;

      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI