Mỗi lần nghĩ đến tấm bản đồ quy hoạch mở rộng
trung tâm huyện, xây dựng khu công viên cây xanh, hồ sinh thái, mụ Hạ lại thấy
sướng như điên, sướng như khi uống say, thân hình hơi thô kệch của mụ cứ tự động lắc
lư. Sướng như lúc mây mưa đang lìm lịm, rên ư ử rồi bất thần hét lên như bị ai
quất. Sướng âm ỉ đến mức mụ cứ tủm tỉm cười một mình. Mấy lần con gái mụ hỏi:
“Mẹ cười gì thế?”. Mặt mụ đơ ra, mất một lúc mới hiểu con vừa
hỏi gì. Có lần chồng mụ rít: “Đồ đĩ. Mày mơ thằng chó chết
nào? Ông gặp, ông xẻo!”. Mụ cũng chẳng vừa. Mắt mụ vằn lên. Hai
mép môi mòng mọng cong cớn: “Thằng chó nào. Một thằng già này cũng hết hơi rồi.
Tởm”. Nhưng bây giờ thì mụ mặc kệ. Chồng muốn rủa gì thì rủa, mụ không
thèm đáp. Mụ chưa vội tiết lộ “thiên cơ”. Nhiều lần có nỗi buồn gì đó đang trĩu nặng, mụ liền nghĩ đến tấm bản đồ. Nỗi buồn tan như gió. Nhiều
lúc lòng mụ lâng lâng không rõ vì lý do gì. Nghĩ một lúc, mụ mới sực
nhớ chính là vì tấm bản đồ. Mụ đã nắm chắc bắt đầu từ chỗ cây nhãn trở ra
là lộ giới. Từ cây nhãn trở vào sẽ là khu dân cư. Tương lai sắp mở ra
huy hoàng: Mảnh rẫy khô cằn này sắp biến thành khu công viên vui chơi rộng lớn,
có hồ nước trong xanh ở giữa, có con đường thảm bê tông phẳng lỳ bao quanh hồ, có
điện đường cao áp sáng rực cả trời đêm, có vỉa hè đi bộ cho dân chúng về đây
hóng mát. Rồi các quán nhậu, quán cà phê mọc lên san sát. Người người dồn đến đông vui
như hội. Đất rẫy trở thành đất vàng, có hàng trăm mét mặt đường. Tệ gì cũng bán
được hơn
chục tỷ. Chỉ cần tưởng tượng đến đó, cảm giác vừa rộn ràng vừa êm ái lại dâng trào như sóng.
“Mẹ sắp rơi rồi”. Tiếng bà Hân - mẹ của mụ hét
bên tai. Mụ Hạ giật mình, tay lái loạng quạng. Đường
từ rẫy về nhà quanh co, toàn ổ voi, ổ gà, hết lên dốc lại xuống dốc. Ở
đây, ai cũng lấy xe cũ xoáy nòng cho xe khỏe hơn. Tiếng động cơ nổ phành phạch, chát chúa. Phía sau người ta bỏ luôn yên mút, thay bằng khung
nẹp sắt để chở được nhiều hàng. Mải nghĩ, mụ Hạ không nhìn đường.
Chiếc xe nhảy chồm chồm qua mấy ổ gà, dồng lên dồng xuống làm mông mụ đau điếng.
Nhưng
mụ quen rồi. Mụ thường vỗ ngực: “Sau tay lái là người anh hùng”. Đường khó đi mấy mụ cũng không sợ. Gần tới nhà, mụ rà rà hai bàn chân xuống đường, thay thắng xe. Tiếng
dép kéo lê xèn xẹt. Đôi dép nào của mụ cũng mòn vẹt đế, trước khi đứt quai. Chiếc xe
chạy chậm dần cho đến lúc dừng hẳn. Hai chân mụ Hạ vẫn dạng ra như hai chân chống
vững chắc. Mụ bảo: “Xuống đi bà”. Chờ mãi, vẫn thấy vòng tay
riết chặt quanh ngực mình, mụ Hạ từ từ gỡ tay bà Hân ra, từ từ rút chân về một
bên. Chiếc xe vẫn đứng im. Nhìn bà Hân vẫn ngồi chành bành trên hai bao cà phê
cao ngất ngểu, mặt xanh lét, run rẩy, mụ nhăn mặt: “Ủa, bà mọc rễ à?”. “Mẹ khó thở
quá. Chân tay tê hết”. Mụ Hạ thản nhiên: “Đấy, bà thấy chưa, ở đây kiếm được đồng
tiền phải đổ mồ hôi, sôi máu mắt”. Mụ đỡ bà Hân ngồi xuống bậc thềm.
Hai tay bà Hân đan vào nhau vặn vẹo cho đỡ tê rồi xoa nhè nhẹ từ đầu gối xuống bàn
chân, lại vuốt ngược từ bàn chân lên đầu gối. Một tháng dãi dầu sương gió ở
vùng đất này, mặt bà Hân như quắt lại, đen sạm, đầy nếp nhăn. Bà thở dài. “Mẹ
U70 rồi. Trèo cây vặt quả một lúc đã thấy mắt mờ, chân run, huống chi mấy hôm
nay làm suốt ngày”. Mụ Hạ nguýt dài: “Đúng là nhà giàu dẫm gai mùng tơi. Bà
thấy bà Hòa không? Hơn 80 đấy, ngày ngày vẫn lết ra vườn bẻ cành, nhổ cỏ. Ông Bảy
gầy đét như con mắm, năm trước vừa làm lễ mừng thọ 70, giờ vẫn đang lụi cụi hái
tiêu. Con Liên có bầu, bụng to như cái trống vẫn đi bỏ phân, dẫy cỏ cho
đến khi sinh. Cả làng này ai cũng lăn lưng ra làm. Làm đến lúc bò lăn bò càng,
đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Có đâu như nhà con Huệ. Sướng từ nhỏ,
sướng cả đời. Không bao giờ biết cái nắng, cái gió. Tới tháng đã có lương”. Bà Hân vừa lấy vạt áo lau mồ hôi trên trán, trên cổ vừa thở
dài:
“Cũng
đồng lương chết đói thôi con ạ. Mình nó làm mà nuôi mẹ này, thằng chồng mất sức
này, 2 đứa con còn đang đi học này. Rồi đám cưới, đám chết. Thứ gì cũng trông vào
lương. Vất lắm con ạ”. Mụ Hạ bĩu môi: “Biết ngay! Con Huệ là con bạc con vàng.
Đụng tới, bà bênh nó chằm chặp. Tui đây là con ghẻ, con hoang, bỏ cho quạ tha
ma bắt, bà xót gì”. Bà Hân lại kéo vạt áo lên chấm mắt: “Đừng nói thế con ơi, tội
mẹ! Hai đứa đều do mẹ rứt ruột sinh ra”. Nhìn bà Hân nước mắt rân rấn, lòng mụ
Hạ vẫn rắn câng như đá. Thậm chí, môi mụ chợt nhếch ra cười khẩy. Bao kỷ niệm
tuổi thơ đau xót ùa về lấp đầy tâm trí. Bố mẹ ly hôn lúc mụ 6 tuổi.
Mụ phải theo bố. Lúc ấy, Huệ mới bước đi lẫm chẫm, đương nhiên được ở với mẹ. Hôm ra
khỏi nhà, mụ gào khóc, vùng vẫy, la hét, cố thoát khỏi bàn tay cứng như gọng
kìm đang kéo mụ đi xềnh xệch. “Con không đi! Con không đi! Con muốn ở với mẹ, mẹ
ơi!”. Không ai giúp đỡ ước muốn đó của mụ. Từ đó, mụ phải sống ở phương trời
xa cách với người cha thường xuyên say rượu ngật ngừ và bà mẹ kế suốt ngày lườm
nguýt, quát mắng sa sả. Cũng từ đó, trong tâm trí mụ, mẹ là người đã bỏ rơi mụ.
Mụ nhớ mỗi khi mụ giành chiếc bánh ngon với Huệ, muốn được chơi lâu hơn nữa món đồ
chơi mới… chỉ cần Huệ ngoạc miệng nhăn nhó thì ngay lập tức, bà Hân nhảy bổ lại, quát:
“Nhường cho nó. Nó là em mà”. Mụ ấm ức thấy Huệ muốn gì được nấy, chỉ vì “Con
là chị. Làm chị phải biết nhường em”. Mụ nghĩ chẳng lẽ vì Huệ ít tuổi hơn, là
em của mụ nên chuyện gì mụ cũng phải chịu thiệt thòi sao? Mụ cũng là con người,
cũng thèm người
khác quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng chứ. Sao không ai thèm biết đến tâm trạng, suy
nghĩ của mụ vậy? Nhớ tới tháng ngày ở với bố và mẹ kế, lông tay lông chân mụ lại
nổi dựng lên. Những trận đòn roi, những bữa ăn dường như chưa bao giờ no. Hết thái chuối,
nấu cám, cho heo gà ăn, giặt quần áo lại đi bỏ rượu… Ngày nào cũng như ngày
nào, mụ làm luôn chân luôn tay từ sáng đến tối, mắt díp lại lúc
nào không biết. Mẹ và đứa em ở xa làm sao biết hết nỗi cơ cực, tủi nhục mà mụ phải chịu đựng.
Bất ngờ, gia đình mụ xảy ra biến cố lớn. Một buổi chiều
đi cắt cỏ về, mụ thấy người chú ruột, mặt đỏ như gà chọi, tay cầm con dao bầu
đâm liên tiếp vào ngực, vào bụng bố. Mỗi nhát đâm kèm theo tiếng hét: “Này thì
giành đất! Này thì giành đất!”.
Bố mụ lăn lộn, máu trào qua kẽ tay. Bà dì nghe tiếng động ồn ào, chạy ra, kêu ố
ố. Ông chú liền xông đến, đâm tiếp. Bà dì đổ gục xuống như cây chuối. Mụ cũng rú
lên và co chân chạy. Chạy thật nhanh, không kịp nhìn bên đường là nhà hay là cây.
Chạy không kịp nhận biết dưới chân là đá hay gốc cây hay là đất. Miễn sao thoát
khỏi gương mặt quỷ đang đuổi phía sau, tay giơ cao con dao bầu chỉ chực bổ xuống.
Mấy năm sau, tòa án mở phiên xử, mụ mới biết chỉ vì
cha mụ xây hàng rào, lấn sang phần đất nhà ông chú hai mươi phân. Hai gia
đình nhiều lần cãi vã nhưng bố mụ vẫn quyết không dời hàng rào. Ông chú uống rượu, quyết
giành lại đất. Sau phiên tòa, chú bị tử hình. Mụ sống bơ vơ. Nhưng bù lại, mụ được thừa
hưởng di sản cũng kha khá. Mấy năm sau, mụ bán nhà, bỏ luôn cái xứ nóng đầy những ký ức buồn. Mụ
theo chân một người quen đi làm ăn xa. Lần đầu đến cao nguyên, mụ thấy gì
cũng lạ. Hai bên đường cây xanh bạt ngàn. Thân cây to hơn vòng tay người ôm.
Không khí rất mát. Núi đồi chập chùng như sóng lượn. Thích nhất là những triền
đất mênh mông. Cỏ lau um tùm. Có nơi đã khai hoang để trồng lúa, bắp, mì… Đất
có vẻ rất tốt nên cây cối xanh um. Mụ quyết định ở lại đây. Mụ mua luôn mấy
hecta trồng tiêu, cà phê, điều… Năm nào có dư tiền, mụ lại mua thêm đất. Dường như
bao nhiêu đất với mụ vẫn không đủ. Mụ tích cóp từng mảnh đất nhỏ như thể sợ đến
ngày nào đó con người sinh ra đông đúc, mụ lại phải sống chen chúc
trong căn phòng chật ém. Góc nào cũng đầy đồ xếp cao lên, chất chồng. Sơ ý, đồ
có thể rơi xuống đè chết người. Mụ nhớ căn nhà cũ có cây đu đủ. Mụ đã bỏ bao công
chăm sóc. Đến lúc cây ra quả trĩu trịt thì nó chết rũ vì bị đổ nước
sôi. Mụ biết do nhà hàng xóm khó chịu với cái lá đu đủ chìa qua hàng rào nên đã
làm vậy nhưng mụ không dám nói. Vậy nên những mảnh vườn, nương rẫy bạt ngàn nơi đây
như là niềm say mê vô bờ bến với mụ.
Dẫu vậy, mụ Hạ mau chóng nhận ra sống bằng nghề
nông không thể an nhàn, sung sướng. Vợ chồng mụ từ sáng đến tối làm quần quật. Áo
quần lấm lem. Các lớp da càng ngày càng chai khiến đôi tay trở nên thô kệch. Cả tuần mụ
mới đi chợ huyện một lần. Ôi chao! Thiên hạ làm gì mà lắm tiền! Cô nào cũng má
hồng môi
đỏ, áo quần lượt là. Có lần mụ len lén vuốt nhẹ vải áo của cô gái bên cạnh. Chất vải mềm mại,
mát rượi khiến mụ thích mê, thầm nghĩ không biết bao giờ mụ mới được mặc một chiếc áo
như thế. Lại có lần mụ đang trả tới trả lui con cá tươi liền có bà chen vào:
“Làm cho chị con đó đi. Bao nhiêu?”. “ 95 ngàn”. Bà ta rút xoẹt tờ 100 ngàn và
nói:“Không cần thối”. Mụ đi qua mấy quán cà phê, quán nào cũng đầy xe. Người người cười
cười, nói nói. Không biết họ nói những chuyện gì mà quá buổi vẫn thấy
ngồi. Hôm đó, mụ Hạ chỉ mua một ít mắm ruốc, vài con cá khô và lon đậu phộng. Mụ cứ
nghĩ vẩn vơ không hiểu thiên hạ làm gì mà rảnh rỗi thong dong, mà giàu
có vậy. Mụ cũng phải quyết tâm làm giàu. Hình như dự án này đang cho mụ cơ hội đó.
Mụ Hạ kéo từng bao cà phê xuống, nhanh nhẹn
tháo nút buộc, đổ cà phê ra. Mụ ban bằng đống cà phê. Một loáng, mặt sân đã phủ đầy quả
xanh, quả chín. Chỉ vài ba nắng, hạt cà phê khô rang, tất cả thành màu nâu đất.
Muốn có tiền ngay thì bán luôn cho đại lý. Chưa cần tiền thì hốt vào bao cất trong
kho, chờ giá cao. Xong
việc, mụ Hạ cởi ủng, cởi đôi bao tay dày cộp xếp gọn một chỗ. Mụ tắm qua quýt rồi
vào bếp nấu ăn. Không bao lâu, bữa ăn cũng được dọn ra: Một đĩa rau, nước luộc
rau làm canh, chén nước mắm, 2 quả trứng luộc đã bóc vỏ. Bình thường, nhà mụ Hạ chỉ
có vợ chồng và hai đứa con. Một tháng nay có thêm bà Hân ở chơi. Nhưng thức ăn mặn
vẫn được mặc định như trước kia. Mỗi bữa chỉ có một trong các món:
trứng luộc dằm nước mắm, mắm ruốc sả thịt mỡ, muối đậu phộng, cá khô hoặc mắm
chưng. Trong những món ấy, Cường thích nhất lòng trắng trứng. Nó chỉ
đũa vào chén trứng.“Cho con lòng trắng”. Mụ Hạ lừ mắt:“Tham thế. Giành hết thì
còn gì cho người khác ăn?”. Bà Hân xắn luôn nửa quả trứng, lấy thêm lòng trắng
còn lại, cho hết vào chén cơm của Cường: “Bà không ăn đâu. Cho cháu đó. Ăn
nhiều cho mau lớn nhé”. Mụ Hạ bảo: “Bà cứ chiều nó. Dân gian nói cấm
sai: con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Bà Hân nói: Có tí trứng chứ có cái gì to lớn
đâu. Nó bé nhất nhà, chiều nó tí”. Mụ Hạ lắc đầu: “Đến bao giờ, mọi người mới hết
phân biệt người lớn người bé vậy, hở trời”.
Bữa cơm qua nhanh. Bóng tối chập choạng lan ra cũng rất
nhanh. Bà Hân đứng dậy, định vào nhà. Mụ Hạ hỏi: “Bà đi đâu?”. “Bật điện”. Mụ Hạ
nhăn mặt: “Bật sớm làm gì, lãng phí”. Bà Hân tần ngần ngồi xuống. Mụ Hạ biết,
mụ nói gì, bà Hân cũng chỉ im thin thít nghe, chưa bao giờ nói lại. Khi đành đoạn
đẩy đứa con mới
6 tuổi ra khỏi sự nuôi nấng, chăm sóc của mình thì cũng coi như bà Hân tước bỏ
quyền làm mẹ. Chữ “mẹ” cứng đơ trên đầu lưỡi, mụ Hạ không sao gọi lại được nữa.
Nhớ một buổi chiều cách đây hơn chục năm, đi làm rẫy về, mụ bỗng thấy người phụ
nữ lớn tuổi lạ hoắc, từ trong sân lao ra, ôm chầm lấy mụ. Nước mắt giàn giụa,
miệng mếu máo, bà ta gọi: “Con ơi! Con ơi! Mẹ đây!”. Mất một lúc, mụ mới hiểu
ra người đàn bà này là mẹ của mụ. Có điều lòng mụ chẳng hề dậy sóng. Mụ dửng dưng
nghe người phụ nữ kể lể nỗi nhớ thương đứa con gái xa cách mấy chục năm. Có lúc
mụ còn sượng sùng vì thấy những giọt nước mắt lã chã lăn trên gương mặt già
nua. Sao người ta dễ khóc đến vậy? Thứ tình cảm lồ lộ ở bên ngoài có
phải thật không? Đời mụ đã bao lần phải nuốt nước mắt vào trong, cố gắng đừng để ai biết
mình đang buồn, đang tủi. Sau đó mấy lần, bà Hân đưa gia đình Huệ sang nhà mụ để
chị em, các cháu gặp nhau, tăng thêm tình cảm gia đình. Lần này, bà Hân còn chủ
động ở lại nhà mụ vài tháng như muốn chuộc lỗi. Không chỉ để bà làm mọi việc trong nhà,
mụ còn chở bà lên rẫy làm cỏ, hái cà phê, nhặt điều… Mụ ngầm muốn cho bà hiểu tường tận
công việc khó khăn, vất vả thế nào. Chưa bao giờ bà Hân phàn nàn, than thở.
Bà Hân khẽ khàng: “Con ạ. Mẹ biết con phải vất
vả mới làm ra tiền. Nhưng cuộc sống bây giờ không đến nỗi thiếu ăn, thiếu mặc như
xưa. Con nên mua thêm ít thịt, cá cho mấy đứa nhỏ. Cũng phải chăm lo sức khỏe.
Sức khỏe là trên hết”. Mụ
Hạ ngạc nhiên thấy lần đầu tiên bà Hân dám “góp ý”. Mụ nhăn mặt: “Ai không biết.
Nhưng mình có giàu đâu mà hoang phí”. Bà Hân khẽ khàng: “Đủ ăn là được rồi. Không thể giàu bằng
cách tằn tiện được đâu. Giàu nghèo có số rồi”. Mụ Hạ bỗng thấy điên
tiết. Sao bà Hân dám dạy dỗ mụ? Lập tức trong đầu mụ hiện lên những ngày tháng
khó khăn, túng thiếu. Mụ phải luộc chuối xanh, tìm rau dại thay cơm, đào trộm khoai
non rửa qua loa rồi tống tộ vào mồm nuốt lấy nuốt để chỉ vì quá đói. Chưa
bao giờ có ai cho mụ vài đồng lẻ ăn quà vặt. Mụ thấm nỗi nhục của cái nghèo.
Nghèo thì nói ai nghe, được mấy ai tôn trọng? Những người chưa trải qua cái nghèo
cùng kiệt như mụ sẽ không bao giờ hiểu được nỗi sợ trước một trận ốm không
có tiền mua thuốc, vét chén gạo cuối cùng vẫn chưa biết kiếm tiền ở đâu để
ngày mai mua thêm. Người ngoài chỉ giỏi nói. Họ có ở trong cuộc đâu mà biết nỗi
lo của mụ, nỗi khao khát làm giàu của mụ. Mụ đứng bật dậy. Máu nóng bốc lên mặt.
Nước bọt văng ra. Mụ nói: “Thôi bà ơi. Nói thì ai không nói được. Nhà đây không
tiết kiệm có ngày không có cám mà ăn. Tiêu, cà rớt giá, biết dựa
vào ai? Không có tiền thì không nói được chuyện gì hết. Như bà đấy, bà không làm ra
tiền, bà có dám mạnh miệng với ai không? Mỗi lần ngửa tay xin tiền con Huệ, bà
có thấy nhục không?”. Bà Hân bỗng thấy bối rối. Chưa bao giờ bà nghĩ mụ Hạ lại
phản ứng mạnh đến vậy. Mỗi lời của mụ Hạ như xát muối. Cùng cha cùng mẹ sinh ra
nhưng tính Huệ khác hẳn. Huệ chưa bao giờ nặng lời, gắt gỏng. Có lẽ những gì
trải qua đã gieo vào lòng mụ Hạ sự oán hận, cay đắng. Họng bà đắng nghét. Giọng
lạc hẳn đi: “Thì mấy đứa nhỏ là ruột thịt của mình, tính toán làm gì. Mẹ
sợ ăn uống không đủ chất, ảnh hưởng sức khỏe”. “Không có tiền mới chết chứ
không có cá, thịt không chết được đâu”. “Mẹ sợ lúc sức khỏe không còn thì có tiền
cũng không để làm gì”. “Nói với bà lạc kênh lắm. Chán bỏ mẹ!”. Mụ Hạ làu bàu. Bằng
thái độ đó, mụ Hạ đã dựng ngay vách ngăn, chặn đứng chuyện bà Hân muốn
nói. Mụ Hạ nói sang chuyện khác. “Lần này bà về, nói cho Huệ biết tôi
muốn chia đất. Nó phía dưới. Tôi phía trên cho liên canh liên cư với rẫy cà
phê”. Bà Hân ngạc nhiên: “Hình như dự án sắp triển khai. Chục năm trước nghe
tin có con đường chạy qua, nó mới góp tiền mua chung. Con để từ từ xem người ta đo đạc thế
nào, vị trí đất ra sao rồi hãy chia”. “Toàn tin đồn nhảm. Cứ chia ra cho rõ
ràng. Ai muốn để thì để, bán thì bán. Tiền bạc phân minh. Ái tình dứt khoát”.
Bà Hân chép miệng: “Huệ đang hy vọng dự án triển khai, đất có vị trí tốt, lên giá, nó có tí
tiền sửa nhà. Nhà của nhà nước hóa giá nát lắm rồi. Lúc chồng nó nghỉ mất sức mới
được một cục đó, đem chung hết với con mua mảnh rẫy này. Tất cả đều
trông chờ vào đây”. “Bà khéo lo cho nó quá. Lo bò trắng răng. Đời cua cua máy, đời cáy
cáy đào. Biết bao nhiêu dự án treo, hai mươi năm, ba mươi năm, có nhúc nhích gì
đâu. Biết đâu mà chờ. Bà cứ về nói cho nó biết”. Mụ Hạ đứng dậy vào nhà bật điện.
Bà Hân tần ngần ngồi mãi bên mâm chén chưa dọn. Xung quanh tịch mịch,
nghe rõ tiếng thác nước vọng xa xa, làn gió mơn man trên da thịt và thi thoảng
vọng lên một tiếng chim kêu. Trước kia, nơi này là rừng già rậm rịt. Giờ
con người đã chặt phá hết để biến thành nương rẫy. Từ nương rẫy này biết đâu sắp có một
con đường đi qua kéo theo phố phường. Người người đến đây sinh cơ lập nghiệp.
Biết đâu vật đổi sao dời, mọi sự đều có thể đổi thay trong phút chốc.
*
Hơn một năm trôi qua kể từ lúc mụ Hạ chia đất cho Huệ.
Đúng như bản đồ chi tiết: Phần đất của Huệ bị quy hoạch hoàn toàn, phần đất của
mụ trở thành khu dân cư với hơn một trăm mét dọc theo con đường mới. Một năm mà
biến đổi nhanh hơn cả mười năm. Mới đó, hình dáng con đường bao quanh lòng hồ
đã hình thành. Tin tức lan nhanh như gió. Ngày nào cũng có cả dòng người
kéo đến hỏi
mua đất. Có cả một đội ngũ môi giới suốt ngày lượn lờ xung quanh khu vực công viên,
đón những người muốn mua để mời chào, báo giá. Không chỉ có người trong huyện mà
cả những người ở các tỉnh, thành phố khác cũng đổ xô đến. Sớm muộn gì, cô em ở
cách xa gần ngàn cây số cũng biết thông tin.
Mụ Hạ đoán không sai. Khi thấy Huệ xuất hiện
trước cửa, mụ Hạ liền tươi cười, bước ra ôm chầm Huệ. Mụ Hạ biết rõ Huệ bận nhiều việc. Bao
nhiêu lần cũng chỉ có chồng hoặc hai đứa con của Huệ đến thăm mụ. Nếu không vì
chuyện chia đất, Huệ khó dứt khỏi nhà, chịu đựng trận say xe đến lả người, lặn
lội tới đây. Nhưng mụ Hạ tảng lờ như không thấy bộ quần áo bám đầy bụi đỏ, dáng
vẻ bơ phờ của Huệ sau chặng đường dài. Mụ vội xách cho Huệ chiếc túi du lịch đựng
mấy bộ quần áo xẹp lép, đặt vào góc nhà, xoắn xuýt bật quạt, pha nước. Mụ nói: “Cô
đến chơi, sao không báo trước để tôi đón”. Huệ nói luôn: “Em không đi chơi. Em
đến để đòi lại đất”. Lập tức, mụ Hạ nghiêm mặt. Nếu so với sự vồn vã, ân cần
trước đó thì thái độ này là việc quay ngoắt 180 độ, rất đáng kinh ngạc. Mụ Hạ bảo: “Cô
nói gì? Đất nào? Chúng ta đã chia rõ ràng rồi”.
Giọng Huệ đanh lại: “Thôi đi, chị đừng giả vờ. Chị đã lừa em. Chị biết
toàn bộ phần đất đó đã nằm trong quy hoạch, còn chuyển nhượng cho em”. “Tôi có
phải Đức Phật nghìn tay nghìn mắt đâu mà chuyện gì cũng biết”. “ Chị biết. Chị
đã gặp Ban quản lý dự án xem bản đồ quy hoạch trước khi chia cho em. Hành động của
chị là lừa đảo. Chị phải trả đất cho em”. Mụ Hạ như đã biết trước những câu nói
này, đã chuẩn bị hết những lời đáp trả: “Cô nói hay nhỉ. Đất lên giá hàng ngày,
làm sao tôi trả cho cô được? Mà cớ gì tôi phải trả?”. Huệ thốt lên: “ Nếu chị
không trả, em sẽ chết ngay tại đây. Tất cả tiền của em, tương lai của con em
trông chờ vào số đất này. Dù sao chị còn nhiều nguồn thu ổn định, vững chắc hơn
em”. Mụ Hạ biết cuộc chiến đã nổ ra rồi. Không cần giữ thể diện gì nữa, mụ
quát to: “Này, cô định giở thói ăn vạ à? Nói cho cô biết, cô muốn chết cứ chết. Sao
cô không hiểu việc mua bán này cũng bình thường như hàng triệu cuộc mua
bán khác. Tôi có ép buộc cô đâu?”. “ Nhưng chị giấu kín thông tin”. “ Sao cô không đi
tìm hiểu thông tin. Có ai ngăn cấm cô đâu?”. “Vì em ở xa. Em là em của chị. Em
tin chị chỉ muốn làm mọi điều tốt nhất cho em”. “ Nói cho cô biết, mỗi người đều
có phúc có phận. Đất của cô không may bị quy hoạch toàn bộ, đó là cái xui
của cô, sao tôi phải chịu thay cho cô? Đất của tôi không bị quy hoạch, đó là cái may của tôi.
Cô là em tôi, cô thấy đất của tôi có giá, lẽ ra cô phải mừng cho tôi. Đằng này
cô lại đến vu vạ. Càng nói càng thấy cô đang đánh mất tình chị em”. Huệ chĩa
vào mụ Hạ cái nhìn gay gắt: “Đúng, còn gì là chị em! Chị nào chung với em từ việc mua
đất, đến mọi chi
phí đều như nhau, đến lúc chia lại chia cho em cái phần đã mất hết để một mình mình hưởng lợi.
Chị em gì khi với người thân thiết nhất chị cũng lừa lọc, tham lam”. Mụ Hạ gào
lên: “Cô đừng có ngậm máu phun người. Cô nói tôi tham lam trong khi chính cô mới
là người tham lam. Cô đi đòi lại cái phần không phải của mình, còn rủa
sả, nhiếc móc tôi. Nói cho cô biết, một tấc đất tôi cũng không trả. Có giỏi thì kiện ra
tòa”. Loang loáng trong đầu Huệ những lạng măng, gói miến, giỏ trái cây cô gói
cẩn thận làm quà gửi chị. Nghe tin chị đau, cô năn nỉ chồng thay mình đến thăm.
Vậy mà giờ đây, con người ấy đang chĩa hết móng vuốt vào cô. Cô cảm giác tuyệt
vọng vì không thể khơi gợi được chút sự thương mến. “Giờ thì em hiểu
loại người tham lam như chị sẽ không bao giờ biết tự trọng, nói chi đến tình thân. Chị
không bao giờ hiểu tình thân là gì”. Phận làm em mà dám lên giọng
chê trách, phán xét. Mụ Hạ tức điên. Mặt mụ đỏ bừng. Giọng mụ chói chát: “Phải, tôi
không hiểu tình thân. Tôi chỉ hiểu các người đã bỏ rơi tôi, phó mặc tôi sống với
người mà tôi không muốn sống. Mẹ con các người quây quần bên nhau, còn tôi côi
cút. Giờ các người quay lại vuốt ve tôi vì muốn xóa bỏ cảm giác tội lỗi đã bỏ
rơi tôi. Chứ bản chất hám lợi của các người làm sao giấu được? Tình thân gì
khi thấy người thân giàu có lại ghen tỵ? Tôi đã quá chán những lời sáo rỗng, ma
mãnh rồi. Tôi không cần loại tình thân này”.
Tất cả ẩn ức trong lòng mụ Hạ từ trước đến nay
bùng ra. Càng nói, mụ càng hăng. Nhìn mặt Huệ đẫm nước mắt, mụ Hạ không thấy một
chút xót thương, hối hận nào. Trái lại, gương mặt này càng nhắc mụ nhớ mình có
một đứa em mà vì nó phải gánh chịu mọi sự thua thiệt. Mụ muốn nhổ toẹt, gạt
phăng, dứt bỏ khuôn mặt này ra khỏi cuộc sống. Trong cơn tức giận cao trào, mụ
bỗng thấy chiếc túi xách của Huệ nằm chình ình ngay trước mắt, như dấu hiệu nhắc
mụ biết Huệ còn ở đây
vài ngày. “Đi! Đi! Cút ngay ra khỏi nhà tôi”. Mụ hét và cầm luôn chiếc túi ném ra
ngoài. Chiếc túi lượn một vòng trong không trung, rơi ịch xuống đất. Có tiếng ghế
xô lịch kịch. Mụ Hạ quay lại phía sau. Mụ hoảng hốt thấy bé Hương đang nhìn mụ trân trân.
Có lẽ nó đã chứng kiến mọi chuyện. Vẻ mặt nó ngỡ ngàng. Mắt tròn xoe. Miệng há
ra không nói được lời nào.
Giờ đây vẫn là gian phòng năm xưa, nơi mụ Hạ
và Huệ đã trải qua cuộc cãi vã kịch liệt. Hôm đó, Huệ tức giận bỏ đi luôn. Từ
đó họ không liên hệ, thăm hỏi tin tức gì của nhau nữa. Mụ Hạ thấy có thêm một
người thân cũng chẳng giàu hơn, bớt đi một người thân cũng chẳng nghèo đi. Mụ chỉ cần chăm
chút gia đình riêng là đủ.
Cường mất tích đã hai ngày. Mụ Hạ đi đi lại lại trước
mặt Hương. Nó vẫn mải mê chơi game, không cần biết lòng mụ đang nóng như lò
than cháy. Mụ hỏi lại điều đã hỏi không biết lần thứ bao nhiêu: “Hương! Mày
biết Cường đi đâu không?”. “ Con không biết”. “Mày vẫn chơi với nó mà”. “Thì vẫn
chơi”. “Hãy dẫn tao đến
những chỗ đó”. Mắt Hương không rời điện thoại. Nó nhún vai: “Con đã dẫn mẹ đi rồi”. “Bây giờ đi nữa”.
“Con không đi”. “Sao không đi?”. “Con đang chơi. Mẹ không thấy con đang trong
cuộc à?”. Mụ Hạ hiểu khó dứt Hương ra khỏi trò chơi bởi dừng lại sẽ bị mất hết
điểm. Hương có thể chơi quên ăn quên ngủ. Nhiều đêm, mụ Hạ giật
mình vì tiếng người, tiếng ùng oàng như súng nổ. Mụ hốt hoảng chạy sang phòng
Hương. Nó vẫn dán mắt vào những bóng người chân tay cứng đờ, chạy đi chạy lại
như những con lật đật trên màn hình. Mụ không hiểu cớ gì những trò này
lại có sức hút ghê gớm với bọn trẻ. Giờ đây, mắt Hương cũng dán vào màn hình điện thoại.
Hai ngón tay cái dịch chuyển liên tục. Mụ thở dài: “Sao mày có thể ghiền
chơi như thế được?”. Hương nói: “Mẹ biết con ghiền mà”. Mụ Hạ cao giọng: “Thằng
Cường bị mất tích”. Hương thản nhiên: “Mất tích thì sao?”. Mụ Hạ kinh ngạc:
“Sao là sao? Nó là em mày. Mày không thấy lo cho nó à?”. “Thế mẹ có lo cho dì
Huệ không? Dì Huệ có phải là em của mẹ không?”. Hương vẫn không ngừng
chơi, ngón tay vẫn dịch chuyển nhoay nhoáy. Khác hẳn bao lần đã nhẫn nhịn cho
qua, lần này mụ Hạ trừng mắt, quát to: “Không được hỗn”. Mụ giật phăng
chiếc điện thoại ném ra sân: “Này thì chơi! Này thì chơi!”. Chiếc điện thoại vẽ một đường
cong trong không gian, rơi ịch xuống đất.
Mấy người công an xuất hiện. Họ hỏi Hương:
- Lần cuối cháu thấy Cường ở đâu?
- Trong núi.
- Các cháu vào đó làm gì ?
- Chơi trốn tìm.
- Sao các cháu chơi ở đó?
- Cho giống trong game.
- Lần cuối cháu thấy Cường làm gi?
- Ăn bánh.
- Lúc đó cháu làm gì?
- Cũng ăn bánh.
- Có chuyện gì xảy ra không?
- Cường giành bánh của cháu, cháu không cho.
Nó giật bánh của cháu. Cháu tức quá, xô nó ngã rồi trốn về.
- Sao cháu lại trốn?
- Cháu muốn cho nó sợ, cho chừa thói tham lam.
- Sao ngay lúc đầu cháu không nói cho mọi người
biết chuyện đó?
- Cháu sợ mẹ đánh nên thôi, cho nó ở luôn đó.
Mụ Hạ sững sờ.
Ai đó đang đưa Cường về. Thân thể cứng đờ. Mắt nhắm
nghiền. Mặt trắng bệch. Mụ nghe tiếng người loáng thoáng: “Nó chết rồi”. Bóng
người kéo đến chen chúc ngoài sân, lờn vớn trước mặt mụ. Mụ Hạ bủn rủn chân
tay, vội bíu chặt thành ghế. Mồ hôi lạnh túa ra. Mụ rơi tuột xuống một hố
sâu thẳm, đen ngòm. Mụ cảm giác cửa địa ngục từng nghe trong những truyện cổ đang
mở ra. Thuồng luồng, rắn, rết nhào đến, cắn xé mụ đau điếng.
Loáng thoáng bên tai mụ tiếng cô phát thanh
viên trên bản tin thời sự: “Đại dịch covid đang lan truyền ở nhiều tỉnh. Tác nhân của bệnh
này là virus SARS- CoV-2. Chúng ủ bệnh từ 14 ngày hoặc lâu hơn, có khả năng lây
lan rất nhanh. Những người trong gia đình, cùng chung môi trường sống có khả
năng bị nhiễm nặng...”.
Tai mụ Hạ ù đi. Mụ lăn ra bất tỉnh.
Pleiku 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI