Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

NHIẾP ẢNH Ở BUÔN MA THUỘT HƠN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC... tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 



 

Ngày nay nhờ sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật, nhờ đời sống cao hơn nửa thế kỷ trước nhiều lần, nên nghề nhiếp ảnh ở Buôn Ma Thuột đã phát triển vượt bậc. Nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ ở Buôn Ma Thuột chỉ có duy nhất một tiệm ảnh. Nghề nhiếp ảnh bấy giờ là một nghề sang trọng...

Một ngày cuối tháng 10 năm 2002, rất tình cờ tôi được gặp ông Nguyễn Đức Thuận, một Việt kiều từ Đan Mạch về Buôn Ma Thuột thăm gia đình, thăm lại “chốn cũ, người xưa”. Ông Thuận bấy giờ đã 78 tuổi. Ông là con trai thứ ba của ông Nguyễn Lan Hương (1887 - 1949) - chủ tiệm ảnh Hương Ký, tiệm ảnh đầu tiên ở Hà Nội, khai trương năm 1905.

Ông Thuận cho biết: Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống, sau đó vì những lý do cá nhân ông chuyển lên Buôn Ma Thuột định cư. Theo ông Thuận, thời bấy giờ Buôn Ma Thuột mới chỉ có bốn dãy phố chính chưa có tên. Đường phố cũng chỉ là đường đất. Dân số còn rất ít. Khu trung tâm chỉ có khoảng bảy đến tám ngàn dân. Nhà cửa còn lụp xụp lắm. Đa số là nhà gỗ. Nhà xây chỉ lác đác. Ra khỏi khu trung tâm vài ba cây số đã là rừng, là buôn làng của đồng bào thiểu số.

Năm 1953 ông đến Buôn Ma Thuột, ở đây đã có một tiệm ảnh nhỏ mang tên Đời Tân của một người Hoa. Nay ông không còn nhớ tên thật ông chủ tiệm ảnh này nữa. Thời kỳ đầu do mới đến Buôn Ma Thuột một mình, còn nhiều khó khăn, nên ông làm thuê cho ông chủ tiệm ảnh Đời Tân (chụp ảnh cho khách và làm các việc trong buồng tối, như tráng phim, in ảnh). Làm thuê cho Đời Tân được chừng sáu tháng, ông Thuận tách ra mở tiệm riêng lấy tên là Hương Ký để ghi nhớ và phát huy truyền thống nghề ảnh của gia đình ở Hà Nội. Tiệm ảnh Đời Tân chừng nửa năm sau cũng chuyển sang Plei Ku. Buôn Ma Thuột chỉ còn lại duy nhất tiệm ảnh Hương ký (đầu những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn tên tiệm Hương Ký ở 221 Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Thuận kể: Từ đầu những năm 60 ông đã không dùng máy ảnh lớn, di chuyển bằng bánh xe lăn như các tiệm ảnh khác mà đã sắm được một máy ảnh nhỏ nhãn hiệu ROLLEIFLEX của Đức - một loại máy ảnh “xịn” nhỏ gọn, là niềm mơ ước của những người hành nghề nhiếp ảnh lúc ấy. Các loại vật tư cho nghề ảnh ông đều phải mua từ Sài Gòn. Mỗi năm vài lần ông về Sài Gòn mua sắm tất tần tật: phim, giấy, hóa chất tráng phim, rửa ảnh...; mỗi thứ đều phải mua số lượng lớn để dùng được ít nhất 5-6 tháng. Khách chụp ảnh bấy giờ đa số là công chức, những người có thu nhập khá cao so với các tầng lớp khác trong xã hội. Rất ít người dân lao động dám bỏ tiền ra để chụp ảnh. Bởi chụp một pô ảnh là “mất” gần chục kg gạo. Nên nghề chụp ảnh lúc ấy cũng là nghề có thu nhập cao và khá sang trọng. Người đến tiệm chụp ảnh cũng là người cao sang, chí ít cũng là người tân tiến, thời thượng , biết chơi theo mốt. Bấy giờ các đám cưới người ta cũng đã chụp ảnh để làm kỷ niệm. Nhưng đám cưới to, chơi sang cũng chỉ chụp một cuộn phim, còn lại chỉ là 10 - 15 tấm.

Ngoài chụp ảnh cho khách ông Thuận đã biết “chơi ảnh” nghệ thuật. Rảnh rỗi ông mang máy ảnh đi vào các buôn làng chụp cảnh sinh hoạt của đồng bào thiểu số, chụp phong cảnh rừng cây, thác nước, voi đi lững thửng trong chiều tà... để làm sưu tập riêng. Những ảnh đẹp, nhiều người thích, ông in ra hàng trăm bản bán cho khách. Khách nước ngoài rất thích những bức ảnh ông chụp voi, cảnh sinh hoạt của đồng bào thiểu số, nên ông bán được khá nhiều. Giá mỗi bức cỡ 10 x 15 cm chừng... 2 kg gạo. Ông cho biết: -Rất tiếc là bộ sưu tập ảnh  này do “chạy loạn” trong những năm chiến tranh ông đã đánh rơi/ lẫn lộn, không tìm thấy.

Làm nghề ảnh có thu nhập cao nên bấy giờ ông đã mua được xe ô tô bốn chỗ ngồi nhãn hiệu THAMES do Anh sản xuất. Ông được xem như là một người có “máu mặt” có “tên tuổi” của vùng đất Đắk Lắk thời ấy.

Tiệm ảnh Hương Ký hoạt động được khoảng 6 năm thì ở Buôn Ma Thuột xuất hiện thêm hai tiệm ảnh khác, đáng chú ý nhất là tiệm ảnh FANTASI (Trung Việt). Tuy vậy Hương Ký vẫn là tiệm ảnh uy tín nhất, đông khách nhất.

Ông Thuận hành nghề ảnh ở Buôn Ma Thuột cho đến năm 1967 thì bỏ Buôn Ma Thuột đi miền Tây (vì lý do riêng). Tiệm ảnh Hương Ký được giao lại cho vợ và các con quản lý.

Có thể nói ông Thuận không chỉ là người đi tiên phong trong nghề ảnh dịch vụ ở Buôn Ma Thuột mà còn là người chơi ảnh nghệ thuật đầu tiên ở xứ sở này từ cách đây hơn 60 năm.

Ngày nay các con và cháu của ông như Nguyễn Hương Phong, Nguyễn Hương Thịnh, Nguyễn Hương Vượng, Nguyễn Hương Bảo Huy, Nguyễn Hương Bảo Nghĩa vẫn tiếp tục hành nghề nhiếp ảnh. Dù làm ảnh dịch vụ nhưng họ vẫn giữ được truyền thống của Hương Ký Hà Nội xưa là: Chụp đẹp, có tính kỹ thuật và nghệ thuật cao, giữ chữ tín với khách hàng. Trong số các con cháu kể trên của ông Thuận thì Nguyễn Hương Vượng là người đam mê ảnh nghệ thuật nhất và đã có nhiều đóng góp cho ảnh nghệ thuật Đắk Lắk và Việt Nam. Anh từng đoạt hơn 100 huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi nhiếp ảnh Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, toàn quốc và quốc tế. Năm 2014 anh được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc bậc đồng của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (E.FIAP/Bronze); năm 2016 được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xuất sắc bậc vàng (E.VAPA/gold - tước hiệu cao nhất của nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay. Người được phong tước hiệu này theo quy định của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phải có 20 tác phẩm đoạt huy chương (vàng, bạc, đồng) cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, trong đó phải có ít nhất 3 huy chương ở cấp quốc gia, ít nhất 2 huy chương ở cấp quốc tế do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế tặng; phải gửi tới Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam một bộ ảnh gồm 15 tác phẩm có cùng chủ đề để Hội đồng thẩm định, tham vấn cho Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ra quyết định phong tước hiệu). Ở nước ta hiện nay mới chỉ khoảng 20 người được phong tước hiệu này.

Thành công của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng ngoài tài năng và sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân, còn có sự “tiếp lửa” của truyền thống gia đình, trực tiếp là bố đẻ - ông Nguyễn Đức Thuận, một trong những vị tiền bối của nhiếp ảnh Buôn Ma Thuột chúng ta.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI